Sự Hình Thành Và Phát Triển Chợ Nổi Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long


Tiểu kết chương 1

Chợ nổi là hình thức kinh doanh thương mại trên sông và có mặt ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á. Ngoài chức năng thương mại, chợ nổi còn là nơi bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Để tạo động lực cho sự tồn tại và phát triển của chợ nổi, du lịch chợ nổi, đã có một số công trình nghiên cứu được thực hiện vào thập niên đầu và hai của thế kỉ XXI.

Chợ nổi là điểm mua bán tập trung trên sông, ở nơi ấy, các hoạt động đi lại, mua bán đều được thực hiện bằng ghe, xuồng, thuyền và thể hiện sinh kế, lối sống truyền thống của người dân. Chợ nổi có vai trò cấu thành mạng lưới thương nghiệp xã hội, làm tăng ý thức của người dân về kinh tế hàng hóa, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, thúc đẩy sự phát triển nhiều ngành nghề sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Chức năng của chợ nổi là mua bán, thực hiện và thừa nhận giá trị hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa, tập trung hàng hóa, phát tín hiệu thị trường, nâng cao hiệu quả phân phối sản phẩm và cung cấp dịch vụ. Chợ nổi chỉ được hình thành do sự tác động tổng hợp của nhân tố tự nhiên và kinh tế - xã hội.

Du lịch chợ nổi là những hoạt động nảy sinh từ sự tương tác của du khách với hoạt động mua bán tập trung trên sông của người dân, có sự tham gia của cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa chợ nổi. Để tạo động lực cho sự phát triển của du lịch chợ nổi rất cần sự tham gia của nhiều bên liên quan. Khả năng khai thác du lịch chợ nổi chịu sự tác động của các nhân tố vị trí và khả năng tiếp cận, tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng, sự kết hợp với các loại hình du lịch khác, chính sách phát triển du lịch. Có nhiều tiêu chí có thể được sử dụng để đánh giá hoạt động khai thác du lịch chợ nổi như khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nhân viên phục vụ du lịch, sự tham gia của người dân địa phương trong du lịch, trật tự và an toàn trong du lịch, môi trường sông nước và cảnh quan ở điểm du lịch, giá cả dịch vụ du lịch, công tác quản lý và đầu tư của nhà nước đối với du lịch.

Trên thế giới, chợ nổi có mặt ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á nhưng công tác tái sinh, bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch lại được thực hiện tốt nhất ở đất nước Thái Lan, qua đó, cung cấp những bài học kinh nghiệm quý giá cho những quốc gia có định hướng bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch.


CHƯƠNG 2

SỰ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CHỢ NỔI VÀ KHAI THÁC CHỢ NỔI PHỤC VỤ MỤC ĐÍCH DU LỊCH Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

2.1. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CHỢ NỔI Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

2.1.1. Khái quát chung về Đồng bằng sông Cửu Long

Chợ nổi và khai thác chợ nổi phục vụ mục đích du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long - 8

2.1.1.1. Vị trí địa lí

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất mới (theo nghĩa địa chất và lịch sử) nằm ở cực nam của Việt Nam, có diện tích 40.816,3 km2, chiếm khoảng 12,3% diện tích cả nước [69]. Ngoài phần đất liền, vùng còn có khoảng 360.000 km2 vùng đặc quyền kinh tế thuộc Biển Đông [62]. Đơn vị hành chính của vùng là thành phố trực thuộc Trung ương Cần Thơ và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Được bao bọc bởi Biển Đông và Vịnh Thái Lan, tiếp giáp Campuchia và Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí thuận lợi trong hoạt động giao thương liên vùng, liên quốc gia bằng cả đường thủy và đường bộ; hơn nữa, du khách từ các quốc gia, vùng phụ cận có thể tiếp cận điểm đến du lịch ở vùng dễ dàng bằng nhiều loại hình giao thông khác nhau. Ngoài ra, vùng còn nằm trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng nên có nhiều cơ hội hợp tác phát triển du lịch.

2.1.1.2. Điều kiện tự nhiên

Được hình thành từ những vật liệu trầm tích của biển và sông, Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình bằng phẳng. Nếu không kể một ít diện tích núi ở hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, phần lớn địa hình ở vùng có cao độ dao động từ 1 đến 3 m so với mực nước biển. Địa hình bằng phẳng thuận lợi cho hoạt động giao thông thủy và sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Ngoài ra, địa hình bằng phẳng kết hợp với cao trình thấp nên hàng năm Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị ngập lũ. Lũ về bổ sung phù sa cho đất đai, tháo chua, rửa phèn, làm sạch đồng ruộng. Bên cạnh


những thuận lợi, địa hình của vùng dễ bị ngập lũ, xâm nhập mặn, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.

Đồng bằng sông Cửu Long có khí hậu nhiệt đới ẩm cận xích đạo và điều này được thể hiện qua các chỉ số về nhiệt độ, bức xạ, chế độ mưa và độ ẩm. Nền nhiệt độ của Đồng bằng sông Cửu Long cao với nhiệt độ trung bình năm là 270C [26], nhiệt độ trung bình của tháng thấp nhất cũng không dưới 250C, tổng nhiệt độ toàn năm khoảng 9.500 đến 10.0000C [56]. Tổng lượng bức xạ hàng năm của vùng rất lớn (khoảng 140 Kcal/cm2) và phân bố đều hòa qua các tháng [56]. Lượng mưa trung bình năm ở vùng lớn (khoảng 1.300 đến 2.000 mm) và có sự phân hóa theo mùa. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 với lượng mưa tập trung tới 99% lượng mưa của năm [61]. Độ ẩm tương đối trung bình năm của vùng cao (khoảng 84-92%). Về cơ bản, khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp [56] và phát triển du lịch [68].

Có 5 nhóm đất chính ở vùng theo thứ tự diện tích giảm dần là đất phèn, đất phù sa, đất mặn, đất xám và nhóm đất khác. Đất phèn có diện tích khoảng 1,8 triệu ha [26], phân bố ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, vùng trũng trung tâm bán đảo Cà Mau, vùng trũng tây Hậu Giang [26], [56], [62]. Đất phèn có hàm lượng đạm khá nhưng vì chua và chứa nhiều sắt, nhôm nên cây trồng khó thích ứng để cho năng suất cao và dễ bị ngộ độc [26], [56]. Trong vài thập niên gần đây, khi công tác thủy lợi được hoàn thiện, nhiều diện tích đất phèn được cải tạo và trồng trọt có hiệu quả. Đất phù sa có diện tích khoảng 1.181.799 ha [26], phân bố chủ yếu ở các tỉnh/thành phố chịu sự tác động trực tiếp của sông Tiền và sông Hậu. Đất phù sa thuộc nhóm đất trẻ và phì nhiêu nhất trong đồng bằng, rất thích hợp cho canh tác nông nghiệp [56]. Đất mặn có diện tích 744.547 ha [26] và phân bố chủ yếu ở ven biển từ Long An đến Kiên Giang. Đất mặn có hàm lượng sét trên 60%, độ mặn về mùa khô cao, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đất ở mức trung bình [26]. Đất mặn tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp khi áp dụng những kỹ thuật thích hợp như tuyển lựa, chọn tạo những loại cây trồng chịu mặn, rửa mặn, bón phân. Đất xám có diện tích 134.000 ha [62], phân bố ở các vùng gò cao ở ven biên giới thuộc


tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An và quanh khối Bảy Núi (An Giang). Đất thường có sa cấu nhẹ, nghèo hữu cơ và chất dinh dưỡng, nhiều nơi tầng đất còn rất mỏng [26]. Nếu được bón sét, phân hữu cơ, phân vô cơ nhiều lần trong một vụ theo đúng kỹ thuật, loại đất này cũng thích hợp cho nhiều loại cây trồng [56]. Các loại đất cát giồng, than bùn, đỏ vàng, xói mòn thuộc nhóm đất khác và có diện tích 36.518 ha [62]. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và sự phát triển của hệ thống thủy lợi, nhóm đất này cũng cho năng suất cây trồng đáng kể.

Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi, kênh gạch chằng chịt. Về sông rạch tự nhiên, hai sông lớn nhất vùng là sông Tiền và sông Hậu. Sông Tiền chảy qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và phân thành nhiều nhánh, đổ ra Biển Đông ở 6 cửa: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu. Sông Hậu chảy qua các tỉnh/thành phố như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và phân thành hai nhánh, đổ ra Biển Đông ở hai cửa: Định An và Trần Đề. Sông Tiền và sông Hậu có lượng nước dồi dào quanh năm (lưu lượng dòng chảy của sông Tiền 9.390 m3/s ở Tân Châu, của sông Hậu 2.430 m3/s ở Châu Đốc [26]; trước khi chia nước cho sông Hậu qua sông Vàm Nao, lưu lượng nước sông Tiền chiếm 79,47%, lưu lượng nước sông Hậu chiếm 20,53%; từ sông Vàm Nao trở xuống, lưu lượng nước hai sông ít chênh lệch nhau (sông Tiền 51,6% và sông Hậu 48,4%)). Ngoài sông Tiền, sông Hậu và các chi lưu của chúng, vùng còn có các sông tương đối lớn như Mỹ Thạnh, Gành Hào, Bồ Đề, Cái Lớn, Cái Bé, Ông Đốc, Bảy Háp, Cửa Lớn,… Hệ thống kênh đào ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chủ yếu trong khoảng 120 năm trở lại đây. Các kênh đào quan trọng trong vùng gồm Vĩnh Tế, Rạch Giá - Long Xuyên, Cái Sắn, Xà No, Chắc Băng, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Trung Ương, Nguyễn Văn Tiếp, Chợ Gạo, Cà Mau đi Bạc Liêu,… Sông rạch tự nhiên kết hợp với kênh đào tạo nên mạng lưới thủy văn dọc ngang, dày đặc. Sông ngòi, kênh rạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ có vai trò cung cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt; bổ sung phù sa cho đất đai; tiêu thoát lũ, thau chua, rửa phèn, rửa mặn; cung cấp mặt bằng cho hoạt động giao thông, thương mại và cư


trú của người dân mà còn là môi trường sinh trưởng và phát triển của nhiều loại thủy sản; có khả năng hấp dẫn du khách;…

2.1.1.3. Điều kiện kinh tế - xã hội

Đồng bằng sông Cửu Long có dân số khá đông. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê [69], năm 2017, vùng có 17,7 triệu người, chiếm 18,94% tổng dân số cả nước, chỉ ít dân hơn Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Mật độ dân số của vùng khá cao. Năm 2017, vùng có 435 người định cư trên 1 km2 [69]. So với cả nước, mật độ dân số của vùng cao hơn 1,54 lần. Trong 6 vùng kinh tế của Việt Nam, mật độ dân số của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ thấp hơn so với Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Tỉ lệ dân thành thị ở vùng thấp (25,5%)

[69] cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long còn mang đậm dấu ấn nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Do sự tác động của nhiều yếu tố, người dân ở vùng có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, thích ứng với lũ và tình trạng xâm nhập mặn.

Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn lao động khá đông đảo. Năm 2017, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở vùng gần 10,6 triệu người, chiếm 19,3% lực lượng lao động của cả nước [69]. So với các vùng kinh tế khác, Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 3 về lực lượng lao động (sau Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung). Tỷ lệ lao động đang làm việc chiếm 58,2% dân số của vùng [69] và tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản nhưng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực (tăng tỉ trọng lao động công nghiệp - xây dựng và dịch vụ) [61]. Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo của vùng có xu hướng tăng nhưng thấp nhất so với các vùng và của cả nước (12,1%) [69]. Điều này gây khó khăn trong phát triển kinh tế, nhất là đối với lĩnh vực dịch vụ. Dân số đông, số người trong độ tuổi lao động nhiều, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp (2,88%) và thiếu việc làm (3,24%) của người dân ở vùng cao hơn mức trung bình của cả nước và các vùng kinh tế khác [69]. Vì vậy, việc làm đang là vấn đề cấp thiết đối với cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hệ thống giao thông của vùng đang được hoàn thiện cả về đường bộ, đường sông, đường biển và đường hàng không, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại,


chuyên chở hàng hóa và hành khách nội vùng, với các vùng khác trong nước và với quốc tế. Về cơ bản, mạng lưới điện đã đáp ứng được nhu cầu của người dân trong vùng. 100% xã đã được phủ kín bởi mạng lưới điện quốc gia, trên 90% hộ gia đình được sử dụng điện. Bưu chính, viễn thông ngày càng hoàn thiện và đang được hiện đại hóa theo hướng tự động hóa, số hóa, đồng bộ hóa mạng lưới thông tin liên lạc phù hợp với yêu cầu thông tin trong nước và giao lưu quốc tế của người dân [61].

Cơ cấu kinh tế theo ngành của vùng gồm nông - lâm - thủy sản, công nghiệp và dịch vụ. Ngành nông - lâm - thủy sản chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP và tỉ trọng của ngành có xu hướng giảm. Tỉ trọng của ngành dịch vụ lớn thứ hai và có xu hướng tăng. Tỉ trọng nhỏ nhất trong các ngành và có xu hướng tăng là thực trạng của ngành công nghiệp.

- Đối với ngành nông - lâm - thủy sản, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất bởi chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất. Ngành nông nghiệp được cấu thành bởi trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp, ngành trồng trọt luôn chiếm ưu thế về tỉ trọng. Với những lợi thế về đất đai, khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vùng trọng điểm lương thực lớn nhất cả nước. Các cây trồng chính ở vùng là cây lương thực (lúa, ngô), cây ăn quả (cam, chanh, quít, chuối, xoài, nhãn, bưởi), cây công nghiệp (mía, đay, cói, dừa) [61]. Năm 2017, diện tích cây lương thực có hạt của vùng là 4.223,9 nghìn ha, chiếm 47,94% diện tích của cả nước và cao hơn các vùng kinh tế khác. Bên cạnh diện tích, sản lượng cây lương thực có hạt của vùng cũng cao hơn các vùng khác (23.834 nghìn tấn) và chiếm 49,76% sản lượng của cả nước. Diện tích và sản lượng cao, dẫn đến sản lượng cây lương thực có hạt bình quân đầu người (1.343,7 kg) của vùng cũng cao hơn so với của cả nước và các vùng kinh tế khác [69].

- Về công nghiệp, tỉ trọng sản xuất công nghiệp của vùng đứng thứ ba của cả nước, sau Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Các ngành công nghiệp chính của vùng là chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện, hóa chất, dệt - may, da - giày. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến lương


thực, thực phẩm chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp và bao gồm xay xát, chế biến thủy sản, chế biến đường.

- Khu vực dịch vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long có những chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng khá cao. Hoạt động dịch vụ khá đa dạng bao gồm giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, thương mại, du lịch phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về sản xuất lúa gạo, cây ăn quả, thủy sản nên hoạt động giao thương, buôn bán của vùng có nhiều điều kiện phát triển. Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với các sản phẩm đặc trưng là du lịch sinh thái, du lịch sông nước, du lịch miệt vườn, tham quan di tích lịch sử - văn hóa, du lịch biển đảo [61].

2.1.2. Sự hình thành chợ nổi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

2.1.2.1. Lịch sử hình thành chợ nổi

Chợ nổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long ra đời tự nhiên từ hoạt động đi lại và mua bán trên sông của người dân. Vì lẽ đó, năm ra đời cụ thể của từng chợ nổi chưa được tài liệu nào ghi chép lại là điều không có gì khó hiểu. Để truy tìm thời gian ra đời của chợ nổi, chúng tôi phải tra cứu tài liệu, tham vấn nhiều người dân địa phương và người dân thương hồ.

Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí là hai tác phẩm ghi chép đầy đủ nhất về lịch sử, địa lý, phong tục, thổ sản, điếm chợ,… của vùng đất Gia Định nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng từ cuối thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XX, cung cấp tư liệu hữu ích về cảnh mua bán ở một số chợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long xưa.

Sách Gia Định thành thông chí (1820-1822) mô tả: chợ Hưng Lợi (phía nam sông Bảo Định, tỉnh Định Tường) quay mặt ra sông lớn, người đi lại thường đậu ghe thuyền ở đây, đợi con nước lên để tiếp tục chuyến đi, trên sông có nhiều xuồng chở bán đồ ăn,…; chợ Long Hồ (cách trấn Vĩnh Thanh 1 dặm về phía đông) được thành lập năm 1732, giáp sông ở hai mặt, nhà cửa đông đúc, ghe thuyền đậu đầy bến,… [15]. Sách Đại Nam nhất thống chí (1910) ghi: chợ Mỹ Tho (huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường) là một chợ lớn, nhà cửa đông đúc, (ở bến sông) tàu thuyền


tới lui như mắc cửi,...; chợ Ba Việt (huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long) nhà cửa, đường sá san sát, ghe thuyền tới lui liên tục,… [11].

Những cụm từ “người qua lại thường đậu thuyền ở đây”, “trên sông có nhiều xuồng chở bán đồ ăn”, “ghe thuyền đậu đầy bến”, “ở bến sông, tàu thuyền tới lui như mắc cửi”, “ghe thuyền tới lui liên tục” cho thấy có hai khả năng. Một là, những ghe xuồng này đơn thuần được neo đậu tại bờ sông cạnh chợ phố hoặc ở nơi giáp nước để phục vụ nhu cầu đi chợ hay đợi con nước lớn của người dân. Hai là, hoạt động mua bán giữa người dân thương hồ với cư dân đô thị diễn ra trên sông và phương tiện phục vụ giao thương là ghe, xuồng. Nếu khả năng thứ hai là có thực thì chợ nổi được hình thành vào cuối thế kỉ XVIII. Lâm Nhân [38] cho rằng, chợ nổi Cái Bè ra đời vào cuối thế kỉ XVIII.

Đầu thế kỉ XIX, đoạn nối sông Cần Thơ với sông Cái Lớn, nước cạn từ cuối mùa đông qua mùa xuân; từ mùa hạ qua mùa đông, nước ngập bờ bến, ghe thuyền lướt trên cỏ, lục bình mà đi, ở đây vắng vẻ, rừng rậm ở hai bên sông, không có dân cư, có nhiều ruồi muỗi và đỉa khiến người qua lại rất khổ sở [15]. Tình trạng đi lại khó khăn và vắng vẻ này kéo dài đến khi kênh xáng Xà No được hoàn thành vào tháng 7 năm 1903. Do đó, chợ nổi Cái Răng không thể được hình thành trước năm 1903. Chúng tôi cho rằng, chợ nổi Cái Răng được hình thành vào đầu thế kỉ XX sau khi luồng lưu thông giữa sông Cần Thơ và sông Cái Lớn thuận tiện.

Trong thời gian 1906-1908, người Pháp cho đào nhiều kênh ở vùng Hậu Giang để hình thành nên Ngã Bảy và Ngã Năm [37]. Sau năm 1908, Ngã Bảy và Ngã Năm trở thành đầu mối quan trọng về đường thủy (nối bán đảo Cà Mau với sông Hậu, sông Tiền và Sài Gòn). Cửa hiệu, trại xuồng, vựa cá, nhà máy xay lúa, trại cưa,... nhanh chóng mọc lên [37]. Sau khi điều kiện giao thông đã thuận lợi, phố xá mọc lên đông đúc thì chợ nổi mới có thể ra đời. Do đó, chúng tôi cho rằng, chợ nổi Ngã Bảy và Ngã Năm được hình thành vào đầu thế kỉ XX.

Trong thời chiến chống Mỹ, chợ nổi Ngã Năm, Ngã Bảy, Cái Răng và Cái Bè vẫn hoạt động. Năm 1959, Sơn Nam cho xuất bản lần đầu tác phẩm Tìm hiểu đất Hậu Giang, ông viết: vào buổi sáng, lúc nhóm chợ, xuồng ghe tấp nập ở chợ Ngã Năm, nhờ đó, chúng ta có thể đi một vòng tròn qua 5 con kênh xáng bằng cách di

Xem tất cả 225 trang.

Ngày đăng: 08/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí