Thực Tiễn Về Chợ Nổi Và Khai Thác Chợ Nổi Phục Vụ Mục Đích Du Lịch Ở Thái Lan


Khía cạnh chất lượng của nhân viên thể hiện mức độ đầu tư của địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực và khả năng đáp ứng những đòi hỏi của du khách.

+ Tiêu chí đánh giá: mức độ đa dạng đối với hoạt động phục vụ của nhân viên, mức độ đáp ứng về lượng và chất của nhân viên phục vụ.

- Sự tham gia của người dân địa phương trong du lịch:

+ Sự tham gia của người dân địa phương có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động khai thác chợ nổi phục vụ du lịch. Trên phương diện vai trò, người dân địa phương có khả năng rất lớn trong việc phát triển sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách, đóng góp ý tưởng cho việc quy hoạch và quản lý du lịch. Vì vậy, để tạo sự đồng thuận của xã hội, tận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của người dân, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của du lịch, cải thiện kinh tế của địa phương, rất cần sự tham gia của người dân trong du lịch với các vai trò khác nhau. Hai trong nhiều phương diện có thể đánh giá sự tham gia của người dân trong du lịch chợ nổi là các công việc và mức độ tham gia của người dân. Các khía cạnh này phản ánh mức độ đa dạng của dịch vụ, nhu cầu của du khách, sự đầu tư phát triển du lịch của địa phương, tính dân chủ và công bằng xã hội.

+ Tiêu chí đánh giá: các công việc và mức độ tham gia của người dân địa phương trong du lịch.

- Trật tự và an toàn trong du lịch:

+ Trật tự và an toàn đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động khai thác du lịch ở các chợ nổi bởi chúng ảnh hưởng đến cảm giác và ấn tượng của du khách. Vì vậy, một điểm đến du lịch mà trật tự và an toàn đảm bảo sẽ có nhiều lợi thế cho việc khai thác du lịch và ngược lại. Có thể đánh giá tiêu chí trật tự và an toàn trong du lịch chợ nổi trên hai phương diện biểu hiện và mức độ đảm bảo. Hai khía cạnh này phản ánh ý thức của người dân và công tác quản lý của địa phương ở điểm đến.

+ Tiêu chí đánh giá: các biểu hiện của an ninh trật tự và an toàn, phương diện đảm bảo và chưa đảm bảo đối với an ninh trật tự và an toàn trong du lịch.

- Môi trường sông nước và cảnh quan ở điểm du lịch:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.


+ Môi trường sông nước và cảnh quan ở chợ nổi có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động khai thác du lịch bởi những yếu tố này có khả năng thúc đẩy hoặc kìm hãm nhu cầu đa dạng của du khách. Vì lẽ đó, hoạt động khai thác du lịch sẽ trở nên hiệu quả hơn đối với những chợ nổi, nơi môi trường sông nước chưa bị ô nhiễm và cảnh quan ngăn nắp, đẹp. Môi trường sông nước và cảnh quan ở chợ nổi có thể được đánh giá thông qua lượng rác thải trên sông, chất lượng của nước sông và cảnh quan dọc bờ sông. Các tiêu chí này phản ánh ý thức của người dân và du khách, công tác bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan ở điểm đến du lịch.

Chợ nổi và khai thác chợ nổi phục vụ mục đích du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long - 7

+ Tiêu chí đánh giá: rác thải trên sông, chất lượng nước sông, cảnh quan hai bên bờ sông.

- Giá cả dịch vụ du lịch:

+ Giá cả dịch vụ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động khai thác chợ nổi phục vụ du lịch bởi chúng có mối quan hệ nghịch với cầu của du khách. Điều này có nghĩa là, giá cả dịch vụ càng cao thì nhu cầu của du khách đối với du lịch chợ nổi càng thấp và ngược lại. Vì vậy, nếu các yếu tố khác như nhau, chợ nổi nào có mức giá dịch vụ càng thấp hoặc hợp lý thì có nhiều lợi thế trong việc thu hút du khách. Giá cả dịch vụ du lịch có thể được đánh giá thông qua xem xét mối tương quan giữa mức giá với chất lượng dịch vụ và khả năng đạt được những trải nghiệm của du khách. Tiêu chí này phản ánh mức độ chuyên nghiệp trong kinh doanh du lịch và công tác quản lý giá cả ở điểm đến của địa phương.

+ Tiêu chí đánh giá: mức độ hợp lý của giá cả các loại dịch vụ.

- Công tác quản lý và đầu tư của nhà nước đối với du lịch:

+ Công tác quản lý và đầu tư của nhà nước có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động khai thác chợ nổi phục vụ du lịch. Sự quản lý của nhà nước đảm bảo an ninh trật tự ở điểm đến, an toàn cho du khách và tạo ra khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động. Nội dung quản lý nhà nước về du lịch chợ nổi có thể gồm xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch; cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh du lịch; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch; đào tạo, phát triển nhân viên phục vụ du lịch; quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi


trường du lịch; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về du lịch. Sự đầu tư của nhà nước thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân viên phục vụ, cảnh quan, môi trường, sản phẩm du lịch,… Các lĩnh vực thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước gồm cơ sở hạ tầng, nhân viên phục vụ, xúc tiến và quảng bá du lịch, bảo tồn tài nguyên du lịch, tổ chức sự kiện và lễ hội,…

+ Tiêu chí đánh giá: các hoạt động quản lý và đầu tư phát triển du lịch.

1.3. THỰC TIỄN VỀ CHỢ NỔI VÀ KHAI THÁC CHỢ NỔI PHỤC VỤ MỤC ĐÍCH DU LỊCH Ở THÁI LAN

Chợ nổi có ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, do đó, việc bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch chủ yếu diễn ra ở những xứ sở này. Thái Lan không chỉ là quốc gia có nhiều chợ nổi nhất mà công tác phục hồi, bảo tồn và khai thác chợ nổi cũng đạt được những thành tựu nổi bật nhất, xứng đáng là mô hình mẫu cho nhiều quốc gia noi theo. Indonesia cũng có chợ nổi nhưng số lượng ít và công tác bảo tồn, khai thác chợ nổi ở quốc gia này chưa có gì đáng kể. Đối với Việt Nam, chợ nổi chỉ có ở Đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy, những vấn đề liên quan đến chợ nổi và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch sẽ được bàn luận cụ thể trong chương 2 của luận án. Từ tình hình thực tế nêu trên, những vấn đề thực tiễn về chợ nổi và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch chỉ được nghiên cứu đối với một số trường hợp điển hình ở đất nước Thái Lan.

1.3.1. Chợ nổi và phát triển du lịch chợ nổi ở Thái Lan

1.3.1.1. Chợ nổi Amphawa

Chợ nổi Amphawa dài khoảng 200 m, ở huyện Amphawa, tỉnh Samut Songkram, Thái Lan. Chợ được hình thành vào nửa cuối thế kỉ XVIII với tên gọi Bang Chang. Lúc bấy giờ, chợ có quy mô lớn nhất trong số những chợ nổi và đóng vai trò trung tâm giao thương hàng nông sản của vùng Bang Chang và những khu vực phụ cận. Vào giữa thế kỉ XIX, chợ rất sung túc và sự thịnh vượng này tiếp tục kéo dài đến khoảng năm 1973. Khoảng năm 1974, với sự phát triển của mạng lưới đường bộ, những hoạt động giao thương được chuyển lên đất liền, dẫn đến sự biến mất của chợ nổi. Sau đó, Amphawa chỉ còn là một cộng đồng nhỏ, vắng vẻ với nền kinh tế tự cung tự cấp, thị trấn Amphawa đang chết [93], [126].


Năm 2001, dự án bảo tồn sông ngòi và kênh rạch Amphawa được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Quy hoạch và Chính sách tài nguyên môi trường, Khoa Kiến trúc Trường Đại học Chulalongkorn, chính quyền địa phương. Năm 2002, Amphawa nhận được phần thưởng “Cộng đồng được bảo tồn tốt nhất”. Thành công bước đầu này tạo tiền đề cho việc thực hiện những hành động tiếp theo trong dự án bảo tồn và phát triển văn hóa, môi trường Amphawa.

Năm 2004, thị trưởng Amphawa bắt đầu thực hiện sáng kiến khôi phục chợ nổi để xúc tiến du lịch và cải thiện kinh tế địa phương với sự hợp tác của những người lãnh đạo cộng đồng và người bán dạo [125]. Trước hết chính quyền đô thị cho người dân thấy được giá trị tiềm năng của những ngôi nhà cổ trong việc tạo thu nhập thông qua phát triển du lịch văn hóa. Để khôi phục chợ nổi cần phải có một người lãnh đạo đóng vai trò cung cấp những hướng dẫn phát triển và thị trưởng đảm nhận vai trò này [93].

Để khôi phục chợ nổi, thị trưởng tham khảo ý kiến của cư dân địa phương và triệu tập nhiều cuộc họp với những người lãnh đạo cộng đồng và thương nhân để yêu cầu sự hợp tác và giúp đỡ của họ. Nhằm thu hút người bán dạo trên thuyền, chính quyền đô thị cấp cho mỗi thuyền buôn bán ở chợ nổi 300 Baht mỗi ngày. Ngoài ra, thỉnh thoảng thị trưởng và những người kinh doanh giàu có ở địa phương mua lại một số mặt hàng của người bán dạo trong trường hợp họ không bán hết hàng đến cuối ngày [125]; cung cấp phiếu thưởng tiền mặt cho những du khách mua thực phẩm từ những người bán dạo trên thuyền [93].

Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh dịch vụ, thị trưởng yêu cầu người dân Amphawa không nấu bữa tối ở nhà vào các ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật để đi ăn tối ở chợ nổi [93]. Nhờ vậy, ngày đầu tiên vận hành, chợ nổi có 10 người bán dạo trên thuyền và 40 cửa hàng cạnh bờ kênh [125]. Sau đó, số người bán dạo trên thuyền, người mua, du khách gia tăng đáng kể [93]. Khi nổi tiếng được vài tháng, thị trưởng bắt đầu chấm dứt việc chi trả cho những người bán dạo trên thuyền [125].

Năm 2005, chợ nổi có quy mô nhỏ và chỉ vài du khách thực hiện chuyến tham quan dọc kênh đào [126]. Với chiến lược quảng bá và phát triển điểm đến dựa trên quan điểm “khách hàng là trung tâm”, “đáp ứng cả nhu cầu trong và ngoài nước”, “thỏa mãn những nhu cầu chưa được đáp ứng”, những khảo sát để nắm bắt mong


muốn của khách hàng được tiến hành trước khi đưa ra sản phẩm, dịch vụ và những hoạt động quảng bá. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chương trình tivi, báo, tạp chí, người dân trong việc quảng bá, Amphawa trở nên nổi tiếng dần [125], [126]. Năm 2008, khung cảnh kênh đào trở nên hỗn độn bởi số lượt khách và người bán dạo đã gia tăng đáng kể. Năm 2010, Amphawa đón hơn 10.000 lượt khách/ngày và trở thành một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất ở tỉnh và là một trong những chợ nổi nổi tiếng nhất ở Thái Lan [93], [125]. Các hoạt động du lịch ở Amphawa gồm tham quan vườn trái cây, xem đom đóm vào đêm, ẩm thực, khám phá văn hóa truyền thống, mua sắm, đi thuyền trên sông ngắm phong cảnh.

1.3.1.2. Chợ nổi Damnoen Saduak

Chợ nổi Damnoen Saduak tọa lạc ở huyện Damnoen Saduak, tỉnh Ratchaburi, Thái Lan. Chợ được hình thành vào nửa cuối thế kỉ XIX trên kênh đào Damnoen Saduak. Năm 1962, nhiều thương nhân mua bán trên những chiếc thuyền nhỏ di chuyển vào kênh đào Lad Plee để đảm bảo an toàn giao thông, theo đó, chợ nổi được hình thành ở vị trí mới (vẫn được gọi là Damnoen Saduak). Năm 1967, sự phát triển của hệ thống giao thông đường bộ làm cho chợ nổi Damnoen Saduak bị đóng cửa. Năm 1971, chợ được khôi phục dưới sự hợp tác của Tổ chức Du lịch Thái và công ty du lịch quốc tế để xúc tiến du lịch ở Thái Lan. Nhờ được quảng bá rộng rãi trên nhiều phương tiện, chợ trở nên nổi tiếng vào năm 1973. Sau đó, Damnoen Saduak dịch chuyển từ điểm đến địa phương sang điểm đến quốc tế [93].

Năm 1981, một con đường ở gần kênh đào Thon Kem được xây dựng, hai bên kênh đào có nhiều vườn trái cây, du khách có thể đến kênh đào bằng ô tô, nhiều người kinh doanh bắt đầu xây dựng nhà hàng, bãi đỗ xe, bến tàu du lịch và cơ sở lưu trú ở kênh đào này. Sau đó, họ giới thiệu vị trí này đến những người bán dạo trên tàu, hướng dẫn viên và công ty du lịch. Kết quả, nhiều người bán dạo và du khách bắt đầu đến chợ nổi mới và hoạt động giao thương ở đó trở nên năng động hơn. Chợ nổi ở Lad Plee bị đóng cửa, chợ nổi ở Thon Kem thừa hưởng tên Damnoen Saduak, nhiều cửa hàng đồ lưu niệm và nhà hàng mọc lên [93].

Chợ nổi thuộc lĩnh vực tư nhân nên những người sở hữu không muốn có sự tham gia nhiều của cơ quan chính phủ, nhà chuyên môn và cộng đồng. Trước tình hình đó,


năm 2009, cộng đồng địa phương tiến hành khôi phục chợ nổi ở vị trí cũ (cửa kênh đào Lad Plee). Những công việc cụ thể của dự án như sau: cải thiện phong cảnh kênh đào, cải thiện kiến trúc chợ (bến tàu, lối đi bộ dọc kênh đào), cung cấp thông tin và thể hiện lối sống của người dân địa phương đến du khách (xây dựng bảo tàng dân gian, cung cấp chuyến du lịch kênh đào bằng xuồng chèo), sắp xếp những hoạt động/sự kiện để ủng hộ người bán dạo trên tàu (thực phẩm ngon của người Damnoen, đám cưới ở chợ nổi), thuyết phục người dân về tầm quan trọng của chợ nổi [93]. Hiện tại, Damnoen Saduak là điểm đến du lịch rất nổi tiếng trên đất Thái. Các hoạt động du lịch chính ở chợ nổi gồm tham quan hoạt động buôn bán của những người bán dạo trên kênh đào, mua hàng nông sản và đồ lưu niệm, đi thuyền ngắm phong cảnh, ẩm thực,…

1.3.1.3. Chợ nổi Taling Chan

Chợ nổi Taling Chan tọa lạc trước văn phòng huyện cùng tên, trên sông Chao Praya, huyện Taling Chan, thành phố Bangkok, Thái Lan. Trước năm 1971, chợ có tên “chợ tàu” và nằm trên kênh đào Bang La-mard, cách chợ nổi hiện tại khoảng 500 m. Khoảng năm 1971, chợ bị đóng cửa do sự phát triển của đường bộ. Năm 1987, chợ được khôi phục dưới sự điều hành của Giám đốc văn phòng huyện Taling Chan cùng sự hợp tác của những người dân làng và những nhà lãnh đạo cộng đồng. Chợ nổi được khôi phục ở vị trí mới bởi Ban điều hành muốn kết hợp cả đường thủy và đường bộ.

Ban đầu, do không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ nên kinh phí cho việc phục hồi chợ được đóng góp từ Giám đốc văn phòng huyện, những người lãnh đạo cộng đồng và người bán dạo. Với số tiền quyên góp được không nhiều (50.000 Baht) nên chỉ có 5 chiếc bè nổi được xây dựng ở chợ. Bởi hoạt động giao thương của chợ càng trở nên sung túc nên những người bán dạo xây dựng thêm 4 bè nổi nữa, nâng tổng số bè lên 9 chiếc [93]. Hình thức thương mại chính ở chợ là bán buôn. Những người làm vườn, bán dạo, nội trợ, công chức địa phương được mời đến buôn bán ở chợ. Ban điều hành không thu phí thuê mặt bằng để thu hút người bán dạo. Năm 1996, chợ bước vào thời kỳ suy thoái và hoạt động bán buôn cũng kết thúc sứ mệnh của nó do: số người tham gia buôn bán và khách tham quan ở chợ rất ít, Giám đốc văn phòng huyện chuyển nơi công tác, không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ huyện [93].


Sau đó, Giám đốc mới của văn phòng huyện thấy được tiềm năng to lớn của chợ nổi Taling Chan trong du lịch văn hóa nên ông ta tiếp tục khôi phục nó. Ông tiến hành sửa chữa đường sá, cải tạo phong cảnh chợ, trồng những khu cây xanh, xây dựng biển báo, bãi đỗ xe và nhà vệ sinh. Đối với chợ nổi, ông xây dựng 11 bè bằng kim loại dưới sự hỗ trợ tài chính từ Chính quyền Bangkok để thay thế những bè cũ bằng tre. Nhiều món ăn Thái (mì, tôm/cá nướng, xà lách đu đủ, thịt lợn với nước cốt dừa,…) và hoạt động vui chơi giải trí (nhạc, khiêu vũ cổ điển Thái, mát-xa, karaoke,…) được tạo ra. Để trao quyền tổ chức chợ nổi cho cộng đồng địa phương, Giám đốc hình thành “Hiệp hội Chợ nổi Taling Chan” năm 1998. Chủ tịch Hiệp hội được tuyển chọn từ những người bán dạo và thành viên trong Hiệp hội được đề cử bởi chủ tịch. Tất cả thành viên của Hiệp hội là những người bán dạo ở chợ. Giám đốc trao quyền quản lý chợ nổi cho Hiệp hội và tổ chức những buổi hướng dẫn Hiệp hội cách thức quản lý chợ [93].

Năm 2002, chợ nổi được quản lý, vận hành bởi Hiệp hội Chợ nổi Taling Chan. Các chiến lược và hành động gồm hợp tác với Chính quyền Bangkok và văn phòng huyện trong phát triển chợ nổi (gia tăng sức chứa nhà hàng nổi); gia tăng sự hài lòng của du khách (đào tạo những người bán dạo để họ hiểu lợi ích lâu dài của du lịch, tầm quan trọng của lòng mến khách và cách thức biểu diễn văn hóa; kiểm soát giá cả hàng hóa; sắp xếp cuộc họp thường niên với những người bán dạo; thiết lập luật lệ và quy tắc để kiểm soát hành vi của người bán dạo); xây dựng sự liên kết du lịch (trường học, đền, người làm vườn, nghệ sĩ); nâng cao nhận thức cộng đồng (tổ chức những lễ hội và phong tục thường niên, cung cấp thông tin du lịch) [93].

Các hoạt động du lịch ở chợ nổi Taling Chan gồm đi thuyền trên sông ngắm phong cảnh, tham quan vườn hoa, viếng thăm chùa, ẩm thực, mua sắm. Năm 2005, chợ nổi Taling Chan được liệt kê vào danh sách những điểm đến tốt nhất ở Bangkok. Năm 2010, mỗi ngày có gần 1.000 khách đến chợ, trong đó, 90% khách là người Thái, 10% khách còn lại hầu hết đến từ các nước phương Tây [93].

1.3.2. Bài học kinh nghiệm cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Amphawa, Damnoen Saduak và Taling Chan là những chợ nổi không chỉ có tầm quan trọng về kiến trúc, văn hóa, xã hội và kinh tế mà còn là điểm đến du lịch


nổi tiếng trên thế giới. Trong quá khứ, do sự phát triển của hệ thống giao thông đường bộ, sự cạnh tranh của chợ truyền thống và siêu thị đã làm các chợ nổi lần lượt mất đi. Trong vài thập niên gần đây, các chợ nổi được khôi phục, bảo tồn và khai thác theo hướng du lịch. Quá trình phục hồi, bảo tồn và khai thác du lịch ở các chợ nổi trên cung cấp những bài học kinh nghiệm sau:

(1) Tạo nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động bảo tồn và khai thác du lịch chợ nổi (ngân sách địa phương, kêu gọi sự đóng góp của xã hội) và sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, hiệu quả;

(2) Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương tham gia mua bán và cung cấp dịch vụ du lịch ở chợ nổi;

(3) Phối hợp nhiều bên liên quan trong việc bảo tồn và khai thác du lịch chợ nổi, trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò điều phối;

(4) Thu thập ý kiến, ý tưởng của nhiều bên liên quan thông qua việc tổ chức các buổi họp cộng đồng, hội nghị, hội thảo khoa học;

(5) Cải tạo cảnh quan, môi trường và cơ sở hạ tầng;

(6) Thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân theo hướng có lợi cho hoạt động bảo tồn và khai thác du lịch chợ nổi;

(7) Đa dạng hóa sản phẩm và tạo ra sự khác biệt, độc đáo của điểm đến;

(8) Kết hợp với các điểm đến phụ cận trong khai thác du lịch chợ nổi;

(9) Kiểm soát giá cả dịch vụ, hàng hóa;

(10) Lấy người dân địa phương làm trung tâm trong các kế hoạch, dự án phát triển du lịch chợ nổi;

(11) Thường xuyên khảo sát du khách để có những chiến lược đúng đắn;

(12) Quan tâm đến cả khách nội địa và quốc tế;

(13) Tạo ra những dịch vụ và hàng hóa mang bản sắc văn hóa địa phương;

(14) Tạo ra sự quyết tâm, đoàn kết và ủng hộ của cộng đồng;

(15) Đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho du khách ở điểm đến du lịch;

(16) Thành lập đội thu gom rác ở chợ nổi;

(17) Phát triển đội thuyền chuyên bán hàng cho du khách.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/05/2023