Chợ nổi và khai thác chợ nổi phục vụ mục đích du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long - 2


MỞ ĐẦU

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Trong những thập niên gần đây, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực đối với kinh tế, xã hội, văn hóa và quá trình hội nhập quốc tế của quốc gia, dân tộc. Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch đối với công cuộc phát triển đất nước, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị [5] đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Để đạt được những mục tiêu trên, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong việc tập trung mọi nguồn lực để khai thác sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch của các vùng. Chợ nổi là loại hình kinh doanh thương mại truyền thống, hàm chứa những giá trị văn hóa đi lại, mua bán và sinh hoạt trên sông độc đáo của người dân, có khả năng khai thác phục vụ du lịch nên được xác định là một trong các sản phẩm du lịch đặc thù (cấp quốc gia) của vùng Đồng bằng sông Cửu Long [70]. Du lịch tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm chợ nổi ở vùng đã và đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần tạo nguồn thu cho địa phương và người dân.

Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh những hoạt động, sự đầu tư có tác động tích cực (tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thương hồ mua bán ở chợ nổi, xây dựng bến tàu du lịch và bãi đỗ xe, trang bị phương tiện chuyên chở khách tham quan, hình thành một số dịch vụ ăn uống và mua sắm,…) vẫn còn nhiều rào cản gây trở ngại lớn cho sự tồn tại của chợ nổi và hoạt động khai thác chợ nổi phục vụ du lịch ở vùng (thu phí bến nước, di dời chợ nổi, an ninh trật tự và an toàn không đảm bảo, vệ sinh môi trường chưa tốt, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật chưa tương xứng, sự phối hợp giữa các bên liên quan còn nhiều hạn chế,…). Trong khi đó, nhiều địa phương đang có nhu cầu bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch. Vì vậy, nghiên cứu “Chợ nổi và khai thác chợ nổi phục vụ mục đích du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long” không chỉ góp phần khắc phục những điểm nghẽn trong công


tác bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch mà còn phù hợp với mong đợi của nhiều địa phương.

Việc triển khai luận án nhằm trả lời được các câu hỏi sau đây:

(1) Sự hình thành và phát triển của chợ nổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào?

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

(2) Khả năng và hiện trạng khai thác chợ nổi phục vụ du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ra sao?

(3) Có những giải pháp gì để bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

Chợ nổi và khai thác chợ nổi phục vụ mục đích du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long - 2

2. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU

2.1. Mục tiêu

Trên cơ sở tổng quan những vấn đề lý luận và thực tiễn về chợ nổi và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch, luận án phân tích sự hình thành và phát triển của chợ nổi, đánh giá khả năng và hiện trạng khai thác chợ nổi phục vụ du lịch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, đề xuất các giải pháp hiệu quả cho việc bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch ở địa bàn nghiên cứu.

2.2. Nhiệm vụ

Để đạt được các mục tiêu trên, nhiệm vụ của luận án như sau:

- Đúc kết cơ sở khoa học về chợ nổi, khai thác chợ nổi phục vụ du lịch và vận dụng vào nghiên cứu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long;

- Phân tích sự hình thành và phát triển của chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long;

- Đánh giá khả năng và hiện trạng khai thác chợ nổi phục vụ du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long;

- Đề xuất một số giải pháp cho việc bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

3. PHẠM VI NGHIÊN CỨU

3.1. Về nội dung

Đề tài chủ yếu tập trung giải quyết các nội dung nghiên cứu dưới góc nhìn địa lí kinh tế - xã hội như sau:


- Phân tích sự hình thành, phát triển của chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long;

- Phân tích khả năng và hiện trạng khai thác chợ nổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ du lịch;

- Đề xuất một số giải pháp cho việc bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch ở địa bàn nghiên cứu.

3.2. Về không gian

Không gian nghiên cứu của luận án là vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng trọng tâm là 11 chợ nổi (Cái Bè, Trà Ôn, Cái Răng, Phong Điền, Long Xuyên, Châu Đốc, Ba Ngàn, Ngã Năm, Vĩnh Thuận, Cà Mau, Cái Nước) thuộc 8 đơn vị hành chính (thành phố Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang và Cà Mau). Hai chợ nổi được chọn cho nghiên cứu trường hợp là Cái Bè và Cái Răng. Tất cả 11 chợ nổi ở vùng đều được nghiên cứu để hoạch định các giải pháp cho việc bảo tồn. 4 chợ nổi được chọn cho việc đề xuất các giải pháp khai thác du lịch là Cái Răng, Cái Bè, Long Xuyên và Ngã Năm.

3.3. Về thời gian

Dữ liệu thứ cấp được sử dụng cho luận án có thời gian từ năm 2014 đến năm 2018. Dữ liệu sơ cấp được thu thập từ năm 2015 đến năm 2018 bằng các phương pháp quan sát thực địa, phỏng vấn bán cấu trúc và điều tra bằng bảng hỏi.

4. GIẢ THUYẾT KHOA HỌC

Từ câu hỏi và mục tiêu nghiên cứu, giả thuyết khoa học của đề tài như sau:

(i) Quá trình hình thành và phát triển chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long do sự tác động tổng hợp của các nhân tố tự nhiên (sông nước) và kinh tế - xã hội (con người, hàng hóa, phương tiện vận chuyển, hệ thống giao thông, chợ truyền thống và hiện đại,…).

(ii) Chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng hấp dẫn du khách trên phương diện tự nhiên (sông nước) và văn hóa (hàng hóa, hoạt động mua bán, cách thức bẹo hàng, đời sống của người dân thương hồ). Với mức độ thuận lợi khác nhau về vị trí và khả năng tiếp cận, tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng, sự kết hợp với các loại hình du lịch khác, chính sách phát triển du lịch làm cho khả năng khai thác chợ nổi phục vụ du lịch có sự khác nhau giữa các chợ nổi.


(iii) Mức độ phát triển du lịch có sự khác nhau giữa các chợ nổi và điều này do sự tác động của nhu cầu khách du lịch, sự đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ nhân viên phục vụ, sự tham gia của người dân địa phương, công tác quản lý và đầu tư của nhà nước,…

(iv) Cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương thiếu giải pháp cho việc bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ mục đích du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long.

5. QUAN ĐIỂM, PHƯƠNG PHÁP VÀ QUY TRÌNH NGHIÊN CỨU

5.1. Quan điểm nghiên cứu

5.1.1. Quan điểm hệ thống

Quan điểm hệ thống là một luận điểm quan trọng của phương pháp luận nhận thức [84]. Quan điểm này được những nhà sáng lập chủ nghĩa Marx - Lenin sử dụng trong nghiên cứu vào nửa cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, nhưng sau đó, các nhà khoa học phương Tây đã “phát hiện” nó như là phương pháp luận “mới” [55]. Theo Leiper [104], lý thuyết hệ thống xuất hiện vào thập niên 30 của thế kỉ XX để chính thức hóa và phát triển sự nhận thức có tính hệ thống. Mục đích của khung lý thuyết nhằm làm rõ những hiện tượng phức tạp, khó mô tả hoặc phân tích. Hệ thống được hiểu là một tập hợp những yếu tố có quan hệ phụ thuộc và tương tác lẫn nhau tạo nên một cấu trúc có chức năng riêng [128]. Hàm ý trong định nghĩa hệ thống là ý tưởng về sự phụ thuộc lẫn nhau, tức sự thay đổi của một yếu tố sẽ ảnh hưởng đến những yếu tố khác của hệ thống. Áp dụng quan điểm này vào nghiên cứu, người nghiên cứu phải thấy được mối quan hệ giữa chợ nổi với hoạt động khai thác chợ nổi phục vụ du lịch, thấy được mối quan hệ giữa các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng và hiện trạng khai thác chợ nổi phục vụ du lịch để đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống chợ nổi và du lịch chợ nổi một cách hài hòa, toàn diện.

5.1.2. Quan điểm tổng hợp

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, thế giới được tạo thành từ những sự vật, hiện tượng và quá trình khác nhau [45]. Các sự vật, hiện tượng và quá trình này là những dạng vật chất, chúng vừa tồn tại độc lập, vừa quy định, tác động và chuyển hóa lẫn nhau nhờ tính thống nhất vật chất của thế giới [45], [83]. Về mặt nhận thức, để tránh sai lầm, chúng ta cần xem xét sự vật trong mối liên hệ giữa các


bộ phận và thuộc tính của chính sự vật đó và trong mối liên hệ của nó với sự vật khác [45], [58], [83]. Trong hoạt động thực tế, khi tác động vào sự vật, chúng ta phải chú ý đến mối liên hệ nội tại của nó và mối liên hệ của nó với các sự vật khác, đồng thời, sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp để tác động vào sự vật nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất [83]. Vận dụng quan điểm tổng hợp vào nghiên cứu của luận án, đòi hỏi người nghiên cứu phải phân tích chợ nổi, khả năng và hiện trạng khai thác chợ nổi phục vụ du lịch trên nhiều phương diện; đồng thời, xem xét mối quan hệ của chợ nổi với một số loại hình chợ khác, du lịch chợ nổi với nhiều loại hình du lịch khác để tìm ra giải pháp cải tạo hiện thực một cách thích hợp.

5.1.3. Quan điểm lãnh thổ

Trên phương diện địa lý, lãnh thổ là phần đất đai được phân định bởi đường ranh giới và chịu sự quản lý của cơ quan chính quyền ở mỗi quốc gia. Khi nói đến lãnh thổ, người ta thường quan tâm đến khía cạnh không gian của nó. Vì vậy, quan điểm lãnh thổ là cách nhìn và đánh giá sự vật, hiện tượng trên bề mặt trái đất theo không gian. Quan điểm này đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu địa lý bởi nó giúp người nghiên cứu định hướng cách xem xét sự phân bố và mối quan hệ của sự vật, hiện tượng trên bề mặt trái đất một cách đúng đắn. Vận dụng quan điểm này trong nghiên cứu, đòi hỏi người nghiên cứu phải phân tích, đánh giá được sự phân bố của chợ nổi và mối quan hệ giữa chợ nổi với các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng; sự phân bố của điểm du lịch chợ nổi và mối quan hệ giữa du lịch chợ nổi với trung tâm gửi khách và các loại hình du lịch khác.

5.1.4. Quan điểm lịch sử - viễn cảnh

Quan điểm lịch sử - viễn cảnh là một trong những phương pháp luận quan trọng trong hoạt động nhận thức và thực tiễn [58]. Đặc trưng cơ bản của quan điểm là xem xét sự hình thành, tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng theo thời gian [58], [74]. Hai tác nhân ảnh hưởng đến sự phát sinh, phát triển và diệt vong của sự vật, hiện tượng là quy luật phủ định và vận động. Đứng trên quan điểm lịch sử - viễn cảnh, khi xem xét và giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra đòi hỏi chúng ta phải chú ý đúng mức tới điều kiện, hoàn cảnh lịch sử làm phát sinh, phát triển sự vật, hiện tượng và phải đặt sự vật, hiện tượng đó trong trạng thái vận động, biến đổi,


chuyển hóa để thấy được khuynh hướng phát triển của chúng trong tương lai [45], [58], [83]. Vận dụng quan điểm lịch sử - viễn cảnh vào nghiên cứu của luận án, đòi hỏi người nghiên cứu phải phân tích được sự hình thành, phát triển của chợ nổi và du lịch chợ nổi; đồng thời, dự đoán sự phát triển của chợ nổi cũng như khả năng khai thác chợ nổi phục vụ du lịch ở tương lai.

5.1.5. Quan điểm phát triển bền vững

Đầu thế kỉ XX, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ làm cho năng suất lao động không ngừng nâng cao, của cải vật chất làm ra ngày càng nhiều, đáp ứng phần nào nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân loại. Song, từ sự phát triển ấy, con người đã khai thác nhiều tài nguyên thiên nhiên và tạo ra nhiều chất thải hơn. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học, môi trường, cảnh quan, chất lượng cuộc sống con người. Trước tình thế đó, loài người nhận thức được: tăng trưởng kinh tế chưa phải là độ do duy nhất của sự phát triển. Do đó, cần phải xem xét và đánh giá đúng các mối quan hệ con người với Trái đất, phát triển kinh tế - xã hội với bền vững môi trường, đó là sự phát triển bền vững [23]. Quan điểm phát triển bền vững chính thức ra đời năm 1987 khi Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển cho xuất bản báo cáo có tựa đề “Tương lai chung của chúng ta”. Trong báo cáo, phát triển bền vững được định nghĩa là “sự phát triển đáp ứng được những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu ấy cho thế hệ tương lai” [96, tr. 158]. Phát triển bền vững phải đảm bảo 3 trụ cột: phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa - xã hội. Vận dụng quan điểm phát triển bền vững vào nghiên cứu, yêu cầu người nghiên cứu phải đề ra được các giải pháp bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch theo hướng giữ gìn tài nguyên du lịch, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiến bộ xã hội và cải thiện vệ sinh môi trường.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

5.2.1. Phương pháp thu thập và xử lý tài liệu

Tài liệu là thông tin liên quan đến tri thức và kinh nghiệm của nhân loại được lưu trữ bằng nhiều loại phương tiện khác nhau. Trong nghiên cứu khoa học, tài liệu đóng vai trò rất quan trọng bởi nó cung cấp những thông tin hữu ích giúp nhà


nghiên cứu trả lời một phần hoặc toàn bộ các câu hỏi nghiên cứu. Do đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng, nên tiến hành thu thập và xử lý tài liệu ngay khi bắt đầu đề tài [12], [17] và khi đã khai thác hết tài liệu thì mới thực hiện thu thập dữ liệu bằng các phương pháp khác [17]. Chính sự đa dụng của tài liệu nên ít đề tài nghiên cứu nào được thực hiện mà không dựa vào những nguồn tài liệu khác nhau [12].

Phương pháp thu thập và xử lý tài liệu còn được gọi là phương pháp nghiên cứu tài liệu [2], [25], là việc xem xét các thông tin sẵn có trong các tài liệu để rút ra những thông tin cần thiết đáp ứng mục tiêu nghiên cứu của một đề tài nhất định [25]. Đối với địa lí, đây là một trong những phương pháp nghiên cứu có vai trò quan trọng [41] bởi nó giúp người nghiên cứu nắm bắt tình hình vấn đề nghiên cứu, kế thừa cơ sở khoa học liên quan đến đề tài nghiên cứu, so sánh kết quả nghiên cứu của mình với kết quả nghiên cứu của những tác giả khác, xây dựng phương pháp luận nghiên cứu.

Quá trình thu thập và xử lý tài liệu của tác giả được tiến hành theo trình tự các bước: (1) xác định những thông tin cần thiết đối với đề tài, (2) định vị nguồn chứa tài liệu, (3) tiến hành thu thập, (4) đánh giá và xử lý tài liệu. Tài liệu được thu thập gồm cả định lượng và định tính, dạng thô và đã qua biên tập. Các nguồn chứa tài liệu chủ yếu là sách, tạp chí khoa học, kỷ yếu hội thảo khoa học, đề án, niên giám thống kê, báo cáo tổng kết đề tài, số liệu thống kê,… tồn tại dưới dạng văn bản. Tác giả sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp để xử lý những tài liệu liên quan và tin cậy nhằm phát triển cách tiếp cận vấn đề (từ lý thuyết và thực tiễn → ứng dụng vào phân tích, đánh giá thực tế → đề xuất giải pháp), thiết kế nghiên cứu (theo trường phái hỗn hợp), trả lời một số nội dung của câu hỏi nghiên cứu 1, 2 và 3.

5.2.2. Phương pháp quan sát thực địa

Quan sát thực địa là quá trình tri giác và ghi chép một cách có hệ thống các thông tin cần thiết về đối tượng nghiên cứu ở một địa bàn thực tế. Phương pháp này đã được sử dụng rộng rãi từ rất lâu [46] trong trường hợp người nghiên cứu muốn có được thông tin sơ cấp về đối tượng nghiên cứu [64]. Tính hữu dụng của phương pháp này là làm tăng thêm sự phong phú của dữ liệu và giúp nâng cao sự hiểu biết


về đối tượng nghiên cứu [47]. Vì vậy, những nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx đã xem đây là phương pháp quan trọng trong việc thu thập thông tin xã hội [46].

Việc thu thập dữ liệu bằng phương pháp quan sát của tác giả được tiến hành như sau: (1) xác định vấn đề cần quan sát, (2) lựa chọn địa điểm và thời gian quan sát, (3) chuẩn bị dụng cụ ghi chép và thiết bị kỹ thuật, (4) ghi chép và chụp ảnh, (5) phân tích dữ liệu. Các vấn đề tác giả quan sát gồm: vị trí và khả năng tiếp cận chợ nổi, số lượng ghe xuồng tham gia mua bán, các loại hàng hóa và dịch vụ, cách thức mua bán và hình thức tiếp thị, môi trường sông nước, tình hình trật tự và an ninh ở chợ nổi, cảnh quan xung quanh chợ nổi, hoạt động du lịch chợ nổi,…

Tác giả đã thực hiện quan sát các chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long với số lần quan sát là 5 (lần 1 vào tháng 4, 5, 7 và 9/2015, lần 2 vào tháng 12/2016, lần 3 vào tháng 4/2017, lần 4 vào tháng 8/2017, lần 5 vào tháng 9, 10 và 11/2018). Bên cạnh đó, tác giả còn tham gia ngày hội Du lịch văn hóa chợ nổi Cái Răng và lễ Đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia văn hóa chợ nổi Cái Răng vào ngày 8 tháng 7 năm 2016; tham dự lễ hội Văn hóa chợ nổi Cái Răng vào ngày 8 tháng 7 năm 2017 và ngày 8 tháng 7 năm 2018. Ngoài ra, tác giả còn thực hiện chuyến tham quan ở chợ nổi Amphawa, Damnoen Saduak và Taling Chan của Thái Lan từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 7 năm 2017.

Phương pháp quan sát thực địa giúp người nghiên cứu trong việc xây dựng nội dung bảng câu hỏi, đánh giá tính xác thực của tài liệu thứ cấp, kiểm tra kết quả của các phương pháp thu thập dữ liệu khác và trả lời một số nội dung của câu hỏi nghiên cứu 1, 2 và 3.

5.2.3. Phương pháp phỏng vấn bán cấu trúc

Phỏng vấn là phương pháp thu thập thông tin liên quan đến mục tiêu nghiên cứu thông qua việc tương tác giữa người nghiên cứu với người được nghiên cứu. Theo một số nhà nghiên cứu, đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất trong thu thập dữ liệu sơ cấp [24], [64] vì nó hỗ trợ đắc lực cho người nghiên cứu trong việc khám phá các sự kiện, vấn đề theo chiều sâu [118], cung cấp thông tin hiệu quả nhất cho mục đích nghiên cứu [64]. Có ba loại phỏng vấn được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu là phỏng vấn cấu trúc, phỏng vấn bán cấu trúc và phỏng vấn phi

Xem tất cả 225 trang.

Ngày đăng: 08/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí