Định Hướng Nghiên Cứu Của Luận Án Từ Việc Tổng Quan


CHƯƠNG 1

CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ CHỢ NỔI

VÀ KHAI THÁC CHỢ NỔI PHỤC VỤ MỤC ĐÍCH DU LỊCH


1.1. TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.1.1. Trên thế giới

1.1.1.1. Nghiên cứu chợ nổi

Những dữ liệu tìm được, các nghiên cứu về chợ nổi chủ yếu được thực hiện ở Thái Lan và một ít ở Indonesia. Trong quá khứ, Thái Lan có nhiều chợ nổi được hình thành một cách tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu giao thương trên sông của người dân. Theo thời gian, do sự phát triển của mạng lưới giao thông đường bộ, sự cạnh tranh của chợ truyền thống, siêu thị đã làm các chợ nổi lần lượt kết thúc sứ mạng lịch sử của chúng. Nhận thức được tầm quan trọng của chợ nổi đối với sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội địa phương, những dự án khôi phục và bảo tồn chợ nổi ra đời từ thập niên 70 của thế kỉ XX đến thập niên đầu của thế kỉ XXI. Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác tái thiết, bảo tồn và phát huy giá trị chợ nổi cũng bộc lộ những điểm yếu, hạn chế cần được khắc phục. Xuất phát từ đòi hỏi đó, Charoensombat (2002), Seyanont (2009), Buasorn (2010), Utarasakul (2012), Bhuapisit và cộng sự (2013), Choo-in và cộng sự (2013), Rodmanee và cộng sự (2013), Rattanapongpinyo (2015) đã thực hiện nghiên cứu ở một số chợ nổi tiêu biểu của Thái Lan như Amphawa, Thakha, Wat Takien, Damnoen Saduak, Taling Chan. Nội dung nghiên cứu tập trung vào 3 khía cạnh: (i) Tái thiết, bảo tồn và phát huy chợ nổi; (ii) Tác động của du lịch đối với tài nguyên và môi trường chợ nổi;

(iii) Quản lý chợ nổi. Ngoài Thái Lan, Indonesia cũng có công trình nghiên cứu về vai trò của vốn xã hội đối với chợ nổi Lok Baintan (Rahmini và cộng sự, 2015).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

Có ít nhất 2 công trình nghiên cứu đối với việc tái thiết, bảo tồn và phát huy chợ nổi, đó là “Sự tái sinh chợ cổ ở Thái Lan” (Buasorn) [93] và “Động lực, tồn tại, phát triển của các chợ nổi khu vực miền Trung Thái Lan” (Rattanapongpinyo) [114]. Công tác tái thiết, bảo tồn và phát huy chợ nổi ở Thái Lan đạt được những thành tựu đáng kể, cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Tuy nhiên, để tái


Chợ nổi và khai thác chợ nổi phục vụ mục đích du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long - 4

thiết, bảo tồn chợ nổi hiệu quả, kéo dài tầm quan trọng của nó đối với cộng đồng, Buasorn, Rattanapongpinyo đưa ra những gợi ý trong việc thiết kế cơ sở hạ tầng, cách thức phục hồi và phát triển chợ nổi không để mất đi ý nghĩa lịch sử của nó [93], cơ sở thiết lập kế hoạch phát triển cho chợ nổi, sự phối hợp giữa các bên liên quan để đưa ra các chính sách và biện pháp phát triển chợ nổi [114].

Có thể nói, du lịch tạo niềm cảm hứng và cung cấp nguồn lực tài chính quan trọng cho công tác tái thiết và bảo tồn chợ nổi. Tuy nhiên, du lịch cũng gây ra những tác động tiêu cực đối với tài nguyên và môi trường nơi nuôi dưỡng nó (sông nước). Nghiên cứu “Ngăn chặn sự suy thoái, bảo tồn nguồn tài nguyên tự nhiên và môi trường chợ nổi Amphawa” (Seyanont) [117], “Hệ thống quản lý môi trường cho những cơ sở lưu trú ở Amphawa” (Utarasakul) [124], “Tác động của hoạt động chợ nổi đối với chất lượng nước ở chợ nổi Amphawa” (Choo-in và cộng sự) [95] minh chứng cho điều này.

Thực tế cho thấy, công tác quản lý chợ nổi ở Thái Lan cũng bộc lộ một số mặt bất cập (sự thay đổi thời gian họp chợ, cách tổ chức hệ thống quản lý, vệ sinh an toàn thực phẩm) và điều này được thể hiện qua các công trình nghiên cứu “Chợ nổi Thakha ngày nay: cuộc sống không cần thêm điều gì” (Charoensombat) [94], “Sự phát triển bền vững của việc quản lý hành chính đối với chợ nổi” (Bhuapisit và cộng sự) [90], “Kiến thức an toàn thực phẩm và thực hành của những người bán dạo ở chợ nổi Amphawa” (Rodmanee và cộng sự) [116].

Vốn xã hội gồm nhiều loại và có thể huy động bằng nhiều phương thức khác nhau. Về mặt lý thuyết, vốn xã hội có tác dụng tạo nên sự phát triển bền vững của chợ truyền thống nói chung, chợ nổi nói riêng. Để trả lời các câu hỏi: Người dân huy động vốn xã hội bằng những cách thức nào? Vốn xã hội có vai trò gì đối với chợ truyền thống? Rahmini và cộng sự [113] thực hiện nghiên cứu ở chợ nổi Lok Baintan của Indonesia.

1.1.1.2. Nghiên cứu du lịch chợ nổi

Để bảo tồn và phát huy chợ nổi, một trong những hướng đi hiệu quả là thiết lập hoạt động du lịch ở những địa bàn thích hợp. Nhận thức được điều này, vài năm trở lại đây, ở Indonesia bắt đầu quan tâm nghiên cứu tiềm năng du lịch chợ nổi


(Normelani, 2016; Normelani và cộng sự, 2016). So với Indonesia, những công trình nghiên cứu du lịch chợ nổi ở Thái Lan phong phú hơn về số lượng và đa dạng hơn về chủ đề. Các hướng nghiên cứu du lịch chợ nổi ở Thái Lan là tiềm năng du lịch chợ nổi (Wattanacharoensil và Sakdiyakorn, 2015), du lịch chợ nổi dựa vào cộng đồng (Vajikachorn, 2011; Vajikachorn và Nepal, 2014), công cụ/cách thức quản lý du lịch chợ nổi (Kerdsueb và Teartisup, 2008; Taiwan, 2012; Buakwan và Visuthisamajarn, 2012), sự hài lòng của du khách đối với phát triển du lịch chợ nổi bền vững (Wiwattanakantang và To-im, 2014).

Hai công trình nghiên cứu tiềm năng du lịch được thực hiện ở chợ nổi Lok Baintan của Indonesia với tựa đề “Chợ nổi Lok Baintan, Nam Kalimantan” (Normelani, 2016) và “Xác định, phát triển chương trình du lịch chợ nổi Lok Baintan, Nam Kalimantan, Indonesia” (Normelani và cộng sự, 2016). Những nội dung được đề cập gồm vai trò của chợ nổi, yếu tố hấp dẫn du khách và khả năng phát triển chương trình du lịch ở chợ nổi, những hạn chế đối với người dân và chính quyền địa phương trong phát triển du lịch chợ nổi, một số gợi ý cho sự phát triển du lịch ở chợ nổi [110], [111]. Bên cạnh đó, tiềm năng chợ nổi cho du lịch sáng tạo được nghiên cứu bởi Wattanacharoensil và Sakdiyakorn [127] ở tỉnh Nakhon Pathom, Thái Lan. Các vấn đề được bàn luận gồm tiềm năng du lịch sáng tạo của chợ nổi, sự tham gia của cộng đồng trong du lịch sáng tạo ở chợ nổi, thách thức đối với du lịch sáng tạo và sự tham gia của cộng đồng ở chợ nổi.

Du lịch dựa vào cộng đồng có những tác động tích cực đối với kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường ở điểm đến; Những nhân tố nào quyết định sự thành công của du lịch dựa vào cộng đồng?; Thực hành du lịch dựa vào cộng đồng ít được nghiên cứu là những lý do để Vajikachorn (2011), Vajikachorn và Nepal (2014) thực hiện các đề tài “Những yếu tố quyết định sự thành công đối với du lịch dựa vào cộng đồng: Trường hợp chợ nổi ở Thái Lan”, “Nhận thức về du lịch dựa vào cộng đồng của địa phương: Trường hợp chợ nổi Amphawa của Thái Lan”. Ở công trình thứ nhất, tác giả nhận diện những nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công của du lịch dựa vào cộng đồng ở một số chợ nổi của Thái Lan [125]. Trong công trình thứ hai,


tập thể tác giả đánh giá vai trò của cộng đồng trong việc phục hồi, bảo tồn và khai thác chợ nổi; mô tả quá trình tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển du lịch ở chợ nổi Amphawa [126].

Ở góc độ quản lý du lịch chợ nổi đã có nghiên cứu của Kerdsudeb và Teartisup (“Ứng dụng phổ cơ hội giải trí và sức chứa đối với quản lý du lịch chợ nổi ở Thái Lan”, 2008), Taiwan (“Quản lý điểm hấp dẫn du lịch: Trường hợp chợ nổi Wat Takien, huyện Bangkruai, tỉnh Nonthaburi”, 2012), Buakwan và Visuthisamajarn (“Hướng dẫn những hoạt động du lịch văn hóa: Nghiên cứu trường hợp chợ nổi Khonghae, huyện Hatyai, tỉnh Songkhla” 2012). Nội dung nghiên cứu chính của các công trình là mức độ phát triển của từng khu trong điểm đến du lịch Amphawa, ý nghĩa của việc sử dụng mô hình phổ cơ hội giải trí trong quản lý du lịch chợ nổi Amphawa [103], tầm quan trọng của cộng đồng đối với sự quản lý bền vững điểm đến du lịch WatTakien, các nhân tố ảnh hưởng đến kế hoạch quản lý điểm đến du lịch WatTakien [120], các đối tượng thích hợp cho việc quản lý du lịch chợ nổi Khonghae, hành động của các bên liên quan trong khôi phục, bảo tồn văn hóa địa phương và phát triển du lịch chợ nổi Khonghae [92].

Đo lường sự hài lòng của du khách đối với phát triển du lịch chợ nổi bền vững đã được nghiên cứu bởi Wiwattanakantang và To-im [130]. Địa bàn nghiên cứu là chợ nổi Amphawa, tỉnh Samut Songkhram, Thái Lan. Các phương diện du lịch chợ nổi bền vững được đo lường: môi trường, kinh tế, văn hóa - xã hội, quản lý. Sự hài lòng của du khách đối với du lịch chợ nổi bền vững được xem xét ở các phương diện trên.

1.1.2. Ở Việt Nam

1.1.2.1. Nghiên cứu chợ nổi

Khoảng một thập niên trở lại đây, chợ nổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu được quan tâm và nghiên cứu thực sự. Hai công trình tiên phong trong lĩnh vực này là “Vai trò của hệ thống chợ nổi trong phân phối rau quả ở Đồng bằng sông Cửu Long” và “Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long”. Công trình thứ nhất do Đỗ Văn Xê và cộng sự thực hiện (2008) dưới góc độ kinh tế học. Nội dung nghiên cứu gồm quy mô chợ nổi và các đối tượng tham gia tại chợ nổi; đóng góp của chợ nổi


trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phân phối rau quả nói riêng; các mặt hạn chế của chợ nổi trong quá trình phát triển và giải pháp phát triển chợ nổi [85]. Công trình thứ hai được thực hiện bởi Nhâm Hùng (2009) trên quan điểm của nhà văn với các nội dung: khái niệm chợ nổi; lịch sử hình thành và phát triển chợ nổi; nguyên nhân hình thành chợ nổi; hàng hóa, dịch vụ và phương thức mua bán trên chợ nổi; văn hóa - du lịch chợ nổi; các chợ nổi tiêu biểu [20]. Có thể nói, đây là hai công trình đặt nền móng quan trọng cho hoạt động nghiên cứu chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long về sau.

Để bổ sung khoảng trống tri thức về chợ nổi, nhiều học giả đã thực hiện nghiên cứu theo các hướng tiếp cận khác. Dưới góc nhìn văn hóa, Trần Ngọc Thêm và cộng sự (“Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ”, 2014), Võ Văn Sơn (“Chợ nổi Tây Nam Bộ nhìn từ góc độ văn hóa học”, 2016), Phạm Phương Thùy và Phạm Hồng Loan (“Chợ nổi - phương thức sinh kế đặc thù của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long”, 2017) đã phân tích địa điểm và thời gian họp chợ, hàng hóa và cách tiếp thị hàng hóa, một số biện pháp để giữ gìn và phát triển chợ nổi [57], lịch sử hình thành và phát triển, địa điểm nhóm họp, phương tiện vận chuyển hàng hóa, cách thức giới thiệu sản phẩm, nguyên tắc mua bán, tập quán tín ngưỡng của chợ nổi [52], đặc điểm của chợ nổi và phương thức sinh kế ở chợ nổi [65]. Trên phương diện dân tộc học, Ngô Văn Lệ (“Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long - nét đặc trưng văn hóa của người Việt Nam Bộ”, 2014), Huỳnh Ngọc Thu (“Chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long”, 2015) nghiên cứu điều kiện hình thành, thời gian nhóm họp, hàng hóa, vai trò, hình thức tiếp thị, dự đoán tương lai của chợ nổi [28], nguyên nhân ra đời, tầm quan trọng, những yếu tố dẫn đến sự suy giảm hoạt động mua bán, dự đoán tương lai của chợ nổi [63]. Dưới góc nhìn của sử gia, Nguyễn Hữu Hiếu (“Đặc trưng chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long”, 2017) phân tích một số đặc điểm và sự ngộ nhận về chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long [16]. Tiếp cận chợ nổi dưới nhãn quan sinh thái nhân văn, Đào Ngọc Cảnh (“Tiếp cận chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long dưới góc độ sinh thái nhân văn”, 2017) bàn luận về hệ sinh thái nhân văn chợ nổi và đề xuất một số giải pháp bảo tồn, phát triển chợ nổi [6].


Ở phạm vi một chợ nổi cụ thể đã có nghiên cứu của Nguyễn Văn Hoàng (“Đề xuất giải pháp khôi phục, bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với phát triển du lịch sông nước miệt vườn”, 2013), Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ (“Đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”, 2015), Phạm Văn Diệp (“Về chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp xưa và nay”, 2016), Đào Thị Ngọc Minh và Võ Thị Bích Diễm (“Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của chợ nổi Phong Điền trong xã hội hiện đại”, 2017), Ủy ban Nhân dân huyện Cái Bè (“Đề án bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè”, 2017). Địa bàn nghiên cứu là chợ nổi Ngã Bảy xưa, chợ nổi Cái Răng, Phong Điền và Cái Bè. Nội dung nghiên cứu gồm hiệu quả kinh tế - xã hội của chợ nổi Ngã Bảy ở địa điểm cũ và mới, chiến lược bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy [18], lịch sử phát triển, sự cần thiết phải bảo tồn, các phương án bảo tồn và phát triển, hệ thống các giải pháp bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng [82] và Cái Bè [75], giá trị của chợ nổi Ngã Bảy xưa, những ưu thế và hạn chế của việc di dời chợ nổi Ngã Bảy [8], những giá trị văn hóa của chợ nổi Phong Điền, những bất cập và nguyên nhân, một số giải pháp bảo tồn và khôi phục những giá trị văn hóa của chợ nổi Phong Điền [33].

1.1.2.2. Nghiên cứu du lịch chợ nổi

Đến nay, ở Việt Nam, có rất ít công trình nghiên cứu về du lịch chợ nổi được thực hiện. Năm 2015, Cao Nguyễn Ngọc Anh [1] và Lâm Nhân [38] công bố hai bài báo khoa học “Du lịch chợ nổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Nghiên cứu trường hợp chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang” và “Chợ nổi Cái Bè tỉnh Tiền Giang với việc khai thác và phát triển du lịch”, tương ứng. Nội dung nghiên cứu gồm tiềm năng du lịch chợ nổi, tác động tích cực của du lịch chợ nổi đối với điểm đến, những tồn tại của du lịch chợ nổi, một số giải pháp để phát triển du lịch chợ nổi. Năm 2017, Ủy ban Nhân dân huyện Cái Bè [75] thực hiện “Đề án bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè”. Đề án đề cập đến vai trò của chợ nổi Cái Bè trong phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang, một số giải pháp nhằm khai thác du lịch chợ nổi Cái Bè. Bên cạnh du lịch chợ nổi Cái Bè, du lịch chợ nổi Cái Răng đã được nghiên cứu bởi Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ (“Đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”, 2015),


Nguyễn Thị Huỳnh Phượng (“Sự phát triển du lịch chợ nổi Cái Răng ở thành phố Cần Thơ, Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn”, 2017). Các vấn đề nghiên cứu gồm tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch chợ nổi Cái Răng [82], chính sách đối với du lịch chợ nổi ở thành phố Cần Thơ, những hạn chế của du lịch chợ nổi Cái Răng, một số đề xuất cải thiện du lịch chợ nổi Cái Răng [109].

1.1.3. Định hướng nghiên cứu của luận án từ việc tổng quan

Trên thế giới, các vấn đề về chợ nổi được nghiên cứu gồm tái thiết, bảo tồn và phát huy chợ nổi; tác động của du lịch đối với tài nguyên và môi trường chợ nổi; quản lý chợ nổi; vai trò của vốn xã hội đối với chợ nổi. Tuy nhiên, các nội dung được kế thừa trong luận án gồm khái niệm chợ nổi; sự hình thành, phát triển và suy vong của chợ nổi; quá trình và các hoạt động tái thiết, bảo tồn, phát huy chợ nổi; những hoạt động cải tạo cảnh quan, môi trường, kiến trúc, cơ sở hạ tầng chợ nổi (phục vụ cho phần khái niệm chợ nổi và thực tiễn về chợ nổi của luận án).

Nội dung nghiên cứu du lịch chợ nổi trên thế giới tập trung vào tiềm năng du lịch chợ nổi, du lịch chợ nổi dựa vào cộng đồng, quản lý du lịch chợ nổi, sự hài lòng của du khách đối với phát triển du lịch chợ nổi bền vững. Nhờ đó, những nội dung về chiến lược quảng bá du lịch chợ nổi; những hoạt động phát triển sản phẩm du lịch chợ nổi; cách thức gia tăng sự hài lòng của du khách đối với du lịch chợ nổi; xây dựng mối liên kết trong khai thác du lịch chợ nổi; biện pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch chợ nổi được tiếp nhận trong luận án (phục vụ cho phần thực tiễn về phát triển du lịch chợ nổi của luận án).

Ở Việt Nam, chợ nổi được nghiên cứu trên nhiều phương diện khác nhau (khái niệm, lịch sử hình thành, nguyên nhân hình thành, đặc điểm, vai trò, văn hóa, hạn chế, định hướng và giải pháp bảo tồn) dưới góc nhìn của nhà kinh tế, nhà văn, nhà văn hóa, nhà dân tộc học, nhà sử học, nhà địa lý. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ kế thừa các nội dung về khái niệm, lịch sử hình thành, vai trò của chợ nổi, định hướng bảo tồn chợ nổi nhưng có chọn lựa thông tin, bổ sung những phát hiện và kiến giải mới. Các nội dung về những nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành, sự thay đổi không gian, hiện trạng mạng lưới (số lượng và sự phân bố, thời gian hoạt động và sự thay


đổi số lượng ghe xuồng mua bán, sự thay đổi trong hoạt động mua bán), thách thức đối với chợ nổi, điểm mạnh - điểm yếu - cơ hội và thách thức đối với chợ nổi, giải pháp bảo tồn chợ nổi là những điểm mới của luận án.

Những công trình nghiên cứu về du lịch chợ nổi ở Việt Nam được thực hiện theo các hướng nội dung: tiềm năng, hiện trạng phát triển du lịch chợ nổi; những tồn tại, hạn chế của du lịch chợ nổi; chính sách và giải pháp phát triển du lịch chợ nổi (Cái Bè và Cái Răng). Những nội dung này này chỉ được sử dụng trong phần chính sách phát triển du lịch chợ nổi và giải pháp đầu tư khai thác du lịch chợ nổi của luận án. Vì vậy, các nội dung về những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng khai thác chợ nổi phục vụ du lịch, hiện trạng hoạt động du lịch tại các chợ nổi, nghiên cứu điển hình về hiện trạng khai thác du lịch chợ nổi Cái Bè và Cái Răng, đánh giá chung về khả năng và hiện trạng khai thác chợ nổi phục vụ du lịch, điểm mạnh - điểm yếu - cơ hội và thách thức đối với việc khai thác chợ nổi phục vụ du lịch, giải pháp khai thác chợ nổi phục vụ du lịch là những điểm mới của luận án.

1.2. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ CHỢ NỔI VÀ KHAI THÁC CHỢ NỔI PHỤC VỤ MỤC ĐÍCH DU LỊCH

1.2.1. Về chợ nổi

1.2.1.1. Khái niệm chợ nổi

Chợ nổi là hình thức kinh doanh thương mại truyền thống, được hình thành lâu đời và có mặt phổ biến ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á. Từ lâu, chợ nổi cùng các hình thức kinh doanh thương mại khác đóng vai trò quan trọng trong hoạt động mua bán của người dân địa phương. Ngoài Thái Lan và Việt Nam, Indonesia cũng có chợ nổi nhưng số lượng ít. Từ những tài liệu tác giả tìm được, định nghĩa về chợ nổi chỉ xuất hiện trong một số từ điển, sách và bài báo khoa học ở Việt Nam; bài báo khoa học ở Thái Lan. Đến nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về chợ nổi do góc độ tiếp cận không giống nhau.

Xem xét chợ nổi ở góc độ địa điểm họp chợ, phương tiện được sử dụng trong giao dịch và mua bán, chủng loại hàng hóa, Nhâm Hùng [20, tr. 22] cho rằng, “Chợ nổi là kiểu cách nhóm họp ngay trên mặt sông. Người mua, kẻ bán đều giao thương

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 08/05/2023