CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ KHAI THÁC CHỢ NỔI PHỤC VỤ MỤC ĐÍCH DU LỊCH VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
3.1. ĐỊNH HƯỚNG BẢO TỒN VÀ KHAI THÁC CHỢ NỔI PHỤC VỤ DU LỊCH CỦA TRUNG ƯƠNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG
Trên phương diện bảo tồn chợ nổi, đến nay, tác giả chưa tìm được văn bản nào ở cấp trung ương thể hiện nội dung về bảo tồn chợ nổi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng đối với cấp địa phương, chỉ thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy chợ nổi. Theo đó, chợ nổi Cái Răng, Ba Ngàn và Cái Bè nằm trong danh mục những chợ nổi cần được bảo tồn.
Đối với chợ nổi Cái Răng, việc bảo tồn trên cơ sở giữ nguyên trạng vị trí nhưng có can thiệp sắp xếp, điều chỉnh; quy mô của chợ nổi là vùng nước phía bờ trái sông Cần Thơ (đối diện chợ An Bình của quận Ninh Kiều), chiều rộng bình quân 80-100 m, chiều dài 1.100-1.300 m; vùng nước được quy hoạch đảm bảo khoảng 200-250 ghe, tàu thương hồ có tải trọng 4-15 tấn (tải trọng tối đa 30 tấn) neo đậu, mua bán cố định (cao điểm có thể tiếp nhận khoảng 300-400 chiếc). Các giải pháp thực hiện đề án gồm đảm bảo an toàn giao thông (sắp xếp lại bè nổi, phân luồng giao thông thủy và bố trí hệ thống phao tiêu chỉ dẫn giao thông, tuần tra và xử lý tình trạng neo đậu ghe trái quy định), thành lập Ban quản lý chợ nổi (hướng dẫn ghe, tàu neo đậu, cứu hộ, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn), đầu tư hạ tầng phụ trợ (cầu tàu, nhà vệ sinh công cộng, điểm tập kết hàng hóa, kho vựa, xây dựng bờ kè), phát triển du lịch (phân khu bảo tồn chợ nổi và khu phát triển du lịch), vệ sinh môi trường (thu gom rác hàng ngày, bố trí thùng đựng rác, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, tuyên truyền/giáo dục nâng cao ý thức của người dân), thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, điện, nước sinh hoạt và các thủ tục hành chính liên quan nhằm thu hút người dân thương hồ đến mua bán [82].
Để bảo tồn chợ nổi Ba Ngàn, Ủy ban Nhân dân thị xã Ngã Bảy sẽ di dời nó về vị trí cũ và lấy tên là Ngã Bảy. Hiện tại, những hạng mục công trình như đường
giao thông, bờ kè, vỉa hè, hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước đã được xây dựng nhằm thu hút người dân thương hồ đến neo đậu, mua bán [77].
Đối với chợ nổi Cái Bè, việc bảo tồn trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng nhưng có sự sắp xếp, quản lý, bố trí lại cho hợp lý để đáp ứng các yêu cầu về an toàn giao thông thủy, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thương hồ mua bán và các công ty khai thác du lịch, phát triển các công trình dịch vụ du lịch. Không gian chợ nổi kéo dài khoảng 400-500 m (từ vàm Cái Bè đến ngã ba sông trước nhà thờ), chiều rộng chiếm luồng ngang sông bình quân 50-60 m. Vùng nước quy hoạch đảm bảo 100- 150 ghe tàu thương hồ có tải trọng 20 đến 60 tấn neo đậu, mua bán cố định (sức chứa tối đa 200-300 chiếc). Các giải pháp thực hiện đề án gồm đảm bảo an toàn giao thông (phân luồng giao thông, bố trí hệ thống phao tiêu chỉ dẫn giao thông, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường thủy), thành lập Tổ tự quản chợ nổi (hướng dẫn ghe tàu neo đậu, xử lý các tình huống cứu hộ, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn), đầu tư hạ tầng phụ trợ (nhà vệ sinh công cộng, hệ thống điện chiếu sáng công cộng, cầu bến), kêu gọi sự đầu tư của xã hội để phát triển các dịch vụ (ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí), phát triển du lịch (phân khu bảo tồn chợ nổi và khu phát triển dịch vụ du lịch), vệ sinh môi trường (tổ chức thu gom rác hàng ngày, bố trí thùng đựng rác, tuyên truyền/giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân), thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, vay vốn nhằm thu hút người dân thương hồ đến mua bán [75].
Trên phương diện khai thác chợ nổi phục vụ du lịch, ở cấp trung ương, Tổng cục Du lịch [68] xác định: chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm du lịch chính trong không gian phát triển du lịch phía tây nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng; một trong những điểm du lịch chính trong không gian phát triển du lịch phía Đông nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng là chợ nổi Cái Bè. Ở cấp địa phương, chợ nổi Cái Bè, Trà Ôn, Cái Răng, Phong Điền, Long Xuyên, Ba Ngàn (Ngã Bảy), Ngã Năm và Cà Mau được định hướng là một trong những sản phẩm du lịch/điểm du lịch quan trọng của tỉnh Tiền Giang, tỉnh Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ, thành phố Long Xuyên, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cà Mau, tương ứng. Theo đó, chợ nổi Cái Bè là điểm nhấn của khu du lịch Cái Bè [50]; chợ nổi Trà Ôn là một
trong những sản phẩm du lịch của cụm du lịch Trà Ôn [51]; một trong các tài nguyên du lịch quan trọng nhất của không gian du lịch trung tâm thành phố Cần Thơ là chợ nổi Cái Răng và Phong Điền [49]; chợ nổi Long Xuyên là một trong những điểm du lịch trong tuyến du lịch chính của thành phố Long Xuyên [76]; việc khôi phục và khai thác chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước miệt vườn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch của tỉnh Hậu Giang [77]; đầu tư nâng chất, mở rộng điểm du lịch chợ nổi Ngã Năm [81] và phấn đấu đến năm 2020 chợ nổi Ngã Năm được công nhận là điểm du lịch địa phương [78]; chợ nổi Cà Mau là một trong những điểm du lịch của tỉnh Cà Mau [80]. Chúng tôi cho rằng, mỗi chợ nổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long ít nhiều có giá trị về kinh tế, văn hóa và xã hội nên cần được bảo tồn. Riêng đối với việc khai thác chợ nổi phục vụ du lịch chỉ nên tập trung vào một số chợ nổi tiêu biểu, có khả năng thu hút du khách, tổ chức và duy trì được hoạt động du lịch (Cái Bè, Cái Răng, Long Xuyên, Ngã Năm) nhằm tránh sự đầu tư dàn trải, tự cạnh tranh nhau và gây lãng phí nguồn lực của địa phương, quốc gia.
3.2. ĐIỂM MẠNH, ĐIỂM YẾU, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CHỢ NỔI VÀ KHAI THÁC CHỢ NỔI PHỤC VỤ DU LỊCH
Chợ nổi, du lịch chợ nổi là sản phẩm của môi trường tự nhiên và hoạt động kinh tế - xã hội nên bản thân chúng luôn có những điểm mạnh, điểm yếu; đồng thời, đón nhận những cơ hội và phải đối mặt với những thách thức cụ thể như sau:
- Điểm mạnh (Strengths - S): (i) Đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và làm giàu văn hóa của địa phương; (ii) Còn giữ được tính chân thực của hoạt động giao thương trên sông; (iii) Người dân thương hồ thân thiện, hiếu khách, cách mua bán và sinh hoạt thể hiện tính đặc trưng của văn hóa vùng sông nước Cửu Long; (iv) Là một dạng tài nguyên hỗn hợp tự nhiên và văn hóa độc đáo, có khả năng thu hút khách du lịch; (v) Nằm khá gần hai trung tâm gửi khách quan trọng là thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ; (vi) Thừa hưởng cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ; (vii) Có nhiều khả năng kết hợp với loại hình du lịch khác.
- Điểm yếu (Weaknesses - W): (i) Khá nhiều rác thải ở bến tàu du lịch và bãi đỗ xe; (ii) Bến tàu du lịch còn thiếu và chưa đảm bảo chất lượng; (iii) Thiếu chính sách bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch; (iv) Sản phẩm du lịch chưa có gì đáng
kể và mức độ trùng lặp cao; (v) Chất lượng phương tiện vận chuyển tham quan ở nhiều nơi chưa đảm bảo cho việc khai thác du lịch; (vi) Số lượng và chất lượng của cơ sở ăn uống, mua sắm còn quá hạn chế; cơ sở giải trí, tham quan chưa có gì; (vii) Nhân viên phục vụ du lịch còn một số hạn chế về chất; (viii) Người dân sống ven chợ nổi và mua bán trên chợ nổi ít có được lợi ích từ hoạt động du lịch; (ix) Nhận thức của người dân về du lịch chưa cao; (x) Công tác đảm bảo an ninh trật tự trong du lịch và sức khỏe của du khách còn hạn chế ở một số phương diện; (xi) Chưa có biện pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu dẫn đến môi trường sông nước bị ô nhiễm; (xii) Công tác cải tạo cảnh quan ven chợ nổi chưa được quan tâm đúng mức; (xiii) Tình trạng bán quá giá dịch vụ vẫn còn diễn ra; (xiv) Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch chưa có sự đầu tư đáng kể cho việc bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch; (xv) Thiếu sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương, cơ sở giáo dục/nghiên cứu trong việc bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch; (xvi) Công tác quản lý du lịch chợ nổi chưa sát sao, nhiều nơi còn buông lỏng việc quản lý.
- Cơ hội (Opportunities - O): (i) Tham quan, trải nghiệm chợ nổi được xác định là sản phẩm du lịch đặc thù của vùng; (ii) Địa phương bắt đầu quan tâm đến công tác bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch; (iii) Du lịch chợ nổi được xem là ngành kinh tế quan trọng của địa phương; (iv) Cầu du lịch chợ nổi lớn và không ngừng gia tăng.
- Thách thức (Threats - T): (i) Sự suy giảm ghe, xuồng mua bán trên chợ nổi;
(ii) Sự cạnh tranh của các loại hình du lịch khác; (iii) Du khách ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ và môi trường du lịch.
Trên cơ sở phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, các chiến lược đối với việc bảo tồn chợ nổi và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch như sau:
Bảng 3.1: Ma trận SWOT
Cơ hội (O) | Thách thức (T) |
1. Tham quan, trải nghiệm chợ nổi được xác định là sản phẩm du lịch đặc thù của vùng. | 1. Sự suy giảm ghe, xuồng mua bán trên chợ nổi. |
Có thể bạn quan tâm!
- Môi Trường Sông Nước Và Cảnh Quan Ở Điểm Du Lịch
- Mức Độ Ảnh Hưởng Của Các Nhân Tố Đối Với Hoạt Động Khai Thác Du Lịch Chợ Nổi Cái Bè Và Cái Răng
- Mối Quan Hệ Giữa Sức Hấp Dẫn Của Chợ Nổi Cái Bè, Cái Răng Với Sự Hài Lòng, Dự Định Viếng Thăm Lặp Lại Và Giới Thiệu Của Du Khách
- Duy Trì Và Cải Thiện Sức Mua Của Người Dân Địa Phương
- Sự Tham Gia Của Người Dân Địa Phương Vào Du Lịch Chợ Nổi
- Đảm Bảo An Ninh Trật Tự Trong Du Lịch Và Sức Khỏe Của Du Khách
Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.
2. Địa phương bắt đầu quan tâm đến công tác bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch. 3. Du lịch chợ nổi là ngành kinh tế quan trọng của địa phương. 4. Cầu du lịch chợ nổi lớn và gia tăng. | 2. Sự cạnh tranh của các loại hình du lịch khác. 3. Du khách ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ và môi trường du lịch. | |
Điểm mạnh (S) | Chiến lược SO | Chiến lược ST |
1. Đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và làm giàu văn hóa địa phương. 2. Còn giữ được tính chân thực của hoạt động giao thương trên sông. 3. Người dân thương hồ thân thiện, hiếu khách, cách mua bán và sinh hoạt thể hiện tính đặc trưng của văn hóa vùng sông nước. 4. Là một dạng tài nguyên hỗn hợp tự nhiên và văn hóa độc đáo, có khả năng thu hút khách du lịch. 5. Nằm khá gần hai trung tâm gửi khách quan trọng là thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. 6. Thừa hưởng cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ. 7. Có nhiều khả năng trong kết hợp với các loại hình du lịch khác. | S1 + S2 + S3 + S4 + S5 + S6 + S7 + O1 + O2 + O3 + O4: Khai thác chợ nổi theo hướng thương mại và du lịch | S1 + S2 + S3 + S4 + T1: Bảo tồn chợ nổi S4 + S7 + T2: Kết hợp với các loại hình du lịch khác |
Điểm yếu (W) | Chiến lược WO | Chiến lược WT |
1. Khá nhiều rác thải ở bến tàu du lịch và bãi đỗ xe. 2. Bến tàu du lịch còn thiếu và chưa đảm bảo chất lượng. | W2 + W5 + W6 + O1 + O2 + O4: Cải thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch | W1 + W11 + W12 + T3: Bảo vệ môi trường và cải thiện cảnh quan |
W7 + W9 + O1 + O2 + O4: Nâng cao chất lượng nhân viên phục vụ và kiến thức du lịch cho người dân địa phương W14 + O1 + O2 + O3 + O4: Đẩy mạnh đầu tư trong bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch | W3 + T1 + T2 + T3: Xây dựng chính sách cho việc bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch W13 + W16 + T2: Đảm bảo sự hợp lý, thống nhất của giá cả dịch vụ du lịch W4 + T2 + T3: Đa dạng hóa và đảm bảo tính đặc trưng của sản phẩm du lịch W10 + W16 + T2 + T3: Đảm bảo an ninh trật tự trong du lịch và sức khỏe của du khách W8 + T1 + T2 + T3: Thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào du lịch và mang lại lợi ích cho họ W15 + T1 + T2 + T3: Tăng cường sự hợp tác giữa các bên |
liên quan trong bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch W16 + T2 + T3: Tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với du lịch chợ nổi |
Nguồn: Tác giả, 2017
Qua phân tích ma trận SWOT, các chiến lược đối với việc bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch như sau:
Chiến lược SO: khai thác chợ nổi theo hướng thương mại và du lịch.
Chiến lược ST: bảo tồn chợ nổi, kết hợp giữa du lịch chợ nổi với các loại hình du lịch khác.
Chiến lược WO: cải thiện cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ và kiến thức du lịch cho người dân địa phương, đẩy mạnh đầu tư trong bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch.
Chiến lược WT: bảo vệ môi trường và cải thiện cảnh quan, xây dựng chính sách cho việc bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch, đảm bảo sự hợp lý và thống nhất của giá cả dịch vụ du lịch, đa dạng hóa và đảm bảo tính đặc trưng của sản phẩm du lịch, đảm bảo an ninh trật tự và sức khỏe cho du khách, thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào du lịch và mang lại lợi ích cho họ, tăng cường sự hợp tác giữa các bên liên quan trong bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch, tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với du lịch chợ nổi.
3.3. GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ KHAI THÁC CHỢ NỔI PHỤC VỤ MỤC ĐÍCH DU LỊCH
3.3.1. Căn cứ đề xuất giải pháp
Có nhiều cơ sở pháp lý, thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch cụ thể như sau:
- Luật/nghị định/quyết định/đề án: (i) Luật Du lịch do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2017; (ii) Nghị định về phát triển và quản lý chợ do Chính phủ ban hành ngày 23 tháng 1 năm 2014; (iii) Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Chính phủ ban hành ngày 4 tháng 4 năm 2014;
(iv) Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Chính phủ ban hành ngày 5 tháng 5 năm 2014; (v) Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Chính phủ ban hành ngày 18 tháng 11 năm 2016; (vi) Quyết định về việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 2 tháng 3 năm 2017; (vii) Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; (viii) Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; (ix) Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; (x) Quy hoạch phát triển du lịch Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang; (xi) Điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ; (xii) Quy hoạch phát triển ngành du lịch An Giang giai đoạn đến 2020, định hướng 2030 của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang; (xiii) Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến 2020 của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng; (xiv) Đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng; (xv) Đề án bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè.
- Nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam về chợ nổi và du lịch chợ nổi: (i) Tổng quan tình hình nghiên cứu chợ nổi và du lịch chợ nổi; (ii) Thực tiễn về chợ nổi và khai thác chợ nổi phục vụ du lịch ở Thái Lan.