Quy Mô Của Những Chợ Nổi Ở Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long


thông tin quan trọng để tiến hành trao đổi, giao lưu giữa những người trong cộng đồng nghề nghiệp. Qua quá trình gặp gỡ, tiếp xúc trên chợ nổi, cư dân đã có sự tương tác và tiếp nhận văn hóa cũng như thông tin để làm giàu vốn sống, kinh nghiệm, sự hiểu biết cho bản thân, đồng thời mở rộng mối quan hệ và cải thiện điều kiện mua bán, kinh tế gia đình.

Là phương tiện góp phần quảng bá hình ảnh vùng miền. Trong vài thập niên gần đây, chợ nổi được quan tâm, tìm hiểu và nghiên cứu của nhiều cơ quan, nhiều ngành trong và ngoài nước nên số bài báo, phim tài liệu, phim phóng sự, hình ảnh về chợ nổi rất nhiều và ngày càng gia tăng về số lượng. Do được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên Internet đã góp phần quảng bá hình ảnh miền đất và con người vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến đông đảo đồng bào cả nước và người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Tạo niềm cảm hứng cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Tính sông nước và nhân văn của chợ nổi đã gây sự chú ý của nhiều soạn giả, tác giả, nhạc sĩ, nhà làm phim, nhiếp ảnh gia, họa sĩ, trong các lĩnh vực âm nhạc, văn học, điện ảnh, thơ ca, nhiếp ảnh, hội họa,… Nhờ đó, nhiều loại hình nghệ thuật ở vùng trở nên phong phú về chủ đề, nội dung, đối tượng tiếp cận và góp phần tạo danh tiếng cho soạn giả Viễn Châu với bài vọng cổ Tình anh bán chiếu, soạn giả Ngô Hồng Khanh với bài vọng cổ Khóm ngọt, tác giả Lâm Viên với bài vọng cổ Chợ nổi tình xuân, nhạc sĩ Sơn Hà với ca khúc Bảy dòng sông nhớ, nhà văn Mường Mán với kịch bản Chuyện Ngã Bảy, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với tạp văn Chút tình sông nước,…

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa ở chợ nổi tồn tại dưới hai dạng phi vật thể và vật thể. Các yếu tố văn hóa phi vật thể gồm hoạt động mua bán, sinh hoạt, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống,… của người dân thương hồ. Ghe xuồng, cây bẹo,… là yếu tố văn hóa vật thể. Sự kết hợp giữa văn hóa phi vật thể và vật thể tạo nên không gian văn hóa chợ nổi độc đáo của cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Vì vậy, khi nào chợ nổi còn tồn tại, nhiều yếu tố văn hóa phi vật thể và vật thể gắn với hoạt động kinh doanh, thương mại trên sông của dân tộc Việt Nam còn tiếp tục được duy trì.


Là nguồn tài nguyên du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long. Với những giá trị văn hóa tiềm ẩn, chợ nổi đã và đang thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm. Cũng như những loại hình du lịch khác, du lịch chợ nổi tạo việc làm và mang lại thu nhập cho người dân.

2.1.3.2. Sự thay đổi không gian của chợ nổi

Trước đây, chợ nổi được nhóm họp ở nơi giao nhau của nhiều nhánh sông, gần chợ trên bờ, trên tuyến chính của luồng giao thông nên có nhiều phương tiện thủy tới lui, qua lại. Vì lẽ đó, tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, tình hình trật tự không đảm bảo. Ngoài ra, do chợ nổi nhóm họp sát khu chợ trên bờ làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường sông nước cục bộ. Để hạn chế những vấn đề này, chính quyền địa phương phối hợp với công an đường thủy nội địa di dời hầu hết các chợ nổi đến vị trí khác vào thập niên cuối của thế kỉ XX (Cà Mau, Cái Răng, Châu Đốc, Ngã Năm), thập niên thứ nhất (Ngã Bảy, Cà Mau, Long Xuyên, Trà Ôn) và thứ hai (Vĩnh Thuận, Cái Nước) của thế kỉ XXI (Phụ lục 10). Sau khi di dời chợ nổi, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông cơ bản được khắc phục, vấn đề trật tự được cải thiện rất nhiều. Ngoài ra, nhiều vị trí mới thích hợp hơn cho hoạt động khai thác du lịch bởi có không gian và phải dùng tàu, ghe để đến tham quan. Bên cạnh những mặt tích cực, việc di dời chợ nổi cũng gây ra những hệ lụy nhất định. Thứ nhất, gia tăng khoảng cách đi lại trong hoạt động mua bán, tăng chi phí thuê phương tiện vận chuyển, giảm khả năng sinh lời dẫn đến nhiều người dân ngại đến mua hàng ở chợ nổi. Thứ hai, để bán được hàng hóa, mỗi chủ ghe phải có những bạn hàng thân thuộc, khi bị di dời, chủ ghe phải có thời gian để xác lập mối quan hệ với bạn hàng mới, gây khó khăn trong buôn bán. Thứ ba, ở một số địa điểm mới, nơi xe tải hoặc xe máy có thể đến tận nơi để thu mua hàng hóa, làm giảm lượng ghe xuồng tập trung mua bán và làm thay đổi bản chất của chợ nổi (Ba Ngàn, Cà Mau, Cái Nước).

Như vậy, do tính tự phát, tự quản của chợ nổi cùng việc người dân thương hồ đặt lợi ích của bản thân lên trên hết nên chợ nổi bị di dời. Trước thập niên 90 của thế kỉ XX, những sự việc như thế này chưa từng diễn ra. Hoạt động di dời chợ nổi phản ánh tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông, mất trật tự trong việc neo đậu và mua bán, sự ô nhiễm môi trường sông nước đến lúc cần phải được giải quyết. Tuy nhiên, nó cũng


phản ánh những hệ lụy từ việc di dời chợ nổi và điều này một phần xuất phát từ sự hiểu biết chưa đầy đủ về bản chất của chợ nổi đối với những người ra quyết định.

2.1.3.3. Hiện trạng mạng lưới chợ nổi

a. Số lượng và sự phân bố chợ nổi

Hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long có 11 chợ nổi: Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), Cái Răng và Phong Điền (thành phố Cần Thơ), Long Xuyên và Châu Đốc (tỉnh An Giang), Ba Ngàn (tỉnh Hậu Giang), Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang), Cái Nước và Cà Mau (tỉnh Cà Mau) (Phụ lục 11). Như vậy, chợ nổi có mặt ở 8 trong số 13 tỉnh và thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang và Cà Mau có số lượng chợ nổi nhiều nhất. Xét trong mối tương quan giữa các chợ nổi, Cái Răng, Long Xuyên và Ngã Năm có quy mô lớn; Cái Bè, Vĩnh Thuận, Châu Đốc, Phong Điền, Cà Mau, Cái Nước, Ba Ngàn, Trà Ôn có quy mô nhỏ (Bảng 2.3).

Bảng 2.3: Quy mô của những chợ nổi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long


TT

Chợ nổi

Số lượng ghe, vỏ lãi, xuồng

Số ghe trung bình (quy mô)

Quan sát lần 1

Quan sát lần 2

Quan sát lần 3

1

Cái Răng

160

220

250

210 (lớn)

2

Long Xuyên

170

210

230

203 (lớn)

3

Ngã Năm

135

170

175

160 (lớn)

4

Cái Bè

66

60

70

65 (nhỏ)

5

Vĩnh Thuận

60

65

68

64 (nhỏ)

6

Châu Đốc

47

55

48

50 (nhỏ)

7

Phong Điền

45

50

53

49 (nhỏ)

8

Cà Mau

30

38

37

35 (nhỏ)

9

Cái Nước

30

32

35

32 (nhỏ)

10

Ba Ngàn

25

30

25

27 (nhỏ)

11

Trà Ôn

15

21

25

20 (nhỏ)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

Chợ nổi và khai thác chợ nổi phục vụ mục đích du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long - 10

Ghi chú: quan sát lúc 6g00-6g30, lần 1 (12/2016), lần 2 (4/2017), lần 3 (8/2017); chợ nổi lớn 150 ghe/xuồng/vỏ lãi, chợ nổi nhỏ < 150 ghe/xuồng/vỏ lãi

Nguồn: Khảo sát của tác giả năm 2016 và năm 2017


Xét theo phương vĩ tuyến, chợ nổi phân bố chủ yếu ở phía nam sông Hậu, nơi có nhiều kênh đào, giao thông đường bộ trước đây nhiều trắc trở. Theo phương kinh tuyến, chợ nổi phân bố chủ yếu ở khu vực gần giữa châu thổ, nơi có hệ sinh thái nông nghiệp trù phú. Hơn nữa, đây còn là nơi tập trung những tuyến giao thông thủy huyết mạch nối vùng bán đảo Cà Mau với sông Hậu, sông Tiền và thành phố Hồ Chí Minh. Những chợ nổi lâu đời chủ yếu phân bố ở ven sông Tiền, sông Hậu và trục kênh nối sông Hậu với vùng Ngã Năm của Sóc Trăng. Quá trình đường bộ hóa đã đẩy chợ nổi dịch chuyển về phía bán đảo Cà Mau (vùng Kiên Giang và Cà Mau), nơi điều kiện lưu thông trên bộ còn nhiều khó khăn đến thập niên 80 và 90 của thế kỉ XX. Những chợ nổi quy mô lớn tập trung ở miệt vườn, nơi cung ứng hàng hóa đa dạng, phong phú, cư dân đông đúc và điều kiện giao thông đường thủy thuận tiện.

b. Thời gian hoạt động của chợ nổi và sự thay đổi số lượng ghe xuồng mua bán ở chợ nổi

Các chợ nổi hoạt động suốt năm nhờ vào lưu lượng nước dồi dào của các tuyến sông nơi chợ nổi phân bố cùng hoạt động sản xuất và cung ứng hàng nông sản liên tục của cư dân trong vùng. Do điều kiện khí hậu, thời vụ canh tác, khả năng cung ứng hàng hóa và sức mua của thị trường nên số lượng ghe xuồng tham gia mua bán ở chợ nổi có sự thay đổi nhất định theo quý và thời điểm. Từ tháng 1 đến tháng 4 số lượng ghe xuồng tham gia mua bán ở chợ có xu hướng tăng và xu hướng này vẫn duy trì từ tháng 5 đến tháng 8. Từ tháng 9 đến tháng 12, mức độ nhộn nhịp của hoạt động mua bán ở chợ có xu hướng giảm. Vào thời gian cận Tết Đoan Ngọ và Nguyên Đán, số lượng ghe xuồng tham gia mua bán trên chợ nổi có phần đông hơn so với những thời điểm khác (để chuẩn bị thực phẩm cho Tết Đoan Ngọ và Nguyên Đán, người dân địa phương mua nhiều loại nông sản nên sức mua ở chợ nổi có phần sôi động hơn). Sáng sớm là thời điểm hoạt động mua bán ở chợ nổi diễn ra đông đúc nhất. Thông tin cụ thể đối với từng chợ nổi được thể hiện trong Phụ lục 12.

c. Sự thay đổi trong hoạt động mua bán của chợ nổi

So với chợ nổi ở thập niên 80 trở về trước, chợ nổi hiện tại có những thay đổi đáng kể trong hoạt động mua bán và điều này do sự tác động bởi nhu cầu mua bán giữa những người trong nội bộ địa phương giảm, nhu cầu mua bán giữa các địa phương tăng, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhu cầu của thị


trường thay đổi, sự tác động của nền kinh tế thị trường, tính nhạy bén của người dân trong mua bán được nâng cao. Vốn là một thực thể văn hóa thương mại nên chợ nổi luôn thay đổi để thích ứng với môi trường xã hội mới. Có học giả từng nói rất đúng rằng “nền văn hóa không thay đổi là nền văn hóa chết” [115]. Mặc dù văn hóa có tính ổn định cao nhưng cùng với thời gian, không có gì là không biến đổi. Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tồn tại nên trong hoạt động mua bán của chúng có những thay đổi như sau (Bảng 2.4):

Bảng 2.4: Sự thay đổi trong hoạt động mua bán của chợ nổi


Chợ nổi ở thập niên 80 trở về trước

Chợ nổi hiện tại

Số lượng ghe, xuồng nhỏ tham gia mua bán ở chợ nổi đông hơn số lượng ghe lớn.

Số lượng ghe lớn tham gia mua bán ở

chợ nổi đông hơn số lượng ghe nhỏ, vỏ lãi và xuồng.

Có nhiều ghe, xuồng chèo tham gia mua bán ở chợ nổi.

Phần lớn ghe, vỏ máy tham gia mua bán ở chợ nổi.

Có nhiều ghe, xuồng nhỏ chở hàng nông sản địa phương ra bán ở chợ nổi.

Nhiều ghe lớn chở hàng nông sản từ các nơi khác đến bán ở chợ nổi.

Bán các loại hàng hóa: trái cây, rau, củ, bông, kiểng, hàng thủ công, gia dụng, thực phẩm và động vật, hàng gia dụng thiết yếu [20].

Bán các loại hàng hóa: rau, củ, quả, thức ăn, thức uống, thực phẩm tươi sống, cây giống, xăng dầu, quần áo, nhu yếu phẩm, hàng gia dụng, hàng

lưu niệm, cây cảnh, vé số.

Các hoạt động dịch vụ: đò ngang, phục vụ ăn uống, tiếp nhiên liệu, may vá, sửa máy

[20].

Các hoạt động dịch vụ: vận chuyển, ăn uống, mua sắm, tiếp nhiên liệu, sửa

máy, sửa cân.

Đơn vị đo lường trong mua bán: giạ, lít,

thiên, trăm, chục, chiếc, cái, rổ, cần xé, mớ, mão [20].

Đơn vị đo lường trong mua bán: kg, thiên, chục, tạ, trái, nải, lít, chậu, cái.

Thu mua hàng hóa chủ yếu bằng cách đến chợ nổi và vào trực tiếp nhà vườn; không hoặc ít sử dụng điện thoại để liên lạc.

Thu mua hàng hóa chủ yếu bằng cách vào trực tiếp nhà vườn, nhờ “cò” thu mua hộ, đến chợ nổi; điện thoại được

sử dụng phổ biến trong liên lạc.

Bạn hàng đông, tiêu thụ hàng hóa nhanh.

Bạn hàng ít, tiêu thụ hàng hóa chậm.

Nguồn: Tác giả, 2017


2.1.3.4. Thách thức đối với chợ nổi

Trong quá trình tồn tại của mình, chợ nổi đã và đang phải đối mặt với những thách thức như sau:

Sự phát triển của mạng lưới giao thông đường bộ. Khoảng hai thập niên gần đây, mạng lưới giao thông đường bộ ở vùng không ngừng được xây dựng và cải tạo, dẫn đến nhiều quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, xã lộ, lộ nông thôn lần lượt ra đời và ngày càng hoàn thiện về độ rộng cũng như chất lượng mặt đường. Bên cạnh đó, hệ thống cầu trên các tuyến đường cũng được xây dựng. Sự cải thiện của mạng lưới giao thông đường bộ đã giúp người dân đi lại, chuyên chở hàng hóa, mua bán nhanh chóng và dễ dàng hơn so với giao thông đường thủy. Hơn nữa, trong rất nhiều trường hợp, cầu bê tông đã làm cho việc lưu thông cũng như cất giữ ghe của người dân trở nên khó khăn hơn. Hệ quả, giao thông đường thủy mất đi thế thượng phong, thay vào đó, giao thông đường bộ đóng vai trò chính yếu trong việc đi lại, chuyên chở hàng hóa và mua bán của người dân. Điều này làm suy giảm mức độ tập trung giao thương của người dân ở các chợ nổi.

Sự phát triển của mạng lưới chợ trên bờ. Nhìn một cách tổng thể, mạng lưới chợ trên bờ bao gồm chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ. Theo thời gian, các loại hình chợ này không ngừng tăng trưởng về số lượng và mở rộng phạm vi ảnh hưởng, có khả năng vươn tới nhiều thị trường khác nhau. Hơn nữa, để tồn tại và phát triển trong xu thế cạnh tranh ngày càng ác liệt, các loại hình chợ này luôn được đầu tư để cải tiến, đổi mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của khách hàng. Với lợi thế trên nhiều phương diện, mạng lưới chợ trên bờ có thể cạnh tranh hiệu quả đối với chợ nổi. Điều này không chỉ làm tổn thương người dân mua bán trên chợ nổi mà còn đe dọa đến sự tồn tại của chợ nổi.

Số người tiếp nối hoạt động mua bán trên chợ nổi giảm. Mua bán trên chợ nổi là hoạt động chủ yếu của những người có trình độ học vấn thấp và xuất thân từ nông dân. Có ít hoặc không có đất sản xuất, không có việc làm, giữ nghề của gia đình, tận dụng thời gian nhàn rỗi, để có thêm thu nhập, yêu thích hoạt động mua bán trên sông,… đã thúc đẩy người dân đến với nghề thương hồ. Do đó, với sự chuyển đổi


mô hình và kỹ thuật canh tác, việc sử dụng các giống cây trồng và vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao, đời sống kinh tế của người dân không ngừng được cải thiện, đã ảnh hưởng xấu đến sự yêu và theo nghề mua bán trên chợ nổi của không ít người dân. Bên cạnh đó, hoạt động mua bán trên chợ nổi cũng gặp những khó khăn (đôi lúc hàng hóa được tiêu thụ chậm; thiếu điện, nước sạch và phương tiện giải trí; không có nhà vệ sinh khép kín; con cái theo ghe nên không thể học hành; phải thường xuyên xa gia đình; đôi khi mua bán không lời và thậm chí lỗ lã; không gian sống và sinh hoạt trên ghe trật trội; mưa to, gió lớn gây khó khăn trong việc neo đậu ghe và mua bán; đóng phí bến nước và bốc dỡ hàng hóa;…) đã tạo tâm lý e ngại trong việc theo đuổi nghề thương hồ của một số người dân. Hơn nữa, trong thời buổi hiện nay và mai sau, nhiều người có điều kiện học hành đàng hoàng nên cơ hội việc làm đang hứa hẹn họ ở phía trước. Khi có việc làm và thu nhập ổn định, những người này ít có khả năng tham gia hoạt động mua bán ở chợ nổi.

Sự phát triển của hệ thống nhà vựa. Trên toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện nhiều nơi thu mua hàng nông sản để phân phối cho những chợ trên bờ ở cả thành thị và nông thôn. Trực tiếp xuống vùng sản xuất để thu mua hoặc nhà vườn chở hàng ra vựa bán là hai phương thức giúp nhà vựa có được hàng hóa. Số lượng nhà vựa càng lớn, hàng hóa cung ứng càng đa dạng và phong phú bao nhiêu, chất lượng hàng hóa tốt và giá cả cạnh tranh bấy nhiêu càng gây áp lực cho người dân mua bán ở những chợ nổi bởi chúng chiếm lĩnh một phần đáng kể trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận quần chúng nhân dân.

Sự biến đổi khí hậu và việc xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong. Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu và việc xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong. Khí hậu biến đổi làm gia tăng tình trạng hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, suy thoái chất lượng nước ngầm,… Những hiện tượng này ít nhiều làm suy giảm diện tích đất và năng suất canh tác nông nghiệp. Bên cạnh biến đổi khí hậu, tình trạng xây dựng đập thủy điện không ngừng gia tăng trên sông Mekong đã làm suy giảm lượng phù sa bồi đắp cho đất đai, làm giảm lưu lượng nước vào những tháng mùa khô và gia tăng cục bộ lưu


lượng nước vào những tháng mùa mưa (do xả lũ). Hai hiện tượng thiên tai và nhân tai này có tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân, đặc biệt là việc trồng trọt. Từ đó, ít nhiều làm suy giảm nguồn hàng cung ứng cho việc mua bán ở chợ nổi. Hàng hóa suy giảm, giá cả gia tăng, việc mua bán trên chợ nổi sẽ trở nên khó khăn hơn.

Tóm lại, dưới tác động của nhiều yếu tố nêu trên đã và đang ảnh hưởng đến mức độ sung túc của chợ nổi. Câu hỏi đặt ra là, trong tương lai, chợ nổi có mất đi không? Theo Ngô Văn Lệ [28], Huỳnh Ngọc Thu [63], hoạt động thương hồ là đặc trưng văn hóa tiêu biểu của người dân sống trong môi trường sông nước, chợ nổi là một trong nhiều thành tố văn hóa góp phần làm nên tính đa dạng văn hóa người Việt Nam Bộ nên chợ nổi sẽ tiếp tục tồn tại. Lâm Nhân [38] cho rằng, nếu không có sự quan tâm, đầu tư bảo tồn và phát triển du lịch một cách bền vững, một số chợ nổi sẽ bị mất đi. Theo chúng tôi, khi nào người dân địa phương không còn nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên chợ nổi, người dân thương hồ không còn nhu cầu mua bán trên chợ nổi, chính quyền địa phương không quan tâm đến chợ nổi thì chợ nổi sẽ mất đi.

2.2. KHẢ NĂNG VÀ HIỆN TRẠNG KHAI THÁC CHỢ NỔI PHỤC VỤ MỤC ĐÍCH DU LỊCH Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

2.2.1. Khả năng khai thác chợ nổi phục vụ mục đích du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long

2.2.1.1. Vị trí và khả năng tiếp cận chợ nổi

Vị trí của chợ nổi ảnh hưởng đến khoảng cách từ chúng đến trung tâm tạo khách và mức độ thuận lợi của hoạt động tiếp cận. Hai trung tâm tạo khách hàng đầu ở vùng và vùng phụ cận là thành phố Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh. Trong mối tương quan với thành phố Hồ Chí Minh về khoảng cách, chợ nổi Cái Bè, Cái Răng, Trà Ôn, Long Xuyên, Phong Điền, Ba Ngàn thuận lợi nhất cho việc khai thác du lịch bởi du khách ít tốn thời gian nhất cho việc di chuyển so với các chợ nổi còn lại. Đối với phạm vi ảnh hưởng của thành phố Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, Trà Ôn, Ba Ngàn, Ngã Năm, Cái Bè, Long Xuyên thích hợp nhất cho việc khai thác du lịch so với các chợ nổi còn lại dựa trên yếu tố khoảng cách (Bảng 2.5).

Xem tất cả 225 trang.

Ngày đăng: 08/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí