Lịch Sử Hình Thành Chợ Nổi Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long


chuyển từ xuồng này sang ghe kia [37]; sự giao lưu của khách thương hồ ở bảy ngã sông đã sản sinh ra điệu hò Ngã Bảy độc đáo [37]. Năm 1961, tại chợ nổi Cái Răng, người dân tập trung đông đúc, trên bến dưới thuyền tạo nên quang cảnh rất sầm uất, trù phú [20]. Nói về chợ nổi Cái Bè thời chống Mỹ, Lâm Nhân [38] viết: nhiều người dân ở Cái Bè và Cai Lậy tản cư về cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp để tránh bom đạn, từ đó đã kết nối các cù lao này vào chợ nổi Cái Bè. Thời ấy, khi cần mua hàng hóa (gạo, muối, hàng tiêu dùng), người dân chỉ cần dùng ghe nhỏ hay xuồng ba lá tiếp cận chợ nổi là có thể mua được hàng.

Theo thông tin cung cấp từ người dân địa phương và người dân thương hồ, chợ nổi Trà Ôn được hình thành vào đầu thế kỉ XX; chợ nổi Cà Mau, Phong Điền, Long Xuyên, Châu Đốc ra đời vào thập niên 70 của thế kỉ XX; chợ nổi Cái Nước được hình thành vào thập niên 80 của thế kỉ XX; chợ nổi Vĩnh Thuận ra đời vào thập niên 90 của thế kỉ XX.

Như vậy, có thể điểm qua một số nét về lịch sử hình thành chợ nổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long như sau (Bảng 2.1):

Bảng 2.1: Lịch sử hình thành chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long


Chợ nổi

Thời gian hình thành

Cái Bè

Có thể vào cuối thế kỉ XVIII

Trà Ôn, Cái Răng, Ngã Bảy và Ngã Năm

Đầu thế kỉ XX

Cà Mau, Phong Điền, Long Xuyên và Châu Đốc

Thập niên 70 của thế kỉ XX

Cái Nước

Thập niên 80 của thế kỉ XX

Vĩnh Thuận

Thập niên 90 của thế kỉ XX

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

Chợ nổi và khai thác chợ nổi phục vụ mục đích du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long - 9

Nguồn: Tác giả, 2018

Đến nay, chợ nổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tồn tại được trên 200 năm, một khoảng thời gian không ngắn đối với quá trình định cư, khai phá và xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ. Sức sống mãnh liệt này minh chứng vai trò to lớn của chợ nổi đối với người dân ở miền Tây Nam Bộ.

2.1.2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành chợ nổi

Chợ nổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long được hình thành do sự tác động tổng hợp của các nhân tố tự nhiên và kinh tế - xã hội của vùng. Nhân tố tự nhiên (sông


nước) cung cấp đường giao thông và mặt bằng cho chợ nổi. Nhân tố kinh tế - xã hội (hàng nông sản dồi dào, nhu cầu mua bán trên sông của người dân, nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản của người dân đô thị, sự cung cấp phương tiện vận chuyển đường thủy của thị trường, hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa đóng vai trò chủ đạo, sự đồng thuận của xã hội) cung cấp hàng hóa, đối tượng mua bán, phương tiện vận chuyển cho chợ nổi và tạo điều kiện thuận lợi để chợ nổi ra đời. Vì vậy, thiếu một trong các nhân tố trên chợ nổi không thể được hình thành.

- Nhân tố tự nhiên:

Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng sông nước dày đặc do sự kết hợp của mạng lưới sông rạch tự nhiên và kênh đào. Theo Lê Thông và cộng sự [61], vùng có 28,6 nghìn km sông ngòi, kênh rạch. Con số này dài gấp 5,7 lần chiều dài dòng chính sông Mekong (4.880 km [22]) nhưng chỉ phân bố trên diện tích 40.816,3 km2 (trung bình 1 km2 đất đai có 0,7 km sông rạch). Mạng lưới sông rạch tự nhiên quan trọng ở vùng có các sông Tiền, Hậu, Mỹ Tho, Cửa Tiểu, Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Nhu Gia, Gành Hào, Cửa Lớn, Bảy Hạp, Ông Đốc, Trẹm, Cái Lớn, Cái Bé, Giang Thành, Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông,… Với mục đích phục vụ nhu cầu thủy lợi, giao thông, quân sự, dẫn nước ngọt,… mạng lưới kênh đào ở vùng đã được tạo ra trong thời nhà Nguyễn, thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp, thời kháng chiến chống Mỹ và sau khi miền Nam được giải phóng. Các kênh đào quan trọng ở vùng là Chợ Gạo, Nguyễn Văn Tiếp, Trung Ương, Dương Văn Dương, Tháp Mười, Vĩnh Tế, Rạch Giá - Long Xuyên, Gạch Sỏi - Vàm Cống, Xà No, Cái Côn, Bún Tàu, Phụng Hiệp, Cà Mau đi Bạc Liêu, Cà Mau, Chắc Băng, Xẻo Rô,… Hệ thống sông ngòi, kênh rạch này phân bố khắp vùng và đan cắt dọc ngang.

Không chỉ dày đặc, sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn có nhiều khả năng cho khai thác vận tải. Lê Thông và cộng sự [61] cho rằng, vùng có khoảng

13.000 km sông nước có khả năng khai thác vận tải (có độ sâu từ 1 m trở lên), gần

6.000 km sông nước tàu thuyền tải trọng 50-100 tấn đi lại dễ dàng. Bên cạnh đó, sông nước Đồng bằng sông Cửu Long có sự hợp lưu cao. Ở vùng, đã ra đời những địa danh ngã bảy, ngã sáu, ngã năm, ngã tư, ngã ba bắt nguồn từ số nhánh sông hội


tụ về một chỗ. Chẳng hạn, địa danh Ngã Bảy (Hậu Giang) ra đời từ sự hội tụ của bảy nhánh sông Mương Lộ, Bún Tàu, Lái Hiếu, Xẻo Môn, Xẻo Vông, Cái Côn, Mang Cá; Ngã Sáu (Hậu Giang) là nơi giao hội của 6 con kênh/sông Cái Muồng Lớn, Cái Muồng Nhỏ, Xẻo Chồi, Cái Dầu, Long Thạnh và kênh Xáng; địa danh Ngã Năm (Sóc Trăng) là sản phẩm của sự hội tụ 5 nhánh sông hướng đi Ngã Bảy, Phú Lộc, Cà Mau, Ngang Dừa, Long Mỹ;... Ngoài ra, nhiều nơi ở vùng, sông nước không quá rộng, không quá cạn và sâu (Bảng 2.2), tốc độ dòng chảy vừa phải.

Bảng 2.2: Chiều rộng và độ sâu trung bình của một số sông ngòi, kênh rạch chính ở Đồng bằng sông Cửu Long

TT

Tên kênh

Chiều rộng (m)

Độ sâu trung bình (m)

1

Xà No

45,0

4,5

2

Long Mỹ

37,2

5,0

3

Quản Lộ - Phụng Hiệp

42,4

4,6

4

Bạc Liêu đi Cà Mau

31,0

5,0

5

Cái Lớn - Sông Trẹm

31,6

4,0

6

Hộ Phòng - Gành Hào

26,2

4,0

7

Sông Trẹm - Canh Đền 1

36,8

3,9

8

Tam Sóc - Cái Trầu

14,5

3,7

9

Vĩnh Mỹ - Phước Long

28,3

3,1

Nguồn: Cục Quản lý tài nguyên nước (2013; dẫn theo Lê Xuân Định và cộng sự [9])

Tổng hòa tất cả những yếu tố trên, sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất thuận lợi cho hoạt động giao thương và đây là tiền đề quan trọng cho việc hình thành chợ nổi. Tuy nhiên, để chợ nổi ra đời, chỉ sông nước thôi thì chưa đủ mà cần phải có sự tác động của các nhân tố kinh tế - xã hội.

- Nhân tố kinh tế - xã hội:

+ Hàng nông sản dồi dào. Với những thuận lợi về đất đai, khí hậu, nguồn nước cùng kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của người dân, vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã được mệnh danh là vựa lương thực số 1 của đất nước. Theo Huỳnh Lứa [31], từ giữa thế kỉ XVIII, Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vựa lương thực lớn nhất nước, là nguồn cung cấp lương thực quan trọng cho phía bắc xứ


Đàng Trong, nhất là phủ Thuận Hóa. Ngoài cây lương thực, ở thế kỉ XVIII, người dân Đồng bằng sông Cửu Long còn trồng nhiều loại cây ăn quả (chuối, cam, quýt, chanh, bưởi, mãng cầu, nhãn), cây công nghiệp (cau, dừa) và hoa màu (mè, đậu, bí, bắp, các loại củ) [32]. Nửa cuối thế kỉ XVIII, vùng đã sản xuất dư thừa lương thực, thực phẩm đem bán ra ngoài [32]. Đầu thế kỉ XIX, lương thực, thực phẩm vùng Đồng bằng sông Cửu Long phong phú, người dân không lo đói nên ít dự trữ [15]. Thế kỉ XIX, với việc mở rộng diện tích đất khai phá, hoạt động nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đa dạng hơn về cây trồng và lớn hơn về sản lượng so với ở thế kỉ XVIII. Bên cạnh việc canh tác lúa, người dân Đồng bằng sông Cửu Long còn trồng rất nhiều loại cây ăn trái, nhiều loại cây công nghiệp, các loại hoa màu [32]. Đầu thế kỉ XX, do công cuộc đào kênh để phục vụ tưới tiêu, thau chua rửa mặn, mở rộng mạng lưới giao thông cùng nhu cầu xuất khẩu hàng nông sản, diện tích đất canh tác và năng suất sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long tăng vọt [32]. Hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng trọng điểm lương thực số 1 của cả nước. Bên cạnh cây lương thực, cây ăn quả cũng là thế mạnh nổi bật của vùng. Theo Lê Thông và cộng sự [61], Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích và sản lượng cây ăn quả lớn nhất cả nước. Cây công nghiệp lâu năm, điển hình là dừa cũng đóng góp quan trọng trong cơ cấu ngành trồng trọt của vùng. Lê Thông và cộng sự [61] cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích và sản lượng dừa đứng đầu cả nước. Ngoài cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm (dừa), vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn có thế mạnh về cây thực phẩm. Với một khối lượng lớn hàng nông sản được tạo ra hàng năm không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho cư dân địa phương mà còn có thừa để bán. Vì vậy, sản xuất hàng hóa ở vùng phát triển sớm nên việc buôn bán trở nên sôi động vào giữa thế kỉ XVIII [31]. Đến đầu thế kỉ XIX, cư dân Đồng bằng sông Cửu Long đã bán một khối lượng lớn hàng nông sản cho các thương thuyền [15]. Chính sự phong phú hàng nông sản đã cung cấp một phần quan trọng nguồn hàng phục vụ hoạt động mua bán ở các chợ nổi. Vì vậy, có thể nói, chợ nổi ra đời và đứng vững được là nhờ sự dư thừa hàng nông sản qua các thời kỳ.


+ Nhu cầu mua bán trên sông của người dân. Khi lương thực, thực phẩm sản xuất ra vượt quá nhu cầu của cư dân tại chỗ, hoạt động mua bán của người dân ở vùng bắt đầu nảy sinh. Bên cạnh những người mua bán ở phố chợ, một bộ phận đáng kể hành nghề mua bán trên sông. Theo Huỳnh Lứa [32], giữa thế kỉ XVIII, việc buôn bán trở thành hoạt động kinh tế sôi nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Các tụ điểm mua bán sầm uất thời bấy giờ là thương cảng Mỹ Tho, cảng thị Ba Thắc (Bãi Xàu), chợ Lương Phú, Hưng Lợi, Cái Bè, Long Hồ, Ba Vát (Ba Việt), Mỹ Lồng, Trà Vinh, Sa Đéc, Nha Mân,… Các mặt hàng mua bán chủ yếu thuộc ngành nông - lâm - thủy sản. Hoạt động mua bán trên sông thời kỳ này được mô tả như sau: Ghe, thuyền tấp nập xuôi ngược buôn bán từ vùng này đến vùng khác, tụ về các đô thị mua hàng, bán hàng, làm bến đậu (chợ Mỹ Tho - ở bến sông, tàu thuyền tới lui như mắc cửi; chợ Hưng Lợi - người qua lại thường đậu thuyền ở đây đợi con nước lên rồi tiếp tục chuyến hành trình; Chợ Long Hồ - ghe thuyền đậu đầy bến; chợ Ba Việt - ghe thuyền tới lui liên tục) [11], [15], [27]. Ở thế kỉ XIX và XX, hoạt động mua bán trên sông càng trở nên nhộn nhịp bởi mạng lưới giao thông đường thủy được mở rộng thông qua việc đào kênh cùng sản lượng nông sản không ngừng gia tăng. Mua bán trên sông có lợi thế là tận dụng được hệ thống sông, kênh chằng chịt cho hoạt động đi lại và mua bán, tính cơ động cao, chi phí thấp, lợi nhuận cao đã thu hút nhiều người dân tham gia. Trong số những người mua bán trên sông, có một bộ phận tập trung mua bán ở một số nơi cố định đã tạo ra các chợ nổi.

+ Nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản của người dân đô thị. Loại hình quần cư đô thị ra đời tạo nên một không gian sinh tồn khác biệt với quần cư nông thôn và đại bộ phận dân cư được giải phóng khỏi sản xuất nông nghiệp là những thị dân. Để tồn tại và phát triển, thị dân phải thu mua một khối lượng lớn hàng nông sản từ cư dân nông thôn để tiêu thụ và bán lại kiếm lời, trong khi đó, cư dân nông thôn cũng có nhu cầu cung cấp nhiều loại hàng hóa cho những thị dân. Trên cơ sở đó, mối quan hệ cộng sinh của cư dân thuộc hai loại hình quần cư bắt đầu xuất hiện. Một trong những thành phần đóng vai trò trung gian trong việc đảm bảo sự hài hòa lợi ích của mối quan hệ trên là người dân thương hồ. Nhiều nơi thương lái neo đậu, cung cấp hàng hóa cho cư dân đô thị tạo thành chợ trên sông. Do đó, các chợ nổi vùng Đồng


bằng sông Cửu Long đều nằm gần trung tâm đô thị (Cái Bè, Trà Ôn, Cái Răng, Phong Điền, Long Xuyên, Châu Đốc, Ngã Bảy, Ngã Năm, Vĩnh Thuận, Cà Mau, Cái Nước) và sức sống của chúng phụ thuộc vào sức mua của những thị dân.

+ Sự cung cấp phương tiện vận chuyển đường thủy của thị trường. Trong điều kiện sông ngòi, kênh rạch chằng chịt như Đồng bằng sông Cửu Long thì việc sử dụng ghe xuồng làm phương tiện đi lại và vận chuyển đã trở thành quy luật tất yếu. Trịnh Hoài Đức [15] mô tả: Ở Gia Định (bao gồm cả Đồng bằng sông Cửu Long) chỗ nào cũng có ghe thuyền. Người dân dùng ghe thuyền để làm nhà ở, để đi chợ, đi thăm người thân, chở gạo và củi rất tiện lợi, vì vậy, ghe xuồng đi lại trên sông liên tục và đông đúc suốt ngày đêm. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nhiều địa phương trong vùng đã sớm hình thành các trại/xưởng chuyên đóng ghe xuồng. Thế kỉ XVIII, số lượng ghe xuồng được tạo ra ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong vùng mà còn cung ứng cho cả vùng ngoài. Các địa phương nổi tiếng với nghề đóng ghe xuồng lúc bấy giờ là Cần Đước, Cái Bè và Long Hồ [31], [32]. Do sớm được chuyên môn hóa nên nghề đóng ghe xuồng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã giải quyết được một số yêu cầu do xã hội đặt ra, đó là đa dạng về chủng loại, thẩm mỹ về kiểu dáng, vật liệu có độ bền chắc cao và lớn về số lượng. Nếu không có những cơ sở chuyên đóng và cung ứng ghe xuồng thì hoạt động đi lại và mua bán trên chợ nổi không thể được mở rộng nhanh chóng trong quá khứ và khó duy trì đến hiện tại bởi nền tảng của chợ nổi là ghe xuồng.

+ Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa đóng vai trò chủ đạo. Theo ghi chép của Lê Quý Đôn [14], cuối thế kỉ XVIII, đường thủy ở Đồng bằng sông Cửu Long chằng chịt, gây khó khăn cho việc đi lại bằng đường bộ. Người đi buôn, nếu chuyên chở hàng hóa bằng thuyền lớn cũng đem theo thuyền nhỏ để dễ đi vào kênh. Tình trạng này không thay đổi đến đầu thế kỉ XIX khi Trịnh Hoài Đức [15] mô tả: Sông rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long chằng chịt, nếu không nhờ ghe thuyền, người dân không đi lại được. Năm 1833, Doãn Uẩn còn ghi nhận, nếu không dùng thuyền người dân không thể đến được làng khác vì không có đất đai nối giữa các làng [7]. Như vậy, từ cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX, các hoạt động đi lại và vận chuyển hàng hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ


yếu được thực hiện bằng đường thủy. Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, người Pháp đẩy mạnh công cuộc đắp lộ, xây cầu nhằm mục đích thương mại và quân sự, tuy nhiên, sông rạch vẫn là đường giao thông chính [36]. Đến năm 1981, mạng lưới đường bộ đã phát triển hơn trước rất nhiều nhưng chỉ tính 5 tuyến giao thông đường thủy liên tỉnh, khối lượng vận chuyển đã đạt 60% tổng khối lượng vận chuyển của vùng. Ở một số nơi không có đường bộ, hàng đến và hàng đi đều được thực hiện nhờ đường thủy [42]. Thập niên 80 và 90 của thế kỉ XX, giao thương bằng đường thủy vẫn đóng vai trò quan trọng ở nhiều địa phương vùng bán đảo Cà Mau. Chính sự tiện lợi trong giao thương bằng đường thủy qua nhiều thời kỳ đã tạo tiền đề cho sự ra đời của chợ nổi.

+ Sự đồng thuận xã hội. Đường sông là tài sản chung của toàn dân. Bởi vậy, không cần phải thuê, mua nhưng người dân thương hồ vẫn có được mặt bằng để neo đậu và bán hàng. Với những kinh nghiệm của mình, người dân thương hồ biết địa điểm có thể buôn bán được. Ban đầu chỉ một vài ghe, dần nhiều ghe hội tụ tạo nên khu chợ. Lúc mới hình thành, chính quyền địa phương không có sự can thiệp nên chợ nổi ra đời một cách tự nhiên, tự phát. Đối với những người tham gia giao thông đường thủy nội địa, họ cũng không tỏ ra khắt khe đối với loại hình giao thương này. Trong một thời gian dài từ hình thành cho đến phát triển, chợ nổi nhận được sự đồng thuận xã hội chẳng qua bởi tính ưu việt của nó (tận dụng sông nước, cung cấp nhiều loại hàng hóa với mức giá rẻ hơn so với chợ trên bờ, phân phối và tiêu thụ hàng hóa địa phương, hàm chứa nhiều yếu tố văn hóa độc đáo).

2.1.3. Sự phát triển của hệ thống chợ nổi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

2.1.3.1. Vai trò của chợ nổi

Nhìn một cách tổng thể, chợ nổi vùng Đồng bằng sông Cửu Long có những vai trò như sau:

Đầu mối trong phân phối hàng nông sản. Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long được nhóm họp ở vị trí thuận lợi cho việc giao thông bằng đường thủy và đường bộ. Hơn nữa, chợ còn nằm gần nguồn sản xuất nông sản chính của vùng. Nhờ đó, hàng năm chợ thu hút và tập trung một lượng lớn hàng nông sản để tiếp tục phân phối tới các chợ trên bờ và các kênh lưu thông khác. Theo Đỗ Văn Xê và cộng sự [85], mỗi


ngày, mỗi ghe tại chợ nổi có thể tiêu thụ bình quân 1,69 tấn rau quả; mỗi chợ nổi có thể tiêu thụ được từ 282 - 419 tấn rau quả/năm tùy thuộc vào quy mô chợ.

Tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Hai hoạt động chủ đạo ở chợ nổi là thương mại và du lịch. Hoạt động thương mại (mua bán hàng nông sản, thức ăn, đồ uống,…) được thực hiện bởi người dân địa phương và thương hồ. Trên phương diện kinh doanh du lịch, công ty du lịch, người dân địa phương tham gia cung ứng phương tiện vận chuyển, dịch vụ tham quan, ăn uống và mua sắm. Các hoạt động này ít nhiều đóng góp nguồn thu cho ngân sách địa phương thông qua các khoản thuế, phí. Trong đó, nguồn thu từ thuế kinh doanh du lịch đáng kể hơn so với việc thu phí bến bãi.

Góp phần tạo việc làm và mang lại thu nhập cho người dân. Thành phần tham gia mua bán chính ở chợ nổi là người Kinh, sống ở nông thôn và là nông dân. Bên cạnh đó, một tỷ lệ ít hơn những người sống ở đô thị, những người có nghề khác nông dân (mua bán nhỏ, làm thuê, giáo viên, bộ đội, công nhân) cũng tham gia mua bán ở chợ nổi. Đối với nhiều người, kinh doanh ở chợ nổi là nguồn thu nhập chính của họ. Vì vậy, khi nào chợ nổi còn tồn tại, cơ hội việc làm và khả năng cải thiện thu nhập cho người dân còn tiếp tục mở ra, đặc biệt đối với người Kinh bởi họ tham gia rất tích cực và có vị trí quan trọng trong hoạt động giao thương nội vùng. Theo Đỗ Văn Xê và cộng sự [85], bình quân mỗi ghe thương hồ ở chợ nổi tạo ra 2,79 việc làm và thu nhập bình quân/người của mỗi hộ kinh doanh tại chợ nổi bằng 2 lần mức thu nhập bình quân/người của cả nước.

Thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề sản xuất. Hoạt động của chợ nổi không thể tách rời với hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành nghề. Đến lượt mình, nhờ chợ nổi, sản phẩm của một số ngành nghề được tiêu thụ. Các ngành nghề có mối quan hệ mật thiết với chợ nổi là trồng trọt và chăn nuôi, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch,… Vì vậy, sự phát triển của những ngành nghề này một phần phụ thuộc vào khả năng tiêu thụ của thị trường ở những chợ nổi.

Là nơi giao lưu văn hóa và trao đổi thông tin. Người dân mua bán ở chợ nổi đến từ nhiều tỉnh/thành khác nhau trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với trình độ văn hóa, tôn giáo - tín ngưỡng, lối sống, sinh kế, kinh nghiệm mua bán và sản xuất, sở thích, quan hệ xã hội không hoàn toàn giống nhau, là nguồn vốn văn hóa và

Xem tất cả 225 trang.

Ngày đăng: 08/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí