2.3. Hiện trạng đào tạo cán bộ thông tin ở Việt Nam
2.3.1. Về đào tạo theo văn bằng
2.3.1.1. Tổng quan về các cơ sở đào tạo cán bộ thông tin
* Khoa Thư viện - Thông tin, trường Đại học Văn hoá Hà Nội
Năm 1959, Khoa thư viện Trường lý luận nghiệp vụ Bộ văn hoá (nay là Khoa Thư viện - Thông tin, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội) được thành lập. Đây là cơ sở đào tạo cán bộ thư viện bậc đại học hệ chính quy sớm nhất ở Việt Nam, Khoa đã đào tạo được hàng nghìn sinh viên phục vụ cho các loại hình thư viện khác nhau. Giai đoạn 1960 - 1990, Khoa Thư viện đào tạo cán bộ cho thư viện khoa học và thư viện phổ thông. Từ năm 1991, mục tiêu đào tạo của Khoa là đào tạo các sinh viên theo ba hướng: cán bộ thư viện khoa học tổng hợp, thư viện chuyên ngành và thư viện trường học. Từ năm 1992, trong chương trình đào tạo của Khoa đã có sự thay đổi nhiều về mặt nội dung thể hiện xu hướng hoà nhập công tác thư viện với công tác thông tin.
Từ năm 1997 đến nay, mục tiêu đào tạo của Khoa thư viện đã thay đổi. Khoa tập trung đào tạo những cán bộ có thể làm việc ở các cơ quan thông tin thư viện.
Sinh viên Khoa thư viện được tuyển từ các khối C và D. Thời gian đào tạo là 4 năm. Sinh viên ra trường với hai hình thức thi: viết khoá luận và thi tốt nghiệp.
Từ năm 1991, bên cạnh viện đào tạo cán bộ thư viện thông tin ở bậc đại học, trường Đại học Văn hoá Hà Nội đã mở các khoá đào tạo sau đại học, đào tạo các thạc sĩ ngành thư viện. Đối tượng tuyển sinh là những người tốt nghiệp đại học các ngành thư viện thông tin, Quản trị thông tin, Lưu trữ và Công nghệ hành chính.
Chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành thư viện đáp ứng các yêu cầu sau:
- Hệ thống hoá kiến thức đã học và nâng cao trình độ lý luận nghề nghiệp cho học viên.
Có thể bạn quan tâm!
- Thư Viện Trong Xã Hội Và Thư Viện Là Một Cơ Quan Truyền Thống
- Hiện Trạng Nhân Lực Thông Tin Trong Các Cơ Quan Thông Tin Kh&cn Trong Hệ Thống Thông Tin Kh&cn Quốc Gia
- Khảo Sát Trình Độ Ngoại Ngữ Của Cán Bộ Thông Tin Tại Trung Tâm Thông Tin Kh&cn Quốc Gia
- Số Lớp Bồi Dưỡng Nghiệp Vụ Thông Tin Kh&cn 2002-2007
- Đánh Giá Những Tồn Tại Chính Về Nhân Lực Thông Tin Và Các Cơ Sở Đào Tạo Nghiệp Vụ Thông Tin
- Tăng Cường Hợp Tác Đào Tạo Giữa Các Trường Đào Tạo Về Thông Tin Với Các Cơ Quan Thông Tin Kh&cn
Xem toàn bộ 97 trang tài liệu này.
- Trang bị cho học viên những kiến thức mới về thông tin và CNTT, bồi dưỡng năng lực quản lý và khai thác các loại nguồn tin, đáp ứng nhu cầu xã hội.
- Giúp học viên hình thành những kỹ năng cần thiết trong quản lý, lãnh đạo, điều hành cơ quan thư viện thông tin.
* Khoa Thông tin - Thư viện, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội
Tiền thân của Khoa này là Tổ Thư viện thuộc Khoa Sử trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Cơ sở đào tạo này đã đào tạo cán bộ thư viện bậc đại học chính quy cho các thư viện khoa học tổng hợp và thư viện chuyên ngành từ năm 1973 đến năm 1983. Giai đoạn này chương trình giảng dạy chuyên sâu về thư viện học và thư mục học.
Từ năm 1984 - 1996, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) tạm ngừng đào tạo cán bộ thư viện đại học chính quy (việc đào tạo này được chuyển giao cho Khoa Thư viện, Đại học Văn hoá Hà Nội) chỉ còn tiếp tục đào tạo tại chức chuyên ngành thư viện thông tin cho các trường đại học và các cơ quan TW. Từ năm 1997 đến nay khoa Thư viện Thông tin lại tiếp tục trở lại đào tạo cán bộ thông tin thư viện hệ chính quy.
Sinh viên được tuyển vào khoa từ khối C và D. Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể đảm nhiệm tất cả các khâu công tác từ tổ chức điều hành đến trực tiếp triển khai hoạt động tại các thư viện khoa học và trung tâm thông tin các bộ, các ngành, các cơ sở nghiên cứu và các trường đại học.
* Khoa Thư viện - Thông tin học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Năm 1984, trường Đại học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) thành lập Khoa Thư viện và tiến hành đào tạo cán bộ thư viện cho các thư viện khoa học. Sinh viên được tuyển vào khoa từ 4 khối: A, B, C và D. Trong thời gian từ 1984 - 1990, Khoa thư viện chú trọng đào tạo cán bộ cho các thư viện khoa
học chuyên ngành và thư viện các trường đại học thuộc các tỉnh, thành phố phía Nam. Giai đoạn này sinh viên được đào tạo theo phương thức gửi đi học ba năm đầu khoa học cơ bản tại các khoa khác trong trường bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Sau đó các sinh viên được tiếp tục đào tạo hai năm nghiệp vụ thư viện, thư mục và thông tin khoa học.
Từ năm 1994, Khoa đổi tên thành Khoa Thư viện - Thông tin học, đào tạo sinh viên theo chương trình nhóm 5 (dành cho nhóm ngành khoa học xã hội) trong hai năm đầu. Hai năm tiếp theo khoa đào tạo nghiệp vụ thư viện, thư mục và thông tin cho sinh viên. Thời gian đào tạo của khoa là 4 năm, sinh viên ra trường cùng với hai hình thức thi tốt nghiệp như các trường đại học chính quy khác.
* Khoa Thư viện - Thông tin, trường Đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh
Cơ sở đào tạo này được thành lập từ năm 1976. Những thập niên đầu, Khoa chủ yếu đào tạo hệ trung học thư viện. Cuối những năm 80, Khoa phối hợp với Khoa Thư viện trường Đại học Văn hoá Hà Nội mở các lớp đại học chính quy và tại chức. Chương trình đào tạo do Khoa Thư viện Trường đại học Văn hoá đảm nhiệm. Một số môn học mới thuộc thông tin học và tin học, khoa mời giáo viên từ các cơ quan thông tin của TW và trường Đại học Văn hoá Hà Nội dạy. Việc ra đề thi, chấm thi và cấp bằng đại học chính quy cho sinh viên do Trường đại học Văn hoá thực hiện. Từ năm 2006, nhà trường được tuyển sinh và tổ chức đào tạo ở bậc đại học ngành thư viện-thông tin.
* Khoa Thông tin học và Quản trị thông tin, Đại học Dân lập Đông Đô
Khoa được thành lập trên cơ sở quyết định số 6489/KHTC ngày 14/9/1996 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép Đại học dân lập Đông Đô được đào tạo ngành Thông tin học.
Thông tin học và Quản trị thông tin là một lĩnh vực khoa học và công nghệ đa ngành và liên ngành. Khoa có mục tiêu đào tạo cử nhân khoa học có trình độ lý luận về khoa học thông tin và nghiệp vụ chuyên môn về quản trị thông tin, đáp ứng ngành rộng, có khả năng làm việc trong các tổ chức thông tin tư
vấn, tư liệu, thư viện, văn phòng thuộc mọi lĩnh vực quản lý nhà nước, kinh tế, thương mại, KH&CN, giáo dục và đào tạo.
Cử nhân của khoa Thông tin học và Quản trị thông tin có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tổ chức xây dựng, quản trị, khai thác các loại nguồn lực thông tin dưới dạng các CSDL, các kho thông tin - tư liệu tổng hợp và đặc thù.
- Xử lý, phân tích, tổng hợp đánh giá và phản biện thông tin.
- Tổ chức đảm bảo thông tin hỗ trợ các quá trình quyết định, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành.
- Tổ chức áp dụng CNTT, bao gồm tin học tư liệu, công nghệ mạng và các dịch vụ Internet để hiện đại hoá các hệ thống quản trị thông tin ở các cơ quan.
- Tổ chức và quản lý các cơ quan thông tin, tư liệu.
- Nghiên cứu khoa học và giảng dạy ngành Thông tin học và Quản trị thông tin. Thời gian đào tạo là 4 năm. Chương trình đào tạo gồm 2 phần:
- Giáo dục cơ bản.
Giáo dục cơ bản gồm các khối kiến thức chung cho cử nhân các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
- Giáo dục chuyên nghiệp.
Giáo dục chuyên nghiệp được chia thành 3 khối kiến thức:
+ Khối kiến thức cốt lòi gồm các phần về nguyên lý của khoa học thông tin, CNTT và kỹ thuật quản lý.
+ Khối kiến thức chuyên môn chính gồm các môn về tổ chức thông tin, các phương pháp và quá trình thông tin, kinh tế và quản lý hoạt động thông tin.
+ Khối kiến thức chuyên môn tự chọn gồm các môn về khai thác và sử dụng các nguồn lực thông tin phục vụ cho các hoạt động quản lý, kinh tế-xã hội, KH&CN.
Trong học kỳ 6 và 8, có 2 kỳ thực tập để sinh viên tiếp xúc với thực tế, củng cố lại kiến thức được học trong nhà trường. Cuối khoá học, mỗi sinh
viên phải hoàn thành khoá luận tốt nghiệp hoặc thi tốt nghiệp. Sinh viên của khoa được tuyển chọn qua kỳ thi quốc gia các khối A, D và C.
2.3.1.2. Nhận xét chung về công tác đào tạo cán bộ thông tin
Trong những năm qua, công tác đào tạo cán bộ thông tin đã có những bước chuyển biến quan trọng, đáp ứng phần nào yêu cầu của thực tế. Tuy nhiên, do chưa có sự kiểm soát và điều tiết của một cơ quan hoặc hiệp hội ngành nghề, việc đào tạo cán bộ thông tin chủ yếu phụ thuộc vào cơ sở đào tạo và bộ chủ quản và nổi lên một số đặc điểm chính sau:
* Về mục tiêu đào tạo
Các cơ sở đào tạo lớn đều đã mở rộng mục tiêu đào tạo từ cán bộ thư viện chuyển thành thông tin thư viện hoặc thư viện thông tin nhưng về cơ bản vẫn nặng về các kiến thức của thư viện truyền thống. Mặc dù nội dung giảng dạy tại các cơ sở đào tạo khác nhau đôi chút nhưng các cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành thông tin thư viện ở Việt Nam đều có một đặc điểm chung là không có phân ban. Tất cả các trường đều có xu hướng đào tạo thống nhất theo một chương trình của trường mình mà không có sự chia nhỏ theo các chuyên ngành hẹp (ví dụ đào tạo sinh viên chuyên về thông tin KH&CN, thông tin văn hóa...). Do vậy, mục tiêu và mô hình đào tạo cán bộ thông tin thư viện còn rất đơn điệu và đồng nhất.
* Về chương trình đào tạo
Nhìn chung, tất cả các cơ sở đào tạo thông tin thư viện đều có chỉnh lý và bổ sung các môn học mới. Hầu hết các trường đào tạo cán bộ thông tin thư viện của Việt Nam đều tuân theo chương trình chuẩn của IFLA. Bộ môn thông tin thư viện, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội và Khoa Thư viện-Thông tin, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Tp. Hồ Chí Minh đều đã đưa môn học lưu trữ vào chương trình đào tạo của mình. Trong các cơ sở đào tạo kể trên chương trình đào tạo của Khoa Thông tin thư viện, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội có phần đổi mới hơn cả, nhưng trên thực tế, chương trình đào tạo của các trường cũng còn có nhiều điểm bất cập chưa thực sự đúng với mục
tiêu đã đặt ra. Trong cấu trúc chương trình của các trường đều có phân ra thành các phần: Môn bắt buộc và môn tự chọn nhưng việc tự chọn này chủ yếu là do thày chọn chứ không phải do sinh viên chọn. Vì thế các chương trình đào tạo của các trường đều là chương trình “cứng” chưa có trường nào xây dựng được các chương trình đào tạo "mở” theo đúng nghĩa.
* Về phương thức đào tạo
Các cơ sở đào tạo mặc dù đã có những đổi mới nhất định nhưng còn đơn điệu, phương tiện giảng dạy lạc hậu, ít hấp dẫn do chưa áp dụng công nghệ mới vào công tác giảng dạy. Tại Việt Nam hiện nay chỉ có một hình thức học duy nhất là học tại trường lớp với phương thức chủ yếu là thày giảng trò nghe.
* Về cơ sở vật chất
Các trường đã bước đầu được trang bị những phương tiện hiện đại để làm công cụ và phương tiện cho giảng dạy nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và tính chất đào tạo ngành nghề. Trong 5 cơ sở đào tạo cán bộ thông tin trình độ đại học chỉ có Khoa Thư viện - Thông tin, trường Đại học Văn hoá Hà Nội là có một thư viện thực hành tương đối quy củ với hơn 6000 tài liệu. Nhưng thực chất thư viện này mới chỉ là một nơi chứa tài liệu thực hành đơn thuần chứ chưa phải là một thư viện thực hành theo đúng nghĩa. Những tài liệu có trong thư viện chủ yếu là sách báo truyền thống, những dạng vật mang tin khác hầu như không có, bộ máy tra cứu của thư viện còn nghèo nàn.
* Về hình thức đào tạo
Trong những năm gần đây, các trường đào tạo chuyên ngành thông tin thư viện đều có sự đổi mới đáng khích lệ. Thực hiện chủ trương đa dạng hoá các loại hình đào tạo, ngoài việc đào tạo chính quy tại chức, các trường đều có mở thêm các lớp ngắn hạn và một số trường còn tiến hành liên kết với một số cơ sở đào tạo khác mở các lớp hệ cao đẳng hoặc dưới hình thức dạy nghề.
* Về chất lượng đào tạo
Cán bộ thông tin được đào tạo tại các trường đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Điều đó đã được khẳng định trong kết quả điều tra và phỏng vấn. Nhưng theo nhận xét của các nhà quản lý trong ngành, các cán bộ
thông tin của Việt Nam còn chưa có khả năng sử dụng thành thạo máy tính và các phương tiện hiện đại, yếu về ngoại ngữ và chưa năng động trong công tác.
* Về đội ngũ cán bộ giảng dạy
Số lượng cán bộ giảng dạy còn ít và trình độ chuyên môn chưa cao, chưa tương xứng với nhu cầu đặt ra của thực tế. Số lượng giảng viện trong các cơ sở đào tạo đều bị cắt giảm và ít hơn so với trước đây. Điển hình là Khoa Thư viện thông tin, trường Đại học Văn hoá Hà Nội, số giảng viên cơ hữu chỉ còn hai phần ba so với trước đây. Khoa có số cán bộ giảng dạy đông nhất là Khoa Thông tin thư viện, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn.
2.3.2. Về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin
2.3.2.1. Tổng quan các cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin ở Việt Nam
Đến nay, đội ngũ cán bộ thông tin ở Việt Nam có thể được đào tạo thường xuyên theo các hình thức sau:
- Tham gia các lớp nghiệp vụ ngắn hạn, thường là 1 tuần đến 10 ngày do các cơ quan thông tin thư viện, chủ yếu là cơ quan thông tin đầu ngành tổ chức.
- Tham dự các khoá đào tạo nghiệp vụ ở nước ngoài thông qua các dự án hợp tác quốc tế hoặc tài trợ của Chính phủ.
- Tự đào tạo bằng cách đọc sách/ báo hoặc trao đổi cá nhân.
Ở Việt Nam, có nhiều cơ sở thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo nghiệp vụ. Có thể kể ra một số cơ sở lớn như:
- Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia - đứng đầu hệ thống các cơ quan thông tin KH&CN (khoảng 13 lớp với gần 400 học viên/năm).
- Thư viện Quốc gia Việt Nam - đứng đầu hệ thống các thư viện công cộng. (2 - 3 lớp học/hội thảo/năm).
Các cơ quan thông tin thư viện cấp Bộ/ngành cũng thường xuyên mở các khoá tập huấn cho cán bộ trong ngành như:
- Viện Thông tin Khoa học Xã hội
- Trung tâm Thông tin KH&CN và Môi trường, Bộ Quốc phòng
- Viện Thông tin khoa học, Học viện Hành chính Quốc gia
- Trung tâm tin học, Bộ Thuỷ sản...
Các khoá đào tạo do các cơ sở này tổ chức đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển năng lực của đội ngũ cán bộ thông tin thư viện toàn quốc, từng bước đáp ứng nhu cầu thực tiễn của hoạt động thông tin KH&CN ở nước ta.
Các cơ sở đào tạo này dù thuộc loại hình cơ quan thông tin thư viện nào, quy mô lớn nhỏ ra sao, thì các khoá tập huấn nghiệp vụ thông tin thư viện được tổ chức nhìn chung đều hướng tới mục tiêu cơ bản, đó là:
+ Cung cấp kiến thức và kỹ năng cơ bản cho cán bộ mới vào nghề
+ Cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, đặc biệt những kỹ năng liên quan đến CNTT và áp dụng các chuẩn giúp học viên bám sát thực tiễn hoạt động nghề nghiệp trong nước cũng như trên thế giới.
2.3.2.2 Đánh giá công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ thông tin
Hiện nay, việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ thông tin ở Việt Nam chủ yếu do Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia tổ chức. Đây là cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ thông tin hàng đầu và chủ yếu ở Việt Nam. Qua điều tra, nghiên cứu hoạt động đào tạo bồi dưỡng cán bộ thông tin tại Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia giai đoạn 2002-2007 (Số liệu được thu thập từ Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia), có thể rút ra các nhận xét sau:
Các kết quả đạt được:
* Số lượng các lớp bồi dưỡng tăng mạnh qua mỗi năm
Căn cứ vào biểu đồ, số lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm không ngừng tăng lên về số lượng. Nếu như năm 2002 số lớp được mở là 12 thì năm 2007 đã tăng lên 17 lớp, và số lượng lớp tăng dần qua các năm. Tổng số lớp học được tổ chức trong giai đoạn 2002-2007 là 89 lớp, trung bình mỗi năm có tới 14 lớp được tổ chức. Nếu so với giai đoạn 1997-2001 với tổng số 52 lớp và trung bình 10 lớp mỗi năm thì rò ràng số lượng các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin đã tăng vọt. Như vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông tin đã và đang được quan tâm, phần nào đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực thông tin.