Khái Niệm Và Vai Trò Của Rừng Đối Với Đời Sống Xã Hội



Chương 2

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHÍNH SÁCH CHO THUÊ MÔI TRƯỜNG RỪNG TẠI CÁC VƯỜN QUỐC GIA


2.1. Thuê môi trường rừng tại các Vườn quốc gia

2.1.1. Khái niệm và vai trò của rừng đối với đời sống xã hội

2.1.1.1. Định nghĩa về rừng

Về mặt pháp lý, Luật BV&PTR năm 2004 đã giải thích từ ngữ về rừng như sau: “Rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó cây gỗ, tre nứa hoặc hệ thực vật đặc trưng là thành phần chính có độ che phủ của tán rừng từ 0,1 trở lên. Rừng gồm rừng trồng, rừng tự nhiên trên đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng” (Điều 3 Luật BV&PTR)[35].

Với định nghĩa này cho thấy, rừng là tổng hợp các thành phần của quần xã sinh vật và có mối quan hệ mật thiết với yếu tố môi trường tạo thành một tổng thể các yếu tố môi trường và là một bộ phận cảnh quan địa lý. Với định nghĩa này không nên nhìn nhận rừng chỉ có một yếu tố là cây rừng mặc dù yếu tố này là yếu tố chủ yếu, là yếu tố đặc trưng của rừng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.

Theo Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/06/2009 của Bộ NN&PTNT về Quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng đã đưa ra định nghĩa về rừng một cách cụ thể hơn. Rừng đòi hỏi phải đầy đủ 3 tiêu chí: (1) Là một hệ sinh thái, trong đó thành phần chính là các loài cây lâu năm thân gỗ, cau dừa có chiều cao vút ngọn từ 5,0 mét trở lên (trừ rừng mới trồng và một số loài cây rừng ngập mặn ven biển), tre nứa,…có khả năng cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các giá trị trực tiếp và gián tiếp khác như bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và cảnh quan; (2) Độ tàn che của tán cây là thành phần chính của rừng phải từ 0,1 trở lên; (3) Diện tích liền khoảnh tối thiểu từ 0,5 ha trở lên, nếu là dải cây rừng phải có chiều rộng tối thiểu 20 mét và có từ 3 hàng cây trở lên.

Rừng của Việt Nam được phân thành 3 loại theo mục đích sử dụng là rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Chính sách cho thuê môi trường rừng tại các vườn quốc gia ở khu vực phía bắc Việt Nam – nghiên cứu tại Vườn Quốc gia Ba Vì, Tam Đảo, Bến En - 6


- Rừng sản xuất: là rừng được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường.

- Rừng phòng hộ: là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hoá, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu và bảo vệ môi trường.

- Rừng đặc dụng: là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ bảo vệ môi trường.

Trong đó, VQG là thuộc nhóm rừng đặc dụng. Khác với rừng sản xuất hay rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của Việt Nam là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao nhất, có nhiều giá trị dịch vụ môi trường rừng và luôn được áp dụng các quy định quản lý, bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt.

2.1.1.2. Vai trò của rừng đối với đời sống xã hội

Rừng có vai trò rất lớn đối với đời sống xã hội, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi con người đang đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu và nhu cầu của con người đang dần có sự thay đổi. Rừng có 3 vai trò chính là: (1) Cung cấp lâm sản và lâm sản ngoài gỗ; (2) Vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và cung cấp dịch vụ môi trường rừng như phòng hộ đầu nguồn, giữ nước, điều hòa dòng chảy, giảm thiểu lũ lụt, giữ gìn được nguồn thủy năng lớn cho các nhà máy thủy điện, phòng hộ ven biển, phòng hộ khu công nghiệp, nâng cao giá trị cảnh quan để phát triển DLST,....; (3) Vai trò xã hội như tạo nguồn thu nhập cho đồng bào các dân tộc, tạo việc làm cho dân cư nông thôn.

Rừng Việt Nam là nguồn tài nguyên quý giá không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong cân bằng sinh thái tự nhiên. Rừng là nguồn tài nguyên DLST vô cùng quan trọng của Việt Nam để phát triển ngành du lịch.

2.1.2. Vườn quốc gia và hệ thống vườn quốc gia ở Việt Nam

2.1.2.1. Khái niệm Vườn quốc gia

Hiện nay có nhiều khái niệm khác nhau về VQG trên thế giới và ở Việt Nam:


Tại Mỹ, VQG được định nghĩa: “VQG là vùng đất tự nhiên được thành lập để bảo vệ lâu dài một hay nhiều hệ sinh thái. Đó là những vùng tự nhiên bao gồm mẫu chuẩn của các hệ sinh thái cơ bản (còn nguyên vẹn hoặc ít bị tác động của con người); các nét đặc trưng về sinh cảnh của các loài động, thực vật; các khu rừng có giá trị cao về mặt khoa học, giáo dục và du lịch” [88].

Theo IUCN (Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế) đã định nghĩa VQG như sau: “VQG là một khu bảo vệ được quản lý nhằm phục vụ mục đích bảo vệ hệ sinh thái và giải trí”. Cụ thể là VQG là một “Khu vực đất liền hoặc biển hoặc bao gồm cả hai được thành lập nhằm: (1) Bảo vệ sự toàn vẹn của một hoặc nhiều hệ sinh thái cho thế hệ hiện tại và tương lai; (2) Loại bỏ những hoạt động khai thác hay những hành động đi ngược lại những mục đích của khu bảo vệ; (3) Xây dựng nền móng cho các hoạt động tinh thần, khoa học, giáo dục, giải trí và dành cho khách tham quan, tất cả những hoạt động này đều không gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường và văn hóa” [98].

Theo phân loại các kiểu khu bảo tồn của IUCN, VQG là một loại khu bảo tồn và được xếp ở vị trí thứ 2 trong danh sách phân loại này. Bao gồm: (1) Khu bảo tồn nghiêm ngặt về tự nhiên và hoang dã; (2) Vườn quốc gia; (3) Kỳ quan thiên nhiên;

(4) Khu bảo tồn loài và nơi cư trú; (5) Khu bảo tồn kết hợp sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Định nghĩa của IUCN về cơ bản giống với định nghĩa mà được Mỹ đưa ra cách đây 140 năm. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò bảo tồn hệ sinh thái, bên cạnh đó VQG còn thực hiện chức năng thứ 2 là phục vụ cho hoạt động giải trí, du lịch và học tập nhưng trên cơ sở là phải đảm bảo chức năng bảo tồn.

Tại Nhật Bản, VQG là khu bảo vệ thuộc loại 5 được định nghĩa là “những khu vực đất liền với bờ biển và biển qua một thời gian diễn ra các hoạt động của con người và thiên nhiên đã tạo thành một khu vực có đặc điểm độc đáo mang giá trị thẩm mỹ, sinh thái, văn hóa và đặc biệt là đa dạng sinh học” [87].

Với định nghĩa này, Nhật Bản chấp nhận một hệ thống khoanh vùng với nhiều loại hình nông lâm nghiệp của những người dân địa phương sống trong và ngoài VQG. Do đó, sự ổn định của cộng đồng địa phương là một điều cần thiết đối với sự tồn tại


của các VQG. Vì vậy, việc xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và bản thân những người dân nhằm quản lý các VQG là một điều cần thiết. Tại Nhật Bản, VQG có 3 mục đích là bảo vệ thiên nhiên, giải trí và thu lợi ích kinh tế thông qua hoạt động du lịch quốc tế nhưng mục đích bảo tồn là chính, các mục đích khác chỉ hỗ trợ cho bảo tồn.

Tại Việt Nam, theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 thay thế cho Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý rừng thì VQG là một dạng rừng đặc dụng, được xác định trên các tiêu chí sau: (1) VQG là khu vực tự nhiên trên đất liền hoặc ở vùng đất ngập nước, hải đảo, có diện tích đủ lớn được xác lập để bảo tồn một hay nhiều hệ sinh thái đặc trưng hoặc đại diện không bị tác động hay chỉ bị tác động rất ít từ bên ngoài; bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu hoặc đang nguy cấp; (2) VQG được quản lý, sử dụng chủ yếu phục vụ cho việc bảo tồn rừng và hệ sinh thái rừng, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và DLST; (3) VQG được xác lập dựa trên các tiêu chí và chỉ số về hệ sinh thái đặc trưng; các loài động vật, thực vật đặc hữu; về diện tích tự nhiên của vườn và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư so với diện tích tự nhiên của vườn.

Theo Luật đa dạng sinh học năm 2008, VQG phải có các tiêu chí chủ yếu sau đây:

(1) Có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên; (2) Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; (3) Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục; (4) Có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, có giá trị DLST.

Hiện nay, khái niệm VQG đang có sự chồng chéo, bất cập giữa hai Luật là Luật BV&PTR và Luật Đa dạng sinh học. Tuy nhiên, Luận án này theo khái niệm của Luật BV&PTR (2004) đưa ra.

Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng đưa ra tiêu chí VQG, quy định VQG đáp ứng ít nhất một trong ba tiêu chí sau đây: (1) Có ít nhất 01 mẫu chuẩn hệ sinh thái đặc trưng của


một vùng sinh thái hoặc của quốc gia, quốc tế; có diện tích liền vùng tối thiểu trên

10.000 ha, trong đó ít nhất 70% diện tích là các hệ sinh thái tự nhiên; diện tích đất nông nghiệp và đất thổ cư phải nhỏ hơn 5%; (2) Có ít nhất 01 loài sinh vật đặc hữu của Việt Nam hoặc có thể bảo tồn sinh cảnh trên 05 loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật; có diện tích liền vùng tối thiểu trên 7.000 ha, trong đó ít nhất 70% diện tích là các hệ sinh thái tự nhiên; diện tích đất nông nghiệp và đất thổ cư phải nhỏ hơn 5%; (3) Có giá trị đặc biệt quan trọng về bảo vệ cảnh quan, nghiên cứu thực nghiệm khoa học của quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Như vậy, VQG của Việt Nam có nhiều mục đích nhưng mục đích chính là bảo vệ thiên nhiên, sự tác động vào VQG phải rất ít và mục đích thứ 2 là giải trí thông qua hoạt động DLST. Tuy nhiên, hai mục đích này phải hài hòa, không được lãng quên hay quá tập trung vào mục đích nào và mục đích bảo tồn đóng vai trò quan trọng trong quản lý VQG. Sự cân bằng giữa bảo tồn với nhu cầu khai thác lợi ích kinh tế để nâng cao giá trị của rừng là một thách thức rất quan trọng đối với hệ thống quản lý VQG.

2.1.2.2. Hệ thống Vườn quốc gia ở Việt Nam

Việt Nam đã thiết lập được hệ thống các khu rừng đặc dụng chung cho toàn quốc trải dài trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, với hầu hết các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, có các loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm. Hiện nay, ở Việt Nam có tổng số 128 khu rừng đặc dụng, trong đó có 30 VQG, 48 khu dự trữ thiên nhiên, 12 khu bảo tồn loài, 38 khu bảo vệ cảnh quan. Tổng diện tích các khu rừng đặc dụng trên 2 triệu ha, tỷ lệ giữa diện tích rừng đặc dụng và diện tích rừng cả nước là 15% (tiêu chuẩn của thế giới 10%).

Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, diện tích VQG có xu hướng tăng lên khoảng 10% so với năm 2006. Nguyên nhân là do nhu cầu mở rộng diện tích bảo tồn đảm bảo gìn giữ các giá trị đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, do VQG của Việt nam được xếp cao nhất trong hệ thống các khu bảo tồn và nhận được nhiều sự đầu tư của Nhà nước nên các địa phương


đang có xu hướng chuyển đổi các khu bảo tồn thành các VQG để nhận được nguồn vốn này. Với xu hướng tăng lên về số lượng VQG sẽ gây ra những gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và nhiều VQG thành lập chưa đảm bảo được các tiêu chí đặt ra.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT năm 2010, có đến 57% VQG có diện tích từ

20.000 ha trở lên, VQG có diện tích dưới 10.000 ha chỉ chiếm 20%. So với các khu bảo tồn khác trong hệ thống rừng đặc dụng, thì VQG có diện tích lớn hơn rất nhiều, thể hiện sự quan trọng của VQG trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam.

Về quản lý VQG, theo quy định thì VQG nằm trên địa phận nhiều tỉnh, thành phố sẽ do Bộ NN&PTNT quản lý, còn VQG nằm trong địa giới một tỉnh hoặc thành phố do UBND tỉnh, thành phố đó quản lý. Việc xây dựng và quản lý VQG dựa trên Luật BV&PTR năm 2004; Quyết định số 62/2005/QĐ-BNN ngày 12/10/2005 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc ban hành tiêu chí phân loại rừng đặc dụng; Quyết định số 186/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý rừng; Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Mới nhất là Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng, đây là văn bản pháp luật được xây dựng tương đối hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay, thể hiện sự thông suốt về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng.

* Nguyên tắc tổ chức quản lý VQG ở Việt Nam

VQG là một loại của rừng đặc dụng vì vậy nguyên tắc tổ chức quản lý VQG theo nguyên tắc tổ chức quản lý rừng đặc dụng, được thực hiện theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý rừng. Trong Quy chế tại Điều 4 có đưa ra nguyên tắc quản lý rừng: (1) Phải được tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; (2) Phải có chủ quản lý, bảo vệ và sử dụng; (3) Việc quản lý rừng phải theo đúng mục đích sử dụng chính của từng loại rừng; đồng thời phải sử dụng hợp lý các giá trị tổng hợp từ rừng để góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo an ninh quốc phòng; (4) Việc xác định các mục tiêu và biện pháp quản lý phải phù hợp với đặc thù của các hệ


sinh thái rừng để đảm bảo phát triển bền vững rừng và hệ sinh thái rừng; (5) Một chủ rừng có thể được giao, được thuê nhiều loại rừng nhưng phải thực hiện việc quản lý từng loại rừng theo đúng quy chế đối với loại rừng đó.

VQG phải xác định phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính dịch vụ. Ba phân khu này gọi là vùng lõi của VQG, ngoài ra còn có vùng đệm.

+ Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: Là khu vực được đảm bảo toàn vẹn và quản lý bảo vệ chặt chẽ nhằm theo dõi diễn biến tự nhiên, nghiêm cấm mọi hành vi làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng.

+ Phân khu phục hồi sinh thái: Là khu vực được quản lý, bảo vệ chặt chẽ để khôi phục các hệ sinh thái rừng thông qua việc thực hiện một số hoạt động lâm sinh cần thiết.

+ Phân khu dịch vụ- hành chính: Là khu vực để xây dựng các công trình làm việc và sinh hoạt của ban quản lý, các cơ sở nghiên cứu-thí nghiệm, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí.

Các phân khu chức năng trong VQG được điều chỉnh về phạm vi ranh giới dựa trên đặc điểm, thực trạng diễn biến của rừng và mục đích quản lý, sử dụng rừng. Việc điều chỉnh ranh giới của các phân khu được thực hiện sau mỗi kỳ quy hoạch hoặc sau mỗi lần rà soát diện tích các loại rừng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Các nguyên tắc này đòi hỏi Ban quản lý rừng phải quản lý sử dụng rừng theo đúng quy hoạch và kế hoạch xây dựng, cho phép thực hiện cho thuê rừng nhưng phải theo đúng quy chế đối với từng loại rừng.

* Tổ chức bộ máy của Ban quản lý VQG

Những VQG được Bộ NN&PTNT hoặc UBND cấp tỉnh thành lập thì tổ chức bộ máy của Ban quản lý khu rừng do cơ quan thành lập quyết định. Bộ NN&PTNT quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức của Ban quản lý VQG thống nhất trong toàn quốc.

Biên chế của Ban quản lý VQG:

+ Biên chế ban đầu có số lượng tối thiểu phù hợp với cơ cấu tổ chức theo quy định của Bộ NN&PTNT. Trong quá trình hoạt động, tùy theo yêu cầu về công tác quản lý và căn cứ quy định của Nhà nước, Ban quản lý VQG được tự điều chỉnh


về biên chế theo thẩm quyền hoặc xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

+ Các VQG được phép tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng với mức 500ha/người; hoặc sử dụng quỹ lương của bộ phận chuyên trách để khoán cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư ở địa phương; thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp.

+ VQG có diện tích từ 7000 ha trở lên và có nguy cơ xâm hại cao được tổ chức lực lượng kiểm lâm. Nếu là VQG thuộc Bộ NN&PTNT quản lý thì tổ chức lực lượng kiểm lâm do Bộ tổ chức, nếu trực thuộc tỉnh do UBND cấp tỉnh tổ chức.

Ban quản lý VQG có năng lực và điều kiện phát triển DLST, được thành lập một bộ phận trực thuộc để thực hiện nhiệm vụ này, theo hình thức của đơn vị sự nghiệp có thu, được vay vốn để đầu tư phát triển du lịch theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.1.3. Khái niệm môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng VQG

2.1.3.1. Môi trường rừng

Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có đưa ra khái niệm về môi trường rừng như sau: “Môi trường rừng bao gồm các hợp phần của hệ sinh thái rừng: thực vật, động vật, vi sinh vật, nước, đất, không khí, cảnh quan thiên nhiên” [14].

Khái niệm môi trường rừng được dùng cho cả rừng sản xuất, đặc dụng và phòng hộ và môi trường rừng là bộ phận hợp thành của rừng. Tuy nhiên, do đặc điểm và chức năng của VQG nên khái niệm môi trường rừng VQG thường gần với khái niệm của cảnh quan. Từ đó, có thể định nghĩa môi trường rừng VQG: “là môi trường được lấy quần thể rừng nhất định làm chủ đạo, nó được kết hợp với các thành phần như khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình, sinh vật trên bề mặt của trái đất tạo thành một thể tổng hợp, đồng thời biểu hiện ra được những thông tin về hình tượng đặc thù của thế giới khách quan, nó dùng để cho con người thưởng thức và chiêm ngưỡng” [26].

2.1.3.2. Khái niệm giá trị môi trường rừng

Rừng là bộ phận của môi trường sinh thái, giữ vai trò quan trọng đối với đời sống con người. Theo công dụng và lợi ích do rừng mang lại, rừng có nhiều giá trị

Xem tất cả 233 trang.

Ngày đăng: 03/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí