Các Nghiên Cứu Về Giá Trị Của Rừng, Giá Trị Dịch Vụ Môi Trường Rừng


+ Thông tin về tình hình triển khai chính sách cho thuê môi trường rừng tại các VQG như kết quả hoạt động kinh doanh của các đơn vị sau khi ký hợp đồng thuê môi trường rừng (doanh thu, chi phí, lợi nhuận...), kết quả đạt được từ việc thực hiện chính sách (nguồn thu từ cho thuê, sử dụng kinh phí thuê,...). Thông tin này thu thập từ ban quản lý Vườn, các chủ doanh nghiệp đang tiến hành thuê môi trường rừng tại các VQG.

+ Thông tin về tình hình xây dựng và thực hiện chính sách tại VQG, sự đầy đủ, phù hợp của chính sách. Thông tin này thu thập từ nhà quản lý VQG, chủ doanh nghiệp.

+ Thông tin về sự tham gia của các bên trong việc triển khai thực hiện chính sách cho thuê môi trường rừng cũng như những tác động của chính sách đến từng bên. Thông tin này thu thập từ các nhà quản lý, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư.

+ Thông tin đánh giá của các nhà quản lý về chính sách cho thuê môi trường rừng đang áp dụng tại VQG.

4.3. Xử lý và phân tích thông tin

Thông tin, số liệu được tổng hợp và phân tích theo từng địa điểm và từng nội dung nghiên cứu. Cụ thể:

- Các thông tin định lượng (biểu mẫu, số liệu…) sẽ được xử lý và tổng hợp với sự hỗ trợ chương trình excel.

Các phương pháp phân tích được sử dụng:

+ Phương pháp thống kê kinh tế để phân tích đánh giá và tổng hợp kết quả nghiên cứu nhằm tìm quy luật cũng như phân tích biến động và xu thế phát triển của đối tượng nghiên cứu.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.

+ Phương pháp tổng hợp: Dùng phương pháp tổng hợp để hệ thống hóa tài liệu thu thập được làm cơ sở cho việc phân tích đánh giá thực trạng thực hiện chính sách thuê môi trường rừng tại các VQG nghiên cứu.

+ Phương pháp mô tả: Dùng phương pháp này để mô tả quá trình tổ chức thực hiện chính sách cho thuê môi trường rừng cũng như các hoạt động liên quan từ kết quả khảo sát thực tế và các thông tin thu thập được tại địa điểm nghiên cứu.

Chính sách cho thuê môi trường rừng tại các vườn quốc gia ở khu vực phía bắc Việt Nam – nghiên cứu tại Vườn Quốc gia Ba Vì, Tam Đảo, Bến En - 3

+ Phương pháp so sánh: Phương pháp này được sử dụng để so sánh kết quả thực hiện cũng như những điều kiện cụ thể giữa các VQG nghiên cứu với nhau, tìm


ra những điều kiện, những cách thức thực hiện giống và khác nhau giữa các VQG nghiên cứu.

+ Phương pháp chuyên gia: Tham vấn ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm để phân tích, đánh giá tình hình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách cho thuê môi trường rừng thông qua các hình thức trao đổi trực tiếp, email, điện thoại,…

5. Kết cấu của Luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và các Phụ lục, Luận án được kết cấu gồm 4 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu.

Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về chính sách cho thuê môi trường rừng tại các Vườn quốc gia.

Chương 3: Thực trạng chính sách và thực hiện chính sách cho thuê môi trường rừng tại VQG Ba Vì, Tam Đảo, Bến En.

Chương 4: Giải pháp hoàn thiện chính sách cho thuê môi trường rừng tại VQG khu vực phía Bắc Việt Nam.



Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU


1.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới

Hiện nay, việc khai thác các giá trị dịch vụ môi trường rừng tại các VQG đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và những người trực tiếp làm nghề rừng. Trong thời gian vừa qua, đã có một số công trình nghiên cứu về vấn đề này ở các khía cạnh khác nhau. Các công trình nghiên cứu về chính sách cho thuê môi trường rừng tại VQG chưa có nhiều, chủ yếu mới tập trung vào các công trình nghiên cứu liên quan đến thuê rừng, xác định các giá trị của rừng và khai thác các giá trị dịch vụ môi trường rừng kinh doanh DLST.

1.1.1. Các nghiên cứu về giá trị của rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng

Một số nghiên cứu đã bước đầu ước tính được các giá trị của rừng như nghiên cứu của Sutherland (1985), Pearce (2001). Các nghiên cứu đã chỉ ra giá trị nhiều mặt của rừng như là cung cấp gỗ, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ và phục hồi đất, điều hòa khí hậu, hấp thụ cacbon, tạo vẻ đẹp cảnh quan cho giải trí .... Những giá trị này của rừng đã đem lại rất nhiều lợi ích khác nhau cả về kinh tế, sinh thái, môi trường. Việc đánh giá đầy đủ giá trị của rừng và môi trường rừng là cơ sở để khai thác và quản lý rừng bền vững. Mặc dù, đã nhận biết được giá trị nhiều mặt của rừng nhưng trong một thời gian dài con người mới chỉ quan tâm đến giá trị từ khai thác gỗ. Chỉ đến khi các vấn đề về ảnh hưởng của việc khai thác gỗ quá mức gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thì những vai trò của môi trường của rừng và dịch vụ môi trường rừng mới được thực sự quan tâm [95], [88].

Do chưa nhận thức đầy đủ giá trị của rừng nên ngành lâm nghiệp được đánh giá là ngành mang lại giá trị rất nhỏ cho nền kinh tế và nhiều giá trị của rừng đang chưa được thừa nhận. Nguyên nhân của những đánh giá trên là do đặc thù của ngành Lâm nghiệp, do nhận thức về giá trị của rừng chưa đầy đủ, nhiều lợi ích kinh tế của rừng chưa xác định được giá trị vì các lợi ích này không được đem bán ra thị trường. Chính do quan niệm như vậy nên nhiều người làm nghề rừng không thể sống được


bằng nghề cũng như là không thể tách được ra khỏi sự trợ cấp của Chính phủ. Xuất phát từ thực tế đó, việc khai thác các giá trị môi trường rừng và dịch vụ môi trường rừng được rất nhiều nước, nhiều người làm nghề rừng quan tâm [56].

Công trình nghiên cứu của Hultala (2004) đã chỉ ra rằng, hiện nay môi trường rừng đang bị coi là thứ “hàng hoá công cộng” nên mọi người đều có thể tự do tiếp cận, tự do sử dụng và hưởng lợi từ giá trị của môi trường rừng. Tình trạng này, nhất là ở những nước nghèo, đã không khuyến khích người làm lâm nghiệp bảo vệ và phát triển những giá trị môi trường rừng, dẫn đến thiệt hại cho nhiều ngành sản xuất và đời sống nói chung [70]. Thực tế đó đã buộc những người làm nghề rừng và những người hưởng lợi chính từ giá trị môi trường rừng phải hợp tác với nhau, chia sẻ với nhau trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển những giá trị môi trường rừng. Trong quá trình đó những giá trị môi trường rừng được phân tích, lượng giá, mua bán, trao đổi như những hàng hoá và dịch vụ khác. Người ta gọi những lợi ích môi trường của rừng được đưa ra trao đổi, mua bán như vậy là dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, trong thời gian dài kết quả nghiên cứu giá trị của môi trường rừng chỉ có ý nghĩa làm tăng kiến thức của con người về giá trị nhiều mặt của rừng, làm thay đổi giá trị của rừng mà chưa trở thành căn cứ cho những quyết định về biện pháp tác động vào rừng [70].

Natasha (2002) đã xác định cơ cấu giá trị cho các loại dịch vụ môi trường của rừng là: Hấp thụ các bon chiếm 27%; Bảo tồn đa dạng sinh học chiếm 25%; Bảo vệ đầu nguồn chiếm 21%; Vẻ đẹp cảnh quan chiếm 17% và giá trị khác chiếm 10% [86]. Sự đánh giá này cho thấy, rừng có thể cung cấp nhiều loại dịch vụ khác nhau và mỗi dịch vụ này sẽ có một giá trị nhất định trong tổng giá trị kinh tế của rừng.

Laitos và Reiss (2004) khi nghiên cứu về những xung đột giữa bảo tồn và giải trí trong quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Mỹ đã cho rằng, luật tài nguyên thiên nhiên (Natural Resource Law) đã được hình thành và phát triển theo ba giai đoạn khác nhau trong suốt lịch sử 50 năm của nó. Giai đoạn 1 từ 1962-1964, Luật pháp Mỹ tập trung vào khuyến khích việc khai thác khoáng sản, dầu khí, gỗ và các sản phẩm thương mại khác. Quốc hội Mỹ đã đưa ra nhiều đạo luật phục vụ cho mục tiêu này. Chính những vấn đề về môi trường từ những hoạt động khai thác trong


giai đoạn I này đã dẫn đến những thay đổi về chính sách trong giai đoạn II. Giai đoạn II bắt đầu từ 1964 đến 1990, các bộ luật và chính sách được xây dựng nhằm hạn chế những vấn đề về môi trường thông qua việc ngăn chặn khai thác kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ không khí và nước, bảo tồn sinh cảnh và loài quý hiếm. Tuy nhiên cũng giống như trong giai đoạn I, việc quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên chỉ bao gồm việc khai thác khoáng sản, chặt gỗ và chăn nuôi kèm theo các quy định bảo vệ môi trường khác. Tuy nhiên đến giai đoạn III, con người được chứng kiến sự thay đổi căn bản từ bảo vệ môi trường tới bảo tồn và giải trí. Việc khai thác các nguồn tài nguyên như khoáng sản, dầu mỏ và gỗ đã không còn là vấn đề căn bản trong quản lý tài nguyên nữa mà được thay bằng các vấn đề bảo tồn và du lịch, giải trí [77].

Công trình nghiên cứu của Sven Wunder (2005) chỉ ra rằng, giá trị của rừng là rất lớn, đặc biệt là giá trị môi trường và dịch vụ môi trường của rừng. Với tầm quan trọng này nhiều tổ chức, quốc gia đã hình thành các cơ chế khác nhau nhằm quản lý dịch vụ môi trường rừng trên quan điểm coi dịch vụ môi trường là một loại hàng hoá. Một số quốc gia đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng cơ chế chi trả cho dịch vụ môi trường rừng - PES (Payment for Environment Services) nhằm quản lý bền vững các dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, các khái niệm và thuật ngữ được thừa nhận để chỉ sự thương mại các dịch vụ môi trường như: chi trả, đền đáp, thị trường, bồi thường [96]. Đây được coi là những xu hướng mới nhằm quản lý dịch vụ môi trường rừng và hướng tới phát triển bền vững.

1.1.2. Các nghiên cứu về khai thác dịch vụ DLST tại VQG

Riera và cộng sự (2012) đã chỉ ra rằng, ở những nước phát triển khi giá thuê đất cao, kinh doanh gỗ có chu kỳ dài sẽ tạo ra những áp lực lớn với Nhà nước và những người làm nghề rừng. Vì vậy, những nhà quản lý rừng cần suy nghĩ để tìm ra những nguồn thu nhập khác để tăng giá trị của rừng, bù đắp sự tăng giá thuê đất và chi phí sử dụng vốn. Ở một vài nước Chính phủ vẫn có các chính sách hỗ trợ ngành sản xuất và chế biến gỗ nhưng đây chỉ được coi như là một cách để gìn giữ vùng nông thôn, thay vào đó các nhà quản lý được yêu cầu phải suy nghĩ tìm ra những nguồn thu nhập khác.


Xuất phát từ thực tế đó, các hoạt động kinh doanh DLST, giải trí đang có xu hướng tăng lên và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị của rừng [89].

Tại nhiều nước khác, giá trị dịch vụ môi trường rừng cũng ngày càng được đánh giá cao và các biện pháp quản lý sử dụng bền vững những giá trị này là một phần quan trọng trong định hướng chung của Chính phủ. Vấn đề này được trình bày trong nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới, như nghiên cứu của Salam D. E. (1998) về chính sách của Tanzania, nghiên cứu của Bryner, G. (1999) về sự cần thiết giữa cân bằng trong bảo tồn và khai thác gỗ thông qua việc so sánh và phân tích chính sách đất đai công của British Columbia - Canada với Miền Tây nước Mỹ.

Các nghiên cứu về giá trị cảnh quan du lịch của các khu vực có rừng nhiệt đới đã được tiến hành. Một số khu vực DLST thu hút một lượng lớn khách du lịch và do đó có giá trị kinh tế tính trên mỗi héc ta rất cao. Tuy nhiên, khó đưa ra được một con số giá trị tiêu biểu bởi giá trị này thay đổi theo khu vực và tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể. Ví dụ, tính toán giá trị du lịch giải trí hàng năm ở Trung Quốc cho thấy giá trị này khoảng 220,9 - 10.564 NDT/ha (tương đương 27,6 - 1.320 USD/ha). Trong năm 1996, người Bristish Clumbia chi tiêu khoảng 1,9 tỷ USD cho các hoạt động DLST, đóng góp cho ngành thuế của địa phương là 116 triệu USD [83]. Krieger (2001) cho rằng, giá trị du lịch giải trí của rừng ở Đức được xác định là khoảng 2,2 tỷ USD/năm [76].

Công trình nghiên cứu của Tek B. Dangi (2010) cho thấy, DLST được coi là một trong những cách thức vừa hỗ trợ bảo tồn đồng thời phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững [97]. Tại Hội nghị các VQG thế giới lần thứ V do IUCN tổ chức năm 2009, các nhà khoa học đã khẳng định “DLST ở trong và ngoài khu bảo tồn là một phương pháp bảo tồn: hỗ trợ, tăng cường nhận thức về các giá trị quan trọng của khu bảo tồn như giá trị sinh thái văn hóa, tinh thần, thẩm mỹ, giải trí và kinh tế; đồng thời tạo thu nhập phục vụ bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái và di sản văn hóa. DLST cũng đóng góp nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng bản địa” [98]. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu này mới dừng lại ở việc nghiên cứu các chính sách quản lý hoạt động DLST ở các VQG nhưng chưa đề cập đến hình thức thực


hiện và đánh giá được các hình thức đó để cung cấp các kinh nghiệm cũng như giải pháp nhằm hoàn thiện được chính sách cho thuê môi trường rừng.

Theo Riera và cộng sự (2012), để thực hiện các hoạt động kinh doanh DLST các chủ rừng có thể tiến hành bằng nhiều cách khác nhau. Hiện nay, một số chủ rừng có thể tự thực hiện việc kinh doanh hoặc có thể cho thuê một phần hay toàn bộ công việc kinh doanh DLST. Cho thuê môi trường rừng kinh doanh DLST đã được xem như một trong những nội dung quan trọng của quản lý rừng trong giai đoạn hiện nay. Các chủ rừng khi cung cấp các tiện ích cho du lịch và giải trí phải quan tâm đến chi phí xây dựng, duy trì các tiện nghi, dịch vụ, cơ sở hạ tầng... Duy trì tiện nghi và sự hài lòng của khách hàng phải được gắn chặt với trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội [89].

Tại Châu Âu, công trình nghiên cứu của Hultala (2004) đã cho thấy, cơ bản việc kinh doanh du lịch và giải trí cũng được thực hiện trên cả rừng công cộng sở hữu của Nhà nước cũng như rừng sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, nhiều nước thuộc vùng Bắc Âu có chính sách miễn phí sử dụng các dịch vụ giải trí cơ bản tại các khu rừng thuộc quản lý của Nhà nước và các VQG. Ngoài ra, người dân cũng có quyền tự do tham quan tất cả các vùng tự nhiên chưa phát triển. Tại các VQG, Chính phủ chi trả trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các dịch vụ cơ bản (củi để đốt, vệ sinh, thu dọn rác …) và người dân được miễn phí vào cổng. Do vậy, các chi phí này không được tính vào khi xây dựng các kế hoạch phát triển dịch vụ giải trí tại các VQG [70]. Đối với các khu vực giải trí thuộc sở hữu Nhà nước, chính phủ cũng dành một phần từ thuế để hỗ trợ sự duy trì và phát triển chúng. Xuất phát từ những quy định đó, như một truyền thống người dân tại các nước này là không phải chi trả lệ phí đường vào tất cả những khu vực có xây dựng đường xá dù nó thuộc sở hữu tư nhân hay công cộng. Các loại chi phí chủ yếu mà người dân phải chi trả khi tham gia các dịch vụ du lịch và giải trí gồm có phí hướng dẫn du lịch, thuê lều/nhà gỗ, thuê môi trường để cắm trại, câu cá và săn bắn [70].

1.1.3. Các công trình nghiên cứu về chính sách cho thuê môi trường rừng kinh doanh DLST tại VQG.

Những kinh nghiệm về thuê rừng và đất rừng của nhiều quốc gia trên thế giới được đề cập đến trong tham luận Những khía cạnh kinh tế và tài chính của thuê


đất rừng quốc gia” của Adrian Whiteman (1998) tại hội thảo “Cho thuê đất công: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế”. Trong tham luận này, tác giả đã có luận bàn về mục đích của các quốc gia khi đưa ra chính sách này; các khía cạnh kinh tế của chính sách cho thuê rừng như làm thế nào xác định được giá cho thuê; các khía cạnh thể chế của việc cho thuê; các nhân tố kinh tế và tài chính chủ yếu cần được cân nhắc khi thiết lập các phương án cho thuê...[102].

Các mục đích của chính sách cho thuê rừng được xác định: (1) Cải thiện tình hình tài chính của Chính phủ từ sự loại bỏ các tài sản công cộng. Đối với ngành Lâm nghiệp, áp dụng đối với những tài sản rừng có lợi ích phi thương mại đáng kể (các lợi ích chiến lược quốc gia, các lợi ích xã hội hay môi trường) hoặc những tài sản rừng có đem lại những lợi ích đó trong tương lai nhưng phải được bảo đảm hợp lý bằng một khung pháp lý đủ mạnh. (2) Tăng hiệu quả của ngành Lâm nghiệp thông qua việc tiếp nhận những kỹ năng quản lý và đầu tư của thành phần kinh tế tư nhân. (3) Phát triển công nghiệp nội địa trên nền tảng tài sản thuộc sở hữu công cộng. (4) Hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng địa phương [102].

Tài liệu của Chính Phủ Nam Phi về phổ biến kinh nghiệm cho thuê rừng đã thống kê những hình thức thuê rừng được nghiên cứu: (1) Cho thuê thương mại hoàn toàn (Người đi thuê có quyền sử dụng đất và các tài sản có liên quan trên đất trong một chu kỳ nhất định, giá thuê được xác định là giá thị trường); (2) Hợp đồng hoặc giấy phép khai thác gỗ; (3) Chuyển nhượng rừng; (4) Thoả thuận quản lý rừng. Tài liệu này đã được chuẩn bị để hỗ trợ cho các nước và Cục Lâm nghiệp Nam Phi (DWAF) đánh giá các phương án của các hợp đồng thuê rừng. Cục Lâm nghiệp đã xem xét các phương án thuê rừng khác nhau sẵn có cho Chính phủ và soạn thảo các kinh nghiệm từ các quốc gia khác mà có liên quan đến lĩnh vực tư nhân trong quản lý rừng thuộc sở hữu Nhà nước. Phần 2 và phần 3 của tài liệu này thảo luận các mục tiêu mà các nước khác nhau đã theo đuổi với các chính sách của họ nhằm khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân vào trong lĩnh vực lâm nghiệp và các phương án điển hình sẵn có đối với các Chính phủ. Phần 4 thảo luận về các khía cạnh kinh tế của thuê rừng như phương pháp xác định giá thuê trong các hợp đồng thuê

Xem tất cả 233 trang.

Ngày đăng: 03/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí