Chiến lược an ninh quốc gia Liên Bang Nga dưới chính quyền Tổng Thống V.Putin 2000 – 2008 - 2


3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề tài

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga dưới Chính quyền Tổng thống V.Putin.

Luận văn sẽ trình bày, phân tích các nội dung sau:

- Những nhân tố tác động tới việc hình thành Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga năm 2000.

- Nội dung văn kiện “Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga” được công bố kèm theo chỉ thị số 24 ngày 10/01/2000, với các nội dung cơ bản như: vị thế quốc tế và các lợi ích quốc gia của Liên bang Nga; những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia cùng các chính sách của nhà nước và việc thiết lập hệ thống thực hiện các chính sách đó nhằm đảm bảo an ninh quốc gia Liên bang Nga.

- Việc thực thi và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược an ninh quốc gia dưới chính quyền Tổng thống V.Putin cũng như những điều chỉnh trong thời kỳ Tổng thống kế nhiệm - Dmitri Medvedev (D.Medvedev).

Đồng thời, luận văn cũng phân tích tác động của việc thực thi Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga tới mối quan hệ giữa Liên bang Nga với một số đối tác và quan hệ với Việt Nam trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống V.Putin.

Về phạm vi nghiên cứu, luận văn tìm hiểu Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga dưới chính quyền Tổng thống V.Putin 2000 - 2008. Tuy nhiên để làm rõ hơn Chiến lược an ninh quốc gia trong giai đoạn này, luận văn sẽ phân tích tình hình thế giới, khu vực và Liên bang Nga từ những năm cuối thế kỷ XX.

Từ những phân tích trên, luận văn mong muốn trả lời câu hỏi: Nước Nga dưới chính quyền Tổng thống V.Putin đã có những thành công và hạn chế gì trong việc bảo vệ an ninh quốc gia để góp phần quan trọng vào việc nâng cao nội lực cũng như vị thế trên trường quốc tế?

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 111 trang tài liệu này.


4. Phương pháp nghiên cứu

Chiến lược an ninh quốc gia Liên Bang Nga dưới chính quyền Tổng Thống V.Putin 2000 – 2008 - 2

Từ các nguồn tài liệu sưu tầm được, luận văn được thực hiện trên cơ sở vận dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu như phương pháp logic, phương pháp lịch sử, phương pháp so sánh, phương pháp tổng hợp, hệ thống….Trong đó, phương pháp lịch sử và phương pháp so sánh là chủ yếu.

Bằng các phương pháp nghiên cứu, luận văn đã luận giải về sự hình thành, quá trình thực thi và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga dưới chính quyền Tổng thống V.Putin, góp phần làm sáng tỏ những điều chỉnh về chiến lược, chính sách và những thay đổi tích cực cũng như những vấn đề còn tồn tại của nước Nga trong những năm đầu thế kỷ XXI.

5. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, luận văn gồm ba chương:

* Chương 1 trình bày những nhân tố tác động tới việc hình thành Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga dưới chính quyền Tổng thống V.Putin 2000 - 2008. Chương này tập trung phân tích những nhân tố từ tình hình thế giới, tình hình khu vực và nước Nga vào những năm cuối của thế kỷ XX. Đồng thời, cũng đề cập đến nhân tố cá nhân nhà lãnh đạo - Tổng thống V.Putin trong việc hình thành Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga.

* Chương 2 giới thiệu những nội dung cơ bản trong văn kiện “Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga” được công bố kèm theo chỉ thị số 24 ngày 10/01/2000 của Tổng thống V.Putin.

* Chương 3 phân tích các chính sách cụ thể trong từng lĩnh vực nhằm thực thi Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga và đánh giá về thành tựu, thách thức trong quá trình thực thi đó cũng như tác động tới mối quan hệ giữa Liên bang Nga với một số đối tác, khu vực. Ngoài ra, cũng trình bày về mối quan hệ Nga - Việt trong giai đoạn 2000 - 2008, dưới chính quyền Tổng thống V.Putin. Phần cuối cung


cấp một số điều chỉnh của Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga trong giai đoạn sau khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống của V.Putin.

* * *

Với tất cả những nghiên cứu, phân tích được trình bày, luận văn “Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga dưới chính quyền Tổng thống V.Putin 2000 - 2008” mong muốn trở thành một tài liệu tham khảo cho bạn đọc rộng rãi có quan tâm tới Liên bang Nga cũng như tới mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam và Liên bang Nga trong quá khứ, hiện tại và tương lai.


CHƯƠNG 1

NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG TỚI VIỆC HÌNH THÀNH CHIẾN LƯỢC AN NINH QUỐC GIA LIÊN BANG NGA DƯỚI CHÍNH QUYỀN TỔNG THỐNG V.PUTIN 2000 - 2008


Chiến lược an ninh quốc gia phản ánh lợi ích của quốc gia - dân tộc đồng thời là công cụ bảo vệ lợi ích đó, là đường lối chỉ đạo việc huy động và phối hợp mọi nguồn lực quốc gia, mọi điều kiện khách quan bên trong và bên ngoài để bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ yếu là đảm bảo an ninh, môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển, bảo đảm khẳng định và nâng cao địa vị của nước đó trên trường quốc tế.

Để hình thành chiến lược an ninh quốc gia, bất kỳ một quốc gia nào cũng phải xuất phát từ tình hình thế giới, khu vực cũng như dựa trên thực lực của đất nước và quan điểm lãnh đạo của giới cầm quyền.

Tháng 12 năm 1997, Tổng thống B.Yeltsin đã phê duyệt “Học thuyết an ninh quốc gia Liên bang Nga” với nội dung bao gồm các định hướng, nguyên tắc chính của nền chính trị quốc gia, làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai các kế hoạch thuộc lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước, quốc tế lúc bấy giờ cùng với sự suy giảm uy tín của Tổng thống B.Yeltsin và Chính phủ của ông, văn kiện này đã mất đi vai trò là văn kiện chủ đạo trong việc lãnh đạo đất nước thoát khỏi khó khăn về mọi mặt và tìm lại vị trí xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. “Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga” được Tổng thống V.Putin phê

duyệt vào tháng 1 năm 2000 có nghĩa là chỉ hơn 2 năm sau khi “Học thuyết an ninh quốc gia Liên bang Nga” của Tổng thống B.Yeltsin được thông qua. Mặc dù vậy, nếu xem xét những nhân tố tác động tới việc hình thành Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga (2000) cần phải xuất phát từ tình hình thế giới, khu vực và tình


hình Liên bang Nga suốt thập niên cuối cùng của thế kỷ XX - từ sau khi Liên Xô tan rã.


1.1 Tình hình thế giới

Tình hình thế giới những năm cuối thế kỷ XX có nhiều diễn biến phức tạp. Cuối năm 1991, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, tương quan lực lượng quốc tế và trật tự thế giới đã thay đổi căn bản. Cuộc chiến tranh lạnh kéo dài trong nhiều năm giữa hai phe đứng đầu là Liên Xô và Mỹ đại diện cho hai chế độ xã hội khác nhau, một bên là Xã hội chủ nghĩa và một bên là Tư bản chủ nghĩa đã chấm dứt. Một môi trường quốc tế mới được mở ra vừa tạo những cơ hội, vừa tạo những thách thức đối với các nước trên thế giới cũng như đối với Liên bang Nga.

Trước hết, chiến tranh lạnh chấm dứt cho thấy xu hướng đối thoại, hợp tác đang thay thế dần xu hướng đối đầu trước kia. Đây là điều kiện thuận lợi để Liên bang Nga cũng như nhiều nước trên thế giới thuộc phe xã hội chủ nghĩa trước đây và các nước đang phát triển hay chậm phát triển mở rộng quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực với tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước tư bản chủ nghĩa.

Mặt khác, chiến tranh lạnh kết thúc đánh dấu khởi điểm thế giới bước vào một quá trình hình thành trật tự thế giới mới chưa xác định rõ ràng với sự nổi trội của Mỹ.

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ có cơ hội thực hiện mưu đồ chi phối và bá chủ thế giới. Mỹ tiến hành điều chỉnh các chiến lược quốc gia, chính sách đối nội cũng như đối ngoại nhằm củng cố vị trí siêu cường duy nhất của mình. Với chiến lược toàn cầu, Mỹ đã cho thấy tham vọng mở rộng bá quyền khắp thế giới, từ Âu sang Á nhằm xây dựng một trật tự thế giới mới do Mỹ đứng đầu.

Bên cạnh một siêu cường - nước Mỹ, vũ đài chính trị quốc tế còn ghi nhận sự nổi lên của một Liên minh Châu Âu (EU) với cố gắng ổn định và đẩy mạnh liên kết


để phát triển, một Đông Á với Nhật Bản vẫn tiếp tục phát triển, Trung Quốc, Hàn Quốc đang trên đà đi lên như vũ bão, Ấn Độ như một ẩn số khó dự đoán… và một nước Nga với rất nhiều kế thừa và cả gánh nặng từ Liên Xô đang từng bước khắc phục những khó khăn để cố gắng vươn mình tìm lại vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh đó, quan hệ lợi ích và sự nảy sinh mâu thuẫn lợi ích giữa các nước lớn diễn biến đầy phức tạp: Quan hệ Trung - Mỹ nhiều lúc căng thẳng, có lúc dịu đi xung quanh vấn đề Đài Loan; quan hệ Nga - Nhật về tranh chấp quần đảo Kurin; thái độ khác nhau của các nước lớn về vấn đề hai miền Triều Tiên và vấn đề hạt nhân ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên; vấn đề tranh chấp Biển Đông,.v.v. [23, tr. 35]. Mặt khác, các nước lớn lại cần hợp tác với nhau. Các quan hệ tay đôi như Mỹ - Trung, Mỹ - Nga, Nga - Trung, Trung - Nhật, Nhật - Nga, Trung - Ấn, Mỹ - Ấn, Ấn - Nga, các quan hệ tay ba như Mỹ - Nhật - Trung, Mỹ - Nhật - Nga,…đan xen nhau, trong đó có những quan hệ đồng minh, đối tác và đối thủ, hợp tác và cạnh tranh, kiềm chế và tiếp xúc.

Với bối cảnh chính trị thế giới như vậy, hầu như các nước, đặc biệt là các nước lớn đều có sự thay đổi căn bản hoặc điều chỉnh với mức độ lớn các chiến lược, chính sách quốc gia của mình. Đây cũng chính là việc mà Tổng thống V.Putin đã làm với nước Nga trước những biến động chung của thời đại.

Việc hoạch định chiến lược của các quốc gia còn chịu sự chi phối bởi những xu hướng phát triển của kinh tế thế giới và các khu vực. Những xu hướng lớn của nền kinh tế thế giới từ cuối thế kỷ XX là toàn cầu hóa kinh tế, tự do hóa thương mại, những tiến bộ vượt bậc về khoa học và công nghệ và tác động của chúng đối với kinh tế thế giới hay sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức. Hiện nay, với các xu hướng này, các quốc gia có thể nhanh chóng hội nhập và tiếp cận thị trường thế giới, tiếp cận được những thành quả sáng tạo về khoa học công nghệ, về tổ chức quản lý, về sản xuất và kinh doanh nhằm thúc đẩy cải cách sâu


rộng nền kinh tế quốc gia và sự hợp tác khu vực, nâng cao khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, các nước đều hiểu rằng với những xu hướng đó không chỉ tạo ra những khả năng, địa bàn rộng lớn cho sự phát triển kinh tế mà còn dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột, những cạnh tranh gay gắt, những biến động về thị trường, về cung cấp nguyên vật liệu, năng lượng hay những thay đổi đột ngột về tương quan lực lượng kinh tế trên thế giới.

Trên bản đồ kinh tế thế giới sau chiến tranh lạnh không thể không nhắc đến nhân tố Mỹ với vị trí đứng đầu thế giới về kinh tế, dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học

- công nghệ cao. Mỹ vừa là đối tác lớn nhất, thị trường lớn nhất và cũng là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của các nước lớn. Giờ đây, sức mạnh kinh tế của Mỹ đang bị cạnh tranh bởi EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. EU là một siêu cường kinh tế, không thua kém Mỹ về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chỉ số xuất nhập khẩu…, nhưng về vốn vẫn thua kém Mỹ và nhiều mặt quan trọng khác, đặc biệt về khoa học

- công nghệ [23, tr. 32]. Trung Quốc - xét riêng trên lĩnh vực kinh tế - có một vị trí rất quan trọng, là một thị trường lớn với khoảng 1,3 tỷ dân, là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong hàng chục năm qua. Nhật Bản vẫn là một người khổng lồ về kinh tế, là một trong ba trụ cột của kinh tế thế giới. Ấn Độ cũng đang có những bước phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là phát triển dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các dịch vụ hiện đại. Những trung tâm này đang đe dọa tới vị trí đứng đầu của Mỹ trong nền kinh tế thế giới đồng thời cũng đang cạnh tranh với nhau để củng cố vị thế của mình.

Trong cục diện kinh tế thế giới như vậy, để hoạch định được các chiến lược quốc gia, các nước lớn đều nỗ lực tối đa trong việc dự báo những biến động của kinh tế thế giới và những diễn biến về tương quan lực lượng giữa các cường quốc, các khối trong lĩnh vực kinh tế. Trên bản đồ kinh tế thế giới đó, nước Nga chưa thể khắc phục được hết khó khăn để trở thành siêu cường kinh tế song với việc hình thành Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga, Tổng thống V.Putin hướng tới


ổn định an ninh kinh tế, ngày càng nâng cao địa vị kinh tế của nước Nga trong tương quan giữa các nước lớn.

Trong quá trình hoạch định chiến lược quốc gia, các quốc gia còn phải chú trọng tới các nhân tố như tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt là dầu mỏ), tài nguyên chất xám.v.v. Từ những năm cuối thế kỷ XX và trong nhiều thập niên tới, cuộc cạnh tranh để giành giật tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên chất xám còn diễn ra và ngày càng gay gắt hơn. Bên cạnh đó, những cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ còn xảy ra ở nhiều nơi với tính chất phức tạp ngày càng tăng và khó dự đoán. Cục diện thế giới là bất ổn, không thái bình, căng thẳng, luôn xáo trộn với sự bùng nổ của các cuộc chiến tranh, xung đột cục bộ dưới nhiều hình thức, cả về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống [32, tr. 64]. Đồng thời, thế giới cũng phải đối diện với nhiều nguy cơ gây bất ổn khác. Chủ nghĩa thực dân cũ đã bị sụp đổ lại gia tăng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa ly khai dân tộc, phân biệt chủng tộc và cực kỳ dã man là chủ nghĩa phát xít mới, chủ nghĩa khủng bố. Nạn buôn lậu vũ khí, các tổ chức maphia và tội phạm quốc tế, nạn ô nhiễm môi trường và các dịch bệnh lạ.v.v cũng ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Những nguy cơ này đang trở thành mối đe dọa lớn đối với hòa bình, an ninh và sự phát triển bền vững của toàn nhân loại.

Những đặc điểm tình hình thế giới như vậy có tác động tới tất cả các quốc gia trên thế giới, đòi hỏi các quốc gia đều phải có sự điều chỉnh các chiến lược, chính sách cho phù hợp với tình hình mới. V.Putin phê duyệt Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga với mục đích đưa đất nước từng bước khắc phục khó khăn, ổn định tình hình trong nước và hướng tới vị trí xứng đáng trong một trật tự thế giới mới.

1.2 Những xung đột trong Cộng đồng các quốc gia độc lập

Ra đời tháng 12 năm 1991, Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) gồm nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây được coi như là sự cứu vãn việc sụp

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/05/2022