cực khổ của những người tỵ nạn đã trở thành một vấn đề xã hội nóng bỏng, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga.
Như vậy, xã hội rối loạn, phức tạp và mất phương hướng kéo dài sau sự kiện Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công cuộc xây dựng và tái thiết Liên bang Nga những năm tiếp theo.
* Về quân sự
Sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga được kế thừa phần lớn di sản quân sự khổng lồ của Liên Xô. Trong số 1.387 đầu đạn tên lửa vượt đại châu (tên lửa hạt nhân tầm xa) của Liên Xô, nước Nga giữ tới 1.035. Mỹ và các nước phương Tây luôn luôn tuyên bố chỉ dành cho một mình nước Nga quyền thừa kế Liên Xô với tư cách là một cường quốc hạt nhân [22, tr. 11]. Các nhà lãnh đạo 4 nước có vũ khí hạt nhân của Liên Xô trước đây (Liên bang Nga, Ucraina, Kazakhstan, Belarus) cũng đi đến thỏa thuận quyền bấm nút hạt nhân thuộc về Tổng thống Liên bang Nga.
Về hải quân, Liên Xô có 4 hạm đội thì nước Nga được kế thừa 3 hạm đội: Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Baltic. Ngoài ra Liên bang Nga còn có Phân đội Hải quân Caspi và Căn cứ hải quân St.Peterburg. Đội ngũ sĩ quan và thủy thủ của Hải quân Nga vào thời điểm đó là khoảng 420.000 người, với hàng trăm tầu ngầm, chiến hạm lớn, hàng ngàn máy bay trên biển.
Về không quân và lục quân, Liên bang Nga cũng nắm phần lớn lực lượng, nhất là lực lượng quân sự chiến lược với 71 sư đoàn, 2.380 máy bay chiến đấu, 70 máy bay ném bom hạng nặng, v.v. cùng hàng triệu sĩ quan, binh lính và các loại vũ khí hiện đại [22, tr 11].
Như vậy, về quân sự, trên thế giới chỉ có Liên bang Nga là cường quốc duy nhất có khả năng đối trọng với Mỹ. Tuy nhiên, cơ sở vật chất - kỹ thuật của các di sản quân sự mà nước Nga được thừa hưởng từ Liên Xô cũng đã phần nào xuống cấp. Việc nâng cấp, bảo dưỡng, hiện đại hóa lực lượng vũ trang cũng như phục hồi các cơ sở hạt nhân là một thách thức lớn đối với Liên bang Nga trong điều kiện nền
kinh tế khó khăn, tài chính hạn hẹp và đã thực sự trở thành gánh nặng đối với đất nước vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX.
Có thể bạn quan tâm!
- Chiến lược an ninh quốc gia Liên Bang Nga dưới chính quyền Tổng Thống V.Putin 2000 – 2008 - 1
- Chiến lược an ninh quốc gia Liên Bang Nga dưới chính quyền Tổng Thống V.Putin 2000 – 2008 - 2
- Chiến lược an ninh quốc gia Liên Bang Nga dưới chính quyền Tổng Thống V.Putin 2000 – 2008 - 3
- Các Nguy Cơ Đe Dọa Đối Với An Ninh Quốc Gia Liên Bang Nga
- Những Nhiệm Vụ Chủ Yếu Nhằm Đảm Bảo An Ninh Quốc Gia
- Đảm Bảo An Ninh Quốc Gia Trong Một Số Lĩnh Vực Đối Nội Khác
Xem toàn bộ 111 trang tài liệu này.
* Vị thế quốc tế
Vị thế của Liên bang Nga trên trường quốc tế đã giảm sút mạnh. Thực chất, Liên bang Nga chưa có được vai trò và vị trí quốc tế mà Liên Xô đã từng nắm giữ. Liên Xô từng là chỗ dựa vững chắc, nguồn giúp đỡ vật chất và tinh thần to lớn, có hiệu quả, nguồn cổ vũ cho phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cách mạng thế giới. Với tư cách là siêu cường, Liên Xô trước đây đã thực sự giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và duy trì thế cân bằng chiến lược với Mỹ và các nước phương Tây. Đến lúc này, vai trò và ảnh hưởng của Liên bang Nga là quá mờ nhạt. Sự suy giảm vị thế của Liên bang Nga gắn liền với cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội trầm trọng bên trong đất nước làm yếu đi nhiều lần nội lực của quốc gia. Liên bang Nga còn phải đối mặt với một thực tế rất bất lợi khi trật tự thế giới hai cực tan rã, nước Nga không còn kẻ thù công khai và trực tiếp nhưng cũng không có đồng minh lẫn đối tác tin cậy - những nước có thể giúp đỡ Nga trong trường hợp xảy ra nguy cơ đe dọa đến lợi ích sống còn của Nga.
Trong bối cảnh đó, ban lãnh đạo Liên bang Nga đã lựa chọn đường lối đối ngoại “định hướng Đại Tây Dương” với mục tiêu bao trùm là nhanh chóng cải thiện quan hệ với các nước phương Tây nhằm tranh thủ sự ủng hộ mọi mặt mà trước hết là kinh tế để nước Nga sớm trở thành thành viên của câu lạc bộ các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Tuy nhiên, kết quả mà Liên bang Nga đạt được không như mong muốn. Nước Nga cũng nhận được những khoản tín dụng và viện trợ tài chính nhất định nhưng luôn đi kèm những điều kiện nghiêm ngặt như với các nước đang phát triển và không thể đủ đối với một nền kinh tế xuống dốc. Những cải cách nóng vội, rập khuôn theo kiểu phương Tây cũng chỉ dẫn đến sự bế tắc. Bên cạnh đó, mong muốn của Tổng thống B.Yeltsin là Liên bang Nga nhanh chóng trở thành hội viên chính thức của nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất (G7) chỉ được đáp lại
bằng thái độ lạnh nhạt, hờ hững và phân biệt đối xử. Tại các Hội nghị G7 trong thời gian 1995 - 1998, Tổng thống Liên bang Nga chỉ được mời tham dự thảo luận ở lĩnh vực chính trị, còn lĩnh vực kinh tế, các nước G7 khẳng định rằng Liên bang Nga còn nhiều yếu kém nên chưa đủ sức tham dự [20, tr. 247]. Với những thất bại của “định hướng Đại Tây Dương”, nước Nga đã buộc phải điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng “cân bằng Đông Tây”. Tuy nhiên, sự điều chỉnh dưới thời Tổng thống B.Yeltsin nặng về tuyên bố, tuyên ngôn hơn là được thực thi trên thực tế nên hiệu quả của chính sách đối ngoại trong việc thực hiện các mục tiêu đối nội và đối ngoại chưa cao [23, tr. 93]. Vị thế quốc tế của Liên bang Nga suy giảm rõ rệt.
Ảnh hưởng của Nga bị sụt giảm ngay cả đối với các nước SNG và các nước Xã hội chủ nghĩa trước đây. Nhiều nước ở Đông Âu có xu hướng gia nhập EU và NATO. Nhiều nước ở châu Á, cụ thể là Trung Á đang rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc hoặc của Mỹ. Với tình hình còn nhiều khó khăn về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế, Liên bang Nga không đủ khả năng để giành ưu thế so với Mỹ. Ảnh hưởng của Mỹ và NATO ngày càng lớn ngược lại với vai trò mờ nhạt của Liên bang Nga trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế như cuộc chiến tranh vùng Vịnh, xung đột ở Kosovo, cuộc chiến tranh ở Nam Tư .v.v. Trong quan hệ chính trị quốc tế, nước Nga rơi vào nguy cơ cô lập, bị gạt ra ngoài lề châu Âu và thế giới, hầu như đứng tách biệt khỏi xu thế khu vực hóa và quốc tế hóa. Liên bang Nga trong giai đoạn này chỉ đóng vai trò khiêm tốn như một nhân tố cân bằng chính trị; tuy kế thừa Liên Xô song không còn vai trò của một siêu cường thực sự.
Tóm lại, nước Nga trở thành quốc gia độc lập trong tình trạng suy yếu toàn diện: kinh tế khủng hoảng trầm trọng, chính trị không ổn định, sức mạnh quân sự giảm sút, vị thế quốc tế và phạm vi ảnh hưởng bị co hẹp đáng kể. Trước tình hình đó, Liên bang Nga cần có điều chỉnh về chiến lược, triển khai mạnh mẽ hàng loạt các chính sách nhằm đưa đất nước nhanh chóng thoát ra khỏi khủng hoảng, khôi phục lại vị trí cường quốc của mình và cần có một vị “thuyền trưởng” mới.
1.4 Sự xuất hiện của vị Tổng thống mới - V.Putin
V.Putin tên đầy đủ là Vladimir Vladimirovich Putin, sinh ngày 7/10/1952 tại Leningrad hay còn gọi là St.Peterburg (trước năm 1914 và từ năm 1991 đến nay), trong một gia đình bình dân. Mẹ ông là công nhân trong một nhà máy và cha ông làm việc trong lực lượng hải quân, tại hạm đội tầu ngầm rồi chuyển sang lực lượng bộ binh vào Thế chiến thứ hai. Putin tốt nghiệp khoa Luật thuộc Đại học quốc gia St.Peterburg năm 1975 và trong thập niên 1990, nhận bằng phó tiến sỹ kinh tế học tại Học viện Mỏ ở St.Peterburg. Ông học Judo - một môn võ của Nhật Bản vì theo ông môn võ đó cho biết phải tôn trọng đối thủ và hạ sách khi sử dụng vũ khí.
Sau khi tốt nghiệp đại học, V.Putin được tuyển dụng vào Ủy ban an ninh quốc gia (KGB). Từ 1985 đến 1990, KGB chuyển Putin sang làm việc tại Dresden, Cộng hòa dân chủ Đức. Khi nước Đức thống nhất, ông được gọi về nước và quay trở lại Leningrad, làm việc tại Ban Quan hệ quốc tế, Đại học quốc gia Leningrad. Năm 1991, ông được chỉ định làm lãnh đạo Ủy ban quốc tế trong Văn phòng thị trưởng St.Peterburg, với trách nhiệm tăng cường quan hệ quốc tế và đầu tư nước ngoài. Năm 1994, V.Putin trở thành Phó chủ tịch thứ nhất thành phố St. Peterburg. Từ tháng 7 năm 1998, ông là một trong các nhà lãnh đạo của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB - Cơ quan kế tục KGB).
V.Putin được Tổng thống B.Yeltsin chỉ định làm Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8 năm 1999 - vị thủ tướng thứ năm của nước Nga trong khoảng thời gian chưa đầy mười tám tháng. Khi được chỉ định, rất ít người tin rằng, Putin có thể giữ ghế lâu hơn so với những người tiền nhiệm. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy. Hình ảnh một quan chức ngành an ninh tiếp cận và xử lý vấn đề khủng hoảng Chechnya một cách cứng rắn của V.Putin đã nhanh chóng lôi cuốn sự ủng hộ của dân chúng. Và đến 31/12/1999, B.Yeltsin bất ngờ tuyên bố từ chức. Theo Hiến pháp, V.Putin được chỉ định làm Tổng thống (tạm quyền) và chính thức trở thành vị
tổng thống thứ hai của nhà nước Liên bang Nga sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 26/3/2000.
Về tính cách phẩm chất cá nhân, những cương vị, trọng trách đã nắm giữ trước khi lên làm tổng thống đã tôi luyện V.Putin nhiều đức tính cần thiết của một nhà lãnh đạo hàng đầu như tính tự tin, quyết đoán. Kết hợp với sự rèn luyện Judo nghiêm túc, V.Putin là một người linh hoạt, khôn ngoan, mạnh mẽ và luôn chủ động. Tất cả những phẩm chất đó cùng với việc được giáo dục từ nhỏ tinh thần luôn hướng về Tổ quốc nên ngay từ khi chỉ là nhân viên KGB và sau này là tổng thống, V.Putin luôn đặt ra mục tiêu hàng đầu là bảo vệ nước Nga, nhân dân Nga và khôi phục vị thế cường quốc của nước Nga. Có thể nói, sau nhiều năm bê bối, thay đổi chính sách liên tục khiến dân chúng bất bình với Tổng thống B.Yeltsin và chính quyền của ông thì việc V.Putin thắng cử, lên nắm quyền đánh dấu một bước khởi đầu mới cho nước Nga trong giai đoạn lịch sử hậu Xô viết.
Tháng 12 năm 1999, V.Putin tiếp nhận đất nước từ người tiền nhiệm với những khó khăn chồng chất. Nhận thức được tình hình rối ren về mọi mặt, với những kiến thức và kinh nghiệm trong những năm tháng học tập, làm việc trước đây và bằng bản lĩnh, phẩm chất cá nhân, V.Putin đã đề ra những quyết sách nhằm thay đổi đất nước, như việc đưa ra nhiều biện pháp tái lập quyền lực tuyệt đối của Kremlin với đời sống chính trị Nga, thông báo chỉ định 07 vị “đại diện toàn quyền” của tổng thống tại các vùng hay việc cho tiến hành cải cách triệt để hệ thống Thượng viện Nga, Ủy ban của Liên bang… Một trong những cơ sở quan trọng để đưa ra các quyết định đó chính là từ việc xác định rõ Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga. Văn kiện Chiến lược này là cơ sở cho việc hoạch định chính sách của nhà nước trong suốt 2 nhiệm kỳ của Tổng thống V.Putin.
* * *
Tựu trung lại, từ những cơ hội, những thách thức do tình hình quốc tế, khu vực và trong nước đem lại cho thấy sự cần thiết và tất yếu điều chỉnh trong chính
sách của nhà nước Liên bang Nga và đó chính là những nhân tố dẫn đến sự hình thành Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga năm 2000.
Trước bức tranh toàn cảnh về nước Nga trong bối cảnh quốc tế và khu vực như vậy, các nhà lãnh đạo Liên bang Nga phải sáng suốt lựa chọn một cách đúng đắn con đường mà nước Nga sẽ đi. V.Putin với việc phê duyệt “Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga” đã đề ra những chiến lược, sách lược quan trọng nhằm mục đích đưa nước Nga từng bước vượt qua muôn vàn khó khăn, ngẩng cao đầu bước vào thế kỷ XXI.
CHƯƠNG 2
NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA
CHIẾN LƯỢC AN NINH QUỐC GIA LIÊN BANG NGA DƯỚI CHÍNH QUYỀN TỔNG THỐNG V.PUTIN 2000 - 2008
Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga được Tổng thống V.Putin phê duyệt ngày 10/01/2000 là văn kiện quan trọng hàng đầu, là cơ sở để đề ra các đường hướng chính cho chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước trong những năm đầu của thế kỷ XXI.
So với “Học thuyết an ninh quốc gia Liên bang Nga” (1997), “Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga” (2000) về cơ bản bao quát các nội dung của Học thuyết và có những thay đổi quan trọng. Văn kiện Chiến lược năm 2000 gồm 4 phần với nội dung như sau:
Phần 1. Nước Nga trong Cộng đồng thế giới: xác định các khuynh hướng của quan hệ quốc tế và vị trí của nước Nga trong cộng đồng thế giới.
Phần 2. Các lợi ích quốc gia của Liên bang Nga.
Phần 3. Các nguy cơ đe dọa đối với an ninh quốc gia Liên bang Nga.
Phần 4. Đảm bảo an ninh quốc gia Liên bang Nga: xác định những hướng chính, những nhiệm vụ hàng đầu cũng như quy định về hệ thống đảm bảo an ninh quốc gia Liên bang Nga.
2.1 Nước Nga trong Cộng đồng thế giới
Sau chiến tranh lạnh, thế giới đã và đang tồn tại những tiền đề khách quan cho việc hình thành một thế giới tương lai hòa bình, ổn định, an ninh và dân chủ hơn. Những tiền đề đó được kể đến là những thành tựu kỳ diệu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, là xu thế hợp tác phát triển, là xu hướng toàn cầu hóa làm gia
tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia… Nhìn chung, các nước đều điều chỉnh chiến lược, chính sách nhằm giành cơ hội thuận lợi để phát triển đất nước và xác lập vị trí tốt nhất theo khả năng trong cộng đồng thế giới.
Tuy nhiên, như đã phân tích, tình hình thế giới 10 năm sau khi chiến tranh lạnh kết thúc vẫn diễn biến rất phức tạp. Học giả Mỹ Paul Kennedy nhận xét: Điều hiển nhiên là “chiến tranh lạnh” đã kết thúc, song thế giới đứng trước không phải là “một trật tự thế giới mới” mà là một hành tinh đầy nhiễu nhương và tan tác. Điều này hoàn toàn đúng với nhiều khu vực, đặc biệt ở Trung Đông và Tây - Nam Á. Hệ thống các quan hệ quốc tế có những đảo lộn với những biến chuyển sâu sắc dẫn đến thay đổi vị thế của nhiều quốc gia và sự tập hợp lực lượng mới trên thế giới. Vậy, trật tự nào cho thế giới? hay thế giới sẽ ra sao? Đó là những câu hỏi được các chính trị gia và các học giả khắp nơi đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra nhiều phương án dự đoán rất khác nhau.
Các nhà lãnh đạo nước Nga đứng đầu là Tổng thống V.Putin đã căn cứ vào tình hình hiện tại và dự báo tương lai để đưa ra các khuynh hướng của quan hệ quốc tế cũng như xác định vị trí của Liên bang Nga trong cộng đồng thế giới. Theo Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga năm 2000, đặc điểm tình hình thế giới là hệ thống các mối quan hệ quốc tế đang biến đổi năng động. Kỷ nguyên đối đầu lưỡng cực kết thúc làm nảy sinh hai khuynh hướng trái ngược nhau:
Khuynh hướng thứ nhất: Nhiều nước và các tổ chức liên kết các nước đó đang cố gắng củng cố vị thế kinh tế, chính trị, hoàn thiện cơ chế quản lý đa phương đối với các diễn biến quốc tế. Theo khuynh hướng này, các yếu tố kinh tế, chính trị, khoa học - kỹ thuật, môi trường sinh thái và thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn.
Khuynh hướng thứ hai thể hiện qua mưu toan thiết lập cơ chế các mối quan hệ quốc tế dựa trên các nước phát triển phương Tây đứng đầu là Mỹ thống trị cộng đồng quốc tế, toan tính đơn phương và dùng vũ lực giải quyết các vấn đề mấu chốt