Chiến lược an ninh quốc gia Liên Bang Nga dưới chính quyền Tổng Thống V.Putin 2000 – 2008 - 3


đổ của Liên bang Xô viết. Cùng với thời gian, SNG đã có những bước phát triển mới với sự liên kết chặt chẽ hơn, nhất là về kinh tế và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, trong quan hệ giữa các nước SNG vẫn còn tồn tại các cuộc xung đột - tranh chấp phức tạp trên nhiều lĩnh vực.

Trước hết phải kể đến vấn đề người Nga ở các nước “cận ngoại biên”. Vấn đề quyền của các dân tộc thiểu số nói chung, người Nga nói riêng ở các nước “cận ngoại biên” đã trở thành nguyên nhân hoặc là một trong những nhuồn gốc quan trọng nhất của phần lớn các cuộc xung đột trong không gian hậu Xô Viết. Nước Nga luôn quan tâm sâu sắc tới vấn đề quyền công dân của những người nói tiếng Nga trong SNG. Do chịu sự phân biệt đối xử ở một số nước SNG, nhiều người Nga đã hồi hương về nước. Chỉ tính riêng năm 1994, dòng người hồi hương đã lên đến gần ba triệu người [10, tr. 88]. Nước Nga mong muốn việc bảo vệ quyền con người và các dân tộc thiểu số trở thành một trong những hoạt động chủ yếu của SNG. Do vậy, đó cũng là một trong những ưu tiên cơ bản trong các chính sách của Nhà nước Liên bang Nga đặc biệt là chính sách đối ngoại.

Vấn đề nổi cộm thứ hai tại khu vực này là tranh chấp giữa Nga và Ucraina. Đây là hai nước cộng hòa lớn thuộc Liên Xô, hơn hẳn các quốc gia mới khác về dân số, tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự. Quan hệ giữa hai nước này chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi nhất cho xu hướng liên kết SNG mà tập trung là vấn đề xử lý kho vũ khí hạt nhân ở Ucraina, vấn đề Krym với hạt nhân là cảng Sevastopol và hạm đội Biển Đen. Đây chính là ngòi nổ cho sự xung đột giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, do những khó khăn về kinh tế, sự bất ổn về chính trị và nhiều vấn đề phức tạp khác trong tình hình khu vực đặc biệt là chiến lược mở rộng của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), các nước SNG nói chung, Nga và Ucraina nói riêng đã có những nhượng bộ nhất định trong chiến lược và chính sách của từng quốc gia hướng tới cải thiện mối quan hệ giữa các nước.


Một điểm nóng nữa trong khu vực chính là vùng Kavkaz. Vì đây là địa bàn chiến lược quan trọng đối với cả Nga và các nước phần châu Á của Liên Xô, là cửa ngõ đi vào thế giới đạo Hồi, nên ở đây có nhiều nước tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các xung đột (Ví dụ như xung đột giữa Azerbaijan và Armenia ở Nargonoi Karabakh, xung đột giữa Abkhazia đòi độc lập với Gruzia, giữa Chechnya muốn tách khỏi Liên bang Nga…). Do vậy, việc giải quyết xung đột ở khu vực này trở nên vô cùng phức tạp và luôn được sự quan tâm của các quốc gia.

Sự mất ổn định trong SNG rõ ràng còn lâu dài và vai trò của Liên bang Nga thực sự quan trọng trong việc giảm thiểu phạm vi và kiềm chế xung đột trong những giới hạn nhất định. Đó cũng chính là mong muốn của nước Nga được thể hiện trong việc hoạch định các chiến lược quốc gia của mình với mục đích vì một nền hòa bình chung trong không gian hậu Xô Viết.

1.3 Khó khăn chồng chất trong nước

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Liên bang Nga là quốc gia kế thừa chủ yếu Liên Xô với 70% lãnh thổ, 61% dân số, 70% ngoại thương, 60% công nghiệp, 90% dầu khí, 70% lực lượng quân sự, 80% kho vũ khí hạt nhân và 10/17 nhà máy điện hạt nhân [20, tr. 16]. Ngoài ra, Liên bang Nga còn nhanh chóng kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ của Liên Xô trên tất cả các bình diện. Phương Tây và các nước lớn cũng tiếp nhận quy chế Liên bang Nga với tư cách là quốc gia kế tục Liên Xô, mà trước hết là chuyển giao cho nước Nga chiếc ghế Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Và chỉ đến tháng 1 năm 1992, tức là rất nhanh sau khi Liên Xô tan rã, đã có 131 nước trên thế giới công nhận nước Nga, còn các Đại sứ của Liên Xô được thừa nhận là Đại sứ Nga mà không cần chuyển giao đặc nhiệm - trao lại ủy nhiệm thư [22, tr. 10].

Tuy nhiên, trong thực tế, những năm cuối của thế kỷ XX, Liên bang Nga chỉ được biết đến với tư cách là một “quốc gia hạng hai” cùng hàng loạt các khó khăn chồng chất về nhiều mặt.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 111 trang tài liệu này.


* Về chính trị

Chiến lược an ninh quốc gia Liên Bang Nga dưới chính quyền Tổng Thống V.Putin 2000 – 2008 - 3

Nền chính trị Liên bang Nga vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX có đặc điểm nổi bật là sự mất ổn định và sự đối đầu tranh giành quyền lực giữa các thế lực.

Năm 1991, sau cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên, B.Yeltsin đã đắc cử Tổng thống với 57% số phiếu bầu. Và cũng từ đó, cuộc tranh giành quyền lực diễn ra gay gắt trong chính quyền mới của nước Nga. Mâu thuẫn giữa lực lượng của Tổng thống B.Yeltsin (chủ trương thiết lập thể chế nhà nước Cộng hòa tổng thống) với lực lượng do Chủ tịch Xô Viết tối cao R.Khasbulatov và Phó Tổng thống A.Ruskoi đứng đầu (chủ trương thiết lập thể chế Cộng hòa nghị viện), được đẩy đến đỉnh điểm là cuộc xung đột vũ trang vào tháng 9 năm 1993. Cuối cùng, phe nhóm của Tổng thống B.Yeltsin đã giành thắng lợi.

Ngày 12 tháng 12 năm 1993, Tổng thống B.Yeltsin tổ chức trưng cầu dân ý, thông qua Hiến pháp và bầu Quốc hội mới. Với chế độ cộng hòa tổng thống và Quốc hội gồm hai viện là Thượng viện (Hội đồng liên bang) và Hạ viện (Đuma quốc gia), quyền lực tập trung chủ yếu trong tay Tổng thống, trực tiếp chỉ huy các Bộ Quốc phòng, An ninh, Ngoại giao, Nội vụ. B.Yeltsin đã dàn xếp với các lực lượng chính trị, ký kết thỏa ước cam kết không dùng vũ lực để giành chính quyền. Tổng thống tiến hành thay đổi, đưa một số người có quan điểm cải cách ôn hòa vào chính phủ để giảm bớt sức ép của phe đối lập đối với chính phủ và Tổng thống. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế và việc đưa quân vào Chechnya (12- 1994), uy tín của Tổng thống và chính phủ sụt giảm nghiêm trọng. Trong nội bộ chính phủ và giữa các phe phái diễn ra sự phân hóa gay gắt. Tháng 6 năm 1995, Duma ra Nghị quyết bất tín nhiệm chính phủ Chernomyrdin. Để tránh đổ vỡ và một phần do tương quan lực lượng chưa đủ áp đảo, hai bên đã phải đi đến một sự thỏa hiệp. Tổng thống B.Yeltsin phải cách chức Bộ trưởng An ninh, Nội vụ và Bộ trưởng phụ trách các vấn đề dân tộc và chính sách khu vực, còn chính phủ Chernomyrdin được tiếp tục duy trì.


Năm 1996 diễn ra cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 4 năm (1996 - 2000), và B.Yeltsin lại tái đắc cử sau hai vòng bỏ phiếu để tiếp tục giữ chức Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ hai đến tháng 6 năm 2000. Trong nhiệm kỳ hai này, B.Yeltsin đã làm nhiều việc để xoa dịu mâu thuẫn giữa các lực lượng chính trị nhưng đều không đạt được ý muốn. Lực lượng cánh tả, lực lượng đối lập vẫn tiếp tục đấu tranh quyết liệt đòi thay đổi đường lối, luận tội và phế truất Tổng thống. Bên cạnh đó là cuộc tranh giành giữa các đảng phái và đặc biệt là mâu thuẫn giữa chính quyền trung ương với các chủ thể của Liên bang. Các khu vực, các nước Cộng hòa tự trị đấu tranh với chính quyền trung ương để đòi quyền tự chủ, tự quyết lớn hơn hoặc đòi ly khai. Nóng bỏng và phức tạp nhất là vùng Bắc Kavkaz với vấn đề Chechnya.

Trước tình hình tiềm ẩn nhiều nhân tố bất trắc như vậy, Tổng thống B.Yeltsin đã tuyên bố từ chức trước thời hạn 6 tháng và đề nghị V.Putin, lúc đó là Thủ tướng lên nắm quyền Tổng thống Liên bang Nga. Sau cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ III ngày 26/3/2000, V.Putin đã thắng cử và trở thành Tổng thống, chính thức mở ra một giai đoạn mới của đất nước Liên bang Nga.

* Về kinh tế

Đặc điểm của nền kinh tế Liên bang Nga vào thập niên 90 của thế kỷ XX là bất ổn với hàng loạt các chỉ số lạm phát cao, tăng trưởng liên tục ở mức âm, các ngành sản xuất đều giảm sút, thiếu hụt triền miên tư liệu sản xuất và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu trong nước như lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Căn nguyên của những bất ổn đó có nguồn gốc từ thời kỳ Xô viết trước đây.

Hậu quả của thời kinh tế bao cấp và 5 năm cải tổ thời Gorbachev (1986 - 1991) đã để lại cho Liên bang Nga một di sản nặng nề trên mọi mặt của nền kinh tế. Năm 1991, nước Nga bắt tay vào cải cách kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn. Chương trình cải cách kinh tế “Liệu pháp sốc”, thả nổi giá cả, tư nhân hóa ồ ạt, cơ cấu lại nền kinh tế, tự do hóa kinh tế, bãi bỏ kiểm soát hối đoái, đã bị thất bại thảm


hại. Thêm vào đó, xung đột vũ trang và khủng hoảng chính trị càng làm cho nền kinh tế nước Nga tiếp tục suy giảm.

Mặt khác, việc Liên Xô tan rã làm cho quan hệ liên kết kinh tế giữa nước Nga với các nước Cộng hòa Xô viết trước đây - vốn là mối liên kết của một nền kinh tế thống nhất trong đa dạng - bị phá vỡ và gián đoạn. Cùng với đó, sự giải thể của Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) đã ảnh hưởng lớn làm nước Nga mất đi phần thị trường nước ngoài truyền thống, nơi chiếm 2/3 hoạt động xuất nhập khẩu của Liên Xô trước đây.

Từ vô vàn những khó khăn như thế nên điểm nổi bật của nền kinh tế Liên bang Nga trong giai đoạn này là lạm phát phi mã và luôn có nguy cơ trở thành siêu lạm phát. Cùng với lạm phát cao, nền kinh tế Liên bang Nga rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài, GDP luôn tăng trưởng âm trừ năm 1997 và 1999 nhưng cũng chỉ đạt được ở mức thấp (0,4% năm 1997 và 1,8% năm 1999) [19].

Nền công nghiệp Liên bang Nga sa sút nghiêm trọng. Việc sử dụng không hết công suất của các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp trở nên phổ biến. Kéo theo đó là sự giảm sút công việc và khối lượng lao động ở nhiều ngành khác nhau. Năng suất lao động trong công nghiệp cũng liên tục giảm. Vì vậy, sản lượng công nghiệp của Liên bang Nga trong tổng sản lượng công nghiệp toàn thế giới thời gian 1992 - 1997 giảm 2 lần (từ 3,5% xuống 1,8%) [19].

Trong nông nghiệp, mặc dù là nước có tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhưng vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Liên bang Nga lại luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm. Năng suất, sản lượng nông nghiệp và chăn nuôi đều giảm. Do đó, trong nhiều năm, Liên bang Nga đã buộc phải ưu tiên chiến lược nhập khẩu lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước.

Cơ cấu kinh tế của Liên bang Nga thời kỳ này thay đổi theo hướng không hợp lý. Tỷ trọng các ngành công nghiệp nhiên liệu, năng lượng, điện, kim loại màu và đen giữ vai trò lớn trong tổ hợp kinh tế quốc dân (chiếm 15% GDP, 50% tổng


sản lượng công nghiệp và 70% tổng sản phẩm xuất khẩu). Hàm lượng kỹ thuật, công nghệ trong các sản phẩm của nền kinh tế rất thấp [19].

Đối lập với thực trạng kinh tế trên, nền kinh tế ngầm lại phát triển rất nhanh (từ 1992 - 1994, kinh tế ngầm chiếm 9 - 10% GDP, năm 1995 là 20%, 1996 là 23% [19]) mà nổi bật là sự liên quan giữa hàng loạt ngân hàng và các xí nghiệp liên doanh với các nhóm tội phạm có tổ chức. Hoạt động kinh tế ngầm còn có sự câu kết chặt chẽ giữa các nhà chính trị và thương nhân ở các khu vực thuộc Liên bang. Sự phát triển của kinh tế ngầm làm tăng thất thu ngân sách và cũng là nguồn gốc của tình trạng chảy vốn ra nước ngoài với số lượng lớn - khoảng 20 tỷ đôla Mỹ mỗi năm chủ yếu để tẩu tán tài sản hoặc để rửa tiền.

Thêm vào đó, nước Nga phải đối mặt với một tình hình tài chính phức tạp, nợ nước ngoài chồng chất. Vào thời điểm này, Liên bang Nga nợ các nước phương Tây hơn 150 tỷ đôla Mỹ và vay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) gần 20 tỷ đôla Mỹ.

Có thể thấy rằng, nước Nga đứng trước nguy cơ tụt hậu về kinh tế ngày càng xa so với các nước công nghiệp phát triển. Và theo những chỉ số khách quan của tiềm lực kinh tế (GDP, tăng trưởng GDP/năm, GDP/người), Liên bang Nga đang bị đẩy vào số các “quốc gia hạng hai” và rơi vào vị trí bất lợi trong phân công lao động quốc tế.

* Về xã hội

Khủng hoảng chính trị, khủng hoảng kinh tế và công cuộc cải cách kinh tế bất thành đã tác động sâu sắc đến tình hình xã hội Liên bang Nga những năm cuối thế kỷ XX. Đây là giai đoạn mà đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, giáo dục và khoa học xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều xung đột dân tộc dẫn đến hiện tượng đòi ly khai khỏi nhà nước Liên bang.

Trong tiến trình cải cách, tình trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội Liên bang Nga ngày càng lớn. Sự chênh lệch thu nhập năm 1992 không vượt quá 4,5 lần nhưng đến năm 1993 đã tăng lên 7,8 lần và đến năm 1995 là 10 lần. Việc thực hiện


tư nhân hóa một cách ồ ạt các doanh nghiệp nhà nước đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng nhanh ở Liên bang Nga. Số người thất nghiệp năm 1993 chiếm 5% lực lượng lao động, năm 1996 chiếm 8,9% (số liệu thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế). Đến năm 1999, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ, tỷ lệ thất nghiệp tăng, chiếm tới 14,2% lực lượng lao động (số liệu của Ủy ban Thống kê nhà nước Liên bang Nga) [19]. Đa phần dân số ở tầng lớp bình dân và tầng lớp dưới có tâm trạng không hài lòng với công cuộc cải cách và tiếc nuối cuộc sống thời kỳ Xô viết. Và hậu quả tất yếu là các cuộc đấu tranh của các tầng lớp này đã nổ ra dưới hình thức chủ yếu là mít tinh, biểu tình.

Tội phạm cũng là vấn đề nhức nhối trong xã hội Liên bang Nga thời kỳ này. Nhiều tổ chức maphia Nga xuất hiện, không chỉ là dạng tội phạm có tổ chức mà còn thực hiện hành vi chiếm hữu và phân phối lại một cách bất hợp pháp tài sản xã hội, phản ánh những đặc quyền hoặc quyền lực của các nhóm, các phe phái cũng như mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo cao cấp và các nhóm hay phe phái đó. Nạn tham nhũng đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật và phạm tội nghiêm trọng của trẻ em cũng tăng cao. Tội phạm vị thành niên ngày càng tăng. Trong thời gian từ 1991 - 1998, số tội phạm nghiêm trọng do trẻ em gây ra như giết người, cướp của, phá hoại tăng 2,9 lần, số tội phạm vị thành niên tăng 28% trong tổng số các vụ phạm pháp [19].

Tình trạng sức khỏe của nhân dân Nga xấu đi nhanh chóng. Nguyên nhân là do thay đổi mức sống, chế độ lao động, chế độ trợ cấp, chế độ ăn uống sút kém gây ra. Một bộ phận lớn dân cư Nga không kịp thích nghi với điều kiện mới đã bị bần cùng hóa, dẫn đến làm chấn động tâm lý và thần kinh của họ. Nhiều người Nga mắc các bệnh tâm thần khác nhau hoặc đang cần có sự trợ giúp về liệu pháp tâm lý. Nghiên cứu của các nhà khoa học trong những năm 1992 - 1993 kết luận rằng, cứ 3 người lớn tuổi thì có 1 người cần đến sự giúp đỡ về tâm lý để đối phó với chứng trầm cảm [20, tr. 23]. Tuổi thọ trung bình giảm rõ rệt, đứng vào vị trí thấp nhất


châu Âu: Trung bình tuổi thọ nam giới là 57 - 58, nữ giới là 70 - 71, kém các nước phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản khoảng 8 - 10 năm [19].

Cùng với khủng hoảng về kinh tế, chính sách giáo dục thay đổi, chất lượng của hệ thống giáo dục Liên bang Nga - một thế mạnh trong thời kỳ Xô viết bị giảm sút nghiêm trọng. Ở tất cả các cấp giáo dục từ mầm non đến chuyên nghiệp, dạy nghề và giáo dục đại học, số học sinh, sinh viên đến trường giảm. Kéo theo đó là số lượng các trường giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề giảm. Chất lượng giảng dạy của nhiều ngành học cũng sút kém nghiêm trọng. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do mối quan hệ chặt chẽ giữa giáo dục và khoa học mà khoa học thời kỳ này đang chịu thiệt hại khủng khiếp do nạn “chảy máu chất xám”. Trong thời gian từ 1992 - 1996, số lượng các nhà khoa học ra nước ngoài tương đối lớn, dao động ở mức 7000 - 40.000 người. Nhiều nghiên cứu viên bỏ ra nước ngoài làm việc lâu dài hoặc làm việc theo hợp đồng. Trong số đó có cả những nhà khoa học đầu ngành đã từng có đóng góp lớn cho nền khoa học Liên Xô trước kia và khoa học Liên bang Nga sau này, nhất là trong lĩnh vực khoa học cơ bản (vật lý lý thuyết, hóa học…). Nạn “Chảy máu chất xám” đã làm giảm hẳn số lượng cán bộ khoa học trong các cơ sở nghiên cứu (từ 1991 đến 1999, số lượng cán bộ nghiên cứu giảm 41,4%). Điều này đã làm suy thoái tiềm năng trí tuệ của Liên bang Nga và dẫn đến sự suy thoái về kỹ thuật, suy giảm khả năng giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng.

Ngoài ra, Liên bang Nga vốn là một quốc gia rộng lớn, đa dân tộc với lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng nên việc duy trì một trật tự xã hội ổn định trên toàn Liên bang sau hàng loạt các biến động chính trị, xã hội vào giai đoạn này là hết sức khó khăn. Các mâu thuẫn về dân tộc, sắc tộc, tôn giáo … bùng phát là nguy cơ tiềm ẩn để chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố xuất hiện. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Liên bang Nga đã tiến hành các cuộc chiến tranh nhưng hậu quả của nó rất nặng nề. Những thương vong, mất mát của quân đội, dân thường và cuộc sống

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/05/2022