góp phần giải quyết khi có tranh chấp phát sinh trên thực tế xuất phát từ việc chia tài sản chung của vợ chồng loại trừ việc trốn tránh nghĩa vụ tài sản khi vợ chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Đối với trường hợp vợ chồng yêu cầu Tòa án chia tài sản chung thì sau khi quyết định về việc chia tài sản chung có hiệu lực pháp luật, bên vợ hoặc chồng sử dụng tài sản vào mục đích đầu tư kinh doanh riêng cần phải lưu bản sao quyết định chia tài sản này cùng hồ sơ đăng ký kinh doanh để nhằm mục đích làm minh bạch nguồn vốn mà vợ, chồng sử dụng vào việc kinh doanh, tránh hiện tượng tẩu tán tài sản khi làm ăn thua lỗ sau này. Đây cũng là cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích cho các chủ thể khác có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của vợ hoặc chồng.
3.2.3. Về thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung vợ chồng
Hiện nay, những quy định của pháp luật hiện hành về hiệu lực của việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đang còn nhiều điểm hạn chế và chưa thống nhất. Do đó, việc xác định thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân rất quan trọng và cần thiết vì nó không những là cơ sở pháp lý để xác định khi nào vợ hoặc chồng có quyền sở hữu tài sản chung đã chia mà nó còn là thời điểm để xác định việc vợ chồng được quyền quyết định đối với những tài sản đã chia đó mà không cần phải có sự bàn bạc, thỏa thuận với người kia. Cần phải thống nhất về thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo hướng là: đối với trường hợp yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung thì hiệu lực của việc chia sẽ được tính kể từ ngày quyết định chia tài sản của Tòa án có hiệu lực. Trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận việc chia tài sản chung và lập thành văn bản thì thời điểm phát sinh hiệu lực sẽ là ngày văn bản này được công chứng, chứng thực. Bên cạnh đó, văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng sẽ không có hiệu lực trong trường hợp văn bản thỏa thuận đó bắt buộc phải được công chứng.
Việc quy định thống nhất về thời điểm có hiệu lực của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân với mục đích đầu tư kinh doanh riêng như trên sẽ góp phần hạn chế đáng kể trong việc vợ chồng lợi dụng kẽ hở của những quy định pháp luật hiện hành về hiệu lực của việc chia tài sản chung nhằm mục đích tẩu tán hoặc trốn tránh nghĩa vụ về tài sản đối với người thứ ba, làm sai lệch sự thật về việc chia tài sản chung của vợ chồng.
Để khắc phục những điểm thiếu sót trên theo tôi nên quy định đối với các văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cần phải công chứng, chứng thực tại các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo tính hợp pháp của những thỏa thuận đó. Hiện nay, dịch vụ công chứng là một dịch vụ công rất phổ biến và thủ tục tương đối dễ dàng, thuận lợi. Việc quy định thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân chỉ có hiệu lực khi văn bản đó được công chứng, chứng thực sẽ giúp cho thỏa thuận đó có giá trị pháp lý cao hơn. Luật HN&GĐ năm 2000 và Luật HN&GĐ năm 2014 chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Vì vậy theo quan điểm của chúng tôi, cần phải bổ sung quy định trên để tạo cơ sở pháp lý cho thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Đồng thời cũng đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong trường hợp vợ chồng có mục đích trốn tránh nghĩa vụ về tài sản đối với họ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho con cái và những thành viên khác trong gia đình.
3.2.4. Về hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để một bên vợ, chồng sản xuất kinh doanh riêng
Để những quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình về chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đồng bộ và đảm bảo tính khả thi trong thực tế thì cần phải quy định cụ thể về hậu quả pháp lý theo hướng như sau:
- Cần quy định rõ những tài sản mà vợ chồng có được sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân do được thừa kế chung, tặng cho chung là
tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp người để lại di sản thừa kế, người tặng cho tài sản có sự phân định rõ ràng phần quyền của mỗi bên vợ, chồng trong khối tài sản đó.
Có thể bạn quan tâm!
- Quyền Và Nghĩa Vụ Của Vợ Chồng Đối Với Con Chung Và Đời Sống Chung Của Gia Đình Sau Khi Chia Tài Sản Chung
- Quyền Và Nghĩa Vụ Của Vợ Chồng Đối Với Người Thứ Ba Khi Chia Tài Sản Chung Trong Thời Kỳ Hôn Nhân Để Một Bên Sản Xuất, Kinh Doanh Riêng
- Về Hiệu Lực Của Việc Chia Tài Sản Chung Vợ Chồng Trong Thời Kỳ Hôn Nhân
- Chia tài sản chung của vợ chồng để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh - 10
Xem toàn bộ 80 trang tài liệu này.
- Cần có quy định về việc niêm yết hoặc công bố công khai việc vợ chồng tiến hành chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân tại nơi vợ chồng cư trú để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba có giao dịch liên quan đến vợ chồng [21, tr.26].
- Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác phát sinh từ việc sản xuất kinh doanh riêng sẽ là tài sản riêng của vợ, chồng.
- Đối với những tài sản riêng khác mà vợ, chồng có trước, trong hoặc sau khi chia tài sản chung, nếu họ sử dụng tài sản riêng đó vào hoạt động sản xuất kinh doanh riêng thì những thu nhập hay hoa lợi, lợi tức thu được sẽ là tài sản riêng của vợ, chồng. Nếu họ không sử dụng vào việc sản xuất kinh doanh riêng thì những hoa lợi, lợi tức đó vẫn là tài sản chung của vợ chồng, chịu sự điều chỉnh của pháp luật về tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
3.2.5. Về các trường hợp chia tài sản chung bị coi là vô hiệu
Luật HN&GĐ năm 2014 đã quy định cụ thể hơn về các trường hợp chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bị coi là vô hiệu. Tuy nhiên cách thức giải quyết hậu quả của việc chia tài sản chung thì lại chưa được đề cập đến. Hiện nay, trong thực tế cũng tồn tại khá phổ biến những trường hợp núp dưới hình thức là chia tài sản chung để đầu tư kinh doanh riêng nhưng thực chất ý đồ của họ là nhằm trốn tránh những nghĩa vụ về tài sản phải thực hiện với người thứ ba. Đây là một vấn đề phức tạp cả về mặt lý luận và thực tiễn, chỉ giải quyết được những điểm còn tồn tại trên thì mới bảo đảm được tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ của vợ chồng mà còn của các chủ thể khác tham gia các giao dịch về tài sản với họ. Vì thế, theo chúng tôi,
trong trường hợp phát hiện ra những dấu hiệu của việc chia tài sản mà vi phạm vào những trường hợp đã được quy định cụ thể nói trên (Điều 42 Luật HN&GĐ năm 2014) thì cần phải thực hiện việc kiểm kê toàn bộ tài sản có liên quan đến hai vợ chồng và áp dụng mọi biện pháp cần thiết để phòng ngừa việc tẩu tán tài sản, từ đó có cơ sở để khắc phục cho phù hợp, ngoài việc vận dụng các quy định của Luật HN&GĐ thì cần phải liên hệ vận dụng các quy định pháp luật khác. Ví dụ như trường hợp vợ chồng chia tài sản chung nhằm trốn tránh các nghĩa vụ về nuôi dưỡng, cấp dưỡng hay các nghĩa vụ về thuế, tài chính đối với Nhà nước thì các chế tài của Luật Hành chính, Luật Hình sự cũng sẽ được quy định và áp dụng phù hợp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của những người liên quan.
3.2.6. Về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
Theo pháp luật một số nước trên thế giới quy định trách nhiệm của vợ chồng đối với đời sống chung sau khi chia tài sản chung được quy định rất rõ ràng. Chẳng hạn như theo pháp luật của Pháp quy định vợ hoặc chồng có trách nhiệm đóng góp các chi phí cho gia đình, nuôi dạy con theo khả năng của mỗi bên, nếu một trong hai bên vợ chồng không còn tài sản sau khi tách tài sản riêng thì người kia phải trả hết các chi phí hoặc Tòa án sẽ quyết định một bên vợ hoặc chồng sẽ nộp một khoản cho bên còn lại và bên còn lại sẽ một mình chịu trách nhiệm thanh toán mọi chi phí trang trải cho gia đình. Pháp luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam chưa có những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vì vậy đã gây nhiều khó khăn trong xét xử khi có tranh chấp phát sinh trong thực tế. Để khắc phục những thiếu sót trên thì cần phải có những quy định cụ thể xác định quyền và nghĩa vụ của vợ chồng sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Cần phải có quy định thống nhất để có căn cứ
xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Bởi vì việc xác định đâu là tài sản chung, tài sản riêng có quan hệ mật thiết với việc xác định được chính xác quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng.
Ngoài ra, đối với trường hợp vợ chồng chia toàn bộ khối tài sản trong thời kỳ hôn nhân thì sẽ gây khó khăn tới đời sống chung của gia đình. Đối với vấn đề này Luật Hôn nhân và gia đình cần quy định cụ thể theo hướng: Vợ chồng thỏa thuận về mức đóng góp các chi phí bảo đảm cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của gia đình sau khi chia tài sản chung. Sự thỏa thuận này của vợ chồng cần phải thể hiện rõ trong văn bản thỏa thuận chia tài sản chung. Nếu vợ chồng không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án dựa vào khả năng tài chính và thu nhập thực tế của từng bên để quy định mức đóng góp của vợ hoặc chồng đối với đời sống chung cho phù hợp.
Đồng thời, pháp luật cũng cần phải có những quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng trong trường hợp một bên gặp khó khăn, lâm vào tình trạng túng thiếu do lý do khách quan, tài sản chung của vợ chồng không còn hoặc còn nhưng không đủ để thực hiện nghĩa vụ tài sản và không đủ để đảm bảo cuộc sống bình thường trong khi bên còn lại có điều kiện kinh tế và có tài sản riêng. Bên cạnh đó cũng cần quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Bởi vì khi vợ chồng chia tài sản chung, có thể sống chung hoặc sống riêng thì người con phải chịu rất nhiều thiệt thòi nên nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái phải được đảm bảo.
KẾT LUẬN
Thông qua việc lựa chọn và nghiên cứu đề tài: “Chia tài sản chung vợ chồng để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh” tác giả đã phân tích và làm rõ được các nội dung chính sau:
Thứ nhất, ở chương những vấn đề lý luận chung đã đưa ra những khái niệm cơ bản về chia tài sản chung vợ chồng, các nguyên tắc cơ bản áp dụng việc tiến hành chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Đặc biệt, Luận văn đã phân tích sự cần thiết và ý nghĩa của việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân gắn với việc tạo điều kiện cho một bên vợ hoặc chồng sản xuất, kinh doanh riêng. Những vấn đề lý luận này có ý nghĩa trong việc nghiên cứu và xây dựng pháp luật điều chỉnh việc vợ chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân với mục đích sản xuất, kinh doanh riêng của một bên vợ hoặc chồng.
Thứ hai, Luận văn đã phân tích những quy định của Luật HN&GĐ năm 2014 và văn bản hướng dẫn có liên quan đến việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Cụ thể là các vấn đề: quyền yêu cầu chia tài sản chung; phương thức chia; hậu quả pháp lý của việc chia; quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng sau khi chia tài sản chung. So với Luật HN&GĐ năm 2000 thì Luật HN&GĐ năm 2014 đã có những điểm tiến bộ hơn khi quy định về việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Đó là những quy định về hậu quả pháp lý sau khi chia; quy định về phương thức chia; quy định về những trường hợp chia tài sản bị coi là vô hiệu. Những quy định mới trên đã phù hợp hơn với yêu cầu của thực tiễn đồng thời nó là cơ sở pháp lý để giải quyết những tranh chấp phát sinh sau này. Ngoài ra, Luận văn đã phân tích những hình thức đầu tư kinh doanh trực tiếp của vợ, chồng dưới hình thức thành lập hay quản lý các loại hình công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp như: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, Công ty Hợp danh.
Qua các hình thức đầu tư này để thấy rõ hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để vợ, chồng đầu tư kinh doanh riêng trong một số lĩnh vực nhất định.
Thứ ba, Luận văn đã phân tích những điểm vướng mắc, bất cập khi vận dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân vào thực tế. Đồng thời, cũng đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân với mục đích đầu tư kinh doanh riêng.
Trong nhịp sống sôi động của nền kinh tế thị trường hiện nay, vợ chồng ngày càng tham gia tích cực vào các hoạt động sản xuất kinh doanh trên rất nhiều lĩnh vực để tìm kiếm lợi nhuận, nâng cao đời sống của gia đình cũng như khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Đối với người kinh doanh thì yếu tố vốn là vô cùng quan trọng vì nó quyết định đến thành công hay thất bại của công việc kinh doanh, trên tinh thần đó Luật Hôn nhân và gia đình đã ghi nhận quyền thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân khi một bên vợ hoặc chồng muốn đầu tư kinh doanh riêng. Những quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình hiện hành đã tạo điều kiện rất nhiều cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh của công dân nói chung và của cá nhân vợ hoặc chồng nói riêng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đồng Ngọc Ba (2005), “Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam”, Tạp chí Luật học, (01), tr.12-18.
2. Chính phủ (2001), Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, Hà Nội.
3. Chính phủ (2013), Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Hà Nội.
4. Chính phủ (2014), Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình, Hà Nội.
5. Nguyễn Văn Cừ (2002), “Quyền sở hữu của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000”, Tạp chí Luật học, (6), tr.3-9.
6. Nguyễn Văn Cừ (2005), Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.
7. Nguyễn Văn Cừ (2008), “Phương thức giải quyết tranh chấp về tài sản của vợ chồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, Đề tài nghiên cứu Khoa học “Tài sản vợ chồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, Hà Nội.
8. Nguyễn Thị Dung (2000), “Hoàn thiện quy định về góp vốn và xác định tư cách thành viên công ty theo Luật Doanh nghiệp năm 2005”, Tạp chí Luật học, (tháng 09), tr.28-37.
9. Trương Thanh Đức (2014), “Bình luận chế định tài sản của vợ chồng trong dự luật HN &GĐ sửa đổi” http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com.
10. Nguyễn Hồng Hải (2003), “Bàn thêm về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật Hôn nhân và gia đình hiện hành”, Tạp chí Luật học, (5).