Quyền Và Nghĩa Vụ Của Vợ Chồng Đối Với Con Chung Và Đời Sống Chung Của Gia Đình Sau Khi Chia Tài Sản Chung

sau khi chia tài sản chung vợ chồng vẫn ở chung với nhau hoặc vợ chồng sẽ sống riêng. Trong trường hợp vợ chồng vẫn sống chung và cư trú cùng một nơi thì việc quan tâm, chăm sóc lẫn nhau và đối với gia đình, những quyền và nghĩa vụ về nhân thân giữa vợ chồng với nhau, với gia đình con cái vẫn được thực hiện một cách trọn vẹn [15, tr.55,56]. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp sau khi chia tài sản chung thì vợ chồng lại sống riêng, mặc dù quyền và nghĩa vụ về nhân thân của họ trong trường hợp này là không hề thay đổi nhưng trên thực tế ít nhiều việc thực hiện những quyền và nghĩa vụ đó cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt là vấn đề đại diện giữa vợ và chồng sẽ được thực hiện như thế nào khi họ không ở cùng một nơi. Sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, quyền đại diện cho nhau giữa vợ, chồng vẫn tồn tại. Luật HN&GĐ năm 2014 đã dành riêng một mục để quy định về vấn đề đại diện giữa vợ và chồng. Theo đó, vợ chồng có quyền đại diện cho nhau theo ủy quyền hoặc theo pháp luật để xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch mà theo quy định của pháp luật cần phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Vợ, chồng cũng có thể đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó [36, Điều 24]. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Bên cạnh việc quy định quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau, sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện vẫn phát sinh trong trường hợp một bên vợ, chồng tham gia giao dịch hợp pháp nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình. Ngoài những quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng với nhau, thì vợ

chồng còn có những mối quan hệ nhân thân đối với gia đình sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhằm mục đích đầu tư kinh doanh riêng không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ về nhân thân của vợ chồng đối với gia đình, đặc biệt là đối với con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự. Trên cơ sở tính chất cộng đồng của hôn nhân thì ngay cả trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận ở riêng sau khi chia tài sản chung thì quan hệ vợ chồng cũng không chấm dứt trước pháp luật. Vì vậy, việc chia tài sản chung không làm thay đổi quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng.

2.3.2. Quan hệ tài sản

Chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật, vì vậy những tài sản phát sinh sau đó vẫn chịu sự chi phối của quy chế pháp lý về tài sản chung. Luật HN&GĐ năm 2014 vẫn kế thừa những quy định về chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân ở Luật HN&GĐ năm 1986 và Luật HN&GĐ năm 2000 tuy nhiên đã có những quy định cụ thể và phù hợp hơn với thực tế xã hội hiện nay. Điều 38 Luật HN&GĐ năm 2014 đã có thêm điểm khác biệt đó là vợ chồng có thể thỏa thuận chia một phần hoặc chia toàn bộ tài sản chung. Quy định này có ý nghĩa thiết thực bởi xuất phát từ nhu cầu thực tế mà vợ chồng có thể yêu cầu hay thỏa thuận chia một phần tài sản vừa bảo đảm được nghĩa vụ tài sản, mục đích kinh doanh của các bên đồng thời vẫn bảo đảm được lợi ích chung của gia đình. Trong khi đó yêu cầu chia toàn bộ tài sản chỉ đặt ra trong những hoàn cảnh đặc biệt khi mà việc chia một phần không đáp ứng được nhu cầu thực tế mà họ đang cần. Việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho một bên vợ hoặc chồng sản xuất kinh doanh riêng sẽ phát sinh những hậu quả pháp lý về mặt tài sản. Cụ thể là:

Quyền sở hữu riêng của vợ, chồng đối với tài sản được chia

Theo quy định tại Luật HN&GĐ năm 2014 về hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì: “Phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng” [36, Điều 40].

Trong trường hợp vợ chồng có rất nhiều tài sản chung, nhưng họ chỉ thỏa thuận để chia một phần nhỏ trong khối tài sản đó thì phần được chia đó sẽ thuộc sở hữu riêng của mỗi bên vợ hoặc chồng. Sau khi vợ chồng đã chia tài sản chung để một bên tiến hành sản xuất kinh doanh riêng thì những khoản lợi nhuận thu được trong quá trình sản xuất kinh doanh sẽ là tài sản riêng của bên vợ hoặc chồng. Mặt khác, những nghĩa vụ về tài sản phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh sẽ được lấy từ tài sản riêng của bên vợ hoặc chồng trực tiếp kinh doanh. Trong các loại hình doanh nghiệp như Công ty Trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty cổ phần thì thành viên hoặc cổ đông của công ty phải chịu trách nhiệm về tài sản trong phạm vi số vốn góp vào công ty. Ví dụ, sau khi chia tài sản chung vợ chồng, anh A góp số tiền 500 triệu đồng cùng bạn thành lập công ty Trách nhiệm hữu hạn. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, những khoản lợi nhuận thu được, tiền lương hàng tháng sẽ thuộc tài sản riêng của anh A. Đồng thời anh A cũng phải chịu trách nhiệm về tài sản trong phạm vi số vốn 500 triệu mà anh đã góp khi thành lập công ty. Đây là trách nhiệm đối với tài sản riêng của anh và không liên quan đến những tài sản chung còn lại trong trường hợp vợ chồng anh chỉ chia một phần trong khối tài sản chung đó. Luật HN&GĐ năm 2014 cũng đã quy định nghĩa vụ về tài sản riêng của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó (khoản 3, Điều 44). Quyền định đoạt về tài sản riêng của vợ chồng chỉ bị hạn chế trong trường hợp tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình. Đối với những

tài sản riêng khi vợ chồng đã chia từ khối tài sản chung thì sẽ không chịu sự ràng buộc của quy định trên bởi vì vợ chồng đã có sự thỏa thuận từ trước. Ngoài những tài sản thu được từ việc đầu tư kinh doanh riêng của vợ, chồng sau khi chia tài sản chung thì những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng [4, Điều 14, Khoản 2].

Quyền sở hữu của vợ chồng đối với khối tài sản chung còn lại

Trong thời kỳ hôn nhân, ngoài mục đích sản xuất kinh doanh riêng thì có những lý do khác để vợ chồng yêu cầu chia tài sản chung. Nếu như theo Luật HN&GĐ năm 1986, khi vợ chồng yêu cầu chia tài sản chung thì tòa án sẽ áp dụng chia như khi ly hôn, tức là sẽ chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng. Luật HN&GĐ năm 2014 và Nghị định số 126/2014/NĐ-CP đã có quy định phù hợp hơn, đó là việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định. Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 80 trang tài liệu này.

Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng [4, Điều 14, Khoản 3].

Như vậy, quy định trên đã nói rõ về những tài sản vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng kể cả sau khi vợ chồng chia tài sản chung. Ngoài ra, ở Nghị định số 126/2014/NĐ-CP còn quy định về hoa lợi, lợi tức phát sinh từ “tài sản riêng khác” của vợ, chồng, sẽ được xác định là tài sản riêng của vợ, chồng. Có thể nói quy định trên của Nghị định số 126/2014/NĐ-CP đã mẫu thuẫn với quy định tại Điều 33 của Luật HN&GĐ năm 2014 về tài sản chung của vợ chồng. Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014 có quy định hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng (trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận khác) là tài

Chia tài sản chung của vợ chồng để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh - 6

sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản riêng của vợ, chồng bao gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định về tài sản chung của vợ chồng (Điều 43 Luật HN&GĐ năm 2014). Như vậy, từ những quy định trên của Luật HN&GĐ năm 2014 có thể hiểu rằng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, nếu như vợ, chồng không có thỏa thuận nào khác thì nó sẽ được xác định là tài sản chung của vợ, chồng. Những hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng khác của vợ, chồng chỉ được xác định là tài sản riêng khi vợ, chồng sử dụng tài sản đó vào hoạt động sản xuất kinh doanh riêng của họ. Ví dụ, vợ chồng anh A thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là số tiền 1 tỷ để anh A mở công ty kinh doanh riêng. Ngoài ra anh A còn có một căn nhà do được bố mẹ anh tặng cho riêng anh, từ trước thời điểm chia tài sản chung, căn nhà này anh A cho thuê mỗi tháng được 20 triệu. Theo quy định tại Điều 33 và 43 của Luật HN&GĐ năm 2014 thì số tiền thuê nhà hàng tháng mà vợ chồng anh A nhận được sẽ là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Sau khi chia tài sản chung, ngoài số vốn 500 triệu đã được chia thì do nhu cầu của việc kinh doanh anh A đã sử dụng căn nhà nói trên để làm văn phòng và sử dụng vào hoạt động kinh doanh của công ty. Như vậy, kể từ thời điểm này những thu nhập có được từ hoạt động sản xuất kinh doanh và từ việc khai thác căn nhà sẽ trở thành tài sản riêng của anh A. Có thể nói, quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 126/2014/NĐ-CP là không phù hợp, nó mâu thuẫn với quy định về nguồn gốc hình thành tài sản chung vợ chồng tại Luật HN&GĐ năm 2014. Theo quan điểm của tác giả, thì những hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản riêng của vợ chồng sẽ là tài sản chung trừ trường hợp những tài sản riêng đó được vợ, chồng đưa vào sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh riêng của họ.

Ngoài ra, đối với tài sản là quyền sử dụng đất thì theo quy định tại Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2014 quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Cần phải phân biệt rõ quyền sử dụng đất của vợ chồng có được sau khi chia tài sản chung, nó chỉ là tài sản chung của vợ chồng nếu quyền sử dụng đất đó không liên quan đến phần tài sản được chia từ tài sản chung của vợ chồng. Đối với trường hợp sau khi chia tài sản chung, vợ hoặc chồng thuê đất, được giao đất để đầu tư kinh doanh riêng thì quyền sử dụng đất đó là tài sản riêng của vợ chồng. Pháp luật cần quy định theo hướng: quyền sử dụng đất mà vợ chồng hoặc mỗi bên vợ hoặc chồng có được sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân vẫn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp quyền sử dụng đất có được từ việc đầu tư kinh doanh riêng của mỗi bên vợ, chồng sau khi đã chia tài sản chung.

Việc chia tài sản chung để đầu tư kinh doanh riêng một mặt tạo điều kiện cho vợ, chồng có vốn cần thiết để sản xuất kinh doanh nhưng lý do quan trọng hơn là vì lợi ích chung của gia đình, tránh những rủi ro trong kinh doanh làm ảnh hưởng đến gia đình, con cái. Khi chia tài sản chung với mục đích để đầu tư kinh doanh riêng cần phân biệt hai loại thu nhập phát sinh sau khi chia tài sản chung đó là: hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản đã được chia do hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại, loại thu nhập này sẽ là tài sản riêng của vợ, chồng nếu không có thỏa thuận nào khác. Loại thứ hai là những thu nhập khác không liên quan đến phần tài sản đã được chia, như tiền lương, thưởng, trợ cấp, tiền trúng xổ số… đây vẫn được coi là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân vì sau khi chia tài sản chung về nguyên tắc quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng và chế độ sở hữu chung hợp nhất vẫn còn tồn tại. Vì vậy, những thu nhập do lao động, do hoạt động sản xuất kinh

doanh và những thu nhập hợp pháp khác chỉ là tài sản riêng của mỗi bên vợ chồng khi nó gắn liền với phần tài sản riêng đã được chia, ngược lại những thu nhập đó sẽ là tài sản chung vợ chồng nếu như không liên quan đến tài sản đã được chia [21].

Việc quy định về hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân tại Nghị định số 126/2014/NĐ-CP đã góp phần khắc phục được sự bất cập và mâu thuẫn của những quy định pháp luật trước đây. Nó là cơ sở pháp lý để xác định tài sản của vợ chồng sau khi chia tài sản chung và giải quyết những tranh chấp phát sinh trong thực tiễn.

2.3.3. Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với con chung và đời sống chung của gia đình sau khi chia tài sản chung

Việc vợ chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là xu hướng phát triển chung của xã hội. Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì quan hệ nhân thân của vợ chồng cũng bị ảnh hưởng ở một mức độ nhất định. Các quan hệ về tài sản lại có sự thay đổi đáng kể, khối tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ chồng có xu hướng tăng lên trong khi tài sản chung hợp nhất lại có xu hướng bị giảm xuống thậm chí là không còn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo được lợi ích chính đáng của gia đình sau khi vợ chồng thỏa thuận chia tài sản chung. Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với con chung, với đời sống chung của gia đình sẽ như thế nào? Mặc dù vợ chồng chia tài sản chung, có thể là chia toàn bộ, chia một phần tài sản xong quan hệ vợ chồng của họ vẫn tồn tại trước pháp luật nên họ vẫn có mọi quyền và phải thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ đối với gia đình [41, tr.56,57].

Quyền và nghĩa vụ về nhân thân của vợ chồng đối với gia đình sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân với mục đích đầu tư kinh doanh riêng không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của cha mẹ

đối với con cái. Quyền và nghĩa vụ về nhân thân của vợ chồng đối với gia đình là mối quan hệ giữa cha mẹ đối với con cái, đặc biệt là con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa cha mẹ và con cái là các lợi ích tinh thần và tình yêu thương, gắn bó dựa trên mối quan hệ tình cảm và huyết thống. Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, cụ thể Luật HN&GĐ năm 2014 đã ghi nhận: “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, tri tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích của xã hội” [36, Điều 69, Khoản 1]. Cha mẹ bình đẳng với nhau trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với con cái trong gia đình. Cha mẹ phải yêu thương con, chăm lo cho sự phát triển của con cả về thể chất lẫn trí tuệ và đạo đức để đứa con trở thành con ngoan trong gia đình và là công dân có ích cho xã hội. Đây là quyền cơ bản mà con cái được hưởng và phải được đảm bảo thực hiện. Đặc biệt, xuất phát từ mối quan hệ ruột thịt gần gũi cũng như khả năng nhận thức của con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì pháp luật Hôn nhân và gia đình hiện hành còn quy định cha mẹ còn là người đại diện theo pháp luật cho con để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của con. Gia đình có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người, những mối liên hệ của con cái với các thành viên khác trong gia đình, nhất là đối với cha mẹ sẽ quyết định cách thức ứng xử đặc biệt là về tình cảm của con cái sau này.

Về nguyên tắc thì quyền và nghĩa vụ về nhân thân của vợ chồng đối với con cái không thay đổi sau khi vợ chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên ở một khía cạnh nào đó thì những quyền và nghĩa vụ này vẫn

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/12/2022