Chia Tài Sản Chung Của Vợ Chồng Trong Pháp Luật Việt Nam Từ 1945 Đến Nay

bình đẳng giữa vợ và chồng, sự bất công đối với người vợ, bảo vệ quyền của người gia trưởng - người chồng trong gia đình. Bên cạnh đó, trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cũng chưa được quy định.

1.1.3.3. Chia tài sản chung của vợ chồng trong pháp luật Việt Nam từ 1945 đến nay

Thời kỳ từ 1945 đến nay là giai đoạn chứng kiến nhiều bước ngoặt lớn của lịch sử dân tộc với thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thống nhất đất nước và thành công của công cuộc đổi mới. Bởi vậy, pháp luật nói chung và pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng nói riêng cũng có những điều chỉnh tương ứng nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong từng giai đoạn cụ thể.

Giai đoạn 1945 - 1954

Sau Cách mạng Tháng Tám các quan hệ HN&GĐ tạm thời được điều chỉnh một cách có chọn lọc bởi các quy định của ba Bộ Dân luật đó là DLGYNK năm 1883, DLTK năm 1931, DLBK năm 1936.Ngày 22/5/1950,

Sắc lệnh số 97/SL sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật được ban hành. Sắc lệnh đã xóa bỏ chế độ bất bình đẳng nam nữ, sự bất công đối với người vợ bằng việc ghi nhận chồng và vợ có địa vị bình đẳng trong gia đình (Điều 5). Mặc dù không được quy định cụ thể nhưng chia tài sản chung của vợ chồng cũng đã được nhắc tới khi phân chia di sản thừa kế của vợ, chồng chết "trong lúc còn sinh thời người chồng góa hay vợ góa, các con đã thành niên có quyền xin chia phần tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết, sau khi đã thanh toán tài sản chung" (Điều 11). Ngày 17/11/1950 Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp tục ban hành Sắc lệnh số 159/SL quy định về ly hôn. Điều 6 của Sắc lệnh quy định về hiệu lực của ly hôn “… Hai vợ chồng đã ly hôn cùng chịu phí tổn về việc nuôi dạy con, mỗi người tùy theo khả năng của mình". Như vậy, khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng phải được chia và vợ, chồng cùng có trách nhiệm trong việc nuôi dạy con. Quy định này cho thấy, quyền bình đẳng giữa hai vợ chồng trong gia đình đặc biệt là trong quan

hệ tài sản được quy định tại Sắc lệnh số 97/SL đã tiếp tục được khẳng định trong Sắc lệnh 159/SL.

Mặc dù cả Sắc lệnh số 97/SL và Sắc lệnh số 159/SL đều không quy định trực tiếp về chia tài sản chung của vợ chồng khi vợ hoặc chồng chết và khi ly hôn nhưng "cứ chiểu theo tinh thần của những văn bản này, có thế suy luận rằng tài sản chung của vợ chồng phải được chia đôi, mỗi bên vợ, chồng được chia một nửa giá trị tài sản chung" [7, tr. 87]. Trường hợp chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại chưa được quy định trong các văn bản pháp luật giai đoạn này.

Giai đoạn 1954 - 1975

Giai đoạn 1954 - 1975, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp thiết lập chế độ Cộng hòa ngụy quyền âm mưu xâm chiếm nước ta. Vì vậy, trong giai đoạn này, các quan hệ HN&GĐ, cụ thể là quan hệ tài sản giữa vợ, chồng ở hai miền được điều chỉnh bởi các văn bản luật khác nhau.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

Ở miền Nam: các quan hệ HN&GĐ lần lượt được điều chỉnh bởi các văn bản là Luật Gia đình số 1-59 ngày 2/1/1959, Sắc luật 15/64 ngày 23/7/1964 quy định giá thú, tử hệ và tài sản cộng đồng, Bộ Dân luật ngày 20/12/1972. Về chia tài sản chung, Luật Gia đình năm 1959 không quy định về hai trường hợp chia tài sản chung khi ly hôn do luật cấm ly hôn (trừ trường hợp Tổng thống cho phép ly hôn), và khi vợ hoặc chồng chết việc phân chia tàì sản do pháp luật thừa kế và án lệ điều chỉnh. Sắc luật 15/64 không dự liệu việc chia tài sản chung của vợ chồng khi một bên vợ, chồng chết trước mà chỉ dự liệu chia tài sản chung khi vợ chồng ly thân tại Điều 97- khi ly thân, vợ chồng áp dụng chế độ biệt sản ("chế độ biệt sản là một loại chế độ tài sản giữa vợ chồng trong đó không có khối cộng đồng tài sản" [7, tr. 187] - tức là không có tài sản chung của hai vợ chồng) hoặc ly hôn tại Điều 94. Bộ Dân luật 1972 lại dự liệu cả ba trường hợp chia tài sản chung đó là khi vợ hoặc

chồng chết; khi vợ chồng ly thân (sự ly thân đương nhiên đặt vợ chồng vào tình trạng biệt sản) và ly hôn. Ngoài ba trường hợp trên, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng cũng có thể làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên phán sự biệt sản trong một số trường hợp được luật dự liệu như chồng quản trị tài sản bất cẩn khiến tài sản riêng của vợ hoặc tài sản chung của vợ chồng có thể bị nguy hại hoặc vợ được kinh doanh thương mại theo sự cho phép của Toà án khi chồng không đồng ý (Điều 165). Khi ly hôn hoặc khi vợ, chồng chết, tài sản chung của vợ chồng được chia theo hôn ước, nếu không có hôn ước thì được chia theo nguyên tắc tài sản chung sẽ chia đôi (Điều 201 và Điều 532).

Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - Thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện - 5

Ở miền Bắc: Luật HN&GĐ năm 1959 được Quốc hội thông qua ngày 29/12/1959 với hai nhiệm vụ cơ bản là xóa bỏ những tàn tích của chế độ hôn nhân gia đình phong kiến lạc hậu và xây dựng chế độ hôn nhân gia đình mới xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, về tài sản của vợ chồng, luật quy định một chế độ tài sản duy nhất là tài sản chung. Vợ, chồng không có tài sản riêng. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc khi hai vợ chồng ly hôn tài sản chung sẽ được chia "căn cứ vào sự đóng góp về công sức của mỗi bên, vào tình hình tài sản và tình trạng cụ thể của gia đình. Lao động trong gia đình được kể như lao động sản xuất" [30, Điều 29]. Luật HN&GĐ năm 1959 chưa quy định trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Giai đoạn 1975 đến nay

Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (30/4/1975) nước ta hoàn toàn thống nhất. Tuy nhiên, sau thống nhất, miền Nam vẫn tiếp tục áp dụng Bộ Dân luật 1972. Đến ngày 25 tháng 3 năm 1977 Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết số 76/CP quy định về việc thực hiện pháp luật thống nhất trong cả nước. Kể từ khi Nghị định số 76/CP ra đời, các quan hệ HN&GĐ trong cả nước được điều chỉnh thống nhất bằng Luật HN&GĐ năm 1959. Ngày 29/12/1986 Quốc hội khóa VII đã thông qua Luật HN&GĐ năm 1986 (có hiệu lực từ 3/1/1987) với nhiều quy định mới phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Các trường hợp chia tài sản chung cũng được quy định cụ thể, rõ ràng. Ngoài hai trường hợp chia như Luật HN&GĐ

năm 1959, Luật HN&GĐ năm 1986 còn quy định thêm trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Điều 18 Luật HN&GĐ năm 1986 quy định "Khi hôn nhân tồn tại, nếu một bên yêu cầu và có lý do chính đáng thì có thể chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định ở Điều 42 của Luật này" [31]. Chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại được chia như khi ly hôn "tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, nhưng có xem xét một cách hợp lý đến tình hình tài sản, tình trạng cụ thể của gia đình và công sức đóng góp của mỗi bên" [31, Điều 42]. Trường hợp vợ, chồng chết, tài sản chung của vợ chồng có thể được chia (nếu cần) theo nguyên tắc chia đôi mà không cần căn cứ vào công sức đóng góp của các bên.‌

Luật HN&GĐ năm 2000 được Quốc hội khóa X thông qua ngày 9/6/2000, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2001 và hiện nay đang có hiệu lực thi hành, tiếp tục quy định các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng giống như Luật HN&GĐ năm 1986. Đồng thời, các trường hợp chia tài sản chung đã được quy định chi tiết, cụ thể hơn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi, áp dụng pháp luật trên thực tế.

1.2. CÁC TRƯỜNG HỢP CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành thì tài sản chung của vợ chồng có thể được chia trong ba trường hợp đó là khi ly hôn, khi một bên vợ hoặc chồng chết, và trong một số điều kiện mà pháp luật quy định, tài sản chung của vợ chồng cũng có thể được chia ngay cả khi quan hệ hôn nhân vẫn tồn tại.

1.2.1. Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Do lần đầu tiên được ghi nhận nên các quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân trong Luật HN&GĐ năm 1986 còn sơ lược, chưa tính đến những đặc thù riêng của chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại. Đến Luật HN&GĐ năm 2000, trường hợp chia tài sản chung này đã được quy định đầy đủ, chi tiết hơn từ điều kiện chia, phương thức chia, hậu quả

pháp lý…tạo cơ sở pháp lý để vợ chồng tự thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết khi có nhu cầu chia tài sản chung.

1.2.1.1. Điều kiện chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Theo quy định tại Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000 thì vợ chồng có thể thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân khi vợ chồng đầu tư, kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Chia tài sản chung nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận. Như vậy, để được coi là hợp pháp, việc chia tài sản chung của vợ chồng phải đồng thời đáp ứng các điều kiện cả về mặt nội dung và về hình thức.

* Điều kiện về nội dung

Về nội dung, chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân phải có lý do chia phù hợp với quy định pháp luật và mục đích chia không nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản.

Lý do chia tài sản chung

Chia tài sản chung để vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng

Khái niệm đầu tư kinh doanh riêng không bị bó hẹp trong các loại hình doanh nghiệp, người đầu tư không nhất thiết phải là thương nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại… Khái niệm đầu tư kinh doanh riêng được nhà làm luật nêu ra ở đây có nội hàm rộng và mở. Đó có thể là vợ, chồng bỏ vốn thành lập công ty riêng, trở thành một thành viên sáng lập của một công ty hay tham gia một dự án đầu tư… Trong điều kiện kinh tế thị trường ngày càng đa dạng, phong phú thì nhu cầu đầu tư kinh doanh riêng của vợ chồng cũng ngày một gia tăng. Chia tài sản chung trong trường hợp này sẽ tạo điều kiện cho vợ, chồng được độc lập sử dụng tài sản vào hoạt động kinh doanh một cách chủ động, linh hoạt hơn bởi tài sản chung sau khi chia sẻ trở thành tài sản riêng, việc sử dụng, định đoạt tài sản sẽ áp dụng quy chế đối với tài sản riêng. Khi đó, việc sử dụng tài sản được chia không bị chi phối bởi các

quy định hạn chế trong việc sử dụng tài sản chung của vợ chồng. Đồng thời, chia tài sản chung trong trường hợp này cũng đồng thời giúp bảo vệ lợi ích của gia đình, tránh những ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động kinh doanh mang lại bởi bản thân hoạt động đầu tư kinh doanh thường chứa đựng nhiều rủi ro.

Chia tài sản chung để vợ chồng thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng

Nghĩa vụ dân sự riêng là nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện bằng tài sản riêng của vợ hoặc chồng có nghĩa vụ. Khi có nghĩa vụ dân sự riêng, về nguyên tắc, người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản riêng của mình mà không thể lấy tài sản chung của vợ chồng để thanh toán. Nếu vợ, chồng không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì có thể yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng để lấy tài sản được chia cho mình thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, với những nghĩa vụ xác lập trong tương lai thì vợ chồng có quyền yêu cầu chia tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hay không? Theo tác giả Nguyễn Ngọc Điện thì:

Luật không nói rõ nghĩa vụ tài sản riêng là nghĩa vụ hiện hữu hay nghĩa vụ sẽ được xác lập trong tương lai. Bởi vậy, việc chia tài sản chung cũng có thể được tiến hành nhằm bảo đảm việc thực hiện một nghĩa vụ mà ở thời điểm tài sản chung được phân chia, chỉ nằm trong dự tính của vợ hoặc chồng [12, tr. 171].

Chia tài sản chung khi có lý do chính đáng khác

Ngoài chia tài sản chung của vợ chồng để vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng, pháp luật còn ghi nhận vợ chồng có quyền thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia tài sản chung khi có lý do chính đáng. Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định "Khi hôn nhân còn tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung" [34]. Như vậy, có lý do chính đáng là một trong những điều kiện để vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Tuy nhiên, đến nay, Luật HN&GĐ năm 2000 và văn bản hướng dẫn chưa giải thích thế nào là lý do chính đáng và những trường hợp nào được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại Điều 29 kể trên.

Chia tài sản chung của vợ chồng không nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản

Theo nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ dân sự, "bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác, đúng cam kết, không trái pháp luật, đạo đức xã hội" [38, Điều 283]. Vì vậy, nếu vợ chồng chia tài sản chung nhằm mục đích làm giảm sút hoặc mất đi khả năng thực hiện nghĩa vụ về tài sản do giá trị khối tài sản đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đã giảm sau khi chia là vợ chồng đã không trung thực và thiếu tinh thần hợp tác…trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, tức là vi phạm nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trong trường hợp này, pháp luật quy định những người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu đối với việc chia tài sản chung của vợ chồng. Các nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng bao gồm: nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng người khác theo quy định pháp luật; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố tuyên bố phá sản doanh nghiệp; nghĩa vụ nộp thuế và nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; nghĩa vụ trả nợ cho người khác và các nghĩa vụ tài sản khác theo quy định của pháp luật (Điều 11 Nghị định 70/2001/NĐ-CP).

* Điều kiện về hình thức

Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải được lập thành văn bản và có thể được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định pháp luật. Trong văn bản chia phải thể hiện rõ các nội dung như lý do chia tài sản, phần tài sản chia, phần tài sản còn lại không chia (nếu có), thời điểm phát sinh hiệu lực của việc chia tài sản chung…(Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP). Trong trường hợp vợ chồng không tự thỏa thuận được về việc chia tài sản chung và yêu cầu Tòa án giải quyết, các vấn đề cụ thể về chia tài sản chung được thể hiện trong quyết định của Tòa án. Như vậy, chia tài

sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân trong mọi trường hợp (tự thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết) đều phải lập thành văn bản. Văn bản chia sẽ là "bằng chứng" để xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng khi phát sinh tranh chấp sau khi chia tài sản chung.

1.2.1.2. Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân xuất phát từ nhu cầu của vợ chồng, do mong muốn của cả hai vợ chồng hoặc một trong hai người. Nếu vợ chồng cùng ưng thuận chia tài sản chung, việc phân chia trở nên đơn giản và dễ thực hiện. Vợ chồng có quyền quyết định về số lượng (chia toàn bộ hay một phần), chủng loại tài sản chung đem chia, cách thức phân chia…Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên khó khăn khi giữa vợ chồng không đạt được sự nhất trí về các vấn đề chia tài sản chung. Khi đó, vợ chồng cần đến sự can thiệp của Tòa án. Luật thực định đã ghi nhận quyền yêu cầu Tòa án giải quyết của vợ chồng nếu họ không thỏa thuận được với nhau (Khoản 1 Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000 và Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP). Vậy, hiểu trường hợp "không thỏa thuận được" theo các quy định kể trên như thế nào? Có thể suy luận việc không thỏa thuận được của vợ chồng về việc chia tài sản chung theo hai hướng sau:

Thứ nhất, không thỏa thuận được là việc vợ chồng không thống nhất được với nhau về sự cần thiết tiến hành chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Trong tình huống này, vợ hoặc chồng đề nghị chia tài sản chung nhưng không nhận được sự đồng ý của người còn lại. Khi đó, người đề nghị không thể đơn phương tiến hành chia tài sản chung bởi cơ chế quản lý, sử dụng định đoạt tài sản chung của vợ chồng đòi hỏi phải có sự thỏa thuận của hai vợ chồng với tư cách là các đồng sở hữu đối với tài sản chung hợp nhất. Bởi vậy, người vợ, chồng muốn chia tài sản chung phải trông chờ vào sự can thiệp của Tòa án.

Thứ hai, không thỏa thuận được là việc vợ chồng không thống nhất với nhau về cách chia hoặc khối tài sản chung đem chia. Với trường hợp này,

Xem tất cả 132 trang.

Ngày đăng: 22/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí