Đặc Điểm Hộ Sản Xuất Nông Nghiệp - Nông Thôn


Giá trị tài sản của các HSX ở gần các thành phố, ven đô thị thì thường có giá trị khá, phát mại thuận lợi hơn. Nhưng phần đông các HSX ở nông thôn, tài sản của họ là nhà ở, đất ở, đất canh tác, cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất, phương tiện,… nhưng nhìn chung là có giá trị không cao và rất khó phát mại, khó bán trong trường hợp hộ sản xuất không có khả năng trả nợ cho Ngân hàng. Tuy nhiên giá trị tài sản còn tuỳ thuộc vào phong tục tập quán của từng vùng. Có những vùng, hộ sản xuất chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở kiên cố, đầu tư mua sắm tài sản đắt tiền,... Trong khi đó ở vùng khác, thì người dân ít có tâm lý tiết kiệm, đầu tư vào nhà ở, tài sản. [47]

1.1.2.2. Đặc điểm hộ sản xuất nông nghiệp - nông thôn

HSX là bộ phận quan trọng, chủ lực của nền kinh tế, đã đáp ứng được yêu cầu của tổ chức sản xuất nông nghiệp có tính linh hoạt cao với quy mô vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, ngoài những đặc điểm chung, theo Trần Văn Dự (2005) cũng có những đặc thù riêng của HSX trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn:

Một là, HSX trong nông nghiệp - nông thôn sinh sống và làm việc trong một cộng đồng bao gồm chủ yếu là nông dân, lấy sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, các hoạt động sản xuất và phi sản xuất khác phục vụ chủ yếu cho nông nghiệp và cộng đồng nông thôn.

Hai là, HSX vùng nông thôn do cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận thị trường, trình độ sản xuất thấp hơn so với đô thị nên không ít hộ nông dân đã bị sức hút của đô thị về nhiều mặt do đó lao động nông thôn đang có xu hướng đổ về đô thị tìm việc làm.

Ba là, HSX vùng nông thôn đại đa số có thu nhập thấp, đời sống, trình độ khoa học công nghệ thấp hơn đô thị, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. [7]

Do những đặc trưng của hộ sản xuất trong kinh tế nông thôn như đã trình bày trên, luận án cho rằng, cần phải tích cực cải tạo, xây dựng và phát triển HSX vùng nông thôn để nông thôn có thể tiến gần đến đô thị. Để thị trường nông thôn có điều kiện phát triển kinh tế đa dạng theo đúng môi trường sẵn có, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 162 trang tài liệu này.

Sớm đưa quy hoạch các vùng nông thôn theo trình độ phát triển, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội để có phương án và giải pháp thích hợp đầu tư xây dựng phát triển nông thôn, đưa HSX sớm tiếp cận nền kinh tế sản xuất mang tính hàng hoá.

1.1.3. Các nguồn vốn chủ yếu phát triển kinh tế hộ sản xuất

Chất lượng tín dụng hộ sản xuất tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - 4

1.1.3.1. Nguồn vốn tự có

Đây là nguồn vốn đầu tiên, quan trọng đối với HSX, khi mà nhu cầu vốn của HSX chưa lớn, trình độ của nền kinh tế còn thấp và hoạt động Ngân hàng chưa phát triển, dịch vụ tiện ích chưa thuận lợi, thì nguồn vốn của HSX hầu hết là vốn tự có. Đó là vốn tiết kiệm bằng tiền, vốn bằng hiện vật và sức lao động hiện có trong gia đình được huy động cho các hoạt động sản xuất trong gia đình họ. Ngay cả khi trình độ của nền kinh tế phát triển, năng lực và quy mô kinh doanh của HSX, hộ gia đình cũng nâng cao lên, thì nhiều gia đình vốn tự có của họ cũng đóng vai trò là chủ lực, tuy nhiên vốn tín dụng trở nên thường xuyên hơn. Mặt khác để mở rộng kinh doanh tất yếu đòi hỏi vốn tự có tăng lên tương ứng, hay nói cách khác nguồn vố tự có luôn đóng vai trò đầu tiên, quan trọng không thể thiếu đối với quá trình sản xuất hàng hoá của HSX.

1.1.3.2. Nguồn vốn tín dụng theo quan hệ truyền thống trong dân cư ở nông thôn

Đây là nguồn vốn quan trọng đứng hàng thứ hai sau vốn tự có trong điều kiện hoạt động Ngân hàng chưa phát triển, chưa vươn tới được, trình độ văn hoá hạn chế. Nguồn vốn tín dụng theo quan hệ truyền thống dân cư, đó là vốn vay người thân, người trong họ hàng, làng xóm, người quen,… thường là không phải chịu lãi suất. Tiếp đến là vốn theo các hoạt động hụi họ truyền thống, lành mạnh mang tính tương trợ lẫn nhau, tiết kiệm giành vốn cho nhau, vốn này cũng không có lãi. Nguồn vốn tiếp theo là vay nợ nặng lãi, thường là lãi suất cao gấp 2 - 3 lần lãi suất vốn vay Ngân hàng. Trường hợp này thường là những vùng hoạt động Ngân hàng chưa vươn tới được, do trình độ văn hoá của hộ sản xuất thấp, hoặc HSX không đủ điều kiện, không có uy tín vay vốn tín dụng NHTM.


1.1.3.3. Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước

Nguồn vốn này không thường xuyên, một số hộ sản xuất ở một số vùng được chính quyền các cấp hỗ trợ một phần vốn khi gặp phải thiên tai, khi phải giải phóng mặt bằng thực hiện dự án và kế hoạch phát triển của Nhà nước, khi cần khuyến khích phát triển cây trồng, vật nuôi mới.…Các hộ thuộc diện chính sách cũng được Nhà nước hỗ trợ vốn. Sự hỗ trợ vốn của Nhà nước cho HSX có thể là không phải hoàn lại, Nhà nước cho không, hoặc có thể vốn tín dụng có hoàn lại, nhưng không lãi suất hoặc lãi suất thấp. Tuy nhiên nguồn vốn này không lớn và không phải HSX nào cũng có được.

1.1.3.4. Nguồn vốn tín dụng Ngân hàng

Đây là nguồn vốn quan trọng nhất đối với HSX trong điều kiện chuyển sang kinh tế hàng hoá, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường. Hoạt động sản xuất của hộ càng phát triển, quy mô càng lớn, trình độ càng nâng lên thì nhu cầu vốn tín dụng Ngân hàng càng thường xuyên hơn và càng lớn hơn. Sự quan hệ thường xuyên và đông đảo của hộ sản xuất đối với NHTM chứng tỏ trình độ phát triển của nền kinh tế đó, chứng tỏ trình độ phát triển HSX ở mức độ khá và cao. Họ sử dụng vốn linh hoạt hơn và sử dụng dịch vụ Ngân hàng cũng thường xuyên hơn. Khi vốn tạm thời nhàn rỗi họ gửi vào Ngân hàng, thông qua Ngân hàng thực hiện dịch vụ thanh toán, quản lý ngân quỹ. Khi đó hộ sản xuất nói chung cũng là đối tượng cạnh tranh mở rộng hoạt động Ngân hàng bán lẻ của các NHTM.

1.1.3.5. Nguồn vốn của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp

Tuỳ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, của mỗi vùng miền mà nguồn vốn này có vị trí quan trọng khác nhau. Thông thường đối với các nước chậm phát triển hoặc đang phát triển, các vùng kinh tế còn nghèo, thì thường hoạt động tín dụng tương hỗ, tương trợ của các tổ chức chính trị - xã hội mở rộng hơn. Đây cũng là nguồn vốn không thường xuyên và không phải hộ nào cũng có được. Nguồn vốn này cũng rất nhỏ, hầu hết chỉ là các hộ thành viên các tổ chức chính trị, xã hội đó mới được hưởng. Nguồn vốn hoạt động của các tổ chức này do


các thành viên tiết kiệm lại để cho hội viên khác vay, từ nguồn tài trợ của một số tổ chức phi Chính phủ quốc tế.

1.1.3.6. Nguồn vốn khác

Đó là nguồn vốn của doanh nghiệp, của cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan bảo vệ môi trường…

Thường là nguồn vốn ứng trước cho thu mua nông sản, nguyên liệu, hay vốn bán chịu của doanh nghiệp cho hộ sản xuất khi cần tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, hay cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị. Đó cũng có thể là vốn ứng trước cho triển khai sản phẩm mới, hay ứng trước để thu mua nguyên liệu, sản phẩm của doanh nghiệp. Hoặc là nguồn vốn ứng trước triển khai thí nghiệm, thí điểm một công trình nghiên cứu, một kết quả nghiên cứu của cơ quan nghiên cứu khoa học. Nguồn vốn này hạn hẹp và không phải ở đâu, vùng nào và lúc nào cũng có được.

1.1.4. Hoạt động tín dụng của Ngân hàng thương mại đối với hộ sản xuất

1.1.4.1. Đặc trưng hoạt động cho vay vốn đối với hộ sản xuất

Theo Trần Văn Dự (2005), hoạt động cho vay vốn của NHTM đối với khách hàng hộ sản xuất có những đặc trưng cơ bản cần chú ý sau đây:

- So với các doanh nghiệp và tổ chức khác, thì đối với HSX món vay nhỏ, thường được giải ngân một lần, thời hạn vay không dài. Cho vay hầu hết bằng tiền mặt và toàn bộ là vay bằng nội tệ. Do đó chi phí cho vay cao, thao tác cho vay nhiều, tốn kém ấn chỉ, giấy tờ hạch toán và theo dõi, từ đó vất vả cho cán bộ Ngân hàng, dễ gây nên tình trạng quá tải cho cán bộ tín dụng, nhưng vốn quay vòng nhanh, tỷ lệ an toàn cũng cao hơn do bởi món vay nhỏ phân tán được rủi ro.

- Tài sản đảm bảo tiền vay hạn chế, vì vậy cho vay không thể chỉ dựa trên cơ sở tài sản thế chấp mà thường kết hợp tín chấp, hoặc hồ sơ giấy tờ bảo đảm tiền vay không thể hoàn thiện được, có khi chỉ là xác nhận của chính quyền địa phương về nhà ở, đất ở không có tranh chấp. Tuy nhiên lại có tính an toàn cao do người vay trọng chữ tín và thông thường không muốn mất cơ ngơi sinh sống nhiều đời do gia đình họ hàng để lại, cũng như do sức ép tâm lý truyền thống địa phương.


- Người vay thường là không thể xây dựng phương án, đề án vay vốn như đối với doanh nghiệp mà thường là sử dụng đơn xin vay. Mặt khác do trình độ mọi mặt của người vay còn hạn chế, nên cán bộ Ngân hàng thường xuyên phải giám sát sử dụng vốn vay, đôn đốc trả nợ, trả lãi.

- Hộ gia đình sinh sống và hoạt động sản xuất không gần Ngân hàng, phần lớn đường giao thông khó khăn, một số vùng miền núi người dân ở phân tán. Do đó việc điều tra nhu cầu vay vốn, sử dụng vốn vay, đi lại đôn đốc trả nợ, trả lãi thường tốn kém nhiều thời gian cho Ngân hàng.

- Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình chịu nhiều tác động bởi thời tiết, khí hậu, thiên tai, ốm đau của thành viên trong gia đình, biến động của thị trường,... Bởi vậy ảnh hưởng nhất định đến tính ổn định, đến rủi ro vốn vay Ngân hàng. [7]

1.1.4.2. Phương thức cho vay vốn hộ sản xuất của Ngân hàng thương mại

Theo Lê Quốc Tuấn (2000), hình thức cho vay trực tiếp: NHTM trực tiếp tiếp nhận hồ sơ xin vay, kiểm tra nhu cầu, giải ngân trực tiếp vốn vay cho hộ sản xuất không qua đầu mối trung gian, ủy thác, đại lý.

- Hình thức cho vay HSX thông qua tổ nhóm vay: việc Ngân hàng cho vay qua tổ nhóm nhằm tạo ra kênh dẫn vốn hiệu quả, tránh quá tải cho cán bộ Ngân hàng. Thông qua tổ nhóm xác nhận tư cách người vay, xác nhận mục đích vay vốn,… việc quyết định cho vay được thông qua danh sách của các thành viên trong tổ nhóm có các yêu cầu xác nhận và hồ sơ cần thiết. Việc giải ngân thông thường Ngân hàng giải ngân trực tiếp cho hộ sản xuất vay vốn là thành viên của tổ nhóm đó. Khâu thu lãi, hoặc thu nợ gốc có thể thông qua tổ trưởng hoặc có thể ngân hàng thu trực tiếp, nhưng thông thường để đảm bảo an toàn vốn vay việc thu nợ gốc, lãi thường không thông qua tổ trưởng tổ vay vốn.

- Hình thức cho vay tay ba: NHTM không tực tiếp giải ngân, cấp tiền cho HSX, mà cung ứng vốn cho tổ chức cung ứng vật tư, nguyên nhiên vật liệu cho hộ sản xuất, tương ứng với giá bán, khối lượng hàng hoá và số tiền vay của hộ sản xuất. Khi giao nhận có sự ký nhận tay ba giữa cơ quan cung ứng vật tư, sản phẩm; Ngân


hàng cho vay và hộ sản xuất. Người nhận nợ là hộ sản xuất. Khi thu nợ thường là thu nợ trực tiếp từ người sản xuất. Hoặc Ngân hàng cho vay, giải ngân trực tiếp từ hộ sản xuất với sự ký nhận tay ba của đơn vị thu mua sản phẩm. Khi HSX bán sản phẩm cho đơn vị thu mua, ngân hàng và đơn vị thu mua đó căn cứ vào khối lượng và giá bán sản phẩm của hộ sản xuất để thu nợ trực tiếp từ chính đơn vị thu mua theo danh sách hộ sản xuất vay vốn. [47]

1.1.5. Vai trò của hoạt động tín dụng Ngân hàng thương mại đối với phát triển kinh tế hộ sản xuất

1.1.5.1. Thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung vốn, trên cơ sở đó góp phần tích cực vào quá trình vận động liên tục của nguồn vốn

Theo Nguyễn Đắc Hưng (2014), tính quy luật phổ biến đó là tại một thời điểm nhất định trong phạm vi một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một nền kinh tế luôn xuất hiện những nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi của các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức,… đồng thời xuất hiện những chủ thể cần vốn để sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chi tiêu,…. NHTM với chức năng của trung gian tài chính thực hiện việc tập trung vốn tạm thời nhàn rỗi, các nguồn vốn nhỏ, lẻ, phân tán để cho các đơn vị, cá nhân tạm thời đang cần vốn vay. Tuy nhiên quá trình đầu tư nguồn vốn tín dụng này phải thực hiện theo các nguyên tắc hoạt động tín dụng. Đối với các nền kinh tế mà tỷ trọng sản xuất nông nghiệp - kinh tế nông thôn truyền thống còn chiếm tỷ trọng lớn, thì NHTM chủ yếu tập trung đầu tư tín dụng cho các HSX có hiệu quả, phù hợp với xu thế chung, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh doanh, dịch vụ của các HSX.

Như vậy, chính nhờ vốn tín dụng Ngân hàng đã tạo điều kiện cho các HSX mở rộng sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế hàng hoá phát triển, tạo đà phát triển kinh tế của toàn xã hội đẩy lùi phương thức sản xuất giản đơn tự cung tự cấp. Các NHTM với tư cách là một trung gian tài chính, là cầu nối giữa tiết kiệm và đầu tư đã thúc đẩy quá trình tập trung vốn, tập trung sản xuất trên cơ sở đó góp phần tích cực vào quá trình vận động liên tục của Nguồn vốn. [16]


1.1.5.2. Hoạt động tín dụng của Ngân hàng thương mại là công cụ tài trợ vốn cho ngành kinh tế kém phát triển và các lĩnh vực cần được ưu tiên

Cũng theo Nguyễn Đắc Hưng (2014), thông hoạt động tín dụng ngân hàng, Nhà Nước có thể bằng các biện pháp thích hợp, như điều hành chính sách tiền tệ, hướng các nguồn vốn tín dụng của NHTM đến các lĩnh vực cần ưu tiên bằng việc cho vay ưu đãi với lãi suất thấp, thời hạn dài, mức vay lớn,… thông qua sử dụng công cu: tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cho vay tái cấp vốn,…. Trong điều kiện các nước có sản xuất nông nghiệp là ngành quan trọng đáp ứng phần lớn nhu cầu cần thiết cho xã hội đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì chính sách của Nhà nước càng cần hướng các nguồn vốn tín dụng của NHTM đến lĩnh vực này.

Ngoài việc chú trọng đầu tư vào các ngành kinh tế kém phát triển, tín dụng ngân hàng còn có vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các ngành kinh tế mũi nhọn để tạo cơ sở thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển như sản xuất hàng xuất khẩu, bưu chính viễn thông, dầu khí, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chế biến thủy hải sản, giống thủy sản, đánh bắt hải sản xa bờ...[16]

1.1.5.3. Tín dụng ngân hàng kiểm soát bằng đồng tiền và thúc đẩy sản xuất, thực hiện chế độ hạch toán kinh tế của hộ sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa

Quan điểm của Nguyễn Đắc Hưng (2014) cho rằng, các NHTM, với tư cách là một trung gian tài chính hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán có khả năng kiểm soát bằng đồng tiền đối với hoạt động của nền kinh tế thông qua các nghiệp vụ tín dụng, thanh toán.

Để thực hiện một món vay, cán bộ tín dụng phải nắm bắt được toàn bộ tình hình sản xuất của hộ có nhu cầu vay vốn như: Tư cách người vay, vốn tự có tham gia vào dự án theo quy định, khả năng lao động, kỹ năng sản xuất và những biến động của nền kinh tế nói chung như: tình hình vật tư, giá cả hàng hóa, yếu tố thị trường, khả năng tiêu thụ sản phẩm..., sau khi tiến hành giải ngân, cán bộ tín dụng phải thực hiện kiểm tra sử dụng vốn vay xem hộ vay có sử dụng đúng mục đích xin vay và hiệu quả đạt được, theo dõi nắm bắt tình hình khả năng trả lãi, trả nợ khi đến


hạn của các hộ, để có hướng đầu tư cho những hộ làm ăn có hiệu quả hay hỗ trợ, khuyến khích kịp thời những hộ gặp khó khăn nhưng biết năng động trong sản xuất. Đồng thời có biện pháp xử lý thu hồi vốn vay đối với những hộ kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả. Thông qua đó tín dụng ngân hàng có khả năng kiểm soát được các hoạt động của HSX.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của tín dụng ngân hàng là vốn vay phải hoàn trả đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi. Nhờ đó mà tín dụng ngân hàng thúc đẩy được quá trình sử dụng vốn có hiệu quả. Khi sử dụng vốn vay Ngân hàng, HSX phải thực hiện trả nợ đúng cam kết theo thoả thuận đã ghi trong hợp đồng tín dụng. Muốn dự án, phương án thực hiện có lãi HSX phải hạch toán kinh tế.

Bằng việc đầu tư tín dụng cho các HSX, Ngân hàng đã tạo điều kiện cho họ làm quen và thực hiện chế độ hạch toán kinh tế. Sở dĩ như vậy là vì bất cứ HSX nào muốn tồn tại và phát triển, muốn thị trường chấp nhận sản phẩm hàng hoá của mình cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp chi phí sản xuất kinh doanh. Đặc biệt trong trường hợp HSX có sử dụng vốn vay Ngân hàng thì lại càng phải tiến hành hạch toán kinh tế, tính toán sao cho đồng vốn đi vay sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nhất để sau khi trả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng HSX vẫn còn phần thu nhập của mình. [16]

1.1.5.4. Vốn tín dụng ngân hàng đối với hộ sản xuất góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường tài chính ở nông thôn

Cũng theo Nguyễn Đắc Hưng (2014), thị trường tài chính ở nông thôn giải quyết quan hệ cung cầu về vốn nhằm thoả mãn nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp

- nông thôn, chính hoạt động tín dụng đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển của thị trường tài chính ở nông thôn.

Sự phát triển hoạt động tín dụng NHTM góp phần hạn chế và đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Một trong những đặc điểm quan trọng của sản xuất nông nghiệp là mang tính thời vụ cao nên tại thời điểm chưa thu hoạch được nông phẩm, chưa có hàng hoá để bán, người nông dân, hộ sản xuất thường ở trong tình trạng thiếu tiền do chưa có thu nhập để đáp ứng nhu cầu chi tiêu tối thiểu,


đây là điều kiện để nạn cho vay nặng lãi hoành hành. Tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn đã tồn tại từ lâu và có tác động rất lớn đến sản xuất và đời sống của người nông dân. Với mức lãi suất quá cao, cho vay nặng lãi là nguyên nhân gây ra những tiêu cực ở nông thôn. Thông qua các chính sách cho vay HSX, các NHTM đang dần dần nhận được sự tín nhiệm của khách hàng đặc biệt là HSX vì nhờ có vốn của Ngân hàng mà các hộ đã tận dụng được cơ hội sản xuất với chi phí hợp lý, giúp cho người dân sản xuất ngày càng có hiệu quả hơn. [16]

1.1.5.5. Vốn tín dụng ngân hàng thương mại cho vay hộ sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn

Phân tích về nội dung này, Lê Quốc Tuấn (2000) cho rằng, đối với các nền kinh tế có xuất phát điểm sản xuất nông nghiệp là chủ yếu , thường tồn tại cơ cấu kinh tế nông thôn mang tính truyền thống với quan hệ hiện vật. Các quan hệ tiền tệ đã có lúc hình thành nhưng không đủ sức thay thế các quan hệ hiện vật, có lúc có nơi lại tạo tiền đề để duy trì các quan hệ này. Trong xu thế phát triển chung, nhất là khi chuyển sang nền kinh tế thị trường thì các quan hệ kinh tế này từng bước được thay thế bởi các quan hệ tiền tệ. Lúc đó cơ cấu kinh tế nông thôn được xác lập lại phù hợp với yêu cầu của cơ cấu thị trường và các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội.

Tín dụng ngân hàng góp phần tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong NNNT thông qua việc đầu tư vốn góp phần thay đổi các ngành nghề, tỷ trọng sản xuất giữa các ngành nghề với nhau. Từ việc chỉ có trồng lúa nước, nhờ có vốn tín dụng ngân hàng mà người dân đã mạnh dạn đầu tư vào một số lĩnh vực khác như kinh doanh dịch vụ, mua các tư liệu sản xuất... Bên cạnh đó còn thúc đẩy việc phát triển một số ngành tiểu thủ công nghiệp, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư. Từ đó làm thay đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn.

Trong nền kinh tế thị trường mọi hoạt động sản xuất của các chủ thể đều nhằm mục đích cuối cùng là lợi nhuận. Họ tìm mọi cách tối đa hóa lợi nhuận cho nên ngay từ đầu họ phải xác định làm cái gì mà thị trường cần, loại bỏ cái gì mà thị trường không cần và như thế đã làm cho cơ cấu kinh tế nông thôn thay đổi. Ở đây vai trò của vốn tín dụng nông thôn rất quan trọng. Nó chính là nguồn vốn rất lớn


trong nông thôn giúp cho các chủ thể tiến hành hoạt động sản xuất, đáp ứng những mục tiêu đã đề ra tạo năng lực mới cho hoạt động của các chủ thể để cuối cùng có được những sản phẩm tốt về chất lượng, nhiều về số lượng.

Vốn tín dụng làm thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn làm cho kinh tế hàng hoá ở nông thôn phát triển. Biểu hiện rõ nhất trên các mặt như hình thành nên thị trường hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy quá trình lưu thông tự do, nâng dần tính chất ngang giá trong trao đổi hàng hoá và nâng dần khả năng tự điều chỉnh trước các tín hiệu thị trường của các chủ thể. Tiếp theo là hình thành thị trường các yếu tố sản xuất nổi bật trong vấn đề ruộng đất, giải phóng ruộng đất biến nó thành một yếu tố kinh tế thực sự có giá cả được lưu thông tự do trên thị trường. Điều này làm cho năng suất ruộng đất được nâng cao, giá trị sản phẩm hàng hóa tạo ra mỗi đơn vị diện tích được tăng lên không ngừng. Cùng với việc thị trường hoá ruộng đất thì người dân được giải phóng sức lao động. Đây chính là tiền đề cho sự phân rã nguồn lao động trong nông thôn và hình thành nên thị trường sức lao động trong khu vực nông thôn.

Tóm lại, vốn tín dụng có vai trò to lớn trong việc phát triển sản xuất, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng hàng hoá ngày càng nhiều, thu nhập của người dân nông thôn ngày càng cao, đời sống kinh tế và văn hoá của người dân từng bước được nâng lên, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp dần. [47]

1.1.5.6. Tín dụng ngân hàng thúc đẩy hộ sản suất tiếp cận và mở rộng sản xuất hàng hóa

Theo Nguyễn Đắc Hưng (2014), một trong những đặc điểm quan trọng của HSX là tính gia đình, các thành viên trong hộ thường có quan hệ huyết thống, các HSX thường quen với phương thức tự cấp, tự túc. Mọi sản phẩn làm ra chỉ để phục vụ cho nhu cầu của chính bản thân họ và ngược lại họ chỉ tiêu thụ những sản phẩm do bản thân mình làm ra. Ngoài ra còn có một yếu tố khiến HSX không có khả năng tiếp cận với nền kinh tế hàng hoá đó là sự hạn chế về vốn sản xuất, với khả năng vốn tự có eo hẹp, các HSX chỉ có khả năng tổ chức sản xuất ở quy mô nhỏ, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của bản thân họ.


Cùng với việc mở rộng đầu tư tín dụng cho hộ sản xuất, Ngân hàng đã tạo ra một bước chuyển biến quan trọng trong phương thức sản xuất của các hộ. Muốn sản xuất có hiệu quả HSX phải làm quen với nền sản xuất hàng hoá, sau khi mở rộng quy mô sản xuất, sản phẩm sản suất ra sẽ vượt quá nhu cầu tiêu dùng nội bộ, các HSX phải nghĩ tới thị trường để tiêu thụ sản phẩm mới thu được lợi nhuận. Chính quá trình bán hàng trên thị trường đã giúp cho HSX hình thành những biện pháp tốt nhất để tiếp cận và thích nghi với thị trường như nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi các loại cây trồng vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, cải tiến cách thức sản xuất để tiết kiệm vật tư, giảm chi phí sản xuất nhằm thu lợi nhuận cao nhất.

Như vậy với sự tài trợ vốn của Ngân hàng, một phần sản phẩm của HSX sẽ trở thành hàng hoá, góp phần làm tăng nguồn hàng hoá trên thị trường. Mặt khác nhờ có vốn tín dụng ngân hàng, các HSX có thể mở rộng quy mô sản xuất, nhờ đó tính chất sản xuất hàng hoá cũng được tăng lên. [16]

1.1.6. Các nguyên tắc và điều kiện cấp tín dụng đối với hộ sản xuất

1.1.6.1. Các nguyên tắc cấp tín dụng đối với hộ sản xuất

Theo Trần Văn Dự (2010), cấp tín dụng của NHTM cho hộ sản xuất có các nguyên tắc cơ bản sau đây:

- Sử dụng vốn vay đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, trong phương án xin vay vốn.

- Phải hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.

- Phải có đảm bảo vốn vay, đó có thể là tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh của bên thứ ba, có thể là tín chấp, tài sản hình thành trong tương lại,....thể hiện rõ trong hợp đồng tín dụng. Đối với hộ sản xuất, có những tính đặc thù so với khách hàng doanh nghiệp thì việc đảm bảo tiền vay bằng hình thức tín chấp, đảm bảo tiền vay là chính phương án sản xuất kinh doanh,… cần được ưu tiên hơn khi thực hiện nguyên tắc này. [7]


1.1.6.2. Các điều kiện cấp tín dụng hộ sản xuất

Cũng theo Trần Văn Dự (2010), các NHTM khi thực hiện cấp tín dụng cho hộ sản xuất phải tuân thủ các điều kiện cơ bản sau:

- Có năng lực pháp luật dân sự, có hành vi dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

- Đối với hộ sản xuất, cá nhân thì phải cư trú (thường trú hoặc tạm trú) tại địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi chi nhánh ngân hàng cho vay đóng trụ sở. Đại diện hộ, cá nhân giao dịch với ngân hàng là chủ hộ, cá nhân phải có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp.

- Có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ theo thời gian cam kết; có vốn tự có tham gia vào phương án, dự án; sản xuất có hiệu quả; không có nợ quá hạn hoặc nợ khó đòi tại Ngân hàng. Kết quả kinh doanh có hiệu quả, có lãi; Trường hợp lỗ (do mới thành lập và đi vào hoạt động hoặc lỗ luỹ kế) thì phải có tài liệu chứng minh được phương án khắc phục lỗ khả thi và khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn trong thời hạn cam kết. Đối với khách hàng vay vốn nhu cầu đời sống, phải có nguồn thu ổn định để trả nợ. Có dự án đầu tư, phương án sản xuất khả thi, có hiệu quả. Thực hiện các quy định về đảm bảo tiền vay theo quy định của Chính phủ, NHTW và hướng dẫn cụ thể của mỗi NHTM. [7]

1.2. CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI ĐỐI VỚI HỘ SẢN XUẤT

1.2.1. Quan niệm về chất lượng tín dụng đối với hộ sản xuất

1.2.1.1. Quan niệm chung về chất lượng tín dụng

Có nhiều tài liệu khác nhau diễn đạt về chất lượng nói chung và chất lượng dịch vụ nói riêng. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam (1995): "Chất lượng là một phạm trù triết học biểu thị những thuộc tính bản chất của sự vật, chỉ rõ nó là cái gì, tính ổn định tương đối của sự vật và phân biệt nó với sự vật khác. Chất lượng là đặc tính khách quan của sự vật, biểu hiện ra bên ngoài thông qua các thuộc tính.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/04/2022