Hộ sản xuất nói chung, hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, ngành nghề truyền thống, dịch vụ,...ở nông thôn nói riêng là đối tượng khách hàng đông đảo, truyền thống và thế mạnh của NHNo&PTNT Việt Nam. Vì vậy, nâng cao chất lượng cho vay hộ sản xuất sẽ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng của NHNo&PTNT Việt Nam.
Luận án cũng đã làm rõ quan niệm chất lượng tín dụng HSX của NHTM, cũng như việc nâng cao chất lượng tín dụng cho vay HSX là tất yếu khách quan đối với NHTM, với chỉ tiêu cụ thể đánh giá chất lượng tín dụng cho vay HSX và có nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài Ngân hàng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng đối với HSX.
Luận án cũng đã làm rõ thực trạng cho vay vốn, chất lượng tín dụng hộ sản xuất của NHNo&PTNT Việt Nam, kết quả khảo sát của hai nội dung này tại một số địa phương điển hình của đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. Qua phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng tín dụng HSX của NHNo&PTNT Việt Nam đã cho thấy còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải tháo gỡ theo hướng cần chuyển biến mạnh mẽ hơn trong việc tạo vốn để mở rộng quy mô tín dụng, mở rộng đầu tư chiều sâu vào các mô hình có hiệu quả, mở rộng đối tượng cho vay, đa dạng hoá phương thức cho vay. Đặc biệt luận án chỉ ra 4 nhóm nguyên nhân hạn chế trong hoạt động tín dụng kinh tế hộ của NHNo&PTNT Việt Nam, bao gồm các nguyên nhân khách quan; nguyên nhân về phía ngân hàng như: về tổ chức, bộ máy, về cơ chế hoạt động tín dụng, những hạn chế về trình độ, đạo đức nghề nghiệp cán bộ Ngân hàng. Bên cạnh đó là nguyên nhân hạn chế từ phía khách hàng vay vốn và những nguyên nhân từ sự thiếu đồng bộ và kém hiệu quả của chính sách đối với kinh tế HSX.
Để thực hiện nâng cao chất lượng tín dụng HSX thì cùng lúc phải thực hiện nhiều giải pháp. Từ tiếp tục mở rộng mạng lưới, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện chính sách và quy trình thẩm định tín dụng theo hướng chuyên môn hóa, hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin khách hàng, chấp hành nghiêm túc quy chế tín dụng hiện hành, đổi mới mô hình kiểm tra kiểm soát nội bộ, …
1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Trong những năm qua, cũng như hiện nay và chắc chắn trong nhiều năm tới, hộ sản xuất vẫn là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngành nghề truyền thống ở Việt Nam. Thực tế kinh tế hộ sản xuất là nguồn chủ yếu cung cấp các mặt hàng gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, nhiều mặt hàng thủy sản khác,… cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Xác định rõ vai trò chiến lược của đối tượng khách hàng đông đảo này, các NHTM ở Việt Nam cạnh tranh khá mạnh mẽ trong việc mở rộng tín dụng đối với kinh tế hộ sản xuất, từ việc phát triển mạng lưới ở khu vực nông thôn, tập trung vào khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản,… Với xu hướng cạnh tranh đó, kinh tế hộ sản xuất đã được đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng Ngân hàng ngày càng tốt hơn, với lãi suất ngày càng hợp lý hơn và thủ tục vay ngày càng phù hợp hơn. Trong thực tế, đối với hầu hết các NHTM, việc mở rộng cho vay đối với kinh tế hộ sản suất cũng đảm bảo chất lượng cao hơn, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn nhiều đối tượng khách hàng khác.
Trong hệ thống NHTM ở nước ta hiện nay thì NHNo&PTNT Việt Nam có mạng lưới lớn nhất, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; có quy mô lớn nhất về tài sản, có số lượng cán bộ và nhân viên đông nhất, đặc biệt là lực lượng cán bộ tín dụng am hiểu địa bàn nông thôn và kinh tế hộ, có truyền thống gắn bó với hộ nông dân cũng như các đối tượng hộ sản xuất khác.
Có thể bạn quan tâm!
- Chất lượng tín dụng hộ sản xuất tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - 1
- Khoảng Trống Của Các Công Trình Nghiên Cứu Nói Trên Đặt Ra Yêu Cầu Giải Quyết Tiếp
- Đặc Điểm Hộ Sản Xuất Nông Nghiệp - Nông Thôn
- Quan Niệm Về Chất Lượng Tín Dụng Hộ Sản Xuất
Xem toàn bộ 162 trang tài liệu này.
Nằm trong xu hướng cạnh tranh chung cũng như thực hiện chiến lược khách hàng, chiến lược kinh doanh của mình, trong những năm qua, NHNo&PTNT Việt Nam không ngừng thực hiện nhiều giải pháp mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả đối với hộ sản xuất. Thực tế quy mô cho vay bình quân một hộ sản xuất, quy trình và thủ tục tín dụng đối với lực lượng khách hàng này ngày càng được nâng lên và hoàn thiện hơn, phù hợp với thực tế hơn, tỷ lệ nợ xấu được kiềm chế. Trong 6 năm qua, tính từ năm
2009 đến năm 2014, bình quân dư nợ cho vay hộ sản xuất của NHNo&PTNT Việt Nam đạt trên 12%/năm, tỷ lệ nợ xấu thường xuyên không vượt quá 3%. (Nguồn: NHNo&PTNT Việt Nam (2009-2014) [24]
Trong năm gần đây nhất, đó là tính đến hết năm 2014 dư nợ cho vay nền kinh tế của NHNo&PTNT Việt Nam tăng 48.903 tỷ đồng với tốc độ tăng 8,8% so với năm trước, nhưng dư nợ cho vay hộ sản xuất tăng tới 13,4%, với số tuyệt đối tăng thêm là 39.972 đồng. Trước đó, tính đến hết năm 2013, tốc độ tăng trưởng chung của NHNo&PTNT Việt Nam là 10,44 %, nhưng dư nợ cho vay đối với hộ sản xuất tăng 21,54% so với 31/12/2012, cao gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng tín dụng dư nợ cho vay nền kinh tế của chính Ngân hàng này. (Nguồn: NHNo&PTNT Việt Nam (2009-2014) [24]
Mặc dù NHNo&PTNT Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng hộ sản xuất thường xuyên cao như trên, với chất lượng tín dụng về cơ bản là an toàn, tuy nhiên thực tiễn cũng đang đặt ra nhiều vấn đề có tính cấp bách đối với NHTM này. Môi trường cạnh tranh hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng hộ sản xuất nói riêng ngày càng sôi động hơn, nhu cầu vốn của hộ sản xuất ngày càng lớn hơn, đối tượng sử dụng vốn vay của hộ sản xuất ngày càng đa dạng hơn kèm theo đó là mức độ rủi ro cũng lớn hơn, mức độ hội nhập của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng cũng đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức lớn hơn, tỷ lệ nợ xấu cho vay hộ sản xuất theo báo cáo là thấp nhưng thực tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi nợ đã cơ cấu lại hoặc được che dấu dưới nhiều hình thức khác nhau… Điều đó đòi hỏi NHNo&PTNT Việt Nam cần có giải pháp phù hợp, tiếp tục giữ vai trò chủ lực về hoạt động tín dụng đối với kinh tế hộ sản xuất, nhưng cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng trong phân đoạn đối tượng khách hàng này.
Bên cạnh đó, với những bài học kinh nghiệm về chất lượng tín dụng đối với các chi nhánh hoạt động ở khu vực đô thị, khách hàng là doanh nghiệp trong lĩnh vực phi sản xuất và lĩnh vực phi nông nghiệp, doanh nghiệp chế biến thủy hải sản,… càng đặt ra chiến lược cho NHNo&PTNT Việt Nam về việc mở rộng và nâng cao
chất lượng tín dụng đối với hộ sản xuất trong thực hiện đề án tái cơ cấu chính Ngân hàng này.
Vốn tín dụng cho phát triển nông nghiệp - nông thôn nói chung, cho phát triển kinh tế hộ sản xuất nói riêng tiếp tục là vấn đề thời sự, là nền khách hàng bền vững và chiến lược lâu dài của NHNo&PTNT Việt Nam. Do vậy, luận án chọn đề tài: “Chất lượng tín dụng hộ sản xuất tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam” để nghiên cứu là xuất phát từ yêu cầu cấp bách đang đặt ra trong thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Từ trước đến nay có một số đề tài và công trình nghiên cứu về tín dụng đối với hộ sản xuất. Tuy nhiên chưa có đề tài nào nghiên cứu cụ thể, ở phạm vi rộng, có tính cập nhật trong giai đoạn hội nhập, thực hiện đề án tái cơ cấu Tổ chức tín dụng về nâng cao chất lượng cho vay vốn hộ sản xuất của các NHTM nói chung, của NHNo&PTNT Việt Nam nói riêng.
2. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
2.1. Nghiên cứu trong nước
2.1.1. Các công trình nghiên cứu về chất lượng tín dụng hộ sản xuất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam
2.1.1.1. Luận án tiến sỹ kinh tế, đề tài: “Tín dụng ngân hàng với quá trình phát triển kinh tế nông hộ ở Việt Nam" của NCS Lê Quốc Tuấn, bảo vệ tại Đại học Kinh tế quốc dân năm 2000. Nội dung chủ yếu nghiên cứu về phát triển tín dụng đối với hộ sản xuất. (Nguồn: Lê Quốc Tuấn, 2000) [47]:
- Thành công: đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học truyền thống, hệ thống hóa và khái quát được nền tảng lý thuyết về tín dụng ngân hàng chủ yếu dựa trên một số tài liệu dịch, một số cuốn giáo trình và tín dụng NHTM được biên soạn trong thập niên 90. Đồng thời công trình nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính, dựa trên cơ sở phân tích và mô tả số liệu thứ cấp là báo cáo của một số NHTM về hoạt động tín dụng đối với phát triển kinh tế nông hộ; tập trung nghiên cứu về hoạt động tín dụng nói chung đối với kinh tế nông hộ của hệ thống Ngân hàng những năm đầu của thời kỳ đổi mới, thực hiện Chỉ thị 201/CT-TW của Ban bí
thư TW Đảng về phát triển kinh tế hộ sản xuất. Đề tài nghiên cứu đến hoạt động này của tất cả các NHTM, trọng tậm là NHNo&PTNT Việt Nam.
- Hạn chế và khoảng trống nghiên cứu:
+ Về phương pháp nghiên cứu: luận án chưa sử dụng phương pháp định lượng, phương pháp chuyên gia, phương pháp khảo sát, chưa sử dụng nguồn số liệu sơ cấp.
+ Về không gian: Nghiên cứu chung về vốn tín dụng ngân hàng đối với kinh tế nông hộ. Không tập trung nghiên cứu về chất lượng tín dụng hộ sản xuất, không chuyên sâu về chất lượng tín dụng hộ sản xuất của NHNo&PTNT Việt Nam.
+ Về thời gian: Thực trạng tập trung trong giai đoạn 1991-1998.; giai đoạn thực hiện 2 Pháp lệnh Ngân hàng; dự báo và phương hướng giai đoạn 2000 - 2005. Trong khi đó, hộ sản xuất và hoạt động tín dụng đối với hộ sản xuất trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ở nước ta đã khác với 10 – 15 năm trước rất nhiều.
2.1.1.2. Luận án tiến sỹ kinh tế, với đề tài: “Giải pháp nâng cao chất lượng cho vay hộ sản xuất tại các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khu vực đồng bằng Bắc Bộ”, của nghiên cứu sinh Trần Văn Dự, bảo vệ tại Học viện Ngân hàng năm 2010. (Nguồn: Trần Văn Dự, 2010 ) [7]
- Thành công: Thông qua phương pháp khái quát, tổng hợp, phân tích và so sánh, luận án đã hệ thống hóa một số vấn đề cơ bản về chất lượng cho vay hộ sản xuất của NHTM trong nền kinh tế thị trường; đồng thời bằng phương pháp định lượng, thống kê và mô tả, luận án đã tập trung nghiên cứu hoạt động này đối với các chi nhánh NHNo&PTNT vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Theo đó đề tài luận án tập trung phân tích rõ thực trạng chất lượng cho vay hộ sản xuất và ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng cho vay hộ sản xuất đối với các chi nhánh NHNo&PTNT khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và đối với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn: ruộng đất manh mún, quy mô nhỏ và phân tán, có đông làng nghề truyền thống, đất chật, người đông. Phần lớn là hộ phát triển kinh tế tổng hợp. Đề tài cũng nghiên cứu đề xuất giải
pháp và kiến nghị góp phần nâng cao chất lượng cho vay hộ sản xuất tại các chi nhánh NHNo&PTNT khu vực đồng bằng Bắc Bộ, chủ yếu là thủ tục cho vay có tài sản đảm bảo tiền vay, lãi suất và thời gian cho vay.
- Hạn chế và khoảng trống nghiên cứu:
+ Về phương pháp nghiên cứu: cũng tương tự như công trình nói trên, luận án chưa sử dụng phương pháp định lượng, phương pháp chuyên gia, phương pháp khảo sát, chưa sử dụng nguồn số liệu sơ cấp.
+ Về không gian, đồng bằng Bắc bộ có tính đặc thù riêng, không có tính bao quát về tính đa dạng của các vùng miền khác nhau trong hoạt động tín dụng đối với kinh tế hộ sản xuất của toàn quốc và của toàn hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam.
+ Về thời gian, đề tài luận án tập trung nghiên cứu thực trạng là giai đoạn 2001-2008, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, không có tính cập nhật trong giai đoạn gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có tính đặc thù trong những năm gần đây, giai đoạn tái cơ cấu NHTM nói chung và tái cơ cấu NHNo&PTNT Việt Nam nói riêng.
2.1.1.3. Luận án tiên sỹ kinh tế: “Nghiên cứu giải pháp tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Nông đối với hộ sản xuất cà phê”. (Nguồn:Nguyễn Ngọc Tuấn, 2013) [48]
- Thành công: Thông qua sử dụng phương pháp nghiên cứu truyền thống, tham khảo các cuốn giáo trình, bài báo khoa học,…được xuất bản trong các năm 2001-2007, luận án đã xây dựng được khung lý thuyết về hoạt động tín dụng nông nghiệp – nông thôn của NHTM. Đồng thời, thông qua sử dụng phương pháp đinh tính, mô tả và phân tích số liệu, so sánh giữa các năm và các đối tượng khách hàng, Luận án đã làm rõ thực trạng hoạt động cho vay hộ sản xuất cà phê của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại tỉnh Đăk Nông, thực tế cho thấy vốn tín dụng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn vay, hiệu quả tài chính từ cho vay hộ sản xuất cà phê không bằng cho vay các đối tượng khác. Từ việc phân tích toàn diện các nhóm nhân tố ảnh hưởng, luận án đề xuất: (1) Nhà nước cần tập trung hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển bền vững ngành cà phê, nâng cao chất
lượng dịch vụ công, bên cạnh đó, cần có chính sách nâng cao năng lực và khả năng tham gia liên kết của hộ sản xuất cà phê; (2) Ngân hàng cần tăng trưởng mạnh vốn huy động lãi suất thấp, điều chỉnh chính sách cho vay, đổi mới áp dụng phương thức cho vay; đa dạng hình thức cho vay và nâng cao trình độ kế hoạch hóa.
- Hạn chế và khoảng trống nghiên cứu:
+ Về phương pháp nghiên cứu: cũng tương tự như 2 công trình luận án nói trên, tác giả chưa sử dụng phương pháp định lượng, phương pháp chuyên gia, phương pháp khảo sát, chưa sử dụng nguồn số liệu sơ cấp.
+ Về không gian: Luận án có phạm vi nghiên cứu khá hẹp đó là hộ sản xuất cà phê và từ thực tiễn NHNo&PTNT tỉnh Đắk Nông, không có tính bao quát đại diện cho hộ sản xuất nói chung trong quan hệ tín dụng của Ngân hàng này đối với các loại cây trồng, vật nuôi và đối tượng đầu tư vốn khác của hộ sản xuất.
+ Về thời gian: Số liệu và thực trạng đến hết năm 2011, dự báo và tầm nhìn đến năm 2015.
2.1.1.4. Bài báo khoa học:
- Bài viết: “Thực trạng tiếp cận tín dụng chính thức của hộ nuôi tôm ở Bạc Liêu”, của PGS.TS Lê Khương Ninh và Nguyên Thị Mai Anh, Tạp chí Ngân hàng, số 17/2012. (Nguồn: Lê Khương Ninh và Cộng sự, 2012) [21]
+ Thành công: Thông qua sử dung phương pháp khảo sát, quan sát thực tiễn, công trình nghiên cứu đã đưa ra những nhận xét và đánh giá về một số khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng Ngân hàng của hộ nuôi tôm ở một địa phương đồng bằng sông Cửu Long, chỉ ra được những vướng mắc về chính sách tín dụng, vướng mắc về thủ tục vay vốn và thực hiện quy trình cho vay.
+ Hạn chế và khoảng trống nghiên cứu: Nhóm tác giả chưa sử dụng phương pháp điều tra độc lập, chưa sử dụng bảng hỏi để ghi nhận và có những đánh giá khách quan. Hộ nuôi tôm là một bộ phận của hộ sản xuất và Bạc Liêu cũng chỉ là một địa phương trong toàn quốc, không có tính bao quát cho hộ sản xuất nói chung trong quan hệ tín dụng với Agribank, về mặt thời gian chỉ đến năm 2011.
- Bài viết: “Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn: Diện mạo nông thôn thay đổi” của Nguyễn Duyên, Tạp chí Ngân hàng số 24/2012. (Nguồn: Nguyễn Duyên, 2012) [6].
+ Thành công: Bài viết dựa trên phương pháp khái quát thực tiễn, dưới góc độ quan sát của tác giả, trên cơ sở đó làm nổi bật vai trò tín dụng của Agribank đối với các hộ gia đình hoạt động kinh doanh dịch vụ của vùng khó khăn.
+ Hạn chế và khoảng trống nghiên cứu: chưa sử dụng các phương pháp nghiên cứu mới, hiện đại: khảo sát, điều tra, mô hình toán, chưa làm rõ những khó khăn, vướng mắc của chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất nói chung ở tất cả các vùng có các điều kiện khác nhau.
- Bài viết: “Một số suy nghĩ góp phần mở rộng tín dụng hộ sản xuất” của PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng, Tạp chí Ngân hàng, số 9/2014. (Nguồn: Nguyễn Đắc Hưng, 2014) [16].
+ Thành công: bài viết sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống: diễn giải, quy nạp và so sánh; định tính và nhận định kinh nghiệm của cá nhân tác giả, trên cơ sở đó đã làm rõ được những vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn, tập trung là thực hiện các chính sách của Nhà nước về mở rộng tín dụng gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng hộ sản xuất của NHTM nói chung.
+ Hạn chế và khoảng trống nghiên cứu: cũng giống như 2 công trình nghiên cứu nói trên, tác giả chưa sử dụng các phương pháp nghiên cứu mới, hiện đại: khảo sát, điều tra, mô hình toán và không đi sâu vào chất lượng tín dụng hộ sản xuất của Agribank.
Công trình nghiên cứu cũng chưa dự báo được xu hướng phát triển kinh tế hộ sản xuất và đề xuất các giải pháp khả thi về tín dụng Ngân hàng đối với hộ sản xuất trong giai đoạn đến năm 2020.
2.1.2. Về chính sách tín dụng và chất lượng tín dụng của NHNo&PTNT Việt Nam
- Luận án tiến sỹ: “Giải pháp tín dụng ngân hàng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng đồng bằng sông Cửu Long” của nghiên cức sinh Hồ Phúc Nguyên, bảo vệ tại Đại học Kinh tế quốc dân năm 1999. Đề tài tập trung nghiên cứu về tín dụng ngân hàng cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ đầu đổi mới. (Nguồn: Hồ Phúc Nguyên, 1999) [20].
- Luận án tiến sĩ của tác giả Đặng Văn Quang về “Hoàn thiện hệ thống tín dụng nông thôn đáp ứng nhu cầu vốn phát triển nông nghiệp các tỉnh miền núi Tây Nguyên”, bảo vệ tại Học viện Ngân hàng năm 1999. Đề tài tập trung nghiên cứu mở rộng và hoàn thiện các mô hình tổ chức tín dụng, chủ yếu là các NHTM để đảm bảo tiện ích cho người vay vốn phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên. (Nguồn: Đặng Văn Quang, 1999) [61].
- Đề tài luận án tiến sĩ của tác giả Nguyễn Thị Tằm về “Giải pháp tín dụng ngân hàng nhằm phát triển kinh tế trang trại ở Tây Nguyên”, bảo vệ tại Học viện Ngân hàng năm 2006. Đề tài tập trung nghiên cứu vai trò của tín dụng Ngân hàng đối với phát triển kinh tế trang trại Tây Nguyên; thực trạng và giải pháp tín dụng nhằm phát triển kinh tế trang trại ở Tây Nguyên. (Nguồn: Nguyễn Thị Tằm, 2006) [46].
- Luận án Tiến sỹ, với đề tài: “Chính sách tín dụng của NHNo&PTNT Việt Nam đối với phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn khu vực Tây Nguyên”, của nghiên cứu sinh Nguyễn Mạnh Hùng, bảo vệ tại Học viện Ngân hàng năm 2009. Đề tài tập trung nghiên cứu Chính sách tín dụng của NHNo&PTNT Việt Nam tại 05 tỉnh Tây Nguyên là: Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắk Lăk, Gia Lai và Kon Tum. Trong đó, tập trung chủ yếu là hoạt động huy động vốn và cho vay giai đoạn 2002-2007. (Nguồn: Nguyễn Mạnh Hùng, 2009) [17].
- Đề tài Luận án tiến sỹ: “Chiến lược phát triển của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” của nghiên cứu sinh Phạm Minh Tú, bảo vệ tại Đại học Kinh tế Quốc dân, tháng 12 - 2009. Đề tài
nghiên cứu về chiến lược phát triển của một NHTM, đó chính là NHNo&PTNT Việt Nam. (Nguồn: Phạm Minh Tú, 2009) [52]:
- Luận án tiến sỹ, với đề tài: “Quản trị rủi ro tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam” của Nghiên cứu sinh Nguyễn Tuấn Anh, công tác tại NHNo&PTNT Việt Nam, bảo vệ tại Hội đồng đánh giá Luận án cấp Trường, tại Đại học Kinh tế quốc dân, năm 2011. (Nguồn: Nguyễn Tuấn Anh, 2011) [1].
Công trình tập trung nghiên cứu quản trị rủi ro tín dụng nói chung và đánh giá quản trị rủi ro tín dụng tại NHNo&PTNT Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác quản trị rủi ro tín dụng tại NHNo&PTNT Việt Nam. Số liệu tập trung là giai đoạn 2005-2010. Một số bảng số liệu và nguồn tài liệu lấy rộng hơn cả một số năm trước đó để so sánh, nghiên cứu làm rõ xu hướng diễn biến của thực trạng. Do đó, đề tài không có tính cập nhật thực trạng đến giai đoạn hiện nay, trực tiếp là các năm 2011-2014.
- Bài viết ”Những thành công trong quản lý chất lượng tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam” của tác giả Nguyễn Hùng Tiến, đăng trên Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, số 11(404) tháng 6/2014. (Nguồn: Nguyễn Hùng Tiến, 2014) [51].
+ Thành công: với những số liệu, tư liệu, phân tích và đánh giá, tác giả đã làm nổi bật những thành công trong quản lý chất lượng tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đến hết năm 2013 trên các góc độ khác nhau.
+ Hạn chế và khoảng trống nghiên cứu: tác giả chưa làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp theo mục tiêu nghiên cứu của đề tài.
Bài viết “Ngành Ngân hàng và “chất lượng” tín dụng” Tạp chí tài chính, ngày 03/12/2013 của tác giả Hà Minh Lục. (Nguồn: Hà Minh Lục, 2014) [19].
+ Thành công Công trình đã cho thấy rõ chất lượng tín dụng của NHTM Việt Nam thông qua tỷ lệ nợ xấu diễn biến không ổn định. Ví dụ như trong báo cáo của NHNN, đến ngày 20/1/2013 ước tăng 7,21% so với tháng 12/2012 (cùng kỳ
tăng 3,5%), nhưng thực tế đến ngày 25/11 đã tăng lên 7,54% và đã phân tích đánh giá rõ nguyên nhân của tình trạng không ổn định đó.
+ Hạn chế và khoảng trống nghiên cứu: chưa đề xuất giải pháp khả thi giải quyết nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của các NHTM Việt Nam.
2.2. Về chất lượng tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng tại các Ngân hàng thương mại khác của Việt Nam
Có khá nhiều bài báo khoa học, luận án tiến sỹ nghiên cứu về chất lượng tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng tại các NHTM khác của Việt Nam, như: Vietinbank, Vietcombank, BIDV,…Song gần đây nhất có 2 công trình luận án tiến sỹ sau đây:
2.2.1. Luận án: “Quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam” của NCS Nguyễn Đức Tú, bảo vệ tháng 11/2012 tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. (Nguồn: Nguyễn Đức Tú, 2012) [53].
+ Thành công: luận án đã đề xuất khái niệm mới về rủi ro tín dụng, khác biệt với quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế và nhà quản lý thực tiễn ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh là khả năng xảy ra sự khác biệt không mong muốn giữa thu nhập thực tế và thu nhập kỳ vọng đúng hạn, nhận được đầy đủ gốc và lãi. Rủi ro tín dụng sẽ dẫn đến tổn thất tài chính tức là giảm thu nhập ròng và giảm giá trị thị trường của vốn. Khái niệm này là cơ sở lý luận quan trọng để xác định nội dung cụ thể của hoạt động quản lý rủi ro tín dụng.
Kết quả phân tích toàn bộ số liệu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam từ năm 2008 đến năm 2011 cho thấy công tác quản lý rủi ro tín dụng còn những mặt chưa được như: chiến lược quản lý rủi ro tín dụng chưa toàn diện, mô hình quản lý rủi ro tín dụng không phù hợp, quy trình cấp tín dụng còn bất cập, hệ thống đo lường rủi ro tín dụng thiếu đồng bộ, xuất hiện tình trạng tập trung tín dụng vào một số ngành hàng, nhóm khách hàng, ngân hàng chưa xây dựng được hệ thống theo dõi cảnh báo sớm rủi ro tín dụng. Tình trạng trên dẫn tới việc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam dễ dàng gặp rủi ro về tín dụng.
Kết quả đó cho phép nhận diện các nguyên nhân dẫn tới hạn chế trong hoạt động quản lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng, trong đó nguyên nhân hàng đầu là: chưa
có định hướng, chiến lược cụ thể cho quản lý rủi ro của Ngân hàng, Ngân hàng chưa chú trọng phát triển các thước đo lượng hoá rủi ro và quy trình theo dõi tín dụng, nhân sự của bộ phận quản lý rủi ro còn hạn chế, giao mức ủy quyền phán quyết tín dụng cho chi nhánh cao, hoạt động kiểm tra, giám sát chưa được chú trọng đúng mức. Đây là căn cứ quan trọng để xác định thứ tự ưu tiên thực hiện từng giải pháp.
+ Hạn chế và khoảng trống nghiên cứu: Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, số liệu thứ cấp, thực trạng tập trung trong giai đoạn 2008 – 2011 và giải pháp đến năm 2015.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam có nhiều đặc điểm khác NHNo&PTNT Việt Nam. Luận án không nghiên cứu về chất lượng tín dụng đối với một khách hàng cụ thể là hộ sản xuất, hay hộ gia đình, cá nhân.
2.2.2. Luận án: “Giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện Quản trị rủi ro tín dụng tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam”, của NCS Dương Ngọc Hào, bảo vệ tại Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, tháng 8/2015. (Nguồn: Dương Ngọc Hào, 2015) [14].
+ Thành công: Thứ nhất, luận án xây dựng được nền tảng cơ sở lý luận về tín dụng, rủi ro tín dụng, quản trị rủi ro tín dụng của các NHTM Việt Nam, từ đó: Luận án cho thấy công tác quản trị rủi ro tín dụng phải được bắt đầu từ khâu thẩm định khách hàng cho đến khi kết thúc việc thu hồi nợ của khách hàng vay. Luận án đã khẳng định tính cấp thiết trong công tác quản trị rủi ro tín dụng đó là "các khoản nợ tại các NHTM Việt Nam tất yếu và nhanh chóng phải được đo lường, phân loại, lượng hóa các rủi ro theo thông lệ quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập trong quản trị ngân hàng". Thứ hai, trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động tín dụng của các NHTM Việt Nam, luận án phân tích những hạn chế trong quản trị rủi ro tín dụng, tìm ra các nguyên nhân để từ đó kiến nghị các giải pháp có hiệu quả và khả thi nhằm hoàn thiện hoạt động quản trị rủi ro tín dụng của các NHTM Việt Nam trong thời gian tới. Thứ ba, Luận án đề xuất cần khẩn trương và thận trọng trong chiến lược hợp nhất, sáp nhập các TCTD để nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.