Chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - Cơ sở lý luận và thực tiễn pháp lý về dân sự - 11


không có đủ điều kiện để nuôi dưỡng các em theo quy định của pháp luật. Khi ấy, khả năng tiếp cận của các em với các dịch vụ y tế cũng sẽ càng bị thu hẹp do thiếu hiểu biết, do thiếu tiền trả các chi phí phát sinh khi ốm đau. Nhận thức của gia đình, và những tư tưởng truyền thống về vị trí và vai trò của trẻ em trong gia đình đóng vai trò chính trong chất lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sự thiếu hiểu biết dẫn đến ruồng rẫy con cái (khi chúng được đưa về gia đình, khi có món nợ là đứa con tàn tật – khuyết tật). Nghèo khó cũng ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ em khi gia đình không đủ khả năng chi trả cho các chi phí chữa trị dành cho trẻ khuyết tật; hoặc không đi khai sinh cho con vì phải nộp phạt do đã sinh con thứ 3…

Chính sách trợ giúp kinh phí của nhà nước đã tăng lên nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu do chi phí tăng; số trẻ em thuộc diện hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi những biến động về kinh tế, bỏ nhà đi lang thang hoặc làm việc xa gia đình trở thành trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tăng… Chưa kể đến chủ trương chính sách thì có, nhưng nguồn kinh phí rót xuống địa phương chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nhận thức của lãnh đạo địa phương không đồng đều cũng là một vấn đề cần được giải quyết. Một ví dụ có thật xảy ra tháng 8/2008 ở huyện Ba Vì. Do số học sinh mẫu giáo tăng và tất cả các phụ huynh đều muốn con học ở trường mầm non trung tâm, không muốn học ở các điểm lớp mầm non lẻ, UBND xã đã quyết định lấy 2 phòng ở của một cơ sở trợ giúp, nơi đã và đang nuôi dưỡng 24 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong 10 năm qua, để làm phòng học tạm thời cho lớp mầm non trong khi UBND xã hoàn toàn có khả năng sử dụng 2 phòng làm việc còn bỏ trống của UBND xã nằm sát vách với trường mầm non trung tâm. Việc di chuyển 2 lớp mầm non vào khuôn viên của một cơ sở nuôi dưỡng (như một gia đình) như vậy đã làm ảnh hưởng tới


việc chăm sóc các cháu có hoàn cảnh khó khăn (các cháu phải đi ở nhờ các nhà hàng xóm xung quanh, hoặc ngồi ngoài hiên chờ cho đến khi lớp học kết thúc) và cũng đã gây ra bất bình cho nhà tài trợ (tổ chức phi chính phủ nước ngoài) vì đã sử dụng cơ sở trợ giúp không đúng mục đích của dự án là dành nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kết quả của việc này là nguồn tài trợ bị cắt và thiệt thòi thuộc về 24 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn kia.

Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhận được trợ giúp còn chưa nhiều do nhiều lý do chủ quan và khách quan. Có thể do phân bổ ngân sách, có thể do chính quyền địa phương không cập nhật được thông tin về trẻ…khiến cho nhiều em và nhiều gia đình không được hưởng trợ giúp từ nhà nước và xã hội.

3.1.4. Những định hướng trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Với bất cứ quốc gia nào trên thế giới, bên cạnh các chính sách kinh tế thì chính sách xã hội cũng được chú trọng và quan tâm. Chính những chính sách xã hội sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các chính sách kinh tế nói riêng và tạo sự ổn định xã hội nói chung. Và qua các chính sách xã hội, nhà nước cũng thể hiện sự quan tâm của mình tới các thành viên của quốc gia. Trong thời gian qua, Đảng và nhà nước ta luôn luôn chú trọng tới việc giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có nội dung chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hòan cảnh khó khăn. Với bản chất là nhà nước của dân, do dân và vì nhân dân, qua các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI, VIII, IX và X, Đảng và nhà nước ta tiếp tục quan điểm chủ trương gắn kết phát triển kinh tế và phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội bức xức, lấy kinh tế làm nền tảng phát triển chính sách xã hội. Hệ thống chính sách phát triển xã hội được xây dựng


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 102 trang tài liệu này.

trên cơ sở phù hợp với điều kiện và quá trình phát triển kinh tế, đáp ứng mục tiêu giải quyết vấn đề bình đẳng trong phân phối, bình đẳng xã hội...Với chủ trương này, Đảng và nhà nước ta đã dành mối quan tâm đặc biệt tới sự phát triển toàn diện của trẻ em. Và trẻ em có hòan cảnh khó khăn được ưu tiên trong hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em nói chung. Để hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hòan cảnh khó khăn nói riêng và trẻ em nói chung đạt hiệu quả cao, các chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và nhà nước cần được luật hóa thành các văn bản pháp quy có hiệu lực thi hành trong cuộc sống. Nhận thức được điều đó, tại Nghị quyết đại hội X nhấn mạnh: “Vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa...Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ mồ côi, lang thang” [2, tr.104]. Thêm vào đó, Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đọan 2001 – 2010 đề ra mục tiêu: “đảm bảo 80% số trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc vào năm 2005 và 100% vào năm 2010; ...số trẻ em khuyết tật được hỗ trợ phục hồi chức năng đạt 70% vào năm 2010...” là những thách thức và cũng là nhu cầu phải hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đạt được những mục tiêu trên.

3.1.5. Tác động của toàn cầu hóa, và hội nhập quốc tế

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - Cơ sở lý luận và thực tiễn pháp lý về dân sự - 11

Xu hướng quốc tế hóa và toàn cầu hóa là tất yếu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Việc Việt Nam tham gia vào công ước quyền con người, và công ước Quyền trẻ em là một minh chứng cho sự hội nhập với thế giới. Tham gia các điều ước quốc tế như một cam kết của các quốc gia thành viên rằng họ sẽ phải dành tất cả các nguồn lực cần thiết, sẵn có ở mức tối đa và tìm kiếm các nguồn lực từ hỗ trợ bên ngoài để thực hiện những cam kết của họ với cộng đồng quốc tế. Những cam kết đó cần phải được chuyển tải vào hệ thống pháp luật của quốc gia nhằm đảm bảo được thực hiện trong thực tế. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về chăm sóc và bảo vệ trẻ


em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là một nhu cầu tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thực hiện những cam kết đã có giữa Việt Nam và quốc tế, đồng thời tranh thủ sự trợ giúp từ bên ngoài, tạo cơ hội để trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam được hưởng những quyền và lợi ích hợp pháp theo quan điểm và xu thế mới theo hướng ngày càng có lợi hơn và hoàn thiện hơn.

3.2. Phương hướng hoàn thiện pháp luật về chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Việt Nam

Trên cơ sở những thực trạng và những vấn đề nảy sinh thi hành và áp dụng pháp luật nêu trên, có thể hình thành phương hướng hoàn thiện pháp luật về chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như sau:

Phương hướng thứ nhất: Chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là sự nghiệp lâu dài

Với bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đặt con người vào vị trí trung tâm của sự nghiệp phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta không ngừng tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng là một nhóm công dân được sự chăm lo của nhà nước. Tình trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn gắn liền với chất lượng của cuộc sống, gắn liền với trình độ phát triển kinh tế - chính trị - văn hóa- xã hội của đất nước. Bác Hồ đã nói “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, cho thấy đó là trách nhiệm của cả đất nước trước thế hệ tương lai, trước những mầm non bị khiếm khuyết như trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không chỉ là khắc phục hậu quả của việc trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, mà còn là việc ngăn chặn, phòng ngừa, giảm bớt những nguyên nhân đẩy trẻ em vào hoàn cảnh khó khăn, giúp các em được hòa nhập với


cộng đồng. Và đó không phải là việc của một ngày, một năm, mà là một sự nghiệp lâu dài.

Phương hướng thứ hai: Chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là trách nhiệm của toàn xã hội

Trẻ em chính là tương lai của đất nước, vì vậy, chăm sóc và bảo vệ các em không thể là việc của một người, một nhà, một cơ quan hay một tổ chức, mà đó là trách nhiệm mà toàn xã hội phải quan tâm và chung vai gánh vác. Với những trẻ em vì những lý do chủ quan và khách quan bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trở thành đối tượng đặc biệt giữa lớp người tương lai của xã hội, sự chăm sóc và bảo vệ có những yêu cầu đặc biệt. Pháp luật ghi nhận trách nhiệm chính và trước hết thuộc về các gia đình. Chính do sự đặc biệt về hoàn cảnh của các em, mà gia đình không thể hoặc khó có thể thực hiện tốt vai trò chăm sóc và bảo vệ cho trẻ của mình. Nhà nước đứng thứ hai sau gia đình, nhưng lại đóng vai trò là đầu mối kết nối các hoạt động và các nguồn lực của toàn xã hội vào công cuộc chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với tinh thần lá lành đùm lá rách vốn là truyền thống của dân tộc, cộng đồng không thể làm ngơ trước những số phận thiệt thòi. Vì vậy, chăm sóc và bảo vệ trẻ em chính là chăm sóc và bảo vệ tương lai của cả cộng đồng.

Phương hướng thứ ba: Phát huy nội lực, tranh thủ hợp tác trong hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Hiệu quả chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của các bên liên quan. Đó là những đóng góp, hỗ trợ về vật chất, về tinh thần cho gia đình, nhà nước, và cộng đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhằm giúp các em giảm bớt những thiệt thòi, những khó khăn mà các em đang phải đối mặt. Những nỗ lực tự


thân của Việt Nam sẽ phát huy được hiệu quả hơn nữa khi nhận được nguồn hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Hợp tác quốc tế cũng là điều kiện để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước cho phù hợp với chuẩn mực chung được cộng đồng quốc tế quy định và công nhận.

Phương hướng thứ tư: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Pháp luật thuộc về kiến trúc thượng tầng nên chịu ảnh hưởng của hạ tầng cơ sở. Những yếu tố kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội ở một nước đang phát triển như Việt Nam thay đổi từng ngày. Chính vì vậy, các quy định về chăm sóc và bảo vệ trẻ em cũng cần được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Điều đó cũng có nghĩa là việc thực thi pháp luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ đảm bảo được chất lượng thực hiện quyền của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

3.3. Những giải pháp hoàn thiện pháp luật về chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Việt Nam

Giải pháp 1. Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số quy định pháp luật

Các văn bản pháp luật cần được rà soát lại nhằm thống nhất về nội dung, giải quyết tình trạng các quy định nằm tản mát ở các bộ luật khác nhau. Quá nhiều văn bản dẫn đến tình trạng rối khi thực hiện. Mặt khác, việc rà soát còn giúp tìm ra những nội dung không còn phù hợp với thực tế, trên cơ sở đó sẽ xây dựng kế hoạch để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy định mới thay thế.

Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế sẽ căn cứ trên Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 để tạo nên sự thống nhất giữa các quy định. Ví dụ: cần quy định chi tiết hơn về tiêu chí xác định áp dụng chế tài hành chính hay


hình sự đối với trẻ em vi phạm pháp luật; quy định cụ thể để thấy được đặc trưng của nhận trẻ về nuôi dưỡng, nhận con nuôi và gia đình thay thế…Mở rộng phạm vi điều chỉnh đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm đảm bảo mọi trẻ thuộc đối tượng trên đều nhận được sự chăm sóc từ xã hội.

Cần ban hành mới văn bản pháp luật chi tiết hóa và thống nhất các quy định của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với những quy định chi tiết hơn về vai trò, nhiệm vụ và cả chế tài dành cho các tổ chức, cơ quan nhà nước khi không thực hiện đúng và kịp thời phần trách nhiệm của họ; và quy định chi tiết về cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan. Quy định rõ những trường hợp nào, trẻ có quyền tự mình bảo vệ mà không cần phải thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp…

Giải pháp 2. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, của lãnh đạo chính quyền

Tổ chức rộng khắp hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức không chỉ của lãnh đạo địa phương, mà còn nâng cao nhận thức của nhân dân, cũng như nhận thức của chính trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về những quyền và bổn phận của mình. Khi nhận thức của cả cộng đồng thay đổi, sự kỳ thị, phân biệt đối xử sẽ được giải quyết, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chăm sóc của tất cả mọi người và khả năng hòa nhập của trẻ với cộng đồng sẽ được cải thiện.

Giải pháp 3. Giải quyết các nguyên nhân chủ quan dẫn đến trẻ rơi vào hoàn cảnh khó khăn

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các gia đình phát triển kinh tế. Nguyên nhân sự chăm sóc của gia đình có thể do gia đình


quá khó khăn, cũng có thể do trẻ chưa làm tròn bổn phận do bản thân trẻ, hoặc do sự thiếu quan tâm chăm sóc của gia đình. Cần đưa chính sách hỗ trợ vào chiến lược phát triển chung ở địa phương như chương trình vay vốn, tập huấn kỹ thuật, tạo việc làm…Giải quyết tận gốc tình trạng thu thêm các loại phí do địa phương tự đặt ra trong dịch vụ về y tế, giáo dục dành cho trẻ em.

Giải pháp 4. Đầu tư hiệu quả


Nguồn đầu tư cần được quy hoạch, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho chăm sóc và bảo vệ trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng. Cần điều chỉnh mức đầu tư cho phù hợp với những biến đổi của thực tế cuộc sống và đảm bảo tất cả các em thuộc đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong quy định của pháp luật được tiếp cận và hưởng lợi từ nguồn trợ giúp này.

Chiến lược phát triển con người và chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là mối quan tâm không chỉ của nhà nước, của cộng đồng quốc tế, mà còn của chính những người dân trong xã hội. Vì vậy, hòan thiện hệ thống pháp luật về chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em có thể được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích hợp phá, xóa dần sự khác biệt giữa các em với như những đứa trẻ bình thường khác trong xã hội là nhiệm vụ quan trọng của công cuộc phát triển đất nước.

Xem tất cả 102 trang.

Ngày đăng: 07/05/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí