hữu nước ngoài. Trong mỗi NHTM có thể tồn tại một đến bốn loại hình sở hữu này.
2.2.3.1. Sở hữu Nhà nước
Loại hình sở hữu này có cổ đông là Nhà nước mà đại diện là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nắm giữ một phần hay toàn bộ cổ phần của NHTM trong nước.
Dựa vào nguyên tắc đối vốn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam can thiệp vào quá trình hoạt động kinh doanh của NHTM theo những mục tiêu của mình. Những mục tiêu này có thể là thực hiện các chính sách của nhà nước như xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đầu tư, sản xuất, hỗ trợ thực thi chính sách tiền tệ, tăng thu cho ngân sách, lợi nhận…
2.2.3.2. Sở hữu thể nhân
Là loại hình sở hữu có cổ đông là các cá nhân trong và ngoài nước, nắm giữ một phần hay toàn bộ cổ phần của NHTM.
Thông qua tỷ lệ nắm giữ vốn chủ sở hữu, các cá nhân này can thiệp vào quá trình hoạt động kinh doanh của NHTM theo nguyên tắc đối vốn, và thường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận tương ứng với rủi ro tổn thất mà họ có thể chấp nhận được.
2.2.3.3. Sở hữu nước ngoài
Sở hữu nước ngoài là loại hình có cổ đông là cá nhân, tổ chức ở nước ngoài nắm giữ một phần hay toàn bộ vốn chủ sở hữu của NHTM trong nước.
Các cổ đông này cũng can thiệp vào quá trình hoạt động kinh doanh của NHTM thông qua nguyên tắc đối vốn, và theo đuổi mục tiêu lợi nhuận tương ứng với rủi ro họ có thể chấp nhận được.
2.3. Mối liên hệ giữa cấu trúc sở hữu và hiệu quả hoạt động kinh doanh
Trong doanh nghiệp nói chung và trong NHTM nói riêng, cấu trúc sở hữu quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý điều hành hoạt động kinh doanh. Từ đó
hình thành nên các chiến lược, mục tiêu phát triển kinh doanh của từng NHTM. Nó tác động đến mọi mặt hoạt động kinh doanh của NHTM và cuối cùng là ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Như vậy cấu trúc sở hữu sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh của NHTM.
Trong chiều hướng ngược lại, khi NHTM có hiệu quả kinh doanh khác nhau sẽ thu hút các cổ đông khác nhau. Điều này tạo nên cấu trúc sở hữu khác nhau giữa các NHTM có hiệu quả kinh doanh khác nhau. Hay nói cách khác, hiệu quả kinh doanh tác động đến cấu trúc sở hữu của NHTM.
Trong mục 2.3 này tác giả trình bày về tác động của các loại hình sở hữu đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và của NHTM nói riêng.
2.3.1. Sở hữu nhà nước và hiệu quả hoạt động kinh doanh
Dựa trên quan điểm về mục tiêu của cổ đông, các NHTM có sở hữu nhà nước có nhiệm vụ cung cấp các nguồn vốn với chi phí thấp cho các bên có liên quan nhằm mục đích chính trị thay vì hiệu quả kinh doanh. Shleifer và Vishny (1997) chỉ ra rằng các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước nhìn bên ngoài có vẻ là thuộc sở hữu của toàn dân, song trong thực tế lại được vận hành bởi những người có quyền kiểm soát tập trung cao độ nhưng không có quyền đối với dòng tiền và chính điều này đã khiến cho NHTM có sở hữu nhà nước hoạt động không có tính hiệu quả cao. Cùng quan điểm này, Boycko cùng cộng sự (1996) cho rằng các doanh nghiệp này hoạt động thiếu hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp khác do chúng có thể phải phục vụ cho các mục tiêu chính trị. Thực tế là các mục tiêu chính trị có thể sẽ không đồng nhất với việc tối đa hóa lợi nhuận hay giá trị doanh nghiệp. Thêm vào đó, quan điểm quản lý liên quan đến các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước lại cho rằng các doanh nghiệp này thiếu hiệu quả vì không có cơ chế giám sát các nhà quản lý một cách chặt chẽ. Cụ thể là quan điểm này cho rằng các nhà quản lý của các công ty có sở hữu nhà nước chỉ điều hành chứ không sở hữu tài sản. Do đó, họ ít nỗ
lực hơn trong hoạt động quản lý và có xu hướng phân bổ nguồn lực cho các mục đích cá nhân. Kết hợp cùng với việc thiếu cơ chế giám sát các nhà quản lý, các nguyên nhân này dẫn đến việc các quản lý có xu hướng mạo hiểm hơn và hiệu quả doanh nghiệp cũng thấp hơn.
Một quan điểm khác về vai trò của sở hữu nhà nước đối với hiệu quả hoạt động kinh doanh được hình thành trên quan điểm về bất cân xứng thông tin, theo đó bất cân xứng thông tin có thể làm gia tăng chi phí đại diện, dẫn đến làm giảm hiệu quả của doanh nghiệp nói chung (Jensen & Meckling, 1976). Dựa trên lý thuyết về chi phí đại diện bắt nguồn từ bất cân xứng thông tin, các lập luận về vai trò của sở hữu nhà nước đối với hiệu quả của doanh nghiệp nói chung và NHTM nói riêng đưa đến những dự đoán theo hai chiều hướng trái ngược nhau.
Trước hết, chiều hướng lập luận đầu tiên ủng hộ vai trò tích cực của sở hữu nhà nước lên hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM dựa trên dự báo sở hữu nhà nước có thể làm giảm chi phí đại diện thông qua việc giảm thiểu bất cân xứng thông tin. Brealey và cộng sự (1977) và Perotti (1995) chỉ ra rằng phần sở hữu giữ lại của nhà nước trong quá trình niêm yết giúp hạn chế bất cân xứng thông tin. Lý do là vì sở hữu nhà nước vừa là sở hữu của một cổ đông bên trong, vừa là một bộ phận của hệ thống kiểm soát bên ngoài, dựa trên hệ thống khuôn khổ pháp luật và quy định. Hearn và Piesse (2013) cho rằng sở hữu dài hạn của nhà nước đưa ra tín hiệu về sự bảo vệ đối với cổ đông thiểu số, giảm sự không chắc về thông tin và hạn chế rủi ro lựa chọn đối nghịch. Điều này dẫn đến giảm chi phí đại diện, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, có lập luận cho rằng sở hữu nhà nước có thể gia tăng bất cân xứng thông tin và chi phí đại diện. Nếu xem nhà nước là cổ đông nội bộ thì có lập luận cho rằng cổ đông nội bộ sẽ biết nhiều thông tin hơn nhà đầu tư bên ngoài, dẫn đến gia tăng chi phí đại diện theo như Chiang và Venkatesh (1988). Nếu xem cổ đông nhà nước là cổ đông kiểm soát thì có thể xuất hiện tác động hai chiều của cổ đông kiểm soát lên vấn đề đại diện. Một mặt, cổ đông kiểm
soát có thể kiểm soát hoạt động quản lý tốt hơn, đồng nhất lợi ích của nhà quản lý và cổ đông bên ngoài dẫn đến giảm chi phí đại diện và giảm bất cân xứng thông tin (Hope và cộng sự, 2009). Mặt khác, cổ đông kiểm soát có thể tận dụng lợi thế của mình và làm gia tăng bất cân xứng thông tin (Barclay & Holderness, 1991; Heflin & Shaw, 2000).
Như vậy có thể thấy khác với lập luận dựa trên yếu tố chính trị, lập luận dựa trên bất cân xứng thông tin có thể đưa đến những dự báo trái ngược nhau về tác động của sở hữu nhà nước lên hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM. Tuy nhiên, đối với các thị trường mới nổi vốn có sự chi phối khá mạnh của sở hữu nhà nước và thường được xem là phải gánh chịu vấn đề bất cân xứng thông tin nghiêm trọng hơn so với các thị trường phát triển thì lập luận về tác động ngược chiều của loại hình sở hữu này lên hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM dường như nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.
Ngoài ra, lập luận về việc sở hữu nhà nước có thể giảm tính bất ổn của thông tin và do đó làm giảm bất cân xứng thông tin có thể không hoàn toàn đúng với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia mới nổi. Sử dụng chênh lệch hỏi mua-chào bán để đo lường chi phí đại diện, Choi và cộng sự (2010) nghiên cứu trên một thị trường mới nổi có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam là Trung Quốc đã tìm thấy tỷ lệ sở hữu nhà nước có tương quan dương với chênh lệch hỏi mua-chào bán, hàm ý rằng sở hữu nhà nước làm tăng bất cân xứng thông tin và làm tăng chi phí đại diện. Lập luận này được dựa trên các nghiên cứu cho thấy yếu tố chính trị chi phối trong các quyết định cổ phần hóa, dẫn đến gia tăng bất cân xứng thông tin trong các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nhà nước (Wei và cộng sự, 2005; Chen và cộng sự, 2008).
Do đó, dựa trên lập luận này, phần lớn các nghiên cứu đều xây dựng giả thuyết về mối quan hệ ngược chiều giữa sở hữu nhà nước và hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM. Bằng chứng thực nghiệm về mối tương quan này sẽ được trình bày ở phần sau.
2.3.2. Sở hữu nước ngoài và hiệu quả hoạt động kinh doanh
Các lập luận về tác động của sở hữu nước ngoài lên hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM khá trái ngược. Một mặt, giả thuyết lợi thế sân nhà (home field advantage) của Berger cùng cộng sự (2000) dự đoán rằng các NHTM có sở hữu nước ngoài sẽ gặp bất lợi hơn khi cung cấp các dịch vụ giống với NHTM nội địa, dẫn đến chi phí cao hơn và lợi nhuận thấp hơn. Các bất lợi này đến từ khoảng cách về mặt địa lý giữa người chủ và người đại diện, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ hoặc do yếu tố thể chế, giám sát. Ngoài ra, lý thuyết rủi ro thị trường cho rằng các công ty có sở hữu nước ngoài có rủi ro cao hơn do các điều kiện thị trường ở quốc gia sở tại (Amihud cùng cộng sự, 2002; Berger cùng cộng sự, 2016) và do đó có thể ảnh hưởng lên hiệu quả. Tóm lại, các lý thuyết này dự báo rằng do không thể am hiểu thị trường như các nhà đầu tư nội địa nên các nhà đầu tư nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh, dẫn đến các NHTM có sở hữu nước ngoài sẽ có hiệu quả kém hơn so với các NHTM nội địa.
Ngược lại, giả thuyết về lợi thế toàn cầu (general form of the global advantage) lại cho rằng các NHTM có sở hữu nước ngoài có lợi thế so sánh tương đối so với các NHTM có sở hữu nội địa, từ đó dẫn đến hiệu quả tốt hơn. Lập luận này chủ yếu được đúc kết từ quan điểm của Buch (1997) khi cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài có thể mang đến những công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này làm gia tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng dựa trên lập luận về bất cân xứng thông tin, sở hữu nước ngoài thường gia tăng tính minh bạch của doanh nghiệp thông qua đòi hỏi cao hơn về các hoạt động kiểm soát, từ đó làm giảm chi phí đại diện và gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Có nhiều bằng chứng cho thấy sở hữu nước ngoài giúp nâng cao chất lượng quản trị công ty. Gillan và Starks (2003) và Ferreira và Matos (2008) ghi nhận bằng chứng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò tích cực hơn nhà đầu tư nội địa trong hoạt động quản trị công ty. Boycko cùng cộng sự (1996), Dyck (2001) và D’Souza cùng cộng sự (2005) chỉ ra rằng các công ty có tỷ trọng sở hữu nước ngoài càng lớn
thì chất lượng quản trị và hiệu quả công ty càng tốt.
2.3.3. Sở hữu thể nhân và hiệu quả hoạt động kinh doanh
Cổ đông thể nhân thường chỉ đơn thuần theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Các NHTM có sở hữu thể nhân sẽ quan tâm, lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao hơn và rủi ro thấp hơn các NHTM có sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó cổ đông thể nhân sẽ trực tiếp quản lý, sử dụng dụng đồng vốn của mình, trực tiếp chịu tổn thất rủi ro phát sinh nên họ sẽ thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư cũng như thực hiện giám sát chặt chẽ hơn. Lập luận này cho rằng sở hữu thể nhân tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM.
Theo quan điểm chi phí đại diện do bất cân xứng thông tin, sở hữu tư nhân cũng có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh của NHTM.
Trường hợp sở hữu thể nhân tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh xảy ra khi một nhóm cổ đông nắm giữ quyền điều hành hoạt động kinh doanh (nhóm cổ đông nội bộ) có được nhiều thông tin hơn nhóm cổ đông không trực tiếp điều hành (cổ đông bên ngoài). Nhóm cổ đông nội bộ thực hiện những hành vi lợi ích nhóm, không minh bạch thông tin. Như vậy, trong trường hợp này, sở hữu thể nhân sẽ làm gia tăng bất cân đối thông tin, làm tăng chi phí đại diện, và cuối cùng là làm giảm hiệu quả họat động kinh doanh.
Ngược lại, cổ đông thể nhân là người trực tiếp hưởng lợi từ hiệu quả kinh doanh cũng như chịu tổn thất xảy ra. Để bảo vệ quyền lợi của mình, các cổ đông này sẽ nỗ lực yêu cầu minh bạch thông tin, tăng cường giám sát. Từ đó làm giảm bất cân xứng thông tin, giảm chi phí đại diện và tăng hiệu hoạt động kinh doanh. Như vậy sở hữu thể nhân đã tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh.
2.4. Bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ giữa cấu trúc sở hữu và hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM
Phần này sẽ trình bày các bằng chứng thực nghiệm về mối tương quan giữa sở
hữu nhà nước cũng như sở hữu nước ngoài và hiệu quả hoạt động của NHTM ở các quốc gia, bao gồm cả các nước phát triển và các thị trường mới nổi.
2.4.1. Sở hữu nhà nước và hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM
Theo lập luận về vai trò của sở hữu nhà nước dựa trên lý thuyết đại diện (Jensen và Meckling, 1976) đã đề cập ở trên, các nhà quản lý của các công ty có sở hữu nhà nước chỉ điều hành chứ không sở hữu tài sản. Do đó, họ ít nỗ lực hơn trong hoạt động quản lý và có xu hướng phân bổ nguồn lực cho các mục đích cá nhân. Các nguyên nhân này dẫn đến việc các nhà quản lý có xu hướng mạo hiểm hơn và hiệu quả doanh nghiệp cũng thấp hơn (Barry cùng cộng sự, 2011; Berger cùng cộng sự, 2005; Iannotta cùng cộng sự, 2007; Sapienza, 2004).
Cho đến giờ, phần lớn các nghiên cứu chủ yếu tìm thấy mối tương quan âm giữa sở hữu nhà nước và hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM, đặc biệt tại các thị trường mới nổi như Barth cùng cộng sự (2004), La Porta cùng cộng sự (2002), Hasan và Marton (2003), Jemric và Vujcic (2002), Weill (2003), Micco cùng cộng sự (2007), Lin và Zhang (2009), Cornett cùng cộng sự (2010).
Barth cùng cộng sự (2004) và La Porta cùng cộng sự (2002) tìm thấy rằng sở hữu nhà nước làm giảm tính hiệu quả của hệ thống NHTM. Dinc (2005) chỉ ra rằng hoạt động cho vay của NHTM có sở hữu nhà nước bị chi phối bởi yếu tố chính trị. Trên mẫu nhiều thị trường mới nổi, Mian (2003) ghi nhận NHTM có sở hữu nhà nước có tỷ lệ dự phòng nợ khó thu hồi cao hơn và khả năng sinh lợi thấp hơn so với NHTM tư nhân. Cornett cùng cộng sự (2010) nghiên cứu mẫu NHTM ở 16 quốc gia Châu Á (trong đó có cả Việt Nam) đã tìm thấy rằng NHTM có sở hữu nhà nước hoạt động kém hiệu quả hơn và có rủi ro tín dụng cao hơn NHTM tư nhân.
Berger cùng cộng sự (2005) cung cấp bằng chứng cho thấy NHTM có sở hữu nhà nước có hiệu quả hoạt động kinh doanh thấp trước khi cổ phần hóa và sau khi cổ phần hóa, hiệu quả hoạt động kinh doanh đã được cải thiện đáng kể. Berger cùng cộng sự (2008) nghiên cứu trên mẫu 38 NHTM tại Trung Quốc và tìm thấy rằng
nhóm NHTM thuộc sở hữu nhà nước có hiệu quả hoạt động kinh doanh kém nhất so với các loại hình NHTM khác.
Lin và Zhang (2009) nghiên cứu trên thị trường Trung Quốc và cũng tập trung vào bốn NHTM sở hữu nhà nước lớn nhất, kết quả cho thấy nhóm NHTM này có lợi nhuận ít hơn, hiệu quả thấp hơn và chất lượng tài sản kém hơn so với NHTM tư nhân hay nước ngoài khác. Carvalho (2014) nghiên cứu trên thị trường Brazil đã tìm thấy bằng chứng ủng hộ cho giả thuyết sở hữu nhà nước sẽ có tác động chính trị lên các quyết định cho vay của NHTM có sở hữu nhà nước.
Sử dụng mẫu gồm 6.677 NHTM từ năm 1995 đến 2002 ở 179 quốc gia và vùng lãnh thổ, Micco cùng cộng sự (2007) đã tìm thấy nhiều kết quả quan trọng. Thứ nhất, ở các quốc gia đang phát triển, NHTM có sở hữu nhà nước có xu hướng có khả năng sinh lợi thấp hơn và chi phí cao hơn so với NHTM tư nhân khác. Thứ hai, ở các nước công nghiệp, các tác giả không tìm thấy mối tương quan nào giữa cấu trúc sở hữu và hiệu quả hoạt động của NHTM. Cuối cùng, các tác giả tìm thấy rằng sự khác biệt trong hiệu quả hoạt động giữa NHTM có sở hữu nhà nước và NHTM tư nhân bị chi phối bởi yếu tố chính trị, khi mà sự khác biệt này có xu hướng gia tăng trong các giai đoạn diễn ra bầu cử chính trị tại các quốc gia nghiên cứu. Điều này giúp khẳng định cho lập luận lý thuyết về vai trò chính trị của sở hữu nhà nước trong hệ thống NHTM.
Gần đây, nghiên cứu của Rahman và Reja (2015) trên thị trường Malaysia đã tìm thấy bằng chứng sở hữu nhà nước làm giảm hiệu quả của NHTM trên hai thước đo tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản và tỷ suất sinh lợi trên vốn cổ phần.
2.4.2. Sở hữu nước ngoài và hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM
Cũng giống như lập luận lý thuyết, bằng chứng thực nghiệm về tác động của sở hữu nước ngoài lên hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM vẫn chưa có sự nhất quán. Một số nghiên cứu tìm thấy tác động ngược chiều của sở hữu nước ngoài lên hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM, ủng hộ cho giả thuyết lợi thế sân
nhà trong khi một số tác giả khác lại tìm thấy bằng chứng trái ngược.
Ở hướng thứ nhất, Crystal cùng cộng sự (2002) và Naaborg cùng cộng sự (2004) nghiên cứu trên các thị trường mới nổi và tìm thấy bằng chứng các NHTM có sở hữu nước ngoài có hiệu quả hoạt động kinh doanh kém hơn NHTM nội địa. Nghiên cứu của Lensink và Naaborg (2007) trên bộ dữ liệu gồm 511 NHTM tại 73 quốc gia giai đoạn từ năm 1998 đến 2001 cũng tìm thấy kết quả tương tự khi sở hữu nước ngoài có tương quan ngược với hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM.
Ở chiều ngược lại, trên góc độ doanh nghiệp nói chung, Denis và McConnell (2003) kết luận rằng sở hữu nước ngoài có tác động tích cực lên giá trị doanh nghiệp. Lizal và Svejnar (2003) chỉ ra rằng các doanh nghiệp khi tư nhân hóa có chủ sở hữu nội địa sẽ có hiệu quả trong dài hạn sụt giảm nhiều hơn trong khi các doanh nghiệp tương tự nhưng có chủ sở hữu là nhà đầu tư nước ngoài sẽ có sự cải thiện trong hiệu quả. Nghiên cứu trực tiếp trên mẫu các NHTM sử dụng dữ liệu từ 1996 đến 1998, Mathieson và Schinasi (2000) đã tìm thấy tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu của NHTM nước ngoài cao hơn các NHTM nội địa hoạt động ở Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc.
Claessens cùng cộng sự (2001) nghiên cứu sự khác biệt trong hiệu quả giữa các NHTM nước ngoài và các NHTM nội địa ở 8 quốc gia, cả phát triển và đang phát triển, trong giai đoạn từ 1988 đến 1995. Các tác giả tìm thấy rằng sau khi có sự gia nhập của các NHTM nước ngoài, họ đã chứng kiến một sự sụt giảm chi phí hoạt động ở các NHTM nội địa, và do đó nghiên cứu kết luận rằng chính sở hữu nước ngoài đã làm gia tăng tính hiệu quả trong hệ thống NHTM nội địa.
Hasan và Marton (2003) nghiên cứu trên thị trường Hungary từ năm 1993 đến 1998, họ đã tìm thấy các NHTM nước ngoài tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả hơn và từ đó thúc đẩy toàn bộ hệ thống NHTM phải gia tăng tính hiệu quả.
Nghiên cứu các NHTM ở thị trường Ba Lan, Nikiel và Opiela (2002) tìm thấy bằng chứng các NHTM nước ngoài dù không có lợi nhuận tốt hơn nhưng lại hiệu
quả hơn về mặt chi phí so với các NHTM khác. Jemric và Vujcic (2002) cung cấp bằng chứng cho thấy các NHTM nước ngoài hoạt động hiệu quả hơn các NHTM khác khác ở Croatia.
Majnoni cùng cộng sự (2003) kết luận rằng các NHTM nước ngoài có khả năng sinh lợi cao hơn các NHTM nội địa. Xem xét thêm tác động của tăng trưởng kinh tế lên mối tương quan giữa sở hữu nước ngoài và hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM, Demirguc-Kunt và Huizinga (1999) cung cấp bằng chứng cho thấy ở các nước phát triển, các NHTM nước ngoài có khả năng sinh lợi thấp hơn các NHTM nội địa, trong khi điều ngược lại xảy ra ở các nước đang phát triển khi mà các NHTM nước ngoài lại có xu hướng sinh lợi tốt hơn các NHTM nội địa.
Bonin cùng cộng sự (2005) là một trong những nghiên cứu có nhiều sức ảnh hưởng trong mối quan hệ giữa cấu trúc sở hữu và tính hiệu quả của các NHTM tại các nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi. Các tác giả sử dụng một mẫu gồm 225 NHTM tại 7 nền kinh tế chuyển đổi trong giai đoạn từ 1996 đến 2000. Kết quả từ nghiên cứu này ủng hộ cho vai trò của sở hữu nước ngoài khi tìm thấy rằng các NHTM có sở hữu nước ngoài cung cấp dịch vụ tốt hơn và hoạt động hiệu quả hơn so với các NHTM khác, đặc biệt khi NHTM có đối tác chiến lược là một định chế nước ngoài. Điều này nhất quán với lập luận về vai trò chuyển giao công nghệ của sở hữu nước ngoài.
Nghiên cứu của Micco cùng cộng sự (2007) đã được đề cập ở trên cũng cung cấp bằng chứng cho thấy các NHTM có sở hữu nước ngoài có khả năng sinh lợi cao hơn và chi phí thấp hơn các NHTM khác. Berger cùng cộng sự (2008) nghiên cứu trên thị trường Trung Quốc và thấy rằng nhóm các NHTM nước ngoài có hiệu quả hoạt động kinh doanh cao nhất. Thậm chí, chỉ cần một tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất nhỏ trong nhóm các NHTM thuộc sở hữu nhà nước cũng có thể cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của NHTM này.
Rokhim và Susanto (2013) nghiên cứu trên thị trường Indonesia cũng đã ủng hộ cho vai trò tích cực của sở hữu nước ngoài đối với hiệu quả hoạt động kinh
doanh của NHTM, trong đó các NHTM nước ngoài vượt trội hơn các NHTM nội địa cả về khả năng sinh lợi cũng như tiết kiệm chi phí. Cùng đồng thuận với quan điểm này, Jemric và Vujcic (2002), Weill (2003), Grigorian và Manole (2006), và Yildirim và Philippatos (2007) đều tìm thấy bằng chứng về tác động gia tăng tính hiệu quả trong hoạt động NHTM của sở hữu nước ngoài.
2.4.3. Sở hữu tư nhân và hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM
Iannotta cùng cộng sự (2007) nghiên cứu trên 181 NHTM lớn ở Châu Âu giai đoạn từ năm 1999 đến 2004. Các tác giả tìm thấy rằng NHTM có sở hữu thể nhân có khả năng sinh lợi cao hơn so với NHTM có sở hữu Nhà nước. Ngoài ra, nhóm NHTM này còn có chất lượng các khoản vay tốt hơn so với NHTM sở hữu Nhà nước.
Kết luận chương 2
Qua lược khảo các nghiên cứu thực nghiệm trước đây cho thấy sở hữu Nhà nước, sở hữu nước ngoài, sở hữu tư nhân có thể tác động đồng biến hoặc nghịch biến đến hiệu quả kinh doanh tùy theo đặc điểm môi trường kinh tế của từng mẫu nghiên cứu. Như vậy, trong chương 2 này, chúng ta đã trả lời được câu hỏi nghiên cứu số 1 là: “Cấu trúc sở hữu của NHTM có ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM hay không?”
CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU, MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
3.1. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát của đề tài là phân tích tác động của cấu trúc sở hữu đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM Việt Nam, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
3.1.1. Phương pháp định tính
Luận văn này sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính sau:
- Tổng hợp: Thực hiện thu thập số liệu dưới dạng dữ liệu bảng của 30 NHTM hoạt động liên tục 16 năm (từ 2002 đến 2017).
- Phân tích: Xem xét đặt tính các biến, xác định thước đo của từng biến trong mô hình nghiên cứu. Kiểm tra sự đồng đều, tính đại diện của số liệu thu thập được.
- So sánh đối chiếu: Thực hiện so sánh đối chiếu sự biến động của các biến phụ thuộc và các biến độc lập trong khoảng thời gian nghiên cứu.
3.1.2. Phương pháp định lượng
Trong phần nghiên cứu định lượng, tác giả kế thừa các nghiên cứu của Mico và cộng sự (2007), Lin và Zhang (2009), Lensink và Naaborg (2007) và đề xuất sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính bội để ước lượng các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM Việt Nam trên cở sở dữ liệu bảng thu thập được.
3.2. Mô hình nghiên cứu
Yit = α0 + α1 GOEit + α2 FOEit + α3 IOEit + αk X’it + εit Trong đó:
- Biến phụ thuộc (Y), là biến thể hiện hiệu quả hoạt động kinh doanh dưới góc độ sử dụng tài sản của NHTM và được chọn nghiên cứu trong đề tài này là: ROA - tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản.
- Biến độc lập:
- Biến nghiên cứu, là các biến phản ánh cấu trúc sở hữu gồm:
+ GOE là tỷ lệ sở hữu nhà nước
+ FOE là tỷ lệ sở hữu nước ngoài
+ IOE là tỷ lệ sở hữu thể nhân
- Biến kiểm soát (X’), là biến thể hiện các yếu tố vĩ mô, thể hiện sự khác nhau về hiệu quả quản lý gồm:
+ LOE là khả năng hút vốn từ nền kinh tế
+ LOD là hiệu quả đầu tư của vốn huy động
+ INF là chỉ số lạm phát
+ GDP là chỉ số tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội
- ε là sai số trong mô hình hồi quy
- α là hệ số tương quan
Bảng 3.1: Tổng hợp các biến trong mô hình nghiên cứu
Ký hiệu biến | Tên biến | Công thức tính | |
1 | Biến phụ thuộc | ||
ROA | Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản | Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản | |
2 | Biến độc lập | ||
2.1 | Biến nghiên cứu | ||
GOE | Tỷ lệ sở hữu nhà nước | Vốn sở hữu nhà nước/Tổng vốn chủ sở hữu | |
FOE | Tỷ lệ sở hữu nước ngoài | Vốn sở hữu nước ngoài/Tổng vốn chủ sở hữu | |
IOE | Tỷ lệ sở hữu thể nhân | Vốn sở hữu thế nhân/Tổng |
Có thể bạn quan tâm!
- Cấu trúc sở hữu và hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại Việt Nam - 1
- Cấu trúc sở hữu và hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại Việt Nam - 2
- Đánh Giá Về Cấu Trúc Sở Hữu Và Hiệu Quả Hoạt Động Kinh Doanh
- Cấu trúc sở hữu và hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại Việt Nam - 5
- Cấu trúc sở hữu và hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại Việt Nam - 6
Xem toàn bộ 55 trang tài liệu này.
Ký hiệu biến | Tên biến | Công thức tính | |
vốn chủ sở hữu | |||
2.2 | Biến kiểm soát | ||
LOE | khả năng hút vốn từ nền kinh tế | Tổng dư nợ/Tổng vốn chủ sở hữu | |
LOD | Hiệu quả đầu tư của vốn huy động | Tổng dư nợ/Tổng huy động vốn | |
INF | Lạm phát | ||
GDP | Tốc độ tăng trưởng GDP |
Nguồn: Tác giả đề xuất Với các biến được mô tả như trên, ta có mô hình nghiên cứu cụ thể như sau: Yit = α0 + α1 GOEit + α2 FOEit + α3 IOEit + α4 LOEit + α5 LODit + α7 INFt
+ α7 GDPt + εit
3.3. Quy trình thực hiện
Bước 1: Phân tích thống kê mô tả
Mô tả tóm tắt các đặc trưng của dữ liệu về các yếu tố đầu vào và đầu ra của các NHTM được chọn nghiên cứu: giá trị trung bình, giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất, độ lệch chuẩn
Bước 2: Kiểm tra đa cộng tuyến
Kiểm tra mối quan hệ giữa các biến trong mô hình, kiểm tra mối tương quan giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc cũng như giữa các biến phụ thuộc với nhau để phát hiện hiện tượng và mức độ đa cộng tuyến của các biến trong mô hình nghiên cứu (dùng ma trận tương quan và dùng nhân tử phóng đại). Xử lý đa cộng tuyến (nếu có).
Bước 3: Hồi quy sơ bộ và kiểm định lựa chọn mô hình
Sử dụng phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS – Ordinary Least
Squares) để ước lượng hệ số tương quan các biến theo các mô hình hồi quy dữ liệu gộp (Pooled), mô hình tác động cố định (FEM – Fix Effects Model) và mô hình tác động ngẫu nhiên (REM – Random Effects Model) và thực hiện các kiểm định để lựa chọn mô hình thích hợp (F-test; Hausman test).
Bước 4: Kiểm định giả thuyết thống kê
Thực hiện kiểm định phương sai thay đổi (Brush pagan test), kiểm định tự tương quan (Wooldridge test) đối với mô hình được chọn trong bước 3.
Bước 5: Hồi quy và khắc phục các vi phạm giả thuyết thống kê
Dùng phương pháp bình phương tổng quát nhỏ nhất (GLS – Generalized Least Squares) để ước lượng hệ số tương quan các biến theo mô hình đã chọn, đồng thời khắc phục hiện tượng phương sai thay đổi và tự tương quan (nếu có).
Bước 6: Phân tích kết quả hồi quy
Chọn kết quả hồi quy tốt nhất để phân tích, đánh giá tác động của cấu trúc sở với hiệu quả kinh doanh của NHTM Việt Nam giai đoạn 2002-2017.
3.4. Dữ liệu nghiên cứu
Dữ liệu mẫu dùng để phân tích, nghiên cứu được tác giả thu thập từ các nguồn
sau:
Dữ liệu ngân hàng được thu thập từ nguồn Orbis, Bankscope, Báo cáo thường niên và Bản cáo bạch của 30 NHTM chọn nghiên cứu (Phụ lục 1) giai đoạn 16 năm, từ 2002 đến 2017.
Dữ liệu vĩ mô được thu thập từ WB giai đoạn 16 năm, từ 2002 đến 2017.
Kết luận chương 3
Qua chương 3, tác giả đã giới thiệu phương pháp nghiên cứu, mô hình nghiên cứu, quy trình thực hiện nghiên cứu và dữ liệu nghiên cứu. từ đó làm cơ sở cho việc thực hiện nghiên cứu.