Dưới góc độ phân vùng địa lý tự nhiên, các nhà địa lý tiến hành phân vùng lãnh thổ nghiên cứu, từ đó xác định một cách khái quát nhất phương hướng sử dụng lãnh thổ. Trong các công trình này, các đơn vị lãnh thổ tương đối đồng nhất về một số chỉ tiêu nào đó, với những đặc điểm nhất định về tài nguyên được sử dụng làm đơn vị cơ sở cho quy hoạch vùng và sử dụng tổng hợp lãnh thổ. Kiểu đánh giá phổ biến hiện nay là đánh giá mức độ thuận lợi của các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên cho các dạng khai thác khác nhau.
2.4.2.2. Các công trình nghiên cứu theo hướng đánh giá đất đai
Các nguyên tắc và phương pháp đánh giá đất đai của FAO được Viện Quy hoạch Thiết kế nông nghiệp, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận dụng trong đánh giá đất nông nghiệp ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu được thể hiện ở các công trình nghiên cứu: Đánh giá đất đai vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ…
Từ năm 1980 đến nay, việc nghiên cứu đánh giá đất đai đã được đẩy mạnh với việc sử dụng phương pháp của FAO vào Việt Nam. Nhiều nhà khoa học và các cơ quan có liên quan đến sử dụng đất đai đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu về đánh giá phân hạng đất đai phục vụ cho mục tiêu phát triển nông-lâm nghiệp ở nước ta. Có thể nêu ra một số công trình:
- Đánh giá phân hạng đất đai toàn quốc (Tôn Thất Chiểu và các cộng sự thực hiện năm 1984, tỷ lệ bản đồ 1/500.000) dựa vào nguyên tắc phân loại khả năng đất đai (Land Capability Classification) của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Chỉ tiêu sử dụng là đặc điểm thổ nhưỡng và địa hình được phân cấp nhằm mục đích sử dụng đất đai tổng hợp bao gồm 7 nhóm; trong đó đánh giá cho sản xuất nông nghiệp (4 nhóm), lâm nghiệp (2 nhóm) và mục đích khác (1 nhóm).
- Vận dụng phương pháp phân loại khả năng đất đai của FAO, Bùi Quang Toản và cộng tác viên đã tiến hành đánh giá và quy hoạch sử dụng đất khai hoang ở Việt Nam (1985). Các chỉ tiêu được sử dụng để
đánh giá bao gồm các điều kiện tự nhiên như thổ nhưỡng, thủy văn và tưới tiêu, khí hậu nông nghiệp. Hệ thống phân hạng đến cấp lớp (class) thích nghi cho từng loại hình sử dụng đất.
- Năm 1989, Viện Thổ nhưỡng - Nông hóa đã tiến hành nghiên cứu đánh giá, phân hạng đất đai Tây Nguyên cho cây cao su, cà phê, chè và dâu tằm do Vũ Cao Thái chủ trì. Đề tài đã vận dụng phương pháp phân hạng đất đai của FAO theo kiểu định tính để đánh giá tiềm năng đất đai của vùng. Đất đai được phân theo 4 hạng riêng cho từng cây trồng.
- Năm 1990, tác giả Hoàng Xuân Tý và cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá tiềm năng sản xuất đất trống đồi núi trọc và xác định phương hướng sử dụng hợp lý”, việc đánh giá tiềm năng đất đai dựa trên phân loại sinh khí hậu, xây dựng bản đồ mức độ thích hợp về mặt sinh khí hậu, đánh giá khả năng gây trồng và phục hồi rừng, áp dụng cho vùng đồi Quảng Nam - Đà Nẵng.
- Thời kỳ từ năm 1990-1995, trong Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Khôi phục rừng và phát triển lâm nghiệp, mã số KN-03” do Viện Khoa học Lâm nghiệp chủ trì có đề tài “Đánh giá tiềm năng sản xuất đất lâm nghiệp và hoàn thiện phương pháp điều tra lập địa”. Việc đánh giá đất đai lâm nghiệp được tiến hành trong phạm vi toàn quốc trên 8 vùng kinh tế lâm nghiệp và trên 4 đối tượng chính: Đất vùng đồi núi, đất cát biển, đất ngập mặn sú vẹt, đất chua phèn. Đối với lãnh thổ đồi núi, việc xác định các đơn vị sử dụng đất đai dựa trên 5 yếu tố tự nhiên: Độ cao, đất, độ dốc, độ dày tầng đất, lượng mưa; Đánh giá tổng hợp tiềm năng đất đai lâm nghiệp dựa trên 4 yếu tố: Độ dốc, độ dày tầng đất, thành phần cơ giới, hàm lượng chất hữu cơ.
Có thể bạn quan tâm!
- Chức Năng Của Cảnh Quan Học Ứng Dụng Trong Địa Lý Học Ứng Dụng
- Sơ Đồ Nhiệm Vụ Nghiên Cứu Của Cảnh Quan Ứng Dụng
- Sơ Đồ Các Bước Đánh Giá Cảnh Quan Phục Vụ Quy Hoạch Lãnh Thổ
- Tiếp Nhận Quan Điểm Sinh Thái Trong Nghiên Cứu Cảnh Quan
- Nhóm Các Nhân Tố Cảnh Quan Sinh Thái Bậc Xa (Nền Tảng)
- Cảnh quan địa lý ứng dụng Phần 1 - 14
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
- Trong chương trình quy hoạch tổng hợp (Master Plan) vùng đồng bằng sông Cửu Long, việc nghiên cứu khả năng sử dụng đất đai toàn vùng đồng bằng đã được thực hiện. Các chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá là các điều kiện tự nhiên có liên quan đến mục tiêu sử dụng đất.
- Năm 2000, Hội khoa học đất Việt Nam xuất bản công trình “Đất Việt Nam”, trong đó khẳng định việc nghiên cứu đánh giá đất đai đã được đẩy mạnh với việc sử dụng phương pháp của FAO vào Việt Nam.
Nhìn chung, trong nhiều công trình, căn cứ để xác định phân hạng đất đai thường gồm 5 yếu tố: Chất đất, vị trí, địa hình, điều kiện thời tiết khí hậu, điều kiện tưới tiêu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu và đánh giá, phân hạng đất đai ở Việt Nam chủ yếu mới chỉ áp dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; đối với ngành lâm nghiệp, nghiên cứu mới chỉ ở mức độ khái quát.
- Trong thời kỳ 1992-1994, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp đã thực hiện công tác đánh giá đất đai trên 9 vùng sinh thái của cả nước với bản đồ tỷ lệ 1/250.000 (mã số KT- 02.09.00, Trần An Phong chủ trì) và ở một số địa phương khác. Các công trình đã vận dụng phương pháp của FAO vào việc đánh giá hiện trạng sử dụng đất trên quan điểm sinh thái và phát triển lâu bền, xác định đất đai (Land) là một vùng đất bao gồm tất cả các thành phần của môi trường tự nhiên có ảnh hưởng đến việc sử dụng đất đai. Do đó, đất đai không chỉ đề cập đến thổ nhưỡng mà còn bao gồm cả địa hình, khí hậu, thủy văn, sinh vật cùng với những công trình cải tạo đất như hệ thống đê điều, hay các hệ thống tưới tiêu. Đơn vị cơ sở để đánh giá là các đơn vị đất đai hay đơn vị bản đồ đất đai (Land Unit/Land Mapping Unit). Các đơn vị đất đai được xác định dựa trên 7 chỉ tiêu tự nhiên (loại đất, độ dày tầng đất, độ dốc, lượng mưa, thủy văn, tưới tiêu, nhiệt độ).
Kết quả đánh giá đã khẳng định nội dung, phương pháp đánh giá đất đai theo tiêu chuẩn của FAO vào điều kiện cụ thể của Việt Nam là phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay.
2.4.2.3. Các công trình nghiên cứu cảnh quan theo hướng sử dụng hợp lý lãnh thổ lưu vực sông
Năm 1959, Chính phủ thành lập Ủy ban Trị thủy và khai thác sông Hồng; năm 1978 nước ta tham gia Ủy ban lâm thời sông Mê Kông, năm 1995 tham gia Hội Mê Kông Quốc tế. Năm 1992, Việt
Nam tham gia Hội nghị quốc tế về nước và môi trường tại Dublin; năm 1993, Nhà nước triển khai việc biên soạn và phê duyệt các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội phần châu thổ sông Cửu Long và sông Hồng.
Trong chương trình hợp tác Jica (Nhật), việc triển khai dự án “Nghiên cứu về phát triển và quản lý tài nguyên nước toàn quốc tại nước CHXHCN Việt Nam” đã hoạch định quy hoạch tổng thể vầ quản lý và phát triển tài nguyên nước đến năm 2020 cho 14 lưu vực sông chính, cũng như lập kế hoạch quản lý tổng hợp lưu vực sông Hương và sông Kôn.
Theo hướng phân tích lưu vực, vấn đề sử dụng hợp lý lãnh thổ được thể hiện phổ biến trong các công trình đánh giá tổng hợp tự nhiên. Đơn vị lãnh thổ được sử dụng trong đánh giá tổng hợp tự nhiên là lưu vực các cấp. Tùy theo phạm vi lãnh thổ nghiên cứu, nội dung nghiên cứu được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau. Các nhà địa lý - địa mạo xuất phát từ góc độ đánh giá xói mòn; Các nhà địa lý thủy văn thường đánh giá phân vùng theo yếu tố dòng chảy để xác định các yếu tố gây xói mòn và khả năng dự báo xói mòn trên đất dốc.
Trong dự án phân cấp đầu nguồn sông Mê Kông (lưu vực Sêsan Sêrêpôc) được tiến hành năm 1992, thang phân loại sử dụng đất đai chỉ ra các mức: Từ canh tác nông nghiệp đến nông - lâm kết hợp, lâm
- nông kết hợp, lâm nghiệp sản xuất, lâm nghiệp phòng hộ nghiêm ngặt.
Việc phân cấp lãnh thổ phục vụ quy hoạch sản xuất được tiến hành trong một số đề tài ứng dụng của Viện Điều tra Quy hoạch rừng. Ví dụ, trong việc khuyến cáo sử dụng đất lâm nghiệp Bắc Thái, tác giả Lại Huy Phương đã sử dụng các chỉ tiêu tự nhiên: Nhóm đất, độ dốc, độ dày tầng đất, kiểu địa hình, kiểu khí hậu, thực vật để phân cấp lãnh thổ. Các loại hình sử dụng đất đai lãnh thổ được phân chia thành:
1. Nông nghiệp thuần tuý, 2. Nông nghiệp kết hợp lâm nghiệp, 3. Rừng sản xuất kết hợp nông nghiệp, 4. Đất rừng sản xuất, 5. Rừng sản xuất kết hợp phòng hộ, 6. Phòng hộ kết hợp với sản xuất, 7. Phòng hộ đầu nguồn, 8. Rừng đặc dụng, 9. Các loại hình sử dụng khác.
Trong tài liệu Quản lý và bảo vệ rừng, việc phân chia đất đai vùng đầu nguồn nhằm quản lý lưu vực nước đã phân ra các vùng có khả năng nông - lâm nghiệp: Rừng phòng hộ bảo vệ đầu nguồn, rừng trồng vùng cao, rừng kinh doanh, nông - lâm kết hợp, nông nghiệp vùng cao, nông nghiệp vùng thấp.
Cách tiến hành phân cấp lãnh thổ của các công trình theo hướng này góp phần xây dựng phương pháp luận và khẳng định quan điểm trong đánh giá các điều kiện tự nhiên (đánh giá cảnh quan) nhằm xác định sự phân hóa không gian của các loại hình sử dụng đất đai cần gắn với hệ thống lưu vực cũng như để phân tích cơ cấu các loại hình sử dụng đất đai nông-lâm nghiệp trong từng lưu vực.
Các công trình “Đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững lâm nông nghiệp vùng đồi núi lưu vực sông Thu Bồn” Lê Anh Hùng (2016), “Phân tích cấu trúc và chức năng cảnh quan phục vụ định hướng sử dụng hợp lý lãnh thổ lưu vực sông Mã (thuộc tỉnh Thanh Hóa)” Vũ Văn Duẩn (2020) là những đại diện cho nghiên cứu cảnh quan theo hướng sử dụng hợp lý lãnh thổ lưu vực sông phục vụ mục tiêu phát triển các loại hình sử dụng nông - lâm nghiệp bền vững.
Hiện nay, việc nghiên cứu cảnh quan theo hướng sử dụng hợp lý lãnh thổ lưu vực sông được các nhà khoa học Việt Nam quan tâm; thể hiện trong các công trình của tác giả Nguyễn Văn Cư, Ngô Đình Tuấn, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Trọng Sinh, Vũ Văn Tuấn,... và các cơ quan Cục Thủy lợi, Viện Địa lý, Hội Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi, Đại học Quốc gia Hà Nội...
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
- Từ khi ra đời đến nay, Địa lý học bao giờ cũng được ứng dụng vào thực tiễn. Sự phát triển của địa lý ứng dụng đã nâng cao vai trò của Địa lý học trong hệ thống các khoa học.
- Học thuyết cảnh quan là học thuyết về các hệ địa lý nhằm xây dựng cơ sở lý thuyết cho việc thực hiện các công trình địa lý ứng dụng ngày nay.
- Cảnh quan cơ bản xác định đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, cấu trúc và hoạt động của các cảnh quan. Cảnh quan ứng dụng tiến hành đánh giá cảnh quan theo mục đích sử dụng hợp lý, thực hiện chức năng ứng dụng của học thuyết cảnh quan trong thực tiễn.
- Nhiệm vụ nghiên cứu của cảnh quan ứng dụng là giải quyết mối quan hệ giữa hệ thống tự nhiên và hệ thống kinh tế - xã hội trong một hệ thống chung: Hệ địa kinh tế - kỹ thuật; là sự điều khiển mối quan hệ đó sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất nhưng vẫn bảo vệ được hệ sinh thái và môi trường nhằm đạt được sự tối ưu hóa mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.
- Nội dung nghiên cứu cơ bản của cảnh quan ứng dụng là đánh giá - quy hoạch tổng hợp môi trường tự nhiên phục vụ cho việc phân bố lực lượng sản xuất, tổ chức lãnh thổ của một huyện, tỉnh, vùng lãnh thổ và chung cho cả đất nước. Xuất phát từ những nhiệm vụ trên, có thể thấy trong cảnh quan ứng dụng có hai nội dung nghiên cứu chính: Đánh giá cảnh quan (đánh giá tổng hợp môi trường tự nhiên) và quy hoạch tổ chức lãnh thổ.
- Nền móng của cảnh quan học được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX trong các công trình nghiên cứu, phân chia địa lý tự nhiên bề mặt Trái đất của các nhà địa lý Nga. Quan điểm nghiên cứu, đánh giá là lấy học thuyết về cảnh quan làm cơ sở cho việc quy hoạch lãnh thổ nhằm sử dụng tối ưu các đặc điểm sinh thái của cảnh quan, thiết lập mối quan hệ hài hòa giữa con người và vấn đề sử dụng lãnh thổ, bảo vệ môi trường.
- Việc nghiên cứu đánh giá các điều kiện tự nhiên theo hướng cảnh quan ứng dụng ở nước ta phát triển mạnh từ thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX. Trong các công trình nghiên cứu này, trên cơ sở hệ thống các nguyên tắc đánh giá tiềm năng tự nhiên, thông qua các bước đánh giá riêng từng hợp phần đến đánh giá tổng hợp tiềm năng tự nhiên dựa trên đặc điểm của các đơn vị cảnh quan phục vụ mục tiêu quy hoạch tổ chức lãnh thổ theo hướng phát triển bền vững.
CÂU HỎI HƯỚNG DẪN ÔN TẬP CHƯƠNG 2
1. Phân tích quá trình phát triển nhận thức về chức năng của cảnh quan học ứng dụng.
2. Chứng minh rằng trong địa lý học ngày nay, nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng ngày càng gắn chặt với nhau và trở thành hai khâu liên tục của một quá trình nghiên cứu.
3. Hiểu như thế nào về địa lý kiến thiết? Phân tích chức năng tích cực của địa lý học ứng dụng.
4. Phân tích mối quan hệ giữa cảnh quan cơ bản và cảnh quan ứng dụng.
5. So sánh các quan điểm của các trường phái khác nhau về cảnh quan học ứng dụng.
6. Tại sao nói nhiệm vụ chủ yếu của cảnh quan ứng dụng là đánh giá môi trường tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho quy hoạch lãnh thổ theo một mục tiêu kinh tế - xã hội nhất định? Cho ví dụ minh họa.
7. Phân tích các nhiệm vụ cơ bản trong nghiên cứu cảnh quan ứng dụng.
8. Tại sao nói đánh giá cảnh quan là giai đoạn đầu làm cơ sở cho việc quy hoạch và bố trí sử dụng hợp lý lãnh thổ? Cho ví dụ chứng minh.
9. Phân tích bản chất của hoạt động đánh giá cảnh quan.
10. Phân tích các nội dung của hoạt động đánh giá cảnh quan.
11. Tại sao nói kết quả nghiên cứu của cảnh quan ứng dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng và thiết thực đối với các vấn đề thực tiễn? Cho các ví dụ minh họa.
12. Phân tích mối quan hệ giữa đánh giá cảnh quan và quy hoạch tổ chức lãnh thổ.
13. Tại sao hướng phân tích lưu vực kết hợp đánh giá cảnh quan sinh thái là hướng nghiên cứu mới trong cảnh quan ứng dụng? Cho các ví dụ minh họa.
14. Phân tích các hướng nghiên cứu cảnh quan ứng dụng trên thế giới và ở Việt Nam.