quan hệ hôn nhân, theo độ tuổi của vợ chồng; quy định xét xử ly hôn dựa trên cơ sở lỗi của vợ, chồng hay của cả hai vợ chồng, các điều kiện có tính chất hình thức, phản ánh nguyên nhân mâu thuẫn vợ chồng, chứ không phải bản chất hôn nhân đã tan vỡ. Việc xét xử của Toà án rất thụ động, hoàn toàn do ý chí của đương sự quyết định.
1.2.3. Thời kỳ từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay
1.2.3.1. Giai đoạn 1945 – 1975
Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử HN & GĐ nước ta. Từ đó, nhiều văn bản pháp luật về HN & GĐ đã được ban hành nhằm củng cố và hoàn thiện các quan hệ gia đình tiến bộ.
Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã xác nhận quyền bình đẳng giữa nam và nữ về mọi phương diện. Điều 9 của Hiến pháp quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đấu tranh xoá bỏ hôn nhân phong kiến, đặt cơ sở cho chế độ HN & GĐ tiến bộ, dân chủ.
Để đáp ứng tình hình nhiệm vụ của giai đoạn Cách mạng mới sau khi giành được chính quyền, Nhà nước ta đã ban hành Sắc lệnh 97/SL ngày 22/5/1950 sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật. Sắc lệnh khẳng định, xoá bỏ tính cách phong kiến, cửa quyền, gia trưởng cũ quá ràng buộc và áp bức cá nhân trái với mục đích giải phóng con người của một nền pháp luật dân chủ. Cũng trong năm này, Nhà nước lại ban hành Sắc lệnh 159/SL, ngày 17/11/1950 quy định về ly hôn. Theo đó, đã xoá bỏ sự bất bình đẳng về duyên cớ ly hôn giữa vợ và chồng. Tại Điều 2, Sắc lệnh quy định: Toà án cho phép ly hôn trong những trường hợp sau: ngoại tình; một bên can án phạt giam; một bên mắc bệnh điên hoặc một bệnh khó chữa khỏi; một bên bỏ đi quá 2 năm mà không có duyên cớ chính đáng; vợ chồng tính tình không hợp hoặc đối xử với nhau đến nỗi không thể chung sống được nữa. Tuy đề ra được một
số nguyên tắc chung tiến bộ trong giải quyết những vấn đề về HN & GĐ, nhưng hai Sắc lệnh này cũng còn những hạn chế nhất định.
Sắc lệnh 159/SL đã xoá bỏ những duyên cớ ly hôn được quy định trong các bộ dân luật cũ thể hiện quan hệ bất bình đẳng của vợ chồng khi ly hôn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội lúc bấy giờ, Sắc lệnh 159/SL quy định vấn đề ly hôn cũng mới chỉ nhằm đấu tranh đòi quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, xoá bỏ quyền gia trưởng… nên Sắc lệnh còn có những hạn chế nhất định. Mặc dù Sắc lệnh đã quy định căn cứ ly hôn áp dụng chung cho cả vợ và chồng và đảm bảo quyền yêu cầu ly hôn của cả vợ và chồng, song Sắc lệnh còn dựa vào lỗi của vợ chồng để làm căn cứ cho việc giải quyết ly hôn mà chưa xét đến bản chất là sự tan rã thực sự của hôn nhân. Xét cho cùng thì những duyên cớ đó chỉ là lý do dẫn đến sự tan rã của hôn nhân mà thôi.
Sau hòa bình lập lại, miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ Cách mạng XHCN. Quan hệ sản xuất mới XHCN được xác lập và là cơ sở vững chắc của chế độ HN & GĐ mới. Để xoá bỏ triệt để những tàn tích lạc hậu của chế độ HN & GĐ phong kiến việc ban hành đạo luật mới về HN & GĐ đã trở thành một đòi hỏi cấp bách của toàn thể xã hội. Đó là một tất yếu khách quan thúc đẩy sự nghiệp xây dựng XHCN ở miền Bắc nước ta. Chính vì thế, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá I, ngày 29/12/1959 Luật HN & GĐ được thông qua và được công bố ngày 13/1/1960.
Luật HN & GĐ năm 1959 xây dựng trên 4 nguyên tắc: Hôn nhân tự do tiến bộ; hôn nhân 1 vợ 1 chồng; nam nữ bình đẳng trong bảo vệ hạnh phúc gia đình và bảo vệ quyền lợi của con cái. Trong đó, nguyên tắc cơ bản nhất là nam nữ bình đẳng. Các vấn đề về HN & GĐ đã được quy định khá hệ thống như vấn đề kết hôn; quan hệ cha mẹ và con cái; quan hệ vợ chồng và đặc biệt là ly hôn và hậu quả của nó đã được quy định trong một chương riêng (Chương V).
Có thể bạn quan tâm!
- Căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 - 1
- Căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 - 2
- Căn Cứ Ly Hôn Và Các Trường Hợp Ly Hôn Qua Các Giai Đoạn Phát Triển
- Khái Quát Một Số Nét Về Căn Cứ Ly Hôn Và Các Trường Hợp Ly Hôn Theo Pháp Luật Một Số Nước Trên Thế Giới
- Vấn Đề Ly Thân Theo Quy Định Pháp Luật Của Một Số Nước Trên Thế Giới
- Căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 - 7
Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.
Luật HN & GĐ năm 1959 đã công nhận quyền tự do kết hôn và tự do ly hôn, xoá bỏ sự bất bình đẳng về duyên cớ ly hôn chung cho cả hai vợ chồng. Luật HN & GĐ năm 1959 không quy định những căn cứ ly hôn riêng biệt, mà quy định căn cứ ly hôn duy nhất cho mọi trường hợp là tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Về các trường hợp ly hôn Điều 25 và Điều 26 Luật HN & GĐ năm 1959 cũng đã quy định có hai trường hợp ly hôn là thuận tình ly hôn và ly hôn do một bên yêu cầu.
Điều 25 Luật HN & GĐ năm 1959 quy định: “Khi hai bên vợ chồng xin thuận tình ly hôn, thì sau khi điều tra, nếu xét đúng là hai bên tự nguyện xin ly hôn, TAND sẽ công nhận việc thuận tình ly hôn”. Việc điều tra để xét đúng hai bên tự nguyện ly hôn ở đây thể hiện quyền tự do ly hôn của các bên trong quan hệ hôn nhân đồng thời cũng thể hiện quan điểm giải quyết về mặt ly hôn của Nhà nước ta. Việc ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc bản án xử cho ly hôn là sự phản ánh thực tế khách quan cuộc sống chung giữa vợ chồng không còn nữa chứ không phải thể hiện ý chí của người xét xử. Ở đây “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” không chỉ đơn giản là giữa hai vợ chồng không còn tình yêu mà nó muốn nói đến việc nuôi dạy con cái… và nếu tiếp tục duy trì cuộc sống đó thì nó không thể là cơ sở để xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc. Do vậy, Toà án xử cho ly hôn chỉ là công nhận về mặt luật pháp với thực trạng là cuộc hôn nhân đã chết.
Tại Thông tư số 690 – DS ngày 29/4/1960 của TANDTC hướng dẫn xử lý việc ly hôn và các vấn đề có liên quan đã quán triệt đường lối xử lý việc ly hôn là phải bảo đảm thực hiện tự do ly hôn cũng như cần phải giải quyết vấn đề ly hôn một cách chính xác, không gò bó, đồng thời không khinh xuất.
Đối với xử lý việc hai bên xin thuận tình ly hôn thì khi xử lý Toà án phải xem xét thận trọng cơ sở tình cảm giữa hai bên vợ chồng còn hay hết và phải
thẩm tra tính chất tự nguyện xin ly hôn của cả hai bên để bảo vệ quyền tự do ly hôn chân chính của các đương sự.
Đối với xử lý việc ly hôn do một bên xin Thông tư cũng hướng dẫn rất triệt để có tính đến hoàn cảnh lịch sử lúc đó, đó là để xử lý cho ly hôn hoặc không cho ly hôn được chính xác, chẳng những Toà án điều tra, nghiên cứu cơ sở tình cảm, tình trạng mâu thuẫn và khả năng chung sống giữa hai vợ chồng mà còn phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc của Luật HN & GĐ và đạo đức cách mạng để nhận xét và giải quyết yêu cầu của đương sự thì xử lý mới được đúng với chính sách tiến bộ.
Ngoài ra, TANDTC đã ban hành các Thông tư, Chỉ thị hướng dẫn các Toà án cấp dưới giải quyết ly hôn và hậu quả pháp lý của ly hôn như:
- Thông tư 01 ngày 6/1/1964 của TANDTC hướng dẫn giải quyết cấp dưỡng nuôi con;
- Công văn số 53 – NCPL ngày 18/1/1965 của TANDTC về việc cấp dưỡng con trong các vụ xử bác đơn xin ly hôn;
- Chỉ thị số 8 - DS ngày 19/9/1967 của TANDTC hướng dẫn xử lý việc ly hôn một bên bị tập trung cải tạo;
- Chỉ thị 69, ngày 24/12/1979 của TANDTC hướng dẫn giải quyết về nhà ở đảm bảo chỗ ở cho đương sự sau ly hôn.
Đây là những văn bản pháp luật quan trọng hướng dẫn việc thực hiện Luật HN & GĐ năm 1959 nhằm đảm bảo tính đúng đắn của pháp luật. Đồng thời, cũng nhằm đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em khi ly hôn.
Có thể nói trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ của đất nước việc xử lý ly hôn vô cùng phức tạp bởi tính chất phức tạp vốn có của vấn đề cũng như trong bối cảnh lịch sử việc thực thi và áp dụng pháp luật còn bị chi phối nhiều hơn bởi yếu tố chính trị và cách mạng do đó Thông tư 690 - DS còn hướng dẫn đường lối xử lý việc ly hôn trong từng trường hợp cụ thể như
xử lý việc ly hôn trong vùng Thiên chúa giáo, xử lý việc ly hôn vì chế độ đa thê… Như vậy Luật HN & GĐ năm 1959 cũng như các Chỉ thị, Thông tư hướng dẫn của TANDTC đã đáp ứng được yêu cầu giải quyết về ly hôn trong điều kiện hoàn cảnh lúc bấy giờ.
Ở miền Nam trong những năm đầu dưới sự thống trị của chế độ gia đình Diệm – Nhu, tiếp sau là chế độ ngụy quyền Sài Gòn, luôn có sự trợ giúp của các quan thầy Mỹ cùng tìm cách chọn lựa những chính sách cai trị phản động, trong đó không loại trừ pháp luật về HN & GĐ. Từ năm 1954 đến năm 1975 đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã ban hành một số văn bản pháp luật áp dụng trong các quan hệ HN & GĐ như Luật Gia đình ngày 2/1/1959 (Luật 1/59) dưới chế độ Ngô Đình Diệm; Sắc luật 15/64 ngày 23/7/1964 và Bộ dân luật 1972 của chính quyền Nguỵ Sài Gòn
- Luật Gia đình (2/1/1959) thời Ngô Đình Diệm: Cho phép ly thân mà cấm ly hôn. Tại Điều 55 đã quy định cấm vợ chồng không được ly hôn trừ trường hợp đặc biệt, Tổng thống có thể quyết định. Ly thân khác ly hôn vì ly thân thì quan hệ vợ chồng vẫn còn tồn tại, hai bên vẫn phải thực hiện tất cả nhiệm vụ của vợ chồng trừ nghĩa vụ chung sống với nhau.
Về duyên có ly thân: Theo Điều 55 Luật Gia đình, người vợ cũng như người chồng có thể xin ly thân, khi có một trong 3 duyên cớ sau đây, song duyên cớ ấy phải phạm tới bổn phận của nghĩa vụ vợ chồng đến nỗi sự ở chung với nhau không thể nào tiếp tục được nữa:
1. Phạm gian tại bất cứ nơi nào
2. Ngược đãi hay bạo hành.
3. Điếm nhục thậm từ.
Sắc luật 15/64 và Bộ Dân luật 1972 có quy định chế định ly hôn. Tuy nhiên, giải quyết ly hôn cũng dựa trên những duyên cớ, thực chất là lỗi của vợ chồng.
Về duyên cớ ly hôn cũng là duyên cớ ly thân, Điều 63 Sắc luật 15/64 và Điều 170 Bộ dân luật 1972 cùng qui định các duyên cớ sau:
1. Vì sự ngoại tình của người phối ngẫu.
2. Vì người phối ngẫu bị kết án trọng hình về thường tội.
3. Vì sự ngược đãi, bạo hành hay nhục mạ, có tính cách thậm từ và thường xuyên làm cho vợ chồng không thể sống chung với nhau được nữa.
4. Vì có án văn xác định sự biệt tích của người phối ngẫu đã thất tung.
5. Vì người phối ngẫu bỏ phế gia đình sau khi có án văn nhất định xử phạt người phạm lỗi.
Trong đó, ngoại tình, án trọng hình về thường tội là những duyên cớ quyết nhiên tức là trong trường hợp này Toà án không có quyền thẩm lượng, một khi các chứng cứ về các sự kiện trên có đầy đủ, Toà án bắt buộc phải tuyên phán cho ly hôn. Trường hợp ngược đãi, bạo hành, nhục mạ được gọi là duyên cớ ly hôn nhiệm ý. Trong trường hợp này, Toà án có quyền thẩm định và chỉ tuyên xử cho ly hôn nếu xét rằng các duyên cớ này quan trọng đến nỗi hai vợ chồng không thể tiếp tục sống chung được. [26, tr. 207]
Sau khi quy định ly hôn, Sắc luật 23/7/1964 và Bộ dân luật 20/12/1972 cũng quy định sự ly thân và sự cải hoán ly thân sang ly hôn. Cũng như Bộ dân luật Pháp và bộ DLGY, Sắc luật 15/64 và Bộ dân luật 1972 đã coi sự ly thân như một phương pháp tương đối thuận lợi cho các đương sự và gia đình hơn là ly hôn để giải quyết những mối bất hoà giữa hai vợ chồng. Có khi ly thân sau ít lâu, các đương sự nhận thức rõ những hậu quả trầm trọng của sự chia rẽ mà tái hợp với nhau. Trái lại, nếu sự ly thân kéo dài quá 3 năm, đương sự có thể xin cải hoán thành ly hôn như một bước đường không thể tránh được sau một thời gian thử thách.
- Theo Sắc luật số 15/64 Toà án giải quyết yêu cầu ly hôn của vợ chồng mà không cần phải qua thủ tục ly hôn. Nếu hoà giải bất thành hai lần thì xét
xử cho ly hôn. Nếu một bên vợ chồng yêu cầu thì căn cứ để giải quyết cho ly hôn là dựa trên cơ sở lỗi.
- Đối với trường hợp thuận tình ly hôn Bộ Dân luật (12/1972) của Việt Nam cộng hoà quy định: Vợ chồng có thể thuận tình ly hôn nếu hôn thú đã được lập trên 2 năm và không quá 20 năm (giống quy định trong DLGY 1883). Nếu một bên vợ, chồng yêu cầu thì căn cứ ly hôn là dựa trên cơ sở lỗi. Hậu quả pháp lý của ly hôn là vợ chồng chấm dứt hoàn toàn quan hệ vợ chồng, người vợ chỉ có thể lấy chồng sau 300 ngày kể từ ngày hôn nhân chấm dứt.
Có thể nói, chế độ HN & GĐ ở miền Nam nước ta trước ngày giải phóng là chế độ HN & GĐ phong kiến tư sản với tính chất lạc hậu, như bản chất của nhà nước thực dân phong kiến. Các văn bản pháp luật này chính là công cụ của Nhà nước phản động, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân lao động nên sự sụp đổ của bọn bù nhìn bán nước, xoá bỏ chế độ HN & GĐ tư sản, phong kiến lạc hậu là tất yếu.
1.2.3.2. Giai đoạn 1975 đến nay
Với thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước “Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất, tiến hành Cách mạng XHCN tiến nhanh, mạnh, vững chắc lên CNXH” [1].
Quốc hội khoá VI trong kỳ họp thứ nhất đã đổi tên nước ta thành “Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam”. Nhà nước XHCN thống nhất đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật XHCN thống nhất trên cả hai miền Nam Bắc. Ngày 25/3/1977, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết 76/CP quy định về việc thực hiện pháp luật thống nhất trong cả nước, trong đó có Luật HN & GĐ năm 1959. Như vậy, theo quy định của Hội đồng Chính phủ trong Nghị quyết 76/CP từ ngày 25/3/1977, Luật HN & GĐ năm 1959 được áp dụng trên cả hai miền Nam, Bắc. Việc áp dụng và thực hiện Luật HN & GĐ năm 1959 trong
phạm vi cả nước ngoài nhiệm vụ xoá bỏ chế độ HN & GĐ của chế độ cũ ở miền Nam còn nhằm xây dựng gia đình mới trên đất nước ta.
Trong những chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên CNXH, Luật HN & GĐ năm 1959 vẫn được tiếp tục duy trì và thực hiện thống nhất trong cả nước. Nhưng với sự ra đời của Hiến pháp 1980 cùng với những quy định mới về nguyên tắc xây dựng chế độ HN & GĐ, đòi hỏi Luật HN & GĐ phải có những quy định để cụ thể hoá những nguyên tắc này. Sau hơn 30 năm thực hiện, Luật HN & GĐ năm 1959 đã có một số quy định không còn phù hợp nữa. Điều này đòi hỏi phải có Luật HN & GĐ mới đáp ứng sự biến đổi của xã hội. Ngày 29/12/1986 Luật HN & GĐ mới đã được Quốc hội thông qua gồm 10 chương và 57 điều.
Những nguyên tắc chủ yếu của Luật HN & GĐ 1986 là: Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; hôn nhân 1 vợ 1 chồng; vợ chồng bình đẳng; bảo vệ quyền lợi của cha mẹ và con cái; bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Nhiều quy định của Luật HN & GĐ năm 1959 được nhắc lại như điều kiện hạn chế ly hôn, căn cứ ly hôn… nhưng nhiều vấn đề được quy định cụ thể và chi tiết hơn trước cho phù hợp với sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội. Chẳng hạn, chế độ tài sản của vợ hoặc chồng, vấn đề cấp dưỡng sau ly hôn…
Tại chương VII Luật HN & GĐ năm 1986 quy định về ly hôn (từ Điều 40 đến Điều 45) cũng giống như Luật HN & GĐ năm 1959. Luật HN & GĐ năm 1986 quy định các trường hợp ly hôn, căn cứ ly hôn cơ bản giống Luật HN & GĐ năm 1959. Tuy nhiên, theo Luật HN & GĐ năm 1986, thủ tục hoà giải được đưa ra và coi là thủ tục pháp lý bắt buộc phải có trong việc giải quyết án kiện ly hôn dù hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn hay chỉ có một bên vợ, chồng yêu cầu.
Theo quy định tại Điều 40 của Luật HN & GĐ năm 1986, ly hôn có thể do một bên vợ hoặc chồng yêu cầu hoặc do cả hai bên cùng làm đơn xin ly hôn. Nếu ly hôn do một bên yêu cầu, căn cứ để Toà án cho ly hôn là “tình