Căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 - 2

CHƯƠNG 1‌

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ CĂN CỨ LY HÔN VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP LY HÔN

1.1. Khái niệm căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn

1.1.1. Khái niệm ly hôn

Hôn nhân là sự liên kết giữa vợ và chồng. Sự liên kết đó không chỉ riêng hai vợ chồng mà Nhà nước và xã hội đều mong muốn nó bền chặt. Nhưng nếu sau khi kết hôn giữa vợ chồng có mâu thuẫn trầm trọng, tình cảm yêu thương đã hết, mục đích hôn nhân nhằm tạo lập cho xã hội những gia đình - tế bào của xã hội tốt đẹp đã không thể đạt được thì khi đó việc chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn là giải pháp cuối cùng và tất yếu, là điều có thể công nhận theo trình tự do pháp luật quy định. Sự liên kết giữa hai vợ chồng ở mỗi chế độ hôn nhân khác nhau là khác nhau và điều này cũng tác động đến ly hôn. Ly hôn bị tác động bởi kinh tế - xã hội, văn hoá, đạo đức, tôn giáo đặc biệt là pháp luật bởi pháp luật thể hiện ý chí và nguyện vọng của giai cấp thống trị nói khác đi là của Nhà nước... Tuy nhiên ly hôn là một vấn đề mang tính xã hội nên khi điều chỉnh chúng ngoài những yếu tố kể trên, pháp luật muốn điều chỉnh được còn phải xem xét những yếu tố thuộc về tâm sinh lý con người. Điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá, đạo đức, tôn giáo ảnh hưởng đến pháp luật và cũng ảnh hưởng đến tâm sinh lý con người. Như vậy, có thể nói khi quy định ly hôn và những căn cứ cho ly hôn mà nhà làm luật lựa chọn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế xã hội, văn hoá, đạo đức và chịu ảnh hưởng của yếu tố tâm sinh lý con người.

Dưới chế độ phong kiến, pháp luật và tục lệ có nhiều quy phạm mang tính luân lý, Nho giáo đặc biệt là quy phạm về HN & GĐ. Theo đó, người phụ nữ phải sống theo thuyết tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử). Cuộc đời người phụ nữ gắn với công việc gia đình, với chồng con trên cơ sở địa vị thấp hèn và nhẫn nhục, bị chi phối bởi nguyên tắc “phu

xướng, phụ tuỳ”, người chồng là chúa tể trong gia đình, người vợ chỉ là công cụ biết nói thuộc sở hữu của người chồng. Do lễ giáo phong kiến không có sự bình đẳng giữa nam và nữ nên nhiều phụ nữ mặc dù không còn tình cảm với chồng và cuộc sống chung chỉ mang lại đau khổ cho họ mà họ vẫn không được phép ly hôn.

Đến thời kỳ tư bản chủ nghĩa và thời kỳ đầu sau Cách mạng tư sản, do tác động của tư tưởng Cách mạng tư sản là tự do và bình đẳng nên pháp luật nói chung và các quy định pháp luật trong lĩnh vực ly hôn nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Các nhà luật gia tư sản cho rằng tự do ly hôn phải được thừa nhận như một quyền pháp định. Trong thời kỳ này những quan hệ về HN & GĐ cũng có sự phát triển đáng kể với những quy định như tự do yêu đương, hôn nhân một vợ một chồng, tự do ly hôn… Tuy nhiên, nhìn vào bản chất vấn đề, những quy định trên vẫn không thoát khỏi hệ tư tưởng của giai cấp tư sản do bị ràng buộc bởi những quy định ngăn cấm của nhà làm luật. Vì vậy, những quy định này dù rất tiến bộ nhưng rất khó thực hiện trên thực tế và chỉ mang tính hình thức. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua quy định về căn cứ ly hôn: việc ly hôn thường căn cứ vào lỗi của một bên đương sự. Lỗi là yếu tố quyết định cuộc hôn nhân đó có thể tồn tại được hay không và ai là người có quyền xin ly hôn. Như vậy, không cần quan tâm tới tình trạng cuộc hôn nhân, cuộc sống của một gia đình trong một thời gian dài đã diễn ra như thế nào, chỉ cần một bên có lỗi, cuộc hôn nhân đó có căn cứ chấm dứt. Như vậy, ly hôn đã không phản ánh đúng bản chất của nó. Nhưng xã hội tư sản luôn phát triển và pháp luật tư sản cũng có những thay đổi để thích ứng với sự phát triển đó. Trong những thập kỷ gần đây, pháp luật tư sản đã tập trung điều chỉnh hài hoà lợi ích của cá nhân và gia đình, điều này thể hiện ở việc quy định căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn. Ở một số nước phát triển hiện nay người ta quy định ly hôn dựa vào ý chí của các bên trong quan hệ chứ không hẳn phải do lỗi của một trong hai người cũng như không quan

tâm đến thực trạng của cuộc hôn nhân đó như thế nào, có còn hay đã chết. Điều này cũng dễ lý giải khi mà đời sống kinh tế xã hội phát triển đến một mức độ nhất định dẫn đến sự thay đổi và nảy sinh những quan niệm mới về HN & GĐ. Ngày nay người ta đề cao cái tôi cá nhân, thì những gì thuộc về cá nhân phải được ưu tiên hàng đầu. Người ta chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà không để ý đến dư luận xã hội. Ly hôn cũng vậy, người ta có thể kết hôn khi nào cảm thấy cần thiết và ly hôn khi muốn. Sự điều chỉnh pháp luật ở đây chỉ là thủ tục và những ràng buộc pháp lý khác liên quan đến hậu quả của ly hôn. Ngày nay, ở các nước phương Tây tỷ lệ ly hôn rất cao và càng ngày càng tăng nhanh. Hầu như trung bình cứ hai đôi kết hôn thì một đôi đưa nhau ra toà ly hôn… Nếu như ly hôn dựa vào lỗi là giai đoạn đầu, ly hôn dựa vào thực trạng của cuộc hôn nhân là bước tiếp theo thì ly hôn dựa vào ý chí tự nguyện của các bên trong quan hệ vợ chồng được coi là bước phát triển cao nhất, dường như đó là một xu hướng phát triển tất yếu khi giá trị của gia đình không còn quan trọng trong điều kiện phát triển kinh tế hiện đại với sự ra đời và hoạt động nghề nghiệp mang tính chuyên môn hoá cao và sự đóng góp của nhiều thiết chế xã hội hỗ trợ gia đình như giáo dục, y tế, dịch vụ nội trợ, dịch vụ giải trí… đã thay thế dần những chức năng mà trước đây chỉ gia đình mới đảm nhiệm được và pháp luật phải điều chỉnh phù hợp với xu hướng đó. Điều này sẽ được làm rõ hơn ở phần khái quát một số nét về căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn của pháp luật một số nước trên thế giới trình bày ở phần sau.

Trong chế độ xã hội, khi pháp luật là ý chí của số đông trong xã hội, quy định về ly hôn đã phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Nếu như hôn nhân là sự kết tinh của tình yêu và sự đồng thuận của hai bên nam nữ thì ly hôn là một lối thoát khi cuộc hôn nhân mà họ đã chọn là thực sự sai lầm. Cũng do tác động của những yếu tố kể trên, quan niệm về ly hôn trong xã hội XHCN dựa vào thực trạng của hôn nhân. Đó là tính không thể tồn tại, tự hôn nhân đã đổ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.

vỡ rồi, pháp luật không hàn gắn lại mà chỉ công nhận sự đổ vỡ đó. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin, hôn nhân trong đó có ly hôn là hiện tượng xã hội mang tính giai cấp sâu sắc. Thông thường thì hôn nhân là sự liên kết suốt đời giữa vợ và chồng, bởi vì nó được xây dựng trên cơ sở tình yêu chân chính của hai bên nam và nữ nhằm gắn bó và thoả mãn những tình cảm trong đời sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Tuy nhiên, tính chất suốt đời của hôn nhân vẫn có những trường hợp ngoại lệ, tức là sau khi kết hôn, trong thời gian chung sống giữa vợ và chồng phát sinh những mâu thuẫn trầm trọng, mục đích của hôn nhân không đạt được và cả hai hoặc một trong hai bên vợ chồng không thể tiếp tục sống chung được thì pháp luật quy định cho phép chấm dứt quan hệ vợ chồng bằng việc ly hôn. Khoa học pháp lý coi ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng khi hai người còn sống. Còn pháp luật quy định, muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân khi vợ chồng còn sống phải được TAND cho ly hôn bằng bản án hoặc bằng quyết định công nhận sự thuận tình ly hôn.

Theo Điều 8 khoản 8 Luật HN & GĐ năm 2000 thì: “Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Toà án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc của cả hai vợ chồng”. Ly hôn là sự chấm dứt hôn nhân khi cả hai vợ chồng còn sống do ý chí đơn phương của một bên hoặc do sự thoả thuận của hai bên trước pháp luật. Như vậy, chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn là kết quả của ý chí vợ và chồng, ngoài ra không một người nào khác có thể yêu cầu ly hôn được, vì quyền ly hôn là quyền nhân thân đã được quy định trong BLDS (Điều 42 BLDS 2005). Bên cạnh đó, Nhà nước ta kiểm soát việc ly hôn bằng chế định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi cho mỗi người, cho xã hội và bảo đảm các nguyên tắc của hôn nhân XHCN. Theo quy định hiện hành của Nhà nước ta chỉ có TAND mới có quyền cho ly hôn vì ly hôn là một hiện tượng xã hội phức tạp, nó đụng chạm đến tình cảm vợ chồng, đến lợi ích gia đình và xã hội.

Căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 - 2

Ly hôn là một mặt của hôn nhân. Nếu kết hôn là hiện tượng bình thường nhằm xác lập quan hệ vợ chồng, thì ly hôn là quan hệ bất bình thường, là mặt trái của quan hệ hôn nhân nhưng không thể thiếu được khi quan hệ hôn nhân đã thực sự tan vỡ, trong trường hợp đó thì ly hôn là giải pháp cần thiết cho cả hai vợ chồng.

Từ sự phân tích trên, có thể đưa ra khái niệm ly hôn như sau: “Ly hôn là việc TAND quyết định hoặc công nhận khi có yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng dựa trên những căn cứ do pháp luật quy định nhằm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa vợ, chồng”.

1.1.2. Khái niệm căn cứ ly hôn

Quan điểm của nhà nước ta là cho phép vợ chồng có quyền được tự do ly hôn, nhưng như vậy không có nghĩa là giải quyết ly hôn tuỳ tiện theo nguyện vọng của vợ chồng. Giải quyết ly hôn một mặt phải bảo đảm lợi ích của vợ chồng mặt khác là lợi ích của con cái, của các thành viên khác trong gia đình và lợi ích xã hội, do đó Nhà nước phải kiểm soát việc ly hôn bằng cách xác định những điều kiện cần và đủ để cho phép chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật.

Nghiên cứu Luật HN & GĐ và Luật dân sự của một số nước trên thế giới cũng như trong khu vực về vấn đề ly hôn và căn cứ để cho ly hôn, thì thấy mỗi quốc gia có quan điểm về vấn đề ly hôn có khác nhau, do vậy cũng có những quy định khác nhau về căn cứ ly hôn.

Pháp luật của nhiều nước quy định giải quyết ly hôn là dựa vào lỗi của vợ chồng. Nhà nước tư sản coi hôn nhân như hợp đồng dân sự nên việc chấm dứt hôn nhân cũng như chất dứt hợp đồng là dựa vào lỗi của các bên… Giải quyết vấn đề ly hôn ở các nước này là dựa vào hình thức của quan hệ hôn nhân, do vậy việc xét xử của Toà án là việc làm hết sức rập khuân, máy móc.

Nhà nước XHCN có quan điểm giải quyết ly hôn là dựa vào thực chất của quan hệ vợ chồng, trên cơ sở đánh giá một cách khách quan mà hoàn toàn

không do ý chí chủ quan của cán bộ Toà án hay của các đương sự và do đó, giải quyết không dựa vào lỗi của vợ chồng. Trên quan điểm giải quyết “ly hôn chỉ là việc xác nhận một sự kiện: cuộc hôn nhân này là cuộc hôn nhân đã “chết”, sự tồn tại của nó chỉ là bề ngoài và lừa dối. Đương nhiên, không phải sự tuỳ tiện của nhà lập pháp, cũng không phải sự tuỳ tiện của những cá nhân, mà chỉ bản chất của sự kiện mới quyết định được là cuộc hôn nhân đã chết hoặc chưa chết, bởi vì, như mọi người đều biết, việc xác nhận sự kiện chết tuỳ thuộc vào thực chất của vấn đề, chứ không phải vào nguyện vọng của các bên hữu quan… Nhà lập pháp chỉ có thể xác định những điều kiện đó hôn nhân được phép tan vỡ, nghĩa là trong đó, về thực chất, hôn nhân tự nó đã bị phá vỡ rồi. Việc Toà án cho phép xoá bỏ hôn nhân chỉ có thể là việc ghi biên bản sự tan rã bên trong của nó” [17, tr. 234, 235]

Từ quan điểm trên cho thấy, Nhà nước XHCN Việt Nam quy định căn cứ ly hôn mang tính khoa học, phản ánh thực chất mối quan hệ vợ chồng đã bị phá vỡ và việc Toà án giải quyết cho họ được ly hôn chính là công nhận một thực tế đã và đang tồn tại trong mối quan hệ vợ chồng là không thể cải thiện được. Với những căn cứ ly hôn như vậy sẽ đảm bảo khi Toà án cho phép vợ chồng ly hôn là hoàn toàn phù hợp với thực tế mâu thuẫn thực trong đời sống vợ chồng. Cho phép vợ chồng ly hôn trong những trường hợp này là giải phóng cho cả vợ và chồng và cho cả xã hội. Có căn cứ đúng cũng chứng tỏ rằng giải quyết ly hôn đúng với thực chất mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng, đấy chính là việc bảo vệ quyền lợi cho họ.

Luật HN & GĐ năm 2000 quy định căn cứ ly hôn như sau: “Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn.

Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Toà án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án quyết định cho ly hôn”( Điều 89)

Như vậy, căn cứ ly hôn được quy định trong Luật HN & GĐ năm 2000 mang tính kế thừa và phát triển của Luật HN & GĐ năm 1986. Xét về tổng thể, các căn cứ cho ly hôn do các Luật HN & GĐ của nước ta quy định qua các thời kì khác nhau vẫn bảo đảm bản chất thống nhất là tình trạng trầm trọng của mâu thuẫn vợ chồng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Với các phân tích trên cơ sở các quy định của pháp luật nước ta, có thể hiểu: “Căn cứ ly hôn là những yếu tố để xác định đúng tình trạng tan vỡ thực sự về tình cảm, đời sống vợ chồng, mục đích của hôn nhân từ đó Toà án cho phép vợ chồng ly hôn”.

1.1.3. Khái niệm các trường hợp ly hôn

Pháp luật cho phép và dự liệu các trường hợp mà vợ chồng có thể lựa chọn để yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết cuộc hôn nhân của mình bằng giải pháp cuối cùng là ly hôn. Các trường hợp ly hôn khác với các căn cứ ly hôn. Căn cứ ly hôn là những điều kiện mà pháp luật quy định để xác định tình trạng của cuộc hôn nhân còn tồn tại hay không tồn tại và dựa vào các điều kiện đó để Toà án cho phép vợ chồng ly hôn hay hoà giải mong họ đoàn tụ. Còn các trường hợp ly hôn là cách thức mà các bên có thể lựa chọn theo quy định của pháp luật để yêu cầu giải quyết việc ly hôn của mình.

Do trình độ và kỹ thuật lập pháp, pháp luật thời kỳ nhà nước phong kiến coi các căn cứ ly hôn cũng là những trường hợp ly hôn. Những trường hợp ly hôn ở đây là những sự việc, duyên cớ cụ thể mà dựa vào đó đương sự có thể yêu cầu ly hôn. Có những duyên cớ mà đương sự phải bắt buộc ly dị (ly hôn bắt buộc), có những duyên cớ mà hai vợ chồng có thể thuận tình ly hôn và có những duyên cớ mà việc ly hôn chỉ áp dụng đối với người chồng mà không có quyền yêu cầu của người vợ (rẫy vợ). Những trường hợp ly hôn ở đây mang tính áp đặt chứ không phải là cách thức lựa chọn của đương sự, vì nó xuất phát từ tư tưởng Nho giáo trọng nam khinh nữ, bảo vệ quyền gia trưởng. Suy

cho cùng phân biệt các trường hợp ly hôn ở đây cũng là để minh chứng rõ hơn ý đồ của nhà làm luật khi bảo vệ lễ giáo phong kiến.

Pháp luật một số nước trên thế giới cũng quy định lồng ghép các trường hợp ly hôn trong các căn cứ ly hôn. Với căn cứ ly hôn nào thì được phép thuận tình ly hôn, với căn cứ ly hôn nào thì một trong hai bên có thể kiện đòi ly hôn, bởi pháp luật nhiều nước quy định ly hôn có thể dựa vào lỗi của các bên, nếu một bên có lỗi thì bên kia có thể viện dẫn để kiện đòi ly hôn.

Pháp luật HN & GĐ nước ta theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin, quy định tự do ly hôn, nhưng chỉ cho ly hôn khi cuộc hôn nhân đó đã “chết” và phải loại bỏ. Để Toà án giải quyết các vụ ly hôn thì phải có yêu cầu của các bên và cách thức mà các bên yêu cầu Toà án chính là các trường hợp ly hôn. Luật HN & GĐ năm 2000 quy định có hai trường hợp ly hôn là thuận tình ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên. Ở đây không có sự áp đặt của nhà làm luật mà là do cách thức lựa chọn của đương sự được pháp luật cho phép. Và dù thuận tình ly hôn hay ly hôn do yêu cầu của một bên thì khi xem xét Toà án vẫn phải xuất phát từ các căn cứ ly hôn theo luật định để có cơ sở đánh giá về cuộc hôn nhân đó có còn tồn tại hay không tồn tại.

Thuận tình ly hôn là việc cả hai vợ chồng cùng yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn.

Ly hôn theo yêu cầu của một bên là việc vợ hoặc chồng yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn

Tuy pháp luật quy định các trường hợp ly hôn nhưng thuận tình ly hôn hay ly hôn theo yêu cầu của một bên thì vẫn đều phải do yêu cầu của một trong hai bên vợ chồng hoặc của cả hai vợ chồng chứ không thể là yêu cầu của một bên thứ ba nào khác, xuất phát từ quyền ly hôn là một quyền nhân thân gắn với bản thân vợ chồng không thể chuyển giao cho người khác được.

Xem tất cả 100 trang.

Ngày đăng: 24/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí