vợ chồng đã thỏa thuận được về sự cần thiết chia tài sản chung, vấn đề cần giải quyết chỉ là chia như thế nào. Khi đó, vợ chồng có quyền gửi đơn đến Tòa án yêu cầu chia hay không?
Hiện nay, việc hiểu thuật ngữ không thỏa thuận được theo một hoặc cả hai hướng trên vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.
Đồng thời, nguyên tắc chia tài sản chung khi Tòa án giải quyết vụ việc theo yêu cầu của vợ chồng cũng không được Luật HN&GĐ năm 2000 quy định. Thông thường, những vấn đề còn thiếu sót, chưa cụ thể hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau trong các văn bản luật sẽ được bổ khuyết, hướng dẫn… trong các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư, Nghị quyết… Tuy nhiên, với nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân tại Tòa án thì cả Luật HN&GĐ năm 2000 và các văn bản hướng dẫn đều "bỏ sót". Vậy, khi có yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng, Tòa án sẽ giải quyết ra sao; dựa trên cơ sở nào để xác định những tài sản chung cần chia khi vợ chồng không thỏa thuận được những tài sản đem chia và chia những tài sản đó như thế nào? Luật viết hiện hành không có câu trả lời cho các câu hỏi trên.
1.2.1.3. Hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Hậu quả về mặt nhân thân
Mục tiêu của chế định chia tài sản chung vợ chồng không nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa vợ và chồng mà chỉ là giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho vợ, chồng, tạo điều kiện cho vợ, chồng đầu tư, kinh doanh riêng hoặc nhằm bảo vệ lợi ích chung của gia đình. Vì vậy, sau khi chia tài sản chung, về mặt pháp lý, quan hệ nhân thân của vợ chồng không có gì thay đổi. Vợ, chồng vẫn có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ về nhân thân đối với nhau và đối với con cái, gia đình như nghĩa vụ chung thủy, thương yêu, chăm sóc nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm…
Hậu quả về mặt tài sản
Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ tạo ra những xáo trộn nhất định về tài sản của vợ chồng. Tài sản chung của vợ chồng sẽ giảm sút, thậm chí tạm thời không còn ngay sau khi chia (khi chưa được bổ sung). Trong khi đó, khối tài sản riêng của vợ, chồng sẽ tăng lên tương ứng với số tài sản chung bị giảm đi. Tài sản chung của vợ chồng đã chia trở thành tài sản riêng của vợ, chồng. Trường hợp vợ chồng chỉ chia một phần tài sản chung thì phần tài sản chung còn lại và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng, chịu sự điều chỉnh bởi chế độ pháp lý dành cho hình thức sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng. Tuy nhiên,"thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác" [4, Khoản 2 Điều 8]. Như vậy, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh… trước đây là nguồn đóng góp chủ yếu vào khối tài sản chung của vợ chồng thì sau khi chia tài sản chung, nó không còn là nguồn bổ sung cho khối tài sản này nữa, mọi thu nhập của vợ, chồng đều trở thành tài sản riêng của vợ, chồng. Trong khi đó, quan hệ hôn nhân vẫn tồn tại, vợ chồng vẫn có đầy đủ quyền, nghĩa vụ với nhau và với con cái. Do đó, các nhu cầu thiết yếu của gia đình vẫn cần có nguồn tài sản đảm bảo. Trên lý thuyết, nguồn đảm bảo này có thể từ khối tài sản chung còn lại chưa chia và những tài sản tiếp tục được bổ sung vào tài sản chung bằng các nguồn khác nhau hoặc là từ tài sản riêng của vợ, chồng thông qua trách nhiệm đóng góp của mỗi bên. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành thì cả hai phương án trên đều không khả thi vì pháp luật đã quy định nguồn bổ sung chính vào khối tài sản chung của vợ chồng là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh…của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng. Đồng thời nhà làm luật lại không quy định trách nhiệm đóng góp của vợ chồng vào việc đảm bảo đời sống chung của gia đình.
Vấn đề khôi phục chế độ tài sản chung không được Luật HN&GĐ năm 2000 dự liệu nhưng Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định khá cụ thể về hình thức, thời điểm có hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung.
Theo đó, "trong trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung và sau đó muốn khôi phục chế độ tài sản chung, thì vợ chồng phải thỏa thuận bằng văn bản có ghi rõ các nội dung sau đây…" [4, Khoản 1 Điều 9]. Thời điểm có hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung được xác định theo nhiều trường hợp khác nhau. Trường hợp văn bản thỏa thuận khôi phục chế độ tài sản chung không xác định rõ thời điểm có hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung thì hiệu lực được tính từ ngày, tháng, năm lập văn bản; trường hợp văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trước đó đã được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng thì văn bản thỏa thuận khôi phục chế độ tài sản chung cũng phải được công chứng và thời điểm có hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung là ngày được xác định trong văn bản hoặc ngày văn bản thỏa thuận được công chứng nếu ngày có hiệu lực của thỏa thuận không xác định trong văn bản; trường hợp văn bản chia được công chứng theo quy định của pháp luật thì văn bản thỏa thuận chia cũng phải được chứng thực và có hiệu lực kể từ ngày được công chứng (Điều 10 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP).
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm Tài Sản Chung Của Vợ Chồng
- Cơ Sở Lý Luận Và Thực Tiễn Của Chế Định Pháp Luật Về Chia Tài Sản Chung Của Vợ Chồng
- Chia Tài Sản Chung Của Vợ Chồng Trong Pháp Luật Việt Nam Từ 1945 Đến Nay
- Thực Tiễn Áp Dụng Các Quy Định Chia Tài Sản Chung Của Vợ Chồng Trong Thời Kỳ Hôn Nhân
- Thực Tiễn Áp Dụng Các Quy Định Về Nguyên Tắc Chia Tài Sản Chung Vợ Chồng Trong Thời Kỳ Hôn Nhân
- Thực Tiễn Áp Dụng Các Quy Định Chia Tài Sản Chung Của Vợ Chồng Khi Ly Hôn
Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.
1.2.2. Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn
1.2.2.1. Điều kiện chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn
Khi kết hôn, vợ chồng đều mong muốn có cuộc sống hôn nhân bền vững, hạnh phúc. Tuy nhiên, khi "tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được" thì ly hôn lại là giải pháp giải phóng cho cả hai vợ chồng. Khi quan hệ hôn nhân chấm dứt, cơ sở hình thành, phát triển của khối tài sản chung của vợ chồng cũng chấm dứt theo vì nguồn hình thành khối tài sản chung của vợ chồng gắn liền với quan hệ vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Đồng thời, chế độ tài sản chung hợp nhất của vợ chồng chỉ có thể xuất hiện và tồn tại khi có quan hệ hôn nhân hợp pháp. Bởi vậy, khi ly hôn, chia tài sản chung của vợ chồng được đặt ra như một tất yếu. Như vậy, nếu như kết hôn đánh dấu sự khởi đầu của chế độ tài sản chung của vợ chồng thì ly hôn sẽ là sự kiện làm chấm dứt chế độ tài sản ấy.
1.2.2.2. Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn
Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là hết sức phức tạp và khó khăn. Nếu như vợ chồng thuận tình ly hôn, hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung thì việc chia tài sản chung sẽ phụ thuộc vào ý chí của hai bên và thường được tiến hành đơn giản, nhanh chóng. Tuy nhiên, thông thường, ly hôn là khi tình nghĩa vợ chồng không còn nên rất khó có thể tìm được sự đồng thuận của vợ chồng trong phân chia tài sản. Lúc này, Tòa án phải đảm nhận "trách nhiệm" phân chia tài sản chung của vợ chồng. Việc phân chia tài sản chung của vợ chồng ở Tòa án phải hết sức cẩn trọng, hợp tình, hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả hai vợ chồng. Theo quy định tại Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2000, khi ly hôn tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi. Tuy nhiên, để đảm bảo thanh toán tài sản chung được công bằng, hợp lý Tòa án cần xem xét công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung. Việc cân nhắc vợ, chồng có đóng góp tích cực (làm gia tăng, phát triển) hay đóng góp tiêu cực (phá tán, làm giảm sút) vào khối tài sản chung của vợ chồng là quan trọng, cần thiết nhưng việc tính toán đóng góp nhiều ít trong quan hệ vợ chồng là hết sức khó khăn và chỉ mang tính chất tương đối.
Bên cạnh đó, chia tài sản chung khi ly hôn cũng cần xét đến hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên… lợi ích của vợ, chồng trong sản xuất, kinh doanh, hoạt động nghề nghiệp… để quyết định chia tài sản chung bằng hiện vật hay giá trị, hoặc chia loại tài sản nào cho phù hợp. Thông thường, vợ hoặc người trực tiếp nuôi con chưa thành niên sẽ được ưu tiên những tài sản giúp họ dễ dàng ổn định cuộc sống; bên sản xuất kinh doanh được ưu tiên những tài sản gắn liền với hoạt động kinh doanh, nghề nghiệp… Tuy nhiên, "bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch" [34, Điểm d Khoản 2 Điều 95].
Thông thường, quyền sử dụng đất và nhà ở là những tài sản có giá trị nhất trong số các tài sản chung của vợ chồng. Giá trị tài sản lớn khiến cho các tranh chấp chia tài sản chung là quyền sử dụng đất và nhà ở có nhiều phức
tạp. Do vậy, luật quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, cách thức phân chia đối với hai loại tài sản này. Nhìn chung, khi chia quyền sử dụng đất vẫn phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản tại Điều 95 (phân tích ở trên) nhưng đồng thời phải kết hợp với các nguyên tắc đặc thù khác để phù hợp với các quy định pháp luật đất đai. Đặc biệt là chia quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, bên cạnh các nguyên tắc chung thì cần phải xem xét năng lực khai thác của mỗi bên nhằm tránh lãng phí tài nguyên. Đối với chia nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng, luật ghi nhận việc phân chia được thực hiện trên nguyên tắc bằng hiện vật - nếu nhà ở có thể chia để sử dụng thì tiến hành chia theo các nguyên tắc quy định tại Điều 95. Nếu không thể thực hiện chia nhà ở để hai bên cùng sử dụng thì bên được tiếp tục sử dụng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng.
1.2.2.3. Hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn
Ly hôn làm chấm dứt hoàn toàn quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng. Sau khi ly hôn, vợ, chồng có quyền kết hôn với người khác để bắt đầu xác lập quan hệ hôn nhân mới. Về tài sản, chế độ tài sản chung của vợ chồng cũng hoàn toàn chấm dứt. Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn sẽ dẫn tới những thay đổi về chủ sở hữu tài sản, từ đó làm thay đổi chế độ quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản. Những tài sản trước kia là tài sản chung của vợ chồng, việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chịu sự điều chỉnh của chế độ tài sản chung hợp nhất và điều chỉnh trực tiếp là các quy định tại các Điều 25, 27, 28... Luật HN&GĐ năm 2000. Sau khi chia tài sản chung cho vợ, chồng, tài sản được chia sẻ trở thành tài sản riêng của mỗi người và chịu sự điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về sở hữu riêng.
1.2.3. Chia tài sản chung của vợ chồng khi vợ hoặc chồng chết
Khi vợ hoặc chồng chết, quan hệ hôn nhân chấm dứt đồng thời các quan hệ tài sản giữa vợ chồng cũng chấm dứt theo. Cũng thuộc trường hợp này nếu vợ, chồng bị tòa án tuyên bố là đã chết:
Khi quyết định của tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ hôn nhân gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết. Quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết;... [38, Điều 82].
Việc Luật HN&GĐ quy định trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng khi vợ hoặc chồng chết phù hợp quy định về thời điểm mở thừa kế tại Điều 633 BLDS năm 2005 và đảm bảo các quyền về thừa kế của cá nhân đã được pháp luật dân sự công nhận như quyền để lại thừa kế, quyền hưởng di sản thừa kế... (Điều 631 BLDS năm 2005). Mặt khác, nếu quy định tài sản chung của vợ chồng chỉ được chia khi người sau cùng chết thì khi vợ hoặc chồng chết, bên còn sống sẽ chỉ có quyền quản lý tài sản mà không có quyền định đoạt tài sản đó. Tài sản mà chồng hoặc vợ còn sống không có quyền định đoạt bao gồm tài sản chung của vợ chồng và tài sản riêng của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng vì khi tài sản chung chưa chia nó vẫn thuộc sở hữu chung hợp nhất; chịu sự điều chỉnh của quy chế sử dụng tài sản chung hợp nhất và người còn sống chưa thể "bóc tách" được phần tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của mình trong khối tài sản đó. Như vậy, quy định chia tài sản chung của vợ chồng khi vợ hoặc chồng chết sẽ tạo điều kiện cho bên chồng, vợ còn sống có thể chủ động sử dụng, định đoạt phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản của chủ sở hữu.
1.2.3.1. Điều kiện chia tài sản chung của vợ chồng khi vợ hoặc chồng chết
Khi vợ hoặc chồng chết, trước tiên, tài sản chung sẽ do bên còn sống hoặc nguời khác được cử làm người quản lý di sản quản lý. Nhưng do trong khối tài sản chung đó có phần của người đã chết và phần này có thể được chia theo quy định của pháp luật thừa kế theo yêu cầu của người được thừa kế của người chết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp quyền yêu cầu chia di sản
thừa kế bị hạn chế để đảm bảo quyền lợi của chồng, vợ còn sống và gia đình. Đây là trường hợp tài sản chung của vợ chồng là nhà ở duy nhất, quyền sử dụng đất duy nhất, tư liệu sản xuất duy nhất… của hai vợ chồng hoặc gia đình, và nếu đem chia di sản "thì bên còn sống và gia đình không thể duy trì cuộc sống bình thường do không có chỗ ở, mất tư liệu sản xuất duy nhất để tạo thu nhập" [4, Khoản 1 Điều 12]. Vì vậy, những người thừa kế sẽ chỉ có quyền yêu cầu xác định phần quyền mà mình được hưởng trong khối di sản chung chứ chưa có quyền yêu cầu chia di sản. Thời hạn chưa cho chia di sản thừa kế là ba năm. Hết thời hạn kể trên hoặc chưa hết nhưng chồng, vợ còn sống kết hôn với người khác, Tòa án sẽ thụ lý yêu cầu chia di sản của những người thừa kế. Ngoài ra, tài sản chung của vợ chồng cũng có thể được chia theo yêu cầu của bên còn sống khi người này không thể hoặc không muốn duy trì khối tài sản chung của vợ chồng sau khi vợ hoặc chồng chết. Đây là trường hợp người chồng hoặc vợ còn sống chủ động đề nghị được chia tài chung để chấm dứt chế độ sở hữu chung của vợ chồng.
1.2.3.2. Nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng khi vợ hoặc chồng chết
Khi chồng, vợ còn sống hoặc những người thừa kế khác yêu cầu chia di sản thừa kế và việc chia di sản không bị "tạm hoãn", tất yếu Tòa án phải tiến hành phân chia tài sản chung của vợ chồng để xác định di sản của vợ, chồng đã chết, từ đó mới có thể chia di sản cho những người thừa kế. Tuy nhiên, Luật HN&GĐ năm 2000 và các văn bản hướng dẫn không quy định về nguyên tắc chia tài sản chung trong trường hợp vợ hoặc chồng chết. Vì vậy, tác giả Nguyễn Ngọc Điện đã nhận định về chia tài sản chung trong trường hợp này như sau: "Khối tài sản chung của vợ chồng sẽ được thanh toán và phân chia như thế nào? Luật viết hiện hành không có câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi này" [12, tr. 193]. Như vậy, giống như chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân tại Tòa án, Luật HN&GĐ năm 2000 một lần nữa lại “bỏ qua” nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi vợ, chồng chết. BLDS năm 2005 cũng không có quy định về vấn đề này. Như vậy, các văn bản pháp luật hiện hành
đều không quy định nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi vợ hoặc chồng chết.
1.2.3.3. Hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung vợ chồng khi vợ hoặc chồng chết
Sau khi chia tài sản chung, phần tài sản mà người chồng, vợ còn sống được chia hoàn toàn thuộc quyền sử dụng, định đoạt của người đó. Phần tài sản của người đã chết trở thành di sản của người đó và được chia theo quy định của pháp luật thừa kế.
Khác với cái chết sinh học, cái chết pháp lý được được coi là cái chết suy đoán. Suy đoán chết là khi không có căn cứ để khẳng định người nào đó là còn sống như "biệt tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống…" [38, Điều 81]. Vì thế quyết định tuyên bố một người là đã chết có thể bị hủy khi người đó trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống. Vậy các quan hệ nhân thân, đặc biệt là quan hệ tài sản của vợ chồng sau khi đã chia tài sản chung thì được giải quyết thế nào? BLDS năm 2005 đã dự liệu tình huống này tại Điều 83 và Luật HN&GĐ năm 2000 cũng đã quy định:
Khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố một người là đã chết theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật dân sự mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân đương nhiên được khôi phục; trong trường hợp vợ hoặc chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau có hiệu lực pháp luật [34, Điều 26].
(Điều 93 BLDS năm 1995 tương ứng với Điều 83 BLDS năm 2005).
Theo đó, quan hệ hôn nhân của người bị tuyên bố là đã chết trở về có được khôi phục hay không tùy thuộc vào việc người chồng, vợ còn sống đã xác lập quan hệ hôn nhân mới hay chưa. Nếu người này chưa kết hôn với người khác thì quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa hai vợ chồng đương