Căn Cứ Ly Hôn Và Các Trường Hợp Ly Hôn Qua Các Giai Đoạn Phát Triển

Từ những phân tích trên có thể hiểu: “Các trường hợp ly hôn là cách thức mà vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng lựa chọn được pháp luật cho phép để yêu cầu giải quyết việc ly hôn”.‌

1.2. Căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn qua các giai đoạn phát triển

1.2.1. Thời kỳ nhà nước phong kiến

Từ thế kỷ XV, dưới ảnh hưởng của Nho giáo thì đạo tề gia là cơ sở của đạo trị quốc. Các mối quan hệ cha con, vợ chồng, anh em là ba trong số các mối quan hệ cơ bản của xã hội. Với sự ra đời của Bộ luật Hồng Đức và sau này là Luật Gia Long, pháp luật HN & GĐ đã bắt đầu đề cập về ly hôn một cách khá rõ nét.

Người Việt Nam, về đạo lý luôn luôn mong muốn cuộc hôn nhân lâu dài, bền vững. Tuy nhiên, pháp luật phong kiến cũng thừa nhận việc chấm dứt hôn nhân do những nguyên nhân khác nhau.

Trong cổ luật Việt nam, các căn cứ ly hôn thường được biết tới dưới tên gọi “duyên cớ ly hôn” hay “các trường hợp ly hôn”.

Các duyên cớ ly hôn thời kỳ này thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Nho giáo, nghĩa là chúng được qui định dựa trên sự bất bình đẳng giữa vợ chồng và nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi gia đình, gia tộc hơn là quyền lợi cá nhân nên chúng được chia làm ba loại: rẫy vợ, ly hôn bắt buộc và ly hôn thuận tình.

* Rẫy vợ:

Rẫy vợ là việc người chồng được đơn phương bỏ vợ ngoài tầm kiểm soát của tất cả các thiết chế xã hội. Điều 310 Bộ luật Hồng Đức qui định, nếu người vợ phạm phải một trong các điều “thất xuất” thì chồng phải bỏ vợ, không bỏ sẽ bị tội biếm. Tuy Bộ luật Hồng Đức không thống kê rõ các trường hợp nào được coi là “thất xuất”, nhưng Hồng Đức thiện chính thư (Đoạn 161) và Bộ luật Gia Long (Điều 108) đã nêu rõ, đó là bảy trường hợp sau: không có con, dâm đãng, không thờ bố mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông và bị ác tật.

Trong quan niệm của xã hội Việt Nam truyền thống, việc hôn nhân không đơn thuần là việc hai cá nhân tạo lập một gia đình mà hơn thế, nó là việc của hai bên gia tộc. Đối với cộng đồng gia tộc, mục đích của hôn nhân là để duy trì dòng dõi và thờ phụng tổ tiên. Trong hoàn cảnh ấy, việc không có con được coi là bất hiếu với cha mẹ, gây thiệt hại cho lợi ích gia tộc và vì cớ ấy, người chồng được phép đơn phương rẫy bỏ vợ mình. Cũng trong lợi ích (về mặt tinh thần) của cộng đồng gia tộc mà việc người vợ ghen tuông hay dâm đãng, nếu người chồng không bỏ thì bại hoại gia đạo; người vợ phạm tội trộm cắp mà không bỏ thì vạ lây đến chồng; vì lý do người vợ bị ác tật, khi có việc tế tự sẽ không làm được xôi hay cỗ, ảnh hưởng tới lợi ích gia đình, người chồng cũng phải bỏ. Có thể nói, với bảy lý do mà người chồng được đơn phương rẫy vợ các luật gia phong kiến đã hy sinh lợi ích của các cá nhân để đặt lên trên lợi ích gia đình. Năm trong số bảy duyên cớ rẫy vợ nói trên tuy có phần lỗi của người vợ dù chúng không hẳn nghiêm trọng nhưng vì lợi ích gia đình, người chồng được quyền đơn phương ly hôn không cần biết đến ý kiến người vợ cũng như không cần xét đâu là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm lỗi của người vợ. Hai duyên cớ còn lại, không có con và bị ác tật, dù người phụ nữ không hề có lỗi nhưng nhà lập pháp cũng coi là duyên cớ ly hôn, cũng là vì mục đích để bảo vệ quyền lợi gia đình. Sự hy sinh quyền lợi cá nhân vợ chồng để bảo vệ quyền lợi gia đình còn được các nhà lập pháp hướng Nho đẩy xa đến mức mô phỏng hoàn toàn qui định của pháp luật Trung Hoa, theo đó, nếu người chồng không bỏ vợ trong trường hợp “thất xuất”, chính bản thân người chồng sẽ bị xử tội biếm (Điều 310 Bộ luật Hồng Đức, Đoạn 166 Hồng Đức chính thiện thư).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.

Bên cạnh các trường hợp “thất xuất”, cổ luật Việt Nam còn qui định ba trường hợp mà người chồng không được bỏ vợ, dù rằng người vợ đã phạm phải “thất xuất”, đó là: vợ đã để tang nhà chồng được 3 năm; khi vợ chồng lấy nhau nghèo hèn, sau trở nên giàu có; khi vợ chồng lấy nhau, vợ còn bà con họ

hàng, khi bị bỏ, vợ không còn nơi nương tựa (tam bất khứ). Nếu vợ nằm trong trường hợp “thất xuất” nhưng nại được trường hợp “tam bất khứ” mà chồng vẫn bỏ vợ, thì chồng bị phạt nhẹ hai trật và hai vợ chồng phải đoàn tụ lại. Tuy nhiên, “tam bất khứ ” sẽ không có hiệu lực nếu người vợ phạm phải tội thông gian. Như vậy, “rẫy vợ” không phải là căn cứ để người vợ xin ly hôn. Điều này thể hiện sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng.

Căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 - 3

* Ly hôn bắt buộc:

Ngoài các trường hợp “thất xuất”, cổ luật Việt Nam còn qui định khi việc kết hôn vi phạm các điều kiện thiết yếu của hôn nhân thì vợ chồng bị buộc phải ly dị. Luật không qui định bằng cách thống kê đâu là các điều kiện thiết yếu của hôn nhân cũng như quyền và nghĩa vụ cụ thể của vợ chồng, mà luật chỉ can thiệp khi có sự vi phạm các điều kiện hay nghĩa vụ này. Và ly hôn bắt buộc được coi như một “hình phạt ” cho sự vi phạm ấy. Ví dụ, về sự vi phạm nghĩa vụ chung sống giữa hai vợ chồng, Điều 308 Bộ luật Hồng Đức qui định: “Chồng bỏ lửng vợ trong 5 tháng thì mất vợ”. Điều 108 lệ Gia Long cũng qui định: “Nếu người chồng mất tích hoặc bỏ trốn ba năm không về, thì người vợ được trình quan xin phép cải giá và nhà vợ không phải hoàn lại đồ sính lễ ”. Quy định này thể hiện quyền yêu cầu ly hôn của người vợ. Trường hợp này người vợ được trình quan sở tại và xã quan làm chứng và thực hiện quyền li dị của mình. Quyền yêu cầu li dị của vợ còn được ghi nhận ở Điều 333 Bộ luật Hồng Đức: “Nếu con rể lấy chuyện phi lý mà mắng nhiếc cha mẹ vợ, đem việc thưa quan sẽ cho ly dị”. Điều này chứng tỏ địa vị của người chồng không làm mất năng lực pháp lý của người vợ. Người vợ được coi là ngang hàng với người chồng. Ly hôn bắt buộc cũng áp dụng khi vợ chồng vi phạm nghĩa vụ giúp đỡ lẫn nhau (Điều 308 Bộ luật Hồng Đức), hay trong trường hợp kết hôn giả mạo, lừa dối; mất trật tự thê thiếp; mệnh phụ vi phạm quy định để tang; cưới người cùng họ, cùng tôn ti, trong thân thuộc; kết hôn không môn đăng hộ đối v.v. Đặc biệt, Điều 108 Bộ luật Gia Long qui định khi

vợ chồng phạm phải điều “nghĩa tuyệt” thì buộc phải ly hôn. “Nghĩa tuyệt” có thể do lỗi của vợ (vợ mưu sát chồng), hoặc lỗi của chồng (chồng bán vợ làm nô lệ, cho thuê vợ, hay cầm vợ), nhưng cũng có thể là lỗi của hai vợ chồng (người chồng đem người vợ ngoại tình gả bán cho nhân tình của vợ). Riêng trường hợp nếu vợ phạm phải “nghĩa tuyệt” mà chồng không bỏ, thì chồng cũng bị phạt 80 trượng. Nghĩa là, ở các trường hợp “nghĩa tuyệt”, dù người phụ nữ cũng được quyền ly hôn trong một số tình huống, địa vị pháp lý của họ vẫn không được bình đẳng với chồng. Có thể nói, với các trường hợp ly hôn bắt buộc, cổ luật Việt Nam chưa phân biệt sự khác nhau giữa chế định ly hôn với huỷ hôn nhân trái pháp luật.

* Thuận tình ly hôn:

Pháp luật thành văn đầu tiên về việc thuận tình ly hôn có từ thời Hồng Đức, theo đó, hai vợ chồng bất hoà thuận nguyện xin ly dị, thì tờ ly hôn phải tay viết tay ký, mà niên hiệu cùng là giáp lai khép lại thành một tờ. Tờ hợp đồng ly hôn ấy phải làm thành hai bản, vợ chồng mỗi người cầm một bản, rồi mỗi người phân chia một nơi. Dưới chữ niên hiệu và ngày, chồng ký họ tên, vợ điểm chỉ; trong họ hoặc muốn mượn người viết thay cũng được. Ngoài ra kể đến sự chia nhau đồng tiền, chiếc đũa, cùng là người ngoài viết hộ ly hôn thư, mà lời lẽ không hợp phép, đều cho tờ ly hôn ấy vô hiệu, lại bắt phải đoàn tụ làm vợ chồng [4].

Điều 284 Luật Gia Long quy định thuận tình ly hôn như sau: “Nếu vợ chồng trẹo ý không vui nhau, cả hai đều muốn ly dị, tình thì không hợp, ân đã lìa thì không thể nào hoà lại được, cho phép họ ly dị, không bị tội”.

Có thể nói, khác với luật đương đại Việt Nam chỉ chấp nhận một căn cứ ly hôn duy nhất dựa trên thực chất sự tan vỡ của cuộc hôn nhân, trong cổ luật Việt Nam, căn cứ ly hôn được qui định không đơn nhất mà đa dạng: hoặc người chồng có thể tự ý ly hôn theo ý chí đơn phương của mình khi vợ phạm phải một trong các điều “thất xuất”, hoặc hai vợ chồng có thể thuận tình ly

hôn, cũng có khi hai vợ chồng bị bắt buộc ly hôn khi bên kia vi phạm một trong các điều kiện thiết yếu của hôn nhân hay vi phạm các nghĩa vụ giữa vợ chồng. Điều quan trọng là, một khi những điều kiện của các căn cứ ly hôn nói trên hội đủ, các đương sự được phép đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân của mình vì các duyên cớ ly hôn nói trên đặt trên cơ sở trật tự thiên nhiên đoàn thể vợ chồng chỉ có thể giao hoà với thiên nhiên khi liên hệ giữa hai vợ chồng được phát khởi bằng tình yêu, kết chặt bằng nghĩa vụ và duy trì bằng lễ giáo. Mất một trong ba điều kiện này, trật tự thiên nhiên không còn nữa và đoàn thể vợ chồng sẽ mất căn bản. Quan niệm này đã giải thích rõ các quy định trong luật về duyên cớ ly hôn: trường hợp thất xuất bắt nguồn ở lễ giáo; trường hợp thuận tình ly hôn căn cứ vào sự thiếu tình thương yêu giữa hai vợ chồng và trường hợp ly hôn bắt buộc là sự tuyệt nghĩa phu phụ [15, tr. 91]

Thứ hai, trong xã hội phong kiến Việt Nam thời kỳ ảnh hưởng đậm nét bởi tư tưởng Nho giáo, nếu như việc kết lập hôn nhân chính là vì lợi ích gia đình, thì khi huỷ bỏ hôn nhân, cũng là do các quyền lợi của gia đình bị chi phối hơn là do mối quan hệ giữa bản thân người vợ và người chồng. Nói cách khác, ý chí cá nhân của vợ chồng bị gạt ra ngoài lề không chỉ khi họ kết lập hôn nhân của chính họ, mà còn khi cuộc hôn nhân của họ bị huỷ bỏ, để thay thế vào đó là lợi ích gia đình, gia tộc. Ly hôn vì lý do “thất xuất” hay “nghĩa tuyệt” là sự phản ánh triệt để quan niệm này.

Thứ ba, cũng dưới ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đề cao đức trị mà những qui định về duyên cớ ly hôn đã được thiết lập trên cơ sở đạo đức và nhân cách cá nhân để rồi bằng cách ấy chúng đã xoá nhoà ranh giới giữa đạo đức và pháp luật. Ly hôn vì lí do không kính trọng cha mẹ chồng hoặc vì sự lắm điều của vợ chính là được qui định dưới ánh sáng của quan niệm này.

Thứ tư, duyên cớ ly hôn trong cổ luật thể hiện sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng, trong đó số phận người phụ nữ phụ thuộc vào ý chí người chồng và gia đình chồng. Các trường hợp ly hôn do “thất xuất ” đã thể hiện rõ nguyên

tắc này. Ngay cả trong trường hợp thuận tình ly hôn, cũng không có bất cứ sự bảo đảm nào cho phụ nữ [47, tr.61].

Tóm lại, các triều đại phong kiến Việt Nam đã lấy tư tưởng Nho giáo làm tư tưởng thống trị và duyên cớ ly hôn trong cổ luật Việt Nam cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng này.

1.2.2. Thời kỳ Pháp thuộc:

Năm 1858 thực dân Pháp mở đầu xâm lược nước ta, Việt Nam trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cùng với việc duy trì quan hệ sản xuất phong kiến, thực dân Pháp và giai cấp địa chủ phong kiến còn lợi dụng chế độ HN & GĐ phong kiến đã tồn tại và được duy trì từ nhiều thế kỷ ở nước ta để củng cố nền thống trị của chúng. Với chính sách chia để trị, chúng chia nước ta thành 3 miền và mỗi miền áp dụng một bộ luật cụ thể:

- Tại Bắc Kỳ áp dụng DLBK 1931.

- Tại Trung Kỳ áp dụng TKHL 1936.

- Tại Nam kỳ áp dụng DLGY 1883.

Pháp luật thời Pháp thuộc quy định chỉ có Toà án mới có quyền cho ly hôn khi có các duyên cớ ly hôn mà pháp luật đã quy định. Hai vợ chồng hoặc một trong hai vợ chồng có thể xin ly hôn (Điều 116, 117 DLBK và Điều 115, 116 TKHL).

- Pháp luật quy định chồng có thể xin ly hôn vợ vì các duyên cớ sau:

+ Vì vợ phạm gian;

+Vợ bỏ nhà chồng ra đi, tuy đã buộc phải trở về mà không chịu trở về;

+ Vì vợ thứ đánh, chửi, bạo hành với vợ chính. (Điều 118 DLBK và Điều 117 TKHL).

- Người vợ có thể xin ly hôn chồng vì các duyên cớ sau đây:

+ Chồng không làm những nhiệm vụ đã cam kết khi kết hôn là phải nuôi nấng vợ con tuỳ theo kế sinh nhai;

+ Chồng bỏ nhà đi quá 2 năm không có lý do chính đáng và không lo liệu việc nuôi nấng vợ con;

+ Không có lý do chính đáng mà chồng đuổi vợ ra khỏi nhà mình;

+ Chồng làm trái trật tự vợ chính, vợ thứ (Điều 119 DLBK và Điều 118 TKHL)

- Ngoài những duyên cớ cho chồng hoặc vợ xin ly hôn nói trên, pháp luật còn quy định một số duyên cớ để cả vợ và chồng cùng có thể xin ly hôn, đó là:

+ Bên nọ quá khắc hành hạ, chửi rủa thậm tệ đối với bên kia, hoặc với tổ phụ bên kia;

+ Vì một bên can án trọng tội;

+ Vì một bên vô hạnh làm nhơ nhuốc đến nỗi bên kia không thể ở chung được;

+Vì một bên bị tâm thần mà ai cũng biết hoặc phải ở suốt đời trong bệnh viện (Điều 120 DLBK và Điều 119 TKHL)

Vợ có thể xin ly hôn mà không cần chồng cho phép. Việc tự rẫy vợ bị cấm (Điều 116 DLBK, Điều 115 HLTK).

DLGY năm 1883 cũng quy định những duyên cớ ly hôn của người chồng, người vợ và của cả hai vợ chồng, nhưng đối với việc tự rẫy vợ thì quy định không rõ ràng. Thiên thứ IV quy định: “Tất cả các cuộc hộ nhân chỉ chấm dứt do vợ hay chồng chết hoặc do ly hôn” và tiếp theo là các duyên cớ ly hôn. Nhưng ở cuối thiên thứ V, khi nói về hiệu lực của giá thú lại có quy định: “Người chồng chỉ có thể rẫy vợ trong các trường hợp được luật dự liệu”, vậy có phải là DLGY vẫn giữ các duyên cớ “thất xuất” của Luật Gia Long? Phù hợp với chính sách “chia để trị”, thực chất DLGY đã sao chép một cách máy móc BLDS Napoleon của Pháp nên không phản ánh thực trạng của xã hội Việt Nam và những phong tục truyền thống của người Việt, do vậy, ảnh hưởng của nó trên thực tế là hết sức hạn chế.

Cả ba bộ luật đều quy định “ngoại tình của người vợ” là duyên cớ để người chồng xin ly hôn.

DLGY năm 1883 vẫn giữ quy định “tam bất khứ” của Luật Gia Long, nhưng lại trừ trường hợp “vợ ngoại tình, bị phạt về trọng tội hay tự ý bỏ nhà chồng”.

Về thuận tình ly hôn, Điều 121 DLBK quy định phải có điều kiện là đã chung sống với nhau 2 năm . Riêng Điều 120 TKHL quy định điều kiện trên là 5 năm và nếu cha mẹ là người ưng thuận việc kết hôn mà còn sống vào lúc vợ chồng xin thuận tình ly hôn, thì chỉ khi cha mẹ đồng ý thì vợ chồng mới được xin thuận tình ly hôn.

Theo DLGY năm 1883 thì không được xin thuận tình ly hôn, nếu:

- Chưa sống đủ 2 năm hoặc đã qua 20 năm;

- Người chồng dưới 25 tuổi hay người vợ dưới 21 tuổi hoặc đã quá 45

tuổi;


- Không có sự thuận tình của bố mẹ;

Bình luận về duyên cớ ly hôn, một luật gia người Pháp cho rằng DLBK,

sự bất bình đẳng giữa vợ chồng có “bớt lộ liễu hơn DLGY năm 1883”[33, tr. 40].

Tuy nhiên, trong cả ba Bộ luật mà thực dân Pháp ban hành ở nước ta thì người ta chú ý hơn cả đến Bộ DLBK, vì đây là Bộ luật phản ánh một phần các phong tục tập quán của người Việt, kỹ thuật lập pháp khá tinh vi, với cách thể hiện nôm na, dễ hiểu. Bởi ở Bắc kỳ, thực dân Pháp thi hành chính sách cải luơng và nhận thấy rằng pháp luật của Nhà nước phong kiến Việt Nam đã được thi hành một cách nề nếp, vững chắc, nên chỉ dựa vào đó mà thay đổi dần dần cho phù hợp với sự thống trị của chúng.

Như vậy, mặc dù ba Bộ luật đã có nhiều điểm tiến bộ đáng ghi nhận, nhưng do hoàn cảnh chính trị- xã hội lúc bấy giờ nên chúng cũng có những hạn chế nhất định đó là: Quy định hạn chế quyền ly hôn theo thời gian xác lập

Xem tất cả 100 trang.

Ngày đăng: 24/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí