Vấn Đề Ly Thân Theo Quy Định Pháp Luật Của Một Số Nước Trên Thế Giới

ly hôn phải dựa vào bản chất của vấn đề chứ không chỉ nhìn vào những lý do mà đương sự viện ra để xin ly hôn.

Pháp luật Nhật Bản cũng quy định thuận tình ly hôn hay ly hôn theo thoả thuận. Theo đó, khi vợ chồng ly hôn theo thoả thuận thì cũng thoả thuận việc chỉ định người chăm sóc con cái và những vấn đề cần thiết khác đối với việc chăm sóc này cũng như việc phân chia tài sản. Nếu các bên không thoả thuận được các vấn đề này thì có thể yêu cầu Toà án quyết định. Đối với vấn đề con cái, để bảo vệ quyền lợi cho chúng, nếu xét thấy cần thiết thì Toà HN & GĐ có thể thay đổi người chăm sóc chúng hoặc ra một quyết định khác thích hợp đối với việc chăm sóc (Điều 776 BLDS Nhật Bản). Điều này cũng giống như quy định của pháp luật HN & GĐ nước ta.

Như vậy, theo quy định của pháp luật một số nước trên thế giới, ly hôn và những căn cứ ly hôn mà nhà làm luật quy định phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hoá tâm lý của mỗi nước đặc biệt là sự phụ thuộc vào những thay đổi trong đời sống xã hội. Do đó khi điều chỉnh vấn đề ly hôn nói riêng và vấn đề HN & GĐ nói chung chúng ta phải để ý đến mặt xã hội của nó.

1.3.4.Vấn đề ly thân theo quy định pháp luật của một số nước trên thế giới

Giống như ly hôn, tình trạng ly thân ở nước ta hiện nay ngày càng nhiều và gây ra nhiều hậu quả phức tạp bởi pháp luật của ta chưa có quy chế pháp lý để điều chỉnh vấn đề này. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề và phải giải quyết vấn đề này bằng những quy định của pháp luật. Ở đây xin được nói thêm và riêng một chút về vấn đề ly thân theo quy định của pháp luật một số nước trên thế giới nhằm làm rõ hơn vấn đề cũng như rút ra được những kinh nghiệm trong việc xây dựng những quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ ly thân ở nước ta trong thời gian tới.

Luật HN & GĐ một số nước như Vương quốc Anh, CHLB Đức, Bang Quybec Canada, Trung Quốc… có quy định chế định ly thân để giải quyết toàn diện thực trạng vợ chồng sống ly thân với nhau trong thời kỳ hôn nhân

đang tồn tại, đặc biệt là giải quyết hậu quả của tình trạng này theo hướng bảo vệ quyền lợi của người vợ và của các con chưa thành niên. Trong trường hợp sống ly thân, người chồng vẫn có các nghĩa vụ đối với người vợ và con chưa thành niên. Khi vợ chồng thực tế sống ly thân 2 năm (Vương quốc Anh, Bang Quybec Canada) hay 3 năm (Trung Quốc, CHLB Đức), mà có yêu cầu ly hôn, thì Toà án quyết định cho ly hôn. Đây là cơ sở thực tế được pháp luật quy định như là một căn cứ pháp luật để Toà án quyết định cho ly hôn. Thực ra, ly thân là một trạng thái, một thời gian cho phép vợ chồng cân nhắc, lựa chọn: hoặc là đoàn tụ gia đình, hoặc là đi đến quyết định ly hôn. Thủ tục ly hôn ở các nước có quy định ly thân có đặc điểm chung là: nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng chứng minh được thời gian thực tế đã sống ly thân theo quy định của pháp luật, thì Toà án phải quyết định cho họ ly hôn.

1.4. Sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật về căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn

Ly hôn là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Nó đã tồn tại theo cả chiều dài lịch sử và dù muốn dù không chúng ta cũng không thể phủ nhận nó. Đã có thời dường như chúng ta ngại đề cập đến vấn đề này hoặc phần nào né tránh nó nhưng nó là một hiện tượng xã hội luôn hiện diện và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta nên không muốn nhắc tới thì nó vẫn tồn tại. Một chuyên gia nổi tiếng thế giới về vấn đề gia đình đã từng nói: “Dù có chuẩn bị cho lớp trẻ đến thế nào đi nữa, một gia đình sống không hề xích mích, cãi cọ vẫn không bao giờ có. Cũng giống như việc dù ta có giữ gìn trẻ nhỏ đến thế nào đi nữa, chúng vẫn mắc phải những bệnh thông thường, chẳng hạn như bệnh sởi. Trong căn bệnh của gia đình không có gì là khủng khiếp cả, cái chính là phải biết chạy chữa kịp thời và đúng cách ” [31, tr.6]. Phải nhận rằng ở nước ta ngày nay gia đình được xây dựng trên cơ sở dân chủ và tiến bộ, nhưng ly hôn vẫn tồn tại. Nhưng nhìn từ một phương diện nào đấy ly hôn cũng có thể coi là hiện tượng tích cực. Nó chứng tỏ vợ chồng ngày nay tự do,

bình đẳng hơn, đòi hỏi phải có sự hoà hợp chứ không chấp nhận sự áp đặt của một bên. Ngay ở Italia, nơi có Toà thánh Vaticăng, đầu não của Giáo hội Thiên chúa toàn thế giới, các lực lượng dân chủ và tiến bộ phải đấu tranh cật lực mới buộc được Quốc hội nước này thông qua Luật ly hôn vào năm 1980, do đó chúng ta nên nhìn thẳng vào vấn đề. Không phải vì tình trạng ly hôn diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp như hiện nay mà chúng ta cấm ly hôn hay không đề cập đến nó nữa, mà ly hôn như một “ca mổ” và Thẩm phán xét xử như “bác sĩ phẫu thuật”. Dù đau đớn nhưng chúng ta cũng phải giải phẫu cắt bỏ đi những khối u không đáng có đó. Nếu trong cơ thể đã có khối u mà cứ lờ đi coi như không có thì sẽ đến lúc cả cơ thể sẽ bị khối u đó hành hạ và hậu quả lúc này thì khôn lường. Điều quan trọng là chúng ta phải xác định được đúng bệnh và “giải phẫu ” đúng lúc, đúng chỗ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.

Quan điểm của Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do ly hôn và giải quyết ly hôn dựa vào thực chất của quan hệ hôn nhân có còn tồn tại hay không hay sự tồn tại cũng chỉ là hình thức bề ngoài. Do vậy, việc quy định căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn là rất cần thiết và vô cùng quan trọng. Nó thể hiện quan điểm của Nhà nước ta về vấn đề này. Việc quy định căn cứ ly hôn đúng đắn và các trường hợp ly hôn rõ ràng đã là cơ sở rất quan trọng để các Toà án, Thẩm phán giải quyết việc ly hôn được “thấu tình đạt lý”, bác sĩ phẫu thuật xác định được đúng khối u cần phẫu thuật. Việc xác định và quy định chính xác, khoa học căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn sẽ là khung pháp lý quan trọng để bức tranh ly hôn hiện ra đúng bản chất và ý nghĩa của nó. Muốn giải quyết ly hôn được đúng đắn và hạn chế những hậu quả mà ly hôn mang lại trình độ xét xử và trách nhiệm nghề nghiệp của các cán bộ Toà án là rất quan trọng nhưng trước hết và đầu tiên là chúng ta phải có một khung pháp lý phù hợp để làm căn cứ trong đó căn cứ ly hôn là quan trọng nhất. Cho ly hôn hay bác ly hôn, đầu tiên là phải dựa vào căn cứ ly hôn, chỉ khi ly hôn rồi mới tính đến các hậu quả pháp lý của nó. Do đó chúng ta cần thiết và phải chú ý

đến việc quy định căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn trong luật thực định.

Căn cứ ly hôn và các trường hợp ly hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 - 6

Luật HN & GĐ ngoài những chế tài quy định trong luật, nó còn được đảm bảo thực hiện bởi các chế tài của các ngành luật khác như hình sự, hành chính… Bộ luật hình sự 1999 ra đời có những quy định về xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về cưỡng ép kết hôn, tổ chức tảo hôn, đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội ngược đãi hành hạ vợ chồng… đã làm giảm bớt các cuộc hôn nhân mà tương lai sẽ là tất yếu dẫn tới tan vỡ. Luật hành chính thì điều chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật nhỏ tránh được mâu thuẫn có thể gây ra hậu quả xấu cho hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, cần phải có những quy định, chế tài hình sự, hành chính… nghiêm khắc hơn nữa để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về HN & GĐ. Điều đó sẽ làm cho mỗi thành viên trong gia đình nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trước khi đi đến quyết định kết hôn hoặc ly hôn. Xoá bỏ hôn nhân thực tế là một điểm mới tiến bộ của Luật HN & GĐ năm 2000 vì nếu tiếp tục công nhận quan hệ hôn nhân thực tế trong giai đoạn hôn nhân hiện nay sẽ dẫn đến vô hiệu hoá các quy định đăng ký kết hôn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hôn nhân làm cho gia đình tan vỡ do ly hôn tăng nhanh. Như vậy, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật để điều chỉnh về các vấn đề HN & GĐ nói chung và ly hôn nói riêng, và để vấn đề ly hôn được giải quyết thấu đáo hơn nữa một nội dung quan trọng là chúng ta phải chú trọng đến các quy định pháp luật về căn cứ ly hôn và các trưòng hợp ly hôn.

CHƯƠNG 2‌

NỘI DUNG CĂN CỨ LY HÔN VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP LY HÔN THEO PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VÀ THỰC TRẠNG LY HÔN

2.1. Căn cứ ly hôn

Trong quan hệ HN & GĐ, ngoài lợi ích riêng tư của chủ thể, luôn ẩn chứa lợi ích của xã hội, của Nhà nước, thông qua các chức năng xã hội của gia đình. Giải quyết ly hôn một mặt phải bảo đảm lợi ích của vợ chồng, mặt khác phải bảo đảm lợi ích của con cái, của các thành viên trong gia đình và lợi ích của xã hội. Do đó, Nhà nước phải kiểm soát việc giải quyết ly hôn bằng cách xác định những điều kiện cho phép chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật. Đó chính là căn cứ để giải quyết cho ly hôn.

“Căn cứ ly hôn là những tình tiết hay điều kiện được qui định trong pháp luật để khi có những tình tiết điều kiện đó thì Toà án xử cho phép vợ chồng ly hôn”.

Quan điểm của Nhà nước XHCN là giải quyết ly hôn dựa vào thực chất của quan hệ vợ chồng, trên cơ sở đánh giá một cách khách quan thực trạng quan hệ đó. Giải quyết “ly hôn chỉ là việc xác nhận một sự kiện: cuộc hôn nhân này là cuộc hôn nhân đã “chết”, sự tồn tại của nó chỉ là bề ngoài và lừa dối. Đương nhiên, không phải là sự tuỳ tiện của nhà lập pháp, cũng không phải là sự tuỳ tiện của những cá nhân, mà chỉ bản chất của sự kiện mới quyết định được là cuộc hôn nhân đã chết hoặc chưa chết, bởi vì, như mọi người đều biết, việc xác nhận sự kiện chết tuỳ thuộc vào thực chất của vấn đề, chứ không phải vào nguyện vọng của những bên hữu quan”. “Về mặt hôn nhân, nhà lập pháp chỉ có thể xác định những điều kiện trong đó hôn nhân được phép tan vỡ, nghĩa là trong đó, về thực chất, hôn nhân tự nó đã bị phá vỡ rồi. Việc Toà án cho phép phá bỏ hôn nhân chỉ có thể là việc ghi biên bản sự tan rã bên trong của nó” [17, tr.119,121] . Điều này khác với việc giải quyết ly hôn ở nhà nước phong kiến hay nhà nước tư sản là dựa vào lỗi của vợ chồng.

Việc Toà án giải quyết cho vợ chồng ly hôn là công nhận một thực tế đã và đang tồn tại trong mối quan hệ vợ chồng là không thể cải thiện được. Giải quyết cho vợ chồng ly hôn trong những trường hợp này là điều hay cho cả vợ chồng và cho cả xã hội.

Khoản 1 Điều 89 Luật HN & GĐ năm 2000 qui định: “Toà án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn”.

Điều luật trên đây đã nêu ra 3 vấn đề:

- Tình trạng trầm trọng;

- Đời sống chung không thể kéo dài;

- Mục đích hôn nhân không đạt được.

Như vậy, theo qui định của điều luật trên thì ly hôn không phải là một biện pháp chế tài đối với vợ hoặc chồng phạm lỗi, bởi vì Điều 89 không hề nêu lên lỗi của hai bên vợ hoặc chồng.

Có thể nói qui định căn cứ ly hôn như trên là hết sức khái quát. Khi nào thì có tình trạng trầm trọng? Trong trường hợp nào thì phải coi là đời sống chung không thể kéo dài? Khi nào thì phải coi là mục đích hôn nhân không đạt được? Nếu quy định của pháp luật không rõ sẽ dẫn tới những sự giải thích khoáng đạt của Thẩm phán trong khi hôn nhân là nền tảng của gia đình mà gia đình là nền tảng của xã hội, cho nên việc phá vỡ quan hệ hôn nhân chỉ được cho phép trong những trường hợp luật quy định cụ thể rõ ràng. Trong thực tế xét xử Toà án thường căn cứ vào lỗi của vợ hoặc chồng để cho ly hôn, trong khi lỗi không phải là căn cứ ly hôn luật định. Ly hôn theo luật hiện hành không phải là một sự trừng phạt đối với người vợ hoặc người chồng phạm lỗi mà là một biện pháp giải cứu hai vợ chồng ra khỏi một liên hệ pháp lý không thể duy trì được nữa và không có lý do tồn tại nữa.Vậy Thẩm phán phải căn cứ vào đâu để cho ly hôn. Xét trên cơ sở lý luận và thực tiễn cho thấy, tình

trạng vợ chồng đã đến mức trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài là muốn nói đến tình yêu của vợ chồng không còn nữa, có thể tình yêu đó đã bị phai nhạt hay bị một tình yêu mới lấn át, vợ chồng có những mâu thuẫn sâu sắc đến mức không thể giải quyết được, tình cảm vợ chồng bị rạn nứt mà không thể hàn gắn được, nếu vợ chồng tiếp tục chung sống thì không những không đem lại niềm vui, hạnh phúc mà còn đem lại sự đau khổ cho họ, tình trạng đó ảnh hưởng xấu tới đời sống của những thành viên trong gia đình mà đặc biệt là đến việc chăm sóc và giáo dục con cái.

Xem xét và đánh giá “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài ” là phải đặt thực trạng cuộc sống vợ chồng trong tổng thể các mối quan hệ. Nếu chỉ đơn thuần xem xét quan hệ giữa hai cá nhân là vợ và chồng cũng là chưa đầy đủ. Tình yêu chân chính giữa nam và nữ là cơ sở của việc kết hôn nhưng tình yêu giữa vợ và chồng không phải là cơ sở duy nhất để duy trì quan hệ hôn nhân. Bởi vì, trong hôn nhân không chỉ có hai người mà còn có thể xuất hiện cuộc đời thứ ba, đó là con cái. Đây cũng chính là vấn đề quan tâm của xã hội. Nếu tình yêu giữa vợ chồng không còn dẫn đến trách nhiệm giữa họ đối với nhau và với các thành viên trong gia đình cũng không còn thì rõ ràng “tình trạng ” đã “trầm trọng” và không thể “kéo dài” cuộc sống chung. Cần hiểu quan hệ vợ chồng ở vào “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài” là giữa vợ chồng đã có nhiều lục đục, mâu thuẫn sâu sắc đến mức vợ chồng không thể nào sống chung bình thường, quan hệ vợ chồng không thể tồn tại được, sự tan vỡ của hôn nhân và ly tán của gia đình là không thể tránh khỏi. Vì thế, không thể hiểu đơn giản “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài” chỉ là biểu hiện tình yêu giữa vợ chồng không còn nữa. Khi nói đến tình yêu trong quan hệ vợ chồng còn hay hết là mới chỉ nói đến quan hệ tình cảm có tính chất riêng tư cuả vợ chồng mà chưa thấy hết mọi mặt khác trong đời sống vợ chồng nói riêng và đời sống gia đình nói chung. Và như vậy, khi giải quyết việc ly hôn, Toà án cần phải thẩm tra, xem

xét lợi ích của vợ chồng, của con cái, của gia đình và xã hội trong quan hệ hôn nhân đó ra sao? Có nhìn nhận một cách toàn diện như vậy thì giải quyết ly hôn chính xác mới mang lại kết quả tích cực, mới thúc đẩy các quan hệ HN & GĐ phát triển phù hợp với đạo đức XHCN, phù hợp với lợi ích chung của toàn xã hội.

Thực tế xét xử trong những năm qua cho thấy nguyên nhân dẫn đến “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài” rất đa dạng. Có thể có hành vi đánh đập, ngược đãi; vì ngoại tình; vì mâu thuẫn gia đình; vì bệnh tật, không có con; vì một bên đi nước ngoài và ở lại đó lâu dài...

Tình trạng bạo lực trong gia đình xảy ra vì nhiều lý do khác nhau. Có trường hợp do cuộc sống vật chất quá khó khăn. Có trường hợp do ghen tuông, nghi ngờ một bên ngoại tình nên đã đánh đập nhau. Tệ cờ bạc, nghiện ngập cũng là lý do dẫn đến tình trạng vợ chồng đánh đập, ngược đãi nhau. Bạo lực trong gia đình ngày càng gia tăng và thể hiện tính chất nghiêm trọng của nó. Đa phần bạo lực trong gia đình dẫn đến tình trạng vợ chồng ly hôn. Bên cạnh đã có trường hợp dẫn đến án mạng. Ví dụ: Vụ Hà Văn H ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội do bị vợ cằn nhằn vì việc đánh bạc nên đã thường xuyên đánh đập vợ rất dã man, không chịu đựng được vợ hắn đã đem hai con về nhà mẹ đẻ sinh sống, H đã đến nhà mẹ vợ dùng dao đâm chết vợ và đâm mẹ vợ bị trọng thương [18, tr.156].

Hiện tượng vợ, chồng ngoại tình cũng dẫn đến cuộc sống vợ chồng lâm vào “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài”. Cùng với nạn bạo lực trong gia đình, việc vợ, chồng ngoại tình cũng trở thành nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn. Theo thống kê, hàng năm có khoảng 10% số vụ ly hôn do vợ, chồng có hành vi ngoại tình. Hành vi ngoại tình của vợ, chồng có thể là nguyên nhân dẫn đến hạnh phúc gia đình bị tan vỡ, nhưng ngoại tình cũng có thể là biểu hiện của quan hệ vợ chồng đã bị phá vỡ.

Xem tất cả 100 trang.

Ngày đăng: 24/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí