Nhưng cũng có những nguyên nhân thuộc về quan niệm đạo đức thực tiễn. Để điều cấm kỵ có hiệu lực thì nó phải nhân danh những tư tưởng thống trị của thời đại. Nho giáo đã được lựa chọn thành quốc giáo nên chủ trương cấm kỵ của Nho giáo đối với cái bản năng tình dục tất nhiên có hiệu lực nhất định trên thực tiễn xã hội.
Cấm kỵ là một hiện tượng văn hóa, con người muốn trở thành người hoàn thiện, văn minh thì phải có đạo sống, phân biệt với loài vật. Bản năng tình dục thuộc về lớp bản năng tự nhiên nhất nên khi thoát khỏi tình trạng thú vật, loài người tất nhiên phải kiểm soát bản năng tình dục. Ở phương Đông người xưa gọi là “đạo”, phương Tây gọi là cosmos. Mặc cảm Edip (bi kịch Edip làm vua - giết cha lấy mẹ - là vấn đề khắc phục tội lỗi bản năng đã được người xưa ý thức) chính là sự phản ánh ý thức về kiểm soát tình dục của người phương Tây. Nho giáo đặt ra những lễ giáo, chuẩn mực hành vi để kiểm soát tình dục. Kiểm soát bản năng tình dục là một hiện tượng tất yếu của lịch sử văn hóa nhân loại nói chung. Con người lý tưởng thánh nhân quân tử chính là mẫu hình của con người văn hóa theo quan niệm của nhà Nho, có khả năng vượt lên trên cám dỗ dục vọng và mọi hấp dẫn vật dục nói chung. Đạo Nho là đạo nội thánh ngoại vương, tu kỉ trị nhân. Nhà Nho là mẫu người hành đạo, làm chính trị. Để lãnh đạo, họ cần tu dưỡng theo lý tưởng thánh hiền. Văn chương chép lấy đòi câu thánh…Thánh hiền tất là mẫu người đấng bậc, đứng cao hơn con người tự nhiên, bản năng. Nhà nho đòi hỏi sự tu dưỡng rất nghiêm khắc với thân xác. Khắc phục, kiểm soát bản năng được nhà nho đề cao. Họ đặc biệt coi trọng sự tu thân, hướng đến mệnh đề “tồn thiên lí, khử nhân dục” (bảo tồn thiên lí, khử dục vọng bản năng), “dĩ tâm khống thân” (dùng tâm để khống chế thân, lấy ý chí đạo đức khống chế bản năng dục vọng). Văn hoá cổ đại Trung Quốc hình thành ba mệnh đề chính về thuyết cấm dục: 1. Tồn thiên lí, diệt nhân dục; 2. Nam nữ thụ thụ bất thân; 3. Vạn ác dâm vi thủ. Sách Lễ kí quy định rõ: “nam nữ đại phòng”, “nam nữ thụ thụ bất thân”. Từ đó mà xuất hiện những cấm kỵ, trước hết là sự né tránh không đề cập đến đề tài tình dục; hình thành quan niệm coi tình dục là thấp kém,
xấu xa; việc lấy chuyện sinh hoạt tình dục như một công cụ để hạ bệ uy tín một nhân vật nào đó; tiến xa hơn là các hình phạt nghiệt ngã nhằm vào những người phạm vào điều răn, có quan hệ tình dục bừa bãi ngoài hôn nhân để duy trì trật tự đạo lý; biểu hiện gián tiếp của cấm kỵ tình dục là sự biểu dương những mẫu người trinh tiết, ban thưởng bằng tiết hạnh khả phong, làm thơ ca ngợi những phụ nữ đã lấy cái chết để bảo vệ phẩm giá, trinh tiết của bản thân ...
Trong xã hội Nho giáo chuyên chế, tình yêu nam nữ bị lễ giáo kiểm soát gắt gao. Trai gái không được tự do quan hệ, giao lưu, chuyện hôn nhân do cha mẹ định đoạt nên những rung động bản năng bị chê trách, lên án. Chính vì thế, trong văn thơ độc giả hiếm gặp người cầm bút nào bộc lộ niềm cảm xúc riêng tư, đặc biệt là chuyện chăn gối. Nếu tác giả đề cập đến chuyện bản năng thì đó là những lời răn dạy, giáo huấn, bài học cảnh giác cho con người tránh xa cạm bẫy xác thịt. Đọc Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) ai cũng biết tác giả không ủng hộ chuyện trai gái luyến ái. Nhiều câu chuyện kể về cảnh giao hoan là các mối tình người với ma, quỷ, đều là những chuyện tình bất chính ngoài hôn nhân gia đình nhằm tạo nên tâm lí xem thường, rẻ khinh, ghê sợ thứ tình ái tự do hưởng thụ. Trong Truyện cây gạo, nhân vật nam Trình Trung Ngộ là một gã phú thương đất Bắc, gặp Nhị Khanh (một hồn ma) trên cầu Liễu Khê trong một đêm tình tứ thơ mộng. Sau đó, hai người quấn quýt bên nhau, miệt mài với những cuộc truy hoan. Bi kịch cuộc tình là cái chết thảm của Trình Trung Ngộ. Khi chết, đôi nam nữ dâm loạn đó hoá thành yêu quái, dâm quỷ sống ở cây gạo làm hại dân làng, bà con trong thôn xóm phải mượn một đạo sĩ cao tay mới diệt trừ được, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân. Cuối mỗi câu chuyện đều có lời giáo huấn, phê phán quan niệm đồi truỵ, hãy tránh xa lối sống túng dục vì nó mang hại cho bản thân, cần làm theo lí tưởng quả dục thanh tâm.
Tóm lại, văn học Nho giáo chính thống là một thứ văn học “chí thiện”, phải hoàn toàn phù hợp với những tiêu chuẩn đạo đức. “Vì là để bộc lộ tâm chí, thơ trở thành một bộ phận lớn nhất, trữ tình trở thành nét chủ đạo trong văn học. Nhưng trữ tình không phải là bộc bạch cái tôi cảm xúc mà bộc lộ cái ta đạo
lý (ngôn chí). Vì nhằm mục đích giáo hoá, văn học có chức năng truyền đạt chứ không có chức năng phát hiện, phản ánh, nhận thức. Nó hướng về bắt chước, thể hiện cái Đạo chứ không cố gắng về mặt tìm tòi, sáng tạo, hình thức để mô tả, tái hiện thực tế. Đối với thực tế, nó thiên về thẩm bình, tìm ý nghĩa đạo lý hơn là băn khoăn tìm hiểu” [44].
Cũng có một lý do khác liên quan đến đặc điểm của xã hội phong kiến phương Đông với nhiều yếu tố có tính nam quyền. Nếu so sánh địa vị của nam giới và nữ giới trong xã hội phong kiến dễ thấy người phụ nữ chịu ràng buộc khắt khe hơn nhiều so với nam giới. Người đàn ông đã đặt ra những cấm đoán, hạn chế đối với người phụ nữ vì quyền lợi ích kỷ của mình. Người đàn ông có quyền lấy năm thê bảy thiếp, phụ nữ chính chuyên chỉ được phép thờ một chồng. Người phụ nữ không may góa bụa, thường không được ủng hộ tái giá mà trái lại, xã hội nam quyền khuyến khích người phụ nữ góa ở vậy “thờ chồng”. Trong các tội lỗi bị xã hội phong kiến gọi bằng từ “gian dâm”, chỉ thấy việc qui kết trách nhiệm và thậm chí trừng phạt nhằm vào người phụ nữ, còn người đàn ông “tòng phạm” lại có khi lại ngoài vòng pháp luật (vở chèo Quan Âm Thị Kính kể chuyện làng đã phạt vạ Thị Mầu thế nào chứ không đi tìm thủ phạm đàn ông). Nói cách khác, nguyên nhân cấm đoán nhằm vào người phụ nữ còn bắt nguồn từ ý thức về quyền lợi ích kỷ của người đàn ông vốn muốn thống trị người phụ nữ, muốn bảo đảm sự kế thừa tài sản dành cho đúng đứa con huyết thống…
II.CẤM ĐOÁN BẢN NĂNG TÍNH DỤC TRONG VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG
Như trên chúng tôi đã trình bầy, đạo đức, lễ giáo của Nho giáo nhằm xây dựng mẫu người thánh nhân quân tử. Mẫu người này xa lạ với con người tự nhiên, trần tục. Nếu nói văn hóa là sự vượt thoát cái bản năng thì điều đó rất đúng với văn hóa Nho giáo. Thực ra, bất cứ văn hóa nào cũng khắc phục cái bản năng. Nhưng với sự phát triển của lịch sử, sự cực đoan trong thái độ của Nho giáo đối với bản năng tính dục dần dần lộ rõ. Các cấm kỵ đối với đời sống bản
năng trước hết phản ánh sự lựa chọn Nho giáo của xã hội Việt Nam thời trung đại.
Có thể bạn quan tâm!
- Cấm kỵ và đối phó với cấm kỵ nhìn từ góc độ văn hoá khảo sát qua thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương - 3
- Cấm kỵ và đối phó với cấm kỵ nhìn từ góc độ văn hoá khảo sát qua thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương - 4
- Cơ Sở Văn Hoá Của Cấm Kỵ Đối Với Đời Sống Bản Năng
- Sự Bất Công Về Giới Tính Đối Với Dục Tính
- Hình Thức Đối Phó Để Bảo Lưu Tín Ngưỡng Phồn Thực Qua Việc Thờ Các Vị Thần Chính Thống
- Cấm kỵ và đối phó với cấm kỵ nhìn từ góc độ văn hoá khảo sát qua thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương - 9
Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.
Trong văn hoá Nho giáo truyền thống, các cấm kỵ bản năng đa dạng, phong phú vô cùng. Cấm đoán dễ thấy trước hết là cấm đoán nhằm vào tiếp xúc trực tiếp, tự nhiên nam nữ. Đối với quan hệ nam nữ, các nghi lễ được đặt ra mang tính chất “cách ly”, nam nữ thụ thụ bất thân, kiểm soát khả năng gần gũi về thân thể giữa hai giới. Kinh Lễ qui định: “Là đàn ông không nên bàn việc trong phòng khuê (tức việc của đàn bà), là phụ nữ không được bàn việc bên ngoài (tức việc của đàn ông). Nếu không phải là ngày tế lễ hoặc ngày tang tế, trai gái không được đưa cho nhau vật gì (vì tránh đụng vào tay nhau). Nếu có trao, người nữ phải cầm một cái thúng (để nhận vật ấy); không có thúng thì hai bên (trai gái) phải quỳ xuống đặt vật (định trao) xuống đất rồi người nữ nhận lấy. Ngoài và trong không được chung đụng (trai gái), không được tắm chung, không được ngồi chung chiếu ngủ trong phòng, không được ăn chung. Trai gái không được mặc chung quần áo. Những việc trong phòng khuê không được nói ra ngoài, những việc bên ngoài không được cho lọt vào (phòng khuê). Trai vào phòng khuê không được nói cười chỉ chỏ, đang đêm đi đâu phải cầm đuốc, nếu không có đuốc thì không đi. Đi trên đường cái, trai đi bên phải, gái đi bên trái” [70, 135]. Mục đích cấm đoán ở đây không phải là “diệt dục” mà nhằm đưa quan hệ tính dục vào vòng kiểm soát của đạo đức, lễ giáo, ngăn chặn khả năng quan hệ nam nữ bất chính, tình dục ngoài hôn nhân. Lê Thánh Tông, ông vua đã có công đưa Nho giáo lên địa vị chính thống trong xã hội Việt Nam, đã thiết lập những điều cấm kỵ về phương diện thân xác đúng với khuôn mẫu như Kinh lễ đã nói, trong 24 điều giáo huấn để răn dạy dân chúng, đáng chú ý 3 điều sau: Điều 7) Người đàn bà goá chồng không được tìm kiếm người trai trẻ, nói thác là nuôi con nuôi, làm việc gian dâm vụng trộm; Điều 16) Khi chèo hát, lúc hội hè, trai gái đến chơi xem, không được đứng ngồi lẫn lộn để ngăn ngừa thói dâm ô; Điều 18) Các viên phủ, huyện đều chiểu theo địa phận sở tại cắm thẻ bài răn cấm trai gái không được tắm cùng bến, để tỏ rõ sự phân biệt về lễ phép. [140,
64]. Nội dung này khá ăn khớp với thông tin ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư về việc nhà vua đã cấm điệu múa “lí liên” ở quê hương mình, một điệu múa có nét tục tĩu xét theo quan điểm Nho giáo. Và chúng là sự tiếp nối quá trình Nho giáo hóa phong tục xã thôn Việt Nam, thấy từ hồi Trần Nhân Tông đi các địa phương vận động bỏ các “dâm từ”.
Cuốn Việt Nam văn minh sử dẫn ra những điều khoản cấm đoán về tính dục. Nếu có quan hệ nam nữ đặt trong tương quan với chữ hiếu (có tang cha mẹ) sẽ bị trừng phạt, đại loại như : 1) Đương có tang cha mẹ mà chơi bời, rượu chè, trai gái, không chút buồn rầu sẽ bị tội trượng chín chục, lưu đi châu xa. 2) Các con có tang cha mẹ, vợ, nàng hầu có thai, phải tội trượng một trăm, lưu đi châu xa. 3) Đương có tang cha mẹ mà vợ con hay nàng hầu có thai đến ngày đẻ con là ba ngày trước ngày hết tang, sẽ bị lưu đi châu xa. 4) Đương có đại tang mà giá thú ngầm, sẽ bị tội 80 trượng, biếm một tư. 5) Đương có đại tang mà phạm tội thông gian, sẽ bị tội lưu đi châu xa. 6) Đương có đại tang mà phạm tội cưỡng gian, sẽ bị tội chết [84, 748]. Cấm kỵ về tính dục trước hết để bảo vệ đạo hiếu. Và sự ngăn chặn quan hệ nam nữ ngoài hôn nhân không chỉ dừng lại ở lời khuyên, thuyết giáo mà được bảo đảm hiệu lực bằng những hình phạt rất tàn bạo.
Quan hệ nam nữ cần được kiểm soát theo nghĩa là không được phép có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nếu đôi nam nữ có quan hệ “gian dâm” trước hôn nhân bị phát hiện thì người trong cuộc sẽ bị trừng phạt gắt gao: 1) Trước thông dâm mà sau lấy nhau (tiền dâm hậu thú) thì bị tội đồ đánh trượng tám chục, sung vào lính bản phủ. Người đàn bà bị đánh năm mươi roi. 2) Đã làm hôn lễ nhưng chưa đón dâu về mà hai bên thông gian cũng bị coi là con cháu mất giáo dục, mỗi người bị trượng một trăm roi” [84, 758].
Định nghĩa về “gian thông” (thông gian nam nữ) rất rõ ràng. Quan hệ tình dục với vợ người khác, chủ nhà gian thông với đầy tớ, có tang mà gian thông, đã đính hôn chưa làm lễ thành hôn có quan hệ cũng là gian thông…Theo Lê triều hình luật, Gian thông cương, quyển 3, tờ 22a - 23a, hình phạt đối với tội thông
gian rất khắc nghiệt: 1) Phàm kẻ nào gian dâm với vợ lẽ (thiếp) người ta thì bị giảm xuống một đẳng. Chính người thê thiếp thông gian ấy cũng bị tội lưu; nếu có điền sản, thì điền sản giao về cho người chồng. Đám nào chưa thành hôn thì giảm xuống một đẳng; 2) Phàm chủ nhà hoặc con gái hay nàng dâu chủ nhà để tớ trai (nô) gian thông thì phạm tội lưu; 3) Phàm đang có tang cha mẹ hoặc tang chồng mà gian thông thì phạt tội chém; 4) Phàm những đám mới đính hôn, nhưng chưa làm lễ thành hôn, mà đã “hợp cẩn” với nhau thì về phần người con gái thì phải phạt đánh đòn năm mươi roi (6a). Đến triều Nguyễn làm bộ Hoàng Việt luật lệ, ghi: “Nam nữ đã đính hôn với nhau, nhưng chưa cưới mà đã thông gian phạt trăm trượng” (quyển 22, tờ 1b); “Người đàn bà mà phạm tội gian dâm thì là hết cả liêm sỉ, nên bắt cởi áo, cho mặc váy mà gia hình. Còn tội khác khi phạt tội, cũng được mặc cả áo” (quyển 2, tờ 34a, 34b); “Đàn bà phạm tội gian dâm, hễ là người chồng không có vật lực thì cứ theo luật mà xử phạt; còn những người có vật lực cùng hạng mệnh phụ và hạng vợ cả quan viên, nếu phạm tội đáng phạt vào hạng một trăm trượng thì được phép cho chuộc bằng tiền bạc” (quyển 2, tờ 35b).
Các qui định về hình phạt nghiêm khắc dành cho các tội gian dâm khác nhau nói trên đều nhằm bảo vệ đạo lý Nho giáo, nhằm đề cao hiếu, gián tiếp dẫn đến đề cao chữ trung. Thực ra chúng cũng có tác dụng tích cực và hợp lý theo một nghĩa nào đó. Chẳng hạn, hạn chế tội xâm hại tính dục, bảo vệ người phụ nữ, gắn liền quan hệ nam nữ với trách nhiệm gia đình, hạn chế nạn ngoại tình… Nhưng các diễn ngôn về cấm đoán và chủ trương trừng phạt nghiệt ngã đã gieo rắc mặc cảm tội lỗi, xấu xa, thấp hèn về đời sống tính dục; định hướng dùng lý trí đạo đức chống lại tình cảm tự nhiên có thể dẫn đến tính hình thức, sự giả dối về đạo đức; sự cấm đoán vô lý, nhất là đối với những trường hợp tình yêu nam nữ không được cha mẹ đồng ý vì các lý do khác nhau, hay sự ép gả bất chấp sự phản đối của con cái.
III. SỰ BẤT CÔNG CỦA ĐỊA VỊ, VẬT CHẤT, GIỚI TÍNH ĐỐI VỚI DỤC TÍNH
1. SỰ BẤT CÔNG VỀ ĐỊA VỊ, VẬT CHẤT ĐỐI VỚI DỤC TÍNH
Trước đây, địa vị, vật chất, phản ảnh rõ nét đặc ân, đặc quyền, đặc lợi trong quan hệ tình dục. Ông vua được quyền hành lạc với bất kỳ ai, bất cứ ở đâu, bất cứ số lượng nào mà vẫn không ô uế. Thậm chí hành động cưỡng dâm của vua được xem là khả kính. Sự kiện lịch sử dưới đây, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cách hành xử của tầng lớp thống trị. Vua Lý Thái Tông đi đánh Chiêm thành vào năm 1044. Chiến lợi phẩm thu về hơn 5000 người, 30 con voi, ngoài ra bắt được Vương phi Mị Ê (vợ vua Sạ Đẩu) và các cung nữ. Khi về đến gần sông Lý Nhân - Hà Nam, vua cho đòi Mị Ê sang chầu bên thuyền ngự, đau xót trước cảnh đó nàng than: “Nước tan, chồng chết, chỉ còn một thác mà thôi chứ không biết người chồng thứ hai”. Mỵ Ê gieo mình xuống sông tự tử. Vua Lý Thái Tông cảm động trước lòng trinh tiết, phong Mị Ê là “Hiệp chánh hộ thiện phu nhân”. Người đàn bà nhảy xuống sông tự tử để tránh bị cưỡng dâm lại được chính kẻ hiếp dâm ngợi ca. Lời bình của Hoàng Ngọc Tuấn chí lý chí tình: “Hành động của vua Lý Thái Tông đòi Mị Ê sang chầu là một hành động đẩy Mị Ê vào chỗ nhục nhã hay chỗ chết. Không sang chầu thì phạm tội khi quân, cũng chết. Sang chầu, thì phạm tội phản chồng, phải chịu sống nhục nhã và nếu chọn tự tử, thì cũng chết. Còn vua Thái Tông lại được đạo đức bảo vệ vẹn toàn: Nếu Mị Ê không vâng lời thì giết; nếu Mị Ê tuân lời, thì khinh; nếu Mị Ê tự tử, thì vua lại được dịp rao giảng đạo đức” [124, 281]. Câu chuyện này cho thấy, trong xã hội nam quyền, người đàn ông bao giờ cũng đúng, cũng có quyền phán xét trong quan hệ nam nữ, còn người phụ nữ bao giờ cũng bị phán xét, cũng phải chịu trách nhiệm. Như vậy, các cấm kỵ đã bộc lộ mặt trái của văn hóa xã hội nho giáo, xã hội phong kiến, cho thấy khía cạnh giả dối, bất công. Ngay cả Nguyễn Trãi từng có bài thơ Nôm tuyên truyền Răn sắc cũng như biết bao nhà nho khác nhưng rồi lại mê Thị Lộ để chết vì nhan sắc Thị Lộ. Các vua chúa đều tuyên truyền sắc đẹp là điềm đáng sợ nhưng họ có hàng trăm, hàng ngàn cung
nữ. Chống bản năng từ chỗ là hành động văn hóa, nhưng nếu đẩy đến cực đoan, tuyệt đối hóa, có thể dẫn đến những hành xử giả dối, không chân thực như vậy. Một vấn đề tưởng như nghịch lý nhưng có thực: chống lại cấm kỵ tính dục cũng lại là một hiện tượng văn hóa. Chống lại cấm kỵ dục tính đặt trong ngữ cảnh này là chống lại thói đạo đức giả, là trả lại quyền sống của cái bản năng.
Trong cuốn Việt sử tiêu án Ngô Thì Sĩ phê phán vua Lý Thần Tôn:“Vua xuống chiếu con gái các quan đến tuổi cập kê chờ tuyển vào cung, cấm người nào không trúng tuyển nhiên hậu cho đi lấy chồng… Sáu cung của nhà vua thiếu gì phi tần, mà cũng phải kén người hiền thục mới phải đâu lại có xét khắp con gái bách quan để tìm sắc đẹp. Xưa kia, Tôn Hiệu và Tấn Vũ đã làm như thế. Nay vua Thần Tôn cũng thói ấy, ham mê nữ sắc quá lắm”. Sử thần họ Ngô đã thấy sự bất công, giả dối của quan niệm về đời sống tính dục ở giai cấp thống trị.
Trong Đại Việt sử kí toàn thư, Ngô Thì Sĩ phản ánh lối sống bản năng, loạn luân của vua Trần Dụ Tông (Thiệu Phong năm thứ 11, 1351 ): “Trâu Canh có tội đáng chết, được tha. Bấy giờ Trâu Canh thấy vua bị liệt dương, dâng phương thuốc nói rằng giết đứa bé con trai, lấy mật hoà với dương khởi thạch mà uống và thông dâm với chị hay em ruột của mình thì sẽ hiệu nghiệm. Vua làm theo, thông dâm với chị ruột là công chúa Thiên Ninh, quả nhiên công hiệu. Canh từ đấy càng được yêu quý hơn, được ngày đêm ở trong hậu cung hầu hạ thuốc thang. Canh liền thông dâm với cung nữ. Việc phát giác, Thượng hoàng định bắt Canh chết, nhưng vì có công chữa khỏi bệnh cho vua nên được tha. [22, 204]. Phương thuốc Trâu Canh dâng vua thực hư như thế nào và công hiệu của nó đến đâu thì chúng ta chưa cần bàn tới nhưng hành động Trần Dụ Tôn giết đứa bé trai, lấy mật hoà với dương khởi thạch để uống, rồi thông dâm với công chúa Thiên Ninh thì quả là tàn nhẫn, mất tính người. Như vậy, chúng ta thấy được chân tướng giả dối, thói đạo đức giả của những kẻ có chức quyền. Họ tìm mọi biện pháp ngăn chặn từ trong ý nghĩ đến hành động của người dân về bản năng, nhưng bản thân tự cho phép lối sống buông thả, thỏa mãn bản năng nhất.