kêu gọi đóng góp ngày càng nhiều cho việc thực hiện các mục tiêu an ninh quốc gia. Trước đây, nhiều cơ quan hải quan dựa trên thông tin từ các tờ khai nhập khẩu tại thời điểm nhập khẩu để thực hiện các hoạt động kiểm soát phòng trừ khi hàng hóa được vận chuyển đến các hải cảng, sân bay và cửa khẩu biên giới. Ngày nay, để đảm bảo được mức độ an ninh cần thiết, các chính phủ sẽ dựa ngày càng nhiều vào thông tin và kết quả đánh giá rủi ro được thực hiện trước khi hàng được vận chuyển đến nước nhập khẩu. Các công ước quốc tế áp dụng cho vận chuyển hàng hóa bằng đường không và đường biển cũng đưa ra các cơ chế tăng cường an ninh cũng như cách thức tiến hành vận chuyển. Chính phủ một số nước, cụ thể là Mỹ, đã đưa ra các quy định và biện pháp khuyến khích hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư để tăng cường an ninh dựa trên thông tin được nộp và xác nhận trước về mức độ tuân thủ các chuẩn an ninh trong một số công ty nhất định. Các quy định này cần được hoàn thiện dần và đưa vào thực thi. Do vậy, kỹ năng xử lý thông tin của hải quan thông qua quy trình phân tích, bố trí nguồn lực, trao đổi thông tin và ra quyết định ngày càng trở nên quan trọng hơn so với trước đây. Bảo vệ xã hội bao gồm bảo vệ toàn bộ chuỗi cung ứng thương mại quốc tế từ thời điểm rời khỏi nước xuất khẩu đến thời điểm hàng đến nước nhập khẩu. Môi trường thay đổi đòi hỏi phái có cách tiếp cận "toàn chính phủ". Theo phương thức này, các chính phủ có thể sử dụng cơ quan hải quan như một nguồn lực chính đảm bảo an ninh tại biên giới, tận dụng kinh nghiệm về QLRR và kiến thức của hải quan về thương mại quốc tế như một thành tố quan trọng của an ninh quốc gia. Do đó, hải quan có thể bổ sung một cách hữu hiệu cho các ban ngành chức năng khác như cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan tình báo và những cơ quan kiểm soát các hoạt động đường biển, đường không và đường bộ. Chính vì vậy, Hải quan cần tiến hành cải cách TTHC trong nội bộ ngành để đáp ứng những yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế.
Hội nhập kinh tế quốc tế
Trong khi việc đảm bảo an ninh có ý nghĩa rất quan trọng đối với chính phủ và doanh nghiệp thì trách nhiệm tạo thuận lợi thương mại cho thương mại hợp pháp của cơ quan hải quan cũng không kém phần quan trọng. Nếu áp dụng đúng, an ninh sẽ giúp tạo thuận lợi thương mại thông qua việc xây dựng lòng tin của doanh nghiệp, nâng cao tính có thể dự đoán và theo đó là tạo thuận lợi cho đầu tư. Hội nhập kinh tế quốc tế là một yêu cầu không thể thiếu khi phát triển kinh tế, điều này sẽ giúp cho quá trình lưu thông thương mại của hàng hóa, thúc đẩy sản xuất trong nước và mang lại nguồn thu không nhỏ cho các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu. Do đó, cải cách TTHC sẽ là chất xúc tác cho quá trình này diễn ra một cách thuận lợi nhất là khi TTHC hiện nay được coi là một trong những yếu tố rào cản đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào khi muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chương 2
THỰC TRẠNG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG NGÀNH HẢI QUAN HIỆN NAY
2.1. Quan điểm của nhà nước về cải cách thủ tục hành chính trong ngành Hải quan
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm Thủ Tục Hành Chính Trong Ngành Hải Quan
- Đặc Điểm Của Thủ Tục Hành Chính Trong Ngành Hải Quan
- Bảo Đảm Tính Ổn Định Của Quy Trình Thủ Tục Hành Chính
- Thực Trạng Cải Cách Thủ Tục Hành Chính Đối Với Hoạt Động Xuất Nhập Khẩu
- Thực Trạng Thực Hiện Thủ Tục Hải Quan Điện Tử Quá Trình Triển Khai Thủ Tục Hải Quan Điện Tử
- Cải cách thủ tục hành chính trong ngành Hải quan hiện nay - 9
Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.
Cải cách nền hành chính nhà nước được ghi nhận trong văn kiện Đại hội lần thứ VII của Đảng năm 1991. Trong những năm 1992, 1993, 1994, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã đề ra và tổ chức, nghiên cứu, xây dựng chương trình và chỉ đạo một số việc về cải cách nền hành chính nhà nước. Công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước ở nước ta, giai đoạn đầu được chỉ đạo định hướng vào ba việc lớn: Cải cách thể chế của nền hành chính; Điều chỉnh tổ chức vào các mối quan hệ trong bộ máy hành; Xây dựng một đội ngũ công chức và chế độ công vụ. Trong chỉ đạo cải cách nền hành chính nhà nước, cải cách TTHC là khâu đột phá. Mục tiêu đặt ra ở đây là nhanh chóng khắc phục những khâu yếu kém, những khuyết điểm của quá trình điều hành trong các cơ quan đụng chạm trực tiếp đến đời sống và hoạt động của nhân dân và các doanh nghiệp trong đó có thủ tục xuất, nhập khẩu của ngành Hải quan.
Việc xây dựng chương trình, kế hoạch cải cách hành chính hải quan được xác định là một khâu quan trọng nhằm triển khai đồng bộ, toàn diện Nghị quyết Trung ương 5, chương trình hiện đại hóa ngành Hải quan đã được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành kịp thời chương trình, kế hoạch với mục tiêu, giải pháp thực hiện gắn với các nhiệm vụ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xác định rõ thời gian tiến độ thực hiện tập trung trọng tâm vào việc hoàn thiện thể chế, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, hiện đại hóa ngành Hải quan, cải cách TTHC. Đồng
thời tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát đối với hoạt động của đơn vị. Cụ thể như sau:
Tổng cục Hải quan đã tích cực triển khai Nghị quyết số 17 NQ/TW ngày 1/8/2007/NQ-CP của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước, Nghị quyết số 53/2007/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 23/NQ-BCSĐ ngày 31/12/2007 về Chương trình hành động của ngành Tài chính thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp chấp hành Trung ương Đảng (khóa X); Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 (ban hành kèm theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg); Đề án đơn giản TTHC trên các lĩnh vực quàn lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (ban hành kèm theo Quyết định số 30/QĐ-TTg) và Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 4/1//2008 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án này.
Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác quàn lý nhà nước về hải quan một cách khoa học, nhằm đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế, cải cách hành chính, ngành Hải quan cần có phải có sự thay đổi các hoạt động trong tình hình mới. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã xây dựng Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan từ năm 2004-2006 tại Quyết định số 810/QĐ-BTC ngày 16/03/2004 và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan từ năm 2008-2010 tại Quyết định số 456/QĐ-BTC ngày 14/3/2008; Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020. Ngành Hải quan cũng tiếp nhận và triển khai các gói thầu thuộc khuôn khổ dự án Hiện đại hóa hải quan được phê duyệt tại Quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 14/09/2005 của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2005-2010; Nghị quyết số 68/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC; Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC.
Ngoài ra, ngành Hải quan cũng thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính như: Chỉ thị số 04/2008/CT- BTC ngày 15/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, phòng chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong ngành Hải quan; Chỉ thị số 02/CT-BTC của Bộ Tài chính ngày 4/8/2009 về việc đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2009-2010.
Đây chính là những cơ sở pháp lý nền tảng để ngành Hải quan tiến hành cải cách TTHC trong hoạt động xuất nhập khẩu.
2.2. Thực trạng cải cách thủ tục hành chính trong ngành Hải quan
2.2.1. Thực trạng pháp luật về thủ tục hải quan với xu hướng cải cách
Lịch sử phát triển của ngành Hải quan, TTHC về hải quan cũng như pháp luật về Hải quan Việt Nam gắn liền với sự hình thành và phát triển của chính quyền cách mạng nước ta. Ở mỗi thời kỳ phát triển của đất nước đều có những yêu cầu đặc biệt đối với nhu cầu quàn lý nhà nước về hải quan để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ đất nước.
Ở nước ta sau ngày miền Bắc được hoàn toàn giải phóng năm 1954, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Điều lệ Hải quan bằng Nghị định số 03/CP ngày 27/2/1960 trong đó chứa đựng các quy định về TTHQ, chế độ kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngày 20/2/1990 Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh Hải quan thay thế Nghị định 03/CP. Pháp lệnh Hải quan đã thể chế hóa đường lối của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quàn lý nhà nước về hải quan, dành 2 chương 33 điều (từ điều 12 đến điều 45 trong tổng số 51 điều) quy định về TTHQ, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Để thi hành Pháp lệnh trên, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 171/HĐBT ngày 27/5/1991 kèm theo bản quy định về TTHQ và lệ phí hải quan. Sau một thời gian thực hiện Nghị định 171 không còn phù hợp với thực tế. Trong bối cảnh đó, việc
đổi mới, hoàn thiện pháp luật hải quan ngày càng trở nên cấp thiết phục vụ cho yêu cầu phát triển của thời kỳ mới như đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã nhận định giai đoạn từ nay đến năm 2000 là bước rất quan trọng của thời kỳ phát triển mới - đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ của nhân dân ta là tập trung mọi lực lượng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu và vượt mục tiêu được đề ra trong chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000: tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả, giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, an ninh quốc phòng, cải thiện đời sống của nhân dân.... Ngày 27/3/1999 Chính phủ ban hành Nghị định số 16/1999/NĐ-CP quy định về TTHC hải quan thay thế cho Nghị định 171/HĐBT.
Pháp lệnh Hải quan năm 1990 là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác quàn lý nhà nước về hải quan nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng thông qua hệ thống các quy định về TTHC hải quan. Tuy nhiên do sự phát triển của các quan hệ kinh tế trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu ngày càng đa dạng và phong phú, các quy trình TTHC hải quan trong pháp lệnh lại chưa quy định đầy đủ, chặt chẽ tạo môi trường pháp lý ổn định khi thực hiện các quy trình xuất nhập khẩu. Mặt khác, những yêu cầu thực hiện nghĩa vụ pháp lý trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia về đơn giản hóa TTHQ như Công ước Kyoto...đòi hỏi phải đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTHQ. Trước yêu cầu đó, Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Hải quan 2001, có hiệu lực ngày 01/01/2002. Đây chính là văn bản pháp lý quan trọng nhất trong lĩnh vực hoạt động hải quan được xây dựng trên cơ sở các kinh nghiệm đúc kết sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Hải quan 1990, nội luật hóa một số chuẩn mực quan trọng nhất của Công ước Kyoto về đơn giản hóa và thống nhất hóa TTHQ, đồng thời lại có một số điều quy định nguyên tắc cho hiện đại hóa hoạt động hải quan vì thế về
cơ bản Luật đã đáp ứng các yêu cầu về hoạt động nghiệp vụ cũng như hiện đại hóa ngành.
Sau bốn năm thực hiện, Luật Hải quan đã bộc lộ một số điểm hạn chế và một số quy định không còn phù hợp với thực tế. Ngày 19/05/2005 Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan. Luật này đã sửa đổi bổ sung 24 điều của Luật Hải quan hiện hành. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về TTHQ, kiểm tra, giám sát hải quan. Luật Hải quan và Nghị định 154 trở thành một công cụ pháp lý quan trọng chứa đựng các quy phạm TTHC phát huy vai trò tích cực trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó là hệ thống các thông tư, quyết định quy định về các TTHC về xuất nhập khẩu như: Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 6/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về TTHQ; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Quyết định 1171/QĐ-TCHQ ngày 15/06/2009 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành quy trình TTHQ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại; Thông tư số 116/2008/TT-BTC ngày 4/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn TTHQ đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài…
Ngoài ra, TTHQ còn liên quan đến một số TTHC ở các Bộ, Ngành khác và do đó còn chịu sự điều chỉnh của Luật Quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật GDĐT; Luật CNTT; Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại…. Các văn bản pháp lý này một mặt giúp cho các quy phạm pháp luật về TTHQ được triển khai một cách hiệu quả, mặt khác cũng gây ra sự chồng chéo, bất cập trong quá trình thực thi bởi thực tế hiện nay việc trao đổi, thống nhất quan điểm giữa các cơ quan nhà nước rất hạn chế. Điều này được lý giải từ mâu thuẫn lợi ích của các cơ quan chủ quản trong ngành, lĩnh vực mà mình quản lý.
TTHQ đối với hoạt động xuất nhập khẩu ngoài việc được quy định ở pháp luật trong nước còn được quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Công ước Kyoto về đơn giản hóa và hài hóa TTHQ; Công ước quốc tế về hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (công ước HS); Hiệp định trị giá GATT; Hiệp định và Nghị định thư về xây dựng và triển khai cơ chế một cửa ASEAN...Nội dung chính của các hiệp định nói trên đó là sự cam kết về đơn giản hóa và hài hóa TTHQ nhằm thông quan hàng hóa một cách nhanh chóng, tạo thuận lợi cho thương mại.
Có thể nói, với hệ thống pháp luật hiện hành về TTHQ đã "Góp phần bảo đảm thực hiện chính sách của Nhà nước về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ; hợp tác và giao lưu quốc tế; bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" [9]. Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn là một bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Hải quan với mục tiêu thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 1992 về xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội trong lĩnh vực hải quan, nội luật hóa các quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội liên quan đến hoạt động hải quan phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế mới, thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, góp phần giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế- xã hội, tạo thuận lợi cho hội nhập quốc tế đồng thời tham gia bảo vệ lợi ích, chủ quyền và an ninh quốc gia.
Luật Hải quan năm 2001 và Luật hải quan sửa đổi, bổ sung năm 2005 có tính linh hoạt cao do nó quy định về các quyền lực cần thiết của lãnh đạo Hải quan trong việc ban hành những thủ tục và nghiệp vụ hiện đại đồng thời cho phép sửa đổi thông qua các văn bản hướng dẫn, chứ không phải sửa đổi trực tiếp trên luật. Đây là cách tiếp cận thường gặp ở các quốc gia đang phát triển: những điều luật cơ bản, đầu tiên xác định vai trò và trách nhiệm của Hải quan được quy định trong Luật Hải quan trong khi các điều luật thứ cấp làm