Cải cách thủ tục hành chính trong ngành Hải quan hiện nay - 2


tiếp đến tạo thuận lợi thương mại, thu hút đầu tư và làm tăng khả năng cạnh tranh của mỗi quốc gia khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các nghiên cứu của thế giới liên quan đến cải cách thủ tục hải quan hiện nay có thể kể tới các tài liệu như: Cải cách thủ tục xuất nhập khẩu hướng dẫn cho đối tượng thực thi (9/2008) của Ngân hàng thế giới, Sổ tay hiện đại hóa hải quan (2007); Kinh nghiệm cải cách thủ tục hải quan của các nước ASEAN (2009)...

2.2. Tình hình nghiên cứu trong nước

Các nghiên cứu trong nước đối với cải cách thủ tục hành chính nói chung và đối với thủ tục hải quan nói riêng trong thời gian qua khá nhiều. Bởi đây là một vấn đề mang tính thời sự, là đòi hỏi đặt ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, được Đảng và Nhà nước coi là một trong những khâu đột phá của cải cách nền hành chính quốc gia.

Các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài "Cải cách thủ tục hành chính trong ngành Hải quan hiện nay" bao gồm: Hoàn thiện thủ tục hải quan trong giai đoạn hiện nay (2006); Báo cáo chẩn đoán của chuyên gia Dự án hiện đại hải quan (2005), Báo cáo đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính của Việt Nam: Tối đa hiệu quả từ cải cách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập WTO (2007) của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ; Thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu hàng hóa theo Luật Hải quan, những điểm tích cực và hạn chế (2007)...

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài

TTHC trong ngành Hải quan rất đa dạng và được chia thành nhiều loại, trong đó TTHC trong hoạt động xuất nhập khẩu (thủ tục hải quan) được thực hiện một cách thường xuyên và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quàn lý nhà nước về hải quan. Đây được coi là thủ tục xương sống của ngành Hải quan hiện nay. Trong phạm vi đề tài, tác giả tập trung nghiên cứu những cải


cách TTHQ hiện nay nhằm tìm ra những mặt tích cực, hạn chế và đề xuất các giải pháp tương ứng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

4. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài

Về mục đích, đề tài phân tích cải cách TTHC đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay của ngành Hải quan hiện nay, chỉ ra những ưu điểm và nhược điểm đồng thời đề xuất một số giải pháp khắc phục.

Cải cách thủ tục hành chính trong ngành Hải quan hiện nay - 2

Để đạt được mục đích, đề tài giải quyết những nhiệm vụ sau:

- Phân tích và làm sáng tỏ các vấn đề lý luận về cải cách TTHC trong ngành Hải quan: Tổ chức và hoạt động của ngành Hải quan dưới góc độ lý luận nhà nước và pháp luật; Khái niệm TTHC trong ngành Hải quan; các nguyên tắc thực hiện TTHC trong ngành Hải quan...

- Phân tích và đánh giá thực trạng cải cách TTHC hiện nay: Phân tích quy trình TTHQ hiện tại; Xây dựng TTHQĐT và cơ chế một cửa quốc gia - nội dung của cải cách thủ tục hành chính trong ngành Hải quan.

- Đề xuất một số giải pháp cải cách TTHC trong ngành Hải quan trong thời gian tới.

5. Phương pháp nghiên cứu

5.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý luận

Dựa trên chủ nghĩa Mác- Lê nin về chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh về quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về đường lối phát triển kinh tế ở Việt Nam, về hội nhập kinh tế quốc tế.

5.2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn

- Phương pháp tổng hợp, phân tích

Đề tài có sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích nhằm hệ thống hóa một cách cơ bản các TTHC cơ bản, cốt lõi của ngành hải quan. Đó là các TTHC liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.


Qua đó, đưa ra các nhận định về hiện trạng TTHC hiện hành nhằm phát hiện các ưu, nhược điểm và đề xuất các biện pháp khắc phục.

- Phương pháp so sánh dùng để phân biệt các đối tượng nghiên cứu trong đề tài để từ đó có cách hiểu thống nhất đối với vấn đề đưa ra.

6. Đóng góp khoa học của đề tài

Đây là đề tài đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống về cải cách TTHC trong lĩnh vực hải quan trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc triển khai thủ tục hải quan điện tử và cơ chế một cửa quốc gia của ngành hải quan hiện nay.

Đóng góp khoa học của đề tài thể hiện ở những khía cạnh sau:

- Làm sáng tỏ các vấn đề lý luận cơ bản về thủ tục hành chính trong ngành hải quan;

- Đánh giá thực trạng cải cách thủ tục trong ngành hải quan trong xu thế hội nhập hiện nay;

- Đề ra các giải pháp để cải cách thủ tục hành tục hành chính trong ngành hải quan.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận cơ bản về thủ tục hành chính trong ngành hải quan.

Chương 2: Thực trạng cải cách thủ tục hành chính trong ngành hải quan hiện nay.

Chương 3: Một số giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong ngành hải quan.


Chương 1‌‌

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN

VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG NGÀNH HẢI QUAN


1.1. Hải quan và cải cách thủ tục hành chính trong ngành Hải quan

1.1.1. Tổ chức và hoạt động của ngành Hải quan nhìn từ góc độ lí luận nhà nước và pháp luật

Hải quan là một bộ phận của bộ máy nhà nước do nhà nước lập ra để thực hiện chức năng quàn lý nhà nước về hải quan. Hải quan nằm trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, có cơ cấu tổ chức riêng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình do pháp luật quy định, hoạt động trên một đơn vị hành chính- lãnh thổ hải quan hay trên một lĩnh vực nhất định -lĩnh vực hải quan. Các quốc gia đều đặc biệt quan tâm tới công tác quàn lý nhà nước về hải quan và xác định đây là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động quàn lý nhà nước. Luật pháp của mỗi nước đều có các quy định xác định mục tiêu, nội dung hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan hải quan nước mình. Có thể nói rằng, hải quan đã trở thành một công cụ thiết yếu của nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện chính sách về phát triển các quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa với nước ngoài, góp phần tăng cường sự giao lưu và hợp tác quốc tế, bảo vệ lợi ích, chủ quyền và an ninh quốc gia.

Tổ chức Hải quan thế giới đã định nghĩa về cơ quan Hải quan như sau: "Hải quan là cơ quan của Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Luật Hải quan và thu thuế hải quan và thuế khác đồng thời cũng chịu trách nhiệm thi hành các luật khác có liên quan đến việc nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển hoặc lưu kho hàng hóa" [18].

Theo Đại Từ điển Tiếng Việt, hải quan là "công tác kiểm soát, đánh thuế hàng hóa xuất nhập cảng" [31]. Định nghĩa này về hải quan đã nêu một


cách khái quát nội dung công việc của hải quan, đó là phụ trách việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa, phương tiện vận tải đưa vào, đưa ra khỏi lãnh thổ quốc gia và thu thuế các hoạt động này.

Theo nguồn gốc lịch sử, từ Hải quan bắt nguồn từ từ "Douane" của người Ai Cập, từ này có nghĩa là "thu quốc gia". Người Anh gọi là "Customs", người Đức và Hy Lạp gọi là "Zull".. Sự tan rã của xã hội cộng sản nguyên thủy, giai cấp chủ nô ra đời, xuất hiện những thành phần dư dả vật chất trong xã hội, cơ cấu xã hội thay đổi...là những điều kiện về chính trị của việc xuất hiện hoạt động hải quan. Xã hội loài người càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng đa dạng, phong phú và ngày một đòi hỏi cao hơn sự thỏa mãn về hàng hóa. Do vậy, các dịch vụ trao đổi, mua bán, chuyển nhượng ngày càng phát triển. Dường như các mặt hàng trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân, chính vì thế việc xuất nhập khẩu tăng lên không ngừng và do đó vai trò của cơ quan hải quan ngày càng quan trọng.

Thời kỳ đầu, hải quan về cơ bản có các chức năng chính như việc thu thuế tạo nguồn thu cho ngân khố, củng cố địa vị thống trị của giai cấp bóc lột. Tại Hy Lạp, người ta thu thuế ở các chợ hàng nhập khẩu, xuất khẩu. Tàu thuyền nhập khẩu đậu ở cảng đều phải nộp thuế, thuế này được gọi là "inforium" khoảng 2% trị giá hàng hóa. Tại La Mã thu thuế "inforium" do một số người đứng đầu phụ trách. Cũng vì chức năng cơ bản này mà hiện nay cơ quan hải quan nhiều nước vẫn trực thuộc Bộ Tài chính. Hiện nay, chức năng của Hải quan đã được mở rộng hơn không dừng lại ở việc thu thuế mà còn phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Chức năng truyền thống của Hải quan là bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia. Mục tiêu tổng quát của chức năng này là việc bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế của đất nước. Chức năng của Hải quan thể hiện qua những mục tiêu mà Hải quan nhằm đạt được thông qua các hoạt động của mình. Những mục tiêu này thay đổi tùy theo hình thái ý thức xã hội và mô hình phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.


Ở Việt Nam, cơ quan hải quan được thành lập ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chính phủ lâm thời thành lập Sở Thuế quan và Thuế gián thu. Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng đánh dấu sự ra đời của Hải quan Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu của đất nước, mà còn khẳng định Hải quan là một công cụ không thể thiếu của một quốc gia độc lập có chủ quyền.

Cơ quan hải quan là thiết chế nhà nước được thành lập để trực tiếp thực hiện hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật. Cùng với việc thực hiện hoạt động này, Hải quan Việt Nam còn là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quàn lý nhà nước về hải quan.

Để thực hiện chức năng nêu trên, cơ quan hải quan có những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

1. Thực hiện kiểm tra giám sát, hàng hóa, phương tiện vận tải theo quy định của pháp luật về hải quan;

2. Tham gia công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

3. Tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

4. Kiến nghị chủ trương, biện pháp quàn lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hải quan do Hiến pháp, luật và nhiều văn bản dưới luật quy định. Mặt khác, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hải quan cũng do vị trí, tính chất đặc thù của ngành Hải quan trong hệ thống các cơ quan nhà nước quy định. Quyền hạn của cơ quan hải quan là phương tiện pháp lý cần thiết mà nhà nước quy định để thực hiện, chức năng, nhiệm vụ được giao.


Với những nhiệm vụ và quyền hạn đặc biệt, hải quan được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất dưới sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ.

Hải quan là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quàn lý nhà nước về hải quan, thực thi pháp luật hải quan trong phạm vi cả nước. Hệ thống tổ chức của hải quan không được củng cố, hoàn thiện trong những năm qua, đáp ứng các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đặt ra.

Hải quan được tổ chức theo mô hình 3 cấp, đứng đầu là Tổng cục Hải quan- được coi là cơ quan đầu não của toàn ngành; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội kiểm soát hải quan và đơn vị tương đương. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thống nhất quản lý, điều hành hoạt động của Hải quan các cấp; Hải quan cấp dưới chịu sự quản lý, chỉ đạo của Hải quan cấp trên.

Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc liên tỉnh có Cục Hải quan tỉnh hoặc liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực thuộc Tổng cục Hải quan. Cục Hải quan do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập mới, tổ chức lại và giải thể. Cục Hải quan thực hiện các công việc về hải quan trong phạm vi lãnh thổ mà mình được phép quản lý theo quy định của pháp luật.

Ở cửa khẩu, cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, bưu điện ngoại dịch, khu vực kiểm soát hải quan trên biên giới, bờ biển, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, khu chế xuất hoặc các địa điểm khác theo quy định của pháp luật có Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội kiểm soát hải quan hoặc đơn vị tương đương. Việc thành lập Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội kiểm soát hải quan hoặc đơn vị tương đương do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định theo quy hoạch tổ chức mạng lưới hải quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội kiểm soát hải quan và các đơn vị tương đương là các đơn vị trực tiếp thực hiện những hoạt động nghiệp vụ cụ thể về hải quan theo quy định của pháp luật.


Như vậy, nguyên tắc tập trung, thống nhất thể hiện một cách rõ nét trong tổ chức bộ máy của cơ quan hải quan. Đứng đầu ngành là Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính về hoạt động của toàn ngành. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về hoạt động hải quan trong khu vực mà mình quản lý. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu và đơn vị tương đương chịu sự quản lý của Cục trưởng Cục Hải quan. Trong việc thực hiện các hoạt động quàn lý nhà nước về hải quan, quan hệ của hải quan khu vực với cơ quan hành chính nhà nước, viện kiểm sát, tòa án cũng như quan hệ của hải quan với các bộ, ngành khác chỉ mang tính phối hợp hoạt động chứ không phải là quan hệ phục tùng chỉ đạo. Nguyên tắc tập trung, thống nhất trong tổ chức và hoạt động của cơ quan hải quan đảm bảo tính độc lập, khách quan của hoạt động hải quan. Đây chính là đòi hỏi hết sức cần thiết đối với những công việc mà nội dung có liên quan đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật trên bất cứ lĩnh vực nào.

Với vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình, cơ quan hải quan là một bộ phận quan trọng trong bộ máy nhà nước ở các quốc gia nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng. Hải quan được tổ chức xuất phát từ bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa và phải phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể và các yếu tố như điều kiện tự nhiên và xã hội, vị trí địa lý...của mỗi nước trong từng thời kỳ cụ thể. Khi nhu cầu khách quan của xã hội thay đổi và những điều kiện chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội...thay đổi thì cơ quan hải quan cũng phải có những cải cách hoặc thay đổi tương ứng.

Hoạt động hải quan được xác định là những hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể do các cơ quan hải quan đảm nhiệm như:

- Giám sát, kiểm tra đối với việc xuất khẩu, nhập khẩu các hàng hóa, hành lý, bưu phẩm, bưu kiện, các tài sản, đồ vật khác theo quy định của pháp luật;

Xem tất cả 137 trang.

Ngày đăng: 27/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí