Hạn Chế Của Đề Tài Và Hướng Nghiên Cứu Tiếp Theo.


4.4.3.6. Tình hình trợ cấp giáo dục của hộ gia đình:

Biến trợ cấp giáo dục của hộ (trocapgd) có hệ số hồi quy là -0,839 và giá trị P- value = 0,000 cho thấy khi hộ có nhận được sự hỗ trợ cho giáo dục từ chính quyền các cấp hoặc của các tổ chức xã hội cho thành viên đi học của hộ thì chi tiêu bình quân cho giáo dục thấp hơn 83,9% so với hộ không được nhận các trợ cấp. Nghiên cứu của Trần Thanh Sơn (2012), Nguyễn Minh Thuấn (2014) cũng có kết quả là chính sách trợ cấp giáo dục có tác động không nhỏ đến chi tiêu giáo dục của hộ gia đình.

4.4.3.7. Ý thức giáo dục

Biến ý thức giáo dục của chủ hộ (ythucgd) có hệ số hồi quy là -0,324 và giá trị P- value = 0,028 cho thấy ý thức giáo dục tác động ngược chiều với mức chi giáo dục, mức chênh lệch đầu tư của hộ gia đình cho giáo dục khi chủ hộ có quyết tâm cho con cái học tập đến nơi đến chốn so với hộ có chủ hộ chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con cái là 32,4% với điều kiện các yếu tố tác động khác không đổi.

So với các nghiên cứu trước thì ý thức giáo dục của chủ hộ là biến mới được tác giả đưa vào mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động đến chi tiêu giáo dục của hộ gia đình. Và biến này tác động ngược chiều với chi tiêu giáo dục. Có nghĩa là khi người chủ gia đình có ý thức giáo dục thì đầu tư cho việc học tập của con cái thấp hơn hộ có chủ hộ chưa có ý thức giáo dục. Kết quả hồi quy không như kỳ vọng ban đầu của tác giả là ý thức giáo dục tác động tích cực đến chi tiêu giáo dục của hộ.

4.4.4. Bàn luận

Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu giáo dục hộ gia đình của các tác giả trước thực hiện qua các năm, ở các khu vực, vùng miền khác nhau, nhìn chung kết quả cho thấy các yếu tố về đặc điểm nhân khẩu học chủ hộ (dân tộc, tuổi, giới tính, học vấn, hôn nhân), đặc điểm hộ gia đình (thu nhập, chi tiêu, tổng số người trong hộ, nghề nghiệp), đặc điểm giáo dục của hộ (số thành viên đang đi học của hộ, học thêm) và trợ cấp giáo dục có mối liên hệ với mức chi tiêu cho giáo dục của hộ gia đình. Ở mỗi khu vực, vùng miền thì mức độ tác động của các biến đến mức chi cho giáo dục khác nhau.

Kết quả nghiên cứu của tác giả ở Thành phố Hồ Chí Minh thì các biến thu nhập, số người đi học, học thêm và trợ cấp giáo dục có tác động nhiều đến chi tiêu của hộ cho giáo dục. Hồ Chí Minh là một thành phố lớn của nước ta, cơ hội tiếp cận với các dịch vụ giáo dục phong phú, đa dạng, hiện đại như bồi dưỡng thêm các môn học nhà


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 87 trang tài liệu này.

trường, học ngoại ngữ, vi tính, kỹ năng mềm, năng khiếu,.. gắn liền là chi phí giáo dục cũng cao. Do đó chi phí giáo dục cho mỗi thành viên đi học là một vấn đề của mỗi hộ gia đình. Khi hộ có thêm 1 thành viên đi học thì có sự phân phối lại thu nhâp của hộ cho các nhu cầu duy trì cuộc sống và cũng như nhu cầu giáo dục của các thành viên trong hộ. Vì vậy đối với các gia đình có nguồn thu nhập thấp, không ổn định thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, các nhu cầu giáo dục của các thành viên trong hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Ý thức giáo dục của người chủ gia đình thể hiện ở sự mong muốn, sự quyết tâm cho con cái của mình học tập tới nơi tới chốn. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng chủ hộ có ý thức giáo dục đầu tư cho việc học tập của các thành viên trong hộ ít hơn chủ hộ chưa có ý thức giáo dục. Phải chăng người có ý thức giáo dục thấy được vai trò của việc tự học, tự rèn luyện của người học, từ đó sẽ hạn chế hợp lý đầu tư cho việc học thêm của các thành viên đi học trong hộ. Để chứng minh điều này cần phải phân tích các yếu tố tác động đến các chi tiêu thành phần trong tổng chi tiêu cho giáo dục của hộ.

Các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến chi tiêu giáo dục của hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh - 7

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn với rất nhiều cơ hội học tập và làm việc nên hàng năm dân di cư đến rất đông. Phần lớn người dân từ các vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn di cư vào đây làm việc, học tập và sinh sống, nên cuộc sống của những người dân di cư này còn gặp nhiều khó khăn. Từ đó cho thấy những khoản trợ cấp cho giáo dục từ chính quyền các cấp và tổ chức xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, góp phần nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của Thành phố.


Tóm tắt chương 4

Sử dụng mẫu số liệu và phương pháp thống kê mô tả đánh giá thực trạng chi tiêu giáo dục trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh theo các nhóm biến: đặc điểm chủ hộ (giới tính, dân tộc, học vấn, ý thức giáo dục), đặc điểm hộ gia đình (thu nhập, khu vực sinh sống), đặc điểm giáo dục của hộ (số người đi học, học thêm) và trợ cấp giáo dục. Sử dụng mô hình hồi quy OLS phân tích xác định các yếu tố nào có tác động đến chi tiêu giáo dục hộ dân cư. Kết quả cho thấy 7 yếu tố có ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê đến chi tiêu giáo dục hộ dân cư thành phố Hồ Chí Minh là dân tộc, trình độ học vấn, ý


thức giáo dục của chủ hộ, thu nhập, số người đi học của hộ, tình trạng học thêm và các khoản trợ cấp cho giáo dục của hộ gia đình.


Chương 5: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH


5.1. Định hướng phát triển giáo dục tại TP.HCM

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của thành phố tiếp tục phát triển, giữ vững ngọn cờ đầu của cả nước, từng bước hội nhập khu vực và thế giới, phấn đấu trở thành trung tâm giáo dục – đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á

Cụ thể là thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển giáo dục, chú trọng đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá theo hướng hiện đại, đáp ứng chuẩn khu vực và quốc tế, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh bằng việc tăng cường những câu hỏi mở gắn với thời sự quê hương đất nước, hạn chế câu hỏi về yêu cầu ghi nhớ; đổi mới căn bản và toàn diện cho giáo dục, trong đó chú trọng đào tạo con người có kỹ năng, đào tạo thiên về chất lượng hơn số lượng và đào tạo để hòa nhập quốc tế; coi trọng giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, phẩm chất công dân, lý tưởng cách mạng với nhiều hình thức thu hút học sinh tham gia và xã hội ủng hộ; tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác giáo dục mầm non, tập trung đầu tư giáo dục phổ thông theo hướng chuẩn hóa từ chương trình đến đội ngũ, tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong nhà trường (người học tham gia đánh giá quá trình đào tạo, giáo viên tham gia về đánh giá công tác quản lý tại trường) nhằm phát huy ý kiến của học sinh, sinh viên, giáo viên góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Về dạy tiếng Anh, sẽ tiếp tục đưa các chuẩn quốc tế về tiếng Anh vào giảng dạy ở các cấp học để khi lên cấp 3 hoặc đại học học sinh có thể giao tiếp lưu loát bằng tiếng anh nhằm giúp trang bị cho học sinh thành phố những kỹ năng cơ bản đáp ứng yêu cầu của một công dân toàn cầu.


5.2. Hàm ý chính sách:

Kết quả phân tích hồi quy OLS của nghiên cứu xác định các yếu tố tác động có ý nghĩa thống kê đến chi tiêu giáo dục của hộ dân cư và định hướng phát triển giáo dục thành phố Hồ Chí Minh, tác giả kiến nghị một số chính sách liên quan đến giáo dục nhằm khuyến khích các hộ dân đầu tư hợp lý cho giáo dục, góp phần cùng Đảng và chính quyền Thành phố thực hiện thành công Nghị quyết 29 – NQ/TW về đổi mới căn


bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của thành phố tiếp tục phát triển, giữ vững ngọn cờ đầu của cả nước, từng bước hội nhập khu vực và thế giới, phấn đấu trở thành trung tâm giáo dục – đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Cụ thể là:

Thứ nhất là chính sách về hỗ trợ, miễn, giảm học phí: Kết quả nghiên cứu cho thấy thu nhập có quan hệ cùng chiều với chi tiêu giáo dục, khi thu nhập của hộ thấp thì đầu tư cho giáo dục thấp và hộ gia đình có thêm thành viên đi học thì mức chi cho giáo dục tăng. Từ đó thấy rằng nhu cầu giáo dục của các thành viên trong hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp bị hạn chế. Do đó cần có chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí để các thành viên của hộ được tiếp cận với nhiều dịch vụ giáo dục, góp phần tạo ra được lực lượng lao động có kỹ năng và đáp ứng yêu cầu của một công dân toàn cầu.

Trợ cấp giáo dục có tác động làm chi tiêu của hộ cho giáo dục giảm. Sự sụt giảm này do nhận được trợ cấp giáo dục, xu hướng giảm này chấp nhận được. Do đó cần tiếp tục quan tâm triển khai chính sách hỗ trợ cho giáo dục đúng đối tượng nhằm giúp tất cả con em trong các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được đến trường.

Thứ hai là chính sách về tạo việc làm, nâng cao thu nhập: Hàng năm số người nhập cư vào làm thành phố làm ăn sinh sống rất lớn, công việc làm chưa ổn định, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy chính quyền thành phố cần quan tâm hơn nữa các chính sách về khuyến khích khởi nghiệp, ưu đãi đầu tư nhằm tạo nhiều cơ hội việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Khi thu nhập của hộ tăng lên thì đầu tư cho giáo dục cũng sẽ tăng lên.

Thứ ba là chính sách về vấn đề hạn chế dân nhập cư đến thành phố Hồ Chí Minh: Theo kết quả nghiên cứu thì học vấn của chủ hộ có tác động đến mức chi cho giáo dục của hộ dân cư, trình độ chủ hộ từ trung học phổ thông trở lên đầu tư cho giáo dục nhiều hơn hộ có chủ hộ trình độ dưới trung học phổ thông. Mà đa số dân nhập cư vào thành phố Hồ Chí Minh là từ nông thôn, các vùng kinh tế khó khăn, trình độ học vấn thấp, có thể chưa nhận thức được vai trò và lợi ích mà giáo dục mang lại nên sẽ ít quan tâm đầu tư giáo dục cho các thành viên trong hộ của mình.

Thứ tư là chính sách về dạy học thêm các môn học thuộc chương trình của nhà trường: Hộ gia đình có thành viên đi học thêm thì chi tiêu giáo dục tăng gấp 2,1 lần hộ gia đình không có đi học thêm. Chiều hướng gia tăng này không chấp nhận được. Vì để trở thành một công dân toàn cầu, ngoài kiến thức trong nhà trường cần rất nhiều kỹ


năng khác. Cho nên cần có chính sách quyết liệt hơn nữa để hạn chế tình trạng học thêm các môn học ở nhà trường, chỉ cho phép bồi dưỡng cho những học sinh yếu kém hoặc học sinh giỏi, năng khiếu để đi thi học sinh giỏi, năng khiếu các cấp, giảm áp lực học tập cho các em. Ngoài thời gian học ở trường, các em có thể tham gia nhiều hoạt động vui chơi, học các kỹ năng khác không có trong nhà trường.

Thứ năm là chính sách tuyên truyền cho người dân về vai trò và lợi ích của giáo dục: Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về vai trò và lợi ích của giáo dục mang lại cho các thành viên của hộ ở hiện tại và tương lai nhằm nâng cao ý thức giáo dục. Khi người dân có ý thức về giáo dục sẽ đầu tư cho giáo dục hợp lý, hiệu quả hơn.

5.3. Hạn chế của đề tài và hướng nghiên cứu tiếp theo.

5.3.1. Hạn chế của đề tài:

Tác giả sử dụng bộ dữ liệu của KSMS 2014 để phân tích, đến thời điểm này thực trạng về kinh tế xã hội, nhân khẩu học của hộ gia đình, của thành phố đã thay đổi nên kết quả nghiên cứu không phản ánh đúng thực trạng các yếu tố nào tác động đến chi tiêu giáo dục của hộ, vì vậy sẽ ít được vận dụng vào thực tế.

Chỉ tập trung nghiên cứu một số yếu tố cơ bản tác động đến chi tiêu giáo dục hộ dân cư, chưa xem xét hết đầy đủ các yếu tố tác động đến chi tiêu giáo dục của hộ. Đồng thời tác giả cũng chỉ phân tích các yếu tố tác động đến tổng chi cho giáo dục của hộ, chưa phân tách được các chi tiêu thành phần để phân tích sâu hơn, để từ đó có những đề xuất chính sách xác thực hơn góp phần nhỏ cùng Thành phố thực hiện thành công Nghị quyết 29 NQ/TW.

Mẫu nghiên cứu còn ít nên chưa đảm bảo được mức đại diện cho thành phố Hồ Chí Minh.

5.3.2. Hướng nghiên cứu tiếp theo:

Từ kết quả và hạn chế của đề tài, trong nghiên cứu tiếp theo tác giả sẽ bổ sung thêm các yếu tố như tình trạng hôn nhân, tuổi của chủ hộ, nghề nghiệp của hộ, giới tính của trẻ, cấp học của trẻ,… vào nghiên cứu nhằm phản ánh đầy đủ hơn các yếu tố tác động đến chi tiêu giáo dục của hộ gia đình, để kết quả nghiên cứu thuyết phục hơn, từ đó đề xuất thêm hàm ý chính sách góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục của thành phố.


KẾT LUẬN

Đề tài nghiên cứu các yếu tố cơ bản tác động đến chi tiêu giáo dục của các hộ dân cư trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu KSMS năm 2014 của TCTK Việt Nam, được trích xuất cho thành phố với dữ liệu mẫu là 195 quan sát, phân bổ trên 117 phường/xã của 24 quận/huyện của thành phố. Trên cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước liên quan, tác giả xây dựng khung phân tích và kỳ vọng các biến độc lập có tác động đến mức chi cho giáo dục của hộ dân cư. Mô hình nghiên cứu đề xuất gồm 09 yếu tố có tác động đến chi tiêu giáo dục của hộ. Bằng phương pháp thống kê mô tả và mô hình hồi quy OLS nghiên cứu đã xác định các yếu tố có tác động đến chi tiêu của hộ dân cư cho giáo dục. Kết quả cụ thể của nghiên cứu là:

Nhóm biến về đặc điểm nhân khẩu học của chủ hộ: Kết quả phân tích chỉ ra các yếu tố dân tộc, trình độ học vấn, ý thức giáo dục của chủ hộ có tác động đến mức chi cho giáo dục của hộ dân cư. Hộ dân tộc Kinh đầu tư cho việc học của các thành viên đi học nhiều hơn hộ dân tộc Hoa. Hộ dân cư có chủ hộ đạt trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên chi tiêu giáo dục cao hơn hộ có chủ hộ đạt trình độ dưới trung học. Chủ hộ nhận thức được vai trò, lợi ích của giáo dục mang lại trong tương lai cho các thành viên của hộ sẽ đầu tư cho giáo dục hợp lý, hiệu quả hơn.

Nhóm biến về đặc điểm của hộ: Kết quả biến thu nhập của hộ có tác động cùng chiều với mức chi giáo dục của hộ. Thu nhập của hộ càng cao thì chi cho giáo dục càng nhiều và ngược lại.

Nhóm biến về đặc điểm giáo dục của hộ: Kết quả nghiên cứu cho thấy hộ dân cư có thêm thành viên đi học, có thành viên đi học thêm thì cũng đầu tư nhiều hơn cho giáo dục.

Biến về trợ cấp giáo dục: Khi thành viên đi học của hộ gia dình được nhận các chính sách trợ cấp giáo dục thì mức chi cho giáo dục của hộ giảm.

Trong nghiên cứu này tác giả chưa tìm thấy mối quan hệ giữa biến phụ thuộc chi tiêu giáo dục với các biến giới tính của chủ hộ và khu vực thường trú của hộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Thị Yến Nhi, 2013. Đánh giá tác động của đặc điểm hộ gia đình đến chi tiêu giáo dục Trung học của các hộ gia đình Việt Nam. Luận văn Thạc sĩ. Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

2. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008. Phân tích dữ liệu với SPSS. NXB Hồng Đức.

3. Khổng Tiến Dũng và Phạm Lê Thông, 2014. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu cho giáo dục của người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 31 trang 81-90.

4. Lê Thanh Tòng, 2015. Đánh giá tác động của đặc điểm hộ gia đình đến chi tiêu giáo dục hộ gia đình các tỉnh ven biển vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Luận văn thạc sỹ. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Nguyễn Đình Thọ, 2013. Giáo trình phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, Nhà Xuất Bản Tài Chính.

6. Nguyễn Lưu Trung, 2017. Phân tích các nhân tố tác động đến chi tiêu giáo dục của hộ gia đình khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Luận văn thạc sỹ. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

7. Nguyễn Minh Thuấn, 2014. Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến chi tiêu giáo dục của thành thị - nông thôn Việt Nam. Luận văn thạc sỹ. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

8. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, 2014. Phân tích yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu giáo dục của các hộ gia đình ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Luận văn thạc sỹ. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

9. Phan Ka Luốt, 2017. Đánh giá tác động đặc điểm hộ gia đình đến chi tiêu cho giáo dục hộ gia đình Việt Nam. Luận văn thạc sỹ. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

10. Trần Thanh Sơn, 2012. Các nhân tố ảnh hưởng đến chi tiêu của hộ gia đình cho giáo dục ở vùng Đông Nam Bộ. Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

11. Trần Thị Tuấn Anh, 2014. Hướng dẫn thực hành Stata 12

Xem tất cả 87 trang.

Ngày đăng: 15/08/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí