của tội quấy nhiễu nhân dân, tội lạm dụng nhu cầu quân sự trong khi thực hiện nhiệm vụ…
Việc xác định khách thể trực tiếp của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là căn cứ để chia những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân thành những nhóm tội phạm khác nhau. Căn cứ vào khách thể trực tiếp, có thể chia các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân thành bảy nhóm sau đây:
+ Nhóm 1, các tội xâm phạm quan hệ chỉ huy, phục tùng bao gồm: Tội chống mệnh lệnh; Tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh; Tội cản trở đồng đội thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm.
+ Nhóm 2, các tội xâm phạm quan hệ đoàn kết nội bộ quân đội bao gồm: Tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên; Tội làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới; Tội làm nhục, hành hung đồng đội.
+ Nhóm 3, các tội xâm phạm chế độ kỷ luật chiến đấu bao gồm: Tội đầu hàng địch; Tội khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh; Tội bỏ vị trí chiến đấu; Tội vi phạm chính sách đối với thương binh, tử sỹ trong chiến đấu; Tội chiếm đoạt hoặc huỷ hoại chiến lợi phẩm; Tội ngược đãi tù binh, hàng binh.
+ Nhóm 4, các tội xâm phạm chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ bao gồm: Tội đào ngũ; Tội trốn tránh nhiệm vụ.
+ Nhóm 5, các tội xâm phạm chế độ công tác hàng ngày của quân nhân bao gồm: Tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự; Tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự; Tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự; Tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự; Tội báo cáo sai; Tội vi phạm các quy định về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban; Tội vi phạm các quy
định về bảo vệ; Tội vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện.
Có thể bạn quan tâm!
- Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn - 2
- Cơ Sở Trách Nhiệm Hình Sự Của Các Tội Xâm Phạm Nghĩa Vụ, Trách Nhiệm Của Quân Nhân
- Cấu Thành Tội Phạm Của Các Tội Xâm Phạm Nghĩa Vụ, Trách Nhiệm Của Quân Nhân
- Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn - 6
- Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn - 7
- Các Hình Thức Trách Nhiệm Hình Sự Của Các Tội Xâm Phạm Nghĩa Vụ, Trách Nhiệm Của Quân Nhân
Xem toàn bộ 224 trang tài liệu này.
+ Nhóm 6, các tội xâm phạm chế độ, quy tắc bảo quản, sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự bao gồm: Tội vi phạm quy định về sử dụng vũ khí quân dụng; Tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Tội làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
+ Nhóm 7, các tội xâm phạm quan hệ đoàn kết quân, dân bao gồm: Tội quấy nhiễu nhân dân; Tội lạm dụng nhu cầu quân sự trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, cách chia các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân theo căn cứ này chỉ có tính chất tương đối và để nghiên cứu các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong Bộ luật hình sự năm 1999 (được trình bày ở Chương II của Luận án) một cách có hệ thống. Bởi lẽ, theo căn cứ nêu trên thì tội vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện vừa thuộc nhóm tội xâm phạm chế độ công tác hàng ngày của quân nhân vừa thuộc nhóm tội xâm phạm chế độ kỷ luật chiến đấu. Mặt khác, “phạm tội trong chiến đấu” còn được quy định là tình tiết định khung hình phạt của hầu hết các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân...
Đối tượng tác động của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là bộ phận của khách thể của nhóm tội phạm này, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ [27, tr. 84]. Đối tượng của tội phạm cụ thể xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân có thể: là con người như tội cản trở đồng đội thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm, tội làm nhục, hành hung
người chỉ huy hoặc cấp trên (cấp dưới, đồng đội), tội ngược đãi tù binh, hàng binh; là vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự như tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, tội làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; là những công việc cụ thể phải làm hoặc không được làm như tội chống mệnh lệnh, tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh; là hoạt động bình thường của các đơn vị quân đội như tội đào ngũ, tội trốn tránh nhiệm vụ, tội vi phạm các quy định về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban, tội vi phạm các quy định về bảo vệ; là bí mật công tác quân sự, tài liệu bí mật công tác quân sự như tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự, tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự, tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự… Trong đó, những công việc cụ thể phải làm hoặc không được làm và hoạt động bình thường của các đơn vị quân đội có thể nói chung bằng một cụm từ là “hoạt động theo chức trách của quân nhân và những người có nghĩa vụ, trách nhiệm như quân nhân”.
Từ những phân tích nêu trên có thể nêu khái niệm đối tượng tác động của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân như sau:
Đối tượng tác động của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là bộ phận của khách thể của nhóm tội phạm này, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ thông qua việc quy định các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, bao gồm: hoạt động theo chức trách của quân nhân và những người có nghĩa vụ, trách nhiệm như quân nhân; vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự; bí mật quân sự, tài liệu bí mật quân sự.
- Mặt khách quan của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là những biểu hiện của các tội phạm này diễn ra bên ngoài, là
những yếu tố thuộc về thế giới khách quan. Tuy nhiên, những biểu hiện ra bên ngoài của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân tồn tại ở thế giới khách quan được thể hiện bởi những dấu hiệu nào, thì còn có nhiều quan điểm khác nhau. Theo PGS. TS. Prôcôpvich E. V. thì mặt khách quan của các tội phạm quân sự được thể hiện bởi các hành vi (hành động hoặc không hành động) nguy hiểm cho xã hội; và nhiều tội phạm cụ thể xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân đòi hỏi các dấu hiệu thời gian, địa điểm, thủ đoạn và hoàn cảnh phạm tội là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt [103, tr. 565]. Theo các tác giả Lê Đức Tiết, Lê Thanh Trung, Nguyễn Hữu Hùng và Nguyễn Văn Hợp, thì mặt khách quan của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là sự thể hiện dưới dạng hành vi nhất định (hành động hoặc không hành động phạm tội)[57, tr. 82]. Còn theo PGS. TS. Trần Văn Độ và TS. Nguyễn Đức Mai, thì mặt khách quan của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân được thể hiện bởi hành vi (hành động hoặc không hành động) nguy hiểm cho xã hội xâm phạm kỷ luật, sức mạnh chiến đấu, chế độ phục vụ, chế độ công tác trong quân đội; thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội [20, tr.394-395, 36, tr. 799- 800].
Như vậy, các nhà khoa học pháp lý hình sự đều thống nhất dấu hiệu về mặt khách quan của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân bao gồm: hành vi nguy hiểm cho xã hội, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội. Nghiên cứu các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của các tội phạm cụ thể xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, chúng tôi thấy:
+ Hành vi khách quan là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tất cả các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân. Trong luật hình sự, hành vi được hiểu là những biểu hiện của con người ra bên ngoài thế giới khách quan dưới những hình thức cụ thể nhằm đạt những mục đích có chủ định và có mong muốn [30, tr.94]. Theo quy định của Bộ luật hình sự, thì tội
phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội và được quy định trong Bộ luật hình sự. Do vậy, hành vi khách quan của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân có các đặc điểm: có tính nguy hiểm cho xã hội; là hoạt động có ý thức và ý chí; có tính trái pháp luật hình sự. Đối với những hành vi xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp kỷ luật quân đội. Việc phân biệt hành vi phạm tội cụ thể xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân với hành vi xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân chưa đến mức bị coi là tội phạm được thực hiện theo Quyết định số 2530/2000/QĐ-BQP ngày 02/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về xử lý kỷ luật đối với những hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi khách quan của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân có thể được mô tả hoặc chỉ được nêu tên trong điều luật cụ thể của Chương XXIII “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” Bộ luật hình sự hiện hành dưới dạng hành động hoặc không hành động. Đa số các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân được thực hiện bằng hành động và không hành động phạm tội. Tuy nhiên, có một số ít tội phạm chỉ được thực hiện bằng hành động như: Tội làm nhục, hành hung người chỉ huy; Tội làm nhục, hành hung đồng đội; Tội khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh; Tội báo cáo sai; Tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Tội chiếm đoạt hoặc huỷ hoại chiến lợi phẩm.
Chuẩn bị phạm tội cụ thể xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và phạm tội chưa đạt xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là những trường hợp chưa thực hiện đến cùng hành vi phạm tội nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, về khách quan, người phạm tội đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội và về chủ quan, việc dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị hay
chưa đạt là do nguyên nhân ngoài ý muốn, còn bản thân người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng [26, tr.152]. Người chuẩn bị phạm tội, người phạm tội chưa đạt và người phạm tội hoàn thành xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về cùng một tội danh, cùng một khung hình phạt được quy định tại cùng một điều luật của Chương “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của Bộ luật hình sự. Nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự, thì mức độ trách nhiệm hình sự của các trường hợp chuẩm bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, phạm tội hoàn thành xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân không giống nhau. Bởi lẽ, theo quy định tại các Điều 17 và 18 Bộ luật hình sự, thì: chỉ người nào chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân mới phải chịu trách nhiệm hình sự; người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) chưa đạt.
Và theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 52 Bộ luật hình sự, thì: đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội (rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng) xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá hai mươi năm tù (nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình) và không quá một phần hai mức hình phạt mà điều luật quy định (nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù có thời hạn); đối với trường hợp phạm tội chưa đạt xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, thì có thể áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình) và mức hình không quá ba phần tư mức hình phạt mà điều luật
quy định (nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù có thời hạn).
+ Hậu quả của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho khách thể của các tội phạm này. Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho khách thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân thể hiện bởi sự biến đổi tình trạng bình thường của các bộ phận cấu thành khách thể của nhóm tội phạm này. Bất cứ tội phạm cụ thể nào xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân cũng có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội và sự biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động [30, tr. 102] của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân. Nhưng không phải tất cả các cấu thành tội phạm của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân đều phản ánh dấu hiệu “hậu quả nguy hiểm cho xã hội”. Nghiên cứu các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, chúng tôi thấy:
Hậu quả nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân có cấu thành vật chất như: Tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh; Tội báo cáo sai; Tội vi phạm các quy định về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban; Tội vi phạm các quy định về bảo vệ; Tội vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trong chiến đấu hoặc trong huấn luyện; Tội vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí quân dụng; Tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Tội làm mất hoặc vô ý làm hư hỏng vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Tội vi phạm chính sách đối với thương binh, tử sĩ trong chiến đấu; Tội lạm dụng nhu cầu quân sự trong khi thực hiện nhiệm vụ. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về hầu hết các tội phạm này, thì hậu quả do hành vi phạm tội gây ra phải là hậu quả nghiêm trọng. Riêng đối với tội huỷ hoại vũ khí, thì chỉ cần có thiệt hại (vũ khí bị huỷ hoại hoặc bị mất) là đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự; còn trường hợp số lượng vũ
khí bị mất hoặc bị huỷ hoại (bị coi là thiệt hại nghiêm trọng) thì bị coi là tình tiết định khung hình phạt của tội phạm này. Bởi lẽ, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-TANDTC- VKSNDTC- BCA-BTP-BQP ngày 11/8/2003
của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XXIII “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của Bộ luật hình sự năm 1999, thì chỉ các trường hợp huỷ hoại hoặc làm mất số lượng vũ khí sau đây mới bị coi là gây thiệt hại nghiêm trọng: từ 3 đến 10 khẩu súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên; từ 1 đến 5 khẩu súng bộ binh khác như trung liên, đại liên, súng máy cao xạ 12,7 ly đến 25 ly, súng B40, B41; từ 5 đến 15 quả mìn, lựu đạn; từ 3 đến 10 quả đạn cối, đạn pháo; từ 300 đến 1.000 viên đạn bộ binh cỡ 11,43 ly trở xuống; từ 200 đến 600 viên đạn súng máy cao xạ cỡ 12,7 ly đến 25 ly; từ 10 đến 30 kg thuốc nổ các loại; từ 1.000 đến 3.000 nụ xuỳ hoặc ống nổ; từ 3.000 đến 10.000 m dây cháy chậm, dây nổ v.v…[61, tr. 7]. Như vậy, trường hợp gây thiệt hại dưới mức nêu trên thì không bị coi là gây thiệt hại nghiêm trọng và không bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 mà chỉ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 334 Bộ luật hình sự.
Tính chất và mức độ của hậu quả do hành vi phạm tội cụ thể xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân gây ra được xác định bởi: tính chất và mức độ biến đổi đối tượng tác động của tội phạm; hoặc những đặc điểm (về chất và lượng) của chính đối tượng tác động đã bị hành vi xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân làm biến đổi tình trạng. Tính chất và mức độ của hậu quả do hành vi phạm tội cụ thể xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân gây ra là căn cứ để chia các tội phạm này thành: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.