Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn - 6


Việc chia các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân thành các tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có ý nghĩa rất lớn đối với việc áp dụng các quy định của Phần chung của Bộ luật hình sự về nguyên tắc xử lý, tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, điều kiện áp dụng một số loại hình phạt đối với người phạm tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân…

Vì hậu quả phải do hành vi phạm tội gây ra, tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của tội phạm [61, tr. 7]. Cho nên, phải coi mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của tội phạm cũng là dấu hiệu thuộc mặt khách quan của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân (nêu trên) có cấu thành tội phạm vật chất.

+ Thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội được Bộ luật hình sự quy định là những tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt của một số tội phạm cụ thể xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân. Trong đó:

Thời gian phạm tội cụ thể xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là thời kỳ cụ thể phản ảnh bằng các sự khiện chính trị- quân sự . Các yếu tố thuộc thời gian phạm tội được quy định tại Chương các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là “phạm tội trong thời chiến”, “phạm tội trong chiến đấu”. Phạm tội trong thời chiến là phạm tội trong khoảng thời gian đang có chiến tranh ở nước ta [61, tr. 7], được quy định là tình tiết định khung hình phạt của tội trốn tránh nhiệm vụ. Phạm tội trong chiến đấu là phạm tội trong thời gian người phạm tội đang trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu [61, tr. 6], được quy định: là tình tiết định tội của tội đầu hàng địch, tội bỏ vị trí chiến đấu và tội vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trong chiến đấu; là tình tiết định khung của tội


chống mệnh lệnh, tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh, tội cản trở đồng đội thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm, tội vi phạm các quy định về trực chiến, trực chỉ huy, trực ban và tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

Địa điểm phạm tội cụ thể xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân được hiểu là khu vực lãnh thổ nhất định mà ở đó có sự kiện phạm tội xảy ra. Tại Chương “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của Bộ luật hình sự quy định “phạm tội trong khu vực có chiến sự”, “phạm tội trong khu vực đã có lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp” là các yếu tố thuộc về địa điểm phạm tội. Phạm tội trong khu vực có chiến sự là phạm tội trong khu vực đang có các hoạt động tác chiến giữa ta và địch [61, tr. 6], được quy là tình tiết định khung hình phạt của tội chống mệnh lệnh, tội chấp hành không nghiêm chỉnh mệnh lệnh, tội cản trở đồng đội thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm, tội vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí quân dụng, tội huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, tội quấy nhiễu nhân dân. Phạm tội trong khu vực đã có lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp được quy định là tình tiết định khung hình phạt của tội quấy nhiễu nhân dân.

Hoàn cảnh phạm tội cụ thể xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân được hiểu là một trong những điều kiện khách quan mà trong đó tội phạm xảy ra, được người phạm tội sử dụng để đạt được mục đích phạm tội của mình hoặc là sự tập trung các tình tiết cho thấy tính nguy hiểm cho xã hội lớn hay nhỏ của tội phạm hay của người phạm tội [11, tr. 376]. Các yếu tố thuộc hoàn cảnh phạm tội được quy định tại Chương “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của Bộ luật hình sự là “khi bị bắt làm tù binh”, “khi thu dọn chiến trường” và “khi thực hiện nhiệm vụ”. Phạm tội “khi bị bắt làm tù binh” được quy định là tình tiết định tội của tội khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh. Phạm tội “khi thu dọn chiến


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 224 trang tài liệu này.

trường” được quy định là tình tiết định tội của tội chiếm đoạt hoặc huỷ hoại chiến lợi phẩm. Còn phạm tội “khi thực hiện nhiệm vụ” được quy định là tình tiết định tội của tội lạm dụng nhu cầu quân sự trong khi thực hiện nhiệm vụ.

+ Phương pháp phạm tội cụ thể xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là cách thức mà người phạm tội sử dụng để thực hiện tội phạm. Tại Chương “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của Bộ luật hình sự “tự gây thương tích, gây tổn hại cho sức khoẻ của mình hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác” được coi là phương pháp (thủ đoạn) phạm tội và là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội trốn tránh nhiệm vụ.

Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn - 6

Nghiên cứu quan điểm của các nhà khoa học về các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, chúng tôi đồng tình với quan điểm GS. TSKH. Lê Văn Cảm cho rằng, mặt khách quan của tội phạm có chín dấu hiệu, trong đó có một dấu hiệu bắt buộc (là hành vi nguy hiểm cho xã hội) và tám dấu hiệu tuỳ nghi là hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả phạm tội, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh, phương pháp (thủ đoạn), công cụ và phương tiện phạm tội [11, tr. 345]. Và quan điểm của GS.TS. Đỗ Ngọc Quang cho rằng, mặt khách quan của tội phạm gồm các dấu hiệu: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả phạm tội, công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội [37, tr. 93- 108].

Từ kết quả của việc phân tích những dấu hiệu thuộc mặt khách quan của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, chúng tôi khái niệm mặt khách quan của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân như sau:


Mặt khách quan của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là những biểu hiện của các tội phạm này diễn ra bên ngoài, bao gồm: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả nguy hiểm cho xã hội, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh, phương pháp thủ đoạn phạm tội.

- Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi do pháp luật quy định [25, tr. 114]. Đa số các nhà khoa học luật hình sự Việt Nam cho rằng, điều kiện xác định chủ thể của tội phạm là con người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật hình sự quy định [38, tr. 110, 25, tr. 114, 53, tr. 195]. Riêng GS. TSKH. Lê Văn Cảm cho rằng, các dấu hiệu “cần và đủ, bắt buộc và do luật hình sự quy định” sau đây là điều kiện của chủ thể của tội phạm: có năng lực trách nhiệm hình sự; đủ tuổi do pháp luật quy định; thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội; hành vi đó bị luật hình sự cấm; có lỗi [11, tr. 358].

Nghiên cứu các quan điểm nêu trên về các dấu hiệu của chủ thể của tội phạm, chúng tôi thấy: đa số các nhà khoa học chỉ đề cập tới điều kiện cần để trở thành chủ thể của tội phạm; riêng GS. TSKH. Lê Văn Cảm đề cập tới tất cả các điều kiện “cần và đủ, bắt buộc và do luật hình sự quy định” của chủ thể tội phạm. Chúng tôi đồng tình với các quan điểm nêu trên và cho rằng, điều kiện cần để coi là chủ thể của tội phạm là có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do pháp luật hình sự quy định.

Tuỳ theo truyền thống lập pháp của mỗi quốc gia mà dấu hiệu chủ thể các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân được quy định là một nội dung của khái niệm các tội phạm này hoặc là phạm vi đối tượng bị áp dụng các quy định về các tội phạm này. Ví dụ:


Bộ luật hình sự nước Cộng hoà Liên bang Xô viết Nga năm 1960 quy định dấu hiệu đặc thù của chủ thể các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân tại Điều 237 (Khái niệm các tội phạm quân sự) là “quân nhân, những người có nghĩa vụ quân sự trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra sẵn sàng chiến đấu…, quân nhân phục vụ trong các cơ quan đơn vị thuộc lực lượng an ninh quốc gia” [102, tr. 128]. Bộ luật hình sự Liên bang Nga cũng quy định dấu hiệu đặc thù của chủ thể các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm quân nhân theo phương pháp nêu trên tại Điều 331 (Khái niệm các tội xâm phạm chế độ phục vụ trong quân đội) như sau: “1. Các tội xâm phạm chế độ phục vụ trong quân đội… do quân nhân phục vụ trong quân đội theo giấy gọi hoặc hợp đồng trong các đơn vị thuộc Lực lượng vũ trang Liên bang Nga, cũng như những công dân đang ở trong diện dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện. 2. Những người xây dựng trong các đơn vị xây dựng của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, các bộ và cơ quan ngang bộ khác của Liên bang Nga cũng chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm chế độ phục vụ trong quân đội. 3. Trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm chế độ phục vụ trong quân đội thực hiện trong thời chiến hoặc trong hoàn cảnh có chiến sự do pháp luật thời chiến của Liên bang Nga quy định” [35, tr. 144].

Bộ luật hình sự Vương quốc Thuỵ Điển lấy chủ thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân để đặt tên chương là “Các tội do thành viên các lực lượng vũ trang thực hiện” và giải thích tại các Điều 1 và 3 Chương 21 Bộ luật này là “Các quy định tại Chươnng này, được áp dụng khi Vương quốc được tuyên bố đặt trong tình trạng chiến tranh; tất cả những người có nghĩa vụ phục vụ trong các lực lượng vũ trang đều được hiểu là thành viên của các lực lượng vũ trang” [98, tr. 171].


Bộ luật hình sự nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa quy định dấu hiệu đặc biệt của chủ thể các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân dưới dạng phạm vi đối tượng áp dụng là “Chương này được áp dụng cho những học viên trong quân đội, binh sỹ, sỹ quan của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và những học viên, binh sỹ, cán bộ, sỹ quan của bộ đội lực lượng vũ trang và cả những sỹ quan dự bị và những nhân viên khác” [15, tr. 71].

Nghiên cứu quy định trong Bộ luật hình sự của các nước nêu trên, chúng tôi thấy dù theo cách nào, thì các nước này đều liệt kê chủ thể các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong luật hình sự. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự của Liên bang Nga, Vương quốc Thuỵ Điển chỉ giới hạn phạm vi thời gian bị coi là chủ thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân là trong thời bình. Còn trong thời chiến, thì ai bị quy định là chủ thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân sẽ do pháp luật thời chiến của các nước đó quy định.

Điểm khác nhau cơ bản giữa quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam với quy định của Bộ luật hình sự Liên bang Nga và Vương quốc Thuỵ Điển là giới hạn thời gian và không gian bị coi là chủ thể của các tội phạm này. Bộ luật hình sự Việt Nam áp dụng cho cả trong thời bình và thời chiến cho nên trong một số điều luật, tình tiết “phạm tội trong thời chiến, phạm tội trong khu vực có chiến sự, phạm tội trong chiến đấu” được quy định là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt.

Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam có chủ thể đặc biệt. Chủ thể các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân được quy định ngay tại Chương “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của Bộ luật hình sự


theo phương pháp liệt kê trong một điều luật cụ thể quy định những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm này [45, tr. 229-230]. Theo quy định tại Điều 315 Bộ luật hình sự, thì những người sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân: quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội, dân quân, tự vệ phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

+ Quân nhân tại ngũ là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phục vụ trực tiếp trong quân đội, bao gồm sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sỹ. Trong đó:

Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam là cán bộ quân đội được Nhà nước phong quân hàm cấp tướng, cấp tá, cấp uý. Theo luật về sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, thì sĩ quan gồm: sỹ quan cấp tướng (Đại tướng; Thượng tướng, Đô đốc hải quân, Trung tướng, Phó đô đốc Hải quân, Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc hải quân; sỹ quan cấp tá (Đại tá, Thượng tá, Trung tá, Thiếu tá; và sỹ quan cấp uý (Đại uý, Thượng uý, Trung uý, Thiếu uý) [46, tr. 14].

Quân nhân chuyên nghiệp là quân nhân có trình độ chuyên môn kỹ thuật cần thiết cho công tác chỉ huy chiến đấu, bảo vệ chiến đấu, xây dựng quân đội và tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội. Tuỳ theo trình độ đào tạo, quân nhân chuyên nghiệp được chia thành quân nhân chuyên nghiệp sơ cấp, trung cấp và cao cấp kỹ thuật nghiệp vụ. Quân nhân chuyên nghiệp có các bậc quân hàm: Thượng tá chuyên nghiệp, Trung tá chuyên nghiệp, Thiếu tá chuyên nghiệp, Đại uý chuyên nghiệp, Thượng uý chuyên nghiệp, Trung uý chuyên nghiệp, Thiếu uý chuyên nghiệp, Chuẩn uý chuyên nghiệp và Thượng sỹ chuyên nghiệp [13].


Hạ sĩ quan và binh sỹ là quân nhân có bậc quân hàm binh nhì, binh nhất, hạ sỹ, trung sỹ và thượng sỹ. Công dân nam giới đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ và công dân nam giới đủ 17 tuổi được nhận vào học ở các trường quân đội là binh sỹ.

Thời gian tại ngũ của quân nhân được bắt đầu từ thời điểm nhập ngũ và kết thúc vào các thời điểm: nhận quyết định ra quân trong các trường hợp phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc, nghỉ hưu, nghỉ mất sức hoặc nghỉ việc theo các chế độ, chính sách xã hội khác; cắt quân số trong các trường hợp đào ngũ, vắng mặt trái phép; bị tước danh hiệu quân nhân trong các trường hợp vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm pháp luật [44, tr. 11-12, 62, tr. 77- 78].

Là người trực tiếp phục vụ trong quân đội cho nên, quân nhân tại ngũ phải chấp hành nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Do vậy, quân nhân tại ngũ phải chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội phạm hình sự trong đó có các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.

+ Quân nhân dự bị là quân nhân phục vụ trong ngạch dự bị sẵn sàng bổ sung cho lực lượng quân đội thường trực, bao gồm sỹ quan dự bị và hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị [44, tr. 22, 45, tr. 32]. Quân nhân tại ngũ và quân nhân dự bị tuy là những thành tố cấu thành Quân đội nhân dân, bởi lẽ theo quy định của Luật quốc phòng, Quân đội nhân dân bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên (quân nhân dự bị). Quân nhân tại ngũ và quân nhân dự bị có sự khác nhau cơ bản sau đây:

Thứ nhất, quân nhân tại ngũ là người đang phục vụ tại ngũ trong các đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam. Còn quân nhân dự bị được tổ chức thành các đơn vị dự bị động viên (sẵn sàng bổ sung cho các đơn vị Quân đội)

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/06/2022