ÔNG CHÀY – BÀ CHÀY
(Dân tộc H’mông)
Truyện kể rằng, ngày xưa chưa có loài vật và cây cỏ, trái đất và bầu trời cũng chưa có. Sống trong còi mông lung, vua trời rất buồn. Vua liền cử bà Chày sinh ra mặt đất, ông Chày sinh ra bầu trời.
Lúc mới được tạo ra, mặt đất hình vuông, bốn góc phẳng phiu lại rất rộng lớn, không lấy gì ước lượng nổi. Bầu trời thì tròn, hình vòm và hẹp hơn mặt đất nhiều.
Ông Chày từ bầu trời nhìn xuống nói với bà Chày:
- Tôi sinh ra bầu trời, bầu trời hình vòm mà hẹp. Bà sinh ra mặt đất, mặt đất phẳng mà quá rộng. Bầu trời không nhìn khắp mặt đất được. Mặt đất hãy co lại đi để bầu trời - mặt đất nhìn hết được nhau.
Nghe lời ông Chày, bà Chày nắn lại mặt đất cho khớp với bầu trời. Mặt đất quá rộng, nay phải co lại nên nhăn nhúm, sinh ra nhiều chỗ lồi lòm, gập ghềnh. Chỗ lún sâu thì sâu quá, chỗ trồi lên cao lại cao quá! Chỗ sâu thành biển hồ. Chỗ cao thành đồi núi.
Đang lúc nắn lại như thế, mặt đất bỗng thấy đau râm ran khắp mình mẩy, chỗ nào cũng thấy nhức nhối, mệt mỏi, tựa hồ bị ai đánh. Cơn đau mỗi lúc một tăng, không làm xoa dịu đi được. Cơn đau âm ỉ kéo dài…
Bỗng mặt đất chuyển mình giật thót. Một chỗ căng phồng lên, mặt đất tức thở, như mê đi và chỗ đó bị nứt. Đứa gái Gầu A, đứa trai Dầu Âu chui ra từ chỗ căng phồng, nứt nẻ đó. Cơn đau dịu dần, tan mất. Mặt đất tỉnh lại thở phào nhẹ nhòm. Thì ra đất trở dạ sinh nở. Đẻ sinh đôi một đực một cái. Gầu A, Dầu Âu ngửa mặt lên nhìn bầu trời, hít một hơi, hít hai hơi dài. Cơ thể lớn phổng lên như gió thổi, cao dần, cao mãi tưởng đụng vòm trời! Hai người đều
Có thể bạn quan tâm!
- Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam - 20
- Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam - 21
- Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam - 22
- Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam - 24
Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.
trẻ, khoẻ và thích làm việc. Họ bàn nhau cùng ông bà Chày tu sửa bầu trời, mặt đất.
Ở bên nhau, Gầu A không biết sinh con như người ta bây giờ, chín tháng đẻ ở ngón chân ra hai con là Chề Tù, Chề Blù. Lớn không, Chề Tù được giao việc trông coi bầu trời. Chề Blù cai quản mặt đất.
Ông bà Chày, Gầu A, Dầu Âu, Chề Tù, Chề Blù đều là những người chăm chỉ, biết lo lắng công viêc. Nhưng việc xây dựng bầu trời, mặt đất lớn lao quá nên họ làm việc không lúc nào ngơi tay mà vẫn thấy bề bộn, lung túng. Chử Làu (hoặc Dư Nhưng, vua trời) nhìn xuống thấy vậy liền cử thêm con gái là Giàng Dua, con trai là Giàng Dự xuống giúp họ.
Bầu trời lúc mới tạo ra không có tia sáng, lúc nào cũng tối om và lạnh lẽo. Mặt đất mềm nhẽo, nát như đậu phụ. Việc đi lại còn gặp nhiều khó khăn, Chử Làu vội làm mười mặt trời mang theo rất nhiều tia lửa tung xuống để nung khô mặt đất, soi sáng ban ngày. Lại làm mười mặt trăng soi sáng ban đêm. Nhưng khi tung mặt trăng, vì vội quá làm cho chúng va vào nhau vỡ mất một cái còn chin. Những mảnh vụn của mặt trăng vỡ ra thành ngàn vạn vì sao ly ty, dính vào vòm trời.
Mặt trời thả lửa bảy năm liền, mặt đất khô rồi rắn lại. Lúc ấy Chử Làu thả cỏ cây xuống cho xanh tươi mặt đất, lại thả thêm muôn loài động vật khác cho mặt đất đỡ vắng lặng, u buồn. Nhìn cỏ cây xanh núi, xanh đồi trời thấy vừa lòng. Nhìn lũ thú vật đi lại, chạy nhảy, Chử Làu lại làm ra loài sinh vật mới, thật đặc biệt rồi cho hồn vào bụng để tiếng nói ở cổ họng và thổi hơi cho sống. Đó là loài người, tổ tiên của chúng ta ngày nay.
Loài người nhìn các ngôi sao lấp lánh lại sợ các mảnh đó rơi vỡ gây tai nạn giết hại mình, mới xin Chử Làu cất đi. Vua trời thấy các vì sao đẹp, không chiều theo ý muốn của người mà lại tạo ra một màng xanh ngăn giữa mặt đất và bầu trời để loài người vẫn yên tâm mà vẫn ngắm được các vì sao
nhấp nháy, vui mắt kia. Vạn vật phát triển nhanh chóng, chẳng mấy chốc mặt đất đã nhộn nhịp, đông vui.
Trong các loài chim thì Sáo là giống láu lỉnh nhất. Tính hay đùa cợt, gặp ai cũng trêu, thậm chí nó đã to gan động chạm đến ông bầu trời bà mặt đất. Thấy hai người gần nhau mà chẳng chung sống, Sáo liền gợi tình. Bà đất cũng ưng, bầu trời cũng muốn. Bà đợi ông đến tìm, ông đợi bà đến gặp. Còn đối với Sáo, đó chỉ là cuộc đùa vui, nên Sáo bỏ lửng câu chuyện, làm hai bên hiểu lầm nhau.
Bầu trời tức giận, bay vút lên cao. Bà đất thấy vậy vội chạy theo, nhưng không sao dâng núi lên cao kịp bầu trời. Bầu trời mặt đất tuy đã nhìn thấy nhau nhưng đã xa nhau đến nỗi không bao giờ trở lại với nhau được nữa. Họ nhà chim không bằng lòng về việc làm không tốt đó của Sáo liền họp nhau lại bóp bẹp lưỡi Sáo để xử phạt. Lười bị bóp bẹp, Sáo hết nói năng đùa cợt lảm nhảm…
Trích truyện “ông Chày – bà Chày” trong “Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, tập 1: thần thoại - truyền thuyết”, Nguyễn Thị Huế, Trần Thị An (ST) (2000), tr 155-157.
BOK KƠI DƠI – BOK SƠGOR
(Dân tộc Bana)
Khi chưa có trời đất, vũ trụ, đã có hai vị thần. Thần nam là Bok Kơi Dơi, thần nữ là Iako Nkeh. Iako Nkeh dùng cám vắt ra trời đất. Bok Kơi Dơi thì làm ra mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Họ sống chung với nhau, sinh được ba người con. Con cả là Ia Pôn ở lại làm thần Trời, hai anh em nam nữ Ia Bok xuống trần gian trở thành tổ tiên của loài người. Họ được ông bà Bok Kơi Dơi, Iakonkeh cho các giống cây cỏ, chim muông, thú vật xuống làm vui cho mặt đất.
Hai ông bà Ia Bok có nhiều con cháu. Phần đông họ đều chăm chỉ, nhưng cũng có người xấu tính xấu nết, gây nên nhiều chuyện không tốt dưới trần, tiếng lan đến trời. Bok Kơi Dơi giận, làm mưa suốt mấy ngày, gây nên đại hồng thuỷ, loài người chết hết, chỉ có hai anh em nam nữ kia trốn vào một cái trống, mang theo giống vật mỗi thứ một cặp. họ thoát nạn lụt nên được gọi là Bok Sơgor (ông bà tránh nạn trong trống). Khi nước rút, họ chui ra, thả các thú vật. Mặt đất lại nảy nở các giống chim muôn. chỉ có lương thực là họ đã ăn hết khi trốn trong trống rồi. Một con kiến mang lại cho họ một hạt lúa thần, gieo xong thì được một mùa lúa tốt tươi. mỗi hạt lúa nấu được một nồi cơm.
Anh em Bok Sơgor lấy nhau, sinh được 18 người con: 7 trai, 11 gái. những chị em gái này đều lấy anh em trai của mình nên sinh con không biết ai là cha, chỉ biết có mẹ. Gia đình đông đúc, họ chia nhau vào rừng sâu kiếm gỗ về làm nhà, đi nhiều hướng nên lạc nhau. Người anh cả đánh chiêng trống để gọi anh em con cháu về. Họ quyết tâm ở cho gần nhau, dựng nhà rông làm nơi tụ hội. nhà vừa làm xong thì đổ giông bão suốt mấy ngày, câu cối đổ ngổn ngang, mỗi người tìm một chỗ trốn tránh. Lúc quay lại nhà rông thì lạ thay, mỗi người nói một thứ tiếng, không hiểu nhau nữa. Họ ôm lấy nhau khóc lóc
rồi chia tay, những người cùng nói cho mình hiểu được đi về một phía lập cơ ngơi của mình. Người đi về đồng bằng thành người Kinh. Những người khác ở các nơi thành tổ tiên các dân tộc Gia Raim, Xê đăng, Ê đê…Người ở lại nhà rông sồng với con trưởng của Bok Sơgor là người Bana bây giờ. Bok Sơgor thương những con cháu ở vùng thấp là chỗ đất đai mới lạ nên cho thêm một ít giống. Vì thế mà người Kinh có nhiều gạo, muối, vải hơn người Thượng.
Trích trong “Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam tập 1: Thần thoại, truyền thuyết”, Nguyễn Thị Huế, Trần Thị An (ST)(2000)tr 79 – 80.
Khảo dị: TRUYỆN ÔNG BÀ TRỐNG
Khi xưa khi chưa có trời đất, thần Bok Kơi Dơi làm ra trời đất trăng sao và muôn vật, trong đó có loài người.
Về sau trong đám con cháu có người tên là Bok Plai, là một gã hoang dâm vô độ. Một hôm dùng thuốc mê dỗ dành được Bia Phu là con gái vua Rơh. Sau chuyện vỡ lở, vua Rơh giết chết Bok plai. Tình nhân chết, Bia Phu không tìm được người vừa lòng mới lấy một con ngựa, rồi bị thủng bụng mà chết. Vua Rơh tức giận, giết ngựa lấy lòng ăn thịt, còn da đem bịt trống đánh chơi. Nào ngờ khi đem trống ra đánh thì trong làng từ bé đến lớn đều nổi lòng dâm dục, bày ra một cảnh tượng kỳ quái. Biết sự chẳng lành, vua Rơh bèn truyền quăng trống xuống sông cho mất tích. Nhưng trống trôi đến đâu, hễ có người vớt lên đánh, thì lại diễn ra cái tuồng dâm ô. Lần lượt làng này qua làng khác, người ta trở nên xấu xa, nhơ nhuốc.
Bok Kơi Dơi thấy vậy lấy làm căm tức, mới làm mưa tuôn mấy ngày thành một trận đại hồng thuỷ, thiên hạ chết hết. Chỉ có hai anh em nọ, tính nết hiền lành, được Bok Kơi Dơi bảo tránh nạn vào trong một cái trống và đem theo đủ các loài thú vật, mỗi giống một cặp đực cái. Vì thế người ta gọi cặp
anh em đó là Bok Xơgor (ông bà tránh nạn trong trống). Bềnh bồng trên mặt nước độ chừng trên một tháng, Ia Bok Xơgor mới thả thử một con chim bồ câu ra thời nó bay luôn không vê, lại thả thêm một con quạ nữa đến khi nó bay trở lại thì chân nó có bùn. Hai anh em biết nước rút xuống rồi, mới chui ra ngoài trống và thả các giống vật ra. Số hạt giống hai anh em mang theo đã ăn hết, họ nhờ có con kiến đen mang lại cho một hạt lúa thần, đem gieo thì ngày hôm sau lúa mọc lên đầy đồng mênh mông, mỗi hạt lúa có thể nấu đầy một nồi cơm và ăn no một bữa.
Hai anh em ở trống chui ra là hai người con sống sót trên mặt đất nên phải lấy nhau. Họ sinh được 18 người con, 7 trai 11 gái. Số trai gái không bằng nhau nên các anh em trai phải lần lượt thay phiên nhau lấy các chị em gái. Do đó mà con họ đẻ ra chỉ biết có mẹ mà không biết cha là ai.
Khi con cháu ông bà trống đã đông đảo họ mới cùng nhau dựng lên một cái nhà gác cao lớn, nóc lên gần tới trời. Người anh cả chỉ huy công việc, ngồi trên nóc sườn nhà vừa dựng xong, sai bảo các em mỗi người một việc. Nhưng từ đó tiếng nói của người anh cả vang xuống không ai hiểu được nữa. người anh cả sai một đường, các em làm một nẻo, không hiểu được tiếng nói của nhau nữa. Tức mình, người anh cả quát ầm ĩ, song cả bọ chỉ nhe răng cười vì mỗi người đã nói mỗi khác. Người anh cả đánh đạp, họ bỏ chạy tán loạn, đi mỗi người mỗi ngả. kẻ nói tiếng Bana thì đi đến xứ Bana, những người nói tiếng khác nữa thành ra tổ tiên của các dân tộc miền núi Gia Rai, Xê đăng, Ê Đê, Raglai… Chỉ có người con cả nói tiếng Kinh thì ở lại với cha mẹ nên người Việt (Kinh) thành ra khôn ngoan và giàu có hơn các em.
Trích trong “Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam tập 1: Thần thoại, truyền thuyết”, Nguyễn Thị Huế, Trần Thị An (ST)(2000), tr 80-81.
SÁNG TẠO LOÀI NGƯỜI
(Dân tộc Lô Lô)
Kết dơ (Thượng đế) tạo ra trời trắng và đất đen. Thuở trời đất chưa phân chia, không có ngày và đêm, mặt trời và mặt trăng không chiếu sáng. Lúc đó chưa có con người trên mặt đất. Chính Kết dơ và Cagie đã phân chia ra trời đất. Họ dùng bùn để làm ra người, lấy đất từ phương Tây đem qua phương Đông để nặn, nhưng đang dang dở thì trời tối. Qua ngày sau họ nhận thấy tượng nặn hôm qua đã bị ai phá, và hai đêm liền như thế. Họ nặn đến lần thứ ba, rồi để ý coi chừng, đến nửa đêm thấy thần Đất hiện ra hỏi họ làm gì? Họ trả lời: - Chúng tôi nặn một con người.
Thần đất nói: Đất này là của tôi, nếu các ngươi mượn để nặn con người thì trong bao nhiêu năm sẽ hoàn lại?
Họ đáp: Trong sáu mươi năm. Do đó con người chỉ trong vòng 60 năm rồi phải chết để trả lại hình hài cho Đất.
Hai người Nam, Nữ đầu tiên xuất hiện trên mặt đất không có cha mẹ vì họ do đất nặn ra. Tự cho là anh em, muốn lấy nhau, mỗi người đứng trên một ngọn núi lăn xuống một hòn đá. Hòn đá của người con gái lăn xuống dưới thấp, hòn đá của người con trai lăn theo chồng lên. Họ lại lăn hai cái sang, kết quả cũng như trước. họ lại lấy mỗi một chiếc giày tung lên không, hai chiếc giày cũng rơi xuống dính liền với nhau. Hai người lại đốt lửa trên hai quả núi, khói bay lên trời quấn quit lấy nhau. Sau đó hai người kết làm vợ chồng. Người đàn bà đẻ ra một quả bầu đầy hột, mỗi hột hoá thành một người.
Đó là sự tích Kết dơ và Cagie phân chia trời đất, và hai người đàn ông đàn bà đầu tiên sinh đẻ ra loài người chúng ta ngày nay.
Trích trong “Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam tập 1: Thần thoại, truyền thuyết”, Nguyễn Thị Huế, Trần Thị An (ST)(2000), tr187.
VŨ TRỤ THUỞ KHAI SINH
(Dân tộc Xê đăng)
Ngày xưa ở vùng núi Ngọc Ang có ông Rờ Xí, người cao lớn như trái núi. Ông đi khắp thế gian và chỗ nào ông qua, mặt đất trở nên lồi lòm, đó là các vùng núi bây giờ. Một lần ngồi nghỉ ăn trầu, ông lấy chân khua mặt đất, lập tức vùng đồng bằng mênh mông hiện ra. Những dòng sông, dòng suối là vết ông Rờ Xí quờ tìm cái đánh lửa. bầu trời ngày xưa trùm xuống mặt đất, nhờ ông Rờ Xí lấy lưng đỡ nên bầu trời không trùng xuống nữa. Ông đứng rất lâu nên một dấu chân ông ở vùng Đak Tam Lung, dấu chân kia ở mãi vũng Quy Nhơn.
Trích trong “Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam tập 1: Thần thoại, truyền thuyết”, Nguyễn Thị Huế, Trần Thị An (ST)(2000), trang 223.