Khái Niệm Văn Hóa Tộc Người, Không Gian Văn Hóa Tộc Người Và Không Gian Văn Hóa Thái


sẵn có như gỗ, tre nứa lá lợp … tựa lưng vào núi và quay mặt ra cánh đồng. Ngôi nhà sàn là không gian cho một “cộng đồng nhà” với hai đến ba thế hệ cùng sinh sống. Nhiều nóc nhà tập trung thành bản, nhiều bản chung thành mường phân bố dọc theo các con suối và các thung lũng núi.

Về văn hóa tinh thần, trong tín ngưỡng tâm linh, “tại các tổ chức xã hội mang tên Mường (…), người Thái theo một trong những tục thờ có nghi thức thờ nước (nặm) và đất (đin) gọi là cạn (bốc). Nước có biểu tượng thần chủ là con rồng (tô luông) mang tên chủ nước (chảu nặm); đất có biểu tượng thần chủ là loài chim, ở núi, mang tên chủ đất (chảu đin). Hai biểu tượng thần chủ là rồng – chim cũng là mẹ - cha của mường. Tục thờ này nằm trong toàn bộ nghi lễ chung gọi là cúng mường. Ngoài ra họ còn thờ thần núi Thần Núi và linh hồn người làm cột trụ” [45,tr.215]. Người Thái nhiều vùng ở nước ta còn thờ vật tổ là rắn như vùng Điện Biên, Yên Bái… vì ông tổ của họ được chính sử ghi là Lò Lẹt, hiệu là Ngưu Hống (phiên âm của từ ngu hău trong tiếng Thái có nghĩa là con rắn hổ mang). Cho đến ngày nay vẫn còn những dòng họ kiêng ăn thịt rắn, thậm chí thịt lươn (như họ Vì ở Yên Bái..) vì họ coi đó là vật tổ của mình.

Trong quan niệm về thế giới, người Thái cho rằng có sự tồn tại của 3 mường: Mường Phạ (Mường Then) là mường của các vị then; Mường Lùm hay (Mường Lum) là Mường Người; Mường Boọc Đai (bọoc đai nghĩa là trong lòng đất) là mường Âm Phủ.

“Người Thái coi vòm trời nơi ta có thể nhìn thấy được là “trời”, còn còn ở phía tầng trên – ngoài vòm trời – là Mường Phạ” [47, tr.327]. Mường này còn có tên là Mường Tung, Mường Hoàng, gọi tắt là Mường Tung Hoàng, bởi thế có câu “Mường Tung Hoàng ở ngoài vòm trời” (Mương Tung Hoàng nọ phạ). Cõi linh thiêng này bao gồm các đẳm, các mường, các vùng được phân chia theo cấp bậc, là nơi trú ngụ của linh hồn tổ tiên từ dân nghèo tới quý tộc. Nhưng cao hơn


cả là Mường Then, nơi trú ngụ của 34 vị then (12 then được ngồi trên giường và 22 then anh em ngồi dưới chầu chực). Các Then sáng tạo ra muôn loài vì vậy được ở vào vị trí tối cao.

Quan niệm về mường Âm Phủ được người Thái nhắc đến trong một số bài hát tang ma và nhiều chuyện kể dân gian. “Trong lời hát tiễn đưa người trần về Mường Then qua đỉnh Pu Quai của người Thái Mường Lò có đoạn:

Đến đây rồi, nhìn lên trời thấy mịt mờ mây đen vần vũ Dưới gầm trời nơi đây thiên hạ gọi Pu Quai

Đường lên Mường Then vẫn còn xa lắm…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

Thầy cúng sẽ hát đưa hồn đi thêm một chặng nữa, qua các địa danh (không có trong thực tại) mang tên Lôm Pha Phốc Pha Phàn, Lôm Huông, Lôm Quang… thì đến “tì dạp phạ dạp đẻn phỉ đẻn cốn” - tức là ngã ba phân định giữa mường trời, mường người và mường âm phủ” [51]. Mường Âm Phủ có tên tiếng Thái là Mường Bọoc Đai, có khi còn được gọi là Mường Nước. Đó là thế giới của Phi Ngựa (tiếng Thái là ngựa có nghĩa là thuồng luồng) ở sâu dưới những vực nước. Ngày nay người Thái ở Con Cuông (Nghệ An) vẫn coi vực Tả Bó ở Yên Khê hay Văng Cụa nằm trên một khúc sông Lam là những vực thuồng luồng như thế.

Mường Người nằm giữa Mường Trời và Mường Âm Phủ. Khi chết đi, thầy cúng phải hát những bài hát đưa linh hồn lên đúng Mường Trời, nếu không khi tới “ngã ba” giữa ba mường, linh hồn có thể bị lạc mà không lên Mường Trời được nữa. Cũng có khi hồn vía người đang sống vì một lý do nào đó bị lạc xuống mường âm phủ, lúc đó người nhà phải mời thầy cúng xuống tìm để đưa vía trở về.

Truyện kể địa danh của người Thái ở Việt Nam - 3

Người Thái cho rằng mỗi mường trên đều có một chủ mường. Then Luông là then đứng làm chủ cõi trời, dưới Mường Người có chẩu mường là cao nhất,


trong khi đó Chẩu Nặm (thần thuồng luồng) làm chủ Mường Nước. Quan niệm này chi phối toàn bộ thế giới tâm linh và có thể coi là cội nguồn của các nghi thức, tín ngưỡng của người Thái.

Bên cạnh văn hóa tâm linh, Người Thái còn có nhiều sản phẩm văn hóa tinh thần phong phú. Là một dân tộc có ngôn ngữ và văn tự từ rất lâu đời, tổ tiên họ đã ghi chép lại được rất nhiều những sự kiện lịch sử, văn hóa, xã hội trong các tập sách như Kể chuyện bản mường (Quám tố mướng), sách ghi lại Những bước đường chinh chiến của ông cha (Táy pú xớc), Những lời răn dạy con người (Quám xon cốn), gia phả của các dòng họ hay những quy định mang tính chất luật tục của các mường (Tục lệ người Thái đen ở Thuận Châu…)

Không những thế, người Thái có một kho tàng văn học dân gian vô cùng phong phú. Họ có rất nhiều các truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, đặc biệt là tập hợp truyện thơ rất đồ sộ bao gồm những truyện thơ do các tác giả hữu danh, vô danh sáng tác (Xống chụ xon xao - Tiễn dặm người yêu, Khun Lú náng Ủa - Chàng Lủ nàng Ủa, Tạo Hôm náng Hai - Tạo Hôm nàng Hai…)

Tồn tại cùng kho tàng văn học dân gian là các bộ môn nghệ thuật dân gian khác như múa (các điệu xòe), hát (các điệu khắp), các điệu sáo… Đặc biệt, người Thái trước kia có một hình thức sinh hoạt cộng đồng – sinh hoạt văn nghệ dân gian vô cùng đặc sắc là hạn khuống. Đây là “sân chơi” cho nam nữ thanh niên hát hò, trò chuyện, tìm hiểu nhau. Cuộc hát có những quy định, lớp lang vô cùng chặt chẽ cùng hệ thống những bài dân ca được trình bày theo làn điệu khắp báo xao – hát đối đáp, giao duyên. Ngày nay tuy hình thức diễn xướng này mới đang dần được các địa phương quan tâm, phục hồi song giá trị của nó được ghi lại trong ký ức dân gian và trong các pho sách của người Thái chưa hề bị mờ phai.


Giống như các dân tộc khác, trong một năm người Thái có nhiều ngày lễ tết khác nhau. Trong những dịp này, họ thường tổ chức các cuộc hát giao duyên, múa xoè, múa khăn, múa nón… Ngoài ra còn có các trò chơi như tón cón (ném còn), tót én cáy (chơi cầu lông gà bằng tay), tó mak lẹ ( chơi trò chơi bằng quả mak lẹ)… Đó là các sinh hoạt văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, vừa vui chơi, vừa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống.

Trên nền văn hóa chung nhiều màu sắc ấy, “trong lịch sử phát triển của mình, các bộ phận người trong nhóm nói tiếng Thái phát triển theo mạch vừa tụ cư- định cư vừa di cư- lan tỏa (…) từ một cội nguồn chung ngôn ngữ, văn hóa dần vỡ ra để tạo thành từng luồng lan tỏa đi khắp nơi. Đến khi ngưng tụ thì địa - văn hóa mang màu sắc Thái xuất hiện ở mỗi vùng”[45, tr43]

Đó là quy luật phát triển văn hóa chung của cộng đồng người Thái, theo quy luật ấy, đến nay văn hóa Thái đã hình thành nên ba vùng tương đối rõ rệt. “Một là vùng văn hóa Tây Bắc được hình thành trong sự bảo lưu truyền thống của mô hình tổ chức kinh tế xã hội bản mường còn gần như nguyên dạng cho đến ngày 7.5.1954.(…) Hai là vùng văn hóa Thái Thanh – Nghệ với nét nổi bật, từ rất lâu đã chuyển nhập hệ thống tổ chức kinh tế xã hội chung của đất nước, cái bản – mường chỉ còn là vỏ ngôn ngữ nên thường hiểu theo nghĩa “quê hương, xứ sở”. (…) Ba là vùng văn hóa đệm mang tính trung gian giữa hai vùng văn hóa 1-2 gồm một dải kéo từ Mường Tấc – Phù Yên qua Mường Sang- Mộc Châu, Mường Ký – Đà Bắc đến Mường Mùn – Mai Châu (Hòa Bình)” [45,tr.43- 44]

1.1.2.2. Khái niệm văn hóa tộc người, không gian văn hóa tộc người và không gian văn hóa Thái

Trên cơ sở nghiên cứu văn hóa của các tộc người trên những vùng lãnh thổ khác nhau, các nhà dân tộc học và văn hóa học đã đưa ra các khái niệm về tộc


người và văn hóa tộc người. Theo đó, tộc người là một tập đoàn người có ít nhất ba tiêu chí chung: ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác tộc người, trong đó văn hóa là nhân tố vô cùng quan trọng. Mỗi tộc người có một nền văn hóa riêng, thống nhất trong nội bộ tộc người đồng thời không ngừng giao lưu và tiếp biến trong suốt tiến trình lịch sử. Đó là cơ sở hình thành nên văn hóa tộc người, điều mà G.S Ngô Đức Thịnh đã khái quát bằng định nghĩa: “văn hóa tộc người là tổng thể các yếu tố về tiếng nói, chữ viết, sinh hoạt văn hóa vật chất và văn hoá tinh thần, các sắc thái tâm lý và tình cảm, phong tục và lễ nghi… khiến người ta phân biệt tộc người này với các tộc khác, (…) là nền tảng nảy sinh và phát triển ý thức tộc người” [39, tr.228].

Các yếu tố của văn hóa tộc người nảy sinh, phát triển, biến đổi trong không gian và thời gian. Quá trình đó khiến cho bản thân các yếu tố có sự giao lưu, tiếp nhận và lan tỏa với văn hóa của tộc người khác, lâu dần hình thành nên những không gian văn hóa tộc người. Đúng như G.S Ngô Đức Thịnh đã lý giải và chỉ rõ trong cuốn “Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam”, khái niệm không gian văn hóa được hiểu theo hai nghĩa. Theo nghĩa hẹp “ không gian văn hóa như là một không gian địa lý xác định, mà ở đó một hiện tượng hay một tổ hợp hiện tượng văn hóa nảy sinh, tồn tại, biến đổi và chúng liên kết với nhau như một hệ thống” [39, tr.37]. Với nghĩa này, không gian văn hóa tộc người được hiểu là “không gian sinh tồn của tộc người, nó gắn với vùng lãnh thổ mà cộng đồng dân cư của tộc người đó sinh sống”. Cụ thể, không gian văn hóa Thái chính là vùng lãnh thổ người Thái sinh sống, là nơi các hiện tượng văn hóa Thái nảy sinh, tồn tại và biến đổi. Nơi nào có người Thái định cư, nơi đó các dấu hiệu văn hóa của họ có mối liên hệ chặt chẽ với văn hóa cộng đồng như một yếu tố không thể tách rời.

Theo nghĩa rộng, “có thể hiểu không gian văn hóa như là một “trường”, để chỉ một hiện tượng hay là một tổ hợp các hiện tượng (một nền văn hóa của tộc


người, quốc gia hay khu vực) có khả năng tiếp nhận và lan tỏa (ảnh hưởng), tạo cho nền văn hóa đó một không gian (trường) văn hóa rộng hay hẹp khác nhau”[39, tr.39]. Như vậy nhân tố cốt lõi của khái niệm không gian văn hóa hiểu theo nghĩa trừu tượng này chính là hiện tượng hay tổ hợp các hiện tượng văn hóa với khả năng tiếp nhận và lan tỏa của nó. Tùy vào khả năng tiếp nhận và lan tỏa mạnh hay yếu mà hiện tượng hay tổ hợp hiện tượng văn hóa tạo được trường rộng hay hẹp – nói cách khác là tạo nên độ rộng - hẹp của chính không gian văn hóa. Với cách định nghĩa này, Ngô Đức Thịnh cũng phân tích và chỉ ra không gian văn hóa Thái là không gian văn hóa trung bình bởi “độ ảnh hưởng và lan tỏa của văn hóa Thái đối với các tộc người chủ yếu chỉ hạn hẹp trong phạm vi Tây Bắc và miền núi Bắc trung bộ mà thôi” [39, tr.40]

Từ khái niệm không gian văn hóa với hai nghĩa rộng - hẹp như trên có thể khẳng định, trước hết không gian văn hóa Thái là không gian văn hóa tộc người hay không gian sinh tồn của tộc người Thái, nó gắn với vùng lãnh thổ mà cộng đồng dân cư của tộc người sinh sống. Theo nghĩa rộng, không gian văn hóa Thái còn “chỉ một hiện tượng (một nền văn hóa của tộc người) có khả năng tiếp nhận và lan tỏa, tạo cho nền văn hóa một không gian (trường) văn hóa rộng hay hẹp khác nhau” [40], nói cách khác đó là một “trường” mà ở đó các hiện tượng văn hóa Thái nảy sinh, liên kết thành hệ thống, trải qua quá trình tiếp nhận và lan tỏa với các trường văn hóa khác và dần định hình những giá trị cơ bản của riêng mình. Trong suốt quá trình phát triển và mở rộng, không gian văn hóa Thái khẳng định sự tồn tại của nó như thế nào, tầm ảnh hưởng và khả năng dân tộc hóa những ảnh hưởng từ bên ngoài nhờ vào “trường” của nó ra sao chính là điều cần quan tâm khi đi tìm hiểu không gian văn hóa Thái trong những truyện kể địa danh của họ.


1.2. Một số vấn đề về truyện kể địa danh

1.2.2. Khái niệm truyện kể địa danh

Từ trước đến nay, truyện kể về tên đất đã là đối tượng nghiên cứu của một số công trình, bài viết. Tuy nhiên khái niệm truyện kể địa danh vẫn chưa được những người nghiên cứu đi trước đưa ra một cách chính thức và toàn diện.

Trong những bài viết đầu tiên của Đinh Gia Khánh và Trần Quốc Vượng, truyện kể địa danh chỉ được quan tâm tới như những truyện cổ tích và truyền thuyết có chứa những “tên riêng” (chữ dùng của các tác giả), các tên riêng đó có thể là tên của núi, sông, đầm, hồ hoặc của các vùng đất khác nhau trong truyện kể dân gian. Khái niệm truyện kể địa danh chưa được chính thức đặt ra.

Đến Nguyễn Bích Hà, với công trình Tìm hiểu truyền thuyết địa danh qua những truyền thuyết vùng ven Hồ Tây và sau đó là bài viết Bước đầu tìm hiểu nguồn truyện kể địa danh Việt Nam in trên Tạp chí Văn học số 2/1986, vấn đề khái niệm truyện kể địa danh mới chính thức được đặt ra. Theo tác giả “những câu chuyện lấy nguồn gốc tên gọi của những sự vật tự nhiên hoặc những điểm dân cư làm đối tượng phản ánh rất phong phú, nhiều vẻ. (…) tạm gọi những truyện kể như vậy là “truyện kể địa danh” [9, tr.8].

Năm 1999, Đỗ Bình Trị trong cuốn giáo trình Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học dân gian đã đưa ra khái niệm về truyền thuyết địa danh. Ông coi “truyền thuyết địa danh là truyện kể dân gian về nguồn gốc lịch sử của những tên gọi địa lý khác nhau hoặc về nguồn gốc của bản thân những địa điểm, địa hình, sự vật địa lý ấy” [42,tr.48]. Như vậy ngoài việc xác định những đối tượng được xếp vào tập hợp truyện kể, tác giả còn xác định thể loại của chúng, đó là thể loại truyền thuyết. Vấn đề này chúng tôi xin tiếp tục đề cập ở phần sau.

Xung quanh khái niệm truyện kể địa danh còn có quan điểm của Trần Thị An. Trong bài viết Truyện kể địa danh - từ góc nhìn thể loại [1, tr.50], tác giả


gọi “những truyện kể dân gian có yếu tố giải thích tên gọi của đất, núi, sông, làng, vùng…” là truyện kể địa danh.

Gần đây nhất, luận văn Thạc sĩ Bước đầu tìm hiểu truyện kể dân gian về các địa danh ở Nam Bộ của Trần Tùng Chinh [4] đã coi “Các truyện kể đi vào giải thích nguồn gốc tên đất, tên làng, tên sông, tên núi, tên những vị trí địa lý, địa hình của đất (…) là những truyện kể dân gian về địa danh (…) gọi tắt là truyện kể địa danh” [4, tr.8]. Hơn thế nữa, tác giả còn nêu lên giới hạn của thuật ngữ “địa danh”: “là tên gọi của vùng đất (gắn với địa hình của: núi, non, hòn, gò, vồ, cù lao, sông, rạch, kinh, mương, ao hồ, vũng, bàu, đìa, đồng, bưng, bãi...), là tên gọi của một đơn vị hành chính (tỉnh, huyện, vùng, làng, xã, ấp, chợ...) và kể cả các công trình phúc lợi (cầu, cống, đập...), những di tích văn hóa tín ngưỡng trong nhân dân (đình, chùa, miếu, mạo...) mà tên gọi của công trình, di tích ấy đã trở thành tên gọi chung được xác định, khoanh vùng, hay nói cách khác là chúng trở thành một địa điểm đánh dấu địa danh” [4, tr.9].

Như vậy, các khái niệm trên tuy mức độ rộng - hẹp có khác nhau nhưng đều gặp gỡ ở việc xác định đối tượng được xếp vào nhóm truyện kể địa danh, đó là những truyện giải thích tên gọi của đất đai, sông, núi, làng, vùng... Tuy nhiên, đây cũng chính là căn nguyên của sự khác biệt. Bởi lẽ có quan điểm hẹp cho rằng, chỉ những câu chuyện lấy nguồn gốc tên gọi của những sự vật tự nhiên hoặc những điểm dân cư làm đối tượng phản ánh, nói cách khác việc giải thích địa danh phải là mục đích chính thì truyện mới được coi là “truyện kể địa danh đích thực” (chữ dùng của Nguyễn Bích Hà). Trong khi đó những quan điểm rộng hơn cho rằng, truyện kể dân gian chỉ cần có yếu tố giải thích địa danh đã có thể coi là truyện kể địa danh (thậm chí có tác giả như Đỗ Bình Trị, Trần Tùng Chinh … còn xếp cả những chuyện giải thích tên gọi của đình, chùa, miếu mạo... vào nhóm truyện kể địa danh).

Ngày đăng: 30/09/2023