Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam - 21

cho con cái làm ăn về sau này. Từ khi lấy Báo Luông, Sao Cải đã sinh đẻ đến hai mươi lứa con, trong bình mỗi lần năm đứa, tính chẵn có một trăm trai gái, người nào cũng to béo khoẻ mạnh, cũng xinh đẹp và đều có tên gọi riêng như Mã, Lê, Lương, Lâm, Tô, Vũ, Trương, Phan, Hoàng, Hà, Nông, Bế, Đoạn, Đàm, Đinh, Đào, Lý… Trăm trai giá lớn như thổi, bữa ăn mấy chục mâm, lớn bé ngồi vào ăn như tằm ăn rỗi.

Báo Luông vui mừng thấy đàn con đông đảo đang khôn lớn lên, việc làm ăn trong nhà ngày càng có nền nếp, gia đình mọi người được ấm no. Nhưng anh nghĩ băn khoăn cho tương lai của chúng nó sau này sẽ ra sao. Một đêm anh bàn với vợ: “Đàn con thì đã lớn, nhưng chưa đứa nào có vợ có chồng. Ở đây chỉ có con cái gia đình ta, không một trai gái nào khác. Làm sao xây dựng cho con cái thành vợ thành chồng?”. Sao Cải nói: “Ở đấy, ngoài gia đình ta không có một ai. Tốt hơn hết là để cho con cái chúng nó tuỳ từng lứa tuổi thích hợp mà tự chọn lấy nhau làm vợ làm chồng”.

Báo Luông thấy cách giải quyết như vậy là hợp lý. Hai người liền tập hợp đàn con đủ một trăm trai gái và truyền cho chúng nó có thể tuỳ từng lứa tuổi thích hợp mà tự chọn lấy nhau làm vợ làm chồng.

Từ đó, con cái đã thành gia thất, Báo Luông, Sao Cải thì thành ông bà, và cũng từ đó người ta gọi là Pú Luông Già Cải (tức hai ông bà Khổng lồ). Hai ông bà tuy tuổi cao, nhưng vẫn khoẻ mạnh, đẻ ngày một nhiều, chỗ ở chật hẹp, ruộng nương nhiều đám ở xa nhà, việc cày bừa gặt hái không thuận tiện. Già Cải bàn với Pú Luông nên phân chia các con đi ở nhiều nơi để kiếm ăn cho dễ dàng. Đàn con rất hoan nghênh sáng kiến của cha mẹ, mọi người liền tự chọn lấy nơi đi ở riêng: trước hết Nông, Bế đi Nà Mỏ; Lê đi Chông Mu; Lý, Hà đi Tả Lạn. Rồi đến Trương, Hoàng đi Bản Vạn; Lương, Phạm đi Bản Đon; Dương, Đào đi Nà Toàn; Đàm Đoạn đi Tả Cọn… Từ đó những làng bản mới mọc lên con cháu sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều, nhân khẩu tăng lên và

từ đó mới phân chia thành các dòng họ Bế, Nông, Lê, Lý, Hà…như ngày nay. Truy đến gốc, tất cả đều cùng một ông tổ và bà tổ sinh ra, tức Pú Luông và Gia Cải.

Pú Luông sống đến hơn một trăm tuổi, người lúc nào cũng khoẻ mạnh, vẫn cày bừa, đi săn như trai tráng. Nhưng một hôm cụ đi câu cá trở về thì bị cảm ốm chết. Con cháu đem chôn cụ ở gò Bằng Hà, ở đằng sau thị trấn Nước Hai (huyện lỵ Hoà An, Cao Bằng). Già Cải sau khi mất cũng được đem chôn cùng một chỗ với chồng.

Đời sau, nhân dân nhớ ơn hai ông bà Pú Luông, Già Cải đã có công sinh ra loài người, khai phá ruộng nương lập nên mường bản, nên lập đền thờ Pú Lương Quân mà dân làng thường gọi là đền thờ thần Nông. Pú Lương Quân đã trở thành thần Nông để bảo vệ mùa màng, phù hộ cho dân làng làm ăn thịnh vượng.


Trích trong “Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, Tập 1” Thần thoại

- Truyền thuyết”, Nguyễn Thị Huế, Trần Thị An (ST) (2000), tr 283 -292.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 199 trang tài liệu này.

TRUYỀN THUYẾT BÁO LUÔNG – SAO CẢI

(Dân tộc Tày)

Biểu tượng người khổng lồ trong thần thoại một số cư dân nói tiếng Thái ở Việt Nam - 21


Ở Cao Bằng có một truyền thuyết về khởi nguyên của người Tày là truyền thuyết về cặp vợ chồng Báo Luông – Sao Cải với trăm con. Đây cũng là truyền thuyết về sự ra đời của nghề nông trên đất Cao Bằng với các tên “co khẩu” có nghĩa là cây lúa; “dộc săm” có nghĩa là cối giã; “nà mỏ” có nghĩa là ruộng nồi; “vỏ má” có nghĩa là thóc giống; “phiêng pha” có nghĩa là nơi gieo mạ; “nà vài” có nghĩa là ruộng trâu; “noóc mò” có nghĩa là ruộng bò; “rằng cáy” có nghĩa là ổ gà; “lậu pất” có nghĩa là chuồng vịt . . . ở khắp vùng Hòa An. Truyền thuyết như sau:

“ Ngày xửa, ngày xưa suốt dọc sông còn là sình lầy âm u, cây cối nguyên sinh, lau lách um tùm, muông thú hoang dã. Lúc đó xuất hiện hai người cao to, mạnh khoẻ, đi men học dòng nước kiếm thức ăn. Người con gái theo con sông bên phải; tiếng Tày gọi là Ta Sloa – nay chệch là Tà Sa, tức con Slam Luồng, đi xuống. Người con trai men con sông bên trái xuôi về, tiếng Tày là Ta Slại, nay là sông Háng Bó (Mỏ Sắt).

Họ gặp nhau chỗ ngã ba sông, bây giờ gọi là Háng Cáp hoặc Nước Hai. Chỉ hai người nhưng chưa có tên, thường gọi nhau là “mầư câu” (mày tao). Cái tên Luông Cải do đời sau căn cứ vào vóc dáng mà đặt.

Ngã ba sông là vùng bằng phẳng trống trải, không có chỗ trú mưa, chống lạnh và đề phòng thú dữ khi đêm xuống. Họ đưa nhau sang dãy núi đá phía bên phải, tìm được một cái hang khô ráo, thật ưng ý, đó là Ngườm Bốc (tức Hang Cạn) thuộc dãy núi đá Lam Sơn, xã Hồng Việt, huyện Hòa An.

Họ sống ở đây một thời gian dài, ngày lên núi săn thú, bắt chim, tìm trứng hoặc ra sông mò cá, nhặt cua, tối lại về hang ngủ.

Một đêm giông tố ầm ầm, sấm sét đinh tai, sáng sau trời quang mây tạnh, họ ra cửa hang đứng nhìn lên lòng núi phía trên thấy khói lửa ngùn ngụt. Lạ quá, chạy đến xem thì ra một cây cổ thụ bị sét đánh, lửa bốc cháy này

trong thân mục rỗng vẫn còn toả khói. Họ nhặt xác sóc, xác tắc kè cháy đen thui, đưa vào miệng nhai thấy thơm ngon hơn ăn sống rất nhiều. Họ bèn cầm một thanh cây đang cháy đem lửa về hang, sẵn cây khô củi mục, họ chăm sóc suốt ngày đêm không khi nào để lửa tắt.

Nơi lấy lửa ngày nay gọi là Lũng Lửa (Lũng Phẩy), một điểm trên dãy Lam Sơn, xã Hồng Việt, huyện Hòa An.

Hai người sống với nhau sinh hạ nhiều con. Người đông, hang chật thiếu chỗ để lũ con hiếu động chạy nhảy, lại cheo leo mỏm cao, đá nhọn dễ trầy da, trẹo khớp nên nhà di chuyển sang Khau Luông - đồi đất lớn (Đức Long – Hòa An).

Nhiều miệng ăn, săn thú bắt chim không thể đủ no. Đêm đến lũ trẻ đói rầu rĩ, réo khóc, bố mẹ rất khổ tâm.

Thời đó dưới Nậm Thoong, nước tràn túa ra nhiều nhánh ngập bãi dốc thoai thoải, một loại cỏ lạ mọc tốt xanh um. Sang thu cỏ ra đòng rồi dần chắc hạt. Hạt cứng nhọn ram ráp, đâm vào da thịt người như một loại côn trùng (người Tày gọi là coóc) nguyên hạt cả về không thể nào ăn được.

Nhưng vì đói quá, mẹ Cải cứ lượm về, khi lùi vào lửa thấy nổ lép bép thành những nụ bông trắng, ăn bùi ngon miệng. Lùi vào lửa tiếng Tày là “au khẩu phầy” nên gọi tắt cây lúa thành “co khẩu” (cây vào lửa), hạt thóc (muối khẩu – coóc).

Phát hiện này hết sức quan trọng. Lũ trẻ cứ đưa những gié lúa nương cạnh lửa, nhai suốt ngày. Từ đó loại cây này trở thành thức ăn chính. Cây dễ mọc, thu hoạch dễ dàng, vì cây thấp và mọc thành vùng.

Tuy nhiên, mọc hoang năng suất rất thấp. Có bụi nhiều cây nhưng không ra bông, hoặc bông lơ thơ vài hạt. Chỉ những chỗ luôn xâm xấp nước, không để cạn khô hoặc nước quá sâu mới trổ bông to và mẩy. Nhận ra điều đó, vợ chồng và lũ con bèn đi đắp bờ giữ nước cho chỗ cạn. Tiếng Tày là “pẳng nặm”, nên mới có Nà Pẳng; khơi những chỗ quá trũng để mực nước

thấp bớt – chỗ khơi tiếng Tày là “Pác Đuốc” – nên hình thành Nà Đuốc; lại thấy phải tỉa nhổ bớt đừng để quá dầy, cây mới mọc tốt – nhổ tỉa bớt – tiếng Tày là Loòng – nên có tên gọi là Nà Loòng. Các địa danh này đều ở xã Đức Long huyện Hòa An.

Khi làm việc đào đắp đất, họ phải tìm những thứ cây cứng chịu được nước bùn, ẩm ướt, thì không gì tốt bằng lòi lim ở Khau Lìm ( đồi lim – xã Nam Tuấn – huyện Hòa An).

Sức người có hạn, cả nhà bèn đi đuổi trâu rừng, bò rừng về thuần hóa giúp dẫm ruộng ở Nà Vài (ruộng trâu ở Nam Tuấn), Nà Mò (ở Bế Triều – Hòa An). Khi vụ xong họ đuổi trâu về Lũng Vài (Lũng Trâu – xã Đại Tiến – huyện Hòa An), đưa bò về Noóc Mò ( U Bò – xã Đào Ngạn – huyện Hà Quảng) để chăn nhốt. Ruộng lúa thường bị đàn voi rừng kéo đến dẫm phá. Lũ voi tụ đàn ở Pò

Lạng ( Đồi Voi – xã Đại Tiến – huyện Hòa An). Bố Luông, mẹ Cải cùng đàn con hò nhau đuổi chúng đến một hẻm núi đá, vần đá chặn đầu chặn cuối, làm chúng không xoay mình được, bắt sống. Nơi ấy gọi là Cảp Sạng ( đèo chắn voi – xã Hồng Việt – huyện Hòa An).

Lối canh tác rất thô sơ, nguyên thuỷ như thế nhưng đã làm thóc lúa tăng rất nhiều. Họ phải lập kho chứa ở Nà Coóc (ruộng thóc – xã Đức Long – huyện Hòa An). Không thể cứ lùi thóc vào lửa để ăn, vì như vậy tốn nhiều thời gian, họ bèn nghĩ cách làm tróc trấu, chỉ ăn nhân thôi. Họ tìm ra một hủm đá, đưa thóc vào để giã tróc vỏ. Lỗ hủm đó nay là Dộc Tăm (cối giã ở xã Bình Long – huyện Hòa An). Rồi đem gạo ngâm ở một nơi gọi là Pỏ Má (nồi ngâm

– xã Đại Tiến – huyện Hòa An). Đoạn đưa đến một bãi phẳng đào hố, dùng lá lót dưới để gạo đã ngâm vào, đậy lá rồi đốt lửa, chờ cơm chín bốc lên ăn. Nơi đó gọi là Ruộng Nồi (Nà Mỏ – xã Đức Long – huyện Hòa An).

Hoạt động của con người làm cho các thú hoang, loài thì sán gần, loài thì lảng tránh xa. Cùng họ nhà chó, ma han (chó sói) trốn lên Khau Han (đồi

chó sói - đường đi xã Trương Lương), còn chó về làm ổ ở Phia Ma (núi chó – thị trấn Nước Hai – huyện Hòa An). Có chó giúp sức Pú Luông Gia Cải thuần hóa được rất nhiều gia súc. Họ lên Ma Mèo (Đồng mèo – xã Dân Chủ – huyện Hòa An) bắt mèo về thả vào kho thóc. Lũ chuột ở đây bị mèo ăn thịt nhiều, hoảng sợ kéo nhau trốn sang Nà Nu (ruộng chuột – Lang Môn – huyện Nguyên Bình).

Họ tổ chức vây bắt ngựa, lừa chúng tới Phia Mạ (núi ngựa – một ngò độc sơn ở Phù Ngọc – huyện Hà Quảng) đưa về thuần hóa ở Nà Mạ (đồng ngựa – xã Vĩnh Quang – huyện Hòa An). Làm bẫy bắt đàn dê ở Gạm Bẻ ( đèo chặn dê – trên đường Bảo Lạc) đưa về chăn ở Pò Bẻ ( đồi dê – xã Đề Thám – huyện Hòa An).

Rồi còn đến Đông Giảo (rừng lợn cỏ – Phù Ngọc – huyện Hà Quảng) hàng ngày đuổi chăn ở đồi Chung Mu (bờm lợn – xã Bế triều – huyện Hòa An). Để có thức ăn chăn lợn, họ trồng khoai lang ở Lũng Mằn (long khoai lang – xã Trương Lương – huyện Hòa An), trồng khoai môn ở Nà Bon (ruộng môn – xã Đại Tiến – huyện Hòa An).

Nhiều giống chim hoang được họ đem về nuôi trở thành gia cầm ở khe Khuổi Hán (suối ngỗng – xã Hoàng Tung – huyện Hòa An); lậu pất (chuồng vịt

– xã Bế Triều – huyện Hòa An), rằng cáy (ổ gà - xã Bế Triều – huyện Hòa An).

Gia súc, gia cầm ngày càng đông, Pú Luông – Gia Cải thường sai con vặt lông mổ thịt ở ngoài sông suối nên có tên là Vằng cáy (vực gà ở Suổi Ngả

- xã Hồng Việt – huyện Hòa An); nơi làm lòng lợn là Ta Slẩy (sông lòng ở xã Bế Triều – huyện Hòa An).

Khi đủ cơm, thịt, gia đình lại thu thập nhiều loại rau, trái về trồng tập trung để tiện chẩy, hái. Họ đã trồng nhiều rau ven con suối nhỏ tên là Khuổi Phjắc (suối rau – xã Bế Triều – huyện Hòa An), gieo một đồi đậu đỗ ở nơi Khau Thúa (đồi đỗ nay thuộc thị xã Cao Bằng), trồng đu đủ ở Khuổi Rầu (suối đu đủ – xã Hồng Việt – huyện Hòa An). Các cây gia vị được trồng ở

Lũng Khinh (huyện Thông Nông), riềng ở Nà Khá (ruộng riềng – xã Nam Tuấn – huyện Hòa An).

Về cây ăn trái có chanh ở Khuổi Sèng (suối chanh – huyện Thông Nông). Cam ở Kéo Cam (đèo cam – xã Trương Lương – huyện Hòa An), pác cam (miệng cam – xã Bình Long – huyện Hòa An), trám có trám trắng ở Vàn Cưởm (vạt trám trắng – xã Bế Triều), bưởi ở Rổng Pàng, Khuổi Pàng (khe bưởi, suối bưởi ở xã Bế Triều và xã Hồng Việt – huyện Hòa An). Sau này Pú Luông – Gia Cải còn biết trồng bông, nhuộm vải để làm quần áo cho con cái. Bông được trồng nhiều ở Khau Phải (đồi bông ở gần thị xã Cao Bằng), chàm trồng ở Khuổi Sỏm (khe chàm – huyện Thông Nông).

Cuối cùng các con trưởng thành, nhà đến định cư ở Bản Vạn. Vạn hay là Pạn, tiếng Tày có nghĩa là đậu, mắc. Vạn có nghĩa là Làng Đậu - định cư lâu dài. Lũ con đi kiếm cột ngả cây ở Đông Piảo (rừng Piảo – Piảo là một loại cây to và thẳng ở Bắc Bế Triều) sang Tổng Phjấy (đồng tre đực – xã Trương Lương – huyện Hòa An) trẩy tre về làm mui mè, đến Pác Gà (gần thị trấn Nước Hai) cắt tranh về lợp. Sang Roỏng Rượi (khe nứa – xã Hồng Việt – huyện Hòa An) lấy nứa đập ra để rải sàn. Bản Vạn thành một làng nhiều hộ.

Người, gia súc, gia cầm nhiều thì hổ, báo cũng mon men tới rình mò. Pú Luông – Gia Cải phải huy động các con đánh đuổi. Họ đã đuổi hổ từ Khau Slưa (đồi hổ – xã Bế Triều – huyện Hòa An) đến tận hang nó ở Ngườm Slưa (hang cọp – xã Hoàng Tung – huyện Hòa An) xông vào đập chết.

Bản làng ổn định, đời sống no đủ, Pú Luông – Gia Cải mới tính việc nuôi cá. Ông bà sai các con đi khoanh vực Vằng Tất (vực cá Chầy – xã Trương Lương – huyện Hòa An), Vằng Lài (vực cá Chuối – xã Đức Long – huyện Hòa An), Vằng Lẩu (vực cá trắm – xã Bình Long – huyện Hòa An), chặn suối Khuổi Liềng ( suối cá mương – cạnh làng Nà Lóa – xã Đức Long –

huyện Hòa An) vớt trứng, bắt cá bột về nuôi tại Nà Pia( ruộng cá - xã Bế Triều – huyện Hòa An).

Pú Luông – Gia Cải về già thì Bản Vạn đã đông đúc, chật chội. Một hôm hai cụ triệu các con đến bảo:

Giờ các con trưởng thành, gia đình cháu chắt đầy đủ. Quây quần một chỗ cũng tốt song bí và dễ va chạm. Đất ruộng ta tốt, vậy nên ta chia ra trấn các nơi:

Thằng Bế ở Bản Vạn

Thằng Đoạn nên đi Bản Ngần Thằng Hoàng thử về Đâư Ngả Thằng Mã trụ ở Nà Mè

Thằng Hà làm nhà Tả Lạn

Thằng Đàm sang tạm Ảng Giàng

. . .

Rồi phân tiếp các con khác Nông, Dương, Phạm, Đinh, Lương, Lý, Bàn, Trương . . . lần lượt lập các bản rải rác suốt dọc thung lũng ven sông Bằng từ nam Hà Quảng đến bắc Hòa An bây giờ.

Sau này tên các con trở thành họ chính của các chòm bản. Tất cả các con cháu của Pú Lương – Gia Cải đã nỗ lực lao động sản xuất góp phần xây dựng nên một dải đất trù phú, trở thành vựa thóc trung tâm của cả tỉnh Cao Bằng.

Khi các cụ qua đời, họ lập miếu thờ, tưởng nhớ tổ nghề làm ruộng ở phía nam cánh đồng Bản Vạn , ven bờ Tả Slẩy.”


Vương Hùng (2000), “Pú luông, Gia Cải”, Lịch sử cổ trung đại Cao Bằng – Kỷ yếu hội thảo, Nxb Ban tuyên giáo tỉnh uỷ, Cao Bằng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/06/2022