hình thành của các địa danh. Sự ra đời của các tên gọi như Bù Hôm, bản Ná Ca, bản Chẩu Quân, Mường Quài, Hin Phá, Pha Luông, Pha Môk, Pha Lạp … được dẫn giải bằng các tình tiết, sự việc diễn ra trong truyện. Và dù cho những điều được nói tới là không thể kiểm chứng, song tác giả dân gian vẫn cố gắng thuyết phục người đọc bằng việc gắn chúng với các đối tượng, các sự vật đã và đang tồn tại thực. Bằng cách này, một mặt câu chuyện được kể giống như thật, mặt khác những địa danh trong truyện lại thành đối tượng chuyển tải những bài học nhân sinh, những ước mơ, khát vọng của quần chúng nhân dân.
Nội dung thứ hai thể hiện trong các truyện cổ tích địa danh Thái là chủ đề tình yêu và hôn nhân. Ở khía cạnh này, tác giả dân gian Thái đã có ý thức trong việc gửi gắm những quan niệm, ước mơ về tình yêu đôi lứa qua nội dung truyện kể cũng như qua việc mượn các địa danh làm phương tiện chuyển tải. Trong 31 truyện cổ tích địa danh có tới một nửa số truyện đề cập đến vấn đề tình yêu, hôn nhân, tiêu biểu như Sự tích động Pa Thơm, Nóong Bua, Thẳm Nang Lai, Sự tích suối ốc chặt đít, Bản Mắc Kẹt, Chuyện Khủn Tinh, Sự tích Pom Pể Nàng, Truyện Pha Tém, Sự tích Pha Võng…
Qua nội dung truyện kể, tác giả dân gian Thái ca ngợi tình yêu chung thủy, thể hiện khát vọng xóa bỏ mọi rào cản và định kiến xã hội, hướng tới tự do trong tình yêu và hôn nhân. Sự tích Nóong Bua là câu chuyện tình cảm động giữa con trai đầu lòng của tạo mường Rắn và nàng Bua - con gái của tạo mường Chăm Pa. Hai người yêu nhau tha thiết và muốn kết đôi thành vợ thành chồng, chàng trai đã vượt qua bao thử thách mà cha mẹ nàng Bua vẫn không vừa ý. Cuối cùng, vì tình yêu dành cho chàng Rắn mà nàng Bua trộm phép cha, giấu lời mẹ chạy trốn cùng chàng. « Nhưng nàng ra khỏi cửa chưa lạt miếng trầu thì quan cha đã biết. Người vác mai, vác cuốc, đoàn người đào theo vết rắn đi, đào tìm con gái tạo mường Chăm xinh đẹp. Rạch đào thành lũng núi, thành con sông Khe Mọi chảy
qua mười cánh đồng, đến chân núi Pha Khì thì lưỡi mai chắn kịp đuôi chàng rắn.(…) Vết đứt chảy máu nhiều, chàng Rắn biết mình không sống nổi, miệng áp sát tai người yêu nói : « Xin chết để nàng được làm người ». Nàng Bua ứa nước mắt nói : « Em sẽ không rời xa chàng ». Chàng rắn tắt thở, nàng Bua vòng tay ôm lấy người yêu rồi cũng cắn lưỡi mình tự tử. Đoàn người nhào đến thì đôi trai gái đã chết cứng. Trời động lòng thương khóc, nước mắt rơi xuống chỗ hai người thành cái ao nước lớn (thuộc xã Môn Sơn ngày nay). Xác chàng rắn và nàng Bua nổi lên thành hai bông sen rất đẹp, từ đó dân bản gọi ao này là Nóong Bua (Bàu Sen) để khắc mãi mối tình đẹp đẽ của hai người ». Kết cục đau thương của đôi trai gái là minh chứng cho tình yêu thủy chung, sâu sắc. Họ chết đi nhưng tình yêu còn đẹp mãi, nó được nhân dân ngàn đời ca tụng và được gắn với sự trường tồn của sự vật tự nhiên .
Xưa kia, tục lệ hôn nhân của người Thái rất khắt khe, điều này được phản ánh không chỉ trong truyện Nóong Bua mà còn trong nhiều truyện kể khác. Chàng trai nghèo trong Sự tích Pom Pể Nàng (Núi Cõng Nàng) đã phải trải qua bao thử thách mới có được người mình yêu. Chàng hoàng tử trong Sự tích động Pa Thơm thì vi phạm điều cấm kỵ mà để mất nàng tiên út, cuối cùng chàng đau khổ biến thành Pu Tạo Non (Núi Chàng Nằm), đứng giữa trời để tiếc nuối, ngóng trông. Một loạt địa danh như Nóong Bua (Bàu Sen), Thẩm Nang Lai (Hang Người Đẹp), Pu Nang Non (Núi Nàng Nằm), Pu Tạo Non (Núi Chàng Nằm), Pom Pể Nàng (Núi Cõng Nàng)… ra đời trong những câu chuyện cổ là bài học về tình yêu chung thủy và cũng là ước vọng của nhân dân về sự tự do, vĩnh cửu của tình yêu.
Rất gần gũi với cuộc sống, bên cạnh chủ đề tình yêu là những câu chuyện đề cập đến vấn đề hôn nhân, gia đình như truyện Bản Nã Cã, Bản Pặt Pạ và suối Phi Păn, Sự tích Pu Hạng Meo, truyện Pha Tém … Mỗi địa danh ra đời trong
những câu chuyện trên đều gắn với một sự tích. Người vợ trong truyện Bản Nã Cã là người không chung thủy, khi chồng đi xa thường dan díu với người tình. Việc anh chồng vô tình tìm được hai dòng suối - một dòng nước có thể làm cho mọi vật dính vào nhau không gỡ ra được còn dòng kia lại khiến chúng rời nhau ra dễ dàng – và lấy đó làm cách để dạy vợ chính là ý đồ của tác giả dân gian Thái. Một cách vô cùng hóm hỉnh và đầy nhân văn, tác giả dân gian đã giúp cho anh chồng dạy được người vợ hư đốn. Sau cùng, những địa danh như bản Hỏm (bản Chàm), bản Nã Cã (bản Mắc Kẹt- bản người vợ anh đi buôn và gã trai dính kẹt vào nhau), Bản Ngậm (bản Ngâm - bản có suối hai người ngâm), bản Chẵm (bản Sờ Mó - bản có ngọn đồi nơi anh chàng đi săn sờ vào hai người )… vẫn còn tồn tại đến ngày nay chính là lời cảnh tỉnh đối với những kẻ không chung thủy. Tương tự, sự ra đời của bản Pặt Pạ (bản Phạt Vạ) ở huyện miền núi Tân Kỳ tỉnh Nghệ An (truyện Bản Pặt Pạ và suối Phi Păn), Pu Hạng Meo (thác Đuôi Mèo) cùng Xuốm Tạo, Xuốm Nang (Buồng Tạo, Buồng Nàng) ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là bài học cho những người không chung thủy, phạm vào luật lệ hôn nhân của bản mường.
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện kể địa danh của người Thái ở Việt Nam - 6
- Truyện kể địa danh của người Thái ở Việt Nam - 7
- Nội Dung Phản Ánh Các Vấn Đề Xã Hội
- Thời Gian Và Không Gian Nghệ Thuật Trong Những Truyền Thuyết Mang Nội Dung Phản Ánh Lịch Sử
- Nhân Vật Trong Những Truyện Phản Ánh Các Vấn Đề Xã Hội
- Truyện kể địa danh của người Thái ở Việt Nam - 12
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
Đề cập đến một khía cạnh khác của hôn nhân, Sự tích Pha Tém (Núi Vẽ) kể lại câu chuyện đau lòng của gia đình ông Chu Sang - một viên tạo mường đất Mường Sang. Người này phải lòng chính người con gái xinh đẹp của mình mà làm trái với lẽ thường, quyết lấy con làm vợ. Chuyện đến tai quan trên rồi đến tai vua, cuối cùng gia đình ông bị đuổi khỏi bản làng, đến vùng thâm sơn cùng cốc. Tuy vậy, sự vi phạm luật tục này vẫn không được cộng đồng chấp nhận, đi đến đâu gia đình ông cũng bị xua đuổi. Cực chẳng đã, ông xuôi xuống tận mường Ca Da (Thanh Hóa) định xin tạo mường cho tá túc lâu dài. « Nhưng lạ thay, chiếc bè bỗng lao đi rất nhanh dù sông Mã không vào mùa nước to. Ông Chu gọi tạo mường Ca Da kéo giúp để giữ bè lại, nhưng khi mọi người quăng
dây thừng ra buộc thì sợi dây nào cũng đứt, buộc vào sừng nai thì sừng nai toác làm đôi và chiếc bè lại càng trôi nhanh hơn. Đến vùng núi Pha Lai, bè bỗng dừng lại. Lúc này nước sông cuộn sóng, mây đen kéo đến phủ kín một vùng. Rồi một tiếng nói từ vách đá vọng ra, đó là tiếng của Long Vương cai quản vùng này. Long Vương nói: “gia đình ngươi muốn sống thì hãy từ bỏ ý xấu đó đi, nếu không ta sẽ đánh chìm bè tức khắc!” Có thể thấy, việc làm của ông Chu Sang không những không được cộng đồng người Thái chấp nhận mà còn làm kinh động đến cả thế giới của Long Vương. Cái chết của cả gia đình ông cùng sự tồn tại của Pha Tém (Núi Vẽ) đánh dấu sự kết thúc của kiểu hôn nhân đồng tộc, một bước tiến trong quan niệm về hôn nhân của tộc người.
Tình yêu và hôn nhân cùng với đấu tranh cải tạo thiên nhiên, bảo vệ và xây dựng bản mường là hai chủ đề lớn trong truyện cổ tích địa danh Thái. Điều đó chứng tỏ sự quan trọng, tầm ảnh hưởng của những vấn đề này trong đời sống kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, xã hội Thái ngày càng phát triển làm xuất hiện sự phân chia giai cấp và mâu thuẫn về quyền lợi giữa những người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau. Nhiều truyện kể như Sự tích Pha Võng, Chuyện Khủn Tinh, Tạo Mường Phe và bản Na Tòong, Truyện Pú Quán Muôp, Sự tích bản Bút.. phản ánh khá tập trung chủ đề này.
Mâu thuẫn xã hội được phản ánh ở đây là mâu thuẫn xảy ra giữa kẻ giàu và người nghèo, kẻ có thế lực lớn và người có thế lực nhỏ. Trong Sự tích bản Bút, hội mường Ca Da dù có mường to bản lớn vẫn lập mưu cướp không vùng đất của con rể là hội mường Tuồng. Tạo Ngược Mường Hy trong Tạo Mường Phe và bản Na Tòong thì cậy mình “ở sông lớn, có quyền rộng, tài cao, cai quản đông loài vật ở dưới nước” coi khinh tạo Mường Phe “sức hèn tài kém, thế lực chả có gì, quanh năm luẩn quẩn trong một cái ao nhỏ” nên “rắp tâm tìm cách cướp nàng Tòong về làm vợ. Y hò dân chúng xuôi theo dòng Nậm Xằm tìm gặp
người anh em là Ngược Văng Còong để nhờ giúp sức”. Kết thúc câu chuyện, tác giả dân gian thường để cho thắng lợi nghiêng về những người yếu thế. Tên chúa đất độc ác trong Sự tích Pha Võng không thể cướp được người con gái đẹp của ông thợ săn, tạo Ngược mường Hy và tay chân của chúng đều bị Nai Phan (người giúp sức cho tạo Mường Phe) giết chết (Tạo Mường Phe và bản Na Tòong). Long vương Pha Tém thì nhờ ông Pú Quán Muôp mà đánh thắng được Long vương Pha Môk và Long vương Cơm Hạo (Truyện Pú Quán Muôp).
Mâu thuẫn xã hội và cách giải quyết mâu thuẫn được phản ánh trong truyện bộc lộ quan điểm của tác giả dân gian trong việc bênh vực kẻ yếu và mơ ước lập lại công bằng xã hội. Quan điểm này cũng được thể hiện trong cách định danh cho các địa điểm, sự vật địa lý của truyện. Hầu hết các tên đất, tên sông núi, bản mường ra đời đều gắn với công lao hoặc hành động của những nhân vật mà nhân dân yêu quý. Ông Pú Quán Muôp là người tài giỏi và nghĩa hiệp, công lao của ông với dân bản được ghi nhớ bằng những địa danh như Hát Chạng Ca, Mó Tôm, mó nước Cô Tên... Con gái của người thợ săn trong truyện Sự tích Pha Võng thoát khỏi tay bọn chúa đất nhưng cũng không bao giờ được trở lại với bản mường, nàng nằm trong chiếc võng trên đỉnh núi cao, người dân thương nhớ mà gọi là Pha Võng... Khác với truyền thuyết, các địa danh trong truyện cổ tích địa danh Thái không nhằm ghi nhớ công lao của nhân vật mà chúng gần như chỉ là cái cớ, là cách để tác giả dân gian giải thích nguồn gốc tên gọi của núi non, sông suối đồng thời bộc lộ quan điểm, tình cảm, thái độ sống của mình.
Như vậy, nếu như các địa danh ra đời trong thần thoại là sự phản ánh nhận thức, tư duy của người Thái trong buổi đầu khai thiên lập địa; địa danh trong truyền thuyết là sự “đánh dấu lãnh thổ” sau mỗi cuộc chiến tranh giành, giữ bản mường thì địa danh ra đời trong những câu chuyện cổ tích lại chủ yếu mang nội dung xã hội. Nói như Trần Thị An, “mỗi địa danh đều mang chở trong mình
những câu chuyện nhân sinh, chất chứa bao tình cảm, thái độ của nhân dân trước những vấn đề xã hội”[1]. Ý nghĩa của các địa danh trong thần thoại, cổ tích hay truyền thuyết cũng là điểm làm nên tính độc lập tương đối của truyện kể địa danh so với các thể tài truyện kể dân gian khác, khẳng định giá trị của việc khu biệt thể tài này trong kho tàng truyện kể dân gian.
Tiểu kết
Tập hợp 59 truyện kể địa danh của người Thái giải thích sự ra đời, ý nghĩa của các địa danh trên những vùng đất có người Thái sinh sống. Bằng việc đối chiếu cách thức tổ chức nghệ thuật và phương thức phản ánh thực tại của từng tác phẩm với tiêu chí chung của các thể loại văn học dân gian, chúng tôi nhận diện những truyện nằm trong tập hợp truyện kể địa danh Thái gồm ba thể loại chính là thần thoại, truyền thuyết và cổ tích.
Mỗi nhóm truyện tập trung phản ánh một nội dung cụ thể. Nhóm thần thoại chứa đựng nhận thức của người Thái về thế giới tự nhiên đồng thời giải thích, “hợp lý hóa” sự xuất hiện của chính họ ở vùng đất mới. Sự ra đời của các địa danh trong truyện còn phản ánh nhu cầu của người Thái trong việc định vị, khẳng định chủ quyền đối với nơi ở, nơi sản xuất của mình. Nhóm truyền thuyết ghi lại những nhận thức của tộc người về lịch sử. Nhiều cuộc thiên di, nhiều chuyến đi tìm đất, nhiều cuộc giao tranh bảo vệ chủ quyền được ghi lại, ẩn sâu trong đó là niềm tự hào của người Thái với lịch sử cha ông được khắc ghi một phần nhờ các địa danh, những tấm “bia” vô hình và vĩnh cửu. Nhóm cổ tích bao gồm những câu chuyện đời thường, ý nghĩa của các địa danh tưởng như cũng hết sức đời thường nhưng là những bài học nhân sinh sâu sắc về tình yêu, tình bạn, tình chồng vợ, quy định, luật tục của bản mường… Mỗi thể loại trong tập hợp truyện kể địa danh Thái vừa phản ánh những nội dung khác nhau vừa gắn kết bởi sự tồn tại và ý nghĩa của các địa danh. Trên cơ sở nội dung mỗi thể loại, chúng tôi tiếp tục tiến hành việc khảo sát, tìm hiểu những giá trị nghệ thuật cùng giá trị văn hóa trong từng câu chuyện ở chương sau.
Chương ba
ĐẶC TRƯNG THI PHÁP VÀ DẤU ẤN VĂN HÓA TRONG TRUYỆN KỂ ĐỊA DANH CỦA NGƯỜI THÁI Ở VIỆT NAM
3.1. Một số đặc trưng về phương diện thi pháp
Thi pháp là “hệ thống các phương thức, phương tiện, thủ pháp biểu hiện đời sống bằng hình tượng nghệ thuật trong sáng tác văn học” [34, tr.304], bởi thế các phương diện của nó vô cùng phong phú. Một tác phẩm văn học có thể được nhìn nhận dưới rất nhiều góc độ của thi pháp như điểm nhìn nghệ thuật, cấu trúc, cốt truyện (với tác phẩm tự sự), thời gian – không gian nghệ thuật, nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu… Đối với tập hợp truyện kể địa danh của người Thái ở Việt Nam, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát một vài phương diện nổi bật trong số các phương thức, phương tiện, thủ pháp mà tác giả dân gian Thái sử dụng trong quá trình sáng tác, đó là thi pháp thời gian – không gian nghệ thuật và thi pháp nhân vật.
3.1.1 Thời gian và không gian nghệ thuật trong truyện kể địa danh của người Thái
3.1.1.1. Thời gian và không gian nghệ thuật trong những thần thoại với nội dung phản ánh nhận thức về thế giới
Trong thần thoại địa danh Thái, thời gian nghệ thuật thường là thời gian phiếm chỉ với những công thức mở đầu như “thuở xưa”, “ban đầu khi loài người chưa xuất hiện”, “thuở mặt đất còn hoang vu”, hoặc là khi “vùng đất này còn chưa có người ở”. Mặc dù căn cứ vào lịch sử, ta biết khoảng thời gian người Thái đặt chân đến Việt Nam cách ngày nay khoảng 8 thế kỷ song cách xác định thời gian đã khiến cho truyện kể thấm đẫm không khí huyền thoại. Tính “ban đầu” của thế giới được xác định bằng sự không xác định của thời gian.
Khác với việc xác định thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật trong những truyện kể địa danh có nội dung phản ánh nhận thức về thế giới là một không gian pha trộn giữa hiện thực và huyền ảo. Tính hiện thực của không gian được xác định bằng chính các địa danh ghi trong truyện kể. Truyện Bản Tẩu Pung cho ta biết nơi Tạo Suông và Tạo Ngần đặt chân đến đầu tiên là đất Mường Lò, trên hành trình của mình, hai người qua rất nhiều vùng đất để cuối cùng đến Mường Then. Khu vực bản Tẩu Pung bây giờ là nơi Tạo Ngần bổ quả bầu để khai sinh ra các giống người. Truyện Ải Lậc Cậc và ông chống trời bà chống mây cũng kể rằng vợ chồng Ải Lậc Cậc là lớp người thứ hai xuống trần gian sau các vị Chô Công và là người có công khai phá nên bốn cánh đồng lớn vùng Tây Bắc. Người khổng lồ Pu Té trong thần thoại cùng tên là người kiến tạo đất Mường Khòong (Thanh Hóa) còn Khun Bó Rồm (Truyện Khun Bó Rồm) được sinh ra ở vùng Na Nọi Ỏi U (tức bản Na Nọi bây giờ).
Mặc dù ít nhiều mang tính xác định nhờ và những địa danh cụ thể nhưng không gian nghệ thuật trong những thần thoại này vẫn chưa bao giờ là không gian thực. Bởi lẽ ngay những địa điểm tưởng như xác định được nhắc đến trong truyện kể lại bao hàm trong nó tính huyền thoại. Tên Choong Năng – tảng đá hình lòng chảo ở bản Na Nọi – có nghĩa là Chậu Của Nàng, là nơi rồng mẹ (thần chủ đầu nguồn sông Rôm) về nằm, sinh ra Khun Bó Rồm (Sự tích Na Nọi Ỏi U). Bốn cánh đồng lớn Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc cùng Pú Hin Kinh (Núi Đá Rơi), Pú Khảu Chí (Núi Xôi Nướng)… tồn tại trong hiện thực được gắn với công lao của người khổng lồ vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của nhân dân. Trong không gian ấy, con người và các vị thần, các vị Khun cùng chung sống. Thần dạy con người biết làm ruộng, biết dựng nhà, biết hát, biết đọc… con người cũng có thể giúp thần chiến đấu với kẻ thù. Trong thế giới
.....