Khái Quát Lịch Sử Pháp Luật Hình Sự Việt Nam Quy Định Biện Pháp "trả Lại Tài Sản, Sửa Chữa Hoặc Bồi Thường Thiệt Hại"

1.3. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM QUY ĐỊNH BIỆN PHÁP "TRẢ LẠI TÀI SẢN, SỬA CHỮA HOẶC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI"

1.3.1. Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, luật hình sự nước ta đã quy định về hình phạt và phân chia hình phạt thành ba loại: chính hình, phụ hình và bổ túc hình. Trong đó, chính hình là hình phạt tuyên độc lập cho mỗi tội phạm, phụ hình là hình phạt thêm vào hình phạt chính, không cần Tòa án tuyên án. Phụ hình là hậu quả tất yếu của chính hình nên Tòa án không cần tuyên phụ hình mà nó vẫn được thi hành theo luật pháp. Bổ túc hình theo tên gọi cũng là thêm vào hình phạt chính, không có bổ túc hình khi không có hình phạt chính. Tuy nhiên, khác với phụ hình, bổ túc hình chỉ được áp dụng cho tội nhân khi Tòa án có tuyên phạt rõ ràng. Bổ túc hình hay còn gọi là hình phạt bổ sung trong luật hình sự thời kỳ này gồm: tịch thu tài sản, buộc phải bồi thường chi phí hay tổn hại, tước quyền công dân, lưu xứ, quản thúc, câu thúc thân thể, niêm yết tên tuổi phạm nhân nơi công cộng. Thời kỳ này luật hình sự nước ta chưa có quy định về biện pháp tư pháp.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước khi ban hành BLHS năm 1985 nước ta đã trải qua một thời kỳ lịch sử đầy biến động, xã hội còn nhiều khó khăn nên công tác xây dựng pháp luật nói chung, luật hình sự nói riêng đặc biệt là các quy phạm pháp luật quy định về biện pháp tư pháp chưa thực sự được chú trọng quan tâm, nên pháp luật lúc này còn rất nhiều hạn chế. Mặc dù các biện pháp tư pháp trong thời kỳ này chưa được quy định thành một chương riêng với tên gọi là các biện pháp tư pháp như hiện nay nhưng trong thời kỳ này một số biện pháp tư pháp đã được quy định rải rác trong các Sắc lệnh như: Sắc lệnh số 01/SL ngày 19/4/1957 trừng trị tội đánh bạc tại Điều 2 quy định về biện pháp tịch thu tang vật; Sắc lệnh 267/SL ngày 15/6/1956 quy định về biện pháp bồi thường thiệt hại.

Khi người phạm tội chiếm đoạt, sử dụng trái phép tài sản thuộc sở hữu xã hội chủ nghĩa hay sở hữu của người khác hoặc người phạm tội gây ra thiệt hại vật chất cho người khác thì ngoài TNHS họ đồng thời phải chịu trách nhiệm về dân sự. Bắt buộc người phạm tội phải trả lại những vật, tiền đã chiếm đoạt cho người sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra có ý nghĩa như là biện pháp bảo vệ tài sản của công dân cũng như tài sản thuộc sở hữu xã hội chủ nghĩa. Biện pháp tư pháp này thông thường được áp dụng đối với những người phạm các tội xâm phạm sở hữu và các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân. Trước đây, trong Sắc lệnh 150/SL ngày 15/4/1953 về việc thành lập các tòa án nhân dân đặc biệt ở những nơi phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất, Sắc lệnh số 267/SL ngày 15/6/1956 trừng trị những âm mưu và hành động phá hoại tài sản của Nhà nước và nhân dân cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch nhà nước thì việc bồi thường thiệt hại được xem như hình phạt bổ sung do Tòa án đặc biệt áp dụng với người phạm tội. Quan điểm cho rằng việc bồi thường thiệt hại và trả lại tài sản đã bị chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là hình phạt bổ sung đã hạn chế các cơ quan bảo vệ pháp luật vì nó chỉ được áp dụng theo quyết định của Tòa án mà thôi. Thế nhưng trong thực tế, biện pháp này cần được áp dụng với người phạm tội thậm chí trước giai đoạn xét xử nếu Tòa án có đầy đủ các căn cứ để miễn tố hoặc miễn TNHS cho họ. Trong các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao sau này, bồi thường thiệt hại không được xem là hình phạt mà được coi là biện pháp dân sự trong vụ án hình sự.

Tuy nhiên, chỉ tới khi Nhà nước ban hành hai pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân ngày 21/10/1970 thì việc bồi thường thiệt hại và trả lại tài sản bị chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp được chính thức khẳng định là biện pháp tư pháp chứ không phải là hình phạt. Điều 21 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ

nghĩa ngày 21/10/1970 với tên gọi "Trả lại và bồi thường tài sản xã hội chủ nghĩa bị xâm phạm" đã quy định: "Kẻ phạm tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa phải trả lại tài sản đó cho Nhà nước hoặc cho tập thể. Nếu tài sản bị xâm phạm không còn nữa hoặc bị hư hỏng thì kẻ phạm tội phải bồi thường" và Điều 17 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân ngày 21/10/1970 với tên gọi "Trả lại và bồi thường tài sản riêng của công dân bị xâm phạm" quy định: "Kẻ phạm tội xâm phạm tài sản riêng của công dân phải trả lại tài sản cho người có tài sản đó. Nếu tài sản bị xâm phạm không còn nữa hoặc bị hư hỏng thì kẻ phạm tội phải bồi thường".

Như vậy có thể nói biện pháp "Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại" trong thời kỳ này được đề cập chủ yếu trong thực tiễn xét xử.

1.3.2. Giai đoạn từ sau khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 đến trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999

Bộ luật hình sự năm 1985 là BLHS đầu tiên kể từ khi thống nhất đất nước đã được kỳ họp thứ IX - Quốc hội khóa VII thông qua ngày 27/6/1985, có hiệu lực từ ngày 01/01/1986. Sự ra đời của BLHS năm 1985 đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong hoạt động lập pháp, thể hiện tập trung chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước, các quy phạm pháp luật hình sự được pháp điển hóa. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của nước ta các biện pháp tư pháp được quy định thành một chương riêng, hoàn chỉnh - Chương V với tên gọi "Các biện pháp tư pháp".

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

Trong BLHS năm 1985, biện pháp "Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại" được quy định tại khoản 1 Điều 34.

Điều 34: Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi.

Biện pháp tư pháp - Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại theo Bộ luật hình sự năm 1999 - 5

1. Người phạm tội phải trả lại những vật, tiền bạc đã chiếm đoạt cho người sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa

hoặc bồi thường các thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra [25].

Theo quy định này có hai vấn đề chưa phù hợp:

Thứ nhất, chưa thống nhất giữa tên gọi và nội dung của điều luật: tên gọi của điều luật là "Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại" nhưng trong nội dung điều luật lại quy định "Người phạm tội phải trả lại những vật, tiền bạc đã chiếm đoạt…." như vậy vô hình chung đã xác định "Tài sản" bằng "vật, tiền bạc" rõ ràng đã hạn chế khái niệm "tài sản" bằng việc liệt kê thành hai loại là vật và tiền. Vậy nếu các loại tài sản khác như quyền sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác mà bị chiếm đoạt thì sẽ phải xử lý như thế nào khi không được xác định là "tài sản". Quy định này cũng mâu thuẫn với khái niệm "tài sản" trong luật dân sự.

Thứ hai, việc xác định đối tượng được trả lại tài sản bị chiếm đoạt. Theo quy định của điều luật, người phạm tội phải trả lại vật, tiền bạc bị chiếm đoạt cho "người sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp". Nếu chỉ quy định là "người sở hữu" như trong BLHS năm 1985 thì mới chỉ dừng lại ở chủ thể là cá nhân sở hữu, còn những chủ thể khác như pháp nhân có tài sản là đối tượng của tội phạm thì sẽ không phải là đối tượng điều chỉnh của biện pháp này. Như vậy, rõ ràng là không phù hợp.

Ví dụ: Ngày 20/5/2012 tám đối tượng rủ nhau trộm ngao của Công ty Minh Phú, thu giữ hơn 500kg ngao thành phẩm. Trong vụ án này, các đối tượng bị bắt quả tang và tang vật là số ngao được trả lại ngay cho Công ty Minh Phú. Như vậy, nếu chỉ quy định trả lại tài sản cho "người sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp" là chưa đầy đủ và bao quát hết được các chủ thể có quyền sở hữu đối với tài sản trong trường hợp chủ sở hữu là pháp nhân.

Chính những bất cập đó đã dẫn đến nhu cầu phải sửa đồi, bổ sung quy định tại BLHS năm 1999.

1.4. NGHIÊN CỨU SO SÁNH BIỆN PHÁP TƯ PHÁP "TRẢ LẠI TÀI SẢN, SỬA CHỮA HOẶC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI" TRONG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỚI BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ HÌNH SỰ TƯƠNG ĐƯƠNG TRONG LUẬT HÌNH SỰ CỦA LIÊN BANG NGA VÀ CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRUNG HOA

1.4.1. Luật hình sự Liên bang Nga

Nếu như trong BLHS Việt Nam quy định hai loại biện pháp tư pháp: biện pháp tư pháp chung và biện pháp tư pháp riêng (như đã giới thiệu ở mục của luận văn) thì BLHS Liên bang Nga không có chương điều nào quy định là "biện pháp tư pháp" mà chỉ có quy định hai loại biện pháp:

- Biện pháp giáo dục bắt buộc được quy định tại Điều 91 BLHS liên bang Nga: theo đó biện pháp này được áp dụng đối với người chưa thành niên lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng nếu thấy rằng có thể cải tạo được họ bằng các biện pháp giáo dục bắt buộc và bắt buộc chữa bệnh. Hệ thống các biện pháp giáo dục bắt buộc bao gồm: cảnh cáo; giao cho cha mẹ hoặc người thay cha mẹ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát giáo dục; buộc bồi thường thiệt hại gây ra; hạn chế sự nhàn rỗi và đặt ra những yêu cầu đặc biệt trong xử sự của người chưa thành niên.

- Biện pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định thành một phần, chương riêng trong BLHS Liên bang Nga - Phần VI, Chương 15 gồm 8 điều (từ Điều 98 đến Điều 105) quy định khá đầy đủ và chi tiết từ căn cứ, mục đích, thời hạn áp dụng, các loại biện pháp bắt buộc chữa bệnh, giám sát thời gian bắt buộc chữa bệnh và áp dụng đồng thời giữa bắt buộc chữa bệnh và thi hành án.

Như vậy, luật hình sự Liên bang Nga không quy định về biện pháp "Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại" trong luật nội dung. Tuy nhiên BLTTHS của Liên bang Nga có quy định về nội dung này trong các quy định về vật chứng và giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại. Theo đó,

cũng như luật hình sự Việt Nam, đối tượng của tội phạm cũng được xác định là một trong các loại vật chứng của vụ án hình sự (khoản 2 Điều 81 BLTTHS Liên bang Nga).

Vấn đề trả lại tài sản cho chủ sở hữu được quy định tại điểm 3, 4, 6 khoản 3 và khoản 4 Điều 81 BLTTHS Liên bang Nga:

3. Khi ra bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án phải giải quyết vấn đề vật chứng, theo đó:

...

3) Vật chứng là vật không có giá trị và không được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp yêu cầu trả lại thì bị tiêu hủy, trong trường hợp họ yêu cầu thì có thể trả lại cho họ.

4) Tiền bạc, vật có giá trị và các tài sản khác có được do phạm tội mà có và các lợi ích phát sinh từ các tài sản đó thì trả lại cho chủ sở hữu.

……

6) Những vật chứng khác được chuyển cho người quản lý hợp pháp, trong trường hợp không xác định được người quản lý hợp pháp thì chuyển thành sở hữu của Nhà nước. Mọi tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

4. Những vật bị thu giữ trong giai đoạn tố tụng trước khi xét xử nhưng không được coi là vật chứng thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý vật đó Như vậy, khi xét xử hoặc quyết định đình chỉ vụ án phải đồng thời xử lý vật chứng, một trong các quy định về xử lý vật chứng là trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Theo đó, thì ngoài tài sản có được do phạm tội mà có thì các lợi ích phát sinh từ các tài sản đó cũng là đối tượng được trả lại cho chủ sở hữu. Quy

định này khác với luật hình sự của Việt Nam, theo luật hình sự Việt Nam thì các lợi ích phát sinh từ tài sản do phạm tội mà có là một trong những nội dung người bị thiệt hại được bồi thường. Dù vậy, thực chất các lợi ích phát sinh từ tài sản do phạm tội mà có hoàn toàn không thể tịch thu sung công quỹ Nhà nước, lại càng không thể thuộc về chủ thể đã chiếm đoạt nên việc quy định phải trả lại cho chủ sở hữu là phù hợp [44].

Ngoài ra khoản 2 Điều 82 BLTTHS Liên bang Nga quy định trả lại tài sản cho chủ sở hữu trong các trường hợp:

1) Đối với vật chứng là vật cồng kềnh hoặc do những nguyên nhân khác mà không thể đưa vào hồ sơ vụ án, kể cả vật chứng có số lượng lớn, việc bảo quản chúng gặp khó khăn hoặc chi phí để bảo quản chúng trong điều kiện đặc biệt tương đương với giá trị của vật chứng thì:

b) Trả lại cho người quản lý hợp pháp, nếu không ảnh hưởng đến việc chứng minh;

...

2) Đối với vật chứng là hàng hóa hoặc thực phẩm mau hỏng, cũng như những tài sản chóng bị lỗi thời một cách vô hình, việc bảo quản chúng gặp khó khăn hoặc chi phí để bảo quản chúng trong những điều kiện đặc biệt tương đương với giá trị của vật chứng thì có thể:

a) Trả lại cho chủ sở hữu;

b) Trong trường hợp không có khả năng để trả lại thì tổ chức bán theo quy định của Chính phủ Liên bang Nga. Số tiền bán vật chứng được đưa vào tài khoản ký quỹ hoặc của cơ quan thu giữ

vật chứng hoặc đưa vào ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác thuộc danh mục do Chính phủ Liên bang Nga quy định [44].

Về bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự được quy định trong BLTTHS Liên bang Nga như sau:

Tại khoản 3 Điều 42: "Người bị hại được bảo đảm được bồi thường thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra và cả những chi phí trong việc họ tham gia vào quá trình điều tra và xét xử vụ án, bao gồm cả chi phí cho người đại diện…" [44] và mức bồi thường do Tòa án quyết định hoặc giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Từ quy định này chúng ta có thể hiểu rằng việc giải quyết phần bồi thường thiệt hại được tiến hành đồng thời với vụ án hình sự hoặc có thể được tách ra và giải quyết bằng một vụ án khác theo thủ tục tố tụng dân sự.

Điều 44 quy định: Nguyên đơn dân sự là thể nhân hoặc pháp nhân có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và về tinh thần khi có căn cứ cho rằng thiệt hại do tội phạm gây ra. Để tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự, họ phải có quyết định công nhận là nguyên đơn dân sự của Tòa án. Chủ thể này có quyền rút đơn yêu cầu vào bất kỳ thời điểm nào nhưng phải trước khi nghị án, việc rút đơn yêu cầu sẽ dẫn đến đình chỉ việc giải quyết bồi thường dân sự.

Các quy định trên khá tương đồng với luật hình sự Việt Nam. Tuy nhiên trong luật hình sự Liên bang Nga việc trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, bồi thường thiệt hại không được gọi là biện pháp tư pháp và không được quy định thành chương riêng trong BLHS như nước ta mà chỉ quy định trong một số nội dung đã nêu ở trên trong BLTTHS.

1.4.2. Luật hình sự nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa

Bộ luật hình sự nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa V, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 01

Xem tất cả 112 trang.

Ngày đăng: 01/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí