Các Quy Định Của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam Năm 2003 Về Biện Pháp Điều Tra Khám Xét

Nguyên tắc 41 (d) (1) của Các nguyên tắc Liên bang về Tố tụng hình sự Hoa Kỳ quy định thẩm phán sơ thẩm hoặc thẩm phán toà án bang nơi có hồ sơ (nếu được uỷ quyền) là những người có quyền ban hành lệnh khám xét. Thông thường, sau khi nhận được một bản khai hoặc thông báo đề nghị ban hành lệnh khám xét và nhận thấy có căn cứ để tiến hành khám xét người hoặc tài sản, thẩm phán sơ thẩm sẽ ban hành lệnh khám xét. Việc đề nghị ban hành lệnh khám xét cũng có thể được diễn ra qua điện thoại hoặc các phương tiện điện tử đáng tin cậy khác (như điện thoại, chuyển fax) nếu những thông tin này được tiến hành ghi âm, chứng nhận theo quy định của pháp luật. Tương tự, thẩm phán cũng có thể ban hành lệnh khám xét bằng điện thoại hoặc các phương tiện điện tử khác, sau đó chuyển hóa lệnh này thành văn bản theo quy định tại Nguyên tắc 41(e) (3). Đây là một quy định khá khác biệt của pháp luật Hoa Kỳ, bởi hiện nay, hầu hết pháp luật của các nước trên thế giới có ghi nhận biện pháp khám xét đều quy định lệnh khám xét phải được lập thành văn bản, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền – nghĩa là lệnh này phải được tồn tại dưới hình thức một văn bản giấy. Thực tế điều tra cho thấy, việc quy định cho cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành lệnh khám xét bằng điện thoại hoặc các phương tiện điện tử khác như trong pháp luật Hoa Kỳ mang lại ý nghĩa lớn trong những trường hợp khẩn cấp hoặc không thể trì hoãn tiến hành khám xét. Quy định này vừa thể hiện sự linh hoạt của pháp luật vừa phản ánh một trình độ lập pháp khoa học, tiến bộ, văn minh ở quốc gia này. Nội dung của quy định trên sẽ được tác giả đưa vào nghiên cứu để kiến nghị hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự ở Việt Nam tại Chương 3.

Để đảm bảo tính hợp pháp của hoạt động khám xét, pháp luật Hoa Kỳ đã ghi nhận các nguyên tắc thi hành lệnh đối với các cơ quan có thẩm quyền:

- Thi hành lệnh trong khoảng thời gian cụ thể, không quá 10 ngày;

- Thi hành lệnh vào ban ngày, trừ khi thẩm phán vì lí do chính đáng uỷ quyền việc thi hành vào thời điểm khác;

- Sau khi thi hành, phải trả lại lệnh cho người thẩm phán sơ thẩm được ghi trong lệnh.

Có thể thấy, với quan niệm khám xét là một biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự, có nguy cơ xâm phạm đến quyền con người, pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ đã quy định về biện pháp này theo chiều hướng ràng buộc chặt chẽ trình tự, thủ tục ban hành và thực thi lệnh khám xét cũng như tính hợp pháp của nó. Tuy nhiên, không vì thế mà các quy định của pháp luật Hoa Kỳ trở nên cứng nhắc, trái lại, những quy định về khám xét trong luật tố tụng hình sự của quốc gia này có rất nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với kiểu mô hình tố tụng tranh tụng đặc trưng. Những điểm tiến bộ này rất đáng để nhiều quốc gia khác học hỏi và hoàn thiện pháp luật tố tụng của mình, trong đó có Việt Nam.

1.4.3. Luật Tố tụng hình sự của Liên bang Nga

BLTTHS năm 2001 của Liên bang Nga có hiệu lực ngày 01/7/2002 thay thế cho BLTTHS năm 1960 thời Xô viết đã hệ thống và ghi nhận các quy định về hoạt động điều tra trên cơ sở những nguyên tắc mang tính dân chủ và pháp quyền. Những quy định này không chỉ đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn mà còn bảo đảm tính hiệu quả của các cơ quan thực thi pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của công dân. Với 01 chương, 11 mục và 77 điều quy định về hoạt động điều tra, BLTTHS 2001 đã điều chỉnh toàn bộ biện pháp điều tra trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Các quy định về khám xét – dưới góc độ một biện pháp điều tra cũng được ghi nhận tại một số điều của Mục 25, thuộc Chương VIII của Bộ luật với các nội dung cụ thể sau:

Về căn cứ tiến hành khám xét:

Theo BLTTHS Liên bang Nga, mỗi hoạt động khám xét khác nhau, lại có những căn cứ tiến hành khác nhau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.

- Việc khám người, địa điểm chỉ được tiến hành khi có những tài liệu cho

rằng ở một địa điểm hoặc trong một người nào đó có công cụ phạm tội, những vật, tài liệu có giá trị và có thể có ý nghĩa đối với vụ án [43, Điều 182, Khoản 1].

Biện pháp điều tra khám xét theo luật tố tụng hình sự Việt Nam - 5

- Việc khám xét điện báo, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm có thể được tiến hành khi có đủ căn cứ cho rằng đồ vật, tài liệu tin tức có ý nghĩa đối với vụ án đang ở trong các bức điện báo, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm đó [43, Điều 185].

- Trong một số trường hợp việc khám xét cũng được thực hiện để nhằm phát hiện người đang bị truy nã và thi thể người chết [43, Điều 182, Khoản 6]. Như vậy, căn cứ tiến hành khám xét đã được luật tố tụng hình sự của

Liên bang Nga quy định khá chặt chẽ và cụ thể. Theo đó, căn cứ vào những tính chất, đặc điểm khác nhau của những hoạt động khám xét cụ thể, pháp luật Liên bang Nga đã ghi nhận những căn cứ khám xét khác nhau. Những quy định này đã được các nhà làm luật Việt Nam học hỏi và ghi nhận trong BLTTHS năm 2003.

Về thẩm quyền quyết định khám xét:

Thông thường, việc khám xét được tiến hành căn cứ vào quyết định của Dự thẩm viên. Tuy nhiên, việc khám xét chỗ ở, khám xét điện báo, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm lại được tiến hành căn cứ vào quyết định của Toà án, ban hành theo thủ tục Toà án cho phép tiến hành hoạt động điều tra. Đối với việc khám người, có thể được tiến hành mà không cần có lệnh trong trường hợp tạm giữ, tạm giam người đó khi có đủ căn cứ để cho rằng một người ở một địa điểm hoặc ở nơi tiến hành khám xét đang cất giấu trong người những vật hoặc tài liệu có thể có ý nghĩa đối với vụ án [43, Điều 184].

Quy định này cho thấy pháp luật Liên bang Nga đã giao thẩm quyền cưỡng chế khá lớn cho các cơ quan chức năng trong việc thực hiện hoạt động khám xét. Đây là sự ảnh hưởng của mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn đã tồn tại ở quốc gia này trong nhiều năm trở về trước.

Về thủ tục tiến hành khám xét:

Trước khi khám xét, Dự thẩm viên công bố quyết định tiến hành khám xét, nếu trong trường hợp Tòa án quyết định cho phép tiến hành khám xét thì công bố quyết định của Toà án. Sau đó, Dự thẩm viên yêu cầu tự nguyện giao nộp những đồ vật, tài liệu và những vật có giá trị có thể có ý nghĩa đối với vụ án cần thu giữ. Nếu chúng được giao nộp một cách tự nguyện và không có căn cứ cho rằng chúng còn bị cất giấu thì Dự thẩm viên có quyền không tiến hành khám xét hoặc tiếp tục tiến hành khám xét.

Khi tiến hành khám xét phải lập biên bản ghi nhận rõ những đồ vật, tài liệu hoặc vật có giá trị được phát hiện ở đâu và trong hoàn cảnh nào, chúng được giao nộp một cách tự nguyện hay bị thu giữ bằng biện pháp cưỡng chế. Tất cả đồ vật, tài liệu và vật có giá trị bị thu giữ cần phải được liệt kê đầy đủ và nêu rõ số lượng, kích cỡ, trọng lượng, những dấu hiệu riêng và nếu có thể thì cả giá trị của chúng. Nếu trong quá trình khám xét phát hiện thấy có âm mưu huỷ hoại, cất giấu những đồ vật, tài liệu hoặc vật có giá trị thuộc loại bị thu giữ thì trong biên bản phải ghi rõ việc này và những biện pháp đã áp dụng. Bản sao biên bản được giao cho người có địa điểm bị khám xét hoặc giao cho người đã thành niên trong gia đình họ. Nếu việc khám xét được tiến hành tại công sở thì bản sao biên bản được giao cho đại diện lãnh đạo tổ chức nơi công sở bị khám xét và họ phải xác nhận vào giấy biên nhận.

Một số nguyên tắc khi tiến hành khám xét:

- Phải tránh gây hư hỏng tài sản một cách không cần thiết.

- Dự thẩm viên áp dụng các biện pháp để giữ bí mật về đời tư của người đang sống tại nơi tiến hành khám xét, về bí mật cá nhân và gia đình họ cũng như của những người khác.

- Khi tiến hành khám xét, mọi đồ vật và tài liệu thu thập được từ việc lưu thông phải được thu giữ trong mọi trường hợp.

- Những đồ vật, tài liệu và vật có giá trị bị thu giữ phải được đưa cho những người chứng kiến và những người khác tham gia vào quá trình khám xem xét, nếu trong trường hợp cần thiết phải đóng gói và niêm phong tại nơi tiến hành khám xét thì những người này ký xác nhận.

- Khi khám xét phải có mặt của người có địa điểm bị khám xét hoặc thành viên đã thành niên trong gia đình họ. Người bào chữa hoặc luật sư của người có địa điểm bị khám xét có thể có mặt khi tiến hành khám xét.

- Việc khám người phải do người cùng giới tiến hành và phải có mặt những người chứng kiến và nhà chuyên môn là người cùng giới, nếu họ tham gia vào hoạt động điều tra này.

- Sau khi tiến hành khám xét xong, phải tiến hành lập biên bản cuộc khám xét, có đầy đủ chữ ký của những người tham gia.

Bên cạnh việc quy định về hoạt động khám xét người, địa điểm, nơi ở, nơi làm việc, thư tín, điện tín, bưu phẩm, bưu kiện, BLTTHS Liên bang Nga còn ghi nhận hoạt động giám sát và ghi âm các cuộc trao đổi khi có lệnh của Tòa án nếu có đủ căn cứ để cho rằng các cuộc trao đổi qua điện thoại hoặc bằng các hình thức khác của người bị tình nghi, bị can và những người khác có thể chứa đựng những thông tin có ý nghĩa đối với vụ án có tội phạm là các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng hoặc trường hợp có sự đe doạ việc dùng vũ lực, tống tiền hoặc những hoạt động tội phạm khác đối với người bị hại, người làm chứng hoặc những người họ hàng thân thích của họ (Điều 186). Đây có thể coi là một biện pháp có ý nghĩa hỗ trợ, bổ sung cho biện pháp điều tra khám xét. Trong bối cảnh công nghệ thông tin (internet, điện thoại…) đang phát triển rầm rộ ở tất cả các quốc gia, việc ghi nhận hoạt động giám sát và ghi âm các cuộc trao đổi qua điện thoại hoặc bằng các hình thức khác là rất cần thiết và phù hợp.

Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam, hoạt động này vẫn chưa được ghi

nhận trong pháp luật tố tụng hình sự cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan. Do đó, tại Chương 3 của Luận văn, chúng tôi sẽ đề cập đến việc hoàn thiện pháp luật về nội dung này.

Như vậy, so với Luật tố tụng hình sự của Nhật Bản và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, luật Tố tụng hình sự của Liên bang Nga quy định về biện pháp khám xét chặt chẽ, cụ thể và rõ ràng hơn. Những quy định này hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ của hoạt động tố tụng hình sự của Liên bang Nga là: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức, của những người bị thiệt hại do tội phạm gây ra; Bảo vệ các cá nhân không bị buộc tội, bị kết án, bị hạn chế các quyền và tự do một cách không có căn cứ và trái pháp luật.

Bộ luật tố tụng hình sự của Liên bang Nga nói chung và một số quy định về biện pháp điều tra khám xét trong Bộ luật này nói riêng đã được các nhà làm luật Việt Nam nghiên cứu, tham khảo và vận dụng có chọn lọc vào BLTTHS Việt Nam trong quá trình pháp điển hóa lần đầu tiên vào năm 1988 cũng như lần pháp điển hóa thứ hai vào năm 2003 và định hướng là lần pháp điển hóa trong những năm tới đây.

* Một số vấn đề rút ra khi nghiên cứu các quy định về biện pháp điều tra khám xét trong Luật tố tụng hình sự của một số quốc gia trên thế giới

Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các quy định về biện pháp điều tra khám xét trong Luật tố tụng hình sự của Nhật Bản, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Liên bang Nga, chúng tôi rút ra một số nhận định sau:

Một là, nhìn chung biện pháp điều tra khám xét trong pháp luật Tố tụng hình sự của cả ba quốc gia trên đều được quy định khá đầy đủ, rõ ràng và chi tiết về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành. Tuy nhiên, nội dung của các quy định này lại không hoàn toàn giống nhau ở mỗi nước. Điều này là lẽ tự nhiên bởi mỗi quốc gia có một đặc trưng riêng về pháp luật và đời sống thực tiễn nên pháp luật cũng phản ánh và phù hợp với thực tiễn đó.

Hai là, với bản chất của một mô hình tố tụng tranh tụng đặc trưng, trong pháp luật Hoa Kỳ, quyền con người luôn được đề cao, do đó các quy định về biện pháp điều tra khám xét của quốc gia này chủ yếu nhấn mạnh vào trình tự, thủ tục ban hành, tiến hành lệnh khám xét. Trong khi đó, ở Nhật Bản và Liên bang Nga, các quy định về biện pháp điều tra khám xét lại chủ yếu tập trung vào căn cứ và thẩm quyền tiến hành khám xét, thể hiện sự trao quyền của Nhà nước cho các cơ quan thực thi. Như vậy, trong khi các quy định về biện pháp điều tra khám xét của Hoa Kỳ chủ yếu hướng tới việc đảm bảo tính hợp pháp của hoạt động khám xét, từ đó bảo vệ tối đa quyền của người bị áp dụng thì pháp luật Nhật Bản và Liên bang Nga lại hướng tới mục tiêu đảm bảo tính khẩn trương, hiệu quả của hoạt động điều tra trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Ba là, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên bang Nga đều là những quốc gia có trình độ lập pháp tiến bộ trên thế giới, những quy định về biện pháp điều tra khám xét của các quốc gia này cũng khá đầy đủ, có nhiều nội dung tiến bộ, văn minh, phù hợp với thực tiễn. Chính vì vậy, để hoàn thiện luật tố tụng hình sự Việt Nam nói chung, quy định về biện pháp điều tra khám xét nói riêng ở nước ta, việc nghiên cứu, học hỏi các quy định của những quốc gia này là một đòi hỏi tất yếu.

Chương 2

QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM NĂM 2003 VỀ BIỆN PHÁP ĐIỀU TRA KHÁM XÉT VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG

2.1. Các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 2003 về biện pháp điều tra khám xét

Là một biện pháp điều tra trong tố tụng hình sự có mục đích là nhằm phát hiện, thu thập chứng cứ, tài liệu hoặc các đồ vật có liên quan khác, góp phần làm sáng tỏ những tình tiết khách quan trong vụ án hình sự, khám xét được BLTTHS năm 2003 quy định tại Chương XII với 8 điều luật chính: Điều 140, 141, 142, 143, 144, 145, 148, 149. Những điều luật này vừa trực tiếp hiện thực hóa các nguyên tắc bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân, bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân quy định tại Điều 7, Điều 8 BLTTHS vừa là cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Có thể khái quát nội dung điều chỉnh của luật tố tụng hình sự Việt Nam về biện pháp điều tra khám xét bao gồm những vấn đề sau: căn cứ khám xét, thẩm quyền ra lệnh và tiến hành khám xét nói chung; các biện pháp khám xét cụ thể, bao gồm: khám người; khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm; khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm.

2.1.1. Căn cứ khám xét

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, khám xét là một biện pháp điều tra thu thập chứng cứ cần thiết và quan trọng nhưng ở một góc độ khác, biện pháp điều tra này lại tác động trực tiếp đến các quyền bất khả xâm phạm của công dân được Hiến pháp và pháp luật của nước ta bảo vệ, đó là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, chỗ ở, thư tín, điện tín… Vì vậy, khi không có những căn cứ luật định, không cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào được thực hiện biện pháp điều tra này.

Xem tất cả 124 trang.

Ngày đăng: 30/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí