Các Quy Định Về Biện Pháp Điều Tra Khám Xét Trong Luật Tố Tụng Hình Sự Của Một Số Quốc Gia Trên Thế Giới

quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, tạo cơ sở cho các quy định về khám xét sau này. Cụ thể: Hiến pháp năm 1946 quy định: “Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật” [25, Điều 11]; Hiến pháp năm 1959 ghi nhận: “Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được bảo đảm… Pháp luật bảo đảm nhà ở của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà không bị xâm phạm, thư tín được giữ bí mật” [26, Điều 27, 28].

Từ tinh thần trên của Hiến pháp, Luật số 103/SL-L005 ngày 20/5/1957 quy định về quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân và Nghị định 301 ngày 10/7/1957 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật số 103/SL-L005 ngày 20/5/1957 đã lần đầu tiên ghi nhận một số nội dung liên quan đến hoạt động khám người, khám đồ vật, nhà ở và thư tín với các nội dung cụ thể như sau:

- Thẩm quyền khám người, đồ vật, nhà ở và thư tín của tư nhân trong các trường hợp thông thường thuộc về: Công tố uỷ viên, phó công tố uỷ viên, thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh hoặc thành phố trở lên (được tạm uỷ quyền giữ nhiệm vụ công tố); Chánh án, phó Chánh án, thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh hoặc thành phố trở lên được uỷ quyền làm chủ toạ phiên toà đối với những vụ án đem xét xử tại phiên toà ấy; Cục trưởng hoặc Cục phó Cục quân pháp; Công tố uỷ viên hoặc công tố uỷ viên Toà án binh các cấp, cán bộ công tố (được uỷ quyền giữ nhiệm vụ công tố); Chánh án, phó Chánh án, cán bộ thẩm phán (được uỷ quyền làm chủ toạ phiên toà); Những người thi hành lệnh viết của các cán bộ tư pháp nêu trên [14, Điều 12,13,14].

Trong những trường hợp phạm pháp quả tang, trường hợp khẩn cấp hoặc có triệu chứng phạm pháp, trường hợp đang tiến hành điều tra vụ án mà can phạm đang bị tạm giữ, hoặc tạm giam, hoặc trong trường hợp được uỷ quyền điều tra toàn bộ vụ phạm pháp, thì tùy từng trường hợp mà Thẩm phán

Toà án nhân dân huyện, châu trở lên; Cán bộ công tố của Toà án binh; Nhân viên và cán bộ công an, chiến sĩ và và cán bộ bộ đội bảo vệ, bộ đội biên phòng, chiến sĩ và cán bộ bộ đội quốc phòng làm nhiệm vụ bảo vệ; Trưởng công an huyện, châu, phó công an huyện, châu, trưởng đồn, phó đồn công an trở lên hoặc những nhân viên thi hành lệnh viết của các cán bộ nói trên cũng có quyền được khám người, đồ vật, nhà ở và thư tín của tư nhân [14, Điều 15,16,17]. Uỷ ban hành chính xã trong khi làm nhiệm vụ tư pháp, trưởng công an và phó công an xã có quyền khám người, đồ vật, nhà ở của người phạm pháp quả tang và những người có liên quan đến vụ phạm pháp quả tang xảy ra trong xã mình [14, Điều 18].

- Các hoạt động khám xét cụ thể được điều chỉnh chi tiết là khám người và khám nhà. Theo đó, Nghị định 301 ngày 10/7/1957 của Thủ tướng Chính phủ quy định:

Khi khám người một phụ nữ phạm pháp cần có một phụ nữ khám ở một nơi kín đáo và trong những trường hợp thông thường, nhân viên thi hành lệnh khám nhà phải cùng đi với một uỷ viên Uỷ ban Hành chính địa phương, người chủ nhà hoặc thay mặt chủ nhà và một người láng giềng, khi khám xong phải lập biên bản khám xét và giữ tang vật nếu có [14, Điều 19, 20].

Có thể thấy, Luật số 103/SL-L005 ngày 20/5/1957 và Nghị định 301 ngày 10/7/1957 không phải là những văn bản điều chỉnh trực tiếp hoạt động khám xét nên những quy định về khám xét được ghi nhận trong hai văn bản này còn rất đơn giản, sơ lược. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh lịch sử nước ta lúc bấy giờ, việc các nhà làm luật lần đầu tiên ghi nhận một số nội dung liên quan đến hoạt động khám xét trong riêng một chương của một văn bản Luật đã thể hiện rõ nguyên tắc bảo vệ các quyền cơ bản của công dân. Những quy định này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho việc ra đời và phát triển của các quy định về khám xét sau này.

Tóm lại, trong giai đoạn từ năm 1945 đến trước năm 1975, do Luật Tố tụng hình sự chưa được pháp điển hóa nên các quy định về khám xét cũng mới chỉ được thể hiện trong các văn bản pháp luật đơn lẻ về tố tụng. Tuy nhiên, những văn bản này cũng phần nào tạo cơ sở, định hướng cho việc phát triển và hoàn thiện các quy định về đến hoạt động khám xét trong các BLTTHS sau này.

1.3.2. Từ năm 1975 đến trước 01/07/2004

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 124 trang tài liệu này.

Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam Việt Nam, trong thời gian chờ đợi thống nhất về mặt Nhà nước (từ 30/4/1975 đến 29/06/1976), Nhà nước Cộng hòa đã ban hành một số văn bản Luật tố tụng hình sự đơn lẻ. Trong đó, Sắc luật số 02/SL-76 ngày 15/03/1976 quy định việc bắt giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật là văn bản có nội dung điều chỉnh trực tiếp hoạt động khám xét. Trong Sắc luật này, hoạt động khám xét được điều chỉnh tại 4 điều luật, với nội dung chủ yếu là quy định các hoạt động khám nhà ở, khám đồ vật trong trường hợp khẩn cấp, trường hợp phạm tội quả tang, nguyên tắc và việc lập biên bản khi tiến hành khám xét. Những quy định này đã được áp dụng khá triệt để trong hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam giai đoạn trước những năm 90 của thế kỷ XX.

Thời kỳ này, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 là nguồn quan trọng của Luật tố tụng hình sự. Trong cả hai bản Hiến pháp trên, các quyền bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng, bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân đều được ghi nhận và bảo vệ. Trên cơ sở những nguyên tắc Hiến định, BLTTHS 1988- BLTTHS đầu tiên của nước ta ra đời đã có những quy định rõ ràng, đầy đủ về hoạt động khám xét. Tại đây, hoạt động khám xét được điều chỉnh trong một chương độc lập, bao gồm 4 điều luật với các nội dung cụ thể như sau:

Biện pháp điều tra khám xét theo luật tố tụng hình sự Việt Nam - 4

- Căn cứ khám xét: khám xét chỉ được thực hiện khi có căn cứ nhận định trong người, chỗ ở, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hoặc khi cần phát hiện người đang bị truy nã hoặc khi cần phải thu thập những tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì có thể khám thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm [28, Điều 115].

- Thẩm quyền ra lệnh khám xét: trong những trường hợp thông thường, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp; Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc Toà án quân sự cấp quân khu trở lên, chủ toạ phiên toà; Trưởng công an, Phó trưởng công an cấp huyện, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh và cấp quân khu trở lên (có lệnh khám xét do Viện kiểm sát cũng cấp phê chuẩn) là những người có thẩm quyền ban hành lệnh khám xét. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể trì hoãn, người chỉ huy của đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn; Người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo hoặc biên giới; Người chỉ huy máy bay, tàu biển, khi máy bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng cũng có quyền ra lệnh khám xét. Trong những trường hợp này, sau khi khám xong, người ra lệnh khám phải báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ [28, Điều 116].

- Trình tự, thủ tục tiến hành khám xét: khi khám xét, người tiến hành khám xét phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó, giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người đồ vật cần thu giữ thì có thể tiến hành khám người mà không cần có lệnh. Trước khi khám, người tiến hành khám xét phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám xét [28, Điều 117,118,119].

- Các lưu ý khi tiến hành hoạt động khám xét cụ thể: Bên cạnh căn cứ, thẩm quyền và trình tự thủ tục khám xét, BLTTHS 1988 cũng quy định về những trường hợp khám xét cụ thể (khám người, khám xét chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm…). Theo đó, khi khám người, người tiến hành khám xét phải thực hiện theo nguyên tắc: nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến [28, Điều 117]. Khi tiến hành khám chỗ ở, địa điểm, người tiến hành khám xét phải đảm bảo sự có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường hoặc thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến. Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Khi khám chỗ làm việc của một người: thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.Việc khám chỗ làm việc phải có đại diện của cơ quan hoặc tổ chức chứng kiến. Khi tiến hành khám chỗ ở, địa điểm, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong [28, Điều 118]; Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện thì CQĐT ra lệnh thu giữ. Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan phải giúp đỡ người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ. Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm phải có đại diện của cơ quan bưu điện chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản. Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết, trừ trường hợp việc thông báo cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra

lệnh thu giữ phải thông báo ngay [28, Điều 119]. Bên cạnh đó, tất cả các hoạt động khám xét cần phải được lập biên bản, ghi nhận lại toàn bộ những hoạt động đã thực hiện, có chữ ký xác nhận của các thành phần tham gia [28, Điều 120].

Như vậy, khi BLTTHS 1988 ra đời, các quy định về khám xét đã lần đầu tiên được điều chỉnh trong một BLTTHS thống nhất với các nội dung khá rõ ràng, chi tiết và chặt chẽ. Những quy định về khám xét này vừa thể hiện sự thống nhất, kế thừa của những văn bản trước như Luật số 103/SL-L005 ngày 20/5/1957, Nghị định 301 ngày 10/7/1957, Sắc luật số 02/SL-76 ngày 15/03/1976… vừa có những điểm tiến bộ, phát triển hơn. Những quy định này là cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan chức năng thực hiện hoạt động khám xét và cũng là cơ sở để bảo vệ quyền công dân.

1.4. Các quy định về biện pháp điều tra khám xét trong luật tố tụng hình sự của một số quốc gia trên thế giới

1.4.1. Luật tố tụng hình sự của Nhật Bản

BLTTHS hiện hành của Nhật Bản (thông qua năm 1948, sửa đổi bổ sung năm 2004) bao gồm 7 quyển, 23 chương đã điều chỉnh một cách toàn diện các nội dung về tố tụng hình sự, tạo cơ sở pháp lý cho việc làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án cũng như áp dụng và thực thi việc trừng trị một cách nhanh chóng đối với các vụ án hình sự, trong khi vẫn xem xét đầy đủ đến việc duy trì phúc lợi công và đảm bảo nhân quyền đối với từng cá nhân.

Cùng với biện pháp tạm giữ, biện pháp khám xét được BLTTHS Nhật Bản điều chỉnh tại Chương IX với 28 điều luật chính. Theo quy định tại Bộ luật này, khám xét là một biện pháp điều tra, có thể được áp dụng đối với bị cáo hoặc người không phải bị cáo nếu có những tình huống đủ để chỉ ra đồ vật cần bị tạm giữ. Khi có căn cứ khám xét thân thể, đồ vật hoặc nơi ở, hoặc bất kì nơi nào của các đối tượng khám xét, Tòa án có thẩm quyền ra lệnh. Lệnh khám xét có các nội dung chính gồm: tên bị cáo, tội phạm, địa điểm,

thân thể, hoặc đồ vật cần bị khám xét, thời hạn có hiệu lực, và tuyên bố là sau khi hết thời hạn này thì không được thi hành, phải trả lại lệnh cũng như ngày ban hành lệnh; các vấn đề được quy định trong các nguyên tắc của toà án; phải ký tên, đóng dấu của Chánh án. Lệnh này có thể được thi hành bởi thư kí văn phòng công tố hoặc cảnh sát dưới sự chỉ huy của công tố viên, trong trường hợp cần phải bảo vệ bị cáo, chánh án có thể ra lệnh cho thư kí toà hoặc cảnh sát thi hành.

Theo BLTTHS Nhật Bản, nếu trong lệnh khám xét không cho phép tiến hành vào ban đêm thì không được khám xét vào ban đêm. Tuy nhiên, trong trường hợp khám xét tại những nơi được cho là thường xuyên được sử dụng để đánh bạc, chơi số đề, hoặc các hành vi có thể gây tổn hại đến tập quán và đạo đức; hộp đêm, nhà hàng, hoặc bất kì nơi nào khác nơi công chúng có thể ra vào cả vào ban đêm thì hoạt động khám xét vẫn có thể diễn ra vào ban đêm. Quy định này của BLTTHS Nhật Bản khá linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, vừa bảo vệ quyền con người, vừa đảm bảo hiệu quả của hoạt động điều tra.

BLTTHS Nhật Bản quy định: “Trường hợp cần khám xét thân thể phụ nữ, thì phải yêu cầu một phụ nữ đã trưởng thành có mặt: Với điều kiện là không áp dụng trong trường hợp khẩn cấp” [44, Điều 115]. Theo quy định này, có thể hiểu người thi hành lệnh khám không nhất thiết phải cùng giới với người bị khám (nam có thể khám nữ và ngược lại, nữ có thể khám nam) và khi khám nam giới, không cần có người cùng giới chứng kiến, chỉ trong trường hợp khám xét thân thể phụ nữ mới cần phải có người cùng giới chứng kiến. Đây có thể coi là một điểm không hợp lý trong pháp luật tố tụng hình sự của Nhật Bản. Bởi lẽ, chủ thể bị áp dụng biện pháp khám xét ngoài bị cáo còn có thể là những người không phải là bị cáo (chỉ là những người bị tình nghi phạm tội hoặc có liên quan khác), họ chưa bị hạn chế một số quyền công dân

nên việc pháp luật không quy định hoạt động khám người phải do người cùng giới thực hiện là không thỏa đáng, chưa thể hiện sự tôn trọng quyền được coi trọng thân thể của mỗi cá nhân. Vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh quyền con người đang ngày càng được đề cao ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, quy định này trong luật tố tụng hình sự Nhật Bản cũng nên sửa đổi, bổ sung theo hướng: khi khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và bắt buộc phải có người cùng giới chứng kiến như trong pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của nhiều quốc gia có nền lập pháp tiến bộ khác trên thế giới.

1.4.2. Luật Tố tụng hình sự của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Hiện nay, do đặc điểm thể chế truyền thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ở quốc gia này không có một BLTTHS riêng biệt, những quy định về tố tụng hình sự được điều chỉnh ở nhiều văn bản khác nhau như: Quy tắc tố tụng hình sự Liên bang, Quy tắc tố tụng phúc thẩm Liên bang, Quy tắc của Tòa án Tối cao, Quy tắc về bằng chứng của Liên bang và hàng loạt các Đạo luật của Liên bang, các Quyết định hợp Hiến của Tòa án Tối cao, Quy tắc nội bộ của Cơ quan Điều tra... Trong đó, biện pháp khám xét được điều chỉnh tập trung tại nguyên tắc thứ 41: Khám xét và bắt giữ của Các nguyên tắc Liên bang về Tố tụng hình sự năm 2006 (thường được gọi tắt là “Quy tắc tố tụng hình sự Liên bang”).

Theo nguyên tắc này, lệnh khám xét có thể được ban hành đối với: Chứng cứ về một tội phạm; Hàng buôn lậu, tài sản có được do phạm tội, hoặc các đồ vật khác được sở hữu bất hợp pháp; Tài sản được thiết kế để sử dụng, có ý định để sử dụng hoặc được sử dụng để phạm tội; hoặc một người cần phải bị bắt hoặc người đang bị tạm giữ bất hợp pháp. Có thể thấy, so với pháp luật Nhật Bản, pháp luật Liên bang của Hoa Kỳ quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp khám xét rộng hơn, cụ thể hơn, bao gồm cả người và tài sản (gồm: tài liệu, sách, giấy tờ, các đồ vật hữu hình và thông tin).

Xem tất cả 124 trang.

Ngày đăng: 30/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí