Thực Trạng Vốn Đầu Tư Ở Việt Nam Trước Đổi Mới Và Sự Cần Thiết Trong Việc Thu Hút Nguồn Vốn Fdi Cho Phát Triển Kinh Tế – Xã Hội Việt Nam


trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, đối với các nước tiếp nhận đầu tư, sự cạnh tranh diễn ra ở mức độ ngày càng cao với mục tiêu thu hút và sử dụng hiệu quả một luồng vốn FDI lớn nhất mà họ có thể tiếp nhận. Tuy nhiên có thể thấy rằng nhu cầu về vốn FDI trên toàn thế giới là rất lớn, trong khi đó lượng vốn FDI thì có hạn và tăng trưởng khá chậm, không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế của tất cả các quốc gia. Do đó, trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI rất quyết liệt, quốc gia nào có lợi thế so sánh và có chính sách hấp dẫn hơn sẽ là quốc gia thu hút được mức độ đầu tư cao hơn.

Các nước phát triển, như đã nói ở trên, là những nước thu hút phần lớn lượng vốn FDI của thế giới nhờ những lợi thế vượt trội về nhiều mặt của mình.

Trong khi đó, các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, mặc dù phần lớn là các nước có nguồn tích luỹ trong nước không cao, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và do đó họ có nhu cầu đặc biệt lớn về vốn FDI thì chỉ được nhận khoảng hơn 20% tổng vốn FDI trên toàn thế giới. Tuy nhiên, lượng vốn ít ỏi dành cho các nước đang phát triển lại chủ yếu chảy vào các nước có điều kiện thuận lợi và có sức hấp dẫn đầu tư cao như: Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Brazil,… và đặc biệt là Trung Quốc. Theo báo cáo đầu tư thế giới hằng năm của UNCTAD thì lượng vốn FDI chảy vào Trung Quốc thường chiếm tới hơn một nửa lượng FDI vào các nước đang phát triển. Điều này làm cho sự cạnh tranh giữa các nước đang phát triển còn lại với nhau và với Trung Quốc càng trở nên gay gắt hơn. Vì vậy, trong thời gian gần đây, có thể nhận thấy những nỗ lực rất lớn của các nước đang phát triển và các nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi thông qua những động thái tích cực nhằm cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, rộng mở, dỡ bỏ bớt những rào cản trong nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm như bảo


hiểm, viễn thông, ngân hàng,… đồng thời ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút FDI.

Riêng khu vực ASEAN, trong vài thập niên trở lại đây đang là một trong những khu vực kinh tế phát triển khá năng động của thế giới và có sức thu hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ngoài việc phải cạnh tranh với các khu vực và các nền kinh tế khác trên thế giới, sự cạnh tranh trong nội bộ ASEAN cũng không kém phần quyết liệt. Là một thành viên của khu vực, Việt Nam đang đứng trước những thời cơ lớn để thu hút FDI nhưng đồng thời cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ đó là phải cạnh tranh với những quốc gia có sức hấp dẫn đầu tư lớn trong khu vực như: Singapore, Thái Lan, Malaysia,…

Đối với các nước đi đầu tư, do xuất phát từ mục tiêu cao nhất là lợi nhuận, cho nên sự cạnh tranh giữa các chủ đầu tư thực chất là để giành được địa điểm đầu tư thuận lợi nhất và đem lại hiệu quả cao nhất. Ngày nay, các nhà cung cấp FDI, dù là ở nước phát triển hay đang phát triển, đều tích cực quảng bá hình ảnh của mình để có thể nhận được sự ưu đãi từ phía nước chủ nhà, đặc biệt là từ phía các nước tiếp nhận đầu tư mà họ quan tâm. Ở phương diện này, rò ràng, nó tạo điều kiện nhất định cho các nước tiếp nhận đầu tư cơ hội để lựa chọn nhà đầu tư thích hợp với yêu cầu của mình.

Với xu hướng vận động như trên thì trong những thập niên gần đây dòng FDI đã và đang tạo ra cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cơ hội tiếp nhận một lượng vốn FDI để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là Việt Nam phải làm thế nào để có thể tận dụng được cơ hội đó trong bối cảnh sự


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.

cạnh tranh thu hút dòng FDI giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ đang diễn ra rất quyết liệt.

1.3. Thực trạng vốn đầu tư ở Việt Nam trước Đổi mới và sự cần thiết trong việc thu hút nguồn vốn FDI cho phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam

Biến đổi cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tác động của nó đến kinh tế – xã hội Việt Nam từ năm 1988 đến nay - 4

Năm 1975, sau 30 năm tiến hành chiến tranh cách mạng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam bước vào thời kỳ hoà bình, độc lập, thống nhất và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bối cảnh chính trị – xã hội mới đó là một trong những nhân tố quan trọng tác động và làm thay đổi căn bản tình hình kinh tế Việt Nam thời kỳ này so với thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Là yếu tố đóng vai trò không thể thiếu trong phát triển kinh tế, diễn biến của nguồn vốn đầu tư phát triển cũng không phải là một ngoại lệ trong sự biến chuyển chung đó.

Xem xét tình hình vốn đầu tư ở Việt Nam trong 10 năm 1975 – 1985, có thể thấy nổi lên một số nét đáng chú ý sau:

– Về quy mô nguồn vốn: Như đã biết, quy mô nguồn vốn của một quốc gia phụ thuộc vào chính tiềm lực kinh tế của quốc gia đó. Trong 30 năm chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc (1946 – 1975), mọi nhân tài, vật lực của Việt Nam đều đã được dồn hết cho sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Bước vào thời kỳ hoà bình, Việt Nam có điều kiện để tập trung tất cả trí tuệ, nhân lực, vật lực cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhưng bản thân tiềm lực của đất nước cũng đã bị suy kiệt nhiều, Việt Nam đang ở một điểm xuất phát rất thấp. Vì vậy nguồn vốn có thể huy động cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội là rất hạn chế. Nhìn chung, vốn đầu tư thời kỳ này có quy mô nhỏ, xu hướng cơ


bản là tăng nhưng tốc độ tăng là khá chậm qua các năm và nhất là vẫn xuất hiện những biến động giảm liên tục về nguồn vốn đầu tư ở một số năm. Cụ thể là: Trong 3 năm đầu (1976 – 1978), tính theo giá so sánh năm 1982, vốn đầu tư xây dựng của Nhà nước liên tục tăng: năm 1976 đạt 12808,3 triệu đồng, năm 1977 đạt 15994,7 triệu đồng và năm 1978 đạt 17477,4 triệu đồng. Tuy nhiên từ năm 1979 đến năm 1981, tổng vốn đầu tư xây dựng của Nhà nước lại giảm liên tục với mức giảm bình quân khoảng 1000 triệu đồng/năm nên đến năm 1981 vốn đầu tư của Nhà nước chỉ còn 14351,2 triệu đồng. Năm 1982, vốn đầu tư bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ, đạt 14409,4 triệu đồng, và mở đầu cho sự gia tăng trở lại của vốn đầu tư. Đến năm 1985 vốn đầu tư xây dựng của Nhà nước đạt đỉnh cao nhất trong cả thời kỳ nhưng cũng chỉ tăng lên chưa đầy 2 lần so với năm 1976 với 24839,4 triệu đồng. Rò ràng, với quy mô nguồn vốn như thế chắc chắn không thể đáp ứng được yêu cầu tái thiết toàn diện của Việt Nam sau một cuộc chiến tranh kéo dài, khốc liệt với mức độ tàn phá cao cũng như yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà nhân dân Việt Nam đang theo đuổi.

– Về cơ cấu nguồn vốn xét trên phương diện chủ thể nguồn vốn: Vốn đầu tư cho phát triển thời kỳ này về cơ bản đến từ 2 nguồn chính là: vốn trong nước (hay vốn tự có) và vốn nước ngoài (hay vốn viện trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu).

+ Vốn trong nước: Nguồn vốn trong nước là bộ phận quan trọng nhất, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu vốn đầu tư phát triển của Việt Nam thời gian này. Vốn trong nước gồm có 2 bộ phận là vốn của Nhà nước và vốn của tư nhân. Vốn của Nhà nước chiếm đại bộ phận trong nguồn vốn tự có, do đó đây là nguồn vốn chủ lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Vốn của tư nhân nhìn chung rất ít và hầu như không đáng kể, do kinh tế tư nhân bị hạn chế phát triển, thậm


chí đã có thời gian bị triệt tiêu thông qua quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội với đặc trưng sở hữu thuộc về toàn dân và tập thể. Nhìn chung, cơ cấu vốn trong nước của Việt Nam thời kỳ 1976 – 1985 là sự phản ánh thực trạng của một mô hình xã hội chủ nghĩa cũ đang được xây dựng ở Việt Nam.

+ Vốn nước ngoài: Nguồn vốn nước ngoài Việt Nam có được trong thời kỳ này chủ yếu là vốn viện trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu – nguồn vốn này có thể xem là vốn viện trợ phát triển (ODA). Nguồn vốn nước ngoài này nằm trong nguồn vốn ODA chung mà đứng đầu là Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác dành để viện trợ cho các nước trong khối xã hội chủ nghĩa còn gặp khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội và được các nước cung cấp ODA xem là nghĩa vụ quốc tế cao cả nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Do đó, không phải đến thời kỳ này Việt Nam mới được tiếp nhận nguồn vốn viện trợ từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, mà thực chất đó là sự duy trì và tiếp nối một quá trình viện trợ tương đối dài lâu đã được bắt đầu từ những thập kỷ trước. Tuy nhiên, từ cuối thập kỷ 1970, đặc biệt càng về những năm cuối của thập kỷ 1980, do trình trạng bất ổn và khủng hoảng đang diễn ra ngày càng sâu sắc, trầm trọng, nguy cơ sụp đổ và tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đang trở nên rò nét, nguồn vốn viện trợ mà Việt Nam nhận được thời kỳ này chỉ còn rất ít và ngày càng có xu hướng sụt giảm nhanh chóng, thậm chí là bị ngưng trệ hoàn toàn. Tình hình đó đã gây ra những tác động nhất định đối với nền kinh tế – xã hội của Việt Nam và có thể đó cũng là yếu tố góp phần làm cho Việt Nam sớm rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội nghiêm trọng.


Hệ quả sau 10 năm duy trì xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình cũ trong điều kiện trong nước và quốc tế nói chung hết sức khó khăn, phức tạp và tình hình nguồn vốn đầu tư phát triển nói riêng hạn hẹp, phân bổ và sử dụng chưa thật sự hợp lý đó là Việt Nam bị rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội toàn diện, sâu sắc vào những năm cuối của thập niên 1980. Tình trạng đó nếu cứ tiếp tục kéo dài có thể tác động xấu đến niềm tin của nhân dân vào con đường xã hội chủ nghĩa cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Vì vậy, vấn đề lịch sử có ý nghĩa sống còn đặt ra lúc này là phải nhanh chóng khắc phục tình hình trên, đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội đang diễn ra rất trầm trọng, củng cố niềm tin và sự kiên trì của nhân dân vào con đường chủ nghĩa xã hội. Để làm được điều đó, bên cạnh việc phải có những sự thay đổi căn bản ở tầm vĩ mô như thay đổi tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tư duy phát triển kinh tế, thì những sự thay đổi có tính chất vi mô hơn mà cụ thể ở đây là sự thay đổi về cách nhìn nhận đối với hoạt động thu hút, khai thác và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển có lẽ cũng cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc. Trong vấn đề này, việc giải quyết “đầu vào” hay việc phải tìm ra những phương hướng khả thi để tăng nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước có lẽ cần phải đi trước một bước. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và bối cảnh thế giới lúc đó, giải quyết vấn đề nguồn vốn không thể chỉ dựa hoàn toàn vào tiềm lực vốn rất nhỏ bé của đất nước, mà phải kết hợp với việc tranh thủ nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới thông qua nhiều hình thức và phương pháp khác nhau. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của kinh tế thế giới, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam có điều kiện để thu hút và lựa chọn


nhiều loại vốn đầu tư nước ngoài khác nhau, từ vốn viện trợ phát triển (ODA), vốn của các tổ chức phi chính phủ (NGOs), nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại nước ngoài đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII),... Tuy nhiên trong các loại vốn đầu tư nước ngoài đó, vốn FDI, với sự phổ biến và ưu thế nhất định (như đã thể hiện) của một nguồn vốn lớn nhất và đóng vai trò quan trọng nhất trong các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, có lẽ cần được xem là một trọng điểm trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Tựu trung lại, điều cần kíp trong việc giải quyết nguồn vốn đầu tư đối với Việt Nam lúc này là phải nhanh chóng tiến hành, thậm chí là tiến hành một cách mạnh mẽ hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là vốn FDI để tạo thêm nguồn vốn dồi dào hơn cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Như vậy, trước Đổi mới, diễn biến của tình hình vốn đầu tư ở Việt Nam là khá đơn điệu. Gần như trong suốt một thập kỷ (1976 – 1985) chỉ thấy nguồn vốn trong nước – gồm 2 bộ phận là vốn Nhà nước và vốn tư nhân, mà trong đó chủ yếu là vốn Nhà nước, vốn tư nhân có nhưng không đáng kể – nổi lên với vai trò của một dòng chủ lưu, chiếm ưu thế trội vượt, chiếm vị trí trung tâm, lớn nhất và quan trọng nhất trong cơ cấu vốn đầu tư ở Việt Nam. Bộ phận vốn từ bên ngoài hay vốn nước ngoài gần như chỉ đóng vai trò của một dòng chi lưu, yếu thế, có vị trí khiêm tốn, nhỏ và ít quan trọng. Hơn thế nữa, nguồn vốn từ bên ngoài này chủ yếu là vốn viện trợ phát triển từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nó mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là về ý nghĩa kinh tế. Đồng thời nguồn vốn đầu tư ở Việt Nam thời kỳ này có thể nói là nhỏ bé, hạn hẹp, ít ỏi, lại được phân bổ đầu tư không thực sự hợp lý, mang tính chủ quan duy ý chí. Hệ quả tất yếu là nguồn vốn đó không đủ để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, gây


ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế – xã hội đất nước và công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với Việt Nam bấy giờ là một mặt phải đẩy mạnh huy động nguồn vốn trong nước, mặt khác phải chủ động, tích cực thu hút các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài với một tư tưởng cởi mở, thông thoáng hơn, không phân biệt các quốc gia và vùng lãnh thổ có chế độ chính trị – xã hội khác nhau, trong đó đặc biệt phải chú ý đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bởi đây là một trong những nguồn vốn đóng vai trò quan trọng nhất trong hoạt động đầu tư quốc tế, nhằm đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cũng như nâng cao giá trị, chất lượng và hiệu quả nguồn vốn.‌‌

1.4. Cơ sở tư tưởng và pháp lý cho quá trình đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam

1.4.1. Công cuộc Đổi mới đất nước – cơ hội mới cho việc thu hút FDI ở Việt Nam

Vào quãng những năm 80 của thế kỷ XX, cục diện thế giới diễn ra những biến chuyển rất sâu sắc. Xu thế đối đầu trong Chiến tranh Lạnh dần chuyển sang xu thế đối thoại, hợp tác khi các nước lớn đều tiến hành điều chỉnh chiến lược, đẩy mạnh hoà hoãn, cải thiện quan hệ với nhau. Cùng với xu thế đối thoại, hợp tác, các quốc gia trên thế giới đều nỗ lực tập trung phát triển kinh tế đất nước, tăng cường cạnh tranh, chạy đua kinh tế và xem đây là nhân tố quyết định sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Trong bối cảnh đó, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ kinh tế quốc tế và quá trình toàn cầu hoá đang trở thành một xu hướng tất yếu.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/06/2022