Kinh nghiệm xây dựng chuỗi cung ứng của các tập đoàn trên thế giới và bài học kinh nghiệm với các tập đoàn kinh tế Việt Nam - 15

- Mạng riêng: Chia sẻ thông tin về đơn hàng, dự báo, tình trạng tồn kho, số lượng hết hàng

- Lên lịch trình và hoạch định tiên tiến ( APS): Tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên của chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu, nhân lực trong quá trình thực thi theo các mức độ ưu tiên.

Tính đồng thời đề cập đến khả năng thực thi cùng một lúc các hoạt động của chuỗi cung ứng thay vì thực hiện tuần tự. Kết quả là mọi giao dịch được hoàn tất một cách nhanh chóng từ đầu đến cuối mà không cần thêm dự liệu đầu vào, giúp phản hồi khách hàng nhanh hơn và giảm chi phí giao dịch. Những thông tin cần thiết luôn sẵn có cho cả hoạt động nội bộ và hoạt động cộng tác. Những ưu tiên công nghệ sử dụng trong trường hợp này là:

- Tích hợp ứng dụng công ty ( EAI) : Tích hợp các lưu đồ công việc cần thiết cho sự đồng thời

- Tự động hóa quy trình kinh doanh ( BPA): Hình thành những quy tắc kinh doanh và kết hợp với các quy trình kinh doanh để tạo ra các hệ thống chuyên biệt nhằm kiểm soát chuỗi cung ứng.

Với những ưu tiên công nghệ ở trên, không phải các tập đoàn phải áp dụng giống hệt mà tùy thuộc vào điều kiện tài chính, mức độ hợp tác giữa các thành viên của tập đoàn để có sự lựa chọn tối ưu.

1.2. Với các tập đoàn mà các doanh nghiệp chưa đủ khả năng đảm nhận một mắt xích trong chuỗi cung ứng.

Trong trường hợp này, nhiệm vụ chủ yếu là tìm đối tác phù hợp, tiếp theo là xây dựng mạng lưới thông tin. Cộng tác thành công đòi hỏi phải có đủ hai yếu tố: chia sẻ thông tin và chia sẻ lợi ích và thông tin là trái tim của bất kỳ quan hệ cộng tác nào, cả cộng tác nội bộ và cộng tác với đối tác bên ngoài. Sự thành công trong cộng tác còn phụ thuộc vào khả năng của từng tập đoàn và đối tác khi thực hiện các thỏa thuận tương hỗ. Đối tác phù hợp phải là những đối tác phù hợp một số tiêu chuẩn mà tiêu chuẩn đầu tiên là phù hợp với mục tiêu chung của toàn chuỗi cung ứng. Tiếp theo là các tiêu chuẩn về tầm quan trọng về mặt chiến lược ( quy mô, doanh số, công nghệ, sự tinh thông, vị trí trên thị trường…), tính phù hợp về mặt

văn hóa ( con người và các giá trị tập đoàn tương tích, cam kết bình đẳng trong mối quan hệ…), sự phù hợp về mặt tổ chức ( sự đáp ứng nhanh và đầy đủ các yêu cầu thông tin, nguyên vật liệu, tính linh hoạt với sự thay đổi của đối tác…), sự phù hợp về công nghệ ( mức độ phù hợp và tương thích của hệ thống thông tin của đối tác). Sau khi xác định được các tiêu chí, việc tiếp theo sẽ là lựa chọn đối tác và mức độ cộng tác.

2. Đề xuất

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

2.1. Đề xuất với nhà nước

a) Hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp liên quan đến hoạt động của tập đoàn kinh tế

Kinh nghiệm xây dựng chuỗi cung ứng của các tập đoàn trên thế giới và bài học kinh nghiệm với các tập đoàn kinh tế Việt Nam - 15

Hiện tại nước ta chưa có một văn bản pháp quy nào điều chỉnh trực tiếp hoạt động của các tập đoàn kinh tế, điều này sẽ gây khó khăn cho các tập đoàn trong việc triển khai kinh doanh. Chính vì vậy Nhà nước cần:

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi trong việc tháo gỡ vướng mắc cho tập đoàn, khuyến khích phát triển hoạt động kinh doanh độc lập của các tập đoàn.

- Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là luật điều chính phạm vi hoạt động của tập đoàn, từ đó tạo môi trường pháp lý đồng bộ để các tập đoàn làm căn cứ xây dựng chiến lược.

b) Xây dựng chính sách khuyến khích thị trường logisitics phát triển

Để doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với chuỗi cung ứng thì một thị trường logistics phát triển sẽ là bước đệm tốt. Các doanh nghiệp sẽ nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của logistics trong hoạt động kinh doanh để dần dần họ sẽ cam kết hay thiết lập các chức năng liên quan đến logistics và sau là chuỗi cung ứng trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiêp. Thêm vào đó, các công ty logistics 3PL, 4PL sẽ có điều kiện phát triển để trở nên chuyên nghiệp hơn, cung cấp các dịch vụ đa dạng hơn. Khi đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng sẽ không còn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, tìm đối tác và thiết lập mối quan hệ cộng tác… Do vậy bên cạnh việc hoàn thiện những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động logistics để thị trường trở

nên lành mạnh hơn, nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp logistics phát triển năng lực và thúc đẩy liên kết để tăng khả năng cạnh tranh.

c) Xây dựng cơ sở hạ tầng

Vấn đề cơ sở hạ tầng không chỉ là khó khăn của riêng tập đoàn trong việc xây dựng chuỗi cung ứng mà còn của nhiều doanh nghiệp khác. Với hệ thống cơ sở vật chất như hiện tại ở Việt Nam, việc triển khai hoạt động vận tải sẽ gặp không ít khó khăn, đặc biệt việc mở rộng mạng lưới hoạt động. Vì khi đó, việc vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa sẽ trở nên khó khăn, chi phí vận tải sẽ lên cao. Một yếu tố nữa, khi cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức thì những địa điểm thuận lợi với thị trường lớn, nhiều ưu đãi sẽ có thể không được chọn trong chiến lược xây dựng mạng lưới cơ sở vật chất của tập đoàn hay các doanh nghiệp. Cho nên nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong hoạt động đầu tư đó. Với thực trạng cơ sở hạ tầng hiện nay nước ta vừa yếu vừa thiếu, không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước nên việc tăng cường đầu tư là tất yếu. Nhưng một vấn đề khó khăn hơn là việc sử dụng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng lại không hiệu quả. Điều này không những gây tổn thất cho ngân sách nhà nước mà còn cản trở nhiều hơn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

d) Xây dựng hệ thống thông tin, chương trình cung cấp thông tin về chuỗi cung ứng cho các tập đoàn và các doanh nghiệp.

Khái niệm chuỗi cung ứng còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên việc thiếu thông tin về chuỗi cung ứng là điều dễ dàng nhận thấy. Do các nguồn thông tin đầy đủ, chính xác và gắn với thực tế kinh tế Việt Nam còn quá ít ỏi nên nếu doanh nghiệp có nhu cầu được tư vấn về chuỗi cung ứng thì rất khó tìm thấy một địa chỉ tin cậy. Vì vậy, với việc xây dựng, triển khai các kênh thông tin cung cấp thông tin, các chương trình hội thảo cho doanh nghiệp tiếp cận với chuỗi cung ứng là việc nhà nước nên thực hiện. Như hiện tại, phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI có tổ chức các buổi hội thảo và các khóa học về việc ứng dụng quản trị chuỗi cung ứng vào doanh nghiệp trong từng ngành nghề lĩnh vực riêng. Những chương trình như vậy nên được tiếp tục phát triển, nó thực sự là kênh cung cấp thông tin và kiến thức hữu ích cho doanh nghiệp.

2.2. Đề xuất với các tập đoàn

a) Xây dựng chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng

Muốn xây dựng thành công chiến lược chuỗi cung ứng thì việc đầu tiên cần thực hiện là hoạch định chiến lược xây dựng chuỗi. Chiến lược được sẽ chỉ ra từng bước cần thực hiện, những năng lực cần hoàn thiện theo trình tự hợp lý để đảm bảo mỗi mắt xích được xây dựng chính xác và bền vững. Chiến lược đó có thể nhấn mạnh vào việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp đảm nhận mỗi mắt xích và việc tạo mối quan hệ hợp tác giữa các mắt xích. Và đặc biệt là chiến lược đó phải được chuyển tới tất cả các doanh nghiệp tham gia chuỗi, những chính sách phát triển doanh nghiệp phải luôn theo hướng hỗ trợ cho chiến lược này.

b) Phát triển nội lực của từng doanh nghiệp

Không phải doanh nghiệp nào trong tập đoàn cũng có đủ năng lực phát triển đi lên và đảm nhận một mắt xích trong chuỗi cung ứng nên việc tập đoàn đầu tư và có biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp phát triển một năng lực riêng là điều cần thiết. Trong quá trình đó cần phải có sự đánh giá hiệu quả liên tục để thấy được khả năng phát triển của doanh nghiệp để từ đó có hướng điều chỉnh đúng đắn. Nếu doanh nghiệp nào không đủ khả năng thì việc sáp nhập với doanh nghiệp khác hoặc giải thể là biện pháp tốt nhất.

c) Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp

Hiện nay mối quan hệ giữa các thành viên trong tập đoàn không mang tính hợp tác cũng không mang tính cạnh tranh do việc phân bổ sản lượng, công suất của tập đoàn. Điều này rõ ràng ảnh hưởng không tốt đến việc xây dựng mối quan hệ trong chuỗi cung ứng sau này, do đó cần thay đổi phương thức điều hành trong tập đoàn mà việc đầu tiên là tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tương tự. Có như vậy năng lực doanh nghiệp mới được nâng cao, kết quả hợp tác trong tập đoàn mới khả thi. Thêm vào đó, tập đoàn có thể khuyến khích các đơn vị thành viên chọn đối tác là những doanh nghiệp thành viên khác trong chiến lược phát triển của mình. Việc trở thành đối tác chiến lược sẽ thúc đẩy việc trao đổi thông tin, cùng xây dựng chiến lược phát triển và phát triển hệ thống thông tin đồng bộ, tương thích.

d) Xây dựng những chuỗi cung ứng nhỏ

Do tính chất phân bố các cơ sở vật chất của tập đoàn và những hạn chế về vận tải và hệ thống thông tin, việc xây dựng những chuỗi cung ứng nhỏ cho từng khu vực nhất định có thể là bước khởi đầu cho việc xây dựng một chuỗi cung ứng toàn tập đoàn. Tại một khu vực, việc xây dựng các mối quan hệ với nhà cung cấp, các nhà máy, các trung tâm phân phối, đội xe vận tải sẽ đơn giản hơn nhất là trong những tập đoàn như Vinatex khi Vinatex đã có dự định xây dựng khu công nghiệp dệt may Phố Nối B. Từ việc hoàn thiện một chuỗi cung ứng nhỏ sẽ tạo tiền đề và có được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng chuỗi cung ứng lớn hơn.

KẾT LUẬN


Chuỗi cung ứng là mô hình phát triển kinh doanh tất yếu trong điều kiện kinh tế toàn cầu như hiện nay. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với chuỗi cung ứng nhưng tiếp cận theo cấu trúc và theo dòng lưu chuyển là phồ biến nhất. Dù vậy, tổng quát chung chuỗi cung ứng là một nhóm gồm ba hoặc hơn các tổ chức kết nối trực tiếp bằng một hay nhiều dòng chảy xuôi hoặc ngược của sản phẩm, dịch vụ, tài chính và thông tin từ một nhà cung ứng đến khách hàng. Chuỗi cung ứng bao gồm 4 yếu tố cấu thành là cơ sở vật chất, tồn kho, vận tải và thông tin. Bốn yếu tố này được xây dựng và vận hành thống nhất với nhau như một thể thống nhất. Chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp. Nó không chỉ cho phép giảm chi phí mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp lựa chọn phương thức kinh doanh tối ưu cũng như hợp tác kinh doanh với các đối tác khác.

Với vai trò quyết định đến thành công của doanh nghiệp trong thời đại kinh doanh điện tử, việc xây dựng chuỗi cung ứng được hết sức coi trọng. Xây dựng thành công chuỗi cung ứng là bước đầu tiên tiến đến tính hiệu quả toàn diện của chuỗi và của cả doanh nghiệp. Theo như cách tiếp cận phổ biến nhất, chuỗi cung ứng được xây dựng theo từng yếu tố cấu thành trong điều kiện ràng buộc đạt được tính cân bằng giữa các yếu tố.

Dựa trên lý luận về những mô hình xây dựng chuỗi cung ứng tiêu chuẩn, chuỗi cung ứng cũng như quy trình xây dựng chuỗi cung ứng của ba tập đoàn lớn trên thế giới là Walmart, Dell, Esquel được phân tích để đưa ra những kinh nghiệm cho các tập đoàn kinh tế Việt Nam. Từ chuỗi cung ứng của Walmart và Dell, khóa luận rút ra ba bài học bao gồm: 1) việc xây dựng chuỗi cung ứng phải tương thích với mục tiêu kinh doanh; 2) xây dựng hệ thống liên lạc, phối hợp giữa các đối tác đảm bảo dòng vật chất và đặc biệt là dòng thông tin trong chuỗi cung ứng; và 3) việc đầu tư cho công nghệ thông tin để thúc đẩy dòng thông tin trong chuỗi cung ứng và quản lý hàng tồn kho với công nghệ RFID- Radio Frequency Identification, công nghệ nhận dạng bằng tần số radio. Còn từ chuỗi cung ứng của Esquel, khóa luận rút ra ba bài học cho việc xây dựng chuỗi cung ứng dệt may là: 1)

việc tham gia vào khâu đầu tiên trong chuỗi cung ứng là nuôi trồng bông; 2) việc áp dụng phương thức kiểm tra cho mỗi hoạt động, mỗi công đoạn và mỗi công việc; và

3) ứng dụng công nghệ thông tin.

Trước khi đưa ra giải pháp cũng như đề xuất cho việc xây dựng chuỗi cung ứng của các tập đoàn kinh tế Việt Nam, khóa luận phân tích tiềm năng xây dựng chuỗi của các tập đoàn thông qua việc tìm hiểu hiện trạng xây dựng các yếu tố của chuỗi cung ứng tại các tập đoàn, cơ hội và thách thức trong việc xây dựng chuỗi. Và trên cơ sở đó, khóa luận đưa ra giải pháp cơ bản cho tập đoàn theo hai giác độ: 1) giải pháp cho các tập đoàn mà mỗi doanh nghiệp thành viên đảm nhận được một mắt xích trong chuỗi cung ứng; và 2) giải pháp cho các tập đoàn mà các doanh nghiệp thành viên chưa đảm nhận được các mắt xích trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra khóa luận còn đưa ra một số đề xuất với nhà nước và với các tập đoàn để tạo điều kiện xây dựng chuỗi cung ứng thành công.

Khóa luận đã hoàn thành các nhiệm vụ và đạt được mục đích đề ra. Tuy nhiên, nghiên cứu về chuỗi cung ứng và xây dựng chuỗi cung ứng là một vấn đề mới và phức tạp. Vì vậy, trong quá trình hoàn thành khóa luận em còn vướng phải nhiều vấn đề và không tránh khỏi có những hạn chế, em mong sẽ nhận được sự góp ý để có thể hoàn thiện khóa luận tốt hơn.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Edmund W. Schuster, Stuart J. Allen, David L. Brock, (2007), Global RFID: the value of the EPCglobal Network for supply chain management, Springerscience-business media

2. Hau Lee, Chung- Yee Lee, (2007), Building supply chain excellence in emerging economies, Springerscience-business media

3. Hartmut Stadtler, Christoph Kilger (2000), Supply chain management and advanced planning, Springerscience-business media

4. ICFAI Center for management research,(2003), Walmart’s supply chain management practicesSunil Chopra, Peter Meindl (2007), Supply chain management: Strategy, Planning, and Operation, Pearson/Prentice Hall

5. Manish Govil, Jean-marie Proth, (2002), Supply chain design and management, Academic Press

6. Neale, Tomlin,Willems (2003), The role of inventory in superior supply chain performance

7. Phạm Như Hiền, Đỗ Huy Bình, Nguyễn Hoàng Dũng (2005), Quản trị chiến lược chuỗi cung ứng, Công ty cổ phần dịch vụ tư vấn truyền thông chuỗi, công ty cố phần sách Alpha

8. http://vietnamese-law-consultancy.com

9. http://www.sovicogroup.com

10. http://tintuc.timnhanh.com

11. http://www.gialaipc.com.vn

12. http://www.vnpt.com.vn

13. http://www.baoviet.com.vn

14. http://www.tapchicongsan.org.vn

15. http://www.ecc-hcm.gov.vn

16. http://tgvn.com.vn

17. http://www.thesaigontimes.vn

Xem tất cả 121 trang.

Ngày đăng: 05/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí