Thời Kỳ Từ Năm 1976 Đến Trước Pháp Điển Hóa Lần Thứ Nhất Năm 1985

tiếp theo đó ban hành Sắc lệnh số 45-SL ngày 9-10-1945: "Cho đến khi có lệnh mới, khắp toàn cõi Việt Nam cấm hẳn việc xuất cảng ra ngoại quốc thóc, gạo, ngô, đỗ hoặc các chế phẩm thuộc về ngò cốc. Ai trái với Sắc lệnh này sẽ bị phạt theo quân luật và tài sản sẽ bị tịch thu [2, tr 145].

Nhà nước ta đã ban hành Sắc lệnh số 68-SL ngày 18-6-1949 về việc cấm phá hoại các công trình thủy nông, Sắc lệnh số 61-SL ngày 1-5-1950 về việc tiết kiệm thóc gạo; Sắc lệnh số 180-SL ngày 20-12-1950 về việc phá hoại tiền tệ, phá hoại giá trị bạc Việt Nam; Sắc lệnh số 56, ký ngày 7-11-1945, uỷ nhiệm cho Bộ Quốc dân kinh tế (Nha kỹ nghệ) và Bộ Tuyên truyền kiểm soát việc sản xuất, nhập cảng và phân phối giấy, bìa trong cả nước, Sắc lệnh số 57, ký ngày 10-11-1945, nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ, tiêu thụ, mua bán rượu được chế từ ngũ cốc và mức phạt khi phạm các điều trên; Sắc lệnh số 109 - SL, ngày 23-9-1949, bổ sung về việc truy tố hành vi vi phạm thể lệ mậu dịch với vùng địch tạm chiếm.

Ngoài ra, các chế tài hình sự còn góp phần răn đe nhằm bảo đảm thực hiện các loại thuế phục vụ kháng chiến như thuế nông nghiệp, thuế doanh nghiệp, thuế lợi tức doanh nghiệp, thuế hàng hóa, thuế buôn chuyến, thuế sát sinh, thuế kinh doanh nghệ thuật, thuế thổ trạch. Mặt khác, để làm nên thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất, xóa bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất của bọn địa chủ, phong kiến, Nhà nước ta đã ban hành Sắc lệnh số 89-SL ngày 22-5- 1950 về việc trừng trị đối với những kẻ dùng thủ đoạn man trá hoặc đầu cơ, bóc lột để cho vay [15, tr 54-59].

2.1.1.2. Thời kỳ từ năm 1954 đến năm 1975

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, miền Nam tạm thời bị đế quốc Mỹ và bọn tay sai thống trị. Tình hình đó đã hình thành ở nước ta "hai khu vực có chế độ chính trị và xã hội khác nhau" [9, tr.505]. Ở miền Bắc, tiến hành cách mạng

xã hội chủ nghĩa, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước; ở miền Nam, tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà. Pháp luật hình sự trong thời kỳ này phải phục vụ thực hiện thắng lợi hai chiến lược cách mạng đó.

Sau khi chúng ta thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 – 1965) và nhất là từ khi đế quốc Mỹ gây ra chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nước ta, công tác tổ chức quản lý kinh tế, việc xây dựng và thi hành các chế độ, thể lệ về quản lý kinh tế có phần bị buông lỏng; công tác giáo dục và phát động quần chúng đông đảo tham gia bảo vệ của công làm chưa tốt. Việc trừng trị những hành động xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa cũng thiếu nghiêm minh và kịp thời. Những hiện tượng tiêu cực như tham ô, trộm cắp, lãng phí tài sản của Nhà nước và của hợp tác xã chưa được ngăn chặn một cách có hiệu quả. Chính vì vậy, ngày 21-10-1970, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Trừng trị các hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa. Pháp lệnh đã đưa ra định nghĩa pháp lý của khái niệm tài sản xã hội chủ nghĩa, trong đó nêu ra hai bộ phận cấu thành của tài sản xã hội chủ nghĩa là: Tài sản của Nhà nước – tức là của toàn dân - và tài sản của hợp tác xã, các tổ chức hợp pháp khác của nhân dân – tức là tài sản của tập thể. Trong Pháp lệnh này, 16 loại hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa đã được quy định cụ thể với các chế tài hình sự rõ ràng. Đặc biệt, Pháp lệnh đã phân biệt rõ ba hành vi: Tội Cướp tài sản xã hội chủ nghĩa, tội Cướp giật tài sản xã hội chủ nghĩa, tội Cưỡng đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. [15, tr 60-72]

2.1.1.3. Thời kỳ từ năm 1976 đến trước pháp điển hóa lần thứ nhất năm 1985

Với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà được thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng cả nước bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong thời gian từ năm 1978 đến những năm 1980, 1981, tình hình đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép diễn biến phức tạp, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch nhà nước và đời sống của nhân dân. Đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực trên thị trường là một yêu cầu cấp bách nhằm thiết lập trật tự xã hội chủ nghĩa trên mặt trận phân phối lưu thông, góp phần ổn định giá cả, thúc đẩy sản xuất, cải thiện đời sống của nhân dân. Pháp lệnh Trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép được Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 30-6-1982 là để đáp ứng yêu cầu trên và nguyện vọng của nhân dân.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 88 trang tài liệu này.

Ngoài ra, Nhà nước Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày 27-5-1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ban hành Quyết định số 29/QĐ/76 về việc trừng trị các tên tư sản mại bản phạm tội lũng đoạn, đầu cơ, tích trữ, phá rối thị trường. Quyết định này đã quy định đối tượng xét xử của Tòa án nhân dân đặc biệt là: "Những tên tư sản mại bản, trước đây câu kết với Mỹ ngụy, phục vụ chiến tranh xâm lược của chúng, làm giàu trên xương máu của nhân dân, hoặc dùa vào thế lực của chúng để đầu cơ tích trữ, độc quyền, lũng đoạn trong một ngành hay nhiều ngành, ở một địa phương hay nhiều địa phương; những tên tư sản mại bản hiện nay vẫn tiếp tục đầu cơ tích trữ, lũng đoạn kinh tế, phá rối thị trường, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân; những tên tư sản mại bản vẫn che giấu, tiếp tay cho bọn phản cách mạng hiện hành".

2.1.1.4. Chính sách hình sự về tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong Bộ luật Hình sự được pháp điển hóa năm 1985

Bảo vệ trật tự quản lý kinh tế bằng pháp luật hình sự trên cơ sở số liệu, thực tiễn địa bàn thành phố Đà Nẵng - 5

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV, V, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã giành được những thành tựu quan trọng trên một số lĩnh vực, cải biến được một phần cơ cấu của nền kinh tế – xã hội, tạo ra những cơ sở đầu tiên cho sự phát triển mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, chúng ta đã gặp phải nhiều khó khăn và khuyết điểm như chủ quan duy ý chí, duy trì quá lâu mô hình kinh tế quan liêu, bao cấp nên không thực hiện được mục tiêu đã đề ra là ổn định một cách cơ bản tình hình kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân. Pháp chế xã hội chủ nghĩa chậm được tăng cường; pháp luật, kỷ cương bị buông lỏng. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật hình sự đơn hành không thể hiện được toàn diện, đầy đủ chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta. Chính vì vậy, việc ban hành Bộ luật Hình sự là vấn đề có tính tất yếu khách quan và cấp thiết, có ý nghĩa góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 27-6-1985, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VII, đã thông qua Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ ngày 1-1-1986 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 1985).

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV và lần thứ V của Đảng đều khẳng định đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để góp phần phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, Bộ luật Hình sự năm 1985 đã dành toàn bộ Chương VII quy định các tội phạm về kinh tế. Ngoài những tội phạm trước đây đã được quy định trong Sắc lệnh số 163-SL ngày 17-11-1950 hạn chế việc giết thịt trâu bò, Pháp lệnh Trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép ngày 30-6-1982... Bộ luật Hình sự năm 1985 đã quy định một số tội phạm mới như: Tội Cố ý làm trái những nguyên tắc chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, tội Lập quỹ trái phép, tội

Lưu hành sản phẩm kém phẩm chất, tội vi phạm những nguyên tắc, chính sách, chế độ về phân phối, tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai... Việc quy định những tội này là để đáp ứng yêu cầu của tình hình xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ đó. [15, tr 74-82]

2.1.2. Thời kỳ từ năm 1985 đến năm 1999

Tuy được ban hành vào năm 1985, nhưng dự án Bộ luật Hình sự đã được bắt đầu xây dựng từ đầu những năm 80 và một trong những đặc trưng của pháp luật hình sự thời kỳ này là phản ánh yêu cầu bảo vệ nền kinh tế hành chính bao cấp chủ yếu dựa trên hai hình thức sở hữu: Nhà nước và tập thể theo cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Từ năm 1986, sự nghiệp đổi mới do Đại hội VI của Đảng ta đề xướng và lãnh đạo đã được tiến hành ở nước ta. Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tình hình tội phạm có những diễn biến phức tạp theo chiều hướng mới và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng được đặt ra theo tinh thần mới. Chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta cũng phải điều chỉnh kịp thời nhằm phát huy có hiệu quả hơn pháp luật hình sự như là một công cụ hết sức cần thiết trong giai đoạn cách mạng mới. Chỉ trong thời gian 7 năm, từ khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 1985 đến năm 1992, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phải ba lần tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1985: Lần thứ nhất vào ngày 28-12-1989, lần thứ hai vào ngày 12-8-1991, lần thứ ba vào ngày 22-12-1992. Cả 3 lần sửa đổi, bổ sung này tuy có đề cập nhiều điều của Bộ luật (lần thứ nhất: 27 điều; lần thứ hai: 26 điều; lần thứ ba: 20 điều), nhưng nhìn chung, việc sửa đổi, bổ sung chủ yếu nhằm bảo đảm cho chặt chẽ hơn các quy định liên quan đến việc định tội và hình phạt.

Nhìn chung, cả ba Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1985 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông

qua vào các ngày 28-12-1989, ngày 12-8-1991, ngày 22-12-1992 đều tự hạn chế trong khuôn khổ, phạm vi của Bộ luật Hình sự năm 1985.

Trong các năm 1994, 1995, 1996, việc tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Bộ luật Hình sự năm 1985 được các ngành hữu quan tích cực thực hiện. Đến cuối năm 1996, một dự án sửa đổi, bổ sung cơ bản toàn diện Bộ luật Hình sự năm 1985 đã được hoàn thành. Việc trình các cơ quan Nhà nước xem xét, thông qua đòi hỏi phải có thời gian, trong khi đó, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp. Theo tinh thần này, ngày 10-5-1997, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Nội dung chủ yếu của lần sửa đổi, bổ sung này có thay thế các điều thuộc "Phần các tội phạm" của Bộ luật Hình sự năm 1985 như: Cụm từ "Điều 96a" tại Khoản 1, Điều 168 (Tội Kinh doanh trái phép) và tại Khoản 2, Điều 169 (Tội Trốn thuế) được thay bằng cụm từ "185b, 185c, 185d và 185đ".

Đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đặt ra yêu cầu một mặt phải xây dựng một khung pháp luật hoàn chỉnh nhằm khuyến khích, phát huy mạnh mẽ các yếu tố tích cực của cơ chế thị trường, mặt khác, phải định rõ những điều nghiêm cấm với các chế tài nghiêm khắc không chỉ về hành chính, dân sự mà cả về hình sự nhằm phòng ngừa, ngăn chặn từ đầu và xử lý nghiêm minh những mặt trái, tiêu cực của cơ chế đó. Trong khi đó thì Bộ luật Hình sự hiện hành ra đời năm 1985, trong điều kiện của nền kinh tế hiện vật, kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp, chưa có nhiệm vụ và chưa thể quy định những tội danh cần được xử lý nghiêm khắc về mặt hình sự của nền kinh tế thị trường. Từ thực tiễn hơn 10 năm thi hành Bộ luật Hình sự, các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an, Tư pháp từ Trung ương đến địa phương đã kiến nghị bổ sung vào Bộ luật Hình sự nhiều tội phạm mới xuất hiện trong nền kinh tế thị trường mà nếu không được ngăn chặn kịp thời thì có thể gây ra nhiều hệ quả rất nguy hại cho xã hội, nhất là nếu không được ngăn chặn ngay từ đầu, để lâu ngày thành

thói quen, nếp sống thì hậu quả thật khó lường, ví dụ như, các tội phạm có tính chất chụp giật, lừa đảo, bất chấp, chà đạp lên pháp luật, kể cả những điều cấm của pháp luật trong các lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, quảng cáo, đấu thầu, phá sản, bảo vệ môi trường, v.v. nhằm khuyến khích những người làm ăn đứng đắn, mong muốn theo pháp luật, có ý thức năng động, tích cực và yên tâm đi vào những lĩnh vực, môi trường mới, dám chấp nhận khó khăn, rủi ro để làm lợi cho mình và cho xã hội.

Đồng thời, chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền tự do kinh doanh, không hạn chế quy mô, mức độ, đòi hỏi phải xem xét, rà soát lại một cách toàn diện các tội phạm về kinh tế, về sở hữu để có những sửa đổi, bổ sung thích hợp cả về dấu hiệu pháp lý cũng như chính sách xử lý nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn mới. Về vấn đề này, nhiều ý kiến đề nghị quy định một chương chung về các tội xâm phạm sở hữu mà không quy định hai chương riêng biệt về các tội xâm phạm sở hữu như Bộ luật Hình sự hiện hành. Các ý kiến cũng đề nghị sửa đổi dấu hiệu pháp lý cũng như hình phạt của các tội đầu cơ, tội buôn bán hàng cấm, tội làm hàng giả, tội trốn thuế, v.v…

Ngoài ra, nhiều tội phạm gắn liền với nền kinh tế hiện vật, tập trung, bao cấp, hơn mười năm nay đã không còn tồn tại, cần được loại bỏ khỏi Bộ luật Hình sự. Trong số đó, phải kể đến tội cản trở việc thực hiện các quy định của Nhà nước về cải tạo xã hội chủ nghĩa (Điều 164), tội chiếm đoạt tem, phiếu; tội làm hoặc lưu hành tem phiếu, giấy tờ giả dùng vào việc phân phối (Điều 172), tội sản xuất hoặc buôn bán rượu, thuốc lá trái phép (Điều 183), tội lạm sát gia súc (Điều 184), v.v.. [17]


2.2. Thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự về các hành vi xâm phạm trật tự quản lý của Nhà nước về kinh tế ở thành phố Đà Nẵng từ năm 2009 đến năm 2014

2.2.1. Đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng Ngày 06/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua

Nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, từ ngày 01/01/1997 thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đà Nẵng nằm ở vị trí trung độ của đất nước, có vị trí trọng yếu cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, cửa ngõ chính ra Biển Đông của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các nước tiểu vùng Mê Kông. Đà Nẵng hiện nay có 8 quận, huyện với tổng diện tích là 1285,4 km². Theo kết quả điều tra năm 2009 thì dân số thành phố là 887.435 người. Năm 2013, dân số thành phố là 992.800 người. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn năm 2012 là 46.368,6 tỷ đồng. Trong ba năm liền từ 2008-2010, Đà Nẵng có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng đầu cả nước. Tuy nhiên năm 2012, PCI của Đà Nẵng tụt xuống thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Năm 2013 và 2014 Đà Nẵng đã trở lại vị trí số 1 trên bảng xếp hạng. Trong những năm gần đây, Đà Nẵng đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, nâng cao an sinh xã hội và được coi là "thành phố đáng sống" của Việt Nam.

Với vị thế là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Đà Nẵng là nơi hội tụ các công ty lớn của các ngành dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng…Ngành Công nghiệp của thành phố Đà Nẵng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20% /năm. Thành phố đang đề ra mục tiêu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Việt Nam, trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/10/2023