Cảm Hứng Về Con Người Mang Đặc Trưng Tâm Hồn, Tính Cách Dân Tộc Mường

quán như lễ hội Khua Luống, lễ hội Pồn Pôông, lễ hội mùa xuân trai gái ném còn, hát xường giao duyên…Tuy nhiên, rải rác trong các sáng tác của nhà văn còn đượm nỗi quan hoài về sự phai tàn của các phong tục tập quán. Đó là hiện tượng người ta phá đi các ngôi nhà sàn truyền thống để thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng (Khá Chồi). Nhà văn đã phác thảo chân thực bức tranh chuyển mình của cuộc sống quê hương trong thời kinh tế thị trường mở cửa. Âm thầm trong mỗi trang viết của bà là nỗi đau khi cơn gió của nền kinh tế thị trường ồ ạt tràn vào làm cho tâm hồn của bao con người xứ Mường tha hoá, biến chất. Đó là Thà trong Ngôi nhà sàn cũ kĩ vì mải mê kiếm tiền làm giàu mà một ngày kia vỡ nợ, anh chán ngán và tìm đến thuốc phiện. Đó là nhân vật Giáp xảo quyệt chỉ biết đến đồng tiền và địa vị thế quyền mà giẫm đạp lên nghĩa vợ chồng trong Chuyện xưa, là người chồng phản bội trong Mùa xuân này đào không thể ra hoa chỉ khao khát kiếm tiền mà quên hết nghĩa tình với gia đình, quê hương…

Nhưng sâu đậm nhất trên mỗi trang văn của Hà Thị Cẩm Anh là tấm lòng đôn hậu và đầy cảm thông cho nỗi khổ của những con người bất hạnh mà luôn giàu nghị lực sống. Nhà văn viết nhiều về đề tài người phụ nữ phải chịu đau khổ, oan khuất trong quá trình đi tìm một nửa hạnh phúc của mình. Đọc các truyện Câu hát xường của mẹ, Bài xường ru từ núi, Sông trôi lặng lẽ, Đứa con trai, Một nửa của người đàn bà, Quả còn, Mùa xuân này đào không thể ra hoa, Cha mẹ và tôi, Của hồi môn, Giải vía, Chuyện xưa…, người đọc vừa cảm thông cho số phận của bao người phụ nữ phải chịu bất hạnh lại vừa trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của họ. Dù rơi vào bất cứ tình cảnh bi đát như thế nào nhưng người phụ nữ Mường vẫn một lòng thuỷ chung son sắt trong tình yêu và giàu đức hy sinh, thương yêu con hết mực. Không những thế, một thứ ánh sáng chiếu rọi trong tâm hồn họ để xoá tan mọi thù hận, oán trách của cuộc đời đó là lòng vị tha, nhân hậu. Nhiều khi vì chân thật, đôn hậu mà họ phải chịu thiệt thòi, bị người ta lừa gạt. Nhưng lòng can đảm đã khiến cho những người

phụ nữ ấy vượt lên nỗi đau để tiếp tục sống một cách kiên cường. Số phận bất hạnh không chỉ thấy ở hình tượng người phụ nữ mà còn thể hiện ở thân phận những đứa trẻ bất hạnh. Đó là những đứa trẻ mồ côi sống vất vưởng trong Những đứa trẻ mồ côi, Con đường dài lắm, hoàn cảnh của bé In trong Đứa con trai tuy còn ít tuổi nhưng đã phải lăn lộn với cuộc sống để trở thành chỗ dựa cho mế khi mế em bị bệnh…Dường như những chiêm nghiệm về cuộc đời đều được Hà Thị Cẩm Anh gửi gắm vào thân phận con người trong các trang viết của bà. Để rồi người đọc nhận ra một triết lí sâu sắc: Con người biết hy sinh cho người khác, biết vì người khác thì có nghĩa là đã bắt gặp cái lớn lao của hạnh phúc. Điều đó thật đáng trân trọng và đáng quý biết bao khi cuộc sống hiện đại ngày hôm nay, khoảng cách giữa con người với con người ngày càng xa.

Về giá trị nghệ thuật trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh, chúng tôi thấy rằng ngòi bút của nhà văn vừa có sự kế thừa những yếu tố của nền văn học dân gian truyền thống vừa có sự đổi mới, sáng tạo nhất định. Nhìn từ tập truyện vừa mới sáng tác ngược trở về những tác phẩm đầu tay như tập Người con gái Mường Biện, ta thấy nghệ thuật sử dụng ngôn từ và câu văn của nhà văn có những bước tiến đáng kể. Trong những tập truyện được sáng tác ở giai đoạn đầu, câu văn của Hà Thị Cẩm Anh còn rườm rà, chủ yếu là câu trần thuật. Nhưng đến những tập truyện sau này, nhà văn đã có những câu văn uyển chuyển, tinh tế và giàu hình ảnh so sánh, liên tưởng. Nhà văn rất có biệt tài khắc hoạ sinh động cái hồn của thiên nhiên miền núi xứ Mường, có những trang viết, tác giả như hoá thân vào thiên nhiên để đối thoại. Đó là lời của con sông khi thấy mình sắp bị huỷ diệt bởi bàn tay của loài người: “Ta cứ tưởng mình sẽ bất tử, nhưng ta đã nhầm. Con người, kẻ sinh sau đẻ muộn, kẻ mà ta ưu ái nhất lại chính là những kẻ đã huỷ diệt ta. Họ nhà Sông chúng ta sắp toi rồi” [7, tr.192]. Nói đến nghệ thuật xây dựng cốt truyện và khắc hoạ nhân vật, nhà văn vừa đi theo dòng chảy chung của văn học các dân tộc thiểu số, vừa có sự bứt dòng để sáng tạo và khám phá một hướng đi riêng. Bên cạnh những

truyện ngắn kết thúc có hậu thì cũng nhiều truyện ngắn có kết thúc mở. Nhân vật trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh thường được khắc hoạ chủ yếu về ngoại hình và xây dựng theo sự phân cực theo hai tuyến thiện - ác. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số nhân vật của nhà văn có sự đổi mới khi có những dấu hiệu của nhân vật lưỡng diện như khá Chồi trong Khá Chồi.

Về sự nghiệp sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh, ta có thể kể đến các tác phẩm chính: Người con gái Mường Biện (Tập truyện và ký, Nxb Văn hoá dân tộc, năm 2002), Những đứa trẻ mồ côi (Truyện dài, Nxb Kim Đồng, năm 2003), Bài xường ru từ núi (Tập truyện ngắn, Nxb Văn hoá dân tộc, năm 2004), Nước mắt của đá (Tập truyện ngắn, Nxb Văn hoá dân tộc, năm 2005), Lão thần rừng nhỏ bé (Truyện dài, Nxb Kim Đồng, năm 2007), Tiếng xường ru từ trong hang núi (Kịch bản phim truyện, 2 tập, năm 2004), Con đường dài lắm (Kịch bản phim truyện, đề tài thiếu nhi năm 2005), Một nửa của người đàn bà (Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Văn hoá dân tộc, năm 2013).

Hà Thị Cẩm Anh đã nhận được nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật như: Huy chương vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Giải thưởng năm 2002, 2003, 2004, 2005, 2007, 2008 của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Giải B cuộc thi truyện và ký của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2000, Giải nhì truyện ngắn cuộc thi Môi trường qua thơ và truyện của Hội nhà văn Việt Nam và Báo thiếu niên Tiền Phong năm 2001, Giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn nghệ, Hội nhà văn Việt Nam năm 2003 – 2004, Giải thưởng 5 năm của UBND tỉnh Thanh Hoá về VHNT năm 2005, Giải thưởng Lê Thánh Tông của Hội VHNT Thanh Hoá năm 2003, 2004, 2007, 2008. Gần đây, nhà văn còn tham gia viết nhiều kịch bản phim và nhận được giải ba - giải thưởng điện ảnh cho kịch bản Tiếng hát trong hang núi của Bộ Văn hoá thông tin. Với sức sáng tạo dồi dào, năm 2013, Hà Thị Cẩm Anh vinh dự được nhận giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn của Hội nhà văn các dân tộc thiểu số với tập truyện ngắn Một nửa của người đàn bà.

Chương 2

NHỮNG MẠCH NGUỒN CẢM HỨNG MANG ĐẬM BẢN SẮC VĂN HOÁ MƯỜNG TRONG SÁNG TÁC CỦA HÀ THỊ CẨM ANH

2.1. Cảm hứng về con người mang đặc trưng tâm hồn, tính cách dân tộc Mường

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.

2.1.1. Con người giàu lòng nhân ái, vị tha và tinh thần đoàn kết

Người Mường luôn đề cao tình yêu thương gắn bó của cộng đồng. Khi một ai đó gặp phải hoàn cảnh khó khăn thì những con người của xứ Mường Vang, mường Bi lại dang rộng cánh tay yêu thương để đón nhận họ trở về với bến bờ quê hương. Đọc các truyện Ngôi nhà sàn cũ kĩ, Đêm Khua Luống dành cho người chết, Làng tôi có chú Đỏ khờ độc giả xúc động rưng rưng trước tình người ấm áp, lòng vị tha, độ lượng cao cả của con người xứ Mường.

Bản sắc văn hóa Mường trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh - 5

Cũng nhờ sự gắn bó sâu sắc với con người xứ Mường nên Hà Thị Cẩm Anh mới có thể thấu hiểu được vẻ đẹp tâm hồn của họ. Đọc những trang viết của nhà văn, người đọc xúc động bởi một tình người trong trẻo nguyên sơ, mộc mạc như nước suối rừng, thanh khiết như hoa ban trắng. Mỗi nhân vật trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh đều có những số phận, cuộc đời riêng nhưng ở họ vẫn có những nét đẹp chung là lòng vị tha và đức hy sinh. Đối với người Mường, dường như lòng vị tha đã trở thành tính cách truyền thống trong tâm hồn họ. Nó ngấm vào máu thịt nên trong bất cứ hoàn cảnh đau khổ đến đâu, họ vẫn rộng lượng mở lòng tha thứ cho người khác. Đó là tấm lòng vị tha của người phụ nữ trong Bài xường ru từ núi. Cầm vì quá tin người yêu nên chị đã bị phụ bạc. Chị đã có mang với một chàng trai ở thành phố và anh hẹn ngày quay trở lại cưới chị. Nhưng vì mẹ anh ngăn cản nên chị đành mang tiếng xấu là chửa hoang, bị cả bản làng và gia đình xua đuổi. Một mình chị lặng lẽ sinh con và nuôi con. “Những năm tháng nuôi con mới cay cực làm sao. Thằng Sáng đói cơm, thiếu sữa. Nó giống như cái giẻ rách suốt ngày trên lưng mẹ” [3, tr.110]. Bao nhiêu cay đắng, nhọc nhằn, bao nỗi lo âu và buồn tủi của cuộc

đời, chị đều gửi vào trong những lời xường ru con đẫm nước mắt: “Lêu…lêu…lằng lôộc…lôộc…”. Ngoài kia trời cứ mưa, cứ gió dầm dề. Chị hát bài xường ru thật buồn. Núi non như chùng xuống vì tiếng gió. Tiếng mưa và lời ru như ướt đẫm nước mắt của chị: “…mế đừng để bụng con phải đói…mế đừng để miệng con phải khát…”. [3, tr.110]. Sau này gặp lại mẹ con Lâm, tưởng rằng chị sẽ không bao giờ tha thứ cho họ vì đã bỏ rơi mẹ con chị. Nhưng không, chị vẫn hiền từ, rộng lượng và đối xử với bà lão rất tử tế. Chị bảo bà lão hãy coi thằng Sáng như cháu nội và còn nhận sẽ chăm sóc bà lão.

Đọc truyện Đêm Khua Luống dành cho người chết, ta không chỉ thấy nỗi dằn vặt của những người trong câu chuyện khi nghĩ oan cho một người tốt mà ngay chính bản thân mỗi độc giả cũng phải suy nghĩ về chính mình. Những trang văn của Hà Thị Cẩm Anh như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng đối với lương tâm chúng ta, đừng vội kết tội oan cho người khác khi ta chưa tìm rõ ngọn ngành của sự việc. Cái chết của ông Lình đã làm cho bao người phải nhìn lại chính mình khi vội vàng đánh giá người khác qua hiện tượng bề ngoài. Ông Lình vốn là một người lính rất giàu đức hy sinh và luôn sống vì người khác, quý cuộc sống của người người khác hơn cả hạnh phúc của mình. Đúng lúc ông Nênh bị thương và đói thì ông đến thăm và nhường nắm cơm của mình cho bạn. Còn bản thân ông thì nhịn đói mà đánh giặc. Chuyện nhường cơm sẻ áo giữa người lính với nhau thì ta vẫn thường gặp trong chiến tranh. Tuy nhiên, chuyện nhường người yêu cho bạn thì thật hiếm thấy.

Từ chiến trường trở về, ông Lình không lấy vợ mà chỉ lo làm ăn kinh tế, ở trong thung Mây thả dê, trồng luồng. Ông lúc nào cũng chỉ biết sống cho người khác, sẵn sàng mở lòng đón nhận tất cả những đứa trẻ con lang thang ở đầu đường làng, góc xó chợ dưới phố Mường Yến về nuôi. Vậy mà, đáng thương thay cho ông, những việc làm tốt của ông không có ai thấu hiểu, thậm chí họ còn thêu dệt cho ông bao điều xấu ! Bị bao tiếng xấu nhưng ông Lình vẫn im lặng không nói gì. Chính sự hy sinh vì người khác của ông càng khiến

cho ông Nênh ân hận, khổ sở và tự giày vò mình. Cái chết của người bạn thân khiến ông Nênh cảm thấy đau đớn tột cùng: “Ông Nênh lại dậm chân xuống bùn, bước được dăm bước, rồi ông lại ngửa mặt lên trời, hứng lấy những bụi nước nhỏ li ti, lạnh buốt như kim châm để làm cho đầu đỡ ong ong” [3, tr. 96].

Người Mường còn khiến ta cảm động bởi tình người luôn đầm ấm, gắn bó sâu sắc, bền chặt. Họ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo khổ đến xin ăn mà không đòi hỏi phải hàm ơn, phải mang nợ. Mỗi khi khách ghé chân vào nhà đều được mời cơm nếp đồ dẻo thơm cho ấm lòng. Đọc Ngôi nhà sàn cũ kỹ, ta hiểu rõ hơn về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Mường. Câu chuyện ấy lại làm ta nhớ đến câu tục ngữ của người Kinh “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Mỗi khi có một mái nhà ở thung lũng Si Dồ gặp chuyện đau buồn thì những nguời dân bản làng Đồng Chan lại nắm chặt tay nhau để vượt qua khó khăn ấy. Thà vốn là một chàng trai có chí làm ăn và trở nên giàu có. Nhưng rồi một ngày kia anh bỗng nghiện ngập và mất tất cả. Anh quay về xin cha được ở lại ngôi nhà sàn của quê hương. Người cha nhìn con mà xót xa cõi lòng. Tuy vậy, bà con làng bản không bỏ mặc anh mà vẫn mở lòng mình để đón nhận đứa con của xứ sở. Mỗi người cầm trên tay một bó đuốc chan chứa ánh lửa yêu thương để bỏ vào bó đuốc của tình người đang ngày một rộng lớn. Già làng Hà Văn Quý đã nói với mọi người những lời lẽ ấm áp nghĩa tình: “Người Đồng Chan không bao giờ bỏ rơi con cháu của mình. Hôm nay bên đống lửa thiêng mà người Đồng Chan đã đốt lên, ta muốn nói một lời. Nếu không có chuyện động rừng, động đất, động trời như hôm nay thì các bếp ở Đồng Chan cũng không phải bận lòng. Bếp nào lửa đó. Tự lo lấy việc ruộng, việc rẫy để có miếng cơm, miếng canh. Nhưng mỗi khi trong làng xảy ra việc lớn, thì các bếp đều phải lo chung” [3, tr. 73]. Có thể nói những lời lẽ mộc mạc của già làng chính là sợi tơ lòng buộc chặt nghĩa tình của con người Mường, thắt chặt tình nghĩa của quê hương, cộng đồng, làng bản.

Chúng ta biết rằng điều kiện tự nhiên cũng như quá trình lao động sản xuất có ảnh hưởng không nhỏ tới việc hình thành tính cách của từng con nguời nói riêng cũng như một tộc người nói chung. Khác với người Kinh ở miền xuôi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở vùng núi, cư trú rải rác và bị chia cắt thành các làng, bản nhỏ. Vì vậy, để chống lại những hiểm hoạ từ thiên nhiên luôn đe doạ, rình rập, họ mở rộng vòng tay đoàn kết, luôn tương thân tương ái trong mọi hoàn cảnh. Ý thức cộng đồng của người miền núi đáng để cho chúng ta khâm phục và trân trọng biết bao. Có lẽ, cuộc sống của con người miền núi gặp nhiều khó khăn trong làm ăn kinh tế và mưu sinh hàng ngày nên sợi dây đoàn kết đã thắt chặt tình người trong tâm hồn họ. Cũng như các cộng đồng dân tộc thiểu số khác, người Mường cũng giàu tình đoàn kết, luôn sẵn sàng cưu mang, đùm bọc nhau trong mọi hoàn cảnh: “Người Mường Vang ở thung lũng Si Dồ sẵn sàng chia đôi một củ sắn cho nhau khi gặp biến cố thiên tai. Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ danh dự của cộng đồng” [4, tr. 36].

Đến với truyện ngắn Ông già bên cầu Đại Lạn, lòng chúng ta vừa se lại xót xa cho tình cảnh cô đơn của già Ban vừa cảm động trước tấm lòng luôn biết sống vì mọi người của ông. Gia đình ông có ba người thì hai người đã hy sinh. Nàng Ngán - vợ ông và thằng Hảo - con trai duy nhất của ông đã mất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Vì muốn bảo vệ cây cầu Đại Lạn để giữ cho tuyến đường thông suốt mà gia đình Già Ban sẵn sàng hy sinh cả ngôi nhà sàn bằng gỗ lim quý giá của mình. Trong lòng Già Ban luôn nghĩ cho cuộc sống của bản Mường, cho dân tộc.

Mỗi dân tộc đều có những nét đẹp riêng trong ứng xử sinh hoạt cộng đồng, trong nếp sống văn hoá và tính cách, tâm hồn. Nói đến vẻ đẹp tâm hồn của người Mường, chúng ta nhận thấy một nét nổi bật hơn cả chính là lòng nhân ái, bao dung và đức hy sinh cao cả. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết cộng đồng cũng là một nét tính cách đặc trưng và mang đậm dấu ấn văn hoá truyền thống của người Mường.

2.1.2. Con người thuỷ chung son sắt

Các sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh đã thể hiện được vẻ đẹp của người phụ nữ Mường luôn chung thuỷ trong tình yêu (Mưa bụi bay bay, Quả còn, Mùa xuân này đào không thể ra hoa, Đêm tháng tám…). Đức tính thuỷ chung vốn là một nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nhưng khi đọc những trang viết của Hà Thị Cẩm Anh, ta thấy rằng lòng thuỷ chung của người Mường dường như đã được đẩy lên đến mức thần thánh hoá. Đứng từ góc độ điểm nhìn, các nhà văn dân tộc thiểu số có quan niệm không hoàn toàn giống nhau về đức tính thuỷ chung của người phụ nữ. Người phụ nữ trong sáng tác của Cao Duy Sơn dù hoàn cảnh ép buộc phải đến với nhiều người đàn ông nhưng vẫn được coi là thuỷ chung son sắt khi trong lòng họ luôn đau đáu nghĩ về người đàn ông mà họ yêu thương (Những đám mây hình người, Âm vang vong hồn…) còn người phụ nữ trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh cả cuộc đời chỉ yêu và biết đến một người đàn ông duy nhất (Đêm tháng tám, Bài xường ru từ núi, Mùa xuân này đào không thể ra hoa…). Chúng ta biết rằng thuỷ chung chính là thước đo tình yêu vĩnh hằng. Nhưng với người Mường, lòng thuỷ chung còn là niềm tin, là điểm tựa để người phụ nữ Mường vượt qua bao chông gai, thử thách để tiếp tục sống và vươn lên. Vì thế, dù phải chờ đợi bao lâu trong tình yêu thì người ta vẫn không dễ thay lòng đổi dạ. Người phụ nữ trong Đêm tháng tám suốt mười tám năm chỉ ở vậy nuôi con mà không đi bước nữa. Chị sống cặm cụi, lặng lẽ như một cái bóng và một mình nuôi con: “Mười tám năm rồi, chị không đi bước nữa mà cứ ở vậy một mình nuôi Hào khôn lớn” [3, tr. 57]. Chị lấy chồng chỉ vẻn vẹn có sáu ngày thì chồng chị hy sinh. Chị lúc nào cũng khắc khoải nhớ mong chồng và chỉ còn biết tìm đến công việc để bù vào chỗ thiếu hụt của tình yêu. Khi con trai khuyên chị hãy đi bước nữa thì “Chị hốt hoảng nhìn con. Cổ họng chị khô cháy. Tiếng thở như bị chẹn lại, đứt quãng. Chị cứ lắp bắp mãi mà không nói được thành lời” [3, tr. 50]. Tình yêu chung thuỷ của chị khiến lòng ta vừa cảm phục vừa xa xót. Có

Xem tất cả 114 trang.

Ngày đăng: 24/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí