Bản Sắc Văn Hoá Dân Tộc Trong Sáng Tác Văn Học

và sáng tạo nên những công trình vượt trội lên bản thân” [43, tr.24]. Văn hoá của mỗi dân tộc đều chứng tỏ nét riêng trong đời sống tinh thần và vật chất của từng dân tộc. Vì vậy, nhà nghiên cứu văn hoá Phan Ngọc đã đưa ra một định nghĩa về văn hoá mang tính tổng quát: “Văn hoá là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá nhân hay một tộc người với cái thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô hình hoá theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều thể hiện rõ nhất chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hoá dưới hình thức dễ thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay các tộc người khác” [28, tr.20]. Nhà văn Ma Trường Nguyên đã khẳng định vai trò quan trọng của nền văn hoá mỗi dân tộc khi ông cho rằng: “Nói đến văn hóa là nói đến sự độc đáo, đặc thù, sắc thái riêng của từng dân tộc” [30, tr.74]. Mỗi một quốc gia, một dân tộc dù lớn hay nhỏ đều có nền văn hoá đặc trưng với bản sắc riêng và độc đáo.

*Khái niệm bản sắc văn hoá dân tộc

Trong quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra rộng rãi giữa các nước hiện nay thì vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc lại càng được chú trọng, quan tâm hơn nữa. Giống như mỗi loài hoa đều mang đến cho đời hương thơm riêng thì mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hoá riêng của mình. Nói đến vấn đề bản sắc văn hoá dân tộc là chúng ta khẳng định nét đặc trưng khu biệt văn hoá của từng dân tộc, từng quốc gia khác nhau. Các nhà nghiên cứu trong cuốn Từ điển tiếng Việt định nghĩa bản sắc là “màu sắc, tính chất riêng tạo thành đặc điểm chính” [59, tr.27]. Theo nghĩa Hán Việt, bản là cái gốc, là yếu tố căn bản làm nên đặc tính của một sự vật, sắc là thể hiện ra ngoài. Nói đến bản sắc văn hoá là nói đến những giá trị gốc, nền tảng, cốt lõi của một nền văn hoá riêng biệt. Đó là những giá trị hạt nhân, tiêu biểu nhất, bản chất nhất được thể hiện trong mọi lĩnh vực của nền văn hoá: văn học nghệ thuật, sân khấu điện ảnh, hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc, trong các phong tục tập quán,

trong nếp sống, ứng xử hàng ngày của con người Việt Nam. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng: “Bản sắc là những nét riêng biệt, độc đáo của một dân tộc thể hiện trong nền văn hoá, nghệ thuật, trong phong tục tập quán, trong đời sống muôn màu của dân tộc” [12]. Khi tìm hiểu về bản sắc văn hoá dân tộc, PSG.TS Trần Thị Việt Trung đã khẳng định: “Bản sắc dân tộc là những nét riêng biệt, độc đáo của một nền văn hoá, văn học bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa văn hoá văn minh của dân tộc được vun đắp nên qua lịch sử, tạo thành phong cách dân tộc” [53, tr.56]. Có nhiều ý kiến, nhiều cách hiểu khác nhau về bản sắc văn hoá dân tộc, song tựu chung lại, nói đến bản sắc văn hoá dân tộc là ta nói đến “hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo, là tiếng nói dân tộc, là tâm lí, nếp tư duy, là phong tục tập quán, là hình thức nghệ thuật truyền thống” [31]. Bởi vậy, việc nghiên cứu bản sắc văn hoá dân tộc có một vai trò rất quan trọng đối với sự trường tồn của một dân tộc đó. Đánh mất giá trị vật chất, ta có thể tái tạo và sáng tạo được nhưng đánh mất bản sắc văn hoá thì có nghĩa ta ta đánh mất chính dân tộc, tổ tiên của mình đồng thời đánh mất chính mình. Bởi vậy, Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đã khẳng định vai trò của việc xây dựng một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc: “Mọi hoạt động văn hoá văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cho sự phát triển của xã hội. Kế thừa và phát huy các giá trị tinh thần, đạo đức, thẩm mỹ, các di sản văn hoá nghệ thuật của dân tộc”.

Nhìn chung, việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với việc hình thành tâm hồn, tính cách của mỗi dân tộc. Vì thế, nó có vai trò quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Nhà văn Ma Trường Nguyên cho rằng bản sắc văn hoá các dân tộc có vai trò làm “nền tảng, làm điểm xuất phát, để xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến và đậm đà bản

sắc dân tộc, cũng chính là tạo ra một đời sống tinh thần lành mạnh, một môi trường văn hoá dân tộc phong phú để phục vụ, nuôi dưỡng con người có cốt cách tâm hồn, bản lĩnh Việt Nam đủ sức đề kháng chống lại các loại văn hoá lai căng, độc hại nhằm xây dựng con người Việt Nam mới ngang tầm với thời đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước” [ 30, tr.76 ].

1.1.2. Bản sắc văn hoá dân tộc trong sáng tác văn học

Văn học là một hình thái ý thức xã hội đặc thù. Vì vậy, văn học nghệ thuật cũng là một trong những bộ phận cấu thành và có vị trí quan trọng trong nền văn hoá của một dân tộc. Mối quan hệ giữa văn hoá và văn học là mối quan hệ giữa cái tổng thể và bộ phận. Bởi vậy, khi nghiên cứu văn học, ta không thể tách rời với yếu tố văn hoá. Hiện thực cuộc sống và nền văn hoá dân tộc là mảnh đất ươm mầm cho văn học nảy nở, mang lại cho văn học một sức sống riêng. Ngược lại, văn học sẽ tôn tạo, bổ sung các giá trị văn hoá, bồi đắp cho nền văn hoá ấy phong phú, sâu sắc hơn và ngày càng đậm đà bản sắc dân tộc. Vì thế, để hiểu sâu giá trị tư tưởng của một tác phẩm văn học, chúng ta không thể không quan tâm đến yếu tố văn hoá giao thoa trong tác phẩm đó: “Nghiên cứu văn hoá không thể không quan tâm đến văn học, “văn học là sự tự ý thức của văn hoá”, văn học có vai trò to lớn trong việc phản ánh các vấn đề đời sống từ phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, đạo đức, pháp luật, triết học…đến tư tưởng, tình cảm tâm hồn, ý chí, khát vọng…của con người. Ngược lại, muốn hiểu sâu và hiểu đúng một tác phẩm văn học cũng không thể bỏ qua yếu tố văn hoá như một cơ sở quan trọng làm nên hồn cốt của tác phẩm.” [29, tr.11]. Như vậy, nghiên cứu văn học ở phương diện văn hoá góp phần giải mã giá trị của tác phẩm văn học, làm phong phú hơn cho tình cảm thẩm mỹ của người đọc.

Chúng ta biết rằng tác phẩm văn học là sản phẩm tinh thần của người nghệ sĩ - một chủ thể sáng tạo cụ thể và là người con của một cộng đồng dân tộc nhất định. Vì vậy, người nghệ sĩ ấy được nuôi dưỡng, tắm mình trong suối

nguồn trong mát của nền văn hoá dân tộc mình. Sáng tác văn học của bất kì nhà văn nào cũng ít nhiều phảng phất hơi thở của phong tục, tập quán, sinh hoạt, tâm lí, tính cách của một dân tộc nhất định. “Đọc sáng tác của một dân tộc, ta như sống cuộc sống của dân tộc đó với những đặc điểm của một thế giới riêng” [17, tr.102]. Tác phẩm văn học là một chỉnh thể thẩm mĩ, có sự thống nhất của hai yếu tố nội dung và hình thức. Vì vậy, bản sắc văn hoá dân tộc cũng thể hiện ở các phương diện cụ thể của nội dung và hình thức với các mức độ khác nhau.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.

Trước hết, bản sắc dân tộc biểu hiện ở nội dung của tác phẩm văn học. Qua đề tài, chủ đề của tác phẩm văn học, nhà văn muốn thể hiện cách nhìn, cách cảm của con người đồng bào mình trước hiện thực cuộc sống. Đề tài là phạm vi hiện thực cuộc sống được miêu tả, phản ánh trong tác phẩm. Vì thế có ý kiến cho rằng: “Tính dân tộc chân chính không ở chỗ miêu tả cái áo xarafan ( áo dài không có tay của phụ nữ nông thôn Nga – T.Đ.S ) mà ở ngay trong tinh thần của dân tộc mình, nhân dân mình, cảm thấy và phát biểu theo lối mà đồng bào ông đang cảm thấy và phát biểu” [16, tr.103]. Viết về thiên nhiên Việt Nam, Nguyễn Khuyến yêu tha thiết mùa thu đồng bằng Bắc Bộ với hình ảnh ao thu tĩnh lặng, bầu trời xanh ngắt, ngõ trúc quanh co:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Bản sắc văn hóa Mường trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh - 3

(Câu cá mùa thu )

Còn nhà thơ Nguyễn Duy lại ấn tượng với vẻ đẹp của một loài cây rất mộc mạc, bình dị - một loài cây được coi là biểu tượng cho tâm hồn, ý chí của dân tộc. Đó là cây tre Việt Nam:

“Tre xanh

Xanh tự bao giờ

Tự ngày xưa đã có bờ tre xanh Thân gầy guộc lá mong manh Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu…”

(Tre Việt Nam )

Không chỉ viết về thiên nhiên mới mang màu sắc dân tộc mà ngay cả vẻ đẹp tâm hồn con người cũng tiêu biểu cho tính cách của một dân tộc nhất định. Nói đến người phụ nữ Việt Nam là ta nhớ ngay đến đức hy sinh, lòng thuỷ chung, nhân hậu và vị tha. Hồ Xuân Hương đã ngợi ca lòng thuỷ chung son sắt trong mọi hoàn cảnh của người phụ nữ Việt Nam:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn Bảy nổi ba chìm với nước non Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.

(Bánh trôi nước)

Bản sắc dân tộc không chỉ thể hiện ở đề tài mà còn bộc lộ qua chủ đề và tư tưởng của tác phẩm văn học. Chủ đề thể hiện bản sắc tư duy, chiều sâu tư tưởng và khả năng thâm nhập của nhà văn trong quá trình khám phá hiện thực đời sống. Qua những tác phẩm văn học ở từng thời kì, ta hiểu được những giá trị văn hoá, tư tưởng của mỗi thời đại khác nhau. Nhà văn của bất kì nền văn học nào cũng luôn quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của dân tộc mình. Nói đến truyền thống của dân tộc Việt Nam, ta không thể không nói đến chủ đề yêu nước chống ngoại xâm. Đây cũng nguồn mạch cảm hứng vô tận song hành cùng bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ngay từ những sáng tác văn học dân gian, lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta đã thấm đẫm trong từng câu chuyện truyền thuyết, từng lời ca dao. Ta quên sao được hình ảnh cậu bé Thánh Gióng lên ba mà vẫn chưa biết nói nhưng rồi tiếng nói đầu tiên lại là tiếng nói giết giặc cứu nước đầy xúc động. Đến thời kì Văn học trung đại, tinh thần yêu nước lại cháy bỏng thiết tha trong những áng văn chương bất hủ như Nam quốc sơn hà thời Lí, Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải), Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão) thời Trần, Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) …

Bên cạnh chủ nghĩa yêu nước thì chủ nghĩa nhân đạo cũng là nội dung có tính truyền thống của nền văn học nước ta. Con người Việt Nam vốn giàu tình yêu thương và luôn trọng nghĩa tình. Trong những giai đoạn lịch sử nhất định, văn học đã lên tiếng bênh vực, xót xa, thông cảm cho nỗi khổ của con người. Đọc những sáng tác của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, ta cảm nhận được nỗi khổ của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa:

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Bản sắc dân tộc không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn thể hiện ở các yếu tố hình thức của tác phẩm. Một trong những phương tiện giúp nhà văn chuyển tải tốt nhất điệu hồn của dân tộc chính là ngôn ngữ. Bản thân ngôn ngữ mang trong nó đặc điểm truyền thống văn hoá của một dân tộc vì nó vừa là sản phẩm vật chất vừa là sản phẩm tinh thần của dân tộc ấy. Mỗi nhà văn đều gắn bó với miền quê yêu dấu và họ am hiểu sâu sắc ngôn ngữ của dân tộc. Vì vậy, qua việc nhà văn sử dụng tiếng mẹ đẻ, cách diễn đạt, thành ngữ, tục ngữ… của dân tộc mình, ta cũng hiểu được cách cảm, cách nghĩ của dân tộc đó. Với chiếc chìa khoá ngôn ngữ của một dân tộc, ta có thể hiểu được thế giới tâm linh, bản chất tinh thần của dân tộc ấy. Nhưng không phải cứ sử dụng ngôn ngữ dân tộc là đã có bản sắc dân tộc. Điều quan trọng là nhà văn hiểu sâu về tâm hồn, tính cách của dân tộc mình để thổi hồn vào trang văn: “Tuy nhiên, việc nâng cao tính chất dân tộc miền núi cho ngôn ngữ văn học không đơn giản chỉ là chêm cài tục ngữ, thành ngữ dân tộc hay cách diễn đạt của người dân tộc thiểu số vào lời văn, càng không phải là hành động trang sức lộ liễu bằng nguyên bản tiếng địa phương do một số người viết đã làm và đã bị phê phán. Điều quan trọng là thấu tỏ được nếp tư duy và điệu hồn của mỗi tộc nguời” [26, tr.133].

Bên cạnh đó, tính dân tộc còn thể hiện ở sự vận dụng hệ thống kết cấu và thể loại truyền thống. Nước ta vốn có truyền thống thơ ca lâu đời, văn xuôi ra đời muộn hơn nhưng sớm đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Tuy nhiên, văn xuôi dân tộc thiểu số còn trẻ hơn nữa. Trong văn xuôi dân tộc thiểu số, truyện ngắn và tiểu thuyết phát triển mạnh mẽ hơn cả. Hình thức thể loại này nảy nở trên nền tảng của truyện cổ dân gian. Vì thế kết cấu của văn xuôi dân tộc thiểu số thường là kết thúc có hậu. Người xưa luôn tin rằng “ở hiền gặp lành”, cái thiện chiến thắng cái ác và đó là chỗ dựa tinh thần để nhân dân vượt qua những khó khăn, bão táp của cuộc sống. Như vậy, kết cấu cũng thể hiện đuợc tư duy và quan niệm nhân sinh truyền thống của một dân tộc.

Mặt khác, nhân vật cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thể hiện bản sắc văn hoá của một dân tộc. Nhân vật là phương tiện nghệ thuật trong văn học nhằm khái quát hiện thực cuộc sống, khái quát tính cách con người và gửi gắm quan niệm về con người của nhà văn. Vì vậy, nhân vật văn học là linh hồn của tác phẩm văn học, là nơi quy tụ những ý đồ tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Qua nhân vật, ta hiểu được tâm lí, tính cách và vẻ đẹp con người của một dân tộc nhất định. Bản sắc dân tộc trong văn học thường bộc lộ trực tiếp qua nhân vật chính diện bởi đó là kiểu nhân vật đại diện cho lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn, của thời đại, của một dân tộc nhất định.

Tóm lại, bản sắc dân tộc là một phương diện quan trọng của tác phẩm văn học. Nó không phải là thuộc tính mà là phẩm chất của tác phẩm văn học. Bản sắc dân tộc trong văn học được thể hiện cụ thể ở hai phương diện nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học. Nếu nhà văn không sống hết mình với cuộc sống của đồng bào mình, đất nước mình thì khó mà bắt rễ sâu vào những mạch ngầm của dòng chảy văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Quá trình sáng tạo nghệ thuật luôn đòi hỏi sự khám phá tìm tòi độc đáo, mới mẻ. Phải đắm mình trong cội nguồn văn hoá của mỗi dân tộc, nhà văn mới có thể sáng tạo nên những áng văn chương đậm đà cốt cách của dân tộc mình. Đó vừa là

trách nhiệm, vừa là vinh dự của mỗi nhà văn. Họ phải luôn ý thức được mình là người giữ lửa và trao truyền ngọn lửa văn hoá tinh thần cho hôm nay và hậu thế. Bởi đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc cũng là đánh mất mình trong nhân loại. Vì vậy các nhà văn dân tộc thiểu số có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc: “Việc thể hiện bản sắc dân tộc trong văn học là sự phấn đấu tự giác của nhà văn. Nó đòi hỏi ý thức trách nhiệm cao và sự tìm tòi sáng tạo không mệt mỏi của mỗi nhà văn dân tộc. Nó không chỉ đòi hỏi người viết có tâm huyết, có tình cảm sâu nặng với dân tộc mình, có vốn sống phong phú, có một chiều sâu tư tưởng cần thiết mà còn phải thực sự có tài năng” [33, tr.20].

1.1.3. Bản sắc văn hoá dân tộc Mường

Như bao dân tộc khác trên dải đất hình chữ S của nước Việt Nam đều có một gương mặt văn hoá riêng thì dân tộc Mường cũng có một nền văn hoá độc đáo. Dân tộc Mường là một trong 53 dân tộc ít người ở Việt Nam. Người Mường sinh sống ở nhiều tỉnh thành trên đất nước ta và cư trú đông nhất ở các tỉnh: Hoà Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hoá. Dân tộc Mường có một nền văn hoá riêng và tương đối đặc sắc. Bản sắc văn hoá Mường thể hiện rõ trong các lễ hội, trang phục, tín ngưỡng dân gian, cấu trúc nhà ở, văn nghệ dân gian (các bài xường, các nghi lễ mo, âm thanh tiếng cồng chiêng trong lễ hội mùa xuân…).

Tác giả Vương Anh trong công trình nghiên cứu Tiếp cận với văn hoá bản Mường đã khái quát những phạm vi thể hiện cụ thể của văn hoá Mường thành bốn phương diện: Văn hoá sản xuất bao gồm các hoạt động kinh tế truyền thống; Văn hoá bảo đảm đời sống bao gồm các nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại; Văn hoá chuẩn mực xã hội - hệ thống phong tục tập quán, quan hệ ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội; Văn hoá nhận thức – nhìn vào kho tàng tri thức dân gian xung quanh tự nhiên và xã hội.

Xem tất cả 114 trang.

Ngày đăng: 24/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí