vượt lên lớp đất phủ kín ở bề mặt để vươn lên thành những cây non tràn đầy nhựa sống.
Đâu chỉ có số phận của Trong và Đục mới đáng thương mà số phận của Sinh và Sim trong Những đứa trẻ mồ côi cũng khiến người đọc chạnh lòng xót xa. Tuy nhiên, đọng lại trong trái tim chúng ta không chỉ là nỗi bất hạnh mà chính là ở sức sống dẻo dai, kiên cường của chúng.
2.2. Cảm hứng về những phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hoá Mường
2.2.1. Cảm hứng trân trọng, tự hào về những phong tục, tập quán đẹp
Mỗi nhà văn đều gắn bó với một mảnh đất, một miền quê cụ thể. Bởi vậy, trong các sáng tác của họ ít nhiều đều phảng phất những nét riêng của văn hoá, phong tục, tập quán truyền thống của mảnh đất đã sinh thành ra họ. Đọc các sáng tác của Cao Duy Sơn, Vi Hồng, Triều Ân…ta đã hiểu được phần nào vẻ đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi. Đó là tập quán săn bắn, là phiên chợ tình hay tục tảo mộ của người Tày được thể hiện đậm nét trong các sáng tác của Cao Duy Sơn. Cũng như những nhà văn dân tộc thiểu số khác, Hà Thị Cẩm Anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Mường Thanh Hoá nên từ lâu văn hoá Mường đã ngấm sâu vào tâm hồn nhà văn. Mỗi trang viết của bà đều đau đáu một tình yêu và thái độ trân trọng trước những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Mường. Nhà văn không chỉ tái hiện lại những giá trị văn hoá truyền thống mà còn thổi vào đó linh hồn, sức sống thiêng liêng của dân tộc mình. Ta thấy sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh đã lưu đậm dấu ấn văn hoá của người Mường: ý thức bảo vệ nhà sàn truyền thống; tục ăn hỏi, ở rể, cưới xin, cúng ma, giải vía; lễ hội mùa xuân; âm thanh tiếng cồng chiêng…
Đọc những sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh, người đọc hiểu được những nét riêng về những giá trị văn hoá vật chất của đồng bào Mường. Trước hết, người Mường rất quý trọng ngôi nhà sàn của mình. Bởi đó không chỉ là nơi ở, nơi tồn tại và sinh sống của người dân mà còn chứa đựng những ý nghĩa linh
thiêng liên quan đến con vật thiêng của người Mường là rùa đá. Nhà sàn của người Mường được làm theo hình của con rùa tượng trưng cho sự may mắn, yên ấm, thịnh vượng, bền vững lâu dài: “Bốn cây cột giống bốn chân Rùa. Cửa thang là cái đầu Rùa. Thang chồ là cái đuôi Rùa. Mái nhà người Mường ta có hai cái chái rộng khum khum cũng giống cái mai Rùa. Trong Chu Chiêng Mường Nước ai không làm nhà theo hình rùa thì bậc cầu thang cũng không êm. Sàn trong nhà không ấm. Mái trên đầu không vững. Con cháu trồng lúa thành lau, nuôi cá thành sỏi. Dòng họ không dài hết được nghìn năm như tuổi thọ một đời Rùa” [2, tr.82]. Ngôi nhà sàn của người Mường cũng chính là ngôi nhà thờ tổ tiên của mỗi gia đình. Họ có thể lưu giữ những ngôi nhà sàn qua nhiều đời con cháu mà không muốn bán cho ai. Không giống như nhà sàn của người Thái hay người Thổ, nhà sàn của người Mường được làm theo đúng cách dạy của thần Rùa Vàng và được diễn tả trong Mo Mường. Để dựng ngôi nhà sàn, người Mường không dùng cưa mà tất cả đều được đẽo gọt bằng rìu rất cầu kì và tài hoa: “Những người dựng lên ngôi nhà không hề dùng tới một mạch cưa, hay một nhát đục. Tất cả cột, kèo, gác cang, dầm sàn, thậm chí cả ván làm vách ngăn cũng đều được gọt, đẽo bằng rìu. Những thứ để tạo nên một ngôi nhà cũng chỉ gác lên nhau, chứ không hề có mộng, có duỗn” [6, tr.24]. Để thiết kế một ngôi nhà sàn, bàn tay của người thợ điêu khắc đã gửi vào đó bao tâm huyết, sự khéo léo và tinh tế. Những nét chạm trổ trên nhà sàn bằng rìu tuy đơn giản nhưng rất sắc nét: “Những nhát rìu đều tăm tắp đã chia vòng tròn của cây cột thành chín cạnh thẳng đứng. Giữa các cạnh thẳng đứng đều tăm tắp đó là những vết đẽo của rìu, trông như những chiếc vẩy rồng được các nhà điêu khắc thời xa xưa gắn chìm vào thân gỗ một cách rất tài tình… Ở đầu những cây cột đó, những cây gác cang bằng gỗ chò chỉ dài mút cả năm gian nhà được đặt vào cái mấu cũng được khoét bằng rìu tròn như nửa vầng trăng khuyết, khít đến nỗi đổ một bát nước mà không giọt nào có thể lọt qua” [6, tr.25]. Người Mường luôn có ý thức giữ gìn ngôi nhà sàn cho thế hệ con cháu của mình, coi đó như
vật gia bảo của tổ tiên để lại. Bởi vậy, nhà văn trăn trở, đau xót trước tình trạng nhiều người vì chạy theo đồng tiền mà nỡ bán đi những ngôi nhà sàn quý giá của mình: “Người Mường chỉ còn lại những ngôi nhà gác để duy trì nền văn hoá của mình cho thế hệ sau. Nhưng những ngôi nhà sàn đang bị rẻ rúng, đang bị bán rẻ như cho, nào có khác gì người ta đang bán chính mình. Đau lắm chứ
? Nhưng biết làm sao được bây giờ ?” [6, tr.21]. Văn hoá sẽ dần bị mai một, bị lãng quên nếu mỗi người con của một dân tộc không biết nâng niu, trân trọng và giữ gìn. Hà Thị Cẩm Anh không chỉ am hiểu sâu sắc mà còn đang cố níu giữ và thức tỉnh mọi người đừng bao giờ chà đạp lên những giá trị văn hoá ngàn đời của ông cha để lại.
Nói đến những giá trị văn hoá vật chất truyền thống của đồng bào Mường, ta không thể không nói đến vẻ đẹp trang phục của người phụ nữ. Những thiếu nữ Mường vốn đã có vẻ đẹp tự nhiên lại càng duyên dáng hơn trong những bộ váy, cóm và những chiếc thắt lưng có thêu hoạ tiết cây, cỏ. Vẻ đẹp ấy đã từng làm mê hồn của biết bao chàng trai. Trước vẻ đẹp của Niên trong Mưa bụi bay bay, Đán - anh bộ đội không khỏi rung động và đắm say: “Đôi mắt đen sáng ngời ngợi của thiếu nữ Mường cụp xuống, hai má đỏ lựng. Đán cười vì từ đầu đến chân, bộ váy, cóm, chiếc thắt lưng bằng lụa sồi màu xanh lá mạ, chiếc khăn đội đầu bằng thổ cẩm của cô ta dính đầy những cánh hoa cải vàng nên trông giống hệt một Con Ong” [6, tr.57]. Cùng với sắc hoa đào, hoa mận nở rộ thì vẻ đẹp muôn sắc màu của những chiếc cóm, khăn của người phụ nữ Mường đã làm cho không gian của thung lũng Si Dồ như sáng bừng rạng rỡ và ấm áp: “Thung lũng Si Dồ bừng sáng lên vì những cây đào, cây mận. Vì màu sắc sặc sỡ của dải tua rua của những chiếc còn. Ấm áp lên vì màu vuôn, màu khóm, màu của những vuông khăn thổ cẩm đội đầu của những người đàn bà đi xem hội ném còn” [4, tr.25]. Trang phục của người phụ nữ Mường rất giản dị nhưng vẫn tôn lên vẻ đẹp của họ. Nếu trong sáng tác của Triều Ân, các cô gái Tày đẹp lên trong bộ “áo chàm dài tha thướt”, “bộ quần
Có thể bạn quan tâm!
- Nhà Văn Hà Thị Cẩm Anh Trong Nền Văn Xuôi Các Dân Tộc Thiểu Số Hiện Đại Việt Nam
- Cảm Hứng Về Con Người Mang Đặc Trưng Tâm Hồn, Tính Cách Dân Tộc Mường
- Con Người Giàu Nghị Lực, Vượt Lên Hoàn Cảnh
- Cảm Hứng Về Thiên Nhiên Mang Đặc Trưng Vùng Miền
- Thiên Nhiên Gắn Bó, Hoà Hợp Với Con Người Miền Núi
- Xây Dựng Thế Giới Nhân Vật Phân Cực Tốt - Xấu
Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.
áo, cả thắt lưng vải đều óng ánh một màu chàm tím cao sáng bó sát lấy thân người”, vẻ đẹp của các cô gái Dao được tôn vinh nhờ trang phục truyền thống “đầu đội khăn “xì miên”. Chân quấn xà cạp “lùng peng”…Trên áo, trên khăn, tà áo, gấu váy…đâu đâu cũng thêu in sáp hoạ tiết” thì những cô gái Mường trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh lại rực rỡ hơn trong những chiếc khóm và những chiếc khăn thổ cẩm. Trang phục ấy làm nổi bật vẻ đẹp thuần khiết, mềm mại và trong sáng của những cô gái xứ Mường: “Cái váy thổ cẩm hoa văn tinh xảo, cái khóm cắt rất khéo làm tôn lên cái thân hình thon thả, gọn gàng của chị. Bà cụ nghĩ: “Cái nhà cô này đẹp quá ! Rõ là mắt phượng lưng ong, môi cắn chỉ. Người nhà gác mà mềm mại, thuần khiết, óng ánh như tia nắng mặt trời buổi sớm” [3, tr.104].
“Có thể nói, gần như bất cứ chi tiết đời sống nào trong văn xuôi miền núi cũng chứa đựng một ý nghĩa văn hoá nào đó” [26, tr.71]. Nếu đọc các sáng tác của Vi Hồng, người đọc bị hút hồn bởi những món ăn đặc sản của đồng bào Việt Bắc như: thịt vịt nấu măng chua, vịt quay, phở chua năm vị bảy mùi, món khâu nhục ăn vừa thơm vừa bùi, món bánh trứng kiến, món bánh bột báng trong suốt có năm mùi thì xứ Mường trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh lại hấp dẫn người đọc bởi món ăn rất giản dị là dưa muối. Quả thật văn hoá của người Mường hiện lên ngay trong thói quen sinh hoạt đời thường của họ. Từ món ăn dân dã như dưa cải cũng thấm đẫm hồn sắc của quê hương bản Mường. Đọc Mưa bụi bay bay, người đọc thèm được ăn món dưa muối của cô gái Mường. Có lẽ, rất ít khi chúng ta được thưởng thức một loại dưa muối đặc trưng và hấp dẫn, dậy mùi như thế, vừa có vị dòn, vừa ngọt vừa chua. Món dưa muối ấy đã trở thành đặc sản dân dã hút hồn bao chàng trai lên đánh giặc ở xứ Mường. Cách muối dưa của Niên rất cầu kì, khác lạ so với mọi người và mang đậm khí vị của cuộc sống của người Mường: “Niên không muối dưa bằng vại sành giống như các mế, các vạ mà Niên muối dưa cải bằng ống nứa. Niên chọn những ống nứa to và dài, tiện rỗng một đầu. Nhận rau cải đã xoa muối vào, rồi
đậy kín để gần bếp lửa. Hai hôm sau, Niên đem những ống nứa dưa muối chia đều cho các khẩu đội. Những anh lính trẻ ở những miền quê khác nhau, nhất là những anh chàng người thành phố cứ tròn xoe mắt trước món ăn đặc biệt dân dã được chế biến còn rất nguyên thuỷ của cô gái Mường. Đến bữa ăn, khi gắp dưa ra bát, nhìn thấy những cây cải vàng óng có mùi thơm rất lạ nhưng không mất đi hương vị đặc trưng của dưa cải mà thèm ứa nước miếng. Cho cọng dưa vào miệng, vừa dòn, vừa chua lại vừa ngọt, vị ngọt đậm đà” [6, tr.60].
Những sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh không chỉ hé mở cho ta hiểu về những giá trị văn hoá vật chất truyền thống mà còn bồi đắp cho tâm hồn ta phong phú hơn bởi những giá trị văn hoá tinh thần. Nếu văn hoá vật chất có thể cảm nhận trực tiếp bằng các giác quan thì văn hoá tinh thần đòi hỏi có một sự thâm nhập sâu bằng cả trái tim và trải nghiệm. “Trong văn hoá tinh thần của một tộc người thì lễ hội là hình thức văn hoá truyền thống có quy mô lớn nhất, đồng thời là nơi lưu giữ và thể hiện đậm nét nhất bản sắc văn hoá tinh thần của tộc người đó. Tìm hiểu văn hoá lễ hội của một dân tộc là đi tìm đặc trưng văn hoá, cái làm nên phông nền, đồng thời làm nên cốt lõi các giá trị đời sống của một tộc người” [29, tr.51]. Thật vậy, nói đến nền văn hoá truyền thống của một tộc người mà không biết đến những lễ hội đặc trưng thì coi như ta chưa tiếp cận được đúng linh hồn của dân tộc ấy.
Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng giống như cánh đồng hoa muôn màu sắc và dáng vẻ khác nhau. Chúng ta đã từng biết đến lễ hội cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên; lễ hội Lồng Tồng của đồng bào vùng Việt Bắc trong Mùa hoa bióoc loỏng (Vi Hồng) với nhiều trò chơi độc đáo như thi bơi cá nhân, bơi mảng nhiều người, thi tung chài bắt cá, thi bắt vịt trên sông, thi đua ngựa, thi lượn “đối miệng, đối lời” của hai người…; lễ hội của dân tộc Chăm, nhiều lễ “ăn năm uống tháng” của đồng bào Tây Nguyên như: lễ cúng cầu phúc an lành cho nhà cửa, lễ cúng cầu phúc cho con trai mới lớn, lễ đâm trâu, lễ cầu mưa; nhiều lễ hội mang đậm bản sắc Chăm như: lễ Katê - một lễ
hội dân gian thiêng liêng và đặc sắc, tết Rija Nưgả - lễ hội lớn nhất của dân tộc Chăm (tương tự như tết Nguyên Đán của người Việt)…Và đọc những sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh, ta như được phiêu du trong lễ hội của người Mường. Đó là không khí lễ hội của những ngày xuân, khắp đất trời đều tưng bừng, rộn rã âm thanh “tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng hát xường, đối đi, đáp lại của đám con gái, con trai, rồi tiếng nói, tiếng cười, tiếng reo hò ầm ĩ từ trong làng theo gió chập chờn vọng đến” [6, tr.55]. Cùng với lễ hội thì âm thanh tiếng cồng, tiếng chiêng cũng thể hiện đậm đà bản sắc văn hoá của dân tộc Mường. Mỗi khi có đám hội, âm thanh huyền bí của tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên làm thổn thức trái tim của bao chàng trai và cô gái. Không những vậy, tiếng chiêng ấy còn là tiếng gọi đàn, là sợi dây nối chặt tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Mường. Trước nỗi buồn đau, con người có thể đánh lên tiếng chiêng để nó ngân vang để xua tan nỗi cô đơn, u ám. Tiếng chiêng ấy không chỉ là âm thanh vô hình mà còn là lòng người thổn thức. Tiếng chiêng ấy chính là tiếng nói tâm hồn chứa chan tình yêu thương và tinh thần cộng đồng của người Mường. Thứ âm thanh đã gắn bó sâu sắc với đời sống của người Mường còn có thể sẻ chia, cảm thông với mọi nỗi buồn đau của con người. Đó là tiếng chiêng của người cháu trong Chuyện ông già bên cầu Đại Lạn đánh lên khi già Ban đã bỏ chòm Ngán mà đi. Trước nỗi sợ hãi, cô đơn, anh đã “lôi từ trên gác xuống một cái chiêng” và cũng không nhớ là đã đánh mấy hồi. “Chỉ biết khi tiếng chiêng bắt đầu ngân lên, làm vỡ toang cả buổi chiều u ám” cũng là lúc anh “không giữ được nước mắt nữa…Tiếng chiêng cũng nức nở lan ra, toả vào từng căn nhà sàn của Chòm Ngán” [1, tr.47]. Tiếng chiêng ấy đã từng chứng kiến bao buồn vui trong cuộc sống của người Mường: “Tiếng chiêng bảo rằng: Họ Hà có chuyện không vui. Già Ban đã bỏ Chòm Ngán mà đi đâu mất” [1, tr.47].
Quả thật, tiếng chiêng trở đi trở lại nhiều lần trong sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh. Nó có ý nghĩa thiêng liêng, huyền bí trong đời sống tinh thần của người Mường. Mỗi khi trong các gia đình có chuyện gì thì tiếng chiêng ấy lại
vang lên như một báo hiệu để kêu gọi tất cả mọi người trong bản Mường cùng đoàn kết để giải quyết khó khăn. Khi nhân vật Thà trong Ngôi nhà sàn cũ kỹ bị nghiện ma tuý, ông Phần đã đánh lên tiếng chiêng để báo hiệu cho người làng Đồng Chan đến tìm cách giúp đỡ cho Thà. Cũng giống như nhà sàn thì cái chiêng ấy cũng là vật linh thiêng quý giá nhất trong nhà. Tiếng chiêng ấy có sức ngân vang, lan toả trong không gian rộng lớn và chứa đựng linh hồn tổ tiên. Bởi vậy, khi tiếng chiêng vang lên thì tổ tiên có thể về để phù trợ cho con cháu: “Âm thanh của tiếng chiêng đồng đột ngột vang lên như gần, như xa làm cho ngôi nhà sàn như trôi bồng bềnh trong khoảng không tĩnh lặng của buổi tối ở thung lũng Si Dồ. Tiếng vang va mạnh vào vách núi Ly Lai rồi như gõ vào quá khứ âm u. Những linh hồn của tổ tiên họ Hà từ cõi thiên thu trong ngôi nhà sàn cổ kính bị dựng dậy trong mờ ảo của khói hương nghi ngút mà ông Phần đã kịp đốt lên, trước khi rút dùi chiêng ra khỏi giá treo” [3, tr.71]. Khi tiếng chiêng ấy đã lan toả đến các bếp thì mọi nguời dân dù đang ăn cơm cũng bỏ bữa ăn mà cầm đuốc đi về phía ngôi nhà sàn lớn, nơi có tiếng chiêng của ông Phần đang gọi.
Nếu người Tày, Nùng có khúc hát sli, hát lượn; người Dao có khúc tồ dung, páo dung; người Hmông có khúc gầu tù giua, gầu na nhéng, gầu plềnh thì người Mường gửi điệu hồn dân tộc trong khúc xường ru. Xường chính là làn điệu dân ca của dân tộc Mường, là những điệu hát trao thương gửi nhớ của lứa đôi. “Trong quan niệm của đồng bào Mường, tiếng xường còn được xem là thứ của cải tinh thần quý hiếm được bà Dạ Dần ban phát từ ngày mới có đất Mường, để cho cuộc sống của con người thêm vui tươi, trai gái thêm yêu thương gắn bó. Xuất phát từ quan niệm ấy, trong ý thức của họ, xường có một uy lực đặc biệt trong việc góp phần xây đắp tình yêu đôi lứa…” [14, tr.33]. Mỗi khi Tết đến xuân về, đám con trai, con gái trong bản Mường lại hẹn hò rồi hát xường, hát ghẹo với nhau. Tiếng xường cũng là nơi người phụ nữ Mường có thể kí thác bao tâm sự vui buồn của cuộc sống. Người phụ nữ trong Bài xường ru từ núi khi bị người yêu bỏ rơi rồi phải nuôi con một mình vẫn
thường hát xường ru con trong những đêm khuya cô đơn. Tiếng xường ấy đã an ủi mẹ con chị và nuôi dưỡng tâm hồn đứa bé lớn lên từ những giai điệu buồn thấm đẫm nước mắt: “Ban đêm nằm trên nhà bù rẫy, chiều dài còn ngắn hơn cả chiều rộng. Chị ôm con vào lòng mà hát bài xường ru: “Lêu…lêu…lằng lôộc…lôộc…”. Ngoài kia trời cứ mưa, cứ gió dầm dề. Chị hát bài xường ru thật buồn. Núi non như chùng xuống vì tiếng gió. Tiếng mưa và lời ru ướt đẫm nước mắt của chị…” [3, tr.110].
Văn hoá của một dân tộc có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của một tộc người. Bởi vậy, “hiểu được văn hoá của một dân tộc nào là nắm được chìa khoá mở ra cánh cửa tâm hồn, tâm linh của dân tộc đó” [26, tr.77]. Thật vậy, đọc những sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh, ta hiểu sâu hơn về thế giới tâm linh của dân tộc Mường. Phải có một tấm lòng gắn bó và sự am hiểu ngọn nguồn của những phong tục tập quán thì nhà văn mới có thể thổi hồn cho những phong tục ấy sống dậy đậm nét trong trang viết của mình. Đọc các sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh, ta hiểu thêm về tục lệ ngày Tết, cưới hỏi, tục lệ buộc vía cho đôi lứa, tục lệ Mo Mường cho người mất…Người Mường cũng có cây nêu, có tục lệ ném còn của đám thanh niên, có bánh chưng xanh được gói bằng gạo nếp nương trong ngày Tết. Ngày Tết ở làng Chiềng Đông trong Đêm Khua Luống dành cho người chết lúc nào cũng nhộn nhịp, tất bật chuẩn bị sắm sửa: “Người già thì trồng cây nêu. Thanh niên làng Chiềng Đông thì trồng cây đu ở trước cửa đền Rồng. Chôn cọc còn ngoài bãi Mổ. Kẻ lại vạch vôi trên sân bóng chuyền trước nhà văn hoá. Bọn con gái thì kín đáo hơn, tụm năm tụm ba với nhau sửa lại những tua còn bị đứt từ hội xuân năm ngoái và may thêm những chiếc còn mới, có rất nhiều tua rua xanh, đỏ để thi đấu với hội còn làng khác của Mường Yến. Đàn bà thì đem lá dong, đem hông gỗ, niếng đồng xuống bến tắm của làng ở suối Rạc Trong mà cọ rửa. Tối đến, khắp cả làng Chiềng Đông, gầm sàn nhà ai cũng thậm thịch tiếng chày giã gạo đến khuya. Bếp nào cũng muốn giã cho xong những mẻ gạo nếp nương thơm nhất để kịp gói bánh chưng vào chiều hai mươi chín Tết” [3, tr.78].