Nếp Sinh Hoạt Của Người Dân Tộc Tày

PHẦN NỘI DUNG

Chương 2

CÁC BÌNH DIỆN BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG SÁNG TÁC CỦA NÔNG VIẾT TOẠI


2.1. Phong tục tập quán

Phong tục là toàn bộ những hoạt động sống của con người được hình thành trong quá trình lịch sử và ổn định thành nề nếp, được cộng đồng thừa nhận, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phong tục “Là những thói quen ăn sâu vào đời sống xã hội từ lâu đời, được đại đa số mọi người thừa nhận và làm theo” [36, tr.143]. Khi nói đến bản sắc văn hóa dân tộc không thể không nhắc đến phong tục tập quán đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ của một dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc qua phương diện phong tục tập quán thể hiện trong văn học không còn là vấn đề mới mẻ, chúng ta đã bắt gặp rất nhiều thành tựu trong các sáng tác của Vi Hồng, Triều Ân, Ma Văn Kháng… hòa vào dòng chảy đó, Nông Viết Toại cũng đóng góp thêm một góc nhìn mới về bản sắc văn hóa của dân tộc Tày qua những phong tục tập quán rất độc đáo.

2.1.1. Phong tục của người dân tộc Tày

Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc trong đó đa phần là các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở các tỉnh trung du và miền núi. Mỗi dân tộc lại có những nét đặc thù riêng với những phong tục mang màu sắc văn hóa truyền thống của mình. Cùng chung không khí hân hoan đón chào một năm mới thì mỗi một dân tộc lại có những nét khác biệt. Người Mông có một hệ lịch riêng nên tết của họ thường diễn ra trước tết nguyên đán cổ truyền chừng một tháng, cuối tháng mười một mọi công tác chuẩn bị cho dịp tết được gấp rút, đối với người Mông mỗi dịp tết đến không thể thiếu đôi bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời là nguồn gốc của con người và muôn loài. Giấy bạc sẽ được dán lên ban thờ tổ tiên, các vật dụng và trước cửa nhà để báo hiệu gia đình có quyết định ăn tết hay không. Chiều ba mươi họ sẽ thịt con gà cúng ma nhà và ma giàng, họ không đón giao thừa mà tiếng gà gáy đầu tiên là cái mốc báo hiệu một năm mới đã đến. Thì với người dân tộc Tày, Tết

nguyên đán cổ truyền được tính theo âm lịch vào ngày đầu tiên của tháng giêng, tất cả các gia đình dù giàu hay nghèo đều chuẩn bị chu đáo đón chào năm mới, đây là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Tày, là thời điểm bất cứ người con xa xứ đều muốn trở về quê hương đoàn tụ bên gia đình đón một năm mới trong sự viên mãn. Những ngày giáp tết trên mảnh đất vùng cao người dân tộc Tày thường có tục lệ thịt lợn ăn tết, để chuẩn bị cho phong tục này thì ngay từ những ngày đầu năm trước mỗi gia đình sẽ chọn ra một con lợn nuôi để dành dịp tết. Gia đình nào có điều kiện thì thịt một con, gia đình nào khó khăn hay ít nhân khẩu hơn thì thịt chung với một hoặc một vài gia đình khác một con và đây là tục lệ không thể thiếu “Khuốp pi bươn chiêng mặc sláy mặc cải củng rườn tua bấu nọi” [43, tr.112]. Dịch nghĩa: “Quanh năm mười hai tháng tết đến dù to dù nhỏ nhà nào cũng thịt một con không ít”. Thịt lợn tết thường được thực hiện từ 20 tháng chạp, muộn thì vào ngày 29 gia chủ sẽ mời anh em họ hàng, chòm xóm thân cận tới giúp và cùng nhau ăn bữa cơm đoàn tụ, đặc biệt hơn cả đó là mâm cơm trình lên tổ tiên để thông báo, tổng kết công việc trong một năm vừa qua. Thịt lợn tết sẽ được chế biến để chiêu đãi khách trong những ngày tết, phần còn lại sẽ được treo trên gác bếp để sử dụng lâu dài, sau khi dịp tết qua đi con người ta trở lại với cuộc sống lao động thường nhật, nó sẽ trở thành nguồn thực phẩm dự trữ mà người dân sử dụng trong mỗi bữa ăn khi đi làm nương “Kẻ hó phjăc nhịnh nựa mu lạp bươn chiêng… sloong phua mjề toong tủm kin đuổi căn” [43, tr.27]. Dịch nghĩa: “Mở gói thức ăn chút thịt lợn hun khói lúc tết ra…hai vợ chồng cùng ăn với nhau”.

Theo phong tục của người Việt, ngày 23 tháng chạp là ngày ông công ông táo về chầu trời để báo cáo những sự kiện đã xảy ra trong một năm vừa qua, họ sẽ thả cá và tổ chức ra đồng thăm mồ mả tổ tiên, mời họ về ăn tết thì đối với người dân tộc Tày họ sẽ thăm mộ tổ tiên vào ngày tết hàn thực và khoảnh khắc ngày cuối năm mới là thời điểm họ mời tổ tiên về ăn tết nên ban thờ tổ tiên được chăm lo rất chu đáo “Khuôp pi cẳm đăp ún rườn ún lảng. Pỏ chỏ đảy tẻm hương chương đén quá cừn. [43, tr.114]. Dịch nghĩa: “Quanh năm suốt tháng chỉ có ngày ba mươi tết là ấm cúng nhà cửa. Ban thờ tổ tiên được đốt đèn ,thắp hương suốt đêm”, trong quan niệm của người Tày đây là thời điểm tổ tiên về ăn tết với họ nên ban thờ sẽ luôn

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

sáng và được đốt hương thơm liên tục cho đến thời điểm chính ngọ ngày mùng một, người đảm nhận việc đốt hương lên ban thờ tổ tiên là người đàn ông trong gia đình. Trước thời điểm chính ngọ người dân tộc Tày không ra khỏi nhà, phụ nữ phải kiêng kỵ việc xông đất hàng xóm cho hết ngày đầu tiên của năm mới. Trong thời khắc chuyển giao năm mới, người dân tộc Tày cũng quây quần đoàn tụ bên gia đình, mỗi người một công việc để chuẩn bị chu đáo mâm cỗ trong những ngày tết được hoàn thiện trước thời điểm giao thừa “Lục lùa sảo khẩu sli, khẩu théc, sắt nựa, hó giò, cuốn fúng sàng, bấu củng pằm đúc côc côc kêc kêc hẩư xong cón cáy khăn”[43, tr.114]. Dịch nghĩa:“Con dâu thì xào khẩu sli, khẩu thec, thái thịt, gói giò, làm lạp sườn, không thì cũng chặt xương cho xong trước khi gà gáy”. Khác với dân tộc Mông, người Tày không làm bánh dày mà thường làm “khẩu sli”, “khẩu théc” là hai loại bánh được làm từ thóc nếp rang treo trên gác bếp, để tổng kết một năm sản xuất và cầu mong cho năm mới bội thu. Người Tày không dùng giấy bạc như người Mông mà dùng giấy đỏ trang trí ban thờ, đặc biệt ban thờ của người Tày không dùng tiền vàng mã như người Việt mà dùng tiền được cắt từ “chiể toọng mò”[43, tr.89]. Dịch nghĩa: “giấy bụng bò” là một loại giấy dó, đồng bào dân tộc Tày tự sản xuất thủ công từ cây tre.

Bên cạnh ngày tết cổ truyền của dân tộc, thì với người dân tộc Tày họ đón ngày rằm tháng bẩy như một trong những ngày tết lớn chỉ sau tết nguyên đán, họ cũng chuẩn bị chu đáo mọi thủ tục như ngày đón chào năm mới, nhà nào cũng làm bún, làm bánh tải “Bươn chât slip hả rườn hâu củng khả pêt khả cáy khửn choòng khửn táng” [43, tr.67]. Dịch nghĩa: “Ngày rằm tháng bẩy nhà nào cũng thịt gà thịt vịt cúng bái trước ban thờ tổ tiên”. Sau khi cúng bái tổ tiên họ mời anh em, làng xóm đến quây quần ăn với nhau bữa cơm mừng ngày tết sau đó họ sẽ tổ chức đi chơi, thăm hỏi động viên anh em họ hàng và chòm xóm.

Bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại - 5

Trong mỗi dịp tết nguyên đán và tết đoan ngọ, người dân tộc Tày còn có phong tục đi chầu - pây chầư. Đối với những người dân bình thường sau khi thịt lợn tết xong họ không quên dành một phần thịt cho gia đình bên ngoại “Xec ooc kha nấng thư pây hẩư mẻ tái” [43, tr.112]. Dịch nghĩa: “Cắt ngay một cái chân

giò mang đi cho mẹ vợ” để tỏ lòng hiếu thảo, kính trọng, tri ân với đấng sinh thành nên người đầu ấp tay gối với mình. Phong tục chầư tái xuất phát từ tục thờ mẫu trong quan niệm của người Tày, với họ đất trời vạn vật đều mang trong mình sự hài hòa của hai cực âm dương, cực âm chính là nguồn gốc sản sinh ra muôn loài và mang đến sự cân bằng cho dương cực nên họ rất coi trọng người phụ nữ sinh thành nên một nửa của mình. Đối với những người làm thầy then, thầy pựt “khuốp pi bại lục slay mà chầư chiêng chầư chât ăn rườn tố bấu đo tỉ nẳng tỉ nòn” [43, tr.72]. Dịch nghĩa: “Mỗi năm đệ tử khắp nơi kéo về hầu lễ tết tháng giêng tháng bẩy đông đến nỗi nhà không có chỗ ngồi chỗ ngủ”. Mỗi một thầy then, thầy pựt đều có “lủc slay” là những đệ tử trong nghề, nhưng cũng có “pỏ slay” là người thầy đã truyền dạy nghề cho mình nên mỗi dịp lễ đệ tử phải đến nhà thầy chầu lễ, chầu tướng cảm tạ người có công ơn dẫn dắt vào nghề với quan niệm tôn sư trọng đạo. Tuy không liên quan trực tiếp đến việc truyền nghề nhưng khi gặp vợ của “pỏ slay” đệ tử phải gọi là “mẻ slay” và thầy của “pỏ slay” là “pú slay” - tổ sư. Người được truyền dạy nghề phải là người có “chỏ pựt, chỏ then” nghĩa là gia đình phải có nguồn gốc xa xưa làm nghề này. Các thầy then, thầy pựt tuyệt nhiên không truyền dạy nghề cho người không có nguồn gốc trong nghề và người không có nguồn gốc nghề từ những thế hệ trước cũng không thể học được nghề.

Trong quan niệm của người Tày, đời người có ba việc lớn nhất đó là tậu trâu, làm nhà và lấy vợ. Việc lập gia đình không chỉ thể hiện ý thức trách nhiệm của con người đối với bậc tiên tổ mà còn củng cố các mối quan hệ xã hội. Chúng ta bắt gặp những phong tục rất độc đáo, đặc sắc trong hôn nhân của người dân tộc thiểu số như tục cướp vợ của người Mèo trong “Câu chuyện cuộc đời” của Triều Ân, hay tục lệ chỉ cầm tay khi chú rể đón cô dâu vào nhà và bước qua chín bậc cầu thang của người Thái trong “Chín bậc cầu thang” của Kha Thị Thường… thì trong hôn nhân của người Tày vẫn còn tục ở rể qua nhân vật Lưu trong Đoạn đường ngoặt. Trước đây trong đời sống của người Tày miền núi, con trai rất được gia đình chú ý coi trọng và là trụ cột trong gia đình. Khi trưởng thành những người con sẽ được cha mẹ cưới vợ,

chia gia sản để tổ chức cuộc sống gia đình riêng và chọn người em út ở lại cùng cha mẹ chăm lo hương khói ban thờ tổ tiên. Ở những gia đình đông người, gia cảnh khó khăn hay những người không nơi nương tựa thường phải đi ở rể với nhiều mặc cảm, phải sống khép nép, ý tứ, không được tự nhiên như ở nhà cha mẹ đẻ “Ngám mà mấư nhằng lạ tằng bấu đi kin khẩu” [43, tr.16]. Dịch nghĩa: “Là rể mới đến bữa còn không dám ăn no” nhưng người dân tộc Tày luôn thể hiện một quan niệm bình đẳng nam nữ trong hôn nhân, nếu ở nhiều dân tộc khác vẫn còn quan niệm “dâu con rể khách” thì người dân tộc Tày lại coi con dâu, con rể như là con đẻ ở trong gia đình “Câu cạ bấu mì lục chài, ău mầư khẩu mà, khươi củng tang lục, vằn ké chắng đảy mì cần ngòi; thâng vằn pac pi mì cần thư cái tậu” [43, tr.14]. Dịch nghĩa: “Tao bảo nhà không có con trai, lấy mày về, rể cũng như con, lúc già cả mới có người trông nom; đến ngày trăm tuổi nằm xuống còn có người chống gậy”. Người đàn ông đi ở rể khi sinh con đẻ cái sẽ mang họ mẹ với quan niệm trong hôn nhân con người cầm thẻ hương của gia đình nào sẽ mang họ và thờ phụng tổ tiên của gia đình ấy, được thừa hưởng sản nghiệp của tổ tiên để lại nên sẽ có trách nhiệm gánh vác như người con ruột trong gia đình.

Trong phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, tục lệ ma chay mang dấu ấn văn hóa rất sâu đậm. So với các dân tộc khác, ma chay của người Tày có sự khác biệt rất rò rệt với sự xuất hiện của đảm phi đảng - đám ma nguội, đây là đám ma dành cho những người thân trong gia đình chết đã lâu ngày mà chưa được làm ma hoặc không tìm được xác và chưa có điều kiện cử hành đám ma. Ta từng bắt gặp đám ma chay rất độc đáo của người dân tộc Tày qua những vần thơ của Dương Thuấn trong tác phẩm Đám ma nguội

“Đám ma nguội không có quan tài / Chỉ lễ đưa linh, ngóng hồn người chết / Tiếng thầy tào gọi vang da diết: / Xa trăm sông trăm suối hãy về / Cháu trai đội trên

đầu khăn trắng / Cháu dâu cầm đuốc đứng soi đón kia…”

Trong truyện Hăn phi - Thấy ma, là một cái nhìn nữa về đám ma nguội của người Tày, bà Sáng khi nghe tin đứa con của mình chết mất xác ở xứ người đã quyết định tiến hành tổ chức thật long trọng đám ma nguội cho con trai của mình, thậm chí còn tốn kém hơn cả những đám ma bình thường khác “Đảm phi đảng, nhang cả xính

cả xoáng đảy slí hả mự chắng slán” [43, tr.53]. Dịch nghĩa: “Đám ma nguội cúng bái xập xèng qua bốn năm ngày đêm mới xong”. Trong nghi lễ tang ma, người Tày quan niệm đào sâu chôn chặt nên họ luôn cố gắng tổ chức thật chu đáo duy nhất một lần cho người thân, đám ma tổ chức càng to thì linh hồn của người đã khuất trên trời mới được vỗ về an ủi “Mái cạ lẹo kỉ lai cúa nhằng sliêt lăng mòn cảo tỉ. Tặm tò hêt đảy hẩư mền mì tỉ kin, tỉ dú đây hảo huôt” [43, tr.54]. Dịch nghĩa: “Dù có tốn kém bao nhiêu của cải ai còn tính đến làm gì. Cốt sao cho nó có chỗ ăn, chỗ ở tốt chốn mường trời”. Trong quan niệm của người Tày, người sống và người chết luôn có mối quan hệ nhất định, chết không phải là kết thúc tất cả mà là sự khởi đầu ở một thế giới mới nên người dân tộc Tày cử hành đám ma rất long trọng để an ủi người chết, với họ trần sao thì âm vậy nên người đã khuất có được những điều kiện tốt ở thiên đàng thì mới yên lòng người ở lại.

Trong đời sống tinh thần của người dân tộc Tày còn có phong tục thể hiện tính cấu kết cộng đồng rất cao đó là việc kết tồng. Trong tập truyện Đoạn đường ngoặt, Tồng khỏa Nông Viết Toại đã giới thiệu đến người đọc phong tục mang đậm tính nhân văn ấy. Trong tiếng Tày, tùy từng cách phát âm của mỗi địa phương mà từ ngữ sử dụng khác nhau, thì “tồng” có nghĩa là “như nhau”. Không chỉ riêng người dân tộc Tày mà việc kết tồng cũng có ở nhiều dân tộc khác, ở người Việt đó là kết nghĩa anh em. Người dân tộc Tày luôn mang trong mình tinh thần ham học hỏi, giao lưu kết bạn, khi gặp được người có chung chí hướng với mình họ sẽ tiến tới kết tồng. Việc kết tồng ở đây không có một tiêu chí bắt buộc mà dựa trên tinh thần tự nguyện của hai người, họ nhận thấy giữa hai con người có nhiều điểm chung, tâm hồn cùng chung nhịp đập sẽ đặt vấn đề nhận tồng. Việc nhận tồng có thể giữa hai con người cùng tuổi, cùng nghề nghiệp, cùng hoàn cảnh hay khác tuổi, nghề nghiệp… một người có thể kết tồng với nhiều người, nhiều dân tộc khác nhưng chỉ kết tồng với những người cùng giới mà không kết tồng với người khác giới.

Việc kết tồng cũng trải qua những suy nghĩ lựa chọn chín chắn của con người, được gia đình và dòng họ công nhận. Khi chính thức kết tồng thì tình bạn của họ được phát triển lên thêm một bậc cao hơn, trong quan hệ gia đình họ sẽ coi thành viên kia như người trong nhà, họ sẽ coi nhau như anh em ruột thịt, hai người nhận tồng sẽ không phân biệt tuổi tác mà xưng tôi - anh ngang hàng nhau, cha mẹ

của anh cũng là cha mẹ tôi, họ hàng nhà anh cũng là họ hàng nhà tôi, con cái anh cũng là con cái tôi, người nào ra đời trước sẽ là anh chị. Họ gắn bó hai gia đình với nhau, tham gia mọi công việc gia đình nhà bạn như công việc nhà mình, luôn chia sẻ cùng nhau những niềm vui nỗi buồn, động viên, tương trợ nhau cùng vươn lên mọi khó khăn trong cuộc sống. Việc kết tồng của người Tày miền núi là một cử chỉ đẹp thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Nền móng giữa hai con người không cùng huyết thống ấy sẽ được con cháu đời sau lưu truyền và vun đắp ngày một cao hơn.

Như vậy, bằng sự am hiểu tường tận vốn văn hóa của dân tộc, Nông viết Toại đã giới thiệu đến người đọc những phong tục tập quán của người dân tộc Tày, qua đó chúng ta hiểu được sâu rộng hơn đời sống văn hóa của người dân tộc Tày miền núi, kích thích trí trí tò mò khám phá các giá trị văn hóa của người dân tộc.

2.1.2. Nếp sinh hoạt của người dân tộc Tày

Vùng núi Việt Bắc là địa bàn cư trú lâu đời của nhiều dân tộc anh em, trên vùng đất đa sắc tộc ấy mỗi dân tộc lại gìn giữ cho mình một sắc thái văn hóa riêng. Khi nhắc đến dân tộc Tày không thể không nói đến căn nhà sàn truyền thống, nơi chứa đựng nhiều giá trị thẩm mĩ về kiến trúc và những giá trị nhân văn sâu sắc. Từ xa xưa do sống ở vùng rừng núi với nhiều mối hiểm nguy luôn rình rập, con người nơi đây đã dựng nên những ngôi nhà sàn để tránh những rủi do không mong muốn từ thú rừng. Nhà sàn được dựng bên sườn đồi, tựa lưng vào núi, quay mặt ra cánh đồng hay dòng sông, khúc suối với kết cấu cột kèo vững chắc, mọi ngôi nhà sàn đều có hàng rào xung quanh, công trình chuồng trại chăn nuôi ở bên cạnh. Khi lên ngôi nhà sàn điều đầu tiên người ta phải bước lên cầu thang. Ở mỗi gia đình chiếc cầu thang sẽ được bố trí khác nhau mà với người lạ khi về ở nhà sàn “Ngám đảy sloong slam bươn, đăm mà lao nhằm lạ bảt kha” [43, tr.10]. Dịch nghĩa: “Mới về được hai ba tháng đêm đến sợ nhầm bước chân”. Cầu thang thường được gia chủ đặt ở đầu hồi bên trái với vật liệu gỗ, cùng số bậc lẻ mà phổ biến nhất là chín bậc với ý nghĩa may mắn thuận lợi trong công việc làm ăn, hơn nữa trong quan niệm của người Tày cầu thang còn là nơi nối liền nhà và mặt đất trong sự hài hòa âm dương của đất trời.

Mọi sinh hoạt trên ngôi nhà sàn đều được quy định rò ràng “Rườn chạn tằng bấu đi càm lèng cần hâư càm củng dắc diếng pây” [43, tr.10]. Dịch nghĩa: “Nhà sàn nên không dám bước mạnh ai cũng nhẹ nhàng bước đi” tất cả mọi người phải đi lại chậm rãi, người cha không được vào phòng của con gái và con dâu, phụ nữ không được phép ngồi ở cạnh trên của bếp lửa, phụ nữ phải tránh đi qua ban thờ tổ tiên, không được trèo lên bên trên gác bếp mà chỉ có đàn ông mới được ngồi cạnh trên của bếp lửa và gian chính giữa nhà để tiếp khách. Chỉ khi trong nhà không còn người đàn ông thì phụ nữ trở thành người làm chủ gia đình, mới được phép thay thế vai trò của người đàn ông trong gia đình.

Bên cạnh đó trong đời sống tinh thần của người dân tộc Tày then, pựt, tào là những nghi lễ tín ngưỡng tâm linh gắn bó rất sâu nặng với người dân. Mỗi khi trong gia đình có thành viên gặp sự việc không lành thì người dân lại đón thầy then, thầy pựt về để cầu cho gia đình tai qua nạn khỏi, sức khỏe dồi dào, trăm đường hanh thông thuận lợi, gặp nhiều phúc lành. Nếu bỏ đi các yếu tố tâm linh, mê tín thì việc cúng bái bằng then, pựt, tào đã thể hiện rất chân thực đời sống tinh thần của người dân tộc Tày, phản ánh truyền thống văn hóa của người dân miền núi. Trong thời đại ngày nay khi những yếu tố văn nghệ truyền thống đang bị mai một dần đi thì then, pựt chính là nơi lưu giữ tốt nhất các giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Thầy then cũng có những thứ bậc được quy định rò ràng với sáu cấp bậc “Phó lệnh binh” khửn thâng “chánh lệnh binh” mừa tó “án sát sử”… khửn thâng “ phó thượng thư”… “đô đốc thượng thư” xáu “ đại nguyên soái” [43, tr.71] . Dịch nghĩa: “Phó lệnh binh” lên đến “chánh lệnh binh” rồi đến “án sát sử… lên đến “phó thượng thư”… “đô đốc thượng thư” rồi “đại nguyên soái”, sau khi học xong nghề then, người học sẽ được làm lễ sắc phong cấp chức. Ở người Dao lễ lẩu then đánh dấu sự trưởng thành của con người thì với người Tày lễ lẩu then như một tấm giấy phép cho người học nghề được phép hành nghề. Khi đạt đến những tiêu chí nhất định trong nghề đã đề ra thầy then sẽ được lên một cấp mới, khi đó họ cũng sẽ làm lễ lẩu then. Mỗi lần được sắc phong thầy then sẽ “Xỉnh tinh then ké then căng mà cấp slắc hẩu lẹo” [43, tr.71]. Dịch nghĩa: “Thỉnh các vị then già, then lão về cấp sắc cho hết”, đó là những người có cấp cao hơn, có uy tín và kinh nghiệm nhiều

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/07/2022