Bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại - 2

một trong những nhà văn tiêu biểu mở đường cho nền văn học dân tộc Tày phát triển và đến với công chúng bạn đọc.

Tác giả Nguyễn Thùy Linh trong bài Nhà văn Nông Viết Toại - sức đời vẫn xanh nhận xét rằng “Nhà văn lão thành Nông Viết Toại cùng với hai nhà văn anh em là Nông Quốc Chấn và Nông Minh Châu được xem là những người có công khai sơn phá thạch dòng văn học cách mạng, đặc biệt là dòng văn học các dân tộc miền núi phía Bắc” [17].

Tác giả Hoàng Thị Dung cũng cùng nhận xét đó trên tạp chí Khoa Học Và Công Nghệ cho rằng Nông Viết Toại là “Một trong những nhà văn tiên phong đặt nền móng cho văn học của Bắc Kạn nói riêng cho nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung” [9].

Tham gia cách mạng với vai trò của một cán bộ văn hóa tuyên truyền thông tin, ban đầu Nông Viết Toại sử dụng ngòi bút của mình để tuyên truyền phục vụ kháng chiến, cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân nhưng với tình yêu quê hương đất nước và tiếng mẹ đẻ nên nhà văn Nông Viết Toại đã tiếp tục hướng sâu ngòi bút của mình vào việc sáng tác những tác phẩm có giá trị về cuộc sống, con người miền núi qua những phong tục tập quán và những nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Tày bằng chính tiếng mẹ đẻ, đồng thời cũng là để lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình qua những trang ghi chép sáng tác đó.

Khi nhắc đến nhà văn Nông Viết Toại mọi người lại nhớ đến hình ảnh của một “Nhà văn lão thành giản dị, gần gũi cùng với những đóng góp lớn lao của ông trong việc đặt nền móng phát triển và giữ gìn, truyền bá văn học dân tộc Tày” [32]. Được biết đến qua nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại nhưng Nông Viết Toại dành nhiều tình cảm hơn hẳn cho thơ, thơ của ông luôn bám sát với những sự kiện chính trị to lớn của đất nước, trong những năm tháng kháng chiến ngôn ngữ Tày được sử dụng phổ biến ở hầu hết cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc nên tác phẩm của ông có sức lan tỏa và được rất nhiều người yêu thích học thuộc. Ông không chỉ ghi lại những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mà còn là người sáng tạo ra những giá trị văn hóa, nhiều bài thơ của ông có giá trị đã được

phổ nhạc theo làn điệu hát then nổi tiếng của dân tộc trong đó đạt được nhiều thành công nhất phải kể đến bài Lập xuân.

Tác giả Vũ Anh Tuấn cũng tìm về nguồn văn hóa Tày cổ “Với các tri thức Tày nổi tiếng: Vi Hồng, Triều Ân, Hoàng Hoa Toàn, Nông Viết Toại” [11]. Ông là cây bút tiêu biểu của việc kế thừa truyền thống trên cơ sở am hiểu sâu sắc tiếng mẹ đẻ và di sản văn hóa, văn học dân tộc mình. Là nhà văn sáng tác bằng song ngữ “Nông Viết Toại vận dụng hữu hiệu ngôn ngữ quần chúng trong tác phẩm và góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và làm phong phú tiếng Tày hiện đại” [54].

Hoàng Quảng Uyên trong bài báo Lập xuân cùng nhà thơ Nông Viết Toại, từng nói: “Nông Viết Toại là niềm tự hào, là tài tài sản quý của Bắc Kạn, của nền văn học nghệ thuật của dân tộc thiểu số Việt Nam, của nền văn học nước nhà” [55].

Nhìn lại toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Nông Viết Toại có thể nhận thấy rằng thơ của Nông Viết Toại “Mang nhiều hình ảnh gắn bó với đời sống sinh hoạt và các sự kiện của đất nước; Đặc biệt thơ Tày của ông thuần túy, các câu tục ngữ, thành ngữ cũng được ông sử dụng một cách tinh tế, linh hoạt; Thơ ông còn là nguồn phong phú để tìm ra những tiếng Tày cổ, những phong tục, tập quán, đời sống văn hóa tinh thần, ngôn ngữ cổ… đang bị mai một dần theo thời gian” [32]. Sáng tác của ông luôn gắn với mỗi bước đi của lịch sử, mỗi chặng đường của cách mạng, bám sát với mỗi sự kiện xảy ra trong đời sống chính trị nhưng không vì thế mà nó mất đi sức hấp dẫn riêng mà luôn mang đậm dấu ấn của dân tộc.

Nhà nghiên cứu Nông Phúc Tước khi nhận xét về truyện ngắn của Nông Viết Toại đã cho rằng: “Đọc truyện ngắn của Nông Viết Toại có cảm giác như đang trở về làng bản của mình sau những ngày đi xa, với tất cả những cảnh vật quen thuộc, những con người xiết bao gần gũi, mến yêu”. Nó là chiếc cầu nối cho mỗi độc giả thêm gần hơn, gắn bó hơn với quê hương của mình, với truyện ngắn của Nông Viết Toại dù ở bất cứ nơi đâu thì quê hương không ở đâu xa mà ở ngay trong tâm hồn mỗi con người chúng ta.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

Với những cống hiến không ngừng nghỉ của Nông Viết Toại, tác giả Tôn Phương Lan trong cuốn Nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam đời và văn đã nhận xét “Đóng góp của Nông Viết Toại trong đời sống văn hóa của vùng đất này chắc

chắn là không nhỏ… góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần của đồng bào miền núi” [26].

Bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại - 2

Như vậy qua các công trình nghiên cứu trên, có thể thấy rằng bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại đã được quan tâm nhưng chủ yếu được tìm hiểu lồng ghép trong những nghiên cứu khác và mới chỉ dừng lại ở những nhận xét, những bài báo mà chưa được tìm hiểu cụ thể trong một đề tài riêng biệt. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại. Tuy những ý kiến đi trước chưa bao quát hết sự nghiệp của Nông Viết Toại nhưng sẽ là những gợi ý quý báu và định hướng cho chúng tôi thực hiện luận văn này.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu:

Vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại.


- Phạm vi nghiên cứu:

Để thực hiện việc nghiên cứu đề tài, chúng tôi sử dụng toàn bộ sáng tác của Nông Viết Toại, cụ thể gồm các tác phẩm sau:

- Rại róa vít pây (Xấu xa bỏ đi), (1956) - Sở Văn hóa Việt Bắc

- Nam Kim - Thị Đan (1957) - Bản dịch

- Hai em bé mồ côi (1957) - Nxb Phổ thông

- Kin ngày phuối khát (Ăn ngay nói thẳng), (1962) - Nxb Việt Bắc

- Boỏng tàng tập éo (Đoạn đường ngoặt), (1973) - Nxb Dân tộc

- Đét chang nâư (Nắng ban trưa), (1976) - Nxb Việt Bắc

- Đoạn đường ngoặt (1981) - Nxb Văn hóa

- Ca dao tục ngữ Tày (in chung, 1993) - Hội văn nghệ Bắc Thái

- Con đường Nam tiến (1995) – Ghi chép

- Tuyển tập Nông Viết Toại (2005) - Nxb Văn hóa thông tin

Để hiểu rò hơn bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại chúng tôi tìm hiểu một số sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số khác để so sánh, đối chiếu và rút ra những nét khác biệt trong sáng tác của ông.

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

Luận văn chỉ ra và làm rò những biểu hiện cụ thể của bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Qua đó thấy được giá trị và những đóng góp của Nông Viết Toại cho mảng văn học các dân tộc thiểu số.

5. Phương pháp nghiên cứu

Thực hiện luận văn, chúng tôi vận dụng đồng bộ các phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp hệ thống

- Phương pháp so sánh

- Phương pháp nghiên cứu liên ngành

- Phương pháp phân tích tác phẩm

- Phương pháp tiếp cận thi pháp học

6. Đóng góp mới của luận văn

Đây là công trình đầu tiên khảo sát, thống kê đầy đủ, có hệ thống, toàn diện vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại. Qua luận văn, chúng tôi mong muốn góp thêm một góc nhìn mới về bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại, một tài liệu tham khảo hữu ích cho việc học tập, nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại.

7. Cấu trúc của luận văn

Luận văn của chúng tôi ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, phần Nội dung được triển khai trong 3 chương:

Chương 1: Vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc trong văn học và khái quát về nhà văn Nông Viết Toại.

Chương 2: Các bình diện bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại.

Chương 3: Các phương thức biểu hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại.

PHẦN NỘI DUNG

Chương 1

VẤN ĐỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG VĂN HỌC VÀ KHÁI QUÁT VỀ NHÀ VĂN NÔNG VIẾT TOẠI


1.1. Một số vấn đề lí thuyết về bản sắc văn hóa dân tộc

1.1.1. Khái niệm

Mỗi người chúng ta khi sinh ra đã được hít thở trong bầu không khí văn hóa, đó là lời ru của mẹ, câu hát của cha, câu chuyện của bà cho tới những bài thơ, câu chuyện cổ tích thuở đi học… đã nuôi nấng chúng ta trưởng thành tất cả đều thuộc về văn hóa. Văn hóa có vai trò rất quan trọng đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay “Văn hóa được mọi người chú ý, tầm quan trọng của văn hóa được nêu lên hàng đầu”[20, tr.14]. Vậy văn hóa là gì?

Văn hóa - Culture có gốc chữ La Tinh là “Trồng cấy”. Theo nghĩa bóng culture có nghĩa là quá trình nuôi dưỡng tập thành con người như thể gieo trồng và chăm sóc mầm cây vậy. Văn hóa theo Hán tự là quá trình con người hóa con người. Trong tiếng Việt, văn hóa được dùng theo nghĩa thông dụng để chỉ học thức (đó là trình độ văn hóa), lối sống (đó là nếp sống văn hóa), theo nghĩa chuyên biệt để chỉ trình độ phát triển của một giai đoạn ví dụ như văn hóa Đông Sơn… trong khi theo nghĩa rộng thì văn hóa bao gồm tất cả từ những sản phẩm tinh vi hiện đại cho tới tín ngưỡng, phong tục, lối sống, lao động…

Văn hóa là một khái niệm mang nội hàm rất rộng với nhiều cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau. Theo UNESCO hiện nay có khoảng bốn trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa xuất phát từ nhiều bình diện, quan điểm, góc nhìn khác nhau. Dựa trên khảo sát một số tài liệu nghiên cứu, chúng tôi xin nêu ra một số định nghĩa đáng lưu ý sau:

“Nói tới văn hóa trước hết phải nói tới con người” [57, tr.12], văn hóa và con người là hai khái niệm không tách rời, con người xuất hiện khi nào thì văn hóa xuất hiện khi ấy. Con người là con người bởi có văn hóa, văn hóa là văn hóa bởi từ con người và cho con người.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong tác phẩm Văn hóa và đổi mới đã định nghĩa “Văn hóa là tất cả những gì không phải thiên nhiên, nghĩa là tất cả những gì do con người, ở trong con người và liên quan trực tiếp đến con người” [2, tr.19]. Bởi vì “Văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo” [57, tr.17] đồng thời con người hưởng thụ thành quả của văn hóa. Con người vừa là chủ thể của văn hóa đồng thời là khách thể của văn hóa, là sản phẩm của văn hóa.

Theo Trần Ngọc Thêm thì “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” [36, tr.10]. Định nghĩa này nêu bật bốn đặc trưng quan trọng đó là tính hệ thống, tính giá trị, tính lịch sử và tính nhân văn của văn hóa.

Tác giả Huỳnh Công Bá thì cho rằng “Văn hóa là tổng thể các giá trị vật chất, tinh thần và ứng xử mang tính biểu trưng do một cộng đồng người sáng tạo ra và tích lũy được qua quá trình sinh tồn trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và lịch sử - xã hội của mình cũng như sự hoàn thiện đối với bản thân mình” [2, tr.21].

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc lại định nghĩa “Văn hóa là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá nhân hay một tộc người với cái thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô hình hóa theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều biểu hiện rò nhất chứng tỏ mối quan hệ này đó là văn hóa dưới hình thức dễ thấy nhất. Biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay các tộc người khác” [20, tr.17-18].

UNESCO cũng đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau “Văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và cảm xúc quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và vật chất, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những phong tục và những tín ngưỡng”.

Như vậy, có thể thấy có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa nhưng nhìn chung các nhà nghiên cứu đã tập trung vào định nghĩa văn hóa gắn với con người,

khẳng định con người trong mối quan hệ với tự nhiên, xã hội, văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo ra và con người chính là chủ nhân của nền văn hóa.

Trong diễn văn của tổng giám đốc UNESCO - Fedrico Mayor tại lễ phát động Thập kỉ quốc tế phát triển văn hóa tại Pari ngày 21/1/1988, ông cho rằng văn hóa là “Tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của con người đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại. Qua hàng thế kỉ, các hoạt động sáng tạo ấy đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thị hiếu, thẩm mĩ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình” [33, tr.453].

Mỗi nền văn hóa lại có một dấu ấn riêng phù hợp với nơi nó sinh ra, phù hợp với con người sinh sống ở đó, phù hợp đặc tính riêng làm nên bản sắc riêng biệt của từng dân tộc. Ở nước ta với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có màu sắc tạo nên bản sắc riêng của dân tộc mình. Vậy bản sắc văn hóa dân tộc là gì?

Theo Từ điển tiếng Việt định nghĩa bản sắc là “Màu sắc, tính chất riêng, tạo thành đặc điểm chính” [31, tr.31]. Về từ nguyên tiếng Hán thì bản sắc là màu gốc chưa bị pha trộn là sắc thái tự nhiên chưa bị đẽo gọt.

Nói đến bản sắc văn hóa là nói đến những giá trị hạt nhân “Nói tới cái phần ổn định trong văn hóa” [20, tr.114] nghĩa là không phải nói tới tất cả các giá trị mà chỉ nói đến những giá trị có tính hạt nhân vì “Bản sắc chính là văn hóa, song không phải bất cứ yếu tố văn hóa nào cũng được xếp vào bản sắc. Người ta chỉ coi những yếu tố văn hóa nào giúp phân biệt một cộng đồng văn hóa này với một cộng đồng văn hóa khác là bản sắc” [34] như vậy khái niệm bản sắc có hai quan hệ cơ bản, thứ nhất xét về quan hệ bên ngoài thì nó là dấu hiệu để phân biệt các cộng đồng với nhau và thứ hai xét về quan hệ bên trong nó chỉ tính đồng nhất mà mỗi cá thể trong một cộng đồng văn hóa phải có.

Khi nói đến sự ổn định trong văn hóa cũng chính là nói đến mặt bất biến đã được định hình của văn hóa, nhưng nói như vậy cũng chỉ mang tính tương đối mà thôi bởi vì không có một nền văn hóa nào là nền văn hóa chung và duy nhất cho tất cả các nền văn hóa và ở trong cái chung ấy thì mỗi dân tộc lại có một bản sắc văn hóa riêng làm nên diện mạo của dân tộc.

Theo nhà thơ Tố Hữu thì “Mỗi dân tộc tồn tại và phát triển đều có bản sắc, bản lĩnh nhất định” [26], bởi không có một nền văn hóa nào lớn hơn một nền văn hóa nào cả và mỗi dân tộc dù lớn hay nhỏ đều có màu sắc truyền thống văn hóa riêng của mình và họ luôn có ý thức nuôi dưỡng, làm phong phú thêm truyền thống của tộc người hình thành nên bản sắc dân tộc.

Tác giả Thành Duy cho rằng “Bản sắc dân tộc là tổng thể những tính chất, tính cách, đường nét, màu sắc, biểu hiện ở một dân tộc trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc ấy, đồng thời giúp dân tộc ấy giữ vững được tính thống nhất, tính nhất quán, tính độc đáo của bản thân mình trong quá trình phát triển” [10, tr.19]. Mỗi một dân tộc trên thế giới đều có lịch sử hình thành và phát triển riêng của tộc người đã được định hình trong dấu ấn văn hóa vì vậy dân tộc có lịch sử riêng thì ắt hẳn sẽ có một nền văn hóa riêng và “Bản sắc dân tộc là tổng thể những phẩm chất, tính cách, khuynh hướng cơ bản thuộc sức mạnh tiềm tàng và sức sáng tạo của một dân tộc trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc đó, giúp cho dân tộc đó giữ vững được tính duy nhất, tính thống nhất, tính nhất quán của bản thân mình trong quá trình phát triển” [21, tr.77-78].

Tác giả Trần Thị Việt Trung thì cho rằng “Bản sắc dân tộc là những nét riêng biệt độc đáo của một nền văn hóa, văn học bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa văn hóa, văn mạch của dân tộc được vun đắp qua lịch sử, tạo thành phong cách dân tộc”[54, tr.26].

Khái niệm bản sắc văn hóa có nhiều nét tương đồng về cơ bản là thống nhất với khái niệm tính dân tộc. Tại hội nghị Văn hóa miền núi năm 1987, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định “Nói tới văn hóa thì phải có vấn đề dân tộc, nói văn học, nghệ thuật phải có vấn đề dân tộc”. Tính dân tộc là một thuộc tính tất yếu của văn nghệ, xuất phát từ mối liên hệ qua lại giữa văn học và dân tộc vì tác phẩm văn học là sự tự biểu hiện tâm hồn của chính tác giả người dân tộc ấy.

Tính dân tộc là phẩm chất của văn học, là một phạm trù lịch sử và không phải là bất biến, văn học phục vụ dân tộc vì vậy trải qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử thì văn học cũng phải biến đổi theo.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/07/2022