Hành Trình Sáng Tác Của Nông Viết Toại

nhiều tuyển tập. Có thể khẳng định Nông Minh Châu cùng với Vi Hồng và Triều Ân là những người đi tiên phong, khai sáng cho nền văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hình thành và phát triển.

Trước 1960 chủ yếu là thơ, nhưng với sự xuất hiện của văn xuôi thì nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại đã được hoàn thiện về mặt thể loại. Tiểu thuyết xuất hiện năm 1964 với “Muối lên rừng” của Nông Minh Châu, đây được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn học các dân tộc thiểu số.

Bên cạnh văn xuôi thì kịch miền núi cũng ra đời và phát triển vào những năm 1960 - 1964 với các vở kịch cách mạng. Từ 1965 kịch miền núi càng phát triển mạnh hơn với những vở kịch phản ánh tinh thần chiến đấu của nhân dân các dân tộc thiểu số miền núi.

Khi nền văn học dân tộc thiểu số hiện đại phát triển với nhiều thể loại, hoạt động nghiên cứu lí luận phê bình xuất hiện như một quy luật với bài viết phê bình đầu tiên là “Kể ít chuyện làm thơ” của Nông Quốc Chấn. Đến 1960 trở đi khi thơ ca phát triển với nhiều tập thơ đã thu hút được nhiều nhà nghiên cứu phê bình với những bài nghiên cứu về văn hóa, văn học các dân tộc thiểu số của nhiều tác giả thuộc nhiều dân tộc trong đó có cả những cây bút người kinh.

Trong khoảng ba mươi năm đầu tiên hình thành và phát triển, từ sau 1975 nền văn học các dân tộc thiểu số đã bắt đầu có được những thành tựu nhất định. Ở giai đoạn này thơ ca các dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhất với đội ngũ đông đảo và thuộc nhiều dân tộc. Bên cạnh những tác giả thuộc thế hệ trước như Nông Quốc Chấn, Nông Viết Toại, Lương Quy Nhân, Triều Ân, Bàn Tài Đoàn, Cầm Biêu… vẫn tiếp tục sáng tác thì thời kì này xuất hiện nhiều cây bút trẻ mới vào nghề nhưng có sức sáng tạo mạnh mẽ với nhiều cách thể hiện khác nhau đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm như Ma Trường Nguyên, Y Phương, Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn, Lâm Quý, Dương Thuấn, Triệu Kim Văn… đây là thời kì đất nước hoàn toàn giải phóng nên thơ ca các dân tộc thiểu số đã phản ánh một cách sinh động cuộc sống và con người miền núi với tiếng hát ca ngợi cuộc sống, niềm tự hào tự tôn dân tộc trong thời đại mới và khẳng định sức sống trường tồn mãnh liệt của dân tộc.

Sau 1975 văn xuôi phát triển với nhiều sáng tác của Nông Minh Châu như

“Tiếng chim gô” (1979). Vi Hồng với “Vãi đàng” (1980), tiểu thuyết “Đất bằng”

(1980), truyện “Núi cỏ yêu thương” (1984), tiểu thuyết “Thung lũng đá rơi” (1985). “Tiếng khèn A Pá” (1980) của Triều Ân. “Hạt giống mới” (1983), “Sông gọi” (1986) của Hoàng Hạc… văn xuôi phát triển mạnh với sự xuất hiện của nhiều tác giả trên cả ba vùng miền nhưng miền núi phía Bắc các tác giả người dân tộc Tày vẫn chiếm số lượng đông nhất với những tên tuổi như Ma Trường Nguyên, Đoàn Lư, Cao Duy Sơn… các tác phẩm đã kết hợp bút pháp truyền thống với bút pháp văn xuôi hiện đại, thể hiện được bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Tiểu thuyết đến năm 1978 mới có thêm một cuốn nữa của Y Điêng, sau đó là sự ra đời của nhiều cuốn tiểu thuyết của Vi Hồng. Hoàng Hạc tiếp tục đóng góp cho mảng tiểu thuyết với “Sông gọi” (1986), “Xứ lạ mường trên” (1988). Từ những năm 90 xuất hiện thêm nhiều cuốn tiểu thuyết của nhiều tác giả như Vương Anh, Vương Trung, Ma Trường Nguyên, Kim Nhất, Cao Duy Sơn, Inrasara… những tác phẩm trên đã phản ánh cuộc sống, con người dưới nhiều chiều hướng, khía cạnh khác nhau, thể hiện sức mạnh niềm tin của con người vào một cuộc sống mới tràn đầy hi vọng. Tuy nhiên giai đoạn này chứng kiến sự suy yếu của thể loại kịch do còn hạn chế và chưa có nhiều thành tựu nên từ những năm 1980 trở đi sự xuất hiện của nó cũng ít hơn.

Từ những năm 80 trở đi hoạt động nghiên cứu lí luận phê bình đã diễn ra mạnh mẽ hơn với sự đóng góp, tham gia của nhiều tác giả người kinh. Nhiều cuốn sách có sự tham gia của các tác giả người kinh và dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó xuất hiện thêm nhiều cây bút vừa sáng tác vừa nghiên cứu lí luận phê bình như Mã A Lềnh, Lò Ngân Sủn, Hoàng Quảng Uyên, Inrasara, Ma Trường Nguyên .

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tháng 12 năm 1986 đã tạo ra sự chuyển biến trên mọi lĩnh vực trong đó có văn học nghệ thuật, nền văn học các dân tộc thiểu số bước sang một trang mới với những chuyển biến tích cực từ nội dung đến nghệ thuật. Thể loại truyện ngắn tiếp tục phát triển với những sáng tác của Triều Ân như: “Như cánh chim trời” (1988), “Xứ sương mù” (1988). Từ những năm 90 trở đi phát triển mạnh với sự xuất hiện một loạt tác phẩm của nhiều tác giả khác nhau như Hữu Tiến, La Quán Miên, Hà Thị Cẩm Anh, Kha Thị Thường, Kim Nhất, Đoàn Lư, Hoàng Quảng Uyên, Mã A Lềnh, Cao Duy Sơn…

Từ sau 1986 văn học các dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi mới về đề tài và nội dung phản ánh, mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng những dư âm của hai cuộc chiến trường kì vẫn còn đọng lại, nhiều tác giả đã tập trung đi sâu phản ánh cuộc sống và con người miền núi trong những năm tháng đấu tranh gian khổ của cách mạng với đề tài chiến tranh. Nhiều tác phẩm lại đi sâu phản ánh số phận của những con người dân tộc miền núi trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời kì đổi mới như “Múi tên ám khói” (1991), “Gió hoang” (1992) của Ma Trường Nguyên. Mã A Lềnh với “Vùng gió quẩn” (1995). Nếu như trước đây văn học dân tộc thiểu số luôn nói về những mặt tích cực, ca ngợi chiến công để phục vụ chiến đấu, cổ vũ khích lệ tinh thần kháng chiến của nhân dân thì giờ đây khi bước vào thời kì đổi mới con người có điều kiện nhìn nhận lại một cách thẳng thắn hiện thực cuộc sống dẫn tới một sự thay đổi lớn về tư duy nghệ thuật trong sáng tác của các tác giả. Cho phép tác giả đi sâu vào mọi góc khuất của cuộc sống để mổ xẻ những mặt trái của đời sống xã hội và thể hiện nỗi niềm suy tư trăn trở của mình trước sự suy thoái của những giá trị truyền thống qua nhiều tác phẩm như: “Người trong ống” (1990), “Gã ngược đời” (1990), “Chồng thật vợ giả” (1994), “Đàn trời” (2006)… mặc dù hiện thực đời sống vẫn còn đó nhiều vấn nạn nhưng các tác giả luôn thể hiện niềm tin vào những giá trị truyền thống và đạo lí trong nhiều tác phẩm viết về số phận con người dân tộc miền núi.

Bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác của Nông Viết Toại - 4

Từ những năm 90 trở lại đây văn học các dân thiểu số đạt được nhiều thành công và thu hút được nhiều sự quan tâm của nhiều cây bút lí luận phê bình. Đã kịp thời thẩm bình, đánh giá, nhận xét và định hướng cho sự phát triển của văn học dân tộc thiểu số phát triển đúng chiều hướng, bám sát vào thực tế đời sống văn học dân tộc Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy nền văn học các dân tộc thiểu số đã có một chặng đường hơn bẩy mươi năm hình thành và phát triển, với nhiều thành tựu đã thực sự trở thành một bộ phận cấu thành của nền văn học Việt Nam và có nhiều đóng góp cho nền văn học dân tộc nước nhà phát triển. Trên chặng đường vận động ấy nền văn học các dân tộc thiểu số đã bám sát những sáng tác của mình vào phản ánh cuộc sống và con người dân tộc thiểu số miền núi với sự phát triển ngày càng mạnh về

đội ngũ tác giả trên tất cả các vùng miền với nhiều thể loại, cùng với số lượng và chất lượng tác phẩm không ngừng được nâng lên với minh chứng là những giải thưởng cao trong đời sống văn học nước nhà như các tác phẩm “Ánh hồng Điện Biên” ,“Tiếng hát tháng giêng”, “Những người con của núi”, “Tôi là ngọn gió”, “Dòng sông khao khát”, “Ngôi sao đỏ trên núi Phja Hoàng”, “Cây su su noọng ỷ”,“Nước suối tiên đào”, “Truyện ké Nàm”, “Hạt giống mới”, “Chuyện bây giờ mới kể”, “Rễ người dài” ,“Người lang thang”, Dương Thuấn với ba giải khuyến khích của tạp chí Văn nghệ quân đội - Hội nhà văn - Tuần báo văn nghệ tập. Truyện ngắn “Những chuyện ở lũng Cô Sầu”, “Ngôi nhà xưa bên suối” được giải thưởng Hội nhà văn 2008 và giải thưởng văn học ASEAN 2009… để có được những giải thưởng này là cả quá trình lao động sáng tạo không ngừng nghỉ của các tác giả người dân tộc thiểu số đồng thời nó là một sự khẳng định vị trí vai trò của nền văn học các dân tộc thiểu số trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam hiện đại.

1.2.2. Hành trình sáng tác của Nông Viết Toại

Nông Viết Toại tên khai sinh là Nông Đình Hân, ông sinh ngày 15/5/1926 tại bản Nà Coỏt, xã Châu Khê, tổng Bằng Đức, châu Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, nay thuộc xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc kạn. Ông sinh trưởng trong một gia đình trung nông nghèo hiếu học, giàu truyền thống yêu nước và yêu văn nghệ. Ông là em của Nông Quốc Chấn, anh cả của nền văn học dân tộc thiểu số và nhà văn nổi tiếng Nông Minh Châu.

Năm 1937 ông thi sơ học yếu lược quốc ngữ và học hết lớp 3 sơ cấp tiểu học thì cha mất nên ông phải nghỉ học vì gia đình nghèo không đủ chu cấp. Sinh thời cụ thân sinh của Nông Viết Toại rất uyên thâm và nổi tiếng nhất nhì chữ Nho tại địa phương do đó gia đình ông rất mong muốn cho ông theo học chữ nho nên đã đón thầy đồ Hoàng Đức Hậu giàu chữ nghĩa, kinh thông thơ Đường nổi tiếng khắp vùng Việt Bắc về dạy chữ cho Nông Viết Toại, chính thầy Hậu là người đã truyền cảm hứng và tình yêu thơ văn cho Nông Viết Toại.

Năm 1942, khi mới 16 tuổi ông cùng Nông Quốc Chấn được vào hội Việt Minh, tham gia hoạt động cách mạng tại Cốc Đán với nhiệm vụ tuyên truyền vận động cách mạng và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Khi cách mạng

tháng tám 1945 nổ ra ông được đưa đi huấn luyện về chương trình Việt Minh sau đó vào hoạt động ở đội tuyên truyền kháng Nhật đến ngày cách mạng tháng tám thành công.

Năm 1946, ông được cử làm Trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Ngân Sơn với công việc ghi chép tuyên truyền và được chi bộ đảng cơ quan kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.

Năm 1949, ông giữ trọng trách Phó Bí thư huyện ủy Ngân Sơn rồi Bí thư huyện ủy Na Rì vào năm 1950. Năm 1952, ông làm Đội trưởng Đội ca múa tỉnh Bắc kạn phục vụ chiến dịch, phục vụ dân công sửa chữa cầu đường… rồi về phụ trách Đội ca múa các dân tộc liên khu Việt Bắc tại khu tuyên truyền liên khu Việt Bắc.

Năm 1958, ông cùng Nông Quốc Chấn được kết nạp Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Năm 1966, khu tuyên truyền liên khu Việt Bắc điều động ông về Sở Văn hóa công tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Năm 1976, sau khi hòa bình thống nhất nước nhà, khu tuyên truyền liên khu Việt Bắc giải thể, các ngành văn hóa giải thể hoặc chuyển đi các tỉnh khác, Nông Viết Toại chuyển về công tác tại Ti Văn hóa Thái Nguyên rồi về trường Văn hóa nghệ thuật và Giám đốc bảo tàng Văn hóa Việt Bắc đến năm 1988 thì nghỉ hưu.

Là một người con của dân tộc Tày, của núi rừng Bắc Kạn, sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa giàu truyền thống, những câu hát then, làn điệu sli, lượn, phong slư… cùng vốn kiến thức Nho học đã tạc nên hình tượng nhà văn lão thành Nông Viết Toại. Tham gia cách mạng từ rất sớm trên mặt trận văn hóa với nhiệm vụ thông tin tuyên truyền cổ động cách mạng nên con đường đến với văn học của ông luôn song hành với con đường cách mạng, cùng những sự kiện của đất nước.

Sau khi cách mạng tháng tám thành công, văn học các dân tộc thiểu số miền núi bắt đầu được hình thành với nhiều tên tuổi, Nông Viết Toại là một trong những người có công khai sơn phá thạch mở đường cho nền văn học các dân tộc thiểu số.

Nền văn học dân tộc thiểu số bắt đầu với những sáng tác thơ như một quy luật tự nhiên, với tình yêu tiếng mẹ đẻ, lòng tự hào dân tộc Nông Viết Toại đã ghi chép lại những bài thơ, câu hát Tày của dân tộc mình trong những sinh hoạt hàng ngày, được

lưu truyền rộng trong quần chúng đồng bào dân tộc Tày và được nhiều người học thuộc. Nhưng tên tuổi của ông thực sự đến với công chúng bạn đọc qua những sáng tác thơ tuyên truyền cổ động cách mạng phục vụ chiến đấu với thể thơ thất ngôn rất được đồng bào dân tộc yêu thích và sử dụng nhiều.

Sau khi được Nông Quốc Chấn truyền đạt kinh nghiệm làm thơ mà ông học được từ các nhà thơ người kinh, những sáng tác thơ của Nông Viết Toại dần trở nên hoàn thiện hơn, ông chú ý nhiều hơn đến thể thơ, niêm, luật, vần, đối… những tác phẩm như “Đồng hồ”, “Pây bộ đội”… rất được chú ý với lối viết mộc mạc, giản dị nhưng rất chân thành. Nông Viết Toại luôn viết về quê hương làng bản, viết về con người trên chính mảnh đất của mình, mảnh đất gắn bó với con người bao đời nay, mảnh đất đã che chở nuôi dưỡng cách mạng với các tác phẩm “Chứ đồng chí”, “Lẩn tuyện tức Mỵ” , “Bâư cờ đeng”…

Thơ Nông Viết Toại bám sát các sự kiện của đất nước, kêu gọi nhân dân đoàn kết phục vụ cuộc kháng chiến đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà nhưng không vì thế mà mất đi cái chất thơ, cái bản sắc của người dân tộc Tày. Trong thơ ông cái chất Tày hiện lên qua hình ảnh thiên nhiên đặc trưng của vùng rừng núi, qua những địa danh rất gần gũi, qua cuộc sống của con người trong lao động sản xuất. Đó là hình ảnh con chim queng quý, những bông hoa đào hoa mận, những cây đàn tính trong lời then, lượn… tất cả đều đã đi vào sáng tác của ông trong các chặng đường thơ.

Bên cạnh những sáng tác thơ, Nông Viết Toại cũng tham gia viết văn xuôi bắt đầu từ năm 1952 với truyện ngắn đầu tay “Nặm nà” (Nước ruộng), tuy không xuất bản nhưng truyện ngắn này là lần tập dượt đầu tiên cho những thành công mà ông gặt hái được sau này.

Năm 1957, ông tham gia lớp bồi dưỡng công tác văn hóa, với những kiến thức mà mình học được cùng những kinh nghiệm trao đổi về nghề viết văn, những sáng tác văn xuôi của ông đã tạo được điểm nhấn và bắt đầu thu được nhiều thành công với những truyện ngắn viết bằng tiếng mẹ đẻ được ông sáng tác trong thời kì hòa bình lập lại ở miền Bắc đến hết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với hình tượng người chiến sĩ cách mạng trên con đấu tranh giải phóng dân tộc qua những

tác phẩm như “Boỏng tàng tập éo”, “Chài vệ quốc đoàn”, “Vằn đắp”, “Ngé fặt fầy”… hình tượng con người miền núi trong cuộc đấu tranh với những tàn dư của chế độ cũ để tiến tới xây dựng đời sống mới như “Hăn phi”, “Ngần muộc”… đặc biệt truyện ngắn “Boỏng tàng tập éo”, cuốn tự truyện gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng, hoạt động văn hóa của Nông Viết Toại được đánh giá là thành công hơn cả và đưa tên tuổi của ông đến với đông đảo quần chúng bạn đọc.

Không chỉ thành công ở những sáng tác thơ và truyện ngắn, ở lĩnh vực tiểu luận, ghi chép Nông Viết Toại cũng để lại nhiều dấu ấn với các bài “Kế thừa vốn cũ”, “Tiếng Tày với sáng tác thơ văn”, “Làm thơ tiếng Tày”… đặc biệt là chấp bút Nông Văn Quang ghi chép tác phẩm “Con đường Nam Tiến” có bút tích của Đại tướng Vò Nguyên Giáp.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật cũng đạt được những thành tựu nhất định với tác phẩm “Ca dao tục ngữ Tày” tích lũy những vốn sống, đúc kết những kinh nghiệm của người dân tộc Tày trong cuộc sống và sinh hoạt sản xuất. Bản dịch “Nam Kim - Thị Đan” được quần chúng đón nhận và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi gia đình đương thời. Gần đây nhất Nông Viết Toại hợp tác cùng nhóm biên soạn Nhà giáo, Nhà ngôn ngữ Lương Bèn, Lương Kim Dung, Lê Hương Giang xây dựng cuốn “Từ điển Tày - Việt” là công trình đầu tiên trong cả nước tổng hợp cơ bản đầy đủ từ vựng tiếng Tày, cung cấp nhiều tư liệu quý giá, cất giữ nguồn mạch văn hóa Tày bảo tồn cho thế hệ mai sau.

Có thể thấy, dù sáng tác ở thể loại nào thì tác phẩm của Nông Viết Toại vẫn rất đậm nét truyền thống, đậm bản sắc của dân tộc. Nông Viết Toại luôn quan niệm trong sáng tác văn học: “Điều hết sức quan trọng trong sáng tác hiện nay, ở bất kì thể loại nào, dù mới xuất hiện như văn xuôi, cũng phải cho đậm hương sắc những di sản tốt đẹp của nền văn học truyền thống, không nên và không được xa rời nó”. Với quan niệm này, Nông Viết Toại luôn bám những sáng tác của mình vào quê hương, chính sự am hiểu tường tận mạch nguồn văn hóa của dân tộc cùng thái độ lao động nghệ thuật chân chính không ngừng nghỉ đã đem đến những thành công cho Nông Viết Toại, đưa tên tuổi của Nông Viết Toại đến với công chúng và đóng

góp rất lớn mở đường cho nền văn học dân tộc thiểu số hiện đại hình thành và phát triển. Ông chính là chiếc cầu nối liền hai bờ văn hóa Tày – Việt.


Tiểu kết

Với mỗi quốc gia dân tộc, văn hóa không phải là vấn đề được xem nhẹ mà đã trở thành vấn đề lớn liên quan đến vận mệnh của toàn dân tộc, mỗi quốc gia dân tộc luôn tìm mọi cách để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình trên nhiều phương diện trong đó có văn học nghệ thuật. Thắng lợi của cách mạng tháng tám 1945 đã khai sinh ra nền văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, tuy mới hình thành và lịch sử phát triển chưa dài nhưng nền văn học các dân tộc thiểu số với đội ngũ các tác giả hùng hậu luôn được bổ sung qua các thời kì, đặc biệt là sự xuất hiện của Nông Viết Toại với sự am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc cùng thái độ lao động nghệ thuật chân chính đã kịp thời để lại nhiều dấu ấn, mang đến cho nền văn học dân tộc thiểu số nói riêng một cái nhìn mới về bản sắc văn hóa dân tộc và đóng góp tích cực vào sự vận động của nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung.

Xem tất cả 108 trang.

Ngày đăng: 29/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí