Kinh Mân Côi được đọc như sau: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà
Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ
Và Giê su con lòng bà gồm phúc lạ… Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời
Cầu cho chúng con là kẻ có tội Khi này và trong giờ lâm tử Amen…”
Kinh Mân Côi được xem là một trong những lời kinh đẹp nhất dâng về Thánh Mẫu Chúa, được vô vàn các thánh yêu thích và được Giáo hội cổ vũ. Lời kinh đơn sơ giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu dễ thuộc nhưng sâu sắc và dễ dàng hòa nhập vào đời sống đức tin của người tín hữu Việt Nam, nên gần như Giáo dân nào cũng thuộc lòng lời kinh này. Kinh Mân Côi thật đẹp, đáng ca ngợi và chiêm ngưỡng vì có được chiều sâu của sứ điệp Tin Mừng (tin vui Thiên sứ của Chúa báo cho nhân loại về ơn cứu chuộc thông qua Đức Mẹ Maria). Suy ngẫm từng mầu nhiệm kinh Mân Côi là đang dòi bước theo cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu – Đấng Cứu Thế cũng như suy niệm về tấm gương Đức Mẹ. Kinh Mân Côi thường được đọc chung trong các nhà thờ, nhà nguyện trước hoặc sau thánh lễ, các đền, đài, tượng, ảnh Đức Mẹ, trong giờ kinh gia đình, trong các giờ nguyện, các cuộc rước, thậm chí được Giáo dân đọc bất cứ lúc nào họ cầu nguyện và những lúc gặp nguy khốn trong cuộc sống Giáo dân xem đây như là phương tiện, là vũ khí tối tân để tìm đến …Đặc biệt vào tháng Mười – tháng kính Đức Mẹ Mân Côi, bổn đạo dâng nhiều kinh Mân Côi kính Mẹ. Không chỉ lần chuỗi 50 hay 150, bổn đạo còn tổ chức “Chuỗi Mân Côi sống” [6, tr 37]; hoặc kết hợp đọc kinh với suy ngẫm trọng thể các mầu nhiệm Mân Côi. Sách kinh địa phận Hải Phòng – Bùi Chu – Thái Bình có ghi lại Phép Lần Hạt Rất Thánh Đức Bà Văn Côi – mười lăm sự chia ra làm ba phần…Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca – Vườn Rosa quanh trái đất, cảnh thiên nhiên rất diệu huyền…; Văn Côi Thập Ngũ Sự Thi Ca – Phép ngắm Rosa nguyên cội rễ, suy
ơn cứu chuộc loài người thế… để các bổn đạo đọc cách trang trọng trong tháng Mân Côi [6, tr 17].
Linh mục Giuse Hoàng Kim Toan, chánh xứ Giáo xứ Tân Hòa thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn từng chia sẻ: “Trong một lần về nhà, đứa con hỏi mẹ: Tại sao lúc nào Mẹ cũng đọc kinh Mân Côi? Bà mẹ trả lời với con: Lời kinh ấy cho mẹ đức tin. Những ông bố, bà mẹ Việt Nam có khi chẳng đọc được chữ, nhưng nhờ lời kinh Mân Côi mà giữ được đạo cách trung kiên, tâm tình ấy đã được đúc kết qua bao đời, lưu truyền nơi dòng máu người tín hữu Việt Nam. Người tín hữu Việt Nam bình dân bao giờ cũng thích đọc kinh hơn là thinh lặng để suy ngẫm, họ cứ tập họp cầu nguyện ở đâu là đọc kinh râm ran ở đó, thiếu đọc kinh (Mân Côi) là buổi cầu nguyện dường như chưa trọn vẹn…” [53, tr 20]. Vì vậy mới có câu thơ thời trước Công Đồng Vaticanô II ở Việt Nam: “Các thầy đọc sách La -Tinh/Các cô con gái thưa kinh dịu dàng”.
- Kính nhớ Đức Mẹ ngày thứ Bảy hàng tuần và ngày 13 hàng tháng
Tại gia đình, phần lớn các gia đình Công giáo vẫn còn giữ thói quen đọc kinh buổi tối. Lúc đó, cả gia đình quây quần trước bàn thờ đọc kinh và lần hạt. Trong những kinh thường đọc, có nhiều kinh thuộc về Đức Mẹ và hát những bài hát cũng hát về Đức Mẹ. Việc đọc kinh gia đình còn một hình thức nữa thường diễn ra trong chòm xóm vào tháng Năm và tháng Mười hàng năm. Đó là hai tháng mà Giáo hội dành riêng cho việc sùng kính Đức Mẹ. Cách tổ chức thông thường nhất là chủ gia đình đến đăng ký với người phụ trách trong xóm, trong Giáo họ… để người đó sắp xếp ngày giờ. Khi sắp xếp được, gia đình sẽ được thông báo và buổi cầu nguyện diễn ra rất sốt sắng. Những lời kinh tiếng hát lại có dịp vang lên và không thiếu gì người ngoại giáo phái khen ngợi tinh thần đoàn kết của người “có đạo”.
Trong những ngày dành riêng cho Đức Mẹ, ngày thứ Bảy chiếm một vị trí đặc biệt, vì nó được nâng lên thành ngày kính nhớ Đức Maria, người ta không biết những lý do khiến ngày thứ Bảy đã được chọn, chỉ biết đây là truyền thống cổ kính của Giáo hội, nhắc nhở cho con cái Giáo hội biết Đức Mẹ luôn luôn hoạt động trong đời sống Giáo hội, trong ngày này, ngoài việc lần chuỗi Mân Côi, bổn đạo cũng cử hành suy ngẫm về Bảy Sự Đau Đớn Đức Bà.
Có thể bạn quan tâm!
- Thuận Lợi, Khó Khăn Khi Hội Nhập Đạo Công Giáo Vào Việt Nam
- Cách Khắc Phục Khó Khăn Để Truyền Đạo Và Hội Nhập Đạo Công Giáo Trong Văn Hóa Việt Nam
- Sự Du Nhập Và Thờ Kính Đức Maria Trong Hội Thánh Việt Nam
- Bản Địa Hóa Hình Tượng Đức Mẹ Maria Trong Văn Học Công Giáo Việt Nam
- Bản Địa Hóa Đức Mẹ Maria Qua Kiến Trúc Tượng Đài, Đền Thờ
- Bản Địa Hóa Quyền Năng Qua Biểu Tượng Đức Mẹ Maria
Xem toàn bộ 238 trang tài liệu này.
Ngoài việc kính nhớ Đức Mẹ ngày thứ Bảy mỗi tuần, bổn đạo còn dùng ngày 13 mỗi tháng để kính nhớ việc Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại làng Fatim, nước Bồ Đào Nha từ ngày 13/5 đến ngày 13/10/1917, là sự kiện gây chấn động trên thế giới thu hút sự quan tâm của các tín đồ Công giáo cũng như giới truyền thông và những người không theo Công giáo). Sự kiện Đức Mẹ hiện ra trong ngày 13 này được Giáo hội công nhận … kể từ đó ngày 13 hàng năm được lấy mốc để kính nhớ sự kiện Đức Mẹ hiển linh với các sứ điệp ban cho nhân loại.
Để đáp trả sứ điệp Mẹ nhắn nhủ qua sự kiện hiển linh tại làng Fatima - Bồ Đào Nha là: Cải thiện đời sống, lần hạt Mân Côi và tôn sùng trái tim Mẹ. Ở các Giáo xứ trong miền Nam, trong ngày này, các bổn đạo thường đi hành hương kính Đức Mẹ ở Fatima Bình Triệu, thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn, Đức Mẹ La Mã – Bến Tre, thuộc Giáo phận Vĩnh Long, những năm gần đây có thêm hành hương Đức Mẹ Tà Pao, thuộc Giáo phận Phan Thiết. Nhìn chung bổn đạo rất sốt sắng và thành kính.
- Tháng Đức Bà
Tháng năm được Giáo hội Công giáo chọn là tháng Đức Mẹ trên toàn thế giới trong đó có ở cả Việt Nam. Với người Công giáo vùng Đồng bằng Bắc Bộ, trong tháng Đức Bà, ngoài thánh lễ được tổ chức ở nhà thờ ra tín đồ ở đây còn tổ chức các nghi thức đi kiệu Đức Bà, múa hát dâng hoa cũng còn được gọi là tiến hoa hay rước hoa. Thời điểm mà tín đồ Việt Nam thực hiện múa hát dâng hoa từ khi nào hiện chưa có tài liệu cho biết chính xác về niên điểm, nhưng qua nguồn tư liệu mà chúng tôi thu thập được thì đã có từ đầu thế kỷ XX, thu hút đông đảo tín đồ tham gia, tạo nên một không khí lễ hội vui tươi và linh thiêng.
- Mang ảnh tượng, áo Đức Bà, chuỗi Mân Côi trên người
Tín đồ Công giáo Việt Nam thường có thói quen mang tượng ảnh, áo Đức Bà (thường bằng vải mềm, có in tượng Đức Mẹ) hay tràng chuỗi Mân Côi trên người, ngoài để bày tỏ sự yêu kính Đức Mẹ thì hầu hết tín đồ đều cho rằng, để cầu an và tránh những điều xấu. Theo cụ bà T.T.B 87 tuổi tại Giáo xứ Quy Chính cho biết: “Từ bé tui đã được mẹ mua cho cái áo Đức Bà đeo vào cổ, từ đó đến nay lúc nào tui cũng mang áo này trong người không bao giờ bỏ ra, chỉ trừ đi tắm hoặc lúc cần vệ sinh là tui bỏ ra xíu rồi đeo vào ngay, vì tui xem áo Đức Bà này như mạng sống của
tui, nhờ áo Đức Bà nhờ Đức Bà bảo trợ mà tui sống cho đến ngày hôm nay…” (Pv ngày 21/8/2019). Cụ ông T. V.D 83 tuổi một Giáo dân Quy Chính khác lại cho biết: “Ông có thói quen mang chuỗi hạt Mân Côi từ bé, có khi mang ở tay có khi mang ở cổ, có những chuỗi hạt mang nhiều năm cho đến khi nào đứt thì thay chuỗi mới, khi nào có chuỗi hạt trong người ông mới an tâm. Đặc biết những lúc có việc đi xa nhà thì không thể thiếu chuỗi hạt bên mình, đối với ông, chuỗi hạt này cũng giống như Đức Mẹ luôn hiện diện bên ông, gặp chuyện gì là ông lấy chuối hạt ra lần hạt và cầu nguyện liền… nhờ đó mà ông rất an tâm…” (Pv ngày 21/8/2019). Không chỉ những người lớn tuổi, tại Giáo xứ Quy Chính những em nhỏ thiếu nhi chỉ mới 2-3 tuổi đã bắt đầu đeo chuỗi hạt Đức Mẹ, lớn hơn vài tuổi thì đã thành thói quen, vì vậy thay vì đeo các loại trang sức mà nhiều bạn lương dân khác hay đeo thì các em nhỏ nơi đây lại có thói quen và thích đeo chuỗi Mân Côi, thường được làm bằng các hạt nhựa nhiều màu sắc hoặc nhiều loại hạt gỗ, đá có in hình Đức Mẹ, hình Chúa và trang trí hoa văn rất bắt mắt… Em N.M.N 9 tuổi cho hay: “ Trong lần sinh nhật mới đây của em, mẹ tặng em một chuỗi Mân Côi đeo tay bằng đá đẹp lắm, mẹ còn tặng em một tấm hình Đức Mẹ mỗi lần đi học em đều bỏ vào cặp sách… em thích chuỗi hạt đeo tay này vì đi đâu cũng không sợ ma (ma ở đây có thể hiểu là ma quỷ, những thần xấu và những điều xấu)…Em thích đeo cái này có ích hơn mấy cái vòng chuỗi mà các bạn lương dân trên lớp em hay đeo…” (Pv ngày 22/8/2020).
Như vậy việc thờ kính Đức Mẹ không chỉ qua những nghi thức nghi lễ, lần chuỗi Mân Côi hay xây dựng các khu điện thờ Đức Mẹ mà còn biểu hiện qua việc mang theo các hình tượng hoặc các biểu tượng Đức Mẹ bên mình, các biểu tượng này được Giáo dân tôn kính như những vật linh thiêng, xem như là sự hiện thân của Đức Mẹ, vượt trên ý niệm về trang sức hay đồ trang trí mà là vật bảo trợ, vật hộ mệnh… Ở hầu hết các Giáo xứ Việt Nam đều có thói quen này, chúng ta dễ dàng nhìn thấy trên tay trên cổ của Giáo dân đều đeo chuỗi như tại Giáo xứ Vỉ Nhuế - Nam Định, Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - TP. Hồ Chí Minh, Giáo xứ La Vang
- Quảng Trị…
Tín đồ Công giáo tại một số nước vẫn có thói quen đeo những vật thiêng này, nhưng ở Việt Nam thì phổ biến hơn nhiều tạo thành thói quen, phong trào được ủng hộ rộng rãi.
Tiểu kết chương 2
Đạo Công giáo được truyền vào Việt Nam từ năm 1553, trải qua một quá trình truyền nhập, từ những buổi đầu với nhiều khó khăn thử thách cho đến ngày nay, Công giáo Việt Nam đã phát triển và trở thành tôn giáo lớn. Quá trình truyền đạo là cả một hành trình giao lưu tiếp biến và hội nhập với văn hóa truyền thống Việt Nam đầy thăng trầm, có những thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn và có cả những xung đột văn hóa. Từ một tôn giáo với giáo lý giáo luật có phần khắt khe và ít nhiều đối kháng với văn hóa Việt lúc đầu, Công giáo từng bước hòa mình vào văn hóa Việt cũng như sự tác động ngược lại của văn hóa Việt, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho Công giáo Việt Nam. Sự truyền nhập của Công giáo vào văn hóa Việt Nam tạo nên nhiều giá trị văn hóa độc đáo, một trong các giá trị tiêu biểu đó chính là sự bản địa hóa Đức Mẹ Maria.
Cùng với quá trình truyền nhập của đạo Công giáo vào Việt Nam thì Đức Maria một nhân vật có vai trò quan trọng trong đạo Công giáo cũng được truyền nhập sâu rộng trong văn hóa Việt, từ sự phổ biến về mức độ thờ kính của các tín đồ Việt Nam dành cho Mẹ, sự bùng nổ của các cơ sở thờ tự, sự xuất hiện dày đặc của các nhà thờ mang tước hiệu Đức Mẹ, các trung tâm hành hương, linh địa Đức Mẹ trải dài từ Bắc vào Nam, trở thành những trung tâm hành hương Đức Mẹ, thu hút hang triệu tín đồ đổ về hang năm, sự thờ kính Đức Mẹ của tín đồ Việt Nam không chỉ thực hành dựa trên nền tảng giáo lý giáo luật Công giáo và còn mang các yếu tố văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam đan xen trong đó, tạo nên những nét riêng trong các thực hành nghi thức, nghi lễ thừ kính Đức Mẹ tại Việt Nam… và trên hết là vai trò của Đức Mẹ Maria trong niềm tin của tín đồ Việt Nam rất vững chắc, trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời của tín đồ Việt Nam.
CHƯƠNG 3
NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA SỰ BẢN ĐỊA HÓA ĐỨC MẸ MARIA TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI CÔNG GIÁO Ở VIỆT NAM
Từ quan điểm của các nhà nghiên cứu về sự hội nhập phi quan phương của đạo Công giáo ở Việt Nam, trong chương này trên cơ sở kết quả khảo sát tại các điểm nghiên cứu, luận án sẽ tiến hành xem xét những biểu hiện đa dạng của sự bản địa hóa hình tượng Đức Mẹ Maria trong cộng đồng người Công giáo ở Việt Nam sự đối chiếu, so sánh với các yếu tố văn hóa địa phương và tộc người.
3.1. Bản địa hóa hình tượng Đức Mẹ Maria qua tên gọi
Trong đạo Công giáo Đức Mẹ Maria được biết đến bởi nhiều tên gọi (Đức Bà, Đức Mẹ, Trinh Nữ Rất Thánh), các thuật ngữ (Sao Biển, Nữ Vương Thiên Đàng), cầu khẩn (Theotokos, Panagia) và các tên khác (Đức Mẹ Guadalupe, Đức Mẹ Lộ Đức)… Tất cả những tước hiệu này cùng chỉ một cá nhân là Maria, mẹ của Chúa Giêsu Kitô (trong Tân Ước), và được sử dụng một cách đa dạng bởi người Công giáo Rôma, Chính Thống giáo Đông phương, Chính Thống giáo Cổ Đông phương và một số tín đồ Anh giáo. Nhiều danh hiệu dành cho Đức Maria mang tính tín lý hoặc giáo lý, một số danh hiệu khác chỉ mang tính thơ ca hoặc ngụ ngôn, nhưng tất cả tạo thành một phần của lòng sùng kính bình dân, được các giáo sĩ chấp nhận ở các mức độ khác nhau, thêm vào đó là các danh hiệu để thể hiện Maria theo dòng lịch sử nghệ thuật như mẹ Nhân Ái, mẹ Triều Thiên, mẹ Tình Yêu …[12, tr 525]
Khi Đức Maria vào Việt Nam, do là người sinh ra Chúa Giêsu nên Bà được tôn xưng là Đức Mẹ (người Việt kiêng gọi tên tục), đồng thời còn tôn xưng với các tên gọi khác như Đức Bà và đặc biệt cũng được gọi là Thánh Mẫu. Ở một số nhà thờ xứ họ đạo Công giáo vùng đồng bằng Bắc bộ như Đồng Trì (Hà Nội), Kẻ Sở (Hà Nam)… có khắc biển “phương danh Thánh Mẫu” (Danh thơm Thánh Mẫu) bằng chữ Hán, mỗi chữ một biển. Biển được sơn son thiếp vàng, vào ngày xứ, họ đạo đi kiệu, biển được cầm đi trước [24, tr.16-18].
Tại Giáo xứ Khmer Trung Bình ở mỗi khu vực điện thờ tương ứng với mỗi bức tượng Đức Mẹ là kèm theo những tên gọi rất giản dị. Theo linh mục H.V.N 69 tuổi, Linh mục quản xứ Khmer Trung Bình thì Giáo dân Khmer tại đây vẫn gọi tên
Đức Mẹ bằng tiếng Khmer phiên âm theo tiếng Việt là Pre Mia Đa (nghĩa là Đức Bà). Ngoài ra, Giáo dân tại đây còn gọi tên Đức Mẹ Maria theo từng bức tượng thờ kính ở bên trong và bên ngoài nhà thờ tương ứng với tích truyện của mỗi bức tượng. Cụ thể: Bức tượng ở phía trước cổng chính nhà thờ, sát con đường chính vào Ấp Chợ mọi người vẫn gọi vui là “Mẹ đứng đường”, hiểu theo nghĩa tích cực là mẹ chở che và ban ơn cho mọi người đi đường được thượng lộ bình an. Bên phía tay trái nhà thờ có một bức tượng do một bệnh nhân tâm thần xây đắp và mọi người gọi là “Mẹ tâm thần”. Ngoài nguồn gốc đặc biệt của bức tượng thì theo nhiều Giáo dân tại đây cho biết, rất nhiều bệnh nhân có các bệnh về thần kinh khi đến đây cầu nguyện đã được ơn chữa lành. Bên tay phải nhà thờ là đền thờ chính Đức Mẹ với tượng Đức Mẹ và Chúa Giê Su trong trang phục người Khmer, vì vậy Giáo dân vẫn hay gọi là
Đức Mẹ Khmer. 4 Cách gọi tên Đức Mẹ theo tộc người tại Việt Nam cũng thể hiện
tại nhiều nơi khác như đồng bào dân tộc Jarai ở Buôn B2 - thị trấn Ea súp - huyện Ea Súp - Tỉnh Đăk lăk người ta gọi Đức Mẹ là A Mĩ (nghĩa là Đức Mẹ).
Tại Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Thành phố Hồ Chí Minh Giáo dân vẫn gọi Đức Mẹ Maria là “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp” theo niềm tin của Giáo dân vào quyền năng Đức Mẹ Maria. Theo Linh Mục N.M.H 56 tuổi hiện đang phụ giúp tại Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho biết: “Cha thấy Giáo dân ở đây gọi Đức Mẹ bằng nhiều tên gọi khác nhau như: Mẹ, Đức Mẹ, Đức Bà… nhưng gọi nhiều nhất vẫn là Đức Mẹ Cứu Giúp đặc biệt lúc Giáo dân cầu nguyện họ hay gọi tước hiệu này, chắc do Giáo xứ và đền Đức Mẹ lấy tước hiệu này nên quen thuộc hàng ngày và dần trở thành thói quen.” (Pv ngày 19/7/2020)
Tại Giáo xứ Vỉ Nhuế - Nam Định, Giáo dân gọi tên Đức Mẹ Maria là: Nữ Vương, Thánh Mẫu, Mẹ Chúa…Cách gọi này có nhiều điểm tương đồng mà tín đồ gọi Mẫu Liễu Hạnh tại đây.
Đặc biệt, Giáo dân Quy Chính (Nghệ An) lại gọi Đức Mẹ là Mẹ Việt Nam/Đức Mẹ Việt Nam, Đức Bà, … Sở dĩ người ta gọi là “Đức Mẹ Việt Nam” vì tượng Đức Mẹ Maria tại đây được tạc theo mẫu tượng lấy cảm hứng từ hình tượng
4 Điền dã ngày 19/7/2020.
Đức Mẹ La Vang, Mẹ được khoác lên trang phục áo dài khăn đóng truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, sau khi đền thờ Đức Mẹ được khánh thành và trở thành một điểm cầu nguyện Đức mẹ quan trọng của Giáo dân, với hình tượng trong trang phục áo dài khăn đóng, từ đó Giáo dân gọi thêm một tước hiệu mới là: Mẹ Việt Nam, dần dần thành thói quen và trở thành một danh xưng trong đời sống tín ngưỡng của Giáo dân tại đây. Đặc biệt, Giáo dân tại làng đạo Quy Chính thường gọi Bà là Mẹ, một danh xưng phổ biến nhất nhưng cũng rất gần gũi và thân thương.
Tín đồ Việt Nam còn gọi tên Đức Mẹ theo địa danh ví dụ như: Đức Mẹ La Vang - Quảng Trị, Đức Mẹ Tà Pao - Bình Thuận, Đức Mẹ Fattima Bình Triệu - Sài Gòn, Đức Mẹ Măng Đen - Kontum, Đức Mẹ Thái Hà - Hà Nội … Cách đặt tên gắn với các địa dạnh tại Việt Nam càng làm cho Đức Mẹ trở nên gần gũi với văn hóa của mỗi địa phương, gần gũi với quê hương của các tín đồ. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với tín đồ Việt Nam vì với người Việt quê hương là một điều thiêng liêng gắn liền với những gì thân thương, gần gũi nhất.
Trong các lời kinh nguyện và các bài thánh ca danh xưng Mẹ hoặc Đức Bà cũng được sử dụng phổ biến. Chẳng hạn, trong bản kinh cầu Đức Bà của sách Kinh địa phận Vinh (2005) danh hiệu được xưng tụng là: Đức Mẹ, Đức Bà, Đức Nữ, Nữ Vương. Ví dụ:
Ðức Mẹ thông ơn Thiên Chúa.
Ðức Mẹ cực thanh cực tịnh… Ðức Nữ có tài có phép.
Ðức Nữ có lòng khoan nhân…
Nữ Vương các thánh Nam cùng các thánh nữ.
Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông. Nữ Vương linh hồn và xác lên trời…vv
Ngoài ra Giáo dân còn xem Bà là Mẹ các Giáo phận và gắn tên Mẹ theo Giáo phận, ví dụ như: Mẹ Giáo phận Vinh, Mẹ Giáo phận Huế, vv… Đặc biệt tên gọi Nữ Vương xuất hiện rất nhiều trong các lời kinh, bài hát thánh ca và trong đời sống Giáo dân. Tuy nhiên, một trong những tên gọi gần gũi nhất mà Giáo dân hay gọi là Mẹ.