Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần người dân đồng bằng Sông Hồng hiện nay - 19


làng... Nếu như trước đây, yếu tố Thiền Tông và Tịnh Độ Tông giữ vai trò chủ đạo đối với Phật giáo ở đồng bằng sông Hồng thì nay Mật Tông cũng đang dần phát triển. Chính vì vậy, ở đồng bằng sông Hồng hiện nay, đối với các tín đồ Phật tử dù theo Tịnh Độ Tông, Thiền Tông hay Mật Tông, chính quyền các cấp cần tạo được sự đồng thuận vì một mục tiêu chung “tốt đời, đẹp đạo”. Sau nữa, tôn trọng, khuyến khích người dân đi theo tôn giáo mà mình lựa chọn nhưng phải đảm bảo được sự ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của vùng.

Đặc biệt, đối với mỗi tăng ni ở đồng bằng sông Hồng hiện nay không chỉ giảng giải cho Phật tử và quần chúng nhân dân hiểu thấu được lý tưởng sống của đức Phật mà còn phải biến lý tưởng sống ấy trở thành hiện thực, gắn với những hoạt động thiết thực có ích cho nhân sinh, nhân quần, hình thành ở mỗi người, những hành vi đạo đức như làm nhiều điều thiện, không làm điều ác, thực hiện tốt “Thập thiện” mà đức Phật khuyên dạy giúp cho mỗi người dân sống thanh thản, sống có ý nghĩa và có niềm tin vào cuộc sống hiện tại.

Thứ hai, Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Hồng cần kết hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể xã hội và các tổ chức trong và ngoài vùng, thậm chí cả ở nước ngoài, tổ chức có hiệu quả hoạt động từ thiện xã hội, cứu tế an sinh một cách rộng rãi, phổ biến trong Phật tử và quần chúng nhân dân. Cần phải nghiêm túc tổng kết, rút kinh nghiệm những việc đã làm được và cả những hạn chế của công tác từ thiện ở đồng bằng sông Hồng trong những năm qua của Giáo hội Phật giáo. Bởi, bên cạnh ý nghĩa vô cùng lớn lao của các hoạt động từ thiện, phát huy truyền thống tốt đẹp của cư dân, của dân tộc “lá lành đùm lá rách”, “uống nước nhớ nguồn”, “thương người như thể thương thân” thì cũng có không ít hạt sạn bởi sự tham, sân, si vẫn còn. Thực tế cho thấy, vẫn còn một số người đã lợi dụng sự giúp đỡ hảo tâm của nhân dân để trục lợi cho bản thân, sử dụng không đúng mục đích


những khoản ủng hộ đó. Họ làm giàu bất chính, làm mất lòng tin của nhân dân, làm giảm uy tín của Giáo hội Phật giáo cũng như giáo lý của Phật giáo. Đối với những hoạt động không đúng mục đích từ thiện cần phải được nhắc nhở kịp thời, nếu sai phạm lớn phải kịp xử lý nghiêm minh bằng pháp luật.

Thứ ba, Giáo hội Phật giáo các tỉnh trong vùng cần phát huy hơn nữa thế mạnh của Phật giáo vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt, vai trò của Phật giáo Thủ đô Hà Nội như: truyền thống “Hộ quốc an dân”; gắn liền với tri thức và văn hóa của thời đại; gắn liền với các sự kiện lớn của Phật giáo Việt Nam; là nơi nhập thế hành đạo của nhiều bậc cao tăng trong Phật giáo Việt Nam… nhằm hướng dẫn nhân dân, Phật tử trong vùng đẩy mạnh công tác từ thiện cứu tế, hoằng pháp góp phần duy trì nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo đã khẳng định, ngay từ buổi đầu định đô ở Thăng Long, Phật giáo tại đây đã được các bậc quân vương ủng hộ, các bậc cao tăng hoằng truyền, làm cố vấn cho các bậc quân vương trong việc trị nước, an dân, chống giặc ngoại xâm, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tăng ni, Phật tử Thủ đô đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Thời đại ngày nay, tăng ni, Phật tử Thủ đô đều hăng hái tham gia các phong trào thi đua xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chư tôn, Thiền đức, tăng ni được sự tín nhiệm của nhân dân, bầu vào các cơ quan dân cử, đã và đang đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ tư, nếu so sánh với Phật giáo ở Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua, Phật giáo ở đồng bằng sông Hồng đã có sự phát triển nhanh và rộng. Sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ này của Phật giáo ở đồng bằng sông Hồng một phần là nhờ vào sự ủng hộ của các tầng lớp dân cư cũng như của Nhà nước. Đây là thuận lợi không phải tôn giáo nào, hệ phái nào ở Việt Nam hiện nay cũng có được. Các ưu điểm của Phật giáo vùng


đồng bằng sông Hồng ngày càng được nhận thức và ứng dụng trong công cuộc xây dựng chính trị, văn hóa, xã hội và bước đầu phát huy trong kinh tế là do tầng lớp doanh nhân đã và đang quy ngưỡng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 181 trang tài liệu này.

4.2.3. Giải pháp về văn hóa - giáo dục

Việc khai thác, phát huy ảnh hưởng tích cực của thế giới quan Phật giáo cần phải giúp Phật giáo quay trở lại phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân trong vùng. Đảng và Nhà nước ta đã xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Phật giáo là một bộ phận của nền văn hóa dân tộc, do vậy, về nguyên tắc, cũng có thể tạo nên động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay. Hơn nữa, Đảng ta cũng nhiều lần khẳng định, trong quá trình du nhập và phát triển, Phật giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Vì vậy, khai thác, phát huy ảnh hưởng tích cực của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần cư dân đồng bằng sông Hồng hiện nay không chỉ dừng lại ở việc khẳng định, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của nó mà quan trọng hơn là sử dụng những giá trị đó như một nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Cần khuyến khích được nhiều hơn nữa cư dân đồng bằng sông Hồng hiện nay phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của thế giới quan Phật giáo trong quá trình hoạt động kinh tế và tổ chức cuộc sống của họ, khơi gợi tiềm năng và thúc đẩy họ tích cực tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, để đồng bằng sông Hồng thực sự trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần người dân đồng bằng Sông Hồng hiện nay - 19

Đặc biệt, đối với lĩnh vực hoạt động xã hội của Phật giáo, chính quyền địa phương kết hợp với Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành trong vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay cần quan tâm, có hình thức phù hợp giúp đỡ nhà chùa trong việc tổ chức các hoạt động từ thiện theo đúng pháp luật nhưng vẫn đảm bảo lý tưởng từ bi của đức Phật, tránh tình trạng xảy ra như ở chùa Bồ


Đề huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội trong thời gian gần đây. Tạo cho nhân dân niềm tin về sự minh bạch, công tâm của “những hòm công đức”, “khánh, chuông công đức” thì mới có sức thuyết phục người dân làm từ thiện. Ngoài ra, cần quan tâm và đầu tư đúng mức đối với việc bảo tồn các di sản văn hóa, kiến trúc chùa, cổ vật chùa … tránh tốn kém, lãng phí và làm sai lạc kiến trúc vốn có của nó. Công cuộc đổi mới, trùng tu chùa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, thời đại nhưng vẫn phải bảo lưu được văn hóa truyền thống, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng cho cộng đồng cư dân nói chung, đồng bào theo đạo Phật nói riêng.

Bản thân các tăng ni, Phật tử ở đồng bằng sông Hồng hiện nay cũng phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cá nhân, là tấm gương cho người dân noi theo. Nếu hiện thực vẫn còn những tăng ni có lối sống sa hoa, tiêu xài lãng phí, làm trái với giới luật, vi phạm “Ngũ giới”, “Thập thiện” của người tu hành thì thế giới quan Phật giáo sẽ khó có thể là lý tưởng sống cho mọi người dân tin theo. Chỉ khi nào các tăng ni ở đây vượt qua được những tham, sân, si, dục vọng cá nhân thấp hèn, rèn luyện trí tuệ sáng suốt, khắc phục được sự “vô minh” để vươn tới sự thanh tịnh, thuần khiết, không vọng động khi đó mới có thể giảng đạo lý và đưa lý tưởng sống của đức Phật tới cư dân ở đây. Lý tưởng sống của Phật giáo chỉ thực sự có giá trị khi những quan niệm sống của nhà Phật giúp đỡ cho cư dân ở đây có sự nương tựa về mặt tinh thần, giải thoát họ khỏi những khó khăn, bế tắc của cuộc đời, đem lại niềm an ủi cho họ trong cuộc sống, tin vào tương lai.

Giáo hội Phật giáo, chính quyền địa phương và các ban ngành có liên quan ở đồng bằng sông Hồng hiện nay, cần tổ chức hiệu quả và thể hiện tính văn hóa đối với các sinh hoạt tín ngưỡng, các nghi lễ Phật giáo, hướng cho Phật tử và nhân dân trong vùng tiết kiệm, tránh lãng phí, phô trương, kết hợp hài hòa phần lễ với phần hội để đảm bảo tinh thần tôn giáo mà vẫn tôn trọng


phần tín ngưỡng của cư dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ liên quan đến Phật giáo nên được tổ chức biểu diễn thường xuyên vào các dịp lễ hội Phật giáo như lễ Vu Lan, Lễ Phật Đản… để Phật tử cũng như quần chúng nhân dân trong vùng được thưởng thức và thấm nhuần hơn tư tưởng cứu khổ, cứu nạn của nhà Phật.

Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo các tỉnh cần tăng cường kiểm tra cũng như chỉ đạo công việc thuyết giảng giáo lý Phật giáo diễn ra tại các chùa trong những dịp lễ tiết lớn, nhất là đối với các chùa ở vùng sâu, xa trong vùng đồng bằng sông Hồng, tránh tình trạng lợi dụng các buổi thuyết giảng tuyên truyền tư tưởng trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách tôn giáo. Nội dung các buổi thuyết giảng này phải mang đúng tinh thần nhà Phật, giúp người dân cũng như Phật tử hướng thiện, sống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và làm theo luật pháp của Nhà nước. Do ở đồng bằng sông Hồng hiện nay không hiếm các chùa như chùa Diên Quang (Bắc Ninh), chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Quán Sứ (Hà Nội)… vào những dịp lễ tiết lớn như lễ Phật Đản, lễ An Cư Kết Hạ, Lễ Vu Lan… có những buổi thuyết giảng của sư trụ trì thu hút hàng ngàn Phật tử và nhân dân tham dự, nếu không kiểm soát dễ dẫn đến mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Hiện nay, số lượng các nhà sư uyên thâm, có trình độ Phật học và được đào tạo bài bản về Phật giáo ở đồng bằng sông Hồng chưa nhiều. Các nhà sư có trình độ, nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong Giáo hội Phật giáo các cấp trong vùng thường trụ trì ở các ngôi chùa lớn và có tên tuổi. Trong khi đó, đối với vùng thôn quê ở đồng bằng sông Hồng hiện nay, theo thống kê của Viện Nghiên cứu tôn giáo: “Một số người trụ trì các chùa chưa có hiểu biết cần thiết về đạo, giảng kinh nhưng chưa thật hiểu kinh. Thậm chí có chùa không có nhà sư trụ trì mà do cán bộ phường xã và cán bộ về hưu phụ trách với mục đích kinh doanh” [181, tr.277]. Do đó, ở những nơi này, hoạt động Phật giáo


thường diễn ra lộn xộn, là cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng làm nhiều điều phương hại tới niềm tin tôn giáo của Phật tử và quần chúng nhân dân, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến đời sống dân cư trong vùng. Vì vậy, chính quyền các cấp ở đồng bằng sông Hồng hiện nay cần thống kê số lượng các cơ sở thờ tự của Phật giáo còn khuyết sư trụ trì nhanh chóng bổ sung, cắt cử họ về trông nom, để hoạt động Phật giáo ở các chùa này đi vào quy củ. Chính quyền địa phương các cấp ở đồng bằng sông Hồng cũng cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc giám sát, đôn đốc các hoạt động tôn giáo ở các chùa, nhất là đối với những chùa nổi tiếng và ở nơi tập trung dân cư đông; xử lý nghiêm minh những người hoạt động tôn giáo trái pháp luật, thậm chí đối với cả các tăng ni nếu vi phạm cũng phải xử lý để tạo ra sự bình đẳng trong cộng đồng dân cư. Chính quyền cũng cần quan tâm chăm lo, tạo điều kiện để Phật tử và nhân dân tham gia vào các hoạt động tôn giáo.

Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo ở đồng bằng sông Hồng hiện nay rất phong phú và đa dạng. Đó là hàng loạt các công trình thờ Phật có niên đại rất lâu đời như chùa Đọi Son, chùa Tiên Động Thánh Chân, chùa Ông (Hà Nam); chùa Chuông, cụm chùa thờ Tứ Pháp (Hưng Yên); chùa Dâu (Bắc Ninh); chùa Keo (Thái Bình); chùa Yên Tử (Quảng Ninh)… không chỉ có giá trị về nghệ thuật mà còn mang giá trị lịch sử, tâm linh rất quan trọng của dân tộc Việt Nam. Đây là những dấu son Phật giáo trong phạm vi châu thổ sông Hồng. Các dấu son đầy ắp những giá trị văn hóa này nếu được kết hợp với các sản phẩm của nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn, kết hợp với văn hóa ẩm thực ở các vùng miền xung quanh các điểm sáng về Phật giáo, sẽ tạo cho ngành du lịch vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay một thế mạnh riêng biệt - du lịch tâm linh. Vì vậy, Giáo hội Phật giáo các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay cần kết hợp với chính quyền địa phương có kế hoạch xây dựng, phát triển các trung tâm bảo tồn,


phát huy các di sản văn hóa Phật giáo của vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay. Một mặt, tạo nguồn thu nâng cao đời sống vật chất cho cư dân trong vùng, mặt khác qua đây cũng là cách hữu hiệu phát huy ảnh hưởng tích cực của thế giới quan Phật giáo.

Như vậy, một trong những giải pháp căn bản nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần cư dân đồng bằng sông Hồng hiện nay là nâng cao mọi mặt của đời sống nhân dân, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, đối với tín đồ Phật tử ở đây, cần tạo môi trường thuận lợi, ổn định để cho họ an tâm đi theo tôn giáo mà mình lựa chọn, khi đó tác dụng thẩm thấu của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần của cư dân mới thực sự hiệu quả và mới tạo ra những biến đổi tích cực trong đời sống của họ.

Tóm lại, việc gắn liền giữa khai thác, phát huy ảnh hưởng tích cực của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần cư dân đồng bằng sông Hồng hiện nay với hạn chế ảnh hưởng tích cực, đòi hỏi phải có quan điểm duy vật lịch sử và phương pháp biện chứng trong ứng xử với hiện tượng tôn giáo. Để mục tiêu này thực hiện có hiệu quả, ngoài việc phải đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay, phải lấy phát triển kinh tế - xã hội của vùng làm cơ sở, phải có sự nhận thức biện chứng và có sự vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo cho phù hợp với giai đoạn hiện nay thì việc kế thừa một cách có phê phán các thành tựu nghiên cứu đương đại về tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng cũng hết sức cần thiết. Khi đó mới đủ cơ sở để phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần người dân ở đây.


Tiểu kết chương 4


Từ thực trạng và một số vấn đề đặt ra ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần người dân đồng bằng sông Hồng, trong chương 4 đề xuất một số phương hướng. Đó là, thừa nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức của Phật giáo; tăng cường công tác nghiên cứu, nhận diện giá trị văn hóa, đạo đức Phật giáo giáo; các tổ chức chính trị - xã hội cần kết hợp chặt chẽ với các tổ chức Phật giáo và đưa ra các giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần cư dân đồng bằng sông Hồng hiện nay, giải pháp về kinh tế, về chính trị, về văn hóa - giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng, khẳng định ảnh hưởng tích cực của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần cư dân đồng bằng sông Hồng hiện nay phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Thước đo ảnh hưởng tích cực của thế giới quan Phật giáo phải quay trở lại phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân trong vùng, đề cao những giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn những phong tục tập quán tích cực, tốt đẹp của vùng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Xem tất cả 181 trang.

Ngày đăng: 08/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí